Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

23 tháng 11 2009

Xin Chớ Lầm Lẫn Vì Nhẹ Dạ

Cuộc họp mặt của người Việt ở nước ngoài với chính quyền trong nước. Trong nước quảng cáo rất là rùm beng cho cuộc họp này, sẽ có hơn 1 ngàn người tham dự, bà con khắp năm châu đổ về, bàn chuyện xây dựng đất nước, từ đây cả nước sẽ trong ngoài đại đoàn kết, chung tài chung sức, chung tiền của, chất xám xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh...

Xin bạn trước hết hãy suy nghĩ bằng đầu óc tỉnh táo của chính mình.
Tại sao chính quyền độc đảng trong nước phải chờ đến năm nay 2009, - hơn 34 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, để triệu tập một cuộc họp đông đảo bà con hải ngoại về thủ đô Hànội dự cuộc họp này? Ngay từ sau 30-4-1975 đã có ý kiến có cuộc họp rộng rãi giữa đại diện nhân dân cả nước ở miền Bắc và miền Nam, giữa người Việt trong và ngoài nước, để bàn chuyện thống nhất dân tộc cả về địa lý, chính trị và tình cảm, hoà giải hoà hợp dân tộc thật sự, nhưng ý kiến xây dựng này đã bị bỏ qua. Thay vào đó là chính sách trừng phạt, tù đày, kỳ thị, phân biệt đối xử... Với những hậu quả, tổn thất kinh hoàng cho cả người bỏ nước - thuyền nhân và cho bà con trong nước. Lãng phí hơn 34 năm thời gian của toàn dân tộc, vì đâu? Ai gây nên nông nỗi này? Để đến nay vẫn còn chưa hòa hợp thật sự.
Chính quyền trong nước triệu tập, mời bà con hải ngoại về họp có quan điểm thật sự bình đẳng với họ hay không?  Hiến pháp hiện hành ghi rõ mọi công dân bình đẳng trước pháp luật.  Hay là vẫn giữ thái độ và tâm lý kẻ cả, người thắng trận, ban ơn, vẫn theo thói trịch thượng, giảng dạy, huấn thị, rồi phân phát lời khen, ban phát bổng lộc, bằng khen, huân chương, chiêu đãi thịnh sọan, thoả mãn những ước muốn thấp hèn của con người.
Trên quan điểm bình đẳng ngay thật, nhà cầm quyền có sẵn sàng tiếp nhận chân thành những ý kiến, nhận xét, kiến nghị xây dựng của bà con ta, có trả lời ngay thật mọi câu hỏi, chất vấn, vướng mắc của mọi người hay không.  Thế mới là tình anh chị em ruột thịt, nghĩa đồng bào gắn bó với nhau, tôn trọng, bình đẳng với nhau, thương yêu xây dựng cho nhau.  Hay là lại che dấu, tránh né, nguỵ biện, đạo đức giả theo kiểu mờ ám, đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại.
Họ có đủ lương thiện và trung thực để trả lời minh bạch về các vụ án Tổng cục II, Sáu Sứ, Năm Châu, về vụ án "Xét lại chống đảng", vụ tướng Chu Văn Tấn người dân tộc Tày bị đày đọa đến chết, hay rất gần đây là vụ trừng phạt những thanh niên yêu nước biểu tình hòa bình trước sứ quán và lãnh sự quán Trung quốc với biểu ngữ "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt nam", vụ bức tử Viện IDS bằng quyết định 97, cấm phản biện công khai, hay vụ đình chỉ mạng "Tia Sáng" của bộ Khoa học và công nghệ, vụ một mực khai thác Bôxít ở Tây nguyên bất chấp can ngăn của các nhà khoa học am hiểu, và quan trọng nhất là vấn đề bảo vệ từng tấc đất của Tổ tiên để lại và bảo vệ ngư dân trên lãnh hải quốc gia.
Chỉ có giải đáp những băn khoăn vướng mắc trên đây một cách rõ ràng minh bạch, nhà cầm quyền mới khôi phục được niềm tin và những kêu gọi bà con hải ngoại góp công sức và chất xám xây dựng Tổ quốc mới được đáp ứng đầy đủ.
Xin các bạn chớ lầm lẫn ở một số điểm quan trọng dưới đây:
1-/ Phải chăng đảng cộng sản hiện nay không còn như trước kia nữa; đảng này không còn chất cộng sản, đã mang chất tư bản nói chung rồi, nên chống cộng là chuyện không còn cần thiết và thích hợp. Do đó thành tích xây dựng đất nước hiện tại là rất lớn, là đúng hướng, cần ủng hộ.
Sai! Không đúng sự thật ! Đảng CS có điều chỉnh chính sách kinh tế, có cho tư nhân kinh doanh, có khuyến khích làm giàu, dân có nhiều quyền tự do gần như dân các quốc gia láng giềng như mở công ty, buôn bán, đi lại, xuất nhập, du lịch, du học... nhưng đó chỉ là những thay đổi bộ phận. Cái cốt lõi cộng sản còn nguyên vẹn, đó là chế độ độc quyền chính trị, duy nhất một đảng, một mình một chiếu, nắm trọn cả 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nắm trọn các lực lượng chuyên chính là quân đội, công an, cảnh sát, nhà tù, toà án ... Biểu hiện tập trung của chế độ quyền lực độc đoán vô tận ấy là bộ chính trị đảng CS 14 người không do dân bầu, nắm trọn quyền sinh, quyền sát của cả dân tộc, của mỗi công dân.
Hai khái niệm dân chủ và bình đẳng là 2 khái niệm giả dối nhất, mỉa mai nhất dưới chính quyền cộng sản. Độc đóan và đàn áp tuỳ tiện, coi dân chủ bình đẳng là thù địch, là nguy cơ, chính là đặc trưng cơ bản bất biến của chế độ cộng sản, từ khi đảng CS nắm chính quyền cho đến nay.
2./ Phải chăng kinh tế và đời sống nhân dân ta đang phát triển tốt đẹp? Về kinh tế, tuy chính quyền cộng sản đề ra nhiều thành phần kinh tế: quốc doanh, tập thể, tư nhân, bình đẳng (!) với nhau, nhưng trên thực tế kinh tế quốc doanh vẫn nắm quyền chủ đạo, bao trùm, mặc dù phần lớn đều có vốn cực lớn, thua lỗ nặng, nợ lớn không trả nổi, trở thành một gánh nặng, một u bướu kinh niên cho nền kinh tế - tài chính quốc gia.  Đến nay sau khi những tập đoàn quốc doanh đã tỏ ra yếu kém, không sinh lợi, họ lại đang lập ra những tập đoàn kinh tế tài chính khổng lồ để độc chiếm thị trường-hàng hóa-kinh doanh-xuất nhập-dịch vụ-tài chính-tiền tệ-chứng khoán. Do đó phát triển kinh tế và đời sống nhân dân còn rất xa dưới tiềm năng của đất nước. Không thể nào "ra khơi" hay "bay cao" khi kinh tế bị gò bó, ngân sách bị xà xẻo lớn, công nghệ chậm tiến, giáo dục trì trệ như hiên nay.
Không phải ngẫu nhiên mà mấy năm gần đây đoàn chuyên gia của Đại học Harvard cố vấn cho thủ tướng Hànội đã nói thẳng ra rằng đã đến lúc (tuy là quá muộn !) cần đổi mới đồng bộ, cả hệ thống chính trị, đổi mới cả nền tảng của một chế độ đã lỗi thời. Chỉ cần 2 điều quá đơn giản mà then chốt là:
- cho tư nhân làm kinh tế tự do, không hạn chế, cho tư nhân lập cả những công ty, tập đoàn lớn theo đúng pháp luật; giải thể các tập đoàn quốc doanh quan liêu, nặng nề, cổ lỗ, ăn bám, chuyên trốn thuế, nợ thuế, tham nhũng, lạc hậu;
- cho công dân được có lá phiếu tự do chọn người thay mặt mình để cầm quyền từ cơ sở đến trung ương, trên nền tảng tự do lập hội và tự do tranh cử.
Hiến pháp hiện hành hoàn toàn cho phép 2 điều trên đây.  Chính đảng CS đã khôn ngoan, phải nói là ngoan cố hạn chế các quyền ấy bằng những luật lệ vi hiến.
Tại sao 2 điều đơn giản trên đây, Thái lan đã có, Nam Dương cũng có sau nền độc tài Suharto, Philipin có được sau nền độc tài Marcos, Nam Hàn cũng dành được sau nền độc tài Pắc Chung Hy, Đài loan cũng xây dựng nền dân chủ đa đảng trong ổ định sau nền độc đoán Tưởng Giới Thạch ... mà ta thì lại thế này !!!
Xin ghi nhớ những thống kê quốc tế của Liên Hợp Quốc:  Thu nhập bình quân vào loại nghèo nhất châu Á và thế giới (760 đôla/năm); quyền tự do dân chủ của người dân, đứng thứ 167 trên 176 nước; quyền tự do báo chí và tự do internet: thuộc loại 10 nước cuối cùng. Bộ chính trị có bao giờ nhận ra vì sao một dân tộc bất khuất, tinh anh, từng tự nhận là tiền phong, lại hoá ra lạc hậu, đang ở vị trí đèn đỏ của châu Á và thế giới.  Người Việt nam yêu nước nào lại không tủi hổ về hiện tình đất nước, chênh lêch giàu - nghèo mở rộng, tham nhũng hoành hành, báo chí bị chăn dắt và bịt miệng, trí thức chân chính bị đàn áp vu cáo để vô hiệu hoá.
Mong các bạn đã về dự họp hay từng phân vân có nên về nước dự hay không, cũng như các bạn đang theo dõi cuộc họp "lớn" này hãy tiếp nhận vài ý kiến thô thiển nhưng chân thực và ngay thẳng của tôi, một người từng ở trong đảng CS hơn 40 năm trời, nhưng đã vỡ mộng, trở thành nhà báo tự do không một tham vọng chính trị, sống trên đất Pháp, để có thể cất tiếng nói ngay thật của mình, hầu chuyện bà con ruột thịt trong và ngoài nước, từ đó mong có ích đôi chút cho quê hương, Tổ quốc và nhân dân ta.
Xin đa tạ.
Bùi Tín
Paris 20-11-2009


21 tháng 11 2009

Nhìn Ra Biển Đông


Đã có nhiều dấu hiệu cần phải lo xa về tình hình Biển Đông. Không chỉ riêng người Việt lo xa, mà đã thấy rất nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại rồi.
Bên cạnh những cuộc tập trận công khai, động binh nhiều ngàn chiến binh và có đủ hải lục không quân, còn có những cuộc tập trận lặng lẽ trong bóng tối - thí dụ như khi tờ báo Anh Quốc, The Times, dẫn một bản phúc trình Pentagon, tức là Ngũ Giác Đài hay Lầu Năm Góc, loan tin và được AFP trích dẫn để loan lại ngày 08/09/2007 rằng các tin tặc Trung Quốc đã soạn ra kế hoạch để đánh tê liệt toàn bộ hệ thống hàng không mẫu hạm Mỹ xuyên qua một trận tổng tấn công qua mạng tin học.
Báo The Times viết rằng Pentagon đã liệt kê được hơn 79.000 lần âm mưu đột nhập mạng tin học Bộ Quốc Phòng Mỹ trong năm 2005, trong đó 1.300 vụ thành công. Tờ báo Anh Quốc này dẫn bản phúc trình viết cho Đại Học Chiến Tranh Hoa Kỳ của Larry M. Wortzel, rằng: “Điều làm chúng ta cần suy nghĩ là trong nhiều cuốn cẩm nang quân sự Trung Quốc, họ xem Hoa Kỳ như là nước nhiều phần họ sẽ là đối thủ trong trận chiến tranh mới…”
Tất nhiên là Trung Quốc tức khắc bác bỏ là không liên hệ gì chuyện tin tặc cả. Điều suy nghĩ là: Tại sao một bản tin hay như thế mà lại để cho báo Anh loan ra trước nhất? Tại sao người cho tin, nghĩa là người phóng ra bản phúc trình Pentagon, không đưa cho báo Mỹ nào trước? Đơn giản vì đây là bí mật quân sự, và là bí mật quốc phòng. Và nếu đưa cho báo Mỹ, thì báo Mỹ đó có thể bị một ông công tố kiếm chuyện để truy hỏi xem người nào bên trong Pentagon đã phóng bản phúc trình mật về tin tặc này ra.
Qua đây, chúng ta có vẻ như nhận diện ra một cuộc chiến mới: nhiều phần xung trận đầu tiên sẽ là các đặc công tin tặc. Không còn chuyện tiền pháo hậu xung (bắn pháo trước, rồi thúc quân xung phong sau) như thời xưa nữa. Chiến tranh tin học như thế được dùng làm mũi tấn công trước, và hình như đối tượng sẽ là tìm cách đánh cho tê liệt toàn bộ các hàng không mẫu hạm, theo bản tin.
Tại sao lại đánh các mẫu hạm trước? Sao không bắn hỏa tiễn hay phi đạn mang đầu đạn nguyên tử? Sao không cho các tàu ngầm lao vào hải cảng đối thủ? Sao lại muốn nhắm đánh mẫu hạm của Mỹ trước?
Đây là chỗ dân Việt Nam mình cần quan ngại: có nghĩa là, nhà nước Trung Quốc tin rằng chiến trường sắp tới nhiều phần sẽ là Biển Đông, và rằng sau đợt tin tặc tấn công là cần đánh ngay các quân cờ “xe pháo mã” ở Biển Đông, nghĩa là các hàng không mẫu hạm. Nghĩa là, Bắc Kinh không cần nghĩ tới chuyện phóng phi đạn mang đầu đạn nguyên tử vào Washington, D.C. hay Los Angeles kiểu như Bắc Hàn thường hăm dọa Mỹ. Thêm nữa, có thể vì Bắc Kinh không nghĩ là xuyên qua nổi lá chắn phi đạn của Mỹ. Mà cũng có thể là Trung Quốc chỉ thuần túy quan tâm về Biển Đông, nơi cần tóm thu Đài Loan, Trường Sa, Hoàng Sa, và có thể một phần hay trọn gói Việt Nam.
Không chỉ thế, mà xa hơn thì Nhật Bản cũng lo ngại. Báo Japan Today hôm Thứ Sáu 21/09/2007 loan tin rằng, “Hơn 80% dân Nhật Bản trả lời một bản thăm dò của chính phủ (Nhật) lo ngại về viễn ảnh một trận tấn công quân sự vào Nhật Bản, phản ảnh quan ngại của họ về chương trình nguyên tử của Bắc Hàn và việc tăng cường quân sự của Trung Quốc, theo kết quả thăm dò phổ biến hôm Thứ Năm.”
Bản thăm dò giả vờ nhắc tới Bắc Hàn, nhưng thực ra chính phủ Tokyo chỉ muốn nhắn nhủ rằng chỉ lo là riêng với Hoa Lục thôi. Bạn cứ mở bản đồ ra là thấy. Bất cứ nhúc nhích nào của Bắc Hàn, kể cả việc di chuyển 150.000 tù nhân chính trị trong mạng lưới các trại tù tập trung cải tạo của Bắc Hàn đều được không ảnh vệ tinh Mỹ chụp lại. Vậy thì, chỉ cần Bắc Hàn di chuyển một đoàn xe quân đội hay đột ngột tăng lượng thông tin qua các mạng truyền tin là Mỹ biết ngay, và Mỹ đã luôn luôn báo trước vài ngày các cuộc bắn thử nghiệm hỏa tiễn của Bắc Hàn.
Thêm nữa, Nhật không cần sợ Bắc Hàn, vì 37.000 lính Mỹ đang đóng ở Nam Hàn và các nơi trong Thái Bình Dương phải theo dõi Bắc Hàn còn sát hơn nữa chứ. Nghĩa là, lo là lo từ anh Trung Quốc thôi.
Không chỉ là chuyện thăm dò đâu. Mà chính Thủ Tướng Nhật cũng nói lớn tiếng ra rồi.
Tạp chí Time trong số phát hành ngày 13/09/2007, bài viết nhan đề “Asia's Call to Arms” (Á Châu Kêu Gọi Vũ Trang) của tác giả Joshua Kurlantzick có đoạn ghi nhận, trích dịch:
“Hồi cuối tháng 8, sau khi viếng thăm các cơ sở quân sự Trung Quốc, Đô Đốc Mỹ Michael Mullen bày tỏ lạc quan về quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, "Điều tôi thấy là hành động, không chỉ lời nói thôi," theo Mullen khi ca ngợi sự cởi mở của Trung Quốc. "Tôi xem thấy đó rất là tích cực." Nhưng nồng ấm công khai như thế chỉ dường như ngắn ngủi như thời gian đưa cô đào xi-nê Lindsay Lohan vào nơi cai nghiện. Vì chỉ vài ngày sau, Ấn Độ, Úc Châu, Nhật Bản và Mỹ tổ chức một cuộc tập trận hải quân, lần xuất hiện đầu tiên của Hạm Đội Số 7 trong vùng Vịnh Bengal kể từ năm 1971, trong khi Shinzo Abe, lúc đó trong cương vị Thủ Tướng Nhật, kêu gọi làm một "vòng đai tự do" xuyên khắp Á Châu, nối các quốc gia theo chế độ dân chủ trong vùng lại…”
(Hết dịch)
Nghĩa là, đích thân Thủ Tướng Nhật kêu gọi làm vòng đai Châu Á để kềm chân Trung Quốc. Nói thẳng, nói thực, không giấu gì. Cũng không cần giả bộ làm lộ tin qua báo Anh Quốc. Trong khi đó, các lãnh tụ Hà Nội không nói vòng qua đường báo chí Anh Quốc, cũng không nói thẳng như ông Abe, thì lại ra mặt chung vui Tết Trung Thu với đàn anh trong khi lặng lẽ giúp chuộc mạng các ngư dân bị hải quân Trung Quốc bắt cóc.
Nhưng điều trên cho thấy rằng, Nhật, Mỹ, Úc và Ấn có vẻ tin rằng sóng gió sắp tới là sẽ xảy ra trên mặt biển. Thế nên mới cần tập trận hải quân, đặc biệt là cần hàng không mẫu hạm.
Bản tin RIA Novosti loan từ Hồng Kông ngày 31/07/2007 rằng Hải Quân Trung Quốc đang xây dựng 2 hàng không mẫu hạm với giúp đỡ từ Nga và có thể là sẽ hoàn tất vào năm 2015.
Câu chuyện dễ hiểu lắm, bạn nên suy nghĩ như trường hợp thường xuyên nhìn thấy ở các nước công an trị: giả sử bạn mở một tiệm cà phê, hay một tiệm phở ở Hà Nội, hay Sài Gòn. Và từ sáng sớm cho tới tối mịt, lúc nào cũng có mấy lính công an mặc sắc phục ngồi dềnh dàng ngay cửa chính. Chỉ trong vài ngày là bạn thê thảm liền, vì không bao nhiêu khách dám vào tiệm ngồi.
Chuyện đó ở tầm vĩ mô sẽ xảy ra cho Việt Nam vài năm tới, cụ thể là kể từ năm 2015. Lúc đó, Hải Quân Trung Quốc với 2 chiếc hàng không mẫu hạm, trên đó mỗi mẫu hạm là có vài trăm phi cơ tác chiến Mig-21, tới đậu ngoài biển Nha Trang và Vũng Tàu, lấy cớ để bảo vệ đàn em, hay lịch sự hơn thì lấy cớ bảo vệ Trường sa và Hoàng Sa.
Thế là không chỉ ngư dân Việt Nam thê thảm, mà du khách quốc tế cũng rủ nhau bỏ chạy liền.
Đương nhiên là Mỹ cũng nhìn thấy tình hình Biển Đông đang dậy sóng. Thế cho nên, bản tin từ Jim Wolf, ký giả Reuters, loan hôm 19/09/2007, viết là Bộ Trưởng Không Quân Mỹ Michael Wynne nói hôm Thứ Tư 19/09/2007 rằng Mỹ nên giữ nguyên kế hoạch 299 tỉ đô để mua hơn 2.400 chiếc phi cơ chiến đấu F-35 từ công ty Lockheed Martin Corp, khi “ông bác bỏ lời của một nhóm nghiên cứu có thế lực kêu gọi cắt giảm tới phân nửa số lượng mua đã tính – chương trình mua vũ khí tốn kém nhất của Pentagon.”
Chưa hết, ông Bộ Trưởng nói thẳng, “Quý vị nghĩ rằng lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn bao nhiêu? Chỉ 21 chiếc B-2 thôi sao. Xin hãy nghĩ về chuyện đó đi.”
Cũng nên nhắc rằng, trong kho vũ khí của Mỹ có 21 chiếc chiến đấu cơ tối tân B-2 của hãng Northrop Grumman Corp.
Bản tin Reuters cũng viết, “Các điểm có thể bùng nổ chiến tranh có cả Đài Loan, ưu thế quân sự tại Á Châu và cạnh tranh trên toàn cầu vì nguồn dầu và các tài nguyên khan hiếm khác.”
Bạn đừng đọc tới chuyện phi cơ tác chiến mà nghĩ là chuyện trên trời, không liên hệ gì tới mình. Xin nhớ rằng mỗi hàng không mẫu hạm đều có thể mang nhiều chiến đấu cơ. Và đó cũng là lý do vì sao, tin tặc Trung Quốc suy tính chuyện đầu tiên là phải đánh cho tê liệt các chiếc hàng không mẫu hạm của Mỹ.
Trời ạ, vào một buổi sáng nào đó, khi bạn thức dậy bên bờ biển Hội An, ra bàn cà phê ngồi, và nhìn xa xa lại thấy một chiếc hàng không mẫu hạm Trung Quốc đậu chình ình. Hãy suy nghĩ cho lạc quan, có thể là họ tới chỉ vì thiện chí muốn bảo vệ các nét văn hóa Trung Quốc một thời xưa cổ tại thành phố xinh đẹp này.
Hay có phải là họ tới gìn giữ bờ biển China Beach ở Quảng Đà, nơi Chủ Tịch Giang Trạch Dân của họ một thời xuống biển này tắm. Ai mà biết được. Phải chăng, họ vẫn có quyền cắm bảng nơi Giang Chủ Tịch từng xuống tắm, và tuyên bố đó là di tích lịch sử của đồng chí lãnh đạo Trung Quốc?
Xin nhớ, hàng không mẫu hạm và hàng trăm chiến đấu cơ trên đó đều không biết nói tiếng Việt để trả lời cho bạn.
Trần Khải




Tại Sao Chúng Ta Còn Chiến Đấu?


Việt Nam
Tại Sao Chúng Ta Đã Chiến Đấu?
Tại Sao Chúng Ta Còn Chiến Đấu?

Bốn mươi năm về trước, Á châu đang đứng trước một ngả rẽ sinh tử trên con đường tiến về một tương lai vô định vì bị chế ngự bởi ba chiều hướng lịch sử khác nhau.

Chiều hướng lịch sử thứ nhất có liên quan đến hậu quả của những sự tàn sát và hủy hoại do cuộc Đệ Nhị Thế Chiến gây ra và đã để lại nhiều dấu vết tại hầu hết các quốc gia trong vùng này cũng như là thay đổi toàn diện trong vai trò của Nhật Bản tại vùng Đông Á.

Chiều hướng thứ hai là sự kết thúc một cách bất thần của chế độ thực dân da trắng Âu châu trong khắp vùng, do đó gây ra một khoảng trống vô chính phủ tại hầu hết các nước này ngoại trừ Thái Lan và Phi Luật Tân.

Chiều hướng thứ ba là chủ nghĩa Cộng sản đã trở thành một công cụ nhằm bành trướng bằng võ lực mà chủ thuyết và các chiến lược của họ đã được phát xuất từ cái nôi của Cộng sản Quốc Tế, đó là Liên Bang Xô Viết.

Sự rút lui của các nước Âu châu ra khỏi vùng này đã vô cùng có lợi cho các phong trào cách mạng Cộng sản, nhất là sau khi Cộng sản Trung Hoa chiếm trọn Hoa Lục vào năm 1949. Không giống như tại Âu châu, các nước Đông Nam Á chưa hề có kinh nghiệm gì về nền dân chủ Tây phương cả. Vào năm 1950, cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ khi Bắc Hàn xua quân tấn công Nam Hàn và sáu tháng sau đó thì Trung Hoa Cộng sản gửi chí nguyện quân sang giúp cho Cộng sản Bắc Hàn. Chiến tranh do Cộng sản lãnh đạo cũng nổ bùng tại Đông Dương và tại Mã Lai, người Anh cũng đã mất 10 năm trời mới đối phó được với phong tào du kích do Trung Hoa Cộng sản yểm trợ. Tại Nam Dương, Trung Cộng cũng ủng hộ một phong trào nổi loạn của đảng Cộng sản và âm mưu đảo chánh vào năm 1965, tuy nhiên cuộc đảo chánh này đã bị quân đội dẹp tan.

Tình hình nội bộ tại Việt Nam lúc đó là phức tạp nhất. Trước hết, vì nhiều lý do khác nhau mà người Pháp đã không trả lại nền độc lập cho các nước thuộc địa Đông Dương, do đó đã giúp cho các phong trào kháng chiến kết hợp được một cách dễ dàng những người có tinh thần quốc gia yêu nước về phía họ để chống lại người Pháp.

Thứ hai là vì Hồ Chí Minh, người được trui luyện trong lò đào tạo của Liên Xô, đã nhanh chóng củng cố và tóm thu quyền lực căn bản chống Pháp bằng cách dùng thủ đoạn học của Cộng sản Liên Xô là thủ tiêu tất cả những người lãnh đạo của các tổ chức chính trị không theo Cộng sản, những tổ chức có thể cạnh tranh được với thế lực của Cộng sản vì họ vừa chống lại người Pháp vừa chống lại cả Việt Minh Cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Thứ ba là sau khi bản hiệp ước đình chiến tại Cao Ly được ký kết vào năm 1953, Trung Hoa Cộng sản đã viện trợ cho quân đội Cộng sản Việt Nam một số lượng vũ khí tối tân. Việt Minh đã nhận được những loại vũ khí nặng và cả pháo binh dã chiến như súng đại bác 105 ly. Số vũ khí tối tân này đã làm nghiêng lệch cán cân lực lượng đưa đến sự thảm bại của người Pháp tại Điện Biên Phủ.

Thứ tư là chiến tranh càng trở nên khó tránh được khi Hoa Kỳ ủng hộ nền dân chủ phôi thai tại Miền Nam Việt Nam, đã từ chối không chịu tham gia cuộc bầu cử dự định tổ chức vào năm 1956 theo bản hiệp ước phân chia Việt Nam vào năm 1954. Về phương diện địa lý chính trị, từ chối không tham gia vào cuộc bầu cử này là điều thận trọng vì rõ ràng là sau ngày bản hiệp định Genève được ký kết, Miền Bắc Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc tài toàn trị. Tổng Thống Eisenhower đã nhiều lần lên tiếng tiên đoán rằng nếu cuộc bầu cử được diễn ra thì Bắc Việt của Hồ Chí Minh sẽ chiếm được 75 phần trăm số phiếu, việc đó không phải là nhờ ở uy tín của Hồ mà là nhờ ở việc không thể nào có được sự bầu cử tự do và công bằng tại Miền Bắc. Tuy nhiên về phương diện tuyên truyền thì việc tẩy chay bầu cử này đã giúp cho lập trường của Hồ Chí Minh và đã biện minh cho việc Hà Nội chủ trương xâm lăng Miền Nam bằng võ lực hai năm sau đó.

Năm 1958, Cộng sản Bắc Việt đã khai diễn những cuộc tấn công khủng bố tại Miền Nam. Trong vòng hai năm, những toán khủng bố được huấn luyện từ Bắc Việt đã thi hành thủ đoạn ám sát, trung bình chúng giết chết khoảng 11 viên chức xã ấp mỗi ngày. Vào năm 1961, Tổng Thống Kennedy đã dựa vào chiến dịch khủng bố này của Cộng sản để gia tăng con số cố vấn Hoa Kỳ tại Việt Nam. Kennedy nói rằng Chúng ta đã nói đến và đọc những phúc trình cho biết hiện nay có từ 7,000 cho đến 15,000 du kích Cộng sản đang hoạt động tại Miền Nam Việt Nam, ám hại khoảng 2,000 viên chức chính phủ và 2,000 nhân viên cảnh sát mỗi năm, tổng cộng khoảng 4,000 người. Chúng ta phải làm thế nào để chống lại vấn đề đó, một vấn đề khó khăn sẽ kéo dài cho cả thập niên này và đối với tôi thì đó sẽ là một trong những vấn đề lớn lao nhất hiện nay đối với Mỹ.

Đối với quần chúng Việt Nam thì những toán khủng bố sát nhân của Cộng sản là cây gậy đe dọa giết chết bất cứ những người dân nào hợp tác với chính phủ, trong khi đó thì củ cà-rốt là những cán bộ chính trị được xâm nhập vào hoạt động tại Miền Nam sau khi được huấn luyện thuần thục tại Bắc Việt. Bọn cán bộ này huấn luyện cho dân làng tổ chức thành những ấp chiến đấu, đánh thuế nông dân bằng cách thu tóm lúa gạo và cưỡng bức thanh niên tham gia vào lực lượng du kích của chúng. Từ những vùng xa xôi hẻo lánh, những vùng trong những tỉnh gần khu phi quân sự, những tỉnh gần biên giới Lào và Cao Miên và những vùng mà trong tương lai có thể tiến sát đến những đô thị quan trọng, Việt Cộng ngày càng mở rộng khu vực kiểm soát của chúng.

Từ những địa bàn này, Việt Cộng mở rộng tầm hoạt động liên tiếp trên ba lãnh vực. Trước hết chúng gia tăng chiến dịch khủng bố, ám sát những viên chức địa phương, cảnh sát, giáo chức và tất cả những ai tỏ ra ủng hộ chính phủ Miền Nam Việt Nam. Sau đó chúng tổ chức những cuộc tấn công du kích lẻ tẻ nhằm phá rối các hoạt động thương mại, khủng bố tinh thần để lôi kéo các làng xã phải theo chúng.

Sau cùng, đến cuối năm 1964, Cộng sản Bắc Việt đã đưa một số lực lượng quân đội chính quy từ miền Bắc vào Nam, chúng đã có đủ khả năng đương đầu, nếu có thể thì đánh bại cả những đơn vị chính quy của Miền Nam, kể cả quân đội Hoa Kỳ trên chiến trường. Lập luận của Cộng sản là một khi mà Hoa Kỳ tham chiến trên bình diện đại quy mô- như là vào tháng 3 năm 1965- thì nhân dân Hoa Kỳ sẽ không ủng hộ một cuộc chiến tiêu hao lâu dài. Hồ Chí Minh đã tuyên bố một câu về sau rất là nổi tiếng: “Nếu chúng tôi giết được một người lính Mỹ, người Mỹ sẽ giết được 10 người của chúng tôi. Tuy nhiên sau cùng thì chính người Mỹ sẻ bị mỏi mệt.”

Hồ Chí Minh đã nói đúng. Kế hoạch “body counts” (đếm xác địch quân sau mỗi trận đánh) đã bị giới truyền thông và bọn phản chiến Hoa Kỳ không ngớt nói xấu, chê bai và dè bỉu, thế nhưng sau chiến tranh, vào năm 1995 thì Hà Nội đã chứng minh cho thấy Cộng sản đã bị tổn thất rất nặng nề trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày Sài Gòn thất thủ, chính quyền Hà Nội thú nhận rằng có 1 triệu một trăm ngàn bộ đội bị giết và 3 trăm ngàn ngươi khác bị mất tích.

Như vậy, Cộng sản Bắc Việt đã bị tổn thất 1 triệu 4 trăm ngàn người chết trong khi đó Hoa Kỳ chỉ bị tổn thất có 58,000 người và Việt Nam Cộng Hòa là 245,000 người, con số đó rõ rệt cho thấy đó là một trong những bằng chứng cụ thể để loại bỏ nhiều huyền thoại về cuộc chiến tranh Việt Nam. Những người cộng sản, nhất là những cán binh Bắc Việt là những quân nhân tài giỏi và đầy quyết tâm. Nhưng những người du kích quỷ quyệt, không thể nào bắt được (wily, elusive guerrillas) mà giới truyền thông Hoa Kỳ không ngớt ca ngợi hồi đó thì chẳng có gì quỷ quyệt, chẳng có gì là xuất quỷ nhập thần không thể nào bắt được như báo chí truyền tụng khi mà con số tổn thất của bọn du kích này cao gấp 4 lần so với tổng số tổn thất của đối thủ của chúng là Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa. Và một quân đội Hoa Kỳ phải chiến đấu cách xa đất nước của họ gần nửa trái địa cầu, phải chiến đấu với một kẻ thù đầy quyết tâm, phải chiến đấu trên những bãi chiến trường do địch quân lựa chọn thì cái quân đội Hoa Kỳ đó chẳng phải là một quân đội không có tinh thần, một lực lượng bất tài và hỗn độn như là các vị giáo sư đại học, các vị ký giả và các nhà làm phim Hoa Kỳ thường mô tả.

Tại Sao Chúng Ta Đã Chiến Đấu?
Hoa Kỳ thừa nhận Miền Nam Việt Nam như là một thực thể chính trị (political entity) hoàn toàn phân biệt với miền Bắc, cũng giống như là đã công nhận nước Tây Đức, một quốc gia hoàn toàn khác biệt với Đông Đức do Cộng sản cai trị và cũng như là thừa nhận Nam Hàn, khác hẳn với Bắc Hàn do Cộng sản thống trị. Là một thành viên trong Minh Ước Liên Phòng Đông Nam Á (Southeast Asian Treaty Organizatin- SEATO,) Hoa Kỳ cam kết sẽ bảo vệ cho Miền Nam Việt Nam chống lại mọi cuộc xâm lăng từ bên ngoài.

Nam Việt Nam bị Bắc Việt xâm lăng, rõ ràng cũng chẳng khác gì Nam Hàn bị Bắc Hàn tấn công, tuy nhiên cuộc xâm lăng lần này mang nhiều tính cách ngụy biện hơn. Cộng sản Bắc Việt, cũng như là giới phản chiến tại Hoa Kỳ luôn luôn chối cãi cái sự thật hiển nhiên là chính Bắc Việt đã xâm lăng miền Nam và họ luôn luôn tuyên truyền rằng chỉ có những người du kích Cộng sản tại miền Nam đã đứng lên chống lại chính quyền miền Nam, về phương diện lịch sử, đó là một bằng chứng rõ ràng nhất về thái độ đầy gian trá của họ. Có một giai đoạn trong cuộc chiến, Bắc Việt đã tung vào miền Nam đến 15 trong tổng số 16 sư đoàn tác chiến của họ.

Chúng Ta Đã Chiến Đấu Như Thế Nào?
Cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã thay đổi theo từng năm, thay đổi theo từng vùng và quân đội Mỹ cũng không tránh khỏi việc phải thay đổi tư thế cho phù hợp với các biến chuyển chính trị tại Hoa Kỳ.

Nhiều lần trong nước Mỹ ngày nay, chúng ta vẫn còn thấy những hình ảnh đã ăn sâu vào tâm trí của một quốc gia đầy mệt mõi và chán ngán vào thời điểm khi cuộc chiến tranh kết thúc, khi mà những vấn đề khó khăn to lớn trong lãnh vực xã hội đã gây ảnh hưỡng đến một quân đội mất tinh thần, phải nằm chịu trận trong những căn cứ chờ ngày triệt thoái. Khi nhìn lại những tháng sau cùng của người Mỹ tại Việt Nam (1972) người ta dường như quên đi không thèm nhớ đến những nỗ lực và những thắng lợi trên chiến trường trong những năm trước đó.

Tại Hoa Kỳ, người ta gần như quên không thèm biết đến cuộc chiến đã tàn bạo như thế nào đối với những quân nhân trong quân đội Mỹ từng chiến đấu tại chiến trường và họ cũng quên không thèm biết đến các quân nhân Mỹ đã chiến đấu hào hùng như thế nào. Bị đưa sang một nơi cách đất nước trên 12,000 dặm, những người lính công dân của nước Mỹ đã chiến đấu với một sự dũng cảm và bền bỉ mà chẳng bao giờ có ai lại có thể nào hiểu được. Đối với những người chỉ muốn tin rằng cuộc chiến tranh Việt Nam đã được chiến đấu một cách bất tài trên bình diện chiến thuật thì hãy cứ nhìn vào những sự tổn thất khổng lồ mà ngày nay Cộng sản Việt Nam đã tự thú nhận.

Đối với những người vẫn cứ cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh nhỏ bẩn thỉu (a dirty little war,) một cuộc chiến tranh chỉ có thả bom từ trên trời xuống thì hãy nhìn vào con số tổn thất của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Việt Nam: đó là trận chiến tranh mà Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã chịu sự tổn thất lớn lao nhất từ xưa đến nay. Tại Việt Nam, con số chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ bị hy sinh đã cao gấp 5 lần con số bị tử trận trong cuộc Đệ Nhất Thế Chiến, gấp 3 lần con số bị hy sinh trong Chiến Tranh Triều Tiên và tổng số thương vong ở Việt Nam còn cao hơn cả trong suốt cuộc Đệ Nhị Thế Chiến.

Ngoài ra cũng còn có nhiều người chỉ trích rằng quân nhân Mỹ ở Việt Nam đã được ân thưởng nhiều huy chương một cách quá đáng, chẳng hạn như trong cuốn sách National Defense, tác giả James Fallows đã nói rằng Quân Đội Hoa Kỳ đã ân thưởng 1.3 triệu huy chương tại Việy Nam so với 1.7 triệu huy chương về sự anh dũng cho các quân nhân trong trận Đệ Nhị Thế Chiến. Có nhiều tác giả khác, chẳng hạn như sử gia người Anh Richard Holmes trong cuốn sách Acts of War của ông cũng có luận điệu tương tự như vậy.

Sự so sánh này hoàn toàn không đúng vì nhiều lý do.

Lý do thứ nhất là trong những loại huy chương được ân thưởng trong trận chiến tranh Việt Nam, Quân Đội Mỹ đã ân thưởng Không Vụ Bội Tinh cho hàng trăm ngàn quân nhân thuộc Quân chủng Lục Quân hội đủ điều kiện. Không Vụ Bội Tinh không phải là loại huy chương ân thưởng cho những quân nhân chiến đấu anh dũng tại chiến trường mà chỉ là một loại huy chương dành cho những người lính thuộc Lục Quân có đủ một số giờ bay nào đó trên các loại phi cơ trên chiến trường Việt Nam, do đó đã có khoảng trên 1 triệu Không Vụ Bội Tinh đã được cấp cho các quân nhân Mỹ tại Việt Nam, đặc biệt là các phi công trực thăng và nhân viên phi hành, có người đã được cấp trên 40 Không vụ Bội Tinh vì họ có quá nhiều giờ bay.
Nếu chúng ta so sánh 3 loại huy chương cao quý nhất về sự anh dũng thật sự trên chiến trướng thì Quân Đội Hoa Kỳ đã ân thưởng:

1. Medals of Honor (Huy Chương Danh Dự): 289 trong trận Đệ Nhị Thế Chiến và 155 trong trận Chiến Tranh Việt Nam;

2. Distinguished Service Crosses (Anh Dũng Bội Tinh): 4,434 trong Đệ Nhị Thế Chiến và 846 tại Việt Nam;

3. Silver Stars (Ngôi Sao Bạc): 73,651 trong Đệ II Thế Chiến và 21,630 trong Chiến tranh Việt Nam;

4. Trong số trên 400,000 chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến được gửi sang tham chiến tại Việt Nam, có khoảng 103,000 người bị thong vong, có 47 quân nhân được ân thưởng Huy Chương Danh Dự (34 người được truy thưởng sau khi tử trận,) 362 người được ân thưởng Hải Dũng Bội Tinh, (139 người được truy tặng,) và 2,592 người đựợc ân thưởng Silver Stars.

Lý do thứ hai là dù Lục Quân đã ân thưởng 1,3 triệu Bronze Stars (Ngôi Sai Đồng) và Army Commendation Medals (Bằng Tưởng Lục của Lục Quân) nhưng đó không phải là một điều biệt lệ vì ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến, Lục Quân đã ra Quy Định số 600-45 cho phép tất cả mọi quân nhân có Combat Infantryman's Badge tức là đã có phục vụ trong những đơn vị tác chiến hay Combat Medical Badge tức là đã phục vụ trong ngành Quân Y tác chiến đều đương nhiên được ân thưởng Bronze Star. Vào thời gian đó, Lục Quân không có đầy đủ dữ kiện là có bao nhiêu Bronze Stars được cấp phát cho nên sau trận Chiến Tranh Việt Nam có nhiều người đã chỉ trích việc ân thưởng quá nhiều Bronze Stars cho các cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam.

Những Sự Tàn Bạo?
Chúng ta cũng đã có phạm nhiều lỗi lầm tuy nhiên những lỗi lầm đó không lấy gì làm quá đáng như là những kẻ cố tình bôi nhọ những nỗ lực của chúng ta để tuyên truyền cho họ. Phải chiến đấu chống lại một kẻ thù đã được huấn luyện tinh thục với chiến thuật trà trộn vào thường dân trong những khu vực đông dân cư mà nhiều khi dân chúng phải ủng hộ cho họ thì đó là một hình thức chiến tranh khó khăn nhất mà quân đội Mỹ phải đương đầu.

Có một điều khác biệt vô cùng quan trọng là việc cố tình giết chóc những người thường dân vô tội được xem như là một tội hình sự trong Quân Đội Hoa Kỳ. Chúng ta phải nhận hoàn toàn trách nhiệm về vụ thảm sát tại Mỹ Lai. Tuy nhiên cho đến nay, chúng ta vẫn còn chờ phe Cộng sản đứng ra thừa nhận trách nhiệm của họ về việc hàng chục ngàn thường dân vô tội đã bị tàn sát một cách cố tình bởi các cán bộ chính trị của họ vì họ đã xem việc giết người đó như là một trong những chính sách của đảng Cộng sản. Một thí dụ điển hình nhất để khởi đầu là họ hãy nhận lãnh trách nhiệm tại Huế, nơi mà trong dịp Tết Mậu Thân các lực lượng của họ đã tàn sát một cách có hệ thống hơn 2,000 người thường dân tại thành phố Huế trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà Việt Cộng đã tạm chiếm thành phố này.

Chuyện Gì Đã Sai Lầm?
Ngoài những chuyện xảy ra trên các chiến trường thì dường như hầu hết mọi sự khác đều gặp nhiều lỗi lầm quan trọng.

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã khởi đầu và đã được chiến đấu mà không hề có những mục tiêu chính trị rõ ràng. Những yếu tố vô cùng phức tạp trên bãi chiến trường không hề được những người có trách nhiệm phân tách và phê bình về cuộc chiến, tức là các ký giả và các nhà bình luận, hiểu rõ một cách đầy đủ về sự chiến đấu của người Mỹ.

Vốn là một cấp chỉ huy trung và đại đội tác chiến tại chiến trường thung lũng An Hòa ở phía tây thành phố Đà Nẵng, gần như hàng ngày, các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến của tôi đã phải chiến đấu trên ba mặt trận cùng một lúc: một cuộc chiến chống bọn khủng bố, một cuộc chiến chống bọn du kích và một cuộc chiến chống lại các đơn vị chủ lực của Cộng sản Bắc Việt.

Những sự phức tạp và khó khăn này cũng như là những chiến thắng mà chúng tôi đạt được trong việc đương đầu với những yếu tố đó lại không hề được dư luận tại Hoa Kỳ biết đến, trong khi đó các ký giả truyền thông, nhất là những người trong giới truyền hình, lại không ngớt cho chiếu tràn ngập trên khắp các đài truyền hình những hình ảnh tiêu cực về cuộc chiến tranh mà họ không hề biết một mảy may gì về mức độ của cuộc chiến.

Phải đợi đến sau này, khi mà cuộc chiến tranh đã kết thúc, thì người ta mới khám phá ra rằng có rất nhiều đại ký giả người Mỹ, tức là các ký giả hàng đầu của Mỹ, đã bị các cán bộ điệp báo của Việt Cộng xâm nhập khi chúng được các các cơ quan truyền thông này thuê mướn làm phụ tá và do đó chúng đã hướng dẫn các ký giả Mỹ viết hay trình bày những điều vô cùng có đại ký giả sản.

Điều vô cùng quan trọng là cuộc Chiến tranh Việt Nam đã trở thành một cuộc chiến tranh không tuyên chiến (undeclared war) trong một bối cảnh mà xã hội Hoa Kỳ đang bị ảnh hưởng bởi một phong trào phản kháng được tổ chức vô cùng tinh vi. Rất ít người Mỹ trưởng thành sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc biết được rằng một phần lớn phong trào phản kháng này đã xuất hiện một thời gian khá lâu trước khi cuộc chiến tại Việt Nam bắt đầu. Những người lãnh đạo khuynh hướng đấu tranh cách mạng nhằm thay đổi xã hội ở Hoa Kỳ đã thúc đẩy các mục tiêu của họ qua những phong trào như Hủy bỏ Bom Nguyên tử (Ban-the-Bomb) thời thập niên 1950 hay Phong trào Vận động Dân Quyền (Civil Rights) vào đầu thập niên Hủy bỏ.

Việc đáng chú ý là nhóm phản chiến nổi tiếng nhất hồi đó là nhóm Students for a Democratic Society (SDS) đã được thành lập tại Viện Đại Học Michigan qua Tuyên ngôn Port Huron vào năm 1962, hơn ba năm trước ngày quân đội Hoa Kỳ đổ bộ tại Đà Nẵng. Nhóm SDS hy vọng sẽ mang lại cách mạng ở Hoa Kỳ trên bình diện sắc tộc nhưng sau đó thì nhóm này cùng với những tổ chức quá khích cực đoan khác đã nắm lấy cơ hội và khai thác cuộc chiến tranh Việt Nam nhằm phục vụ hữu hiệu hơn cho các mục tiêu chính trị của họ. (Lời người dịch: Nhóm SDS tại Mỹ đã yểm trợ tài chánh và cộng tác vô cùng chặt chẽ với nhóm sinh viên do Huỳnh Tấn Mẫm và Lê Văn Nuôi lãnh đạo vào cuối thập niên 1960-đầu thập niên 1970 và sau này mọi người đều biết rằng cả hai sinh viên đó đều là cán bộ của Cộng sản.)

Cựu Đại Tá Cộng sản Bùi Tín, một cán bộ tuyên truyền cao cấp của Bắc Việt trong thời gian chiến tranh, gần đây đã xuất bản một cuốn hồi ký trong đó ông ta đã đặc biệt xác nhận một sự thật mà các chiến binh Hoa Kỳ đã từng nghĩ như vậy từ nhiều năm trước đây. Bùi Tín nói rằng ngay từ lúc đầu Hà Nội đã nghĩ rằng Hoa Kỳ không thể đạt được thắng lợi nào tại Việt Nam khi mà những phong trào phản chiến Mỹ-mà họ gọi là hậu phương lớn- hoạt động tích cực và thành công ở Hoa Kỳ. Có rất nhiều lãnh đạo hàng đầu của các phong trào phản chiến Mỹ đã trực tiếp phối hợp với các viên chức của Cộng sản Bắc Việt tại Hà Nội. Thí dụ điển hình về những sự phối hợp đó là những cuộc viếng thăm của các đại diện phản chiến Mỹ tại thủ đô Hà Nội trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc biểu tình March on the Pentagon vào tháng 10 năm 1967, chỉ một vài tuần trước trận Khe Sanh và vài tháng trước cuộc Tổng Công kích Tết Mậu Thân.

Đại đa số dân chúng Hoa Kỳ không bao giờ thật sự nghe theo luận điệu của các phong trào phản chiến này. Trong thời gian chiến tranh, có nhiều người Mỹ cảm thấy mệt mỏi và chán ngán đối với một chiến lược quốc gia không hữu hiệu và cuộc chiến kéo dài, đó là một sự thật, tuy nhiên dân chúng Mỹ không hề bao giờ ngưng ủng hộ những mục tiêu thực sự mà Hoa Kỳ và Miền Nam Việt Nam đang chiến đấu chống lại Cộng sản.

Vào cuối tháng 9 năm 1972, một cuộc thăm dò dư luận của Viện Harris cho thấy đa số dân Mỹ, 55 phần trăm ủng hộ và chỉ có 32 phần trăm chống lại việc tiếp tục oanh tạc Bắc Việt, trong khi đó có đến 64 phần trăm ủng hộ và chỉ có 22 phần trăm chống lại việc phong tỏa các hải cảng tại Bắc Việt. Có đến 74 phần trăm người Mỹ đồng ý rằng điều quan trọng là Miền Nam Việt Nam không rơi vào tay Cộng sản Bắc Việt, trong khi đó chỉ có 11 phần trăm không đồng ý về câu hỏi này.

Cuộc Chiến có Đáng Hay Không?
Trên bình diện nhân đạo, cuộc chiến đã mang lại thảm kịch cho hàng trăm ngàn gia đình người Mỹ qua sự tang tóc, tật nguyền và những vết thương về tâm lý. Nhiều cựu chiến binh Việt Nam của Mỹ đã bị đóng dấu ô nhục vì sự bôi nhọ của một số người đồng thời, xem họ như là những nhân vật trong một tấn bi kịch Hy Lạp được trình bày trước mắt người Mỹ. Đối với những người không tham gia cuộc chiến, nhất là những phần tử ưu tú của nước Mỹ, họ nhiều khi cảm thấy bị đe dọa bởi một số hành động của những người đã tham gia cuộc chiến và do đó mà họ đã tự bào chữa bằng cách lật ngược lại cái tam đoạn luận thông thường về quân dịch (syllogism of service): Nếu tôi không trình diện nhập ngũ để đi chiến đấu, đó là vì tôi tin tưởng rằng cuộc chiến tranh đó là một cuộc chiến vô luân (immoral), vậy thì phải nói làm sao đây đối với những người đã tuân hành lệnh nhập ngũ? Nếu những người đã tuân theo lệnh gọi nhập ngũ và lên đường chiến đấu thì được xem như là những người có danh dự (honorable), vậy thì phải nói làm sao đây đối với những kẻ có được gọi thi hành quân dịch và có thể tuân lệnh nhưng họ đã cố tình trốn tránh?

Đa số cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam đều là những người trẻ tuổi mới rời khỏi ngưỡng cửa trung học để bước vào đời binh nghiệp, do đó cơ hội học vấn cũng như là sự thăng tiến về nghề nghiệp của họ đã bị gián đoạn trong những năm tốt đẹp nhất của đời họ. Vậy mà thật là tệ hại khi tại nhiều nơi trên nước Mỹ và trong một số lãnh vực nghề nghiệp, sự chiến đấu của họ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã trở thành những yếu tố bất lợi khi họ ghi danh vào một số trường đại học hoặc đi xin việc làm. Tuy nhiên điều mà đại đa số cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam đã có thể kiên trì và bền chí để tạo dựng nên cuộc sống thành đạt cho họ cùng gia đình của họ đã chứng tỏ một cách hùng hồn về cái giá trị của những người Mỹ đã mạnh dạn đứng lên nhận lãnh trách nhiệm và lên đường phục vụ đât nước.

Trên bình diện quốc gia và trong nhãn quan của lịch sử, câu trả lời thật ra dễ dàng hơn nhiều. Chỉ cần xem lại những sự thật xảy ra sau khi Cộng sản Bắc Việt chiến thắng vào năm 1975 thì người ta ai cũng phải tán dương đối với những điều mà Hoa Kỳ đã cố gắng để theo đuổi việc thực hiện các mục tiêu tại Việt Nam.

Sau khi Cộng sản chiến thắng thì một cuộc diệt chủng đã diễn ra tại Kampuchia, một việc chưa từng xảy ra sau khi cuộc Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Hai triệu người Việt Nam đã chạy trốn ra khỏi đất nước của họ, đa số bằng những con thuyền nhỏ bé và hàng ngàn người đã bỏ mình trên biển cả. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đầy bi thảm dài mấy ngàn năm của nước Việt Nam mà người dân của họ đã phải bỏ nước ra đi sống cuộc đời tỵ nạn ở nước ngoài. Trong nước, trên một triệu người được xem như là thuộc thành phần ưu tú nhất của Miền Nam đã bị đày vào những trại tù cải tạo, hơn 50,000 người đã bị chết trong tù và những người khác tiếp tục bị giam cầm, có người cho đến 18 năm trời.

Những người đã từng cộng tác với Hoa Kỳ cũng như là gia đình của họ đã bị chính quyền Cộng sản trừng phạt bằng những biện pháp kỳ thị cấm đoán trong nhiều lãnh vực như giáo dục, công ăn việc làm và gia cư. Cho đến ngày bị tan rã, Liên Bang Xô Viết đã biến Việt Nam thành một nước chư hầu, đã chi tiêu hàng tỷ mỹ kim và xây dựng một căn cứ hải quân vô cùng quan trọng tại Vịnh Cam Ranh. Thực ra thì chỉ sau khi Liên Bang Xô Viết bị sụp đổ, Cộng sản Việt Nam mới bắt đầu đổi mới để mở cửa cho thế giới bên ngoài.

Tôi Sẽ Còn Chiến Đấu Nữa hay Không?
Tôi hoan nghênh những người khác khi họ không đồng ý với tôi, nhưng mà về điểm này thì tôi không có một sự nghi ngời dè dặt nào cả. Cũng như là mọi cựu chiến binh Thủy Quân Lục Chiến mà tôi đã được gặp lại, điều mà tôi vô cùng ân hận có lẽ là vào hồi đó, đáng lý ra tôi đã phải làm nhiều hơn nữa cho Việt Nam. Không có một kinh nghiệm nào khác trong cuộc đời của tôi lại được xem như là quan trọng hơn là sự thử thách mà tôi đã chỉ huy các anh em Thủy Quân Lục Chiến trong những thời điểm vô cùng khó khăn đó.

Tôi không phải là người duy nhất có cảm nghĩ như vậy.

Vào năm 1980, Viện thăm dò dư luận Harris đã mở một cuộc phỏng vấn các cựu chiến binh Mỹ đã từng chiến đấu tại Việt Nam và cuộc thăm dò này cho thấy câu trả lời chính xác nhất về cảm tưởng của họ: 91 phần trăm cho biết họ rất hài lòng đã phục vụ cho đất nước và 74 phần trăm nói rằng họ vui thích về thời gian phục vụ trong quân đội hồi Chiến tranh Việt Nam. Thêm vào đó, có 89 phần trăm đồng ý rằng quân đội Hoa Kỳ đã bị đưa sang chiến đấu trong một cuộc chiến tranh mà các nhà lãnh đạo chính trị tại Washington không cho họ có quyền thắng trận.

Đối với câu hỏi cuối cùng đó, chắc chắn là lịch sử sẽ có cái nhìn nhiều thiện cảm dành cho những người đã tham gia chiến đâu hơn là những người đã lãnh đạo hay là những người đã chống đối cuộc chiến tranh này./.

Thượng Nghị Sĩ James Webb.

*****

Thượng Nghị Sĩ James Webb là một cựu sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã chiến đấu tại Việt Nam hồi cuối thập niên 1960, đã được ân thưởng nhiều huy chương cao quý nhất trong quân đội Hoa Kỳ, đã từng giữ chức vụ Bộ Trưởng Hải Quân trong chính phủ của Tổng Thống Ronald Reagan và cũng là một nhà báo, một nhà văn rất nổi tiếng với nhiều cuốn sách được xem như là best-seller tại Hoa Kỳ.

Trong Thượng Viện mới của Hoa Kỳ vừa khai mạc vào đầu tháng Giêng năm 2007, TNS James Webb là thành viên của hai ủy ban quan trọng, đó là Ủy Ban Quân Vụ và Ủy Ban Ngoại Giao. Ngoài ra, ông cũng là vị nghị sĩ duy nhất có vợ là người Mỹ gốc Việt, bà Hồng Lê Webb, một vị luật sư tại Washington D.C. và cũng là người duy nhất nói được tiếng Việt. Không những có vợ người Việt Nam, không những nói được tiếng Việt, Thượng Nghị sĩ James Webb là người rất yêu Việt Nam và cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân Miền Nam Việt Nam chống lại Cộng sản để bảo vệ tự do và quyền làm người của chúng ta.

Để biết rõ thêm về lập trường đối với cuộc Chiến tranh Việt Nam của vị tân nghị sĩ Hoa Kỳ này, xin kính mời quý vị độc giả đọc bài Vietnam: Why We Fought & Why We Would Do It Again của ông James Webb đã được đăng trên tạp chí American Legion Magazine (Tạp chí Cựu Quân Nhân Hoa Kỳ) số tháng 9 năm 2003.

Người dịch: Trần Đông Phong.


Quân Đội - Công Cụ Đàn Áp Biểu Tình?


Hầu hết các phương tiện truyền thông trên thế giới đều đồng loạt đưa tin, quân đội Miến Điện đã nổ súng vào đoàn người biểu tình khiến cho nhiều người bị thương vong, thậm chí đã có một vài người bị giết chết. Tuy rằng con số nạn nhân cụ thể được đưa ra không hoàn toàn thống nhất với nhau vì còn tùy thuộc vào nguồn tin được khai thác; nhưng sự kiện nổi bật ở đây chính là hành động xuống tay một cách tàn bạo của Binh sỹ Miến Điện đối với đồng bào của mình đang biểu tình một cách ôn hòa, bất bạo động.
Hành động đàn áp những người dân không một tấc sắt trong tay của chế độ độc tài quân sự Miến Điện hiện nay đã gây ra một làn sóng phản đối cùng với những lo ngại sâu sắc và nhắc nhở cho chúng ta nhớ về sự kiện đàn áp đẫm máu vào năm 1988 của giới quân sự nước này đã từng thực hiện và hàng ngàn người dân Miến Điện đã bị thiệt mạng.
Quân đội vốn là một lực lượng vũ trang quan trọng nhất trong mọi quốc gia được thành lập nhằm mục đích là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Tuy nhiên, một nhiệm vụ khác cũng không kém phần quan trọng vẫn thường được Quân đội đảm trách đó là nhiệm vụ giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội mỗi khi đất nước bị rơi vào tình trạng khẩn cấp. Và đây chính là cơ sở Pháp lý để nhà cầm quyền ở nhiều nước trên thế giới vẫn thường căn cứ, viện dẫn nhằm huy động các đơn vị Quân đội để sử dụng lực lượng này đàn áp các phong trào đấu tranh của chính người dân nước mình mà minh chứng mới nhất chính là chính quyền độc tài quân sự Miến Điện.
Sự kiện Thiên An Môn đã trở thành một biểu tượng kinh hoàng mà mỗi khi có dịp nhắc lại chúng ta vẫn thường được nghe những lời thề thốt, quyết tâm từ mọi phía để không bao giờ lịch sử được phép tái diễn. Tuy nhiên một vài lần khi phải đối diện với những câu hỏi đại để như "Nếu Quân đội Nhân dân Việt Nam phải đối diện với một sự kiện tương tự như sự kiện dân chúng biểu tình ở Thiên An Môn thì họ sẽ phản ứng ra sao? " thì các nhà lãnh đạo có trách nhiệm của Việt Nam đều vẫn tìm cách tránh né mà trả lời rằng sẽ không bao giờ có chuyện biểu tình kiểu đó ở Việt Nam.
Thời gian trôi đi, thời thế cũng đã thay đổi. Những đội quân trước kia bàn tay đã từng nhuốm máu đồng bào của mình thì giờ đây cũng có thể là lực lượng hậu thuẫn quan trọng để tạo ra những cuộc Cách Mạng ngoạn mục.
Hàng loạt các biến động chính trị lớn lao bắt nguồn từ việc xuống đường của người Dân liên tục xảy ra trong thời gian vừa qua đã cho chúng ta thấy vai trò tối quan trọng của Quân đội khi nó quyết định đứng về phía bên nào và bảo vệ ai.
Các chính thể độc tài ở châu Á trước nay vẫn ra sức biện minh cho sự tồn tại của mình bởi cho rằng ở đây có các giá trị riêng thì hiện nay lại đang hướng tới Miến Điện với tất cả sự quan tâm và lo lắng. Lần đầu tiên sau hàng loạt các chính thể độc tài ở Châu Âu bị sụp đổ, một chính quyền độc tài ở Châu Á đang phải đối diện với một thách thức rất đặc trưng của thời đại:"Người Dân đứng lên biểu tình bất bạo động và sự trung thành tuyệt đối của Quân đội đối với nhà cầm quyền được mang ra thử thách!"
Trong quá khứ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng phải đối diện không dưới một lần với đồng bào của mình như vụ đàn áp giáo dân ở Bùi Chu- Phát Diệm hay với những người dân ở Huế.v.v.
Tất nhiên đó là thời kỳ mà ai cũng có thể đổ lỗi cho chiến tranh. Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa và câu khẩu hiệu "Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật" đang được tung hô thì lực lượng Quân đội Nhân Dân Việt Nam (nằm trong lực lượng vũ trang nhân dân) đã nhanh chóng được luật hóa và hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của đảng Cộng sản Việt Nam bộ luật Quốc Phòng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005 nêu rõ:
Điều 13. Nguyên tắc hoạt động và sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân.
“Lực lượng vũ trang nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ... "
Có lẽ vì chưa yên tâm với những điều khoản qui định của bộ luật nói trên mà Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, người thống lĩnh Quân đội Nhân Dân Việt nam đã phải một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam khi ông ta đến sinh hoạt với Tổng cục Chính trị quân đội ngày 27/8/2007 và tuyên bố nếu từ bỏ điều này (đã được luật hóa bằng điều 4 hiến pháp) là tự sát.
Điều 46 – Nhà nước xây dựng quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ hùng hậu trên cơ sở kết hợp xây dựng với bảo vệ Tổ quốc, kết hợp sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân với sức mạnh của toàn dân, kết hợp sức mạnh truyền thống đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm với sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Như vậy là đã rõ. Chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam là bảo vệ tổ quốc, chống ngoại xâm.
Mặc dù vậy, đảng CSVN là đảng có tính cách pháp nhân để toàn quyền lãnh đạo Quân đội Nhân Dân Việt Nam đã cho thành lập trong thời gian vừa qua những đơn vị quân đội đặc nhiệm nhằm chỉ để đối phó với những vụ "bạo loạn" của người Dân Việt Nam có thể xảy ra trong tương lai. Những đơn vị đặc nhiệm này trực thuộc bộ Tư Lệnh Đặc Công đã cho chúng ta thấy tính chất nghiêm trọng và chuyên nghiệp của nó.
Trong một bài viết hiếm hoi nói về một trong những đơn vị đặc biệt này, bài báo với tiêu đề "nhiệm vụ đặc biệt" nhấn mạnh:
"Xác định rõ nhiệm vụ là lực lượng chuyên trách PCKB-BL, lực lượng tấn công đầu tiên khi có sự cố, những người lính đặc công Đoàn M1 đang bước vào thực hiện nhiệm vụ được giao với một quyết tâm cao nhất, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân."
Như vậy, tất cả dường như đều đã được đảng CSVN chuẩn bị một cách chu đáo và sẵn sàng. Từ cơ sở Pháp lý để xác định rõ ràng vai trò lãnh đạo tuyệt đối và duy nhất của đảng CSVN cho đến cơ cấu tổ chức, trang bị huấn luyện các đơn vị Quân đội đặc nhiệm để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao với một quyết tâm cao nhất.
Những biến chuyển tiếp theo ở Miến Điện dù có đi theo chiều hướng nào đi chăng nữa, những nhà lãnh đạo chính quyền CSVN dù có rút ra được những bài học nào để áp dụng vào tình hình cụ thể ở Việt Nam đi chăng nữa, thì câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra ở đây vẫn là: Quân đội Miến Điện đã nã súng vào đồng bào của mình đang biểu tình một cách ôn hòa vậy phản ứng của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam trong tình huống tương tự sẽ ra sao?
Lịch sử đã chứng minh, bất chấp mọi sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng nhất, gian manh và tàn bạo nhất thì cuộc Cách Mạng của các tầng lớp dân chúng bị áp bức vùng lên vẫn có thể thành công một cách bất ngờ, nằm ngoài mọi sự tính toán của những bộ óc siêu việt bởi vì tính chất của Cách Mạng bao giờ cũng là sự đột biến.
Và Quân đội chính là ngòi nổ của sự đột biến đó.
Hồ Gươm





Hãy ''Chửi'' Chính Mình!


Gửi các bạn ở hải ngoại: Các bạn chửi Cộng Sản 34 năm nay chưa thỏa lòng sao? Đã hơn 34 năm, các bạn cứ tiếp tục chửi bới, và chế độ hà khắc ở VN vẫn tiếp tục tồn tại.
Hiện nay, ngay từ trong nước, đã có nhiều nhà dân chủ đứng lên bất chấp nguy hiểm để đấu tranh, điều này đã bộc lộ rõ những nhượng bộ và yếu kém của chế độ. Nhưng sao đến giờ vẫn chưa có một phong trào dân chủ đủ mạnh để thách thức chế độ?
Câu trả lời: bao năm qua, ta cứ mãi lo "địch vận": Nói xấu, chửi bới chế độ hoặc kêu gọi chế độ tự thay đổi, mà không lo "dân vận":
Củng cố sức mạnh dân chủ của cộng đồng hải ngoại để thúc đẩy "dân vận" trong nước và bước cuối cùng là tạo nên một sức mạnh toàn dân buộc chế độ phải thay đổi.
Như vậy, rõ ràng là thất bại không phải là do "địch" mạnh, mà do "ta" yếu. Nói rõ hơn, dân trí Việt Kiều, nhất là trong số những người hay về VN, quá yếu kém nên đã không thể thúc đẩy một phong trào dân chủ toàn dân ở trong nước.
Người trong nước thì bị bưng bít thông tin nên mù mờ về khái niệm dân chủ pháp trị đã đành, còn người Việt nước ngoài, những người đã định cư ở những xứ có nền dân chủ pháp trị cao nhất trên thế giới, thì sao?
Một sự thật đáng buồn: ngoại trừ một số ít trí thức hiếm hoi (tỉ lệ cao hơn ở các nước Châu Âu) có thể viết lách, lý luận và còn chút ưu tư đất nước, còn lại đa số Việt Kiều mặc dù đã tiếp cận với nền văn minh dân chủ Phương Tây đã lâu nhưng đã chẳng học hỏi được gì, bởi đa số họ vốn xuất thân từ một lối sống èo uột nửa Tây nửa phong kiến, khi ra được nước ngoài (dù là vượt biên, HO, con lai hay diện ODP) đều chỉ biết có một mục tiêu duy nhất là đồng tiền chứ không biết trau dồi tri thức (lười đọc sách, chỉ nghe nhạc hoặc xem Video).
Họ còn cư khư khư giữ lấy những cái "Việt Nam" lẽ ra phải bị đào thải từ lâu. Họ sợ lớp trẻ quên tiếng Việt nhưng lại không biết lo rằng coi chừng tiếng Anh của chúng chưa đủ để tiếp cận tinh hoa văn hóa của phương Tây. Họ còn thích nghe những bản nhạc than khóc não nùng èo uột muôn thưở kiểu Việt Nam vốn có khả năng làm con người mềm yếu, mất tính chiến đấu (kiểu băng nhạc TN Paris) mà trước năm 1975 đã góp phần vào sự bại trận của miền Nam.
Ngoại ngữ kém cỏi (tiếng Mỹ, Pháp...) cũng là một đặc điểm nữa của cộng đồng Việt Kiều. Không phải là điều đáng ngạc nhiên khi dư luận Mỹ (và ở các quốc gia Châu Âu khác) cho tới giờ này vẫn biết rất ít về công cuộc đấu tranh dân chủ của người Việt hải ngoại. Bởi vì trong đa số VK, khả năng viết, nói và đọc ngoại ngữ rất kém, cho nên không thể trao đổi tư tưởng hoặc truyền đạt thông điệp của mình cho người bản xứ.
Có một sự việc đáng buồn nhưng ít ai biết từ mấy chục năm qua, đến gần đây mới lộ ra. Ở New Orleans, US, nếu không có cơn bão Katrina vừa rồi, thì đâu có ai biết là rất nhiều người Việt định cư ở New Orleans không biết nói tiếng Anh và không thể tiếp xúc với Cảnh Sát khi có việc cần. (đây là những người qua đây từ 1975 đã có cơ nghiệp vững vàng, chứ không phải những người mới qua).
Ở những nơi tập trung đông người Việt như California, Georgia, Texas, và vùng Washington DC, mọi giao dịch đều dùng tiếng Việt, kết quả là trình độ ngoại ngữ của người Việt rất kém.
Đã không tiến bộ, thì phải thụt lùi. Lối tư duy, lý luận và cách hành xử của Việt Kiều giờ này chẳng khá hơn bao nhiêu khi còn ở Việt Nam. Hãy xem xét những hoạt động "văn hóa" của Việt Kiều ở hải ngoại. Có mấy ai đọc sách, suy tư, hoặc viết lách khi rảnh rang. Họ chỉ biết, từ năm này qua năm khác (1984 đến giờ) khi rảnh thì đón mua băng TN Paris để nghe đi lại nghe lại những bài nhạc "quê hương" cũ rích chỉ thay đổi có ca sĩ trình bày và để nghe ông NNNgạn và cô "đào" dài chân mặc váy ngắn (và rất ưa "phô" nó ra) NCK Duyen nhai đi nhai lại ba cái chuyện đàn ông đàn bà ghen tuông nhảm nhí, thiếu vắng chiều sâu về tâm lý xã hội cũng như nghệ thuật hài hước.
Tương tự như vậy, giới Việt Kiều rất "mê" HLinh và VSơn với những trò hề rẻ tiền được lập đi lập lại muôn thuở: ỏng ẹo giả gái, giả giọng Phú Yên, giọng Bắc, giọng Quảng, lời lẽ chợ trời thô tục.
Những thứ giải trí thô lậu này xem ra vô bổ vô hại, nhưng thật ra là tai hại rất nhiều cho công cuộc đấu tranh dân chủ, vì chúng vô tình đóng góp vào chiến dịch "địch vận" của CSVN ngay trong lòng cộng đồng Việt Kiều. Nếu bạn là một cán bộ địch vận CS, còn gì mừng cho bằng khi những kẻ ngày xưa đã từng lớn tiếng tự nhận là "tị nạn chính trị" phải hy sinh cả tính mạng bản thân và gia đình để "đi tìm bến bờ tự do", giờ này chỉ biết chạy đôn chạy đáo kiếm tiền, cơm ngày 3 bữa no nê nằm ễnh ngửa trên sa lông thưởng thức những băng nhạc hề nhảm nhí, những bản nhạc than khóc hay ca tụng (rỗng tuyếch) quê hương đất nước và hễ có dăm ba ngày nghỉ và dư vài ngàn đô là đem về VN "thả", xây nhà cất cửa, du lịch, ăn nhậu - đàn bà thì khoe khoang đồ trang sức quần áo, đàn ông thanh niên thì đi tìm gái, lấy vợ "hai, hoặc ba".
Mỗi năm, hàng triệu người Việt về thăm quê, ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi chuyển tải một số tài liệu dân chủ vào trong nước, còn đại đa số là về VN để vung tiền đô la, khoe khoang, hưởng thụ, giải trí. Thậm chí còn buôn lậu nữ trang hoặc ma túy. Khi về VN, họ cố tình ăn mặc cho "ra vẻ VK", họ đòi hỏi tiện nghi này nọ, chê bai đường sá, nhà cửa ở VN thiếu tiện nghi. Chẳng trách sao người Việt trong nước vẫn đang nhìn Việt Kiều qua lăng kính "đô la". Dưới mắt họ, Việt Kiều là những "chủng loại" lạ lùng chẳng giống ai từ nước ngoài về, có rất nhiều tiền đô và cách ăn mặc, cư xử, dáng dấp ngoại hình không giống người trong nước (mập, trắng trẻo, xem "sang" hơn, hay đeo cái "bao tử (túi đựng tiền xu) ở bụng, đeo nhiều vòng vàng nữ trang hơn...), khi nói chuyện thì giả bộ quên tiếng Việt hoặc bập bẹ vài chữ tiếng Anh cho ra vẻ.
Về khía cạnh nhân đạo, không thể khoe khoang hưởng thụ ngay trên quê hương mình vốn vẫn đang rất nghèo với hàng chục triệu người dù phải làm việc cật lực mà mỗi ngày không kiếm được hơn một đô la (khoảng 16 ngàn VNĐ). Nói thẳng ra, đây là hành động vô lương tâm.
Về khía cạnh dân chủ, cách hành xử nhố nhăng của đa số Việt Kiều khi về nước đã vô tình phá hoại (undermine) sự nghiệp đấu tranh của các nhà dân chủ trong cũng như ngoài nước. Đất nước còn nghèo, người VN cần tiền để mưu sinh. Tiền đô có thể giảm cái đói nghèo tạm thời. Nhưng để đổi đời, người Việt Nam cần một chế độ dân sinh dân chủ. Để được như vậy, người Việt trong nước cần những tấm gương dân chủ để noi theo, chứ không phải những tấm gương "đô la" qua lối hành xử nhăng nhít của Việt Kiều hiện nay. Chừng nào mà người dân trong nước nhìn mỗi Việt Kiều về nước như là một biểu tuợng của tinh thần trung thực, nhân ái, công bằng, tự do và dân chủ, trái ngược với hình ảnh mà họ thấy từ những cán bộ Đảng giảo quyệt, tàn ác, tham lam, độc đoán, thì chừng đó sự nghiệp dân chủ cho Việt Nam mới hy vọng có cơ hội.
Không bắt buộc mỗi Việt Kiều về nước phải là một "chiến sĩ dân chủ". Nhiều Việt Kiều bây giờ không màng đến chuyện chính trị vì lý do này khác. Đây là tự do cá nhân của họ, ta không thể bắt buộc. Tuy nhiên, với tư cách là một người Việt Nam sống ở những xứ sở dân chủ có nền dân trí cao độ, họ có trách nhiệm phải thể hiện một lối sống văn hóa xứng đáng với người dân và xứ sở đã cưu mang giúp đỡ họ trong những ngày khốn cùng chân ướt chân ráo mới nhập cư. Chính xã hội mang tính trung thực, năng động, nhân đạo, công bằng, dân chủ cao độ của người dân Tây Phương đã giúp cho người Việt định cư ở nước ngoài có thể hội nhập và thành đạt nhanh chóng.
Vậy thì những người Việt này sau khi thành đạt rồi phải có trách nhiệm, phải học hỏi và thực hành tinh thần này mỗi nơi, mỗi lúc.
Khi ở bản địa thì không được gian lận, luồn lách qua mặt luật pháp (kiểu giả nghèo xin foodstamps, giả ly dị để xin trợ cấp single parents, đi làm tiền mặt để trốn thuế...) để khỏi phá vỡ nền dân chủ quí giá mà chúng ta đang thừa hưởng.
Khi về Việt Nam thì hãy là tấm gương sáng về đạo đức, dân trí để hầu khai sáng dân trí và vô tình hay hữu ý thúc đẩy một lộ trình tự do dân chủ cho Việt Nam.
Mỗi Việt Kiều, khi về Việt Nam, phải hòa đồng (chứ không hòa nhập) với người trong nước. Phải ăn như họ. Phải mặc như họ. Phải chịu đựng cái họ phải chịu đựng và phải vui cái vui của họ. Tuy vậy, không đánh mất mình và luôn tận dụng mọi cơ hội để noi gương sáng dân trí. Không cần thiết phải đả động đến các vấn đề chính trị, nhưng phải gieo trồng hạt giống của tư tưởng dân chủ. Đây là con đường tuy dài nhưng thực tế và chắc chắn.
Hãy ngừng chửi Cộng Sản. Hãy làm "dân vận" bằng những hành động cụ thể nhất có thể làm được. Nếu bạn đồng ý với bài viết này, hãy đi mua ngay một máy in rẻ tiền, một xấp giấy in, và in bài viết này gửi tới địa chỉ của những người quen (hay không quen) của bạn ở Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Nga..., nhất là những người mà bạn biết rằng hay về VN thăm thân nhân hay du lịch. Đừng sợ mất lòng. Hãy đánh thức lương tâm, khai sáng dân trí của Việt Kiều để mỗi Việt Kiều bình thường khi về nước sẽ là một biểu tượng của tinh thần trung thực, công bằng, nhân ái, tự do và dân chủ.
Trần Bình