Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

29 tháng 9 2010

Trung Quốc đang nghĩ gì?

The Council on Foreign Relations (CFR)

23/9/2010

Joshua Kurlantzick

image Sau những tháng bất ổn gần đây trên Biển Đông và bây giờ là những căng thẳng với Nhật Bản, tôi có nhiều câu hỏi, mà quan trọng nhất là: Trung Quốc đang nghĩ gì?

Như tôi đã ghi chép trong cuốn Charm Offensive: How China's Soft Power Is Transforming the World [tạm dịch Chiêu thức quyến rũ: Quyền lực mềm của Trung Quốc đang biến đổi thế giới như thế nào?], từ cuối thập niên 1990 cho đến giữa những năm 2000, Bắc Kinh đã làm một công việc tuyệt vời: trình bày diện mạo của một "anh hàng xóm" tử tế, một "cầu thủ" tích cực trong các "đội hình" của khu vực, một "diễn viên" tài năng với cách hành xử hoà hợp đối với các quốc gia phát triển ở Đông Á, mà đặc biệt là Đông Nam Á. Thế nhưng, chỉ vài tháng qua, Bắc Kinh đã tự hủy hoại nhiều thành tựu ngoại giao mà phải mất cả một thập kỷ để tích lũy.

Việt Nam đã nhanh chân theo đuổi sự hợp tác với Hoa Kỳ. Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang thúc giục Washington trở lại khu vực và thậm chí cả Campuchia, nơi mà giới lãnh đạo vốn không ưa gì các cường quốc phương Tây, lại cũng đang hâm nóng quan hệ với Washington.

Vậy câu hỏi là tại sao? Chắc chắn, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra các hành động leo thang gây hấn của họ ở Biển Đông và các vấn đề khác đã phá hủy ít nhiều uy tín. Dưới đây là 3 câu trả lời khả dĩ:

1. Canh bạc dài. Tôi nghĩ rằng các quan chức Hoa Kỳ, các chuyên gia, viện sĩ đôi khi đã trao cho Trung Quốc quá nhiều sự tin cậy trong việc hoạch định chính sách vĩ mô. Tom Friedman (tác giả Thế giới phẳng) đã viết quá nhiều cột báo ca ngợi các chiến lược năng lượng của Trung Quốc. Nhưng cũng có thể Bắc Kinh đang đi nước cờ mạo hiểm, mặc dù các hành động khiêu khích của họ đang nhất thời gây phản ứng từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ, bằng cách đặt cược vào các sức mạnh khác, qua thời gian các quan điểm sẽ chuyển biến theo cách đặt cược đó, sao cho Trung Quốc phải chi phối các cuộc thảo luận về tranh chấp Biển Đông và các vấn đề khác.

2. Tình cảm quốc gia. Nếu người Mỹ quá thường xuyên tâng bốc chiến lược tư duy của người Trung Hoa, họ lại cũng thường đánh giá chưa cao sức mạnh tình cảm quốc nội của người Trung Quốc. Mỹ gia tăng thăm dò tiềm năng dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông và các vùng khác, khiến giới học giả, văn sĩ theo chủ nghĩa dân tộc và quân đội Trung Quốc không thể làm ngơ, chính phủ Bắc Kinh đã phải phản ứng. Đặc biệt, nên nhớ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo không có được sự tín nhiệm ở nơi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa so với các nhà lãnh đạo trước đó.

3. Đánh giá thấp sức mạnh của khu vực nhỏ hơn. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh có một sự hiểu biết khá hơn về các quốc gia khác trong khu vực so với hai mươi năm trước, nhưng họ vẫn có xu hướng đánh giá thấp năng lực và tham vọng của các nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á có thể dám quay lại chống chính sách của Trung Quốc. Khinh suất này đặc biệt rất rõ ràng trong vấn đề Việt Nam – nơi có tinh thần chống Trung Quốc mạnh mẽ và ăn sâu trong tình cảm các nhà lãnh đạo cũng như toàn thể nhân dân. Ngược lại, không nhiều các vị lãnh đạo Trung Quốc hoặc người dân đại lục thường xuyên nghĩ về Việt Nam một chút nào.

Quốc Ngọc dịch

Từ http://blogs.cfr.org/asia/2010/09/23/what-is-china-thinking/

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN


Mượn lời người để nói ý mình: một mánh quen dùng của nhà đương cục Trung Quốc

Bút Chẳng Tà

image Để lừa gạt dân chúng trong nước, để tránh phiền phức về đối ngoại…, nhiều khi nhà đương cục Trung Quốc không dám nói hoặc không tiện nói rõ ý mình; trong trường hợp này mánh quen dùng của họ là mượn "lời người" nói hộ, dù có khi chẳng ai biết nguồn tin họ dẫn ra đó có thật hay không, có đáng tin hay không.

Dưới đây là một vài ví dụ:

- "Giới truyền thông Nhật nói, được Mỹ ủng hộ, Việt Nam và các nước khác gây áp lực với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông", mạng Huanqiu.com, ngày 24/7/2010 dẫn tin của hãng Kyodo Nhật ngày 23/7/2010.

Ấy, mượn lời Nhật nói, để đỡ va chạm với Mỹ và kích động dân trong nước "ác cảm" với Việt Nam.

- "Báo Hồng Công nói, Việt Nam tích cực lôi kéo lực lượng quốc tế chống đối Trung Quốc", mạng Huanqiu.com ngày 30/7/2010 dẫn tin của Á châu thời báo Hồng Công ngày 30/7/2010.

Đấy là báo Hồng Công nói chứ không phải tôi đâu, "chú em 4 tốt"ơi!

- "Triều Tiên nhật báo: chuyến thăm Mỹ vào cuối tháng của Hồ Cẩm Đào có thể dường như bằng không", mạng milchina.com ngày 12/8/2010 dẫn tin.

Tôi có nói thế đâu? Anh bạn Triều Tiên nói đấy chứ! Tôi đâu dám dọa Mỹ? Dân Trung Quốc ơi, chúng ta đâu có sợ Mỹ!

- "Truyền thông Đài Loan: diễn tập quân sự của đại lục quyết không phải là đọ sức với Mỹ, mà là mong Mỹ tôn trọng chủ quyền Trung Quốc", mạng milchina.com ngày 14/8/2010 dẫn từ Thời báo Trung Quốc của Đài Loan ngày 11/8/2010.

Không phải chúng tôi chống Mỹ đâu, xin người bạn Mỹ hiểu cho, chúng tôi chỉ cần sự tôn trọng thôi mà! Đài Loan – bạn thân, chân tay của Mỹ – nói đấy chứ, không phải chúng tôi nói, nhưng đúng tim đen chúng tôi đấy!

- "Truyền thông Mỹ nói, Kim Jong Il cấp cho cán bộ cấp cao Triều Tiên hơn 160 ô tô du lịch Mercedes", mạng Huanqui.com ngày 31/7/2010 đưa tin theo theo Trung ương nhật báo Hàn quốc ngày 31/7/2010 nhưng báo này lại dẫn theo tin Mỹ.

Chẳng lẽ lại nói, sao chú mày dám chi tiền viện trợ của ta hoang phí làm vậy! Mượn lời Hàn Quốc và Mỹ để cảnh cáo anh bạn chư hầu Triều Tiên thôi!

- "Hồng Công kinh ngạc kêu: không ngờ có tới 97% quan chức nội địa Trung Quốc phản đối kê khai tài sản".

Đưa tin 97% cán bộ đương chức tẩy chay một chủ trương lớn của mình thì nhục quá. Đành nhờ Hồng Công nói đỡ.

- "Truyền thông nước ngoài chú ý tin chính thức nói Trung Quốc đã trở thành thể chế kinh tế lớn thứ 2, đến năm 2025 sẽ vượt Mỹ", mạng Huanqiu.com ngày 31/7/2010 đưa tin theo Reuter Anh, mạng truyền hình Mỹ…

Chả biết hư thực thế nào, cứ để thiên hạ nói hộ, trước mắt khiến một phần dân chúng trong nước phấn khởi, còn nếu không phải vậy cũng có xấu hổ gì đâu, vì nước ngoài nói, chứ tôi có nói đâu!

- "Hồng Công bóc trần: ngoại giao kinh tế Trung Quốc càng đánh càng thua, hình tượng không ra gì, ai thấy cũng khinh", mạng milchina.com ngày 31/7/2010 đưa tin.

Tự mình thừa nhận thì vừa nhục vừa hèn quá. Mượn lời người nghe nhẹ hơn mà vẫn chứng tỏ chúng tôi công khai với dân chúng, ngay cả những thất bại.

V.v. và v.v.

B. C. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

http://boxitvn.wordpress.com/2010/09/29/m%c6%b0%e1%bb%a3n-l%e1%bb%9di-ng%c6%b0%e1%bb%9di-d%e1%bb%83-ni-mnh-m%e1%bb%99t-mnh-quen-dng-c%e1%bb%a7a-nh-d%c6%b0%c6%a1ng-c%e1%bb%a5c-trung-qu/


Châu Á cảnh giác khi Trung Quốc khẳng định tham vọng lãnh thổ

AFP, 23/9/2010

image Các diễn biến gần đây đã chứng thực rằng Trung Quốc phải đối mặt với Nhật Bản và Hoa Kỳ vì tham vọng lãnh thổ của mình. Các quốc gia Châu Á khác thì đang đề cao cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân "ruồi muỗi" khi "trâu bò húc nhau".

Trung Quốc có một danh sách dài các tranh chấp về đất đai và biển đảo. Bao gồm dải cao nguyên Himalaya tranh chấp với Ấn Độ và các đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa cũng đang tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei.

Khi nền kinh tế chính trị của Bắc Kinh ngày càng lớn, giờ đây nhiều nước láng giềng của Trung Quốc phải tìm chỗ dựa tin cậy để bảo vệ lãnh thổ của mình trước một người khổng lồ mà hiểu theo nghĩa đen, họ không có khả năng "đụng chạm".

Những lời đe dọa dùng biện pháp mạnh của Trung Quốc đối với Nhật Bản – quốc gia đã từ chối phóng thích một viên thuyền trưởng tàu cá người Trung Quốc bị phía Nhật Bản bắt giam trong sự cố xảy ra tại vùng biển tranh chấp ở Hoa Đông cách đây hai tuần – đã gây rúng động cả khu vực.

Và Bắc Kinh đã cảnh báo Hoa Kỳ không được dính vào một trong các tranh chấp phức tạp nhất hiện nay, chính là Biển Đông, trong cuộc họp giữa Tổng thống Barack Obama và lãnh đạo các nước Đông Nam Á hôm thứ Sáu vừa qua tại New York.

Các quốc gia nhỏ hơn phải bảo đảm họ không trở thành, nói như một câu ngạn ngữ xưa "đám cỏ trong bãi đấu trâu", ông Simon Tay thuộc Viện Quan hệ quốc tế Singapore nói. Theo ông Tay, nếu các cường quốc đang cạnh tranh với nhau bắt đầu động thái "đẩy, kéo", thì 10 thành viên khối Đông Nam Á phải xuất hiện như một mặt trận thống nhất, chứ không được phân mảnh kiểu Chiến tranh lạnh.

Trung Quốc kịch liệt phản đối việc "quốc tế hóa" các tranh cãi lãnh thổ của mình. Họ thích đối phó nhẹ nhàng với mỗi nước có tranh chấp trên cơ sở song phương, một cách thức mang lại cho họ nhiều ưu thế hơn.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đề xuất một cách tiếp cận đa phương về Biển Đông tại cuộc hội đàm an ninh tháng Bảy tại Hà Nội, đã gặp phải những lời chỉ trích gắt gao từ phía đại lục.

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo thuật lại các cuộc tranh luận sau đó giữa người đồng nhiệm Trung Quốc và bà Clinton: "Đúng là có một cuộc đấu khẩu khá thú vị và sắc cạnh giữa người Mỹ và người Trung Quốc". "Tại một số thời điểm, bầu không khí có chút căng thẳng ", ông nói giảm nhẹ theo lối ngoại giao.

Trung Quốc khẳng định hoàn toàn chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông – một khu vực trù phú về sản lượng dầu mỏ, khí đốt, thủy sản, cũng như là một đường thủy chiến lược liên kết khu vực Đông Á với châu Âu và Trung Đông.

Tuy nhiên, bà Clinton cho rằng giải quyết các tranh chấp mới là "mấu chốt" cho vấn đề ổn định khu vực và lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, điều này đã đánh dấu mối quan tâm của người Mỹ đối với mối đe dọa đang hình thành trong thông thương hàng hải.

Trong tháng Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates ra lệnh cho hải quân tiến vào Biển Đông và ám chỉ mối đe dọa bị cáo buộc chống lại các công ty dầu khí Mỹ quan tâm đến hoạt động thăm dò ngoài khơi vùng biển tranh chấp với Việt Nam.

Năm ngoái, các tàu Trung Quốc đã gây hấn với tàu giám sát của hải quân Hoa Kỳ tại khu vực tranh chấp, tức Biển Đông – nơi mà các nhà chỉ trích của Bắc Kinh ví như một cái "hồ Trung Hoa".

Ấn Độ cũng tỏ ra cảnh giác trước sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn của đại lục tại các cảng đang được xây dựng ở Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan – những động thái được xem như một phần của những tham vọng về một hạm đội hải quân hùng hậu trên biển của Trung Hoa.

Một số quốc gia khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam – quốc gia đã dám đối đầu với hải quân Trung Quốc ở Biển Đông trong một trận chiến năm 1988 – hoan nghênh thiện chí mới của Mỹ thể hiện qua các hoạt động gần đây như một đối trọng với Bắc Kinh.

Trung Quốc đã bảo đảm với 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á rằng họ không hề có tham vọng bá quyền và cho đến nay họ cũng chứng tỏ không có dấu hiệu xâm lấn quân sự nào. Nhưng điều người ta vẫn lo ngại là nếu được kiểm soát, Trung Quốc sẽ trở thành một kẻ hay bắt nạt ở khu vực.

Tuy nhiên, Li Mingjiang thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) cho biết, các chính phủ không có tranh chấp thì tỏ ra không hăng hái lắm về những nỗ lực giành lại "miếng bánh cũ" ở châu Á của Washington.

Thái Lan, Campuchia và Singapore "thực sự không muốn nhìn thấy bất kỳ một cuộc đối đầu nào giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bởi trong hoàn cảnh ấy, họ (Thái Lan, Campuchia và Singapore) có thể phải chọn người này, bỏ người kia và đó là điều họ rất miễn cưỡng để làm".

Một số nhà quan sát nói rằng Trung Quốc đã bị kích động bởi Mỹ và Nhật Bản qua hành động từ chối thả thuyền trưởng tàu cá của Trung Quốc có va chạm với tàu tuần dương Nhật Bản.

Cựu Tổng thư ký ASEAN Rodolfo Severino nói các quốc gia trong khu vực sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng mục tiêu chủ quyền lãnh thổ của họ một cách lâu dài bất chấp sự lớn mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. "Sự quan tâm của khu vực Đông Nam Á trong vấn đề này là không nên làm gián đoạn hòa bình và ổn định cũng như sự tự do thông thương hàng hải", ông Severino nói. "Đồng thời, Đông Nam Á không muốn Trung Quốc và Nhật Bản đi đến xung đột hoặc tương tự giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc không nên bị kích động vào các biện pháp bạo lực".

Trước tình huống mới này, "một cơ hội lớn đang nằm trên bàn hoặc không khéo cũng trở thành nguy cơ rất lớn", Ernest Bower từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington cho biết: "Câu hỏi đặt ra là liệu nghệ thuật ngoại giao và chủ nghĩa khu vực châu Á có thể thành công?" Ông nói: "Thất bại trong nỗ lực này sẽ dẫn đến rủi ro không thể tha thứ đe dọa sự liên tục trong tăng trưởng kinh tế của châu Á, cũng như hòa bình và thịnh vượng trong tương lai".

Nguồn: http://news.ph.msn.com/regional/article.aspx?cp-documentid=4352771

Quốc Ngọc dịch

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN


Mỹ và Asean siết chặt quan hệ trước tham vọng bá quyền của Bắc Kinh

Tú Anh

clip_image001  

Tổng thống Hoa Kỳ chụp ảnh chung với các lãnh đạo ASEAN. Từ trái qua phải: Chủ tịch Lào, Chủ tịch Việt Nam, Tổng thống Mỹ, Tổng thống Philippines, Thủ tướng Malaysian (New York, 24/09/2010). REUTERS/Jason Reed

 

Trong cuộc họp thượng đỉnh Washington – Asean lần hai vào ngày hôm qua tại NewYork, Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo ĐôngNam Á tìm cách củng cố mối quan hệ trên mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến an ninh. Tổng thống Barack Obama khẳng định quyết tâm của Mỹ đóng vai trò then chốt tại Châu Á, trong lúc ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Việt Nam, kiêm Chủ tịch luân lưu Asean, tuyên bố hai bên sẽ tăng cường hợp tác bảo vệ hòa bình trong khu vực. Những lời cam kết trên đây được đưa ra vào lúc Bắc Kinh công khai làm mưa làm gió tại biển Đông.

Theo AFP, mở đầu hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Asean lần hai tại New York, Tổng thống Barack Obama long trọng tuyên bố với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á: «với tư cách là Tổng thống, tôi tuyên bố một cách rõ ràng là Hoa Kỳ có ý định đóng vai trò quan trọng tại châu Á. Hoa kỳ đã tăng cường các liên minh cũ, đẩy mạnh quan hệ với đối tác mới… như với Trung Quốc, và một lần nữa chúng tôi tham dự vào quan hệ với các tổ chức cấp vùng, trong đó có Asean».

Tổng thống Mỹ giải thích là Asean với 10 nước thành viên, gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Brunei, Miến Điện, Cam-bốt và Lào «đang giữ một vai trò quyết định trong khu vực và có thể trở thành một thế lực tích cực trong việc điều hành các vấn đề trên thế giới».


Đáp lại thông điệp của Tổng thống Obama, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết tuyên bố: «Asean rất mong muốn nâng quan hệ với Mỹ lên một tầm cao mới để duy trì hòa bình ổn định, và phát triển trong khu vực».

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Asean lần hai là bước chuẩn bị cho chuyến công du châu Á của Tổng thống Obama vào đầu tháng 11 qua 4 nước Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia, là nơi ông sinh sống lúc thiếu thời.
Trong hồ sơ thương mại, hai bên đồng ý cùng thúc đẩy phát huy buôn bán hai chiều, hiện lên đến 84 tỷ đôla trong sáu tháng đầu năm nay, tăng 28% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Trong lĩnh vực chính trị, Tổng thống Mỹ một lần nữa kêu gọi Miến Điện trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và thật tâm dân chủ hóa chế độ.

Ngoài chủ đề thương mại, đầu tư, hội nghị còn tập trung vào tình hình an ninh cấp vùng. Đây là một vấn đề nóng bỏng do sức mạnh đang lên của Trung Quốc và tham vọng bá quyền của ban lãnh đạo Bắc Kinh.

Bốn ngày trước khi hội nghị khai mạc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng trước với lời lẽ cảnh cáo chống lại điều mà Bắc Kinh gọi là «mọi tuyên bố can thiệp vào chủ quyền không thể tranh cãi được của Trung Quốc» tại Biển Đông.

Lập trường nước lớn của Trung Quốc cũng đã được Thủ tướng Ôn Gia Bảo đề cập đến trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ hôm thứ năm, bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, dù không gọi đích danh Trung Quốc, nhưng bản thông cáo chung của thượng đỉnh Hoa Kỳ – Asean công bố hôm qua thứ Sáu 24 tháng 9 năm 2010 «khẳng định tầm quan trọng của nền hòa bình và ổn định trong khu vực, của an ninh hàng hải, của quyền tự do giao thông trên biển theo quy định của luật quốc tế» và kêu gọi «giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp ôn hòa».

Thái độ dấn thân của Mỹ còn được biểu lộ qua lời hứa của Tổng thống Obama là ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào năm tới tại Jakarta, thúc đẩy chiến lược phát huy ảnh hưởng trong khu vực, một chính sách vốn bị các chính quyền tiền nhiệm xem nhẹ.

Tại biển Hoa Đông, Trung Quốc tiếp tục gây sức ép ngoại giao với Nhật Bản, buộc Tokyo phải xin lỗi và bồi thường, sau vụ bắt một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc gần đảo Điếu Ngư (Senkaku).

Căng thẳng về địa lý chính trị đi đôi với thái độ khăng khăng của Bắc Kinh về chính sách kềm giá đồng nhân dân tệ để cạnh tranh bất chính với hàng hóa Tây phương.

Xung khắc Mỹ Trung có nguy cơ trầm trọng thêm trong bối cảnh quốc hội Mỹ chuẩn bị biểu quyết các biện pháp trả đũa Bắc Kinh.

Theo giới phân tích, tuy là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an và biểu lộ quyết tâm làm đại cường, nhưng ban lãnh đạo Bắc Kinh dường như không quan tâm đến quyền lợi của các nước láng giềng và quyền lợi chung của cộng đồng thế giới.

T.A

Nguồn: RFI


Vụ tàu cá Trung Quốc: Một sự trịch thượng đáng lo ngại

Đức Tâm

clip_image001  

Chiếc tàu cá của Trung Quốc bị Nhật bắt giữ hồi đầu tháng 9, căn nguyên của những căng thẳng Trung -Nhật . Ảnh chụp hôm 8/9/2010 Ảnh: REUTERS/Kyodo

 

Trong vụ tàu cá Trung Quốc bị Nhật Bản bắt giữ, viên thuyền trưởng tàu cá đã được trả tự do hôm thứ sáu, 24/09, trước sức ép rất mạnh của Bắc Kinh. Trong vụ này, người ta nhận thấy Trung Quốc có thái độ rất giận dữ, thậm chí đích thân thủ tướng Ôn Gia Bảo còn đe dọa Nhật Bản. Sau đây là phân tích của giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine, Hoa Kỳ

Đây là một thái độ rất trịch thượng và ngang tàng của Trung Quốc. Trung Quốc đã biết trước rằng việc này xảy ra trong dịp sẽ có những cuộc gặp ở Liên Hiệp Quốc, tại New York và có những vấn đề lớn hơn để giải quyết. Do vậy, Trung Quốc làm lớn vụ tàu cá, để những nước như Mỹ, Nhật Bản phải nhượng bộ, phải khoan hòa, bởi vì có những vấn đề kinh tế, những vấn đề lớn đang phải thương lượng với Trung Quốc.

Mặt khác, Mỹ và Nhật Bản không muốn những vấn đề nhỏ chi phối, do vậy, họ chịu nhượng bộ. Nhưng nếu Trung Quốc cứ tiếp tục làm như thế, thì càng ngày Trung Quốc càng ở vào thế bị động. Người Mỹ có câu: Hãy cho đối thủ của mình thêm nhiều dây thừng, để tự thắt cổ.

Tôi nghĩ là Nhật Bản giải quyết ôn hòa vấn đề ngay bây giờ, để cho mọi người thấy là Trung Quốc đã quá lố, chứ không phải là Nhật Bản hay Mỹ sợ trong vấn đề này.


RFI: Chẳng lẽ Trung Quốc không hiểu được sự nhún nhường của phía Nhật Bản và Hoa Kỳ?

Ngô Vĩnh Long: Vâng, Trung Quốc họ biết như vậy, nên họ mới làm căng. Nhưng làm căng như vậy, một phần, là để chứng minh cho quần chúng của họ là họ mạnh. Hiện nay, Mỹ và Nhật Bản có những vấn đề kinh tế lớn với Trung Quốc. Đây là nước mà Nhật Bản xuất khẩu hàng sang nhiều nhất, trong khi đó, Mỹ chưa giải quyết được vấn đề kinh tế của mình. Họ cần những hàng rẻ từ Trung Quốc sang để cho những người lao động, ít tiền, có thể tiêu dùng. Cho nên, họ phải tiếp tục mở cửa trao đổi hàng hóa với Trung Quốc. Còn Mỹ thì đẩy mạnh vấn đề hối đoái, vấn đề giá trị đồng nhân dân tệ.

Nếu để một chuyện nhỏ về chủ quyền ầm ĩ lên, thì Trung Quốc có thể dùng việc này để đánh lạc hướng vấn đề chính là mậu dịch, hối đoái. Do vậy, Nhật Bản tạm im vấn đề chủ quyền ở đảo Điếu Ngư, đồng thời, chứng minh cho mọi người thấy rằng Trung Quốc quá lố.

RFI: Như vậy có thể hiểu rằng Trung Quốc muốn dùng vấn đề tàu cá để đánh lạc hướng sự chú ý của Mỹ, Nhật Bản về vấn đề thương mại và tiền tệ. Trong khi đó, Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng không muốn để cho sự cố tàu cá ảnh hưởng đến những vấn đề lớn khác, như tiền tệ, thương mại?

Ngô Vĩnh Long: Đúng thế. Còn một vấn đề nữa là Nhật Bản, Mỹ cứ nhân nhượng như vậy, để tiếp tục dùng Trung Quốc như là nơi bán hàng sang, hoặc là chỗ lắp ráp hàng rẻ để bán cho các nước khác. Tức là "Trung Quốc cứ nhịn ăn để tiếp tục làm đầy tớ cho chúng tôi. Nhưng nếu anh quá đáng thì lúc đó, chúng tôi sẽ có phản ứng".

Việc xảy ra ở đảo Điếu Ngư chứng minh cho thế giới biết là Nhật Bản khoan hòa. Đây là đảo mà Nhật Bản quản lý. Đảo của Nhật Bản, được giao cho Nhật Bản, chứ không phải là Nhật Bản chiếm đóng. Trung Quốc không có tranh chấp về đảo này cho đến năm 1972, khi tìm thấy là ở gần đó có dầu lửa. Trung Quốc trong hai năm qua, tiếp tục gửi tàu sang, gây ra nhiều chuyện xung quanh đó, còn Nhật Bản vẫn luôn ôn hòa. Kỳ này, do có đụng vào tàu Nhật Bản thì Tokyo mới bắt. Trước sau, thì Nhật Bản cũng thả thôi. Nhưng Trung Quốc làm quá. Vậy thì Nhật Bản thả nhưng đồng thời để cũng cho mọi người thấy thái độ quá lố của Trung Quốc.

Trong các vấn đề tại vùng biển gần đảo Điếu Ngư hay tại biển Đông Nam Á mà Việt Nam gọi là Biển Đông, Trung Quốc đối xử không cân xứng. Khi thuyền chài của Việt Nam đi đến gần đảo Hoàng Sa, thì Trung Quốc bắt, Trung Quốc bắn, Trung Quốc làm cho nhiều người bị thương, chết. Rồi Trung Quốc bắt người ta đền. Trong khi đó, Trung Quốc đến đảo của Nhật Bản, đụng thuyền của người ta, rồi lại bắt người ta xin lỗi. Rõ ràng, thế giới sẽ thấy thái độ, cư xử này của Trung Quốc là không cân xứng.

RFI: Thưa, trong sự cố vừa rồi, phải chăng thái độ của Trung Quốc cho thấy là họ khá tự tin hoặc bắt nạt các nước khác trong khu vực?

Ngô Vĩnh Long: Vâng, cái đó cho thấy là Trung Quốc bắt nạt. Còn tự tin hay không thì tôi không biết. Có thể họ có nhiều vấn đề khó khăn ở trong nước. Họ phải làm như vậy để chứng minh cho dân chúng thấy là họ mạnh. Nhưng vấn đề là càng làm như vậy, thì càng có nhiều người gờm Trung Quốc. Tôi nghĩ, trong những tháng tới, chẳng hạn, nhiều nước sẽ có thái độ rất dè dặt với Trung Quốc. Hiện bây giờ, người ta cũng đã có thái độ dè dặt rồi.

Trong vấn đề đảo Điếu Ngư, Hoàng Sa, Trường Sa, khi mà chỉ có tranh chấp chủ quyền giữa các nước và không gây bất ổn định trong khu vực, thì người ta có thể tạm để yên. Nhưng khi vấn đề bắt đầu gây bất ổn định, thì các nước sẽ có phản ứng chung. Tôi nghĩ bây giờ, các nước bắt đầu có phản ứng chung, nhưng mà họ làm từ từ.

Do vậy, nếu Trung Quốc cứ tiếp tục hành xử như vậy, thì Trung Quốc càng ngày càng tự cô lập mình. Có thể Mỹ hay một số nước khác, bắt đầu từ từ rút bớt đầu tư ra khỏi Trung Quốc và đưa sang các nước khác ở Đông Nam Á hay khu vực khác. Họ sẽ tìm các thị trường mới. Trung Quốc cũng cần các nước khác, bán hàng cho họ. Có thể nói, các bên đều cần nhau. Thế nhưng, nếu Trung Quốc cứ tiếp tục trịch thượng và hàm hồ như hiện nay, thì người ta càng ngày càng e dè.

RFI: Sự e dè này, liệu Trung Quốc có nhận thức được hay không? Hay họ cho rằng hiện nay hay trong tương lai, các nước vẫn tiếp tục cần Trung Quốc vì Bắc Kinh có những thế mạnh trong quan hệ kinh tế?

Ngô Vĩnh Long: Tôi nghĩ có nhiều phe phái ở bên Trung Quốc và có nhiều người cảm thấy Trung Quốc hơi đi quá. Nếu muốn làm một trong những đàn anh trong khu vực, thì Trung Quốc phải có lối đối xử khá hơn. Mặt khác, cũng có những nhóm, ví dụ quân đội Trung Quốc, nhất là hải quân. Bây giờ họ có tàu chiến, nhiều vũ khí và muốn xưng hùng, xưng bá.

Ngoài ra, những hãng dầu khí Trung Quốc cần thêm nguồn dầu khí. Chỗ nào mà họ chiếm được hoặc đe dọa người khác không được khai thác, thì họ sẵn sàng vào làm.

Tôi nghĩ, nếu vấn đề chỉ liên quan đến một hai nước, thì Trung Quốc có thể hành xử như vậy. Nhưng nếu Trung Quốc làm quá, tất cả các nước xung quanh hợp tác với nhau đề đối đầu lại thì Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

RFI: Qua sự cố va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra Nhật Bản, có thể rút ra được điều gi, tạm gọi là kinh nghiệm về cách ứng xử với Trung Quốc, nhất là đối với những nước như Việt Nam, đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc?

Ngô Vĩnh Long: Tôi nghĩ bài học lớn là khi Trung Quốc làm điều quá lố, khích động như vậy, thì một nước như Việt Nam, phải có phản ứng rõ ràng, phải lên tiếng cho thế giới biết là Trung Quốc quá lố, thì Trung Quốc sẽ bị động, mất uy tín với nhiều nước trên thế giới. Còn im lặng thì họ sẽ tiếp tục làm tới.

Xin cảm ơn giáo sư Ngô Vĩnh Long

Nguồn: RFI


28 tháng 9 2010

Nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đức: "Chúng tôi đã quá chậm"

Doan Trang

Egon Krenz và cuốn hồi ký Mùa thu Đức 1989 vừa được phát hành ở Việt Nam.

Nhà báo Đoan Trang đúng là có cái Tâm, đi săn và phỏng vấn bằng được ông cựu lãnh tụ của một Đảng mang mơ ước cuối cùng (bị thất thoát) của Karl Marx ngay trên quê hương Cụ.

Nhưng ít nhất có một bạn đọc còn chưa phục tài nhà báo nữ này, vẫn còn thắc mắc như sau:

Một là: Cô chưa làm cách gì để ông cựu lãnh tụ nói ra cách thức làm sao để đất nước ông cứ 50 người dân thì có một nhân viên Stasi (An ninh mật vụ), và tỷ lệ cao chừng ấy cũng vẫn chưa đủ khi xảy đến cái giờ phút Lịch sử mà ai cũng biết.

Hai là: Cô chưa giúp ông bộc lộ được cung cách học tập chăm chỉ và thông mình ra sao mà toàn thể cán bộ trong Chính phủ của ông đều là Giáo sư – Tiến sĩ, một tỷ lệ cao nhất châu Âu và cao nhất loài người (Mỹ cũng thua).

Ba là: sao ông lại chọn thời điểm này mà tới thăm Việt Nam nhỉ? Và đến đây vào lúc này, ông đã nói thật hết lòng mình chưa và có đủ năng  lực để biết hết sự thực chưa nhỉ?

P.T.  


Egon Krenz, Tổng Bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản ở CHDC Đức trước ngày thống nhất, đã nhìn nhận như vậy khi nói về nguyên nhân sụp đổ của CHDC Đức năm 1989.

Năm 1989, trong biến động chung của khối XHCN ở Đông Âu, CHDC Đức sa vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Egon Krenz lên thay thế Eric Honecker làm tổng bí thư, chủ tịch Hội đồng Nhà nước vào ngày 18-10-1989. Ông  hy vọng tiến hành một cuộc đổi mới đảng, cải cách toàn diện đất nước nhưng đã quá muộn. Ngày 6-12-1989, ông buộc phải từ chức.

Nước Đức thống nhất, năm 1999, vị "tổng bí thư 50 ngày" bị kết án tù 6,5 năm, thực tế ở trong trại tù bốn năm. Tòa án cũng nêu rõ rằng nhờ ông mà mùa thu 1989 ở nước Đức đã không có đổ máu.

Egon Krenz từng nhiều lần sang thăm Việt Nam. Năm nay, ông tới Hà Nội  và đã có cuộc gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết – người bạn mà ông quen từ lần đầu sang Việt Nam, năm 1980. Ông cũng đã dành cho báo chí một cuộc trao đổi về thời khắc lịch sử của nước Đức năm 1989. Dưới đây là các câu hỏi, đáp giữa phóng viên Pháp Luật TP.HCM và ông Egon Krenz. (Trong bài có một câu hỏi của phóng viên Thanh Niên)

. Trong hồi ký, ông viết: "Trong đời tôi không bao giờ phản bội quan điểm XHCN của mình". Theo ông, trong 40 năm tồn tại, nhà nước CHDC Đức đã làm được những gì cho người dân Đức?

+ Trước thời điểm ra đời của CHDC, ở Đức diễn ra rất nhiều cuộc chiến tranh. 40 năm tồn tại đó là thời kỳ hòa bình của dân tộc Đức, chứng minh một thực tế là trên mảnh đất Đức có thể tồn tại một chế độ khác không phải CNTB. Chế độ ấy hướng đến việc xóa bỏ tình trạng người bóc lột người. Mọi người dân đều được học hành, từ tiểu học tới đại học, tất cả đều miễn phí.

. Ông có thể giải thích ngắn gọn nguyên nhân sụp đổ của CHDC Đức?

+ Có rất nhiều nguyên nhân. Suốt 40 năm, thế giới không có chiến tranh nóng nhưng lại có chiến tranh lạnh. Cá nhân tôi đánh giá nó giống như một đại chiến thế giới lần thứ ba. Lúc nào cũng mấp mé bờ vực xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử. Vào thời điểm đó, ông Gorbachev đã đưa ra chủ trương cải tổ, đó là một ý tưởng tốt. Nhưng các chính trị gia của Mỹ cũng như CHLB Đức thì không hề có ý định từ bỏ chiến tranh lạnh, họ tạo ra những hậu quả rất tiêu cực về kinh tế đối với các nước XHCN ở châu Âu.

Trong khi đó, vai trò lãnh đạo của Liên bang Xô Viết ngày càng yếu dần và sụp đổ không phải vì những cuộc cách mạng mà là sụp đổ từ bên trên. Do nằm trong tầm ảnh hưởng của Liên Xô mà CHDC Đức sụp đổ, vì nói thẳng ra, CHDC Đức là đứa con của Liên bang Xô Viết. Không có Liên Xô thì CHDC Đức đã không ra đời.

. Ông nghĩ có những điều gì mà ông muốn CHDC Đức năm 1989 làm khác đi?

+ Tôi nghĩ nếu có thể quay lại thời đó thì các chiến lược, sách lược của chúng tôi cần thay đổi để khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn vào hoạt động chính trị. Lẽ ra khi xây dựng nền kinh tế kế hoạch, chúng tôi cũng cần đưa vào đó những yếu tố của kinh tế thị trường, ngay từ thập niên 1960. Lẽ ra chúng tôi tìm những biện pháp mạnh mẽ hơn để tạo cơ hội cho người dân hai bên được tự do đi lại hơn.

. Giả sử đảng cầm quyền ở CHDC Đức ngày ấy tiến hành cải cách đất nước thành công, như ông viết trong hồi ký là "minh bạch, công khai", "mở rộng dân chủ", ông có nghĩ tận cùng của sự cải cách ấy sẽ là một nước CHLB Đức thứ hai, theo đường lối TBCN, kinh tế thị trường tự do?

+ Tôi nghĩ rằng không. Cũng giống như hiện nay Việt Nam đang tiến hành cải cách, tôi không nghĩ vì cuộc cải cách ấy mà Việt Nam lại trở thành nước tư bản. Và tôi nghĩ định hướng XHCN, phong cách sống XHCN vẫn là yếu tố quyết định, dù chúng ta đã hội nhập, du nhập vào nhiều yếu tố của kinh tế thị trường.

Khi tiến hành cải cách, không phải chúng tôi xóa bỏ kinh tế kế hoạch mà chúng tôi muốn cải tiến nó, đưa vào các yếu tố thị trường để nền kinh tế kế hoạch đó được thực hiện tốt hơn. Đồng thời, cải cách về chính trị sao cho tinh thần dân chủ trở nên sống động hơn, khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn vào chính trị.

. Câu hỏi của báo Thanh Niên: Việt Nam cũng từng bị chia cắt và đã thống nhất, trong đó những người cộng sản là bên chiến thắng. Nhưng ở Đức thì khác. Ông có thể chia sẻ tâm thế của một người cộng sản thua cuộc?

+ Đúng là chúng tôi đã thua một cuộc chiến. Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc và trong tương lai, có thể thế hệ trẻ sẽ tiếp tục chiến đấu. Cá nhân tôi cảm thấy rất đau lòng. Những người cộng sản cũ, những người hoàn toàn tin vào lý tưởng XHCN, cho tới giờ phút này, đến cuối cuộc đời mình đã phải thừa nhận họ không thể hiện thực hóa được lý tưởng đó. Việc khiến tôi đau lòng hơn là chính quyền Đức hiện nay luôn thể hiện trước công chúng rằng tất cả những điều Tây Đức mang lại là điều tốt đẹp, những điều Đông Đức mang lại là tội ác và nợ nần.

+ Ông cho rằng Eric Honecker đã không đánh giá đúng tình hình, chậm tiến hành cải cách, nên bị sức ép phải mất chức. Khi lên thay, ông hy vọng tiến hành đổi mới nhưng cũng không kịp. Ông có nghĩ đổi mới cũng phải gắn với tốc độ?

+ Tôi nghĩ đúng như vậy. Khi chúng ta chủ động đối đầu với khó khăn thì sẽ tốt hơn là khi chúng ta chạy đuổi theo tình hình. Sự chuyển giao quyền lực từ Eric Honecker cho tôi đã đến quá chậm. Trong lễ kỷ niệm 40 năm thành lập CHDC Đức, Gorbachev đã nói một câu: "Ai chậm chân sẽ bị cuộc đời trừng phạt". Sau này ông ấy có giải thích với tôi rằng khi nói câu ấy, không phải ông nhằm ám chỉ CHDC Đức, mà gần như là tự nói với chính mình. Tôi tin là ông ấy nói thật.

Egon Krenz sinh năm 1937, từng là bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Tự do Đức. Từ 1983, là bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng XHCN Thống nhất Đức (SED), tức đảng cộng sản. Là tổng bí thư Đảng, chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Quốc phòng CHDC Đức từ 18-10 đến 6-12-1989. Bị tù từ 1999 tới 2003. Hiện sống tại thị trấn Dier Hagen thuộc miền đông nước Đức.

Đ. T.

Nguồn: PhapluatTP


23 tháng 9 2010

Khái lược về lịch sử dân tộc Việt Nam qua 65 năm (1945 – 2010)

Phạm Thành

image Tính từ năm 1945 đến nay, ĐCS Việt Nam đã giữ trọn quyền lãnh đạo nhân dân Việt Nam suốt 65 năm và cũng trải qua 10 lần đại hội để kiểm điểm và hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, từ Dân chủ cộng hòa đến Xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên, để khẳng định công, tội (thành tích và khuyết điểm) như thế nào, sẽ có những sử gia ghi chép và công bố, như ta đã thấy. Riêng tôi, một công dân, năm nay cũng đã gần 60 tuổi, chưa từng rời Việt Nam một giờ, chưa từng xa Việt Nam nửa bước, cũng có một cách ghi chép sử dân tộc của riêng mình. Nhân Đảng CS Việt Nam kêu gọi người dân đóng góp ý kiến cho văn kiện Đại hội Đảng CS Việt Nam lần thứ XI, tôi xin có một tổng kết dâng lên Đảng CS Việt Nam về lịch sử "tiến lên" của dân tộc Việt Nam qua 65 năm dưới sự lãnh đạo toàn diện và triệt để của Đảng CS Việt Nam. Rất mong được những người chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng CS Việt Nam lần thứ XI xem xét, tiếp nhận, nhằm bổ khuyết vào đường lối cách mạng không ngừng của Đảng CSVN.

+ +

Sở dĩ dân ta theo Đảng CS Việt Nam trong 65 năm qua, tựu trung lại, là vì dân ta tin:

- Đảng CS Việt Nam sẽ đem về độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc Việt Nam. Nghĩa là, nước Việt Nam phải là của người Việt Nam, người Việt Nam tự quyết định cho người Việt Nam làm gì, làm như thế nào, không phụ thuộc vào ngoại bang, hay một thế lực nào đó.

- Đảng CS Việt Nam sẽ đem lại cho nhân dân Việt Nam một cuộc sống về cơm ăn, áo mặc, về học hành, về tự do, về dân chủ "triệu lần hơn" chế độ tư bản.

Những nội dung này đã được Đảng CS Việt Nam tuyên truyền qua sách báo, qua hệ thống giáo dục đào tạo, qua hệ thông thông tin đại chúng, qua các văn bản nghị quyết, qua các diễn văn mừng các ngày kỷ niệm, qua các báo cáo chính trị công khai và đã ngấm sâu vào tim óc của hầu hết nhân dân Việt Nam. Chính từ đó mà nhân dân Việt Nam sống và làm việc ở bất kỳ đâu cũng "nghe theo Đảng, Bác; làm theo Đảng, Bác" để mong sớm có ngày được hưởng những thành quả trên. Có thể nói, đó là những ước mơ chính đáng, mang tính thời đại của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam và được Đảng CS Việt Nam 'Việt Nam hoá' bằng cái tên: Thời đại Hồ Chí Minh. Có thể khái quát nội dung chính của những giấc mơ Việt Nam mang tên Thời đại Hồ Chí Minh như sau:

1. Mơ về một ngày độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

2. Mơ về một ngày người cày có ruộng.

3. Mơ về một ngày xã hội không còn người bóc lột người; ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành.

4. Mơ về một ngày dân giàu, nước mạnh, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.

5. Mơ về một ngày tự do, dân chủ, chính quyền của dân, do dân, vì dân, không bịt mồm dân.

Trong những giấc mơ mang tên Việt Nam này, có gì đạt được và chưa đạt được?

- Con đường xã hội Xã hội chủ nghĩa Đảng CSVN đã chọn cho dân tộc Việt Nam tiến lên, liệu nó đã bén rễ, xanh cây hay đang bật gốc, trốc rễ?

- Con đường "kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa", Đảng CS Việt Nam đã chọn cho dân tộc Việt Nam tiến lên hôm nay, có là con đường đúng đắn hay là nguyên nhân của sáu mầm mống tiêu cực, tham nhũng và rối loạn xã hội?

Có thể chi tiết từng "mục" trên bằng cách chép sử khái lược như sau:

1. MƠ VỀ MỘT NGÀY ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ TOÀN VẸN LÃNH THỔ.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, những người CS Việt Nam đưa ra đường lối: Đánh đổ thực dân, phong kiến, giành độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam. Đó là đường lối đã đánh trúng con tim mang truyền thống nồng nàn yêu nước, mong muốn độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của cả 20 triệu người Việt Nam, bất chấp họ ở tôn giáo, đảng phái nào, và vì vậy, chỉ chờ cơ hội là người Việt Nam vùng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến.

Năm 1945, khi Phát xít Đức-Ý-Nhật đầu hàng Đồng minh, nhân cơ hội này, các lực lượng yêu nước đã tập hợp nhân dân vùng lên lật đổ chế độ thực dân phong kiến, và hình thành một nhà nước công-nông đầu tiên ở Đông Nam Á với một chính quyền có nhiều đảng phái tham gia.

Lãnh tụ của ĐCS Việt Nam, Hồ Chí Minh, thay mặt quốc dân đồng bào đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam mới. Trong tuyên ngôn, Hồ Chủ tịch khẳng định: Nước Việt Nam đã là một nước độc lập. Nhưng, chỉ ít tháng sau, người Pháp lại gây hấn và rắp tâm một lần nữa đặt ách đô hộ thực dân lên 20 triệu người Việt Nam. Người CS Việt Nam, đứng đầu là Hồ Chí Minh, đã quyết lấy chủ nghĩa Mác-Lenin làm kim chỉ nam cho việc kháng chiến, kiến quốc, nên các lực lượng không cộng sản, hoặc là bỏ chạy, hoặc là bị thủ tiêu, Quốc hội đa nguyên tan rã, chỉ còn lại những người Cộng sản và thân Cộng sản nắm giữ chính quyền.

Kể từ đó, nước ta đã là một nước độc lập và là một thành viên trong hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa. Do điều kiện lịch sử, chúng ta đã tự nguyện trở thành người lính xung kích trên tuyến đầu chống Pháp xâm lược trở lại (mất 9 năm) và chống lại cả một hệ thống các nước đế quốc, đứng đầu là Mỹ (mất 20 năm). Sau đánh Mỹ, chúng ta lại chống Tàu xâm lược và tiêu diệt chế độ diệt chủng Khmer đỏ ở nước Campuchia.

Bao nhiêu của cải và xương máu của mấy triệu người Việt Nam chúng ta đã đổ xuống, những tưởng giành được độc lập hoàn toàn. Nhưng đến nay, liệu dân tộc Việt Nam đã có độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ? Theo tôi là chưa. Vì biển Đông của Việt Nam còn bị Tàu xâm chiếm toàn bộ Hoàng Sa và một phần Trường Sa. Dân ta đi đánh cá mưu sinh trên biển của ta mà vẫn bị người nước ngoài bắt giữ. Đảng ta họp hành, bàn bạc nhân sự lãnh đạo, y như rằng, anh bạn 16 chữ vàng lại mò sang chỉ đạo, cứ như Việt Nam là một tỉnh, một huyện của Tàu vậy. Hơn nữa, trước đây, khi ta còn đang đánh Pháp, đánh Mỹ muôn vàn khó khăn mà ta vẫn mạnh mẽ vạch trần mưu mô xâm lấn lãnh thổ, mưu mô tội ác của bất kỳ thế lực nào, nay dân ta bị bắt, bị giết mà ta chỉ "khẽ khàng" tuyên bố vài câu cho có lệ, không nêu được hồn cốt của việc dân mình bị giết, lãnh thổ bị xâm chiếm để tỏ rõ chí khí "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" (Hồ Chí Minh) của dân tộc ta. Một chính quyền đại diện cho dân, đối với việc trọng của đất nước mà chỉ có "vài lời" về chủ quyền qua những tuyên bố "nhẹ như lông hồng" như vậy, lấy đâu ra độc lập? Hơn nữa, "kẻ thù truyền kiếp" ngày ngày vu cáo và sỉ nhục dân tộc ta những câu: "Việt Nam là một quốc gia lòng lang dạ sói", là "đất nước tiểu nhân, bỉ ổi, không biết xấu hổ", "phải giết bọn xâm lược Việt Nam để làm vật tế cờ trong trận chiến thu hồi Nam Sa (sát Việt khẩu vị Nam Sa chi chiến tế kỳ). Thế mà, tất cả người Việt từ trên xuống dưới, từ trên 60 cơ quan truyền thông phát thanh – truyền hình, hơn 700 tờ báo đều cứ như bồ thóc. Cứ như láng giềng có quyền được lăng nhục dân tộc mình, còn mình chỉ được quyển chịu lăng nhục, chỉ được "quyền" ca ngợi "anh em tốt, láng giềng hữu nghị, hợp tác lâu dài, hướng tới tương lai". Không những thế, có đồng chí lãnh đạo nước ta – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng – còn sang tận nước có chính quyền bắt, giết dân ta để họp báo (ngày 10.4.2007 tại Bắc Kinh) và tuyên bố: "Quan hệ Trung-Việt chưa lúc nào tốt đẹp như lúc này". Và còn có nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp khác, hễ cứ đợi khi dân ta bị Tàu đánh, cướp tài sản, giam giữ thì lại lên gân khẳng định "quan hệ Trung-Việt là quan hệ láng giềng hữu nghị; là anh em tốt đồng chí tốt". Khen và nịnh kẻ giết đồng bào mình là kẻ tốt nhất, độc lập dân tộc nên hiểu thế nào đây, nếu không nói là chưa có?

Như vậy, lịch sử dân tộc Việt Nam qua 65 năm chép:

Qua 65 năm Đảng CS Việt Nam lãnh đạo toàn diện và triệt để dân tộc Việt Nam, từ năm 1945 đến năm 2010, nước Việt Nam vẫn chưa thực sự có độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

clip_image002

Nhà thơ Bùi Minh Quốc trong chuyến chu du biên giới phía Bắc đã chụp tấm ảnh này từ 1981. Hiện nay những cột mốc này đã được thay thế, cột mốc cũ không còn nữa, cột mốc mới đã lùi về phía ta khoảng 300 mét. Ảnh: Phạm Xuân Nguyên

 

2. MƠ VỀ MỘT NGÀY NGƯỜI CÀY CÓ RUỘNG

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, Đảng CS Việt Nam cũng đưa ra đường lối: "Người cày có ruộng, cơm áo về cho nông dân", bên cạnh đường lối Độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc.

Đường lối này cũng đã đánh trúng niềm mơ ước ngàn đời của hầu hết người Việt Nam, và họ đã vùng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam và các lực lượng yêu nước khác.

Nhân dân Việt Nam mà hầu hết là nông dân hiểu rằng, đường lối "người cày có ruộng" mà Đảng CS Việt Nam đưa ra, bản chất là người cày được cày trên đất đai thuộc sở hữu của mình, chứ không phải cày thuê, cuốc mướn cho người khác, như cày thuê cho địa chủ, tư sản thời thực dân, phong kiến.

Đảng CS Việt Nam đã thực hiện được điều này. Ngay khi còn đánh Pháp và tiếp sau đánh Pháp, ĐCS Việt Nam đã thực hiện Cải cách ruộng đất, lấy đất của địa chủ, phong kiến, đế quốc chia cho dân cày. Người nông dân từ chỗ đi cày thuê cuốc mướn đã thực sự trở thành những chủ nhân của đất đai, ruộng vườn. Việc tước đoạt tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng này, ĐCS Việt Nam đã làm rất kiên quyết, dù máu có đổ, dù có oan sai, nhưng nó nhất định là việc phải làm, đã đem lại niềm tin cho hầu hết nhân dân, đặc biệt là những người lao động cần lao.

Nay, sau 65 năm Đảng CS Việt Nam lãnh đạo toàn diện và triệt để dân tộc và đất nước Việt Nam, đường lối "người cày có ruộng" có trở thành hiện thực? Tất nhiên là nó đã trở thành hiện thực, nhưng chỉ hiện thực từ năm 1953 cho đến hết năm 1960, khi miền Bắc hoàn thành việc xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Kể từ đó, đất đai – niềm mơ ước muôn đời của nông dân – trở thành tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý. Thực chất là nằm gọn trong tay ông Nhà nước. Trong đó, quyền của nông dân chỉ được đi cày trên đất đó như một người làm thuê, cuốc mướn, gần giống như đi cày thuê cuốc mướn cho địa chủ, tư sản thời thực dân, phong kiến trước đây. Người sở hữu đích thực thuộc về ông Nhà nước. Chỉ có ông Nhà nước mới là ông chủ đích thực, có toàn quyền định đoạt, dùng làm gì, bao nhiêu, giá cả thế nào… Nó là quyền độc tôn của "ông Nhà nước", không phụ thuộc vào quyền của người cày. Người CS Việt Nam, dù đã có bao nhiêu văn bản, chỉ thị hoặc là có Luật Đất đai, qua bao lần sửa đổi, bổ sung, cái bản chất này cho đến đại hội lần thứ X Đảng CS Việt Nam vẫn không thay đổi. Có thể lấy hàng trăm, hàng ngàn ví dụ về sự thật này trên báo chí "lề phải" đã xuất bản của Đảng CS Việt Nam.

Như vậy, lịch sử dân tộc Việt Nam qua 65 năm chép:

Đường lối "Người cày có ruộng", tức quyền sở hữu ruộng đất của người cày mà người CS Việt Nam đưa ra và trở thành động lực làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, đã không còn. Quyền đó đã bị những người Cộng sản Việt Nam tước đoạt trở lại từ năm 1960 dưới cái vỏ bọc là hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

3. MƠ VỀ MỘT NGÀY XÃ HỘI KHÔNG CÒN NGƯỜI BÓC LỘT NGƯỜI; AI CŨNG CÓ CƠM ĂN, ÁO MẶC; AI CŨNG ĐƯỢC HỌC HÀNH.

Cùng với giấc mơ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, Đảng CS Việt Nam cũng đưa ra đường lối xây dựng một xã hội công bằng, không còn người bóc lột người; ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành.

Dưới chế độ Pháp – Nguyễn, ai là người bóc lột? Đương nhiên, đó là tư sản, địa chủ, quan lại. Vậy thì, để có một xã hội không còn người bóc lột người, trước hết, những kẻ bóc lột phải bị cải tạo hoặc là bị tiêu diệt. Công việc này được bắt đầu từ năm 1953 ở miền Bắc và năm 1975 ở miền Nam. Với lợi thế về lực lượng, những người CS Việt Nam đã nhanh chóng tổ chức thực hiện việc "xoá sổ" lực lượng bóc lột này. Ở Nông thôn, ruộng đất bị tịch thu để phân chia lại. Ở thành thị, nhà máy, công xưởng, tài sản bị trưng thu, tịch thu, để quốc hữu hóa. Trong cuộc cách mạng vĩ đại này, có máu chảy, có oan sai, nhưng đấy là việc phải làm, nó đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, rằng kẻ bóc lột phải bị tước đoạt lại, bị trừng trị, tiêu diệt, quyền làm ăn sinh sống, sung sướng là quyền bình đẳng của mỗi con người trong chế độ mới mang tên Thời đại Hồ Chí Minh.

Kể từ Đảng CS Việt Nam thực hiện Cải cách ruộng đất ở nông thôn và Cải tạo tư sản ở thành thị thuộc miền Bắc (1953 – 1960) và thực hiện ở miền Nam từ năm 1975 đến nay, ít nhất cũng đã qua 35 năm, liệu trong xã hội ta còn có người bóc lột người? Thưa rằng, nhiều vô thiên lủng. Lớp cường hào, tư sản mới (tư bản đỏ) xuất hiện trở lại ở nước ta từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ngày càng nhiều, ngày càng vơ vét khốc liệt và tàn bạo. Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rộng ra. Xã hội bây giờ nhan nhản "người ăn không hết, người lần không ra".

Những người giàu là ai, những người nghèo khó là ai? Nhắm mắt lại cũng nhận ra, người nghèo khó là nhân dân lao động. Người giàu có là những người có chức có quyền, và "đau lòng" nhất, trong số người giàu này, phần nhiều là những người CS thuộc loại 5C: con cháu các cụ cả. Đó là những người mà cha anh họ đã luôn hô hào, vạch ra đường lối tiêu diệt tư sản, địa chủ để xây dựng một xã hội không còn người bóc lột người. Thực tế họ đã phạm sai lầm quá tả khi thực hiện chủ trương này và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải bổ cứu bằng chính sách sửa sai. Thế mà hiện nay, mỗi năm nước ta lại xuất hiện thêm hàng chục, hàng trăm tỷ phú nhà giàu, cũng tỷ lệ thuận với việc tăng thêm hàng ngàn, hàng vạn người nghèo. Trên báo chí "lề phải" năm nào cũng thống kê "đội ngũ" này và bên cạnh sự giàu lên đó, cũng xuất hiện hàng trăm, hàng ngàn cuộc đình công đòi tăng lương, đòi thu nhập, đòi quyền sống của hàng ngàn, hàng vạn người lao động.

Họ làm gì mà giàu lớn và nhanh thế, nếu không phải là từ cướp đoạt tài nguyên của đất nước, cướp đoạt ruộng đất của nông dân (cưỡng chế với giá rẻ mạt rồi xây dựng công trình, nhà nghỉ, sân golf… hoặc phân lô bán lại với giá cắt cổ; đây là một cách đầu cơ trắng trợn nhất và gây đổ vỡ lớn nhất trong tâm lý xã hội, trong khối đoàn kết dân tộc) và bóc lột không thương tiếc sức của người lao động?

Như vậy, lịch sử đân tộc Việt Nam qua 65 năm chép:

Nhân dân Việt Nam mơ về một xã hội không còn người bóc lột người, ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành. Giấc mơ đó của những năm làm cách mạng trước đây, nay đang ngày một xa vời, và chắc chắc rằng đã trật gốc.

4. MƠ VỀ MỘT NGÀY DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, LÀM THEO NĂNG LỰC, HƯỞNG THEO NHU CẦU.

Nó không chỉ là giấc mơ của những người cần lao mà là giấc mơ vĩ đại không tiền khoáng hậu của những lý thuyết gia Cộng sản. Ở nước ta, lý thuyết này không những được phổ cập trong các trường học, từ tiểu học cho đến đại học mà các phương tiện truyền thông đại chúng của những người Cộng sản Việt Nam còn suốt ngày tuyên truyền rôm rả. Nói không ngoa, phàm là người dân, biết chữ hay không biết chữ, già hay trẻ, gái hay trai, miền núi hay miền biển đều biết đến đường lối xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa này. Và, để thực hiện nó, ở nông thôn, ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác tập trung vào hợp tác xã nông nghiệp để làm chung, hưởng chung. Hợp tác xã nông nghiệp trở thành "ngôi nhà chung", nông dân biến thành xã viên và là "ông chủ" của cái "nhà" đó. Ở thành thị, nhà máy, công xưởng bị quốc hữu hóa. Nhà máy, xí nghiệp, công xưởng cũng trở thành "nhà" của công nhân và ông chủ của nó cũng là những công nhân.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của những "ông chủ mới" này được phân công là làm, còn làm như thế nào, làm ra cái gì, phân chia sản phẩm ra sao thuộc quyền của bộ tham mưu lãnh đạo là những người Cộng sản.

Để cho tinh thần làm chủ phát huy hết năng lực, ông Lê Duẩn, một lãnh tụ của Cộng sản Việt Nam (sau ông Hồ Chí Minh), đã đưa ra học thuyết "Làm chủ tập thể". Học thuyết này, như là một khẳng định khoa học của việc nghiên cứu và tổng kết về con người, còn có tham vọng bổ sung vào học thuyết Mác- Lênin về thiên đường của Chủ nghĩa Cộng sản.

Những nhà lãnh đạo và tham mưu Cộng sản thiết kế mô hình này, tin rằng đất đai có nhiều "ông chủ" và với tinh thần làm chủ tập thể cao nhất, để "nhà nhà thi đua; người người thi đua/ Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua" (Hồ Chí Minh) sẽ làm ra được nhiều lúa, ngô, khoai sắn… trên đồng ruộng và sản phẩm hàng hóa công nghiệp nơi nhà máy, xí nghiệp. Từ tinh thần làm chủ ấy mà của cải làm ra như nước, không những đáp ứng nhu cầu ai ai cũng có cơm ăn, áo mặc, mà còn hứa hẹn: ai có năng lực đến đâu thì làm đến đó, còn hưởng thụ thì, người bụng to, người bụng nhỏ thỏa sức mà dùng – hưởng theo nhu cầu.

Nhưng, thực tế lại không như đường lối và biện pháp đề ra của những người CS Việt Nam. Nông dân trong hợp tác xã nông nghiệp, công nhân trong nhà máy, xí nghiệp đã trở thành những chủ nhân ông mà tinh thần và ý thức trách nhiệm với công việc của họ như là nhà có "cha chung không ai khóc". Do vậy, ở nông thôn, đất đai bị nghèo kiệt dần, bị bỏ hoang hóa dần, năng suất lao động giảm dần, của cải làm ra ít dần; ở nhà máy, xí nghiệp lấy lãn công làm trọng, sản phẩm làm ra, được chăng hay chớ, số lượng giảm mà chất lượng thì còn kém hơn cả hàng giả. Từ đó mà đời sống nông dân, công nhân ngày càng khó khăn, eo hẹp. Đến cuối những năm 80, nếu ĐCS Việt Nam không có nghị quyết về khoán quản sản phẩm cho nhà máy, xí nghiệp và "khoán 10" cho nông thôn thì hàng triệu nông dân, hàng nghìn công nhân đã đi theo Bác Hồ và các vị tiền bối cách mạng rồi. Rõ ràng, kể từ khi khoán ruộng đất cho nông dân, khoán sản phẩm cho công nhân, tức là theo cách "làm đấu, ăn khoán, phát canh thu tô" của bọn tư sản và địa chủ trước đây, đời sống nông dân, công nhân mới vượt qua được cửa ải mà ở đó thần chết luôn lè cái lưỡi xanh ra rình rập.

Vậy, hôm nay thì sao? Đướng lối phát triển kinh tế – xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam là kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó được xem là bước đổi mới quan trọng của Đảng CS Việt Nam. Sau hơn 20 năm đi theo con đường này, quả tình, có một bộ phận người, phần nhiều là có chức có quyền và là cộng sản đích thực, không những đã có "cơm ăn, áo mặc, được học hành " mà một bộ phận không nhỏ đã thực hiện được mục tiêu "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu". Lực lượng này, không những có lắm nhà lầu, xe hơi, tiền nhiều như quân Nguyên mà còn thể hiện một bản lĩnh ăn chơi trác táng không hổ với cái mục tiêu "hưởng theo nhu cầu" mà các lý thuyết gia Cộng sản hằng mơ ước. Tuy nhiên, so với trên 80 triệu dân Việt Nam, số này là số ít, nhưng thu nhập lại nhiều; phần còn lại là công nhân, nông dân, người thì đông nhưng thu nhập lại ít, chỉ "tay làm, hàm nhai" may mắn mới đủ ăn, và một bộ phận nông dân và công nhân khác luôn ở cảnh: có làm nhưng đói nghèo vẫn thường trực, quanh năm lần hồi rau cháo qua ngày.

Cái quy luật "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" cũng đã bị quên lãng, nó không còn trong đường lối và tuyên truyền ngày ngày của những người CS nữa. Nó đã trở thành kỷ niệm về một thời. Nhớ đến nó là nhớ đến một cái bánh chưa có thực mà người CS giàu tưởng tượng đã phác ra hình ảnh và đưa lên để làm mục tiêu cho mình và thu hút quần chúng, đặc biệt là những người cần lao. Nó vĩnh viễn không bao giờ là hiện thực cho số đông. Dân Việt Nam, dù muốn hay không, cũng đã gặm cay đắng và cũng đã quên cái giấc mơ này từ nhiều năm nay rồi.

Như vậy, lịch sử dân tộc Việt Nam qua 65 năm chép:

Ước mơ về một ngày "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" là ước mơ đẹp của những người cộng sản và của nhân dân Việt Nam. Sau hơn nửa thế kỷ tâm huyết gây dựng, nó trở thành hiện thực cho một nhóm nhỏ người, không bao giờ là hiện thực cho số đông. Số đông dân Việt Nam hiện đang đánh vật với mơ ước: "ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành", y chang niềm mơ ước của lãnh tụ Hồ Chi Minh nói trong những năm nước ta vừa thoát ách nô lệ của Pháp, Nhật và triều Nguyễn.

5. MƠ VỀ MỘT NGÀY TỰ DO, DÂN CHỦ, CHÍNH QUYỀN CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN, KHÔNG BỊT MỒM DÂN.

Một chính quyền cúa dân, do dân, vì dân là một nét mới, khác hoàn toàn về chất so với phần còn lại của các chính quyền đã và đang tồn tại của thế giới, cả xưa và nay. Cái chính quyền này, có, không phải để áp bức dân, hành dân, bịt mồm dân mà là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của dân, thay dân lo mọi việc cho dân; vì vậy, cán bộ chỉ là người đầy tớ trung thành của dân, công bộc của dân. Một lý thuyết chính quyền hay mọi nhẽ và cũng thuộc loại vô tiền khoáng hậu, chẳng ai có thể bác bỏ được tính ưu việt của nó. Cũng từ những lý thuyết hay mọi nhẽ này được bộ máy tuyên truyền của Đảng CS Việt Nam tuyên truyền ngày đêm dưới mọi hình thức mà dân Việt Nam ta đã tin theo và một lòng bảo vệ nó. Dân hoan hô và tin rằng, những người Cộng sản Việt Nam, đội quân tiên phong của giai cấp công nhân, nông dân và dân tộc, sẽ thực hiện đúng những gì mình nói.

Vì lòng tin đó mà dân tộc ta đã không tiếc máu xương và của cải đi theo Đảng CS Việt Nam để đánh Pháp, đuổi Nhật, rồi đánh Mỹ trong suốt 30 năm trường kỳ và đã làm nên chiến thắng vĩ đại vào mùa xuân năm 1975.

Sau chiến thắng năm 1975, một chính quyền của dân, do dân, vì dân, không hành dân, không bịt mồm dân đã thực sự hiện hữu?

Không thể nói là nó đã và đang hiện hữu.

Một chính quyền của dân, do dân, vì dân trước hết và tối thiểu phải do người dân trực tiếp bầu lên. Ở nước ta, 65 năm qua, chưa từng xảy ra điều này. Chỉ mới "đặt vấn đề" ở điểm khởi đầu này thôi, bất kỳ ai cũng nhận ra rằng nói hiện nay, chính quyền của ta đã là chính quyền của dân, do dân và vì dân, chỉ là cách nói nặng tính chất diễn dịch mà không phải quy nạp.

Bên cạnh đó, người dân hiện vẫn chưa được hưởng các quyền tự do về biểu tình, về trình bày tư tưởng, về tự do lập hội, tự do ngôn luận, báo chí, tự do tôn giáo, tin ngưỡng… Cả nước ta hiện không có một tờ báo tư nhân nào. Việc lập hội còn phải xin phép. Nay có internet, những công dân nào viết không đúng ý Đảng, sẽ từ bị gây khó dễ đến vào trại cải tạo, nó là chuyện cũng đã xưa như: "Đỏ như màu máu của mình em ơi". Tôn giáo, tín ngưỡng nhất nhất phải trở thành một bộ phận thuộc sự quản lý của Đảng CS…

Năm 1946, chúng ta còn có Quốc hội đa nguyên, tức gồm nhiều đảng phái tham gia ở cơ quan quyền lực cao nhất này, nhân dân ta còn được tự do lựa chọn, ông này ở đảng này, ông kia ở đảng kia để bầu, nay Quốc hội chỉ có một đảng duy nhất, nhân dân dù có 100% cử tri đi bầu, cứ nhắm mắt lại, lấy "râu ông nọ cắm vào cằm bà kia", cũng không làm thay đổi cái bản chất của tổng số lượng đại biểu trúng cử.

Hơn nữa, thời Pháp – Nguyễn, tuy là chế độ thực dân, phong kiến, nhưng dân ta còn được biểu tình, được tự do ra báo chí, tự do lập hội phường, tự do tôn giáo, tín ngưỡng….

Nhận thức chung về chính trị của thời đại ngày nay đã chỉ rõ, đa nguyên là cơ sở của một xã hội dân chủ. Mà chỉ có dân chủ người dân mới được hưởng các quyền cơ bản của con người. Một xã hội độc trị, xã hội đó không thể có dân chủ. Điều đó cũng giống như về kinh tế, không có cạnh tranh thì cũng không có phát triển. Một xã hội không có dân chủ là một xã hội quân chủ. Chính quyền đó, dù có ban hành hàng trăm, hàng ngàn văn bản, chỉ thị, nghị quyết và luật pháp thì trước tiên nó cũng chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của hệ thống cán bộ, công nhân viên đang làm việc cho guồng máy đó, từ to xuống nhỏ, mà thôi. Quyền của người dân cơ bản là quyền được bị hành. Chỉ lược trên các báo chí "lề phải" hôm nay cũng thống kê được hàng trăm, hàng nghìn các thủ tục mà chính quyền đẻ ra để hành dân là chính. Việc hành dân diễn ra hằng ngày và ngày một tràn lan. Càng chống càng phức tạp, càng lún sâu, năm sau mức độ hành lại cao hơn năm trước. Đến một cái giấy khai sinh, khai tử người dân cũng phải chạy tiền lo lót mới xong. Có thể nói, dân cần cái gì ở chính quyền, không lo lót là không xong, không chịu bị hành là không được việc.

Như vậy, lịch sử dân tộc Việt Nam qua 65 năm chép:

Một chính quyền của dân, do dân, vì dân, không hành dân, không bịt mồm dân, chỉ có trên lý thuyết, không có trên thực tế. Không những thế, nền dân chủ trong chế độ ta lại đang tụt hậu dần, tụt quá thời điểm Cách mạng tháng Tám năm 1945. Dân ta hiện không có những quyền làm người tối thiểu mà nói dân ta đã có tự do, dân chủ là nói lấy được.

6. MẦM HỌA CỦA TIÊU CỰC, THAM NHŨNG VÀ RỐI LOẠN XÃ HỘI!

Đường lối phát triển kinh tế-xã hội của Đảng CS Việt Nam hiện nay là: "cơ chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa". Đây là một khái niệm mới do những người Cộng sản Việt Nam tạo ra. Vậy, nội dung của nó là gì? Đến nay, kể cả trong nước và nước ngoài, vẫn chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu để lý giải một cách khoa học về cái xã hội "kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa" này.

Một mô hình kinh tế-xã hội không có lý luận khoa học làm cơ sở, mô hình đó không có cơ sở tồn tại, và đương nhiên là mảnh đất tươi tốt cho tiêu cực, tham nhũng phát triển; và cũng là nền tảng dẫn đến rối loạn xã hội; và con đường tất yếu của nó e sẽ là đổ bể. Bởi vì, ai cũng biết cái xã hội kết hợp hai phạm trù trái ngược đó là không thể có, và vì nó không thể có, nên chẳng ai có thể tin; vì chẳng ai có thể tin, nên chẳng ai lại hoài công xây dựng và vun đắp cho nó. Việc bộ tham mưu của đất nước cứ bắt mọi người dân Việt Nam phải tin và làm theo, đã là một nghịch lý, và đương nhiên kết quả của nó, giống như việc "bắt cóc bỏ đĩa" là điều không thể tránh khỏi. Đi lên xã hội xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa là hai con đường hoạch định xây dựng khác nhau. Lý thuyết kinh điển về xây dựng xã hôi xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội tư bản, nó như nước và lửa, nó là chuyện "đấu tranh giữa hai con đường"; là "đấu tranh này trận cuối cùng" đã được Mác-Lênin khẳng định và là khẩu hiệu treo nhan nhản trên mọi nẻo đường của đất Việt một thời.

Cơ sở của nó là, kinh tế xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế kế hoạch, kinh tế tập trung, tư liệu sản xuất là của chung, sản phẩm làm ra được tập trung lại và Nhà nước đứng ra phân phối. Cái mô hình này đã thất bại thảm hại trên quy mô toàn thế giới, nay chẳng còn dân tộc nào làm theo. Còn kinh tế thị trường là nền kinh tế tự do, vận hành theo nguyên tắc lợi nhuận.

Ở các nước tư bản, để có công bằng xã hội, về thế chế thì cần phải tam quyền phân lập nhằm chống lại bất kỳ một cá nhân hay một thế lực nào muốn độc quyền cai trị và độc quyền hưởng lợi.

Giá như đường lối xây dựng kinh tế-xã hội của nước chỉ theo cơ chế kinh tế thị trường không thôi, thì việc thiết chế bộ máy, xây dựng luật pháp buộc phải xây dựng theo cơ chế kinh tế thị trường để bảo đảm tính công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân; về thể chế cũng phải tam quyền phân lập, nhằm chống độc quyền cai trị và độc quyền hưởng lợi của một cá nhân hay một nhóm lợi ích nào đó. Đó là quy luật phát triển xã hội từ thấp đến cao mà bao nhiêu cuộc cách mạng, bao nhiêu máu xương của nhân dân yêu chuộng công bằng đã đổ xuống mới có được. Nhưng, Đảng CS Việt Nam hiện nay lại không hiểu như vậy hoặc cố tình bỏ qua sự thật này, khăng khăng giữ cái đuôi "xã hội chủ nghĩa" với rất nhiều những giấc mơ đẹp mà thực tế thì giấc mơ đã bị "lay tỉnh" để thấy một sự phũ phàng là sự cáo chung của nhiều quốc gia cộng sản từ 20 năm trước.

Trong cái đường lối này, ai cũng biết rằng kinh tế thị trường là nền tảng hạ tầng; xã hội chủ nghĩa đứng ở phía sau là cái ngọn, cái kiến trúc thượng tầng. Luận thuyết của Mác-Ănghen đã chỉ ra rằng, chỉ có "hạ tầng cơ sở" mới "đẻ" ra "thượng tầng kiến trúc", chứ không có chiều ngược. Vì vậy, hy vọng về cái "đuôi" "xã hội chủ nghĩa" sẽ là cái bánh lái để dẫn cơ chế thị trường đi theo xã hội chủ nghĩa là một lô gích ngược, nó giống như bắt người ta phải đi bằng đầu vậy. Có lẽ, những người Cộng sản Việt Nam, người nào cũng thuộc "bài học đầu tiên" này khi tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin. Cho nên, cán bộ, ai ai cũng chỉ hành xử theo cái "nền tảng kinh tế thị trường", nghĩa là nền kinh tế vận hành theo nguyên tắc lợi nhuận, hành động theo trật tự "cá lớn nuốt cá bé", nghề nghiệp là cướp đoạt tài nguyên và bóc lột sức lao động mà lại không bị cái tam quyền phân lập khống chế, và phần "định hướng xã hội chủ nghĩa" đương nhiên trở thành lá chắn che chở cho sự cướp đoạt với những lời hoa mỹ "vì dân, vì nước" ở trên môi.

Tại sao Đảng CS Việt Nam không muốn mạch lạc, tư bản ra tư bản, chủ nghĩa xã hội ra chủ nghĩa xã hội? Và tại sao họ cứ cổ vũ cho cái không thể tồn tại? Tôi xin được nói thẳng, đó là vì quyền và lợi của riêng của các nhóm lợi ích, sân sau của những người đương chức đương quyền. Người đương chức đương quyền bây giờ là chủ nhân ông của mấy chục triệu sức lao động Việt Nam, chủ nhân ông của tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và là người "đại diện" ký kết làm ăn, ký kết nhận tiền của nước ngoài rồi phân phát lại ở trong nước. Bản chất là không muốn chia quyền và lợi cho bất kỳ thành phần nào và họ quyết tâm duy trì một xã hội chẳng ra ngô ra khoai như vậy càng làm lợi cho nhiều "nhóm lợi ích" có cơ "đục nước béo cò". Thực tế, từ khi Đảng CS Việt Nam áp dụng đường lối "thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa" đến nay, một thiểu số những người cộng sản và lực lượng 5C – con cháu các cụ cả – đã giàu lên một cách nhanh chóng và trở thành một phong trào ngày một lan rộng, ngày một quyết liệt và nó đang đẩy công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng ở Việt Nam, cũng do chính những người CS đề ra, đi vào ngõ cụt với sự thật: càng chống lại càng lún sâu hơn. Nguyên nhân vì sao, ai cũng biết, ai cũng hiểu và người hiểu sâu sắc và đầy đủ nhất, không phải ai khác, chính là người cộng sản, người vừa nhận vai trò là người đá bóng đồng thời cũng là người thổi còi trong trận chiến ú tim này. Anh vừa đá bóng, lại vừa thổi còi, làm sao anh có thể phạt, bắt giam và tiêu diệt được đá láo, vì cầu thủ là anh mà trọng tài cũng là anh.

Cho nên, nói rằng tiêu cực tham nhũng đang đe dọa sự sống còn của chế độ, là nói đến lực lượng này. Lực lượng này sẽ tự diễn biến và tạo áp lực mạnh mẽ và quyết định làm tiêu vong cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa", và băm nát những giường mối tốt đẹp và tiến bộ của "cơ chế kinh tế thị trường", chứ nhất định không phải là các lực lượng thù địch đang "đêm ngày thực hiện âm mưu diễn biến" như các phương tiện truyền thống đại chúng của Đảng CS Việt Nam hiện đang ngày đêm rao giảng.

Do đó, "cơ chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa" đã và đang là biện pháp tổng hợp nhằm lần cuối cùng "nốc ao" những giấc mơ Việt Nam xã hội chủ nghĩa mang tên Thời đại Hồ Chí Minh và đưa dân tộc ta trở về điểm xuất phát. Chưa thể nói trước điểm xuất phát ấy nằm ở đâu nhưng nếu nó nằm ở "Giao Chỉ quận" thì thực là đáng sợ mà bản lĩnh kiên cường của dân tộc này dứt khoát không bao giờ chấp nhận.

Vì vậy, lịch sử dân tộc Việt Nam qua 65 năm chép:

Đường lối "kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa" suy xét một cách khoa học là một đường lối không có cơ sở để trở thành hiện thực; vì vậy nó đã và đang trở thành nền tảng, trở thành mảnh đất tươi tốt bậc nhất phát sinh tiêu cực, tham nhũng và rối rắm xã hội, để cho "cò" ngày một béo tốt. ĐCS Việt Nam càng hô hào chống nó, nó lại càng phát triển với tính chất ngày một trắng trợn, tàn bạo hơn, quy mô ngày một lớn hơn. Nó đích thị là con bệnh đang đau bụng, và để chữa đau bụng, các thầy lang đã kê đơn "thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa" những mong cứu gỡ cho nó bằng thuốc cực bổ, song như một nghịch lý, sợ rằng khát vọng lấy bổ trị độc không được thực tế chấp nhận sẽ lại cũng chỉ giống như các vị lang băm Việt Nam thời xưa kê đơn "đau bụng uống nhân sâm… tắc tử".

Tháng 4.2010

P.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

HD-HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

http://boxitvn.wordpress.com/2010/09/21/khi-l%c6%b0%e1%bb%a3c-v%e1%bb%81-l%e1%bb%8bch-s%e1%bb%ad-dn-t%e1%bb%99c-vi%e1%bb%87t-nam-qua-65-nam-1945-2010/

Từ chỗ tối nhất nhìn ra


image Điều mới nhất trong dự thảo văn kiện Đại hội 11 của Đảng CSVN là: "Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng".

Mới nhất và cũng đúng nhất. Bởi vì khi Đại hội 10 cho phép đảng viên kinh doanh tư nhân, được thuê số công nhân không hạn chế thì trong Đảng đã có khá đông chủ tư nhân, vậy thì tại sao lại không cho tiếp tục kết nạp những chủ tư nhân kinh doanh giỏi và chấp hành luật pháp nghiêm chỉnh đang ở ngoài Đảng?

Nhưng nếu việc mới nhất và đúng nhất này được thực hiện thì đây lại là điều thiếu minh bạch nhất, tối nhất, bởi vì cho đến nay vẫn chưa có lý luận mới về xây dựng Đảng soi sáng! Từ chỗ tối nhất này nhìn ra sẽ thấy nhiều chỗ tối khác rất đáng lo!

I – GIAI CẤP TƯ SẢN RA ĐỜI SAU ĐỔI MỚI KHÁC GIAI CẤP TƯ SẢN ĐÃ BỊ CẢI TẠO?

1 – Tranh cãi giữa hai ông Ủy viên Trung ương khóa 6

Cách đây hơn 20 năm, tại Hội nghị Trung ương Đảng khóa 6, tôi được chứng kiến hai ông Ủy viên Trung ương nhận định trái nhau về giai cấp tư sản sẽ ra đời sau Đổi mới.

Ông Trần Trọng Tân, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương phát biểu đại ý: Giai cấp tư sản ra đời trong chế độ xã hội chủ nghĩa có những điểm tích cực mà giai cấp tư sản trước kia không có, đó là: họ chấp hành đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam – chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, họ góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, họ đóng thuế xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện tốt các chính sách nhà nước chăm lo cho người lao động…

Ngay lập tức, ông Nguyễn Đức Bình – Giám đốc Học viện Chính trị Hồ Chí Minh –lên tiếng. Ông nói, không thể vì sách lược cho phép kinh doanh tư bản mà mơ hồ về bản chất không bao giờ thay đổi của giai cấp tư sản là bóc lột giá trị thặng dư. Ông dẫn ra nhiều ý kiến của Marx, của Lenin để khẳng định phải luôn luôn nhớ rằng giai cấp tư sản là đối tượng của cách mạng xã hội chủ nghĩa, không thể đi cùng đường lâu dài với giai cấp công nhân.

Ông Trần Trọng Tân không tranh luận.

Các ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương đều im lặng.

Cuối phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh kết luận nghiêng về ý kiến ông Nguyễn Đức Bình.

Năm 1991, tại Đại hội Đảng lần thứ 7, ông Nguyễn Đức Bình được bầu vào Bộ Chính trị, phụ trách cả khối Tuyên – Văn – Giáo. Ông Trần Trọng Tân được bầu lại Ủy viên Trung ương và xin thôi chức Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, về thành phố Hồ Chí Minh, và được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy.

Khoảng 15 năm sau, trước thềm Đại hội Đảng 10, ông Nguyễn Đức Bình có bài viết trên báo Nhân dân với danh nghĩa nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, học hàm Giáo sư, nhắc nhở không được xa rời những nguyên lý của chủ nghĩa Marx – Lenin. Ông cảnh báo những hiện tượng chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Bài này được nhiều báo của các Đảng bộ địa phương đăng lại.

Ngay sau đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A có bài phản biện, đại ý: Lý thuyết Marx đã giúp cho kẻ thù của ông – chủ nghĩa tư bản – tự điều chỉnh và phát triển nhanh hơn, theo hướng nhân đạo hơn; trong khi đó, các môn đồ trung thành của Marx thì càng ngày càng nghèo khổ, cơ cực.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A đề nghị báo Nhân dân và Giáo sư Nguyễn Đức Bình tổ chức tranh luận công khai trên báo Đảng. Rất tiếc, Giáo sư Nguyễn Đức Bình và Ban Biên tập báo Nhân dân không hưởng ứng lời đề nghị hứa hẹn sẽ làm sáng tỏ lý luận về vấn đề cực kỳ quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự phát triển của đất nước theo hướng tự do dân chủ.

2 – Hai khuôn mặt tư sản và hữu sản

Tôi nghĩ, sở dĩ sự nghiệp đổi mới của chúng ta nhiều phen ngập ngừng, có lúc toan quay ngược là do trong Đảng có quá nhiều Nguyễn Đức Bình (xin lỗi anh Nguyễn Đức Bình, từ khi có dịp quen biết anh, tôi vẫn luôn quý trọng nhân cách của anh!).

Một tầng lớp tư sản mới đã xuất hiện, nhưng phải gọi tránh là những "hữu sản mới", "doanh nhân", các "nhà kinh doanh tư nhân", hoặc nói như Giáo sư Đặng Phong: "Chúng ta đánh đổ giai cấp tư sản cũ, nhưng phải xây dựng được tầng lớp hữu sản mới".

Giai cấp hữu sản mới ra đời từ những nguồn nào?

Đó là những người trước đổi mới có điều kiện giữ được ít vốn liếng, tư trang nay có cơ hội bán đi gây vốn; những cán bộ thường đi công tác ở nước ngoài có tích lũy ít vốn; những người có thân nhân là Việt kiều gửi tiền về; số đông nhất là những công chức nắm được thông tin đất dự án quy hoạch để đầu cơ… Giáo sư Đặng Phong cho rằng "tham nhũng cũng là một cách ra đời tầng lớp hữu sản, cho nên đạo lý kém hơn, chụp giựt hơn, lưu manh hơn".

Giáo sư Đặng Phong so sánh những người tư sản cũ và tư sản mới hiện nay như sau:

"Trước đây những nhà kinh doanh tư nhân phần lớn là những người có truyền thống từ nhiều đời để lại. Họ có kinh nghiệm, có văn hóa, có bạn hàng, có thị trường, có những quy tắc nghiêm ngặt trong kinh doanh. Kinh doanh tư nhân hiện nay là một tầng lớp mới lên, đa số chưa có nhiều kinh nghiệm, không có truyền thống, mang nặng tính chất chụp giật, tạm bợ, số phận của họ cũng không ổn định".

Ngay sau khi nhà nước cho phép kinh doanh tư nhân đã có những Đảng viên Cộng sản như Lê Kiên Thành (con trai Tổng Bí thư Lê Duẩn) xin ra Đảng để được làm "nhà hữu sản mới". Đó là những người thức thời và sòng phẳng. Nhưng chỉ vài ba năm sau, xã hội phát hiện có không ít người vẫn đang sinh hoạt Đảng, thậm chí còn đương chức mà đã là nhà hữu sản lớn bằng thủ đoạn đứng phía sau vợ con.

Vậy mà phải mất đến hơn 20 năm, Đại hội 10 của Đảng mới chính thức cho phép Đảng viên kinh doanh tư nhân và được thuê công nhân không hạn chế số lượng. Thực ra quyết định ấy chỉ là hợp thức hóa cho sự đã rồi, chứ không có ý nghĩa lãnh đạo.

Nhìn chung, những nhà hữu sản mới này cũng có không ít những người chịu khó học tập từ thực tế hoạt động kinh doanh, xây dựng được thương hiệu quốc gia như Gạch Đồng Tâm, Cà phê Trung Nguyên, Gốm sứ Minh Long, Công ty Hoàng Hạc… Tuy nhiên còn quá đông những vị sinh ra từ tham nhũng, chụp giật câu kết với những người thoái hóa trong hệ thống chính trị hình thành những "nhóm lợi ích", "chủ nghĩa tư bản thân hữu" tác động tiêu cực lên nền kinh tế rất đáng lo ngại.

3 – Đảng Cộng sản Việt Nam đã là Đảng của dân tộc?

Việc cho phép Đảng viên kinh doanh tư nhân là một sự kiện vô cùng quan trọng, có tính bước ngoặt trong đường lối xây dựng Đảng.

Tuy nhiên, về lý luận chưa có sáng tạo gì mới đủ sức soi sáng cho việc quay ngoắt 180 độ ấy! Việc cho phép Đảng viên kinh doanh tư nhân, việc kết nạp những chủ tư nhân vào Đảng hoàn toàn trái với nguyên lý chủ nghĩa Lenin, trái với lời răn của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Giáo sư Nguyễn Đức Bình, mà cho đến nay các văn kiện của Đảng vẫn chưa bao giờ nói khác, nhưng lại được chính thức cho phép làm khác!

Hay có thể giải thích rằng, ngày nay tính chất của Đảng đã thay đổi: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc" (Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bổ sung, phát triển năm 2011)? Như vậy, Đảng đã là của toàn dân rồi?

Không đúng! Bởi những lẽ sau đây:

(1) Sự liệt kê như vậy thể hiện có sự khinh, trọng, cũng giống như ngày xưa thứ bậc được xếp đặt là: sĩ, nông, công, thương, thì ai lại chẳng hiểu "sĩ" đứng đầu xã hội, cho nên nông dân mới có câu phản ứng: "nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ".

(2) "Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội" (Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bổ sung, phát triển năm 2011). Như vậy là tính giai cấp công nhân của Đảng vẫn không hề thay đổi!

Đúng ra ở Hội nghị Trung ương khóa 6 nói trên, vấn đề cần đặt ra không phải là tìm hiểu xem "giai cấp tư sản mới khác với giai cấp tư sản cũ như thế nào", mà là xét xem một Đảng Cộng sản làm cái việc đại kiêng kỵ đối với chủ nghĩa Marx – Lenin là nuôi dưỡng giai cấp tư sản, thì Đảng ấy thực chất có còn là cộng sản hay không?

Giở lại Nghị quyết Đại hội 4 của Đảng và Hiến pháp 1980 có những câu khẳng định: "Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước chuyên chính vô sản", "sứ mệnh lịch sử của nhà nước đó là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, [...] thiết lập và củng cố chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất nhằm thực hiện một nền kinh tế quốc dân có hai thành phần: thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể". Nội dung đó chưa hề bị kết luận là không đúng, thì làm sao chỉ với hai từ "đổi mới" đã có thể làm trái lại nguyên lý xây dựng Đảng, đưa kẻ thù "kinh điển" vào đội tiên phong của giai cấp công nhân?

Chính vì không có một lý thuyết soi sáng dẫn dắt, cho nên việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân là chủ trương không sáng. Cũng chính vì không có lý thuyết soi sáng mà chúng ta cho ra đời một giai cấp tư sản có nhiều yếu tố hoang dã, cấu kết thành "những nhóm lợi ích", làm suy yếu nhà nước và tác động tiêu cực rất nguy hiểm cho Đảng!

II – NHÂN LOẠI ĐANG Ở ĐÂU?

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ngày 10-10-2009, đã phát biểu ở Hội nghị Trung ương 11: "Công tác xây dựng Đảng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định với toàn bộ sự nghiệp cách mạng và có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ ta".

Ý kiến ấy rất đúng, nhưng xây dựng Đảng theo triết lý nào, phương pháp luận nào? Làm thế nào để không giáo điều? Làm thế nào để đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với thực tế đất nước qua 25 năm đổi mới và phù hợp với xu thế của thời đại?

Xin thử gợi ra một số vấn đề:

1 – Từ chủ nghĩa tư bản hoang dã đến chủ nghĩa tư bản nhân dân

Từ giữa thế kỷ 19 đến nay, giai cấp tư sản đã trải qua ít ra là ba cuộc cách mạng công nghiệp:

– Năm 1840, ở nước Anh, James Watt phát minh ra máy hơi nước, năm 1876 động cơ hơi nước được áp dụng trước hết cho máy dệt, đầu máy xe lửa, tạo ra năng suất, hiệu quả cao vượt bậc.

– Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai bắt đầu từ phát minh của Edison về điện ở Hoa Kỳ. Năm 1881, nhà máy điện đầu tiên khánh thành mở ra điều kiện vận hành những thiết bị công nghiệp lớn và tổ chức lao động theo dây chuyền.

– Từ nửa sau thế kỷ 20, bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba trong lĩnh vực điện tử, đưa tới công nghệ tin học, mạng lưới internet và robot.

Mỗi lần xuất hiện một cuộc cách mạng công nghiệp đều đưa đến những thay đổi rất lớn, làm đảo lộn tổ chức sản xuất, giao thương tiêu thụ hàng hóa, nhu cầu tiêu dùng; thay đổi cơ cấu, trình độ kiến thức của người làm thuê; có thể nói có tác động mạnh mẽ tới đời sống vật chất và văn hóa của toàn nhân loại.

Chủ nghĩa tư bản khởi đầu từ các nước Tây Âu lan ra toàn Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản. Từ xí nghiệp của một nhà tư bản biến thành công ty của nhiều nhà tư bản. Từ những doanh nghiệp hoạt động trong nước chuyển thành những tập đoàn siêu quốc gia. Từ xâm chiếm thuộc địa đến từ bỏ chủ nghĩa thực dân cũ, chuyển sang chủ nghĩa thực dân mới, đưa kinh doanh sản xuất ra nước ngoài. Từ công ty cổ phần của nhiều nhà tư bản đến công ty cổ phần gồm cả công nhân trong công ty, biến chủ nghĩa tư bản tiền công thành chủ nghĩa tư bản tài sản, còn gọi là chủ nghĩa tư bản nhân dân.

Chống lại sức ép của tuyên ngôn xóa bóc lột, thực hiện xã hội bình đẳng của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản biến đổi thành "chủ nghĩa tư bản xã hội", xây dựng "nhà nước phúc lợi".

Thụy Điển dưới sự lãnh đạo của Đảng Xã hội Dân chủ đã xây dựng thành công mô hình nền kinh tế thị trường năng động và một nhà nước phúc lợi phát triển. Nhiều nhà nghiên cứu xô viết cho rằng Thụy Điển "có nhiều chủ nghĩa xã hội hơn các nước Liên Xô, Đông Âu".

Tuy nhiên, từ năm 1970, bắt đầu có dấu hiệu những quốc gia đặt sự bình đẳng và phúc lợi xã hội quá cao thì kinh tế phát triển chậm lại. Thụy Điển sụt hạng từ giàu có nhất xuống thứ 3, thứ 15, rồi thứ 17. Mô hình Thụy Điển cáo chung là một thất bại của cánh tả.

Trong nền kinh tế tư bản, sự đấu tranh giữa phát triển và bình đẳng, giữa quản lý và tự do đã không ngừng đưa tới những điều chỉnh hợp lý hơn.

Chủ nghĩa tư bản trải qua nhiều lần khủng hoảng, nhưng sau đó là cuộc điều chỉnh lớn, đưa tới sức phát triển mạnh mẽ gấp bội. Cuộc khủng hoảng kinh tế mới đây được coi là sự thất bại của chủ nghĩa tân tự do. Nhiều học giả cho rằng kinh tế học hiện đại phải được viết lại, nền kinh tế thế giới sẽ phải thay đổi cấu trúc, cách vận hành, hệ thống tài chính phải được cải tổ… Tuy nhiên đó không phải là dịp sống lại các nguyên lý kinh tế xã hội chủ nghĩa như một số nhà lý luận mác–xít đã nghĩ.

Dù vậy, chủ nghĩa tư bản vẫn đang mang những mâu thuẫn chưa giải quyết được: khủng hoảng; sự cách biệt giàu nghèo giữa các quốc gia và trong từng quốc gia; sự phá hoại môi sinh. Cho nên về lâu về dài, nhân loại chưa coi nó là đích đến cuối cùng.

2 – Giai cấp vô sản trở thành hữu sản

Năm 1848, khi viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx và Engels chưa được nhìn thấy những xưởng máy dùng động cơ máy hơi nước, những dây chuyền sản xuất vận hành bằng động cơ điện. Hai ông nhận định hai giai cấp đối địch nhau là tư sản và vô sản. Giai cấp tư sản là người nắm tư liệu sản xuất thuê người vô sản lao động sản xuất và bóc lột giá trị thặng dư của họ. Từ đó các ông đặt ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản.

Sau hai cuộc cách mạng công nghệ, giai cấp vô sản từ người làm thuê trở thành người tiêu dùng, từ người bán sức lao động cơ bắp lãnh tiền công trở thành những người hữu sản nhỏ, góp cổ phần vào công ty, được hưởng tiền lời nhiều hơn tiền công. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đưa các nước tư bản phát triển tới nền kinh tế tri thức, người lao động làm thuê trong nền kinh tế tri thức có đặc điểm mới là:

(1) Các ông chủ tư bản dần dần bị lệ thuộc vào tri thức của nhà quản lý và nhà quản lý dần dần bị lệ thuộc tri thức của người trực tiếp lao động sản xuất. Vì khoa học kỹ thuật càng ngày càng phức tạp, người trực tiếp lao động sản xuất phải học tập nhiều thời gian mới có thể vận hành thiết bị. Nếu cho rằng những người làm công bây giờ phải có tri thức bác học kể cũng không ngoa. Cách đây hằng chục năm, ông chủ của hãng General Motors đã ngạo nghễ tuyên bố rằng: "Người trực tiếp sản xuất của công ty chúng tôi có thể tự mình chọn thiết bị trên màn ảnh, biết rõ tình hình kinh doanh của công ty, giá cả của mỗi thứ vật dụng và họ còn biết rõ phản ứng của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình làm ra để góp ý cải tiến".

(2) Toàn cầu hóa các ngành công nghiệp đưa toàn cầu hóa đến tận mỗi cá nhân người lao động. Trong thế giới phẳng, những người lao động đang ở các nước châu Á vẫn có thể giành việc làm của người lao động ở tận Hoa Kỳ. "Bởi trong thế giới phẳng không có khái niệm công việc của người Mỹ. Chỉ có khái niệm công việc mà thôi, thường thì những công việc này sẽ thuộc về người nào giỏi giang nhất, thông minh nhất, có năng suất cao nhất và chấp nhận đồng lương thấp nhất cho dù họ ở bất cứ nơi đâu" (Thế giới phẳng, T. L. Friedman; trang 409). Có rất nhiều người lao động đang ở Ấn Độ được ký hợp đồng làm công cho các công ty hoạt động ở bên Mỹ.

Ngày nay các nước tư bản phát triển đưa những công việc tốn nhiều lao động cơ bắp (dệt, may, giày dép, lắp ráp máy…) sang đầu tư sản xuất ở các nước đang phát triển để tận dụng giá nhân công rẻ. Hai mươi năm qua chúng ta đã hứng phần lớn công nghệ lạc hậu này của họ. Ở các nước tư bản tiên tiến, số công nhân cổ xanh lao động chân tay mà Marx, Engels quan sát cách đây hơn 100 năm, hiện nay còn rất ít, có tài liệu cho biết chỉ khoảng 5 đến 10 %.

3 – Liên Xô, Đông Âu sụp đổ!

Một sự kiện long trời lở đất đã xảy ra trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20: Liên Xô, thành trì xã hội chủ nghĩa thế giới và tất cả các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa sụp đổ!

Ban đầu các nhà lý luận mác-xít ở nước ta cho rằng nguyên nhân là do có sự phá hoại của các thế lực thù địch phương Tây. Nhưng bình tĩnh lại thì thấy rằng lập luận đó không thể đứng vững, bởi vì một chế độ nếu được nhân dân yêu quý bảo vệ thì không có thế lực bên ngoài nào lật đổ được. Và từ đó đến nay mặc dù Đảng Cộng sản Liên bang Nga vẫn được tự do hoạt động, nhưng cứ sa sút dần về sự ủng hộ của cử tri ở mỗi kỳ bầu cử và teo tóp dần về số người vào Đảng. Mới đây, trả lời Tuanvietnam.net, ông Nguyễn Đình Lộc – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Tư pháp – đã nhận định rất đúng rằng, nguyên nhân sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa là do "nhân dân vùng dậy để lật đổ".

Hằng chục năm trước khi Liên Xô và Đông Âu xã hội chủ nghĩa sụp đổ, đã có hai nước rời bỏ các nguyên lý kinh tế xã hội chủ nghĩa: đó là Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa và Việt Nam thực hiện Đổi mới, hội nhập quốc tế. Thực chất cải cách và đổi mới là thực hiện quyền dân chủ về kinh tế cho người dân và chấp nhận các định chế thị trường của chủ nghĩa tư bản thế giới. Nhờ đó mà cả hai nước đã có bước phát triển kinh tế ngoạn mục, gia nhập WTO.

Từ 1991 trở đi, các Đảng Cộng sản trên thế giới không còn nói tới đấu tranh giai cấp, cách mạng vô sản, vô sản chuyên chính nữa.

Đảng Cộng sản Pháp thay khái niệm "tiến lên chủ nghĩa xã hội" bằng "vượt qua chủ nghĩa tư bản".

Hai quốc gia Bắc Triều Tiên và Cuba kiên trì giữ nguyên mô hình xã hội chủ nghĩa xô viết, càng ngày càng lâm vào nghèo đói và bế tắc. Năm 2010 này, Cuba bắt đầu giao đất cho nông dân và các nhà đầu tư. Đầu tháng 9-2010, trả lời nhà báo Mỹ, ông Fidel Castro đã cho rằng đường lối kinh tế của Đảng Cộng sản Cuba trước đây không còn phù hợp.

Như vậy, thực tế cuộc sống của nhân loại đã không chọn mô hình chủ nghĩa xã hội với chuyên chính vô sản; với Đảng đứng trên Nhà nước; với quyền dân chủ chính trị của nhân dân bị triệt tiêu; với nền kinh tế chỉ có hai thành phần quốc doanh và tập thể, trong đó quốc doanh là chủ đạo, quyền tự do làm ăn của nhân dân bị tước mất; với nền văn hóa đề cao tính giai cấp, không chấp nhận tính nhân văn; với nền văn học nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa minh họa chính trị, phục vụ chính sách, khuyến khích thù hằn, đấu tranh giai cấp.

Nhiều nhà nghiên cứu nhất trí rằng: chủ nghĩa xã hội khoa học thất bại vì thật ra nó còn không tưởng hơn cả những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng tiền bối. Nó từ bỏ những giá trị văn minh mà nhân loại trải nghìn năm mới tìm thấy, rồi chọn cho mình những giá trị chưa hề được thử thách. Nó có ý định vô cùng tốt đẹp là giải phóng triệt để loài người khỏi nạn bóc lột nghìn đời, nhưng lại đưa con người vào một tình trạng ngột ngạt mất tự do, dân chủ, phải đứng lên đòi giải phóng một lần nữa. Nó không có một cơ chế kiềm hãm quyền lực, khiến Đảng lãnh đạo cách mạng từ chỗ trong sáng đã nhanh chóng biến chất, trở thành độc tài, đặc quyền đặc lợi, tham nhũng khi ở vị trí cầm quyền! Trả lời phỏng vấn Tuanvietnam.net, ông Nguyễn Đình Lộc băn khoăn, không biết vì sao mà chế độ ta sợ dân chủ đến như vậy!

4– Chế độ tương lai của nhân loại?

Vào những năm 70 – 80 của thế kỷ 19, sau khi quan sát công ty cổ phần tư bản, Marx và Engels đã thay đổi quan điểm về đấu tranh giai cấp và cách mạng vô sản, hai ông chủ trương đấu tranh hòa bình bằng tổ chức công đoàn và nghị trường, giành quyền lợi cho giai cấp vô sản.

Engels viết lời nói đầu cho quyển Đấu tranh giai cấp ở Pháp của Marx khi tái bản năm 1895 rằng chủ trương cách mạng vô sản hồi 1848 cùa hai ông là ảo tưởng.

Năm 1889, tại Paris, nước Pháp, Engels thành lập Liên minh quốc tế của các Đảng Công nhân, gọi là Quốc tế 2, chủ trương đấu tranh trên hai mặt kinh tế và chính trị, đòi thực hiện công bằng xã hội và các quyền tự do, dân chủ.

Sau Cách mạng Tháng 10, Lenin đổi tên Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga, phái Bonsevich thành Đảng Cộng sản Nga và ly khai Quốc tế 2. Năm 1919, Lenin thành lập Quốc tế Cộng sản 3, nhận định chủ nghĩa tư bản đã giãy chết, chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, là đêm trước của cách mạng vô sản toàn thế giới. Tuy nhiên đến năm 1921, trước tình hình kinh tế khó khăn sau nội chiến, Lenin chủ trương trở lại hình thức tư bản có giới hạn: chính sách kinh tế mới (NEP), có những nội dung tương tự chủ nghĩa xã hội dân chủ. Tiếc thay, Lenin sớm qua đời.

Năm 1951, các Đảng Xã hội – Dân chủ các nước tư bản họp tại Frankfurt, Cộng hòa Liên bang Đức thành lập Liên minh Quốc tế và ra Cương lĩnh có nội dung: "Từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội không qua đấu tranh giai cấp, không dùng bạo lực cách mạng, không thiết lập chuyên chính vô sản, ủng hộ nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, ủng hộ cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam và Đông Dương, ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội của các dân tộc Á, Phi, Mỹ La tinh".

Những năm 50 – 60 của thế kỷ 20, mô hình Thụy Điển là thắng lợi rực rỡ của chủ nghĩa xã hội dân chủ. Sau khi mô hình Thụy Điển mất khả năng phát triển, những học giả khuynh tả đưa ra học thuyết "Con đường thứ 3", nhằm tìm con đường mới cho chủ nghĩa xã hội dân chủ, chống lại chủ nghĩa tân tự do và tìm những mô hình mới thích hợp cho mỗi quốc gia.

Ngày nay nhiều nhà tư tưởng cho rằng tương lai loài người không phải là chủ nghĩa tư bản, nhưng cũng không phải là chủ nghĩa xã hội mà nhân loại đã cay đắng trải qua. Con đường tìm đến xã hội lý tưởng không phải là con đường bạo lực, đấu tranh giai cấp, mà là con đường diễn biến hòa bình, từng ngày tranh biện, từng ngày nhận thức, đi tới đồng thuận của số đông, loại dần bất công, từng bước hình thành chủ nghĩa nhân văn mới tự do hơn, bình đẳng hơn.

Trong lịch sử loài người, sau khi chế độ mới hình thành thì mới được đặt tên, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là được đặt tên trước, nhưng cuối cùng đã không thành!

Nhiều học giả cho rằng trong thời đại kinh tế tri thức, thế giới phẳng, các giá trị của cá nhân (tri thức, ý chí, đạo đức, sức sáng tạo) được đề cao hơn bao giờ hết, đúng như K. Marx và F. Engels đã sớm tiên đoán: "Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện để phát triển tự do của mọi người" (Marx, Engels – Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, 1848). Cụm từ xã hội chủ nghĩa đặt cái "xã hội" lên trên cái "mỗi người" như vậy là không phù hợp với bản chất con người, tức là không hợp thời đại. Do vậy, việc đặt tên cho xã hội tương lai nên dành cho thế hệ tương lai.

III – NHIỀU CHỖ TỐI TRONG CƯƠNG LĨNH

1 – Cách nhận định về thời đại

Do không nhìn thẳng vào hiện thực thế giới đã thay đổi, cũng không dám nói trái quan điểm của Bộ Chính trị đương quyền, nên những người viết dự thảo các văn kiện lúng túng, lập luận mâu thuẫn, nhiều chỗ không rõ ràng và có chỗ không đúng.

Tuy không nói như xưa là "thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội", nhưng vẫn nói "các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới biểu hiện dưới những hình thức và mức độ khác nhau vẫn tồn tại và phát triển".

Câu này gợi nhớ đến nhận định của Hội nghị các Đảng Cộng sản về "bốn mâu thuẫn": (1) – Mâu thuẩn giữa hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa; (2) – Mâu thuẩn giữa các nước tư bản với nhau; (3) – Giữa vô sản và tư bản; (4) – Giữa đế quốc với các dân tộc thuộc địa.

Các Đảng Cộng sản ngày ấy cho rằng bốn mâu thuẫn này sẽ đưa tới sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản, toàn nhân loại sẽ đi tới chủ nghĩa xã hội. Chẳng lẽ bốn mâu thuẫn ấy vẫn tồn tại? Tuy dự thảo Cương lĩnh không nói rõ như vậy, nhưng ngay ở đoạn dưới kế tiếp đã viết "nhưng đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, chiến tranh cục bộ…", khiến người đọc phải hiểu theo khái niệm cũ!

"Đấu tranh giai cấp" là một thuật ngữ ra đời từ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và cho đến nay vẫn còn giữ nguyên nội hàm của nó. Các từ điển Triết học, Chính trị học hiện nay đều định nghĩa na ná nhau: "Đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh giữa những giai cấp mà lợi ích không thể dung hòa với nhau hay mâu thuẫn với nhau". Xin trích định nghĩa của Từ điển Bách khoa Việt Nam, phát hành tháng 12-1995, có lẽ là cuốn sách thuộc hàng mới nhất: "Hình thức cao nhất là đấu tranh chính trị nhằm lật đổ nền thống trị của giai cấp tư bản, thiết lập nền thống trị của giai cấp vô sản… Đảng, đội tiên phong của giai cấp vô sản, đứng trên lập trường của chủ nghĩa Marx – Lenin lãnh đạo cuộc đấu tranh lật đổ giai cấp tư sản". Chẳng lẽ người viết nhầm lẫn các hình thức đình công, biểu tình hiện nay (thuộc lĩnh vực nhân quyền) là đấu tranh giai cấp?

Từ Đại hội 6, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương chủ doanh nghiệp và người lao động cùng thỏa hiệp. Mới đây ngày 9-9-2010, tại Công ty Doosan Vina, Dung Quất – Quảng Ngãi, Tiến sĩ Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tác giả Luận án cấp nhà nước về giai cấp công nhân Việt Nam đã phát biểu rất đúng rằng: "Phải tuyên truyền cho người lao động hiểu rằng quyền lợi của họ phải được gắn liền với quyền lợi của nhà đầu tư".

Ở nước Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, số đông là lao động chân tay gần giống như giai cấp vô sản thế giới cuối thế kỷ 19, nhưng Đảng Cộng sản vẫn phải chủ trương "lao – tư lưỡng lợi". Vậy trên phạm vi thế giới, nền kinh tế tri thức đang ở thế thượng phong, đội ngũ công nhân cổ xanh truyền thống còn rất ít, lao động trí óc đóng vai chủ yếu thì lấy lý do gì để chúng ta hô hào họ phải đấu tranh giai cấp?

"Từ thực tiễn phong phú của cách mạng", Đảng rút ra 5 bài học lớn, trong đó bài học thứ tư cần phải vận dụng là "kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế". Sức mạnh ấy không được chỉ rõ là nó đang ở đâu và làm cách nào để có thể vận dụng và kết hợp? Điều đó cần được chỉ rõ, bởi vì khái niệm sức mạnh thời đại đã đổi khác hoàn toàn với khái niệm của những người cộng sản trước kia.

Văn kiện khẳng định: "phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có những bước hồi phục". Luận điểm này cũng không được chứng minh, nhưng lại tiếp tục khẳng định theo lý thuyết đã có cách đây hàng thế kỷ rằng: "Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội"!

Với tư duy đó, dự thảo Cương lĩnh cho rằng việc Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là một tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới và cho hòa bình. Câu này đặt ra ba vấn đề cần phải làm rõ:

– Thứ nhất là hiện nay thế giới đang có phong trào cách mạng gì? Tất nhiên nếu là cách mạng khoa học kỹ thuật thì không cần chỗ dựa kiểu Liên Xô, Đông Âu, vậy chỉ có thể là cách mạng vô sản?

– Thứ hai, nói như thế, liệu có sợ mất lòng nhân dân Liên bang Nga và các nước Đông Âu, khi người ta coi sự sụp đổ đó là một cuộc đổi đời? Ba Lan, Hung… từ đó đã phát triển nhanh gấp 10 lần dưới chế độ xã hội chủ nghĩa!

– Thứ ba là, văn kiện nhiều lần nhắc đến toàn cầu hóa, coi đó là nhân tố "tác động sâu sắc đến sự phát triển của nhiều nước". Vậy xin nhắc rằng, sự sụp đổ Bức tường Berlin, tiếp theo là Đông Âu, Liên Xô được coi là nhân tố số một của toàn cầu hóa (theo Thế giới phẳng của Thomas L. Friedman).

Chính tư duy "2 phe 4 mâu thuẫn" chưa được gột bỏ đã đẻ ra ý tưởng Cuba và Việt Nam thay nhau thức ngủ để canh giữ cho hòa bình cho thế giới hôm nay.

Gần đây trên báo chí của chúng ta có nhiều bài viết khơi dậy hy vọng vào chủ nghĩa xã hội Venezuela, Mỹ La tinh. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu có uy tín như Thomas L. Friedman, Michael L.Ross đã phát hiện quy luật ở các quốc gia dầu mỏ là "tự do tỉ lệ nghịch với giá dầu". Các nhà độc tài dùng tiền bán dầu được giá cao để "mua dân chủ" của nhân dân! Ông Hugo Chavez quốc hữu hóa các công ty dầu, tuyên bố tiến lên chủ nghĩa xã hội và đề nghị nhân dân cho mình chấp chính nhiều nhiệm kỳ khi giá dầu thế giới tăng vọt!

Vậy xin hãy bình tâm đừng để ý thức hệ chi phối, chúng ta hãy tìm xem cái "sức mạnh thời đại", "sức mạnh quốc tế" đang ở đâu.

Cứ quan sát hai phần bị chia cắt của dân tộc Triều Tiên, một bên là nước CHDCND Triều Tiên kiên định lập trường xã hội chủ nghĩa, càng ngày càng nghèo đói, và bên kia là nước tư bản chủ nghĩa Nam Hàn được xếp hàng giàu mạnh thứ 13 thế giới, thì dễ thấy sức mạnh thời đại từ phía nào đang truyền vào Việt Nam. Các nguyên thủ quốc gia Việt Nam thường xuyên thăm hỏi thân thiết, đề nghị nâng quan hệ lên tầm chiến lược với bên nào? Còn có thể kể như thế về Nhật Bản, Úc, Singapore, Đài Loan, Anh, Pháp, cả Mỹ nữa…

Chúng ta giữ quan hệ tốt, sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết đối với Bắc Triều Tiên, Cuba, Đảng Cộng sản Liên bang Nga… là hợp đạo lý, và nếu có điều kiện thì giúp họ "đổi mới" để nhân dân họ thoát khỏi đói nghèo, chứ làm sao lại có thể tìm thấy ở đó "nguồn sức mạnh thời đại"?!

Dư luận quốc tế hiện nay hết sức quan tâm đến tình hình Trung Quốc trở thành siêu cường, là công xưởng của thế giới, vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2, tuyên bố độc chiếm Biển Đông, tuyên bố chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và có những hành động đơn phương chèn ép, gây hấn với riêng Việt Nam.

Chúng ta chủ trương hòa bình, hữu nghị và giải quyết bất đồng qua thương lượng hòa bình là đúng đắn. Nhưng điều ấy không có nghĩa là không dám nói rạch ròi phải trái, công khai quan điểm giải quyết vấn đề, trước hết là để cho nhân dân mình nhận thức đúng và trách nhiệm đối với Tổ quốc, kế đó là bạn bè thông cảm và ủng hộ.

Với bạn bè hay với kẻ thù đều cần phải có thái độ quang minh chính đại của người có chính nghĩa. Nói về tranh chấp biển đảo hiện nay, dự thảo văn kiện dùng cách nói bóng gió thật không thích hợp!

2 – Về phát triển kinh tế

Hơn 20 năm qua, chúng ta phát triển kinh tế theo chiều rộng, thiếu bền vững, nhiều nhà nghiên cứu – như ông Nguyễn Trung – cảnh báo rằng nếu tiếp tục như thế thì sẽ đưa tới "một đất nước cho thuê và một dân tộc làm thuê". Vấn đề đó quan trọng hơn là cố tìm cách giữ cho được loại hình kinh tế nào được xem là thuộc bản chất của chủ nghĩa xã hội để rồi tiếp tục gây ra những thảm họa Vinashin.

Nghe các nhà lý luận bàn cách thực hiện Nghị quyết của Trung ương lý giải thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thật đáng lo lắng!

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa cho biết có hai cách tiếp cận với Nghị quyết này:

(1) – Định hướng xã hội chủ nghĩa là phải sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất, khống chế và kiểm soát sở hữu tư nhân. (Trong khi dự thảo văn kiện viết "Bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế"?).

(2) – Theo định lượng. Ví dụ người nghèo phải được giúp đỡ, những đối tượng dễ bị tổn thương phải được đảm bảo an sinh, phúc lợi; phát triển phải đảm bảo bền vững; phân bố phúc lợi phải đồng đều.

Ông nói nhóm chuyên gia các ông theo hướng thứ hai! Vậy cũng là may!

Nhưng dự thảo Cương lĩnh vẫn nhiều lần viết những dòng có nội dung theo hướng thứ nhất: "Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân". Nghe không khỏi ám ảnh những Vinashin đâu đó ở phía trước!

Trong bài "Đổi mới Đảng tránh nguy cơ sụp đổ", tôi có góp ý việc Nghị quyết 6 Trung ương Đảng xác quyết rằng "nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa vừa tuân theo các quy luật kinh tế thị trường vừa chịu sự chi phối bởi các quy luật kinh tế xã hội chủ nghĩa" là quên mất nguyên lý Marx – Lenin đã chỉ ra rằng, quy luật kinh tế xã hội chủ nghĩa chỉ có thể phát huy tác dụng khi nền kinh tế đã được cải tạo chỉ còn hai thành phần là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể.

Có lẽ góp ý đó đã được tiếp thu.

Lần này, dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội 11 viết: "Kinh tế thị trường định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội" (Mục 1 – Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường).

Thật quá mù mờ và sai trái! Các nhà lý luận chúng ta lại quên những lời dạy cơ bản của Marx: "Vật chất có trước và quyết định ý thức", và của Lenin: "Trên mảnh đất sản xuất cá thể, hằng ngày, hằng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản"!

Ngày nay trên đất nước ta không phải chỉ có mảnh đất sản xuất cá thể mà đang có "những nhà hữu sản mới thoát thai từ tham nhũng, đạo lý kém hơn, chụp giựt hơn, lưu manh hơn". Việc tìm cách đưa họ vào con đường phát triển tư bản văn minh, ngăn chặn họ hình thành những nhóm lợi ích đã là vô cùng nan giải rồi, huống hồ lại toan đưa họ vào định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ bằng các "nguyên tắc và bản chất" vô hình!

Vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải là chệch hướng xã hội chủ nghĩa mà là làm thế nào khắc phục thứ chủ nghĩa tư bản thân hữu và tránh vết xe của chủ nghĩa tư bản hoang dã.

3 – Về xây dựng Đảng

Theo cách dẫn giải thay đổi dần từ sau Đại hội 6 tới nay, có thể thấy các nhà lãnh đạo của Đảng cũng rất trăn trở, muốn tìm cách thể hiện được Đảng là của toàn dân tộc. Nhưng do tư duy cũ trì níu nên không dám từ bỏ lý thuyết "đội tiên phong của giai cấp công nhân".

Từ những nội dung đã nói ở các phần trên, có thể nhận định rằng nếu tiếp tục giữ quan điểm "giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng" và "Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân" thì sẽ dẫn đến những sai lầm gây tác hại sau đây:

(1) – Vấp phải mâu thuẫn cơ bản: Xã hội phân hóa thành nhiều giai cấp, mỗi giai cấp có quan điểm bảo vệ quyền lợi của mình. Trong khi đó Đảng lãnh đạo tự cho mình là đội tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng. Nói như vậy không thể thu phục toàn dân tộc. Đảng giương lá cờ đại đoàn kết dân tộc, lại đề ra Cương lĩnh đề cao một giai cấp. Trong lịch sử, Đảng đã từng nhân danh giai cấp ấy tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp cải tạo, tiêu diệt những giai cấp khác. Không ít người chưa thoát khỏi nổi lo, lần này lời kêu gọi đại đoàn kết phải chăng chỉ là sách lược trong một giai đoạn?

(2) – Lý thuyết "giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng", và "Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân" xung khắc sâu sắc với việc kết nạp chủ doanh nghiệp vào Đảng, xung khắc với tiến trình dân chủ hóa, đổi mới hệ thống chính trị. Trong khi sức ép dân chủ không ngừng tăng lên trong quá trình hội nhập. Ngay nước láng giềng hùng mạnh cùng thể chế với chúng ta là Trung Quốc cũng phải tìm đường thoát ra khỏi lý thuyết "Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân" bằng thuyết Ba đại diện. Với thuyết Ba đại diện, họ có lý lẽ quang minh cho việc kết nạp chủ doanh nghiệp với tư cách là những đại diện của lực lượng sản xuất tiên tiến nhất Trung Quốc. Thuyết Ba đại diện cũng là một sức ép đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi vì nó sát thực tiển hơn, dân chủ hơn, làm cơ sở tiếp cận thời đại tốt hơn, tức là nó tiến bộ hơn.

(3) – Trước kia, khi nói về vai trò lịch sử của giai cấp công nhân hết sức bé nhỏ trong dân số Việt Nam, các nhà lý luận mác-xít đã thuyết phục rằng, tuy nó nhỏ bé đấy, nhưng tiền đồ của nó vô cùng to lớn, là vì nó gắn liền với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân thế giới, gắn liền với xu thế thời đại. Ngày nay, xu thế thời đại đã đổi khác, với nền kinh tế tri thức, hậu công nghiệp, vai trò lịch sử đã chuyển từ công nhân sang trí thức! Dự thảo Văn kiện về Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đã viết rất đúng rằng "con người và tri thức trở thành nhân tố quyết định sự phát triễn của mỗi quốc gia". Thế thì tại sao Cương lĩnh lại không bám sát vào "nhân tố quyết định" ấy mà bẻ quẹo trở về lối cũ? Hãy khách quan nhìn lại hiện trạng giai cấp công nhân, với 3000 cuộc đình công đòi cơm áo, ông Đặng Ngọc Tùng đã thấy còn phải vất vả để giúp họ hiểu được quyền lợi của họ gắn liền với quyền lợi của chủ doanh nghiệp. Đặt cho họ sứ mệnh lịch sử quả là khiên cưỡng và nặng quá sức họ. Gánh nặng đó cuối cùng đặt lên Đảng!

Chúng ta không nhất thiết phải học nguyên xi cách làm của Trung Quốc. Di sản Hồ Chí Minh đã để lại một tư tưởng lớn: "Tôi chỉ có một Đảng là Đảng Việt Nam".

Theo tư tưởng ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ cần tuyên bố: "Đảng đại diện trí tuệ, lợi ích của toàn dân Việt Nam" là đủ.

Cương lĩnh của Đảng sẽ thể hiện thật rõ nội dung đó. Như vậy là đáp ứng nguyện vọng nhân dân, đáp ứng yêu cầu thời đại, đáp ứng phương pháp luận mới để xây dựng Đảng. Còn việc có đổi lại tên Đảng do Hồ Chí Minh đặt là Đảng Lao động hay không, không quan trọng lắm, vấn đề là tôn chỉ, mục tiêu đạt tới có phù hợp với xu thế dân chủ tự do của thời đại hay không.

Ngày 18 tháng 9 năm 2010

T.V.C.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

http://boxitvn.wordpress.com/2010/09/21/t%e1%bb%ab-ch%e1%bb%97-t%e1%bb%91i-nh%e1%ba%a5t-nhn-ra/