Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

06 tháng 5 2011

Thủ tướng: 'Việt Nam vẫn là nước nghèo'

Song Linh

imageVâng, đất nước có gì đang đào lên bán sạch, và bao nhiêu tài sản thiên nhiên quý giá khác được tạo hóa ban cho như hồ Ba Bể, rừng nguyên sinh rộng lớn và phong phú bậc nhất ở Tây Tây Bắc, rừng thông bạt ngàn Đà Lạt, môi trường sinh thái đặc thù Tây Nguyên, những bãi biển đẹp như mơ ở miền Trung... cứ thế theo nhau biến mất. Không nghèo thì còn là gì nữa. Phải vay thôi, mà muốn vay được rẻ thì danh hiệu "thoát nghèo" lại đâm bất lợi, dân đen cũng chả ai muốn nhận cái danh không thật ấy cho mình. Nhưng vay để mà tiếp tục đeo đuổi những chuyện như đường sắt cao tốc, hoặc để cấp cho các tập đoàn làm ăn thua lỗ như EVN đang sắp thả nổi giá điện làm dân điêu đứng thì ôi thôi... cái vòng luẩn quẩn đó sẽ khiến cho đất nước không biết đến bao giờ mới thật là thoát nghèo.

Bauxite Việt Nam

clip_image001

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc Hội nghị thường niên ADB ngày 5/5. Ảnh: PV

 
Việt Nam đã bước vào ngưỡng thu nhập trung bình, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đất nước còn nghèo và tiếp tục cần hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có ADB và các nước thành viên.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 trưa nay tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đang tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế... thông qua việc thực hiện Chiến lược Phát triển Kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020. Riêng 5 năm tới sẽ là giai đoạn kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, với mục tiêu tăng trưởng bình quân 7% một năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% qua các năm. Việt Nam cũng đặt mục tiêu thu nhập khu vực nông thôn 5 năm tới sẽ tăng gấp đôi 2010.

10 năm qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng bình quân 7,26% mỗi năm, tỷ lệ đói nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống dưới 10% năm 2010.

"Tuy đạt được nhiều thành tựu, Việt Nam vẫn là một nước nghèo, chặng đường phát triển phía trước còn rất nhiều khó khăn. Việt Nam sẽ huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Tính đến tháng 3 năm nay, ADB đã cam kết cung cấp cho Việt Nam gần 10 tỷ USD cho Việt Nam, với hơn 100 chương trình và dự án, tập trung vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn, năng lượng và giáo dục.

"Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả cao nhất nguồn vốn quý báu này. Việt Nam tin tưởng vững chắc vào con đường hướng tới mục tiêu giảm nghèo và phát triển bền vững, và rất vui mừng vì luôn có một người bạn đồng hành thực sự là ADB", Thủ tướng nhấn mạnh.

clip_image002

Chủ tịch ADB Kuroda. Ảnh: TTXVN

Chúc mừng Việt Nam đã bước vào ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho biết Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực còn đối mặt với nhiều thách thức, cho dù châu Á đang gia tăng vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông Kuroda, trước mắt, các nước châu Á sẽ chịu ảnh hưởng ngắn hạn của thảm họa sóng thần tại Nhật Bản. Sau khi tăng trưởng bình quân 9% trong năm ngoái, các nước đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng chậm lại với tốc độ dự kiến 7,8% năm nay và 7,7% trong năm tới. Lạm phát sau khi duy trì ở mức thấp 4,4% trong năm ngoái, năm nay sẽ bùng phát trở lại do sự tăng trưởng nóng ở một số nền kinh tế và cú sốc giá lương thực, nhiên liệu.

"Các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc cẩn trọng các biện pháp kiểm soát lạm phát bởi những công dân nghèo nhất trong các quốc gia sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi điều này", Chủ tịch ADB khuyến cáo và không quên nhắc lại thực tế là châu Á hiện còn hàng trăm triệu người thuộc diện nghèo nhất thế giới. Vấn đề lạm phát đã được ông Kuroda và nhiều diễn ra khác đề cập tại nhiều phiên thảo luận trước đó của ADB, như một trong những thách thức lớn nhất của châu Á hiện nay.

Chia sẻ quan điểm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng kinh tế thế giới vẫn biến động khó lường do tác động của cuộc khủng hoảng còn kéo dài, trong khi nguy cơ trì trệ và suy thoái vẫn tiềm ẩn. Theo Thủ tướng, đây là những hệ quả không mong muốn của chính sách kích thích kinh tế ở nhiều nước và lạm phát cao đang xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, nợ công và thâm hụt tài khóa ở Châu Âu, nguy cơ thất nghiệp và phục hồi kém bền vững của một số nền kinh tế lớn, sự tàn phá nặng nề của các thảm họa thiên nhiên, bất ổn chính trị ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông....

"Trong bối cảnh đó, chúng tôi mong muốn ADB đóng vai trò chủ động và tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ phát triển, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy hội nhập, hợp tác thương mại và đầu tư ở khu vực; đóng góp thiết thực vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu", Thủ tướng nói.

Trong bài phát biểu của mình, ông Kuroda đã gợi ý 5 vấn đề chủ chốt đóng vai trò thiết yếu nhằm khai thông tiềm năng phát triển của khu vực như: nâng cao vai trò lãnh đạo và cam kết quản trị điều hành hợp lý, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư khổng lồ, cải tổ hệ thống tài chính, chia sẻ kinh nghiệm phát triển, đồng thời gia tăng hợp tác và hội nhập khu vực.

Theo tính toán của ông Kuroda, từ nay đến 2020, mỗi năm châu Á cần khoảng 750 tỷ USD cho đầu tư phát triển hạ tầng, kể cả phần cứng lẫn phần mềm. Trước đó, Việt Nam cho biết sẽ cần 300 tỷ USD vốn đầu tư trong 5 năm tới, trong khi Ấn Độ cho biết số vốn cần trong 10 năm là 3.000 tỷ USD.

"Đầu tư phát triển hạ tầng đang thiếu hụt hiện nay là chìa khóa để đạt được sự tăng trưởng bền vững", ông nhấn mạnh.

Phiên khai mạc chính thức Hội nghị thường niên lần thứ 44 Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) diễn ra trưa nay, hai ngày sau hàng loạt sự kiện và các phiên thảo luận trong khuôn khổ của sự kiện quan trọng này. Sau 45 phút văn nghệ chào mừng của nước chủ nhà, là các diễn văn khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu và Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda. Trước bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đều bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ với đất nước và nhân dân Nhật Bản sau thảm họa sóng thần vừa qua. Chủ tịch Kuroda và nhiều nhân viên khác trong ADB có quốc tịch Nhật Bản.

S.L.

Nguồn: Vnexpress.net


Original Page: http://boxitvn.blogspot.com/2011/05/thu-tuong-nam-van-la-nuoc-ngheo.html


Về cuộc bạo động ở Mường Nhé


Năm 1976 dân số Tây Nguyên là 1.202.500 người; 13 năm sau, 1989, con số đó là 2.490.178 người – tức là tăng gấp đôi. Tất nhiên, bước nhảy vọt đó chủ yếu là do di dân ồ ạt, không có kế hoạch. (Xin xem Viện Tư vấn Phát triển – CODE 2010, Khai thác bauxit & phát triển bền vững Tây Nguyên, Nxb Tri thức, Hà Nội, tr. 100-102). Và như một hệ quả, rừng bị tàn phá dữ dội, với tốc độ ngày càng nhanh. Người dân tộc thiểu số vốn sống nhờ rừng, là nạn nhân đầu tiên: cuộc sống của họ bị đảo lộn, bị bần cùng. Trong điều kiện đó, dễ hiểu là một số không nhỏ mất niềm tin vào thiết chế xã hội hiện tại, đi tìm một niềm tin mới. Hơn mười năm trước, một số nhà khoa học đã báo động: "Sẽ không là quá sớm khi đưa ra lời cảnh báo rằng nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục những khiếm khuyết của quá trình khai thác và sử dụng đất đai thì "Vấn đề dân tộc" sẽ rất có thể phát sinh trong thực tế nay mai ở Tây Nguyên, chí ít là mất ổn định, nghiêm trọng là máu lại đổ […]" (Vũ Đình Lợi, Bùi Minh Đạo, Vũ Thị Hồng 2000, Sở hữu và sử dụng đất đai ở các tỉnh Tây Nguyên, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 173). Lời tiên tri đó của các nhà khoa học không được ai lắng nghe. Chỉ 4 năm sau khi công trình này được xuất bản, một cuộc bạo động lớn quả nhiên đã xảy ra ở Tây Nguyên.

Chỉ cần thay "Tây Nguyên" bằng hai chữ "Mường Nhé" là ta có một tình hình y hệt. Trong vòng 10 năm, dân số tăng gấp đôi do dân cư ở các nơi khác đổ dồn đến. Rừng bị khai thác cạn kiệt. Dân bản địa nghèo đi. "Đạo Vàng Chứ" phát triển rất nhanh. Và bạo động.

Chúng ta đã học được bài học cay đắng ở Tây Nguyên chưa?

Bauxite Việt Nam

Người Hmong ở Mường Nhé "bạo động"

Một số nguồn tin, nay được chính quyền địa phương xác nhận, nói có 'bạo động' tại huyện biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, miền Tây Bắc Việt Nam từ mấy ngày qua.

Sự việc, theo một số nhân chứng cho BBC hay, đã bắt đầu hôm 30/4 tại vùng của người thiểu số Hmong.

Các trang mạng tiếng Việt cũng có nhiều tin tức không đầy đủ từ vài ngày qua về tầm vóc của vụ bất ổn và số dân tham gia, mà có người tin là "lên tới 5.000".

Được biết, một số đơn vị cảnh sát cơ động và hàng trăm bộ đội được điều đến cùng máy bay trực thăng.

Trả lời BBC qua điện thoại hôm 4/5, nguyên Chủ tịch huyện Mường Nhé, ông Giàng A Dình lên án các hoạt động chống đối.

Ông cũng xác nhận "có ngàn người" tham gia vụ việc.

Theo ông Dình việc có những người Hmong đòi một vương quốc tự trị, là chuyện "chỉ gây ra đổ máu".

Ông Giàng A Dình nói: "Tình hình đang ổn định, tất cả nhân dân, một số người chỉ nghe những lời quá khích của những kẻ cầm đầu nhưng nay nhân dân người ta đã tản mát, từng bước trở về nhà rồi", "Tất cả những người nói thế này nói thế khác đã không còn lý gì để nói với Đảng Cộng sản, nói với nhân dân, dân tộc Việt Nam nữa".

Người Hmong cũng đã bắt giữ một số cán bộ địa phương khi đưa ra yêu sách đòi tự do tín ngưỡng và lập vương quốc riêng.

Một Thượng tá công an cũng chỉ nói với BBC là có chuyện "bất ổn" nhưng không nêu con số của lực lượng an ninh vào cuộc cũng như số người Hmong tham gia.

Ông đề nghị hãy hỏi bên quân đội về những con số này.

BBC cũng chưa xác định được vụ việc đang tiếp tục diễn biến ra sao.

'Miền đất hứa'

Cùng ngày, truyền thông Việt Nam cho đến chập tối chưa đăng tải tin gì về vụ việc.

Nhưng một số trang mạng xã hội hẹn giới trẻ người Kinh đi du ngoạn kiểu hoang dã (phượt) ở vùng núi Điện Biên đã cảnh báo nhau là nên tránh khu vực "người Hmong đòi tự trị".

Chẳng hạn, một bạn viết đã trông thấy trực thăng của Nhà nước bay lên vùng này khi đi máy bay lên Điện Biên:

"Ngồi trên máy bay tự nhiên thấy hai cái trực thăng nó bay song song, tưởng ông nào lên Điện Biên chuẩn bị kỉ niệm 7/5. Lúc xuống máy bay mới biết trên huyện Mường Nhé đang có bạo động".

Tuy nhiên tới nay, các diễn đàn nói về sự kiện đã bị đóng lại.

Trước đó, từ năm 2010, chính báo chí của ngành công an đã có những bài phê phán "luận điệu hoang đường" ở huyện Mường Nhé, Điện Biên về "một thế lực siêu nhiên".

Vẫn theo báo Công an nhân dân, các sĩ quan của ngành này được cử đến để "gặp gỡ, nói chuyện, vận động nhân dân không đi theo kẻ xấu".

Nguồn tin này cho hay có người dân "tin theo thuyết về một Miền Đất Hứa", và hẹn để "được đón về Trời".

Các khẩu hiệu kêu gọi dân chúng đến "những vùng đất hứa" được viết bằng chữ quốc ngữ và tiếng Hmong dạng La-tinh.

Báo Nhà nước năm 2010 xác nhận khi đó các lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, Bộ đội Đoàn 379 thuộc Quân khu II đã "tăng cường cán bộ xuống cơ sở" ở Mường Nhé.

Mới tháng 6/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký quyết định tặng bằng khen cho năm tập thể và 13 cá nhân của Bộ Công an "có thành tích giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội" tại tỉnh Điện Biên.

clip_image001

Mường Nhé là một trong những nơi nghèo nhất Việt Nam

Huyện nghèo

Thành lập năm 2002 theo Nghị định số 08/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam, huyện Mường Nhé được chính quyền Việt Nam coi là thuộc "vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn".

Nằm cách Điện Biên chừng 200 km, Mường Nhé là phần gộp lại của sáu xã trước thuộc huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) và huyện Mường Lay (nay là huyện Mường Chà) tỉnh Điện Biên.

Phía Đông, Mường Nhé giáp huyện Mường Tè; phía Tây giáp Lào; phía Nam giáp Lào và huyện Mường Chà; phía Bắc giáp Trung Quốc.

Theo trang web của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ở Việt Nam, cho đến tháng 3/2009, huyện Mường Nhé có 9.591 hộ với 52.684 nhân khẩu.

Trong số 13 dân tộc sinh sống tại đây, người Hmong chiếm đa số với 36.811 nhân khẩu (chiếm 69,6%).

Vì nổi tiếng là nghèo, Mường Nhé được chính quyền ra đề án phát triển kinh tế xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững với hàng tỷ đồng từ ngân sách.

Cũng mới hôm 2/5 báo chí địa phương đăng tin bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác của Quốc hội lên thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên.

Tuy nhiên, bên cạnh chủ đề kinh tế, có vẻ như các vấn đề tín ngưỡng và sắc tộc vẫn còn nổi cộm tại đây mà các chính sách của chính quyền chưa giải quyết được.

Cũng chưa rõ kế hoạch xây khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có liên quan gì không đến tranh chấp đất và rừng tại đây.

Một số nhà báo Việt Nam gần đây đưa tin ít nhiều về hiện tượng người Hmong ở đây "rút vào rừng", không chịu ra trong khi có cáo buộc về hiện tượng đốt phá rừng và "di cư tự do".

Hiện chưa rõ yếu tố tín ngưỡng trong vụ Mường Nhé là gì nhưng nhìn chung, trong những năm qua có hiện tượng người thiểu số Hmong tại Bắc Lào và Việt Nam theo đạo Tin Lành với số lượng đông đảo.

Hôm 5/4/2011, trang web bienphong.cm.vn có bài nói "Mấy năm gần đây, cái gọi là "đạo Vàng Chứ" phát triển rất nhanh trên địa bàn các xã biên giới tỉnh Điện Biên. Đi kèm với truyền "đạo Vàng Chứ" là "vấn nạn" di cư tự do của đồng bào Mông".

Một nhà quan sát tại Paris cho BBC hay người Hmong ở miền Bắc Việt Nam theo đạo Tin Lành phái Phúc Âm, còn người sắc tộc thiểu số ở miền Trung theo phái Mennonite.

Với vụ Mường Nhé, lần đầu tiên lại có bất ổn sắc tộc diện rộng tại Việt Nam kể từ sau cuộc nổi dậy của người Thượng theo Tin Lành Dega ở Tây Nguyên hồi năm 2004.

Nguồn: bbc.co.uk

Bài 1. Choáng váng với rừng ở Mường Nhé

Thứ Ba, 3.11.2009

() - Từ năm 2004 đến nay, chưa một ngày nào tôi thôi bị ám ảnh bởi chuyến đi bộ 15 ngày "ăn rừng, ngủ bản", ròng rã khám phá cộng đồng dân cư trong khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam ấy: Mường Nhé.

clip_image002

Cả nước biết đến khu bảo tồn có diện tích hơn 300.000ha đó. Khi có thiên tai, đói khát, bà con nơi này đã quen với hình ảnh những chiếc trực thăng cứu trợ đậu như chú đại bàng xám ngoài đầu bản, chứ chưa bao giờ biết đến cái bánh tròn của ôtô, xe máy hay xe đạp. Cái tình của bà con vùng phên giậu, vẻ đẹp tuyệt kỳ của những tàng cây cổ thụ, của thác cao, suối sâu đã làm tôi thổn thức nghĩ tới cái giá của sự hoang sơ...

Bây giờ, cuối năm 2009, trở lại Mường Nhé, tôi liên tục choáng váng vì thảm cảnh miền "rừng vàng" sắp biến mất, vì những con số không thể tưởng tượng nổi của nạn phá rừng, di dân tự do.

Bài 1: Thêm một "kỷ lục Việt Nam"

Hàng trăm nghìn hécta rừng Mường Nhé bị cạo trọc

Vào đầu những năm 1980, con số được quá nhiều người từng biết đến như sau: Rừng Mường Nhé giữ kỷ lục trên cả nước ta, với diện tích được khoanh đếm bảo vệ hơn 310.000ha. Cán bộ bảo tồn từng ước tính những đàn voi đi rinh rợp, đi nườm nượp khắp Mường Nhé, là khoảng 250 con; đàn bò tót khoảng 300 cá thể; nai, hoẵng, sơn dương, cầy cáo thì nhiều vô thiên lủng. Hệ thực vật rừng, những cây gỗ lớn, những trảng rừng cây cổ thụ ken dày, đứng như cột chống trời nơi biên cương cũng đã được biết đến như là huyền thoại, là biểu tượng về sự giàu có của thiên nhiên Việt Nam.

Chẳng đâu xa, năm 2004, khi người viết bài này đi và sống suốt 15 ngày ở khắp các xã của Mường Nhé, vẫn tận mắt, tận tai "diện kiến" những cư dân biên giới đánh nhau với gấu, với hổ, người tan nát mặt mày, người tàn phế, người bị hổ ăn thịt, người chiến thắng gấu hoang được bà con tự hào đem tên tuổi đặt cho các cánh rừng, dốc núi. Những bức ảnh, những bài báo, những cuốn sách tôi viết về thiên nhiên Mường Nhé vẫn còn được lưu giữ ở Đồn biên phòng 405, ở trên tay nhiều cán bộ và bà con địa phương. Thế nhưng, chỉ 5 năm vừa qua, kho báu thiên nhiên ở khu bảo tồn Mường Nhé và vùng lân cận đã và đang bị tàn sát đến khó tin.

Trước thảm trạng hơn 20 năm qua, 310.000ha rừng đặc dụng Mường Nhé chưa bao giờ được cắm mốc xác định ranh giới, thậm chí đến khi rừng bị phá, cơ quan chức năng ngơ ngác hỏi nhau...: "Ai sẽ chịu trách nhiệm nhỉ?", vừa qua, cơ quan chức năng đã phải làm một cái việc "mất bò mới lo làm chuồng".

Cụ thể: Từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2009, Trung tâm Quy hoạch và Thiết kế nông - lâm nghiệp tỉnh Điện Biên dắt díu nhau luồn rừng lội suối mấy chục ngày giời để cắm mốc giới, đặt biển nội quy và biển báo rõ ràng cho Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé!

Trước đó 1 năm, vào năm 2008, Khu bảo tồn từng rộng lớn và giàu có tài nguyên nhất Việt Nam này mới có quyết định ra đời một Ban quản lý với trụ sở đàng hoàng (như một cái hạt kiểm lâm riêng) tại xã Chung Chải.

Vì làm những cái việc tối thiểu, sơ giản đó quá muộn màng, nên hậu quả rừng bị tàn sát đến choáng váng kia không còn làm ai thấy ngạc nhiên nữa. Đến nay, diện tích chính thức được bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé chỉ còn có 45.000ha. Trừ một số diện tích bị cắt sang Mường Tè (do quá trình tách huyện), số còn lại: Cả trăm nghìn hécta rừng đã bị phá, nói đúng hơn, vì khu bảo tồn hơn ba trăm nghìn hécta kia bị rỗng ruột từ rất lâu, nay đang tiếp tục bị xẻ thịt trên diện rộng...

Kỷ lục Việt Nam: 1 năm, 1 huyện "công nhận" thêm gần 33 bản làng mới!

Năm 2004, hành trình đi bộ bảy - tám chục cây số trèo đèo, vượt suối của tôi bắt đầu từ nơi không có lối mòn cho xe Minkhơ leo núi nữa, chỗ ấy chính là UBND xã Mường Nhé, cái lỵ sở của huyện mới Mường Nhé khá sầm uất hiện nay. Sau 5 năm, sóng điện thoại di động và đường xe máy vào được rất nhiều thôn, bản vốn hoang vu rậm rịt. Cùng với quá trình đó là việc người ta bừa phứa tàn sát rừng.

Thế hệ cán bộ đã tiếp đón tôi hồi đó, họ vẫn còn sống cả ở đây. Anh Pờ Diệp Sàng (người Hà Nhì) giờ đang làm Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, gặp lại tôi, rầu rĩ: Giờ không còn những cánh rừng mà cậu đã chụp ảnh, đã nương bóng nữa đâu.

Con số hãi hùng, con số mà cả Việt Nam này không ai có thể hình dung được thế này nhé: Năm 2009, tỉnh Điện Biên vừa có quyết định thành lập thêm 33 cái bản mới ở Mường Nhé, còn hàng chục bản nữa đang cố công, cố sức đòi được... công nhận. Toàn là người di dân tự do, họ chiếm hết những cánh rừng giàu có nhất, họ "cố thủ" ở đó, họ chống đối quyết liệt với sự vận động hồi hương của lực lượng chức năng - thế là "ta" phải chấp nhận cho họ "định cư" bằng cách công nhận thêm các bản làng.

Sự nương tay này đã sinh ra bệnh lờn thuốc, coi thường kỷ cương phép nước; "được đà tiến lên", các đối tượng nhảy dù vào các trảng rừng giàu có nhất để triệt hạ rừng, dựng nhà, lập bản rồi chây ỳ, chống đối lại lực lượng chức năng.

clip_image003

Người đàn ông này mang theo đàn con từ Mường Tè sang nhảy dù vào xã Chung Chải đã 2 năm, phá rừng, lập bản, phớt lờ các quy định của luật pháp.

Bây giờ Mường Nhé có tới 149 bản làng, với 54.000 dân. Nếu so với năm 2002, khi huyện Mường Nhé (vốn là một phần của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) được thành lập với 27.000 người, thì dân số huyện nhà nay đã tăng gấp đôi; trung bình mỗi năm tăng thêm khoảng 4.600 người.

Cả các xã mênh mông từ Mường Nhé, Sín Thầu, Chung Chải, xưa - vốn chỉ có duy nhất bản Nậm Là là nơi sinh sống của đồng bào Mông - thì nay, dân số của Mường Nhé đã đến mức... nửa già là người Mông. Hầu hết họ đến bằng con đường di dân tự do.

Hành trình "tấn công" vào vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được người di dân tự "kiên trì thực hiện" suốt nhiều năm qua, rất rõ ràng: (tính từ ngoài phía tỉnh "lấn" vào ngã ba biên giới) Na Hì, Chà Cang, Quảng Lâm, Nậm Kè, Mường Toong, Mường Nhé, Chung Chải...

Hiện nay, các đối tượng đã "cố thủ" đến khu vực UBND các xã Chung Chải, Leng Su Sìn. Mục tiêu của người di dân tự do là tấn công nốt vùng đất tận cùng, lắm rừng nhiều gỗ, vùng đất duy nhất chưa có bàn chân người di dân tự do: Xã Sín Thầu.

Các đối tượng tinh vi, tay lăm lăm điện thoại di động, có khi vừa chào cán bộ ở cửa rừng này xong, họ lại quay ngoắt ra cửa rừng khác, nhằm đẵn rừng lập bản. Khi cơ quan chức năng lập chốt ngăn chặn, thì họ chuyển "phương án", họ đi xe máy từng toán nhỏ lẻ, thay vì đi ôtô khách cả đoàn. Họ lấy lý do thăm bà con cùng dòng tộc đã ở trong Mường Nhé, lấy lý do đi đuổi trâu bò lạc, vượt qua các điểm chốt. Rồi họ ở lỳ trong rừng, cầm tay kéo cũng không chịu ra.

Điểm nóng nhất về phá rừng ở các xã Chung Chải, Leng Su Sìn hiện nay là khu Xà Quế, Pá Lùng, Cà Là Pá. Rừng bị triệt hạ hoàn toàn, hai cái bản với dăm chục nóc nhà vừa được công nhận "làng bản mới ra đời", thì lập tức có tới vài trăm hộ khác đã phá rừng, đã dựng nhà ở rìa bản dọc suối, đã lăm le ven hai cái bản mới để chuẩn bị xin được "hợp thức hóa".

33 bản mới vừa được thành lập, theo đó, các xã cũng thi nhau tách làm đôi kẻo quá khổng lồ. Chung Chải tách đôi, lập thêm xã mới là xã Leng Su Sìn; Sín Thầu tách đôi, lập thêm xã mới là xã Sen Thượng...

Theo thống kê cụ thể, có tới 90% dân số của xã Mường Toong là người di cư tự do; xã Mường Nhé có hơn 1/3 dân số là người "nhảy dù", đấy là chưa kể rất nhiều người ẩn nấp trong rừng mà xã không tài nào gọi ra để tính đếm được. Nói không ngoa rằng, người ta đã và đang kéo nhau nườm nượp vào rừng Mường Nhé để phá, để đốt phá, chọc trỉa.

Không một cán bộ tỉnh hay cán bộ huyện, xã, bản nào biết được hiện tại có bao nhiêu người di cư tự do đang sống trong rừng của địa bàn mình quản lý. Bởi con số cập nhật từng giờ. Cán bộ Đồn biên phòng 405 Leng Su Sìn vẫn thường xuyên phải lần theo các vệt đánh dấu (nhận phần) cây rừng của người thiểu số hoặc dựa theo các cái bẫy thú mà họ cài đặt trong rừng già để... tìm tung tích các đoàn người di cư tự do.

Có khi tìm nửa tháng  trời không thấy các đối tượng ở miền rừng Đông, họ mới bèn vòng sang miền Tây, tiếp tục rà soát các cánh rừng. Có khi tìm thấy thì rừng đã thành tro từ lâu, lúa nương đã vàng rượi các quả núi và các thung lũng. Mùa khô này, có khi họ ập vào một lúc tới vài trăm người, chỉ một đêm, rừng bị giết, các mái nhà mọc lên nhanh như... thần thoại.

Ông Lỳ Gió Cà - Phó Chủ tịch UBND xã Chung Chải - cứ kêu trời: Rừng bị chặt đau xót lắm nhà báo ơi. Chỗ bản Cà Là Pá, Nhà nước đành phải công nhận cho hơn 20 hộ lập bản mới định cư giữa cái nơi họ nhảy dù vào phá những cây gỗ mấy người ôm không xuể ở ven suối.

Thế nhưng, còn 123 hộ với vài trăm người nữa đang thập thò trong rừng, phá rừng, lập bản và đòi công nhận thêm... dăm cái bản nữa. 5 năm trước, ông Gió Cà và vợ ông, cháu ông là những người đã trực tiếp cưu mang tôi, đưa tôi đi thăm ngắm sự giàu có đáng ngạc nhiên của rừng Mường Nhé trên địa bàn xã Chung Chải. Còn bây giờ, hết rừng rồi nhà báo ơi, nó phá cả rừng "cớm" (cấm) nứa (nữa). Ông cán bộ người Hà Nhì chất phác cứ ngồi giậm chân buồn bực như con ngựa bị bắt phải đi cày.

Phải sinh ra ở Khu bảo tồn Mường Nhé, chứng kiến sự giàu có đến mức có người bắt voi, bắt hổ nuôi chán chê như nuôi chó mèo trong gậm bàn nhà mình, rồi mới đem tặng Nhà nước trưng bày ở vườn thú như ông Phó Chủ tịch Lỳ Gió Cà ở Chung Chải, thì mới hiểu hết nỗi choáng váng khi rừng bị cạo nhẵn hôm nay.

Nguồn: Laodong.com.vn

Bài 2. Phóng sự ảnh: Rừng Mường Nhé - Nỗi đau ngày gặp lại

Thứ Ba, 3.11.2009

(LĐĐT) - Sau 5 năm, được trở lại Mường Nhé, tôi đã chứng kiến nhiều thay đổi, tuy nhiên đó không phải là những điều tôi hy vọng.

clip_image004

Chỉ chưa đầy 5 năm trước, để vào được Chung Chải, Sín Thầu, tôi phải nhờ lực lượng biên phòng dẫn đường, đi bộ ròng rã qua những cánh rừng rậm, cây cổ thụ, lối đi phủ đầy lá khô mục (trong ảnh là Già Ly, cán bộ đồn biên phòng 405).

clip_image005

... đi qua những cánh rừng sương phủ mơ màng trên núi thắm thế này.

clip_image006

Có lẽ lịch sử huyện Mường Nhé phải ghi nhận câu chuyện này nữa: Năm 2004, lần đầu tiên, từ trong hoang rậm, có một cỗ máy xát gạo được khênh suốt mấy ngày trên vai các tráng đinh của bản để vào được đến Chung Chải, Sín Thầu (ảnh chụp 5 năm trước).

clip_image007

còn bây giờ, những cỗ máy ủi máy xúc khổng lồ, nó cuồn cuộn tiến vào, mở đường, tận thu... gỗ, cạo trọc rừng.

clip_image008

5 năm trước, những cây cổ thụ đổ nằm mục ruỗng trong rừng hoang, án ngữ các lối đi.

clip_image009

Còn bây giờ, cây ngã đổ tràn ngập các nương lúa của những người "nhảy dù", phá rừng, lập bản trái phép

clip_image010

Một so sánh buồn, 5 năm trước, tôi cũng từng chụp ảnh kỷ niệm bên những cây cổ thụ dọc lối đi liên xã Chung Chải – Sín Thầu

clip_image011

Còn bây giờ, 5 năm sau, ở Chung Chải, rừng đón tôi bằng  những cây cổ thụ chết đứng, đen thui.

clip_image012

clip_image013

"Những bản làng "nhảy dù" mọc lên, đi theo đó là những số phận người nhếch nhác, tận khổ. Năm 2009, ở huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên có tới 33 cái bản mới toe như thế này! (ảnh chụp cuối tháng 10 năm 2009, tại bản Pá Lùng, bản mới được công nhận tại Mường Nhé)".

Nguồn: Laodong.com.vn

Bài 3. Cuộc chiến bi hài

Thứ Tư, 4.11.2009

() - Người dẫn đường cho tôi đi "choáng váng" ở nơi vốn là rừng nguyên sinh của Mường Nhé là Đại úy Chu Ngọc Lệ, Đồn phó trinh sát, Đồn Biên phòng 405 Leng Su Sìn, người có tới 8 năm gắn bó với miền rừng Mường Nhé vốn hoang rậm kỳ ảo, nay đã và đang bị tàn sát thê lương...

clip_image014

Những bức ảnh lẽ ra không nên chụp

Suối sâu, nước ngập ngang lưng, đường mòn vượt núi đều lở lói, bé đến mức con trâu ăn no đi qua còn phải mài bụng vào taluy dương thì mới vừa, những nương sắn bạt ngàn sau bước chân đoàn người cạo trọc rừng "cướp" đất... cứ dần dắt chúng tôi lên dọc các đỉnh mây mù của xã Chung Chải. Nơi đây vốn là rừng già. Chỉ mấy năm trước, Đại úy Lệ cùng đồng đội từng say lử đử khi "tả xung hữu đột" đi phá những nương thuốc phiện tím rắt, rộng miên man được lén trồng ở nơi hoang vắng này. Rừng ở đây giàu rậm lắm, cây gỗ to mấy người ôm chưa tròn vòng gốc.

Chúng tôi đi đến lúc mặt trời chếch ở đằng Tây thì các nương lúa vàng rười rượi trong gió thu tháng 10 Tây Bắc cùng hiện ra. Một biển lúa vàng tươi, dậy màu no ấm. Ai đó trong đoàn chúng tôi chợt quên nỗi đau rừng bị cắt tiết, họ lăn mình vào các thảm lúa vàng và xúc cảm. Cái màu vàng no ấm ấy vô tội, nhưng nó là sự màu mỡ có được từ các cuộc di dân tự do coi thường luật pháp để xẻ thịt các cánh rừng vàng hiếm hoi còn sót lại của tất cả chúng ta.

Lấm lem bùn đất, dốc cạn sức mình để leo núi, toàn bộ thiết bị điện tử mang theo được gói trong các túi nylon lớn để vượt những con suối xanh rêu, như các chiến sĩ đặc công tinh nhuệ nhất, chúng tôi đã tận mục cảnh các "phi đội lính dù" phá rừng nguyên sinh Mường Nhé.

Rừng bị phá triệt để, lúa lúa vàng, những triền núi... bát ngát vàng. Trong biển lúa có tiếng trẻ con khóc văng vẳng. Chúng tôi lăn vào biển lúa như những đứa mục đồng chơi trò trốn tìm. Tìm ra một cái tổ "chim rừng" gồm 4 đứa trẻ, đứa khóc, đứa ngủ gật, mũi dãi xanh lè trong một cái ổ quây bằng những thân lúa nương vạm vỡ.

Bố chúng là Giàng A Thứ, cầm dao, từ một cánh rừng còn lóp ngóp sót lại vài cây gỗ lớn chạy lại; mẹ chúng là Tráng Thị Sung, bụng chửa kềnh, tay cầm hai cái liềm cong như hai vành trăng khuyết cũng nhao tới.

Họ là một gia đình trẻ "đông tre ấm bụi" với 4 người con trứng gà, trứng vịt; cô bé Sung sinh năm 1984, giờ lại đang chửa đứa con thứ năm. Thứ bảo, ta không muốn đẻ, nhưng cứ thế rồi nó lại... chửa.

Thứ cũng như rất nhiều bà con ở hai bản "nhảy dù" Pá Lùng, Xà Quế mới được công nhận này đều là người tại Nậm Hàng, Mường Tè, Lai Châu kéo sang. Đã có 2 mùa lúa nương vô cùng tốt tươi ở miền rừng cách đây vài năm vẫn là nguyên sinh này. Thấy mùi rừng tốt, đất rộng là bà con tá hỏa kéo sang. Họ "bay" như những đàn chim di cư không bao giờ mỏi cánh. Hiện nay, ở khu vực Xà Quế, Pá Lùng có tới cả trăm hộ "tá túc giữa rừng" rồi!

... Trong đám nương của người Xà Quế, đứng từ dưới chân núi, chúng tôi đã thấy những trảng rừng cháy đen thui, nhiều cây gỗ bị chặt to hai vòng tay người lớn ôm mới kín. Chặt rồi đốt rừng, dựng bản, trồng lúa; người di cư tự do để mặc các cây gỗ lớn nằm sóng soài trong ruộng lúa vàng như mật ong rừng. Những nương lúa xốp vàng, ngon nghẻ như có thể dùng thìa dĩa xúc từng miếng lên thưởng thức được ngay.

Người di dân tự do, họ chỉ cần vài khoảnh mặt bằng và chút ít cây gỗ xẻ ra để dựng nhà dựng bản; còn cái quan trọng hơn là họ rất cần chặt tiệt nọc rừng đi để soán lấy của rừng những quả núi lớn, những thung lũng rộng phục vụ việc trồng lúa, trồng sắn.

Đói thì đầu gối phải bò, Thứ bảo thế: "Người đẻ, đất không đẻ, bên Mường Tè hết ruộng nương rồi, nên Thứ phải dắt vợ và đàn con ra đi. Biết phá rừng là sai chứ, chỉ mong chính quyền nương tay thương xót". Thứ nói khá văn vẻ, văn vẻ như đã được ai đó dạy cho học thuộc lòng từ trước lúc khăn gói quả mướp, cất bước ra đi tìm vùng đất hứa.

Vượt qua những chỏm nương chi chít các thân gỗ lớn cháy đen nằm cuồn cuộn như mãng xà bị nướng, tôi và Đồn phó Chu Ngọc Lệ cùng đoàn tùy tùng thấp thểnh tiến vào phía bản Xà Quế, Pá Lùng. Hai bản với gần sáu chục nóc nhà nằm ềm ệp trong sương núi, toàn bộ là nhà tranh, hầu hết chỉ bé nhỏ, liêu xiêu như cái lều trông vịt.

Thấp thoáng bên những lều nương nhẵn bóng vệt mồ hôi ám vào các thanh tre là những tấm bạt nylon lớn trải ra để phơi lúa mới thu hoạch, lúa tươi mẩy hạt rải kín những triền rơm rạ vàng óng.

Trên mái lều nọ, các đám cây mướp đã trùm phủ kín, đã nở mùa hoa thứ hai trên vùng đất mới vừa mãn kiếp là rừng nguyên sinh. Đầu bản Xà Quế còn vài "chứng tích buồn thương" của bà mẹ rừng nguyên sinh: Những thân gỗ lớn đứng như bức tường thành khổng lồ, có khi đã bị xẻ mất một nửa, có khi đã bị đốt thành than một nửa.

Đám trẻ con lang thang như đá cuội, như bùn lấm khắp các rông núi, chúng chui vào các bức tường thành gỗ đen nhẻm, nham nhở để chạy trốn khi thấy người lạ. Tôi chụp bức ảnh cháu gái ở truồng trắng như thân măng mới bóc bẹ, bé cùng mẹ đứng trên một thân gỗ lớn, nhún nhẩy, bập bênh, giã cối gạo ngoài bìa núi khi trời đã nhá nhem tối; gần đó là một bé trai ngồi bần thần, bẩn thỉu, tay khư khư cục đá làm đồ chơi, cậu bé ngoạc miệng khóc khi có chiếc máy ảnh giơ lên... Hai bức ảnh cứ mỗi lần xem xong, tôi lại thấy: Lẽ ra mình không nên chụp.

clip_image015

Những đứa trẻ được "thả rông" trong bản làng mới "tước đoạt đất từ rừng già" ở xã Chung Chải.

18 tuổi, ba lần bắn chết bạn săn

Đại úy Lệ vừa mới vào Xà Quế giải quyết một "án mạng" mà có lẽ nó là thứ "kỷ lục" chỉ có thể gặp được ở riêng cái bản di cư tự do khốc hại này: 18 tuổi, cậu thanh niên Sùng Giả Thầu ở bản Pá Lùng rủ bạn đi săn hoang thú; Thầu cùng người hàng xóm Vừ A Lầu xách cơm nắm, đi từ lúc mặt trời lên, nửa đêm thì đến cánh rừng già giáp ranh với xã Mù Cả của huyện Mường Tè. Hai cậu bé nhanh chóng tổ chức kế hoạch dồn đuổi một đàn nai béo nục nạc.

Lầu và Thầu thủ thỉ giao ước với nhau là, để tránh "săn thú bắn nhầm người", trước khi thằng nào bóp cò thì cũng phải huýt sáo một tiếng, nếu "con mồi" không huýt sáo giả lời, thì nhất định đó là thú rừng, cứ thế mà bắn. Thấy một bóng đen, huýt sáo, im lặng, chắc mẩm sắp... có con nai béo, Thầu xiết cò. Đạn xuyên từ chẩm (trước trán) lên đỉnh đầu, khiến Vừ A Lầu chết ngay tại chỗ. Điều đáng choáng váng hơn, theo kết luận điều tra của lực lượng biên phòng, cậu bé 18 tuổi Sùng Giả Thầu kia từng có thành tích kinh khủng: 3 lần săn thú bắn nhầm người.

Những lớp học "từ trên giời rơi xuống"!

Ông Vi Văn Phanh - Phó Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Mường Nhé, người đang dẫn đường cho tôi vào Pá Lùng tỏ ra hết sức ngán ngẩm trước sự tinh ranh, chây ỳ, coi thường luật pháp của các đoàn người di cư tự do.

Đúng lúc ấy, tất cả chúng tôi đang phải nghe một câu chuyện oái oăm nhất của... ngành kiểm lâm Việt Nam. Rằng: Một cậu bé học hết lớp 10 hẳn hoi, theo cha mẹ từ Mường Tè sang Pá Lùng phá rừng, em vừa chặt gỗ, mặc cho quay phim chụp ảnh; vừa tâm sự: Em chặt gỗ, dọn rừng đi để dựng căn nhà mới vào chỗ này, nhà báo ạ. Là bởi vì trong bản mới công nhận kia chưa có sóng điện thoại di động, ra chỏm núi này, có ít sóng "lạc đường" đến!

Gã Vừ Đủ Sáng thì hoan hỉ lôi trong áo thổ cẩm cài khuy đính cả tua rua đỏ ra một chiếc điện thoại di động "trên cả sành điệu". Lưng đeo dao, tay đeo đồng hồ điện tử nhấp nháy, miệng cười ha hả, Đủ Sáng khoe: Dựng nhà ra chỏm núi này, tự dưng được gọi di động mà. Nhà anh trai Sáng, anh Hồng Sinh cũng đang ngả gỗ dựng nhà. Quê gốc tận ngoài Mường Chà, tỉnh Điện Biên, Đủ Sáng khoe, điện thoại của hắn dùng 2 sim, đang khuyến mãi rẻ lắm. Bọn Việt - theo (Viettel) và bọn Vina đang lồng lộn lên khuyến mãi, chỗ này Vina gọi thoải mái, tao có cả vốc sim!

Bằng cách ứng xử tàn nhẫn với rừng của mình, thật khó để người ta không cảm thấy căm phẫn hành động nhảy dù vào rừng nguyên sinh dựng nhà lập bản ở Mường Nhé. Tuy nhiên, nếu đã từng sống trong không khí tạm bợ, đói khát, nhếch nhác ngoài sức tưởng tượng ở những cái bản "trên trời rơi xuống" kiểu như Xà Quế, Pá Lùng, Cà Là Pá... thì chúng ta sẽ nhận ra một điều khác nữa. Đó là số phận thật sự của những người phụ nữ, những bé trai, bé gái tội nghiệp đang theo bước chân đoàn người đi "bất phóng bất phú" kia.

Việc huyện Mường Nhé được phép (bất đắc dĩ) "công nhận" thêm 33 bản mới chỉ nội trong ít tháng đầu năm 2009 là một kỷ lục đau buồn khi nói về thảm trạng phá rừng, di dân tự do; song, mặt khác, đây cũng là một hành động rất tình nghĩa, rất con người. Ví như chuyện những thiên thần bé giữa đại ngàn của chúng ta cần được chăm sóc, bảo vệ, cần được đưa đến trường.

Trong tổng số chưa ai thống kê được những người di dân tự do đang nương náu ở rừng Xà Quế, Pá Lùng, nhưng ít nhất, hiện nay (tính đến tháng 10.2009), đã có tới 200 em được các giáo viên chân trần tứa máu luồn rừng, vận động đưa trẻ đến lớp.

Thầy Hà Thanh Tình, SN 1986, quê ở tận Bá Thước, Thanh Hóa nhận trọng trách lên Xà Quế đánh gianh, chặt nứa, mở lớp, rồi kiêm luôn chức: "Phụ trách phân trường". Trường của họ lợp gianh, cắm tre nứa liêu xiêu, đứng đỉnh núi trông sang nó như một ngôi nhà dài Tây Nguyên trườn dọc bản Pá Lùng.

Cái vệt màu nâu đó cứ xám mượt như lông thú nằm ở vị trí chính giữa, xung quanh là leo pheo các lều vịt tội nghiệp của 12 thầy - cô giáo trẻ. "Một điểm trường thế này mà đã có tới 9 lớp với hơn 200 học sinh rồi, toàn bộ là bà con di dân tự do! Là bởi vì sắp tới, huyện yêu cầu mở thêm 3 lớp học nữa để đón thêm các cháu ở các hộ tá túc giữa rừng (chưa được công nhận bản) đến học. Trường vừa mở, mà lớp học và số học sinh cứ tăng vùn vụt, vì người nhảy dù càng đông" - thầy Tình nói.

Lúc mới mở điểm trường, tất tật thầy - cô ai cũng phải dạy lớp "vỡ lòng". Bởi hầu hết các cháu, ở các độ tuổi đều... chưa bao giờ đi học.

Nguồn: Baomoi.com

Bài 4. Đi tìm cột mốc ba cạnh

Ghi chép của Đỗ Doãn Hoàng

Thứ Sáu, 11/03/2011

(Dân trí) - Ông Sỹ Tài bảo "hữu bằng tự viễn phương lai/ bất diệc lạc hồ", bạn từ phương xa đến chẳng vui lắm sao. Tiễn các vị leo lên điểm núi thiêng có cột mốc ngã ba biên giới, vừa vui, già Sỹ Tài vừa buồn.

Vì hơn 70 tuổi, từ giờ đến lúc về giời, nếu Nhà nước làm đường ô tô lên cột mốc, thì may ra tôi mới đi được, chứ đi bộ 8 tiếng, thì người trẻ mới đi được thôi mà.

Thêm nhiều lần "choáng váng" giữa rừng

Ngày xưa tôi còn khỏe, thì cột mốc chưa xây, chỗ đỉnh núi một tiếng gà ba nước cùng nghe kia, chỉ là một đống đá, có cái trụ đá ba cạnh hướng mặt sang ba nước đã bị cụt. Năm 2005, Nhà nước thuê người Hà Nhì gùi từng túi xi măng, từng viên gạch viên đá vào xây, nghe nói mốc to lắm, các anh biên phòng và nhiều người am hiểu đều bảo: đó là cột mốc đẹp nhất (trước hết về thẩm mỹ) của toàn cõi Đông Dương. Chỗ ấy, bên phía ta gọi là núi Khoang Lao San, theo tiếng Quan hỏa tức là vùng rừng lạnh, vùng mây mù vây bủa quanh năm. Chỗ đó, cao khoảng 1.864m so với mực nước biển; bên phía Trung Quốc, bạn gọi là khu "Thập tầng đại sơn", 10 đỉnh núi lớn; phía Lào, ở khu giáp ranh toàn đồi cỏ tranh bạt ngàn, họ gọi là gì tôi không tường tận lắm.

Hồi tôi còn đi săn hổ, săn gấu, cõng những con nai lớn về chia cho cả bản ăn, rừng ở khu vực cột mốc ngã ba biên giới vẫn như bây giờ. Bởi bà con không dám đẵn gỗ ở đó, bước chân người di cư tự do đến tận bây giờ cũng chưa vào được đến đấy. Núi thiêng, bà con sẽ phải bảo vệ bằng mọi giá chứ. Ngoài bản Tá Miếu là cỏ tranh bạt ngàn, những quả đồi cao, đầy mây, ẩm ướt, nhưng chưa bao giờ có rừng già cả. Chỉ toàn cỏ tranh, có khi con hoẵng đi trong rừng, cái sừng nó còn nhấp nhô, khúc khuỷu thò lên trời, cứ như có con gà trống đang đi dạo rồi thò mào lên ngó chúng tôi. Chỗ giáp ranh ba nước, rừng phía ta dày và nguyên sinh, những cây gỗ lớn phủ toàn rêu xanh trông như con thú lông mượt đang đứng đợi khách ven lối mòn, đẹp lắm lắm, Lỳ Sé Hoàng à. Ông Tài nói rồi tiếc rẻ nhìn lên đỉnh trời có cột mốc ba cạnh, "ta đã già rồi, không đủ sức để lên đó cùng con được".

clip_image016

Những cây gỗ lớn phủ toàn rêu xanh trông như con thú lông mượt

Tôi và nhiều người gắn bó với A Pa Chải đều cảm thấy thiêu thiếu nếu chưa một lần được đặt chân lên cột mốc ba cạnh ngã ba biên giới thiêng liêng đó. Khi tôi còn dầu dãi ăn rừng ngủ thác với Sín Thầu lắc lơ, thì cột mốc chưa xây (mới dựng năm 2005). Lúc có mốc rồi, thì đời càng bận rộn thêm, thật khó để dọn mình cho mấy ngày leo núi (từ Hà Nội, ít nhất 5 ngày vừa đi xe vừa đi bộ). Giờ mang cả kho thiết bị và ê kíp hùng hậu lên để làm phim tài liệu, thì trời lại đổ mưa, khi lắc rắc khi hạt nặng như có ai đứng trên giời ném ngô vào mặt lá. Giá rét căm căm, đúng là phải cắn răng liều một chuyến, thì chúng tôi mới dám đặt cơm nắm và thịt gà rang, muối vừng làm lương thảo phục vụ cho hành trình cầm chắc là vô cùng vất vả đó.

Khuất Văn Dũng, Trạm trưởng biên phòng A Pa Chải xung phong vác AK đi dẫn đường, lại thêm Toán Chu Cà, lính đồn 317 được chỉ huy cắt cử đi khuân vác máy móc và khoác súng bảo vệ đoàn… Sự ân cần đó, khiến cho những người phố thị có sức ỳ lười nhác nhất cũng không có đường thoái lui.

"Chúng ta cần dậy từ 4h sáng, nắm cơm, chuẩn bị hành lý, gậy leo núi, túi bọc máy móc vượt rừng mưa. Phải đi sớm, nếu không muốn ngủ lại trong hốc cây, mái đá giữa rừng, người khỏe đi 8 tiếng, đoàn này… thì, nếu xuất phát từ khi trời chưa sáng, may ra về được trước khi trời tối", Khuất Văn Dũng nói như ra lệnh cho lính mới của mình vậy. Giá rét, đồn biên phòng thì dĩ nhiên không có nước… ấm kiểu bình nóng lạnh. Đến rửa mặt bằng nước lạnh mấy chàng quay phim công tử còn không dám, nói gì đến tự tin leo núi. Nhiều đoàn chinh phục cột mốc ba cạnh đã phải ngủ lại trong rừng, có người khóc lóc bỏ cuộc chơi, có người luồn rừng đêm, ra đến đồn thì trời đã… sáng.

Cũng may là trời mù mịt mây trắng, cây cỏ chỉ ánh lên đen đủi trong tầm nhìn hơn chục mét, nên trạm trưởng biên phòng Dũng thoải mái "phủ dụ" các thành viên trong đoàn là gần lắm, gần lắm, cố mà đi đi nhé, sắp cán đích đến nơi rồi. Mây làm người leo núi như những kẻ khiếm thị. Thế hóa ra lại hay, chứ biết rõ lộ trình, khối người không đủ dũng khí lê bước khi các kẽ ngón chân đã tứa máu tươi vì dốc núi. Cứ nhè các lối mòn, các gốc cây cổ thụ, các tảng đá trơn rêu xanh mà bước.

Toán Chu Cà là gã trai Hà Nhì từ lúc sinh ra đến giờ chưa bao giờ rời vùng ngã ba biên giới, nên hắn cứ đi như con thú hoang nhảy nhót, hắn thuộc rừng như lòng bàn tay của chính mình vậy. Hắn được trạm trưởng "dàn quân" cho đi "đoạn hậu", luôn miệng động viên và… giả vờ trách móc (theo mánh "người đấm người xoa"): "các anh cố bước đi, để em còn đi nữa chứ, các anh bị lạc hay là phải ngủ rừng là em bị kỷ luật đấy".

clip_image017

Trang phục truyền thống của người Hà Nhì vùng ngã ba biên giới 

Các đồi cỏ tranh mục nát, cỏ sắc và nhám đến ghê răng, mưa rả rích thê lương, chúng tôi cứ ngã như… đập mẹt. Minh, chàng quay phim của chương trình phát thanh có hình (vov tivi) cứ bay như vũ công nhào lộn, ngã đến mức chán nản, cậu ta cứ ẩy mình cho trôi trong bùn và cỏ mục, có  khi trôi vèo vèo vào những khúc cua dài dặc đến mức chúng tôi không còn nhìn thấy cậu ta nữa. Cái mệt làm cho tiếng gọi thảng thốt của chúng tôi như tiếng rên, cậu ta có nghe thấy cũng chẳng buồn trả lời. Đúng là con ruồi đậu vào mép không buồn đuổi. Đi bằng mông. Bù lại, rừng già tuyệt đẹp, những cây cổ thụ khổng lồ, rêu mốc, cây ký sinh bám dày từ gốc lên ngọn, từ thân sang cành nhánh, chúng ủ trong mây từ thượng cổ cứ sinh ra và chết đi theo lời truyền dạy của hóa công. Cây cứ sống, cứ chết với tuế nguyệt, mà chưa bao giờ chịu một sự "xẻ thịt" nào của con người.

Vào đến rừng nguyên sinh vùng ngã ba biên giới này, dẫu leo núi đến bạc mặt, dẫu không dám tin mình còn đủ sức để đi và về đến chỗ cần đến, tôi bỗng dưng thấy đau đớn. Đau đớn vì rằng, hóa ra khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam này từng giàu có quá, mỗi tàng cây là một kho báu sinh thái kỳ thú, nó là tài sản tuyệt vời của con người. Ba trăm nghìn héc-ta rừng đã được khoanh lại cho dự án bảo tồn, đây là khu rừng đặc dụng lớn nhất của lịch sử giữ rừng Việt Nam; nhưng rồi người ta đã thả sức phá, thả buông cho kẻ khác phá, phá đến mức năm 2008, UBND tỉnh Điện Biên chậm chạp ra một cái quyết định thành lập Khu bảo tồn, bấy giờ rừng chỉ còn có 45.000 ha (chỉ còn chừng 1/7).

Toàn bộ vùng mênh mông cả trăm cây số tôi đã đi qua, rừng trụi thùi lụi, núi chênh vênh trọc lốc như cái cằm vừa cạo hết râu của người đàn ông nào đó. Chao ôi là khủng khiếp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân ơi, (khi đọc loạt bài "Choáng váng với rừng ở Mường Nhé" trên Lao động rồi phát biểu trong Quốc hội), ông nói đúng quá, nói quá đúng ngay cả khi ông chưa được có mặt ở rừng nguyên sinh vùng ngã ba biên giới như tôi lúc này đây…, rằng: nếu cứ để di dân tự do và phá rừng như lâu nay, thì câu hỏi đặt ra là "liệu chúng ta có còn luật pháp nữa hay không?". Sau 9 năm tôi đem ảnh cũ và ảnh mới, ký ức và hiện tại ra so sánh, thì là một trời một vực, rừng bị tận diệt đến… buốt lòng. Tôi không còn dám tin bao hoang sơ năm trước là thứ có thật ở trên đời nữa.

Khoang Lao San quyến rũ!

Hang ổ cuối cùng của rừng già, rừng nguyên sinh chính là khu vực đỉnh núi Khoang Lao San này đây. Rừng lạnh, rừng mây mù, và rừng ở cái nơi mà chỉ vài bước nhảng chân là bạn có thể từ quốc gia nọ bước sang hai quốc gia láng giềng kia một cách dễ dàng. Rừng rậm rịt, suối gầm thét, cây cổ thụ đầy dây leo chằng chịt như ngàn vạn con mãng xà án ngữ lối đi, màu xanh miên man bất tận, xanh đến nao lòng, kỳ hoa dị thảo tầng tầng lớp lớp trưng bày nhan sắc và sự muôn hình vạn trạng của mình ra 6 phía (bốn phía cộng với trên trời, mặt đất). Rừng Việt, rừng Lào và rừng Trung Quốc nối tiếp nhau. Thỉnh thoảng lắm mới có vết chân con trâu thả bán hoang dã của người nước nào đó in trên nền đất, trên thân cây đôi lúc có vệt cào của con gấu hoang, lắm lúc có dấu tích của nai hoẵng ở mái đá nhẵn thín, lại có những quả rừng in hình răng sóc, khỉ, vượn. Sự tĩnh lặng tuyệt đối giữa mây mù đó khiến người ta muốn gào lên vì khi được hít căng phồng lồng ngực những gì tinh túy nhất của thiên nhiên.

clip_image018

Vẻ đẹp của rừng nguyên sinh ở khu vực ngã ba biên giới

Trên đỉnh núi cao nhất, mây bủa kín các gốc cổ thụ cách chỗ đứng của người ta chỉ 20m, gió rít u u, lạnh thấu tim óc, trên đó là cột mốc ngã ba biên giới đầy huyền thoại. Dũng bảo, có nhiều chàng biên phòng, trước khi hết thời hạn đồn trú, dù nhiệm vụ không cần phải cuốc bộ lội núi cật lực 8 tiếng vào cột mốc này, nhưng họ vẫn xin với chỉ huy cho phép được lên điểm cực Tây thiêng liêng của Tổ quốc một lần, rút điện thoại ra bấm một kiểu ảnh, để tìm nghe xem cái tiếng gà gáy ba nước cùng nghe kia có thật hay không. Cũng như Dũng, Cà, họ tự hào và hạnh phúc lắm, khi được đồn trú ở nơi này. Tôi cũng sững người, sau bao năm gắn bó, cắt máu tay thụ lễ đặt tên thành người Hà Nhì rồi, giờ mới đến được cái vị trí đặc biệt này.

Đặt trang trọng trên bệ vuông lát đá granit rộng tới 36m2, cột mốc  ngã ba biên giới A Pa Chải (thường gọi là mốc O) có chiều cao 2m, làm bằng đá hoa cương, hình lăng trụ, 3 mặt đá, mỗi mặt viết bằng chữ quốc ngữ và có quốc huy của mỗi nước (gồm Việt Nam, Trung Quốc và Lào). Bên ta điệp trùng rừng rậm, bên Trung Quốc, từ cột mốc bước xuống là các bậc thang bê tông xây khang trang đi tít hút vào miền rừng khá nhiều cây cổ thụ; phía Lào, là bạt ngàn các đồi cỏ tranh, chỉ toàn là cỏ tranh, gió thổi như có cỗ máy hung dữ đang đuổi mưa nặng hạt và gió lạnh quất từ chân đồi cỏ tranh lên, rét buốt.

Tọa độ đặt cột mốc, được trạm trưởng Dũng ghi chép cẩn thận trong sổ tay, anh đọc và chúng tôi tiến hành dùng máy định vị toàn cầu GPS đo thử một lần nữa. Lễ chào cột mốc được Khuất Văn Dũng và Toán Chu Cà chấn chỉnh trang phục, đội mũ cối sao vàng, khoác súng AK, thực hiện trang nghiêm, kính cẩn. Đó là tình huống mà chúng tôi cứ mải hò hét và chụp ảnh, vẫn chưa hề nghĩ tới. Họ lặng lẽ hô nghiêm, đứng chào, trong khi chúng tôi nín thở im lặng nhận ra sự vô tâm của mình ngay cả khi đứng ở địa đầu thiêng liêng cực Tây Tổ quốc.

Đường về, người ngấm lạnh, các dốc núi hoang vu ngấm mưa trơn, dây thừng mang theo phát huy tác dụng khi buộc vào cây cổ thụ mà thi nhau trườn tụt dốc. Trạm trưởng Dũng gần 10 năm đồn trú A Pa Chải, nhưng hóa ra anh lại là người bị ngã nhiều nhất trên đường đi, bởi cây súng AK là thủ phạm làm anh mất thăng bằng trên các chặng luồn rừng, vượt dốc núi quá trơn truội. Các "vũ công" trườn đường bằng mông giờ cũng kiệt sức nằm thở, không chịu đi nữa. Tôi lặng lẽ bỏ một vài quả mơ ngọt vào miệng khi cảm giác mình đã đứt hơi, hai bắp chân đau như đang bị ai đó lóc thịt ra, ăn quả mơ tròn để nhớ nhiều hơn những hương vị hoang sơ của núi rừng ngã ba biên giới.

clip_image019

Dù đồn trú ở chính trạm biên phòng A Pa Chải (thuộc đồn 317), nhưng hai chiến sỹ biên phòng này vẫn ước ao được chụp một tấm ảnh bên cột mốc thiêng, để lưu giữ suốt đời và để... khoe với người thân

Quả mơ ngọt, ăn vào rồi thì uống nước suối bao giờ cũng thấy ngọt. Đó là lý do để người Thái có câu chuyện cổ, về một dân tộc thơ ngây ở Tây Bắc bị  mất lãnh thổ của mình chỉ vì một quả mơ. Kẻ ngoại lai ấy đến, họ bảo, họ có một dòng suối nước ngọt lắm, nếu đổi những cánh đồng và các bản làng kia cho họ, thì họ sẽ ban cho dòng suối kỳ lạ đó mà ngon ngọt mãn kiếp. Họ dẫn đi thật xa, rồi làm như tình cờ để những người tìm con suối quý ngồi kia nghỉ dưới gốc cây mơ ngọt và xơi vài quả xanh, nhỏ xíu, hình tròn. Thế là, lúc đến một con suối bất kỳ, cả đoàn người thơ ngây vớt nước lên uống thử, nước ngọt lịm, lại có hương vị thơm là lạ. Càng uống càng ngọt. Thế là cộng đồng người bản địa chất phác kia chấp nhận cắt đất, đổi lãnh thổ của mình cho kẻ ngoại lai nham hiểm.

Ngẫm thế, tôi chợt nhận ra, cái chuyến lên địa đầu xa xôi này của cực Tây Tổ quốc, nó không chỉ là dã ngoại leo núi, không phải là đi để xác lập kỷ lục cho riêng mình hay gì gì đó, mà đích thực là một thứ hành hương với những trải nghiệm kỳ thú và mến thương về văn hóa, tộc người, về đất mẹ - với những con người lặng lẽ cho sự bình yên của xứ sở. Về cái giá của sự hoang sơ!

Đ. D. H.

Nguồn: Dantri.com.vn


Original Page: http://boxitvn.blogspot.com/2011/05/ve-cuoc-bao-ong-o-muong-nhe.html