Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

15 tháng 9 2010

Người quyết cải cách lại không sống bằng lương

Lê Nhung

clip_image003

 

Các diễn giả trao đổi tại hội thảo do Viện các vấn đề phát triển và UNDP tổ chức. Ảnh: Lê Nhung

 

Nhiều vấn đề đặt ra trong cuộc hội thảo cải cách tiền lương này đã chạm đến mục tiêu tối hậu của yêu cầu cải cách, như ý kiến của GSTS Bùi Thế Vĩnh tường thuật lại câu trả lời của Bộ trưởng Tài chính Hồ Tế trước Quốc hội cách đây 15 năm: "Ta không tăng lương được vì phải nuôi ba bộ máy: Đảng, Chính phủ, Mặt trận và các đoàn thể. Nếu ta chỉ tập trung nuôi bộ máy Chính phủ như các nước thì lương tôi cũng sẽ tăng 3 lần… Thực hiện việc này khó quá, phải có lộ trình. Đảng và các đoàn thể dần dà phải tự lo". Nhưng cách đây 15 năm đã đặt ra mà nay lại nhắc lại nghĩa là sau 15 năm, mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ. Vậy "lộ trình" sẽ là bao nhiêu năm đây? Rõ là đặt ra để mà ngầm chấp nhận với nhau là không bao giờ giải quyết cả chừng nào mà ĐCSVN còn nghiễm nhiên đóng vai đảng thống trị ngồi lên đầu Nhà nước với đủ các loại mặt trận, đoàn thể, hội hè "tít mù nó chạy vòng quanh".

Thực tế thì so với 15 năm trước, bây giờ vấn nạn công chức Nhà nước lại còn khủng khiếp hơn nhiều. Các bộ máy thi nhau phình ra vô tội vạ vì chuyện con ông cháu cha chạy vào hai nơi – cơ quan Đảng và cơ quan chính quyền – ngày càng phơi bày trắng trợn, bất chấp liêm sỉ, mà con ông cháu cha thì thường đều thuộc hạng ngu dốt bậc nhất. Câu nói ngày nào của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến nay thấy rất rõ: "Đem một con bò sang Liên Xô khi trở về nó cũng trở thành Phó tiến sĩ" (thê thảm hơn, những con bò ấy giờ đây không cần đi đâu hết mà vẫn có bằng Tiến sĩ của Mỹ hẳn hoi). Thử tưởng tượng hàng nghìn bò Tiến sĩ ngự trị trên các ghế này ghế kia ở khắp mọi cơ quan Đảng và chính quyền mà chức năng công việc đang chồng lấn lên nhau không sao tách bạch được thì hiệu quả hoạt động công vụ của đất nước trì trệ, lộn xộn như thế nào và hoạt động xoay xở đấu đá của những con bò không tim không óc nhưng có sừng nhọn hoắt ấy sôi nổi và ma mãnh như thế nào, chúng ta đều thấy cả. Đó là nói một dạng công chức điển hình của thời đại hôm nay, dạng này thì việc cải cách tiền lương đối với họ hoàn toàn vô nghĩa và họ sẽ bám chặt lấy bộ máy công quyền như đỉa bám trên "cái đùi" tổng thu nhập và vay nợ hàng năm của đất nước để hút được càng nhiều càng hay, làm cho đất nước kiệt quệ hẳn mới thôi.

Còn có một dạng nữa sau khi học xong cũng chạy vạy được một chân hợp đồng rồi vào biên chế song lại chẳng có chút "nhất thân nhì thế" gì thì sao? So với đầu những năm 60 thế kỷ trước, khi mà sinh viên ra trường với 60 đồng lương không cần lo nghĩ về kiếm sống, chỉ toàn tâm toàn ý cho công việc thì giờ đây, các cô cậu ấy sẽ đói rã họng ngay lập tức nếu cứ dựa vào đồng lương Nhà nước dù chỉ là sống độc thân. Bởi thế, các cô cậu ấy sẽ suốt ngày kiếm việc làm thêm, việc gì cũng làm, làm đến kiệt lực, và tất nhiên, phận sự chính của người công chức đối với các cô cậu ấy dù muốn hay không cũng trở thành rất phụ. Than ôi, đấy lại là loại người phải làm những công việc nghiệp vụ chuyên môn sâu kể cả ở các viện nghiên cứu khoa học và các trường đại học công, chứ không phải những con bò hành chính nói trên kia. Song so với loại "người bò" thì họ thấp kém đến nhiều bậc, không bao giờ họ dám mơ đặt chân vào những nấc thang quyền lực.

Như vậy, triển vọng của một đất nước được điều hành bởi loại "người bò" cha truyền con nối và được chuẩn bị mặt bằng học vấn bởi loại "người đói" mà tôi vừa phân tích rốt cuộc sẽ đi đến đâu? Xin để bạn đọc tự suy đoán.

Nguyễn Huệ Chi

clip_image001 – Viện trưởng Viện KH Lao động Nguyễn Hữu Dũng đem đến diễn đàn "cải cách tiền lương 2011 – 2020" một so sánh thú vị, đó là vào năm 1960, lương tối thiểu của công chức chỉ có 27 đồng 3 hào nhưng vẫn giá trị hơn số tiền 730 nghìn đồng của năm 2010, bởi 27 đồng vẫn còn mua được hai chỉ vàng trong khi lương tối thiểu hiện nay không thể mua nổi một phần ba chỉ.

Nhiều vấn đề về lương công chức đã được các chuyên gia mổ xẻ tại hội thảo diễn ra ngày 11/9.

Chẳng hạn, lương tăng hay giảm so với tăng giá? Lương cao hay thấp so với hiệu quả công việc? Thu nhập hiện nay của công chức liên quan gì đến nạn tham nhũng, tiêu cực và vì sao những cuộc cải cách tiền lương mấy chục năm qua luôn trong vòng luẩn quẩn, chắp vá?

Và điểm chung được các diễn giả thống nhất, là cải cách tiền lương phải được làm cấp tập, ráo riết, làm thực chất chứ không chỉ là dăm ba cuộc "cải tiến" cầm chừng.

Lương chỉ chiếm 30% thu nhập

Như TS Trần Thị Thu Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính tính toán, từ 2001 – 2010, GDP tăng 2,17 lần trong lúc lương tối thiểu tăng 1,94 lần.

Tính chung, lương tối thiểu đã tăng 6 lần, bình quân tăng 20%/năm.

Nhưng, hầu hết chuyên gia đều thống nhất rằng lương thực tế không tăng. Công chức không ai sống bằng lương. Có người còn ví von chuyện tăng lương vừa qua chỉ như "tăng phụ cấp kéo dài".

TS Mai Thế Cường (ĐH Kinh tế quốc dân) dẫn kết quả một cuộc điều tra mới đây cho thấy lương của nhóm công chức hành chính chỉ chiếm 25 – 30% thu nhập. Trong khi đó,  mức sống của công chức có ngạch, bậc thấp nhất phải ở mức trên trung bình của xã hội.

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, như ngân sách hạn hẹp (lại ôm đồm). Rồi bộ máy cồng kềnh, biên chế cứ "nới" rộng theo năm. Có người còn so sánh, chừng nào Nhà nước vẫn phải tái cơ cấu cho nhiều "Vinashin" thì chừng đó lương công chức còn ì ạch.

Một nguyên nhân khác liên quan đến tổ chức nhà nước, được GSTS Bùi Thế Vĩnh nhắc lại khi tường thuật câu trả lời của Bộ trưởng Tài chính Hồ Tế trước Quốc hội cách đây 15 năm: "Ta không tăng lương được vì phải nuôi ba bộ máy: Đảng, Chính phủ, Mặt trận và các đoàn thể. Nếu ta chỉ tập trung nuôi bộ máy Chính phủ như các nước thì lương tôi cũng sẽ tăng 3 lần… Thực hiện việc này khó quá, phải có lộ trình. Đảng và các đoàn thể dần dà phải tự lo".

Thu nhập "ngầm" phình ra

Một điều quan trọng là nếu lương chỉ chiếm 30% thu nhập thì công chức kiếm đâu 70% còn lại bù đắp nhu cầu cuộc sống đang ngày một cao?

Triệu chứng được nhận diện là tình trạng "đi đêm", vòi vĩnh, nhũng nhiễu. TS Nguyễn Hữu Dũng phân loại các biểu hiện: biếu xén, xin – cho, ăn chia, sân sau. Thu nhập ngầm ngày càng phình ra.

Khu vực cán bộ dân cử có 10 hệ số mức lương. Thấp nhất 4,3 và cao nhất 13 (khoảng 10 triệu đồng).

Tổng Bí thư và Chủ tịch nước có hệ số cao nhất (13).

"Tình trạng tham nhũng diễn ra phổ biến trầm trọng… Công chức chỉ xem hoạt động công vụ là phương tiện tăng thu nhập", TS Dương Quang Tung, nguyên Viện phó Viện Khoa học quản lý Nhà nước nói.

Ông Tung cũng "bắt bệnh" công chức ăn bớt thời gian làm việc. Cơ quan Nhà nước chỉ thu hút được những người năng lực yếu kém không thể tìm được việc ở khu vực tư. Nhiều người vào Nhà nước chỉ để mưu cầu lợi ích riêng "có điều kiện tham nhũng hoặc tiến thân theo con đường quan chức với động cơ không đúng đắn"…

Theo ông Tung, lương nói ra tuy có vẻ thấp so với nhu cầu thiết yếu nhưng lại không thấp nếu so với kết quả, hiệu quả lao động thực tế. Hiện, đa số công chức làm việc chưa tốt, thậm chí nhiều người còn gây rắc rối, phiền toái cho nền công vụ. Vì vậy, không thể tiếp tục tăng tiền lương cho cả những người làm việc kém hiện đang chiếm đa số.

Không thể tăng ngân sách vô hạn để chi cho tiền lương mà cần phải giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách.

Tuy vậy, nhiều cuộc cải cách tiền lương vừa qua chưa được làm triệt để và "bắt" trúng cội rễ vấn đề.

Người quyết định lại… không sống bằng lương

Nhiều sáng kiến đã được đưa ra tại diễn đàn, chẳng hạn trả lương theo vị trí công việc chứ không nên trả theo đầu người, Nhà nước không nên làm thay việc của thị trường và xã hội dân sự. Hoặc, triệt để tiền tệ hóa mức lương (TS Trần Thu Hà). Rồi, đột phá cải cách tiền lương phải song song với đột phá ngoài lương (TS Đặng Đức Đạm)…

Không ít chuyên gia cơ cấu lại ngay đội ngũ công chức, tách khu vực sự nghiệp và những người làm việc trong các cơ quan Đảng, hội, đoàn thể. Lại có chuyên gia cho rằng, tổng đầu tư cho phát triển ở nước ta chiếm tới 42%, nên giảm bớt đi để dành chi cho tiền lương. Muốn có tiền tăng lương, việc cần làm ngay là cơ cấu lại chi tiêu công.

TS Bùi Thế Vĩnh tha thiết muốn thay đổi tư duy từ tính mức lương tối thiểu sang mức lương trung bình, đơn giản hóa thang bậc lương. Nhà nước không nên tiếp tục bao cấp, ôm đồm, thậm chí giảm 30 – 50% phần việc hiện nay; tách tiền lương khỏi bảo hiểm xã hội…

Đưa ra sáng kiến rồi, nhưng tựu trung lại, các chuyên gia đều chỉ mong điều cốt tử vẫn phải là "quyết tâm chính trị của các cấp cao nhất, của những cá nhân có trọng trách". Giải pháp đúng nhất cho mọi quyết sách lại là "tạo áp lực dư luận xã hội".

Nói như Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên, "những người có quyền quyết định cải cách triệt để chế độ tiền lương thì lại không sống bằng lương. Nên mới chỉ có những đợt cải tiến tiền lương chứ chưa có những cải cách thiết thân, sát sườn".

Một khảo sát của ĐH Kinh tế Quốc dân từng chỉ ra, có vị chức sắc ghi tên trong 90 đầu việc khác nhau, việc nào cũng được trả tiền.

Nguyên Phó ban nghiên cứu của Thủ tướng Đặng Đức Đạm dẫn tích xưa trong Tam quốc: "Gia Cát Lượng có lần nói với Lưu Bị: "Chúa thượng có gan đến đâu thì Lượng này có mưu đến đấy"".

Ông Đạm kết lại, "lãnh đạo quyết tâm chính trị đến đâu thì anh em chuyên môn chúng tôi quyết tâm và tham gia tư vấn đến đấy".

Cả nước có 1,6 triệu viên chức sự nghiệp. 370 nghìn công chức hành chính cơ quan Đảng, đoàn thể Trung ương đến cấp huyện. 300 nghìn cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách và công chức cấp xã. Hưu trí 1,4 triệu người. Người có công 1,6 triệu.

Hàng năm, ngân sách chi khoảng 200.000 tỷ đồng trả tiền lương.

Lương tối thiểu ở VN thấp hơn các nước trên thế giới 40%.

L. N.

Nguồn: Vietnamnet


http://boxitvn.wordpress.com/2010/09/14/ng%c6%b0%e1%bb%9di-quy%e1%ba%bft-c%e1%ba%a3i-cch-l%e1%ba%a1i-khng-s%e1%bb%91ng-b%e1%ba%b1ng-l%c6%b0%c6%a1ng/


Không có nhận xét nào: