Trong những ngày qua, chính quyền Trung Quốc liên tiếp có những hành động lấn lướt các láng giềng đang tranh chấp lãnh hải với họ, từ Nhật Bản trên biển Đông Hải, đến Philippines, Việt Nam trên biển Nam Hải (tức Biển Đông). Các nước liên can đã đồng loạt lên tiếng phản đối, và ít nhiều đề ra các biện pháp đối phó. Tình hình căng thẳng nẩy sinh đã khiến một số nhà quan sát bắt đầu lo ngại trước khả năng sự cố đáng tiếc xảy ra. Tại vùng Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền đến 80% diện tích, mới đây, ngày 02/03/2011, Trung Quốc đã làm cho Philippines tức giận, khi cho hai tàu tuần tra của họ thâm nhập một vùng biển, mà Manila cho là thuộc chủ quyền của mình, và đe dọa một chiếc tàu thăm dò dầu khí cho Philippines. Philippines đã cử chiến đấu cơ đến khu vực xảy ra sự cố và tàu Trung Quốc đã bỏ đi. Đây là vùng Reed Bank, ngoài khơi quần đảo Palawan của Philippines, nhưng bị Bắc Kinh tự nhận chủ quyền. Hành động dọa nạt của Trung Quốc đã buộc chính quyền Manila tạm ngưng việc thăm dò, nhưng đã thúc đẩy quân đội Philippines tăng cường lực lượng để bảo vệ tàu nghiên cứu của mình. Việc Trung Quốc gây sự với Philippines tại vùng Reed Bank là một diễn biến mới trong hồ sơ Biển Đông, vốn thường xuyên bị các hành động quyết đoán của Bắc Kinh nhắm vào Hà Nội khuấy lên. Ngày 04/03, Việt Nam đã lên tiếng phản đối Trung Quốc tập trận ở vùng Trường Sa, và đến hôm qua, lại tố cáo nước láng giềng thúc đẩy khai thác khu vực Hoàng Sa và Trường Sa đang có tranh chấp. Tình hình căng thẳng gia tăng đã bắt đầu tạo ra quan ngại. Theo tuần báo Anh Quốc The Economist, số ra ngày 10/03, rất có thể là các nước tranh chấp với nhau sẽ dừng lại ở mức độ khẩu chiến như thường lệ. Tuy nhiên, ngày càng có thêm nguy cơ là, một sự cố không mong muốn nào đó có thể leo thang thành xung đột võ trang trong bối cảnh khu vực có quá nhiều bất đồng đối nghịch, không một chút triển vọng giải quyết êm thắm. Về các tranh chấp giữa 6 nước Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei với Trung Quốc và Đài Loan trên vùng Trường Sa và Hoàng Sa, theo The Economist, về mặt lý thuyết, thì giải pháp có thể được tìm thấy trong khuôn khổ Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Trong năm 2009 chẳng hạn, Malaysia và Việt Nam đã ít nhiều làm gương, khi cùng nhau chuyển lên Liên Hiệp Quốc một đề nghị chung về thềm lục địa mở rộng trong vùng hai bên có tranh chấp. Ngược lại, Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị kể trên, và đưa ra một tấm bản đồ 9 đường gián đoạn, vẽ ra từ những năm 1940, theo đó họ tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Đòi hỏi của Trung Quốc bị coi là không dựa trên bất cứ cơ sở pháp lý nào trong Công Ước Liên Hiệp Quốc. Chính vì đòi hỏi bao quát vô lý đó, mà Indonesia, vốn không tranh giành chủ quyền ở vùng Trường Sa, lại phải nhập cuộc, vì yêu sách lãnh hải của Trung Quốc lại lấn vào vùng hải phận của Indonesia. Tình hình căng thẳng giữa các nước đương nhiên bắt nguồn từ các bất đồng về lãnh hải như kể trên. Bên cạnh đó, đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên 80% Biển Đông, kèm theo các biện pháp mạnh nhằm buộc các nước khác tôn trọng yêu sách của mình cũng làm cho tình hình căng thẳng thêm, đặc biệt là với Hoa Kỳ, cường quốc rất quan tâm đến quyền tự do hàng hải. Washington muốn bảo vệ quyền tự do đi lại trong vùng cho các chiến hạm của mình, trong lúc Bắc Kinh lại không muốn cho hải quân Mỹ tiến vào bên trong những khu vực mà họ cho là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ để làm công việc do thám. Tại Biển Đông, ''lợi ích cốt lõi'' của Trung Quốc trong năm qua đã đối chọi với ''quyền lợi quốc gia'' của Hoa Kỳ, và điều này cũng là một yếu tố gây căng thẳng. Ngoài ra, còn có bất đồng giữa Trung Quốc và ASEAN. Hai bên đạt được một bản "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC) vào năm 2002, trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột. Nhưng những nỗ lực để biến điều này thành một bộ quy tắc có tính ràng buộc đã không đi đến đâu, trong lúc trên hiện trường nước nào cũng tìm cách thúc đẩy quyền lợi của mình. Trung Quốc lập luận rằng ASEAN không có vai trò trong vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ, và chủ trương đàm phán tay đôi. Bên cạnh đó, một khó khăn khác bắt nguồn từ việc Đài Loan cũng là một bên tranh chấp. Cho dù chỉ chiếm một hòn đảo ở Trường Sa, nhưng Đài Loan lại chiếm được đảo lớn nhất và xây dụng trên đó một phi đạo dài. Vấn đề là Đài Loan lại không được mời vào bất kỳ một cuộc đàm phán nào. Tóm lại, khó có thể dung hòa các đòi hỏi khác nhau nói trên. Vào lúc các nước trong vùng cố gắng hiện đại hóa kho vũ khí của mình, nguy cơ căng thẳng ở Biển Đông biến thành xung đột được cho là ngày càng lớn hơn. T. N. Nguồn: Viet.rfi.fr |
Bauxite Việt Nam
Vietland
Đài Á Châu Tự Do
14 tháng 3 2011
Biển Đông : Lo ngại về sự cố võ trang gia tăng, do hành động gây căng thẳng của Trung Quốc
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét