Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

16 tháng 4 2011

Cách “đối thoại” của Philippine với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền biển đảo


Philippine gửi thư phản đối yêu sách vô lý của Trung Quốc về đường lưỡi bò trên Biển Đông lên LHQ có chậm so với một số nước, nhưng những việc họ tiếp tục triển khai bất chấp kẻ đầu gấu lên giọng đàn anh xem ra thật đáng nể. Cũng vậy, hai năm trước, việc Malaysia từng cho máy bay phản lực đánh đuổi tàu Ngư chính TQ xâm phạm vùng lãnh hải mà Nhà nước Malaysia tuyên bố chủ quyền làm tàu Ngư chính cuối cùng lủi chạy khiến người dân láng giềng là Việt Nam theo dõi mà nở mày nở mặt. Sướng cho người thì mặt lại bỗng lựng đỏ trước không ít hình ảnh thường khi cứ đập vào mắt: những con thoi ngoại giao qua lại như bươm bướm cùng một vài cái nâng tay trân trọng và cái đầu cúi. Dân ta bảo nhau: Yên chí. Đó là bọn Troang, bọn Phuchien, bọn Quangtong, Quangxy... lạc loài nào đấy chứ đâu phải người Việt – giống Lạc Việt xưa nay không có thói quen này.

Bauxite Việt Nam

1. TQ 'phản pháo' trước thư của Philippines

clip_image002

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng về lá thư của Philippines

Một ngày sau khi có tin Philippines gửi thư lên Liên Hiệp Quốc để phản đối yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc, Bắc Kinh lên tiếng nói điều này "không thể chấp nhận được".

Trong thư ngoại giao (note verbale) gửi lên LHQ hồi đầu tháng, Manila viết rằng tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc "không có cơ sở theo luật quốc tế".

Sau khi các hãng tin nước ngoài đưa tin về sự việc, Chính phủ Trung Quốc lập tức lên tiếng nói sẽ không chấp nhận điều này.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Hồng Lỗi tuyên bố khu vực yêu sách hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.

Ông Hồng Lỗi nói với các nhà báo: "Chủ quyền của Trung Quốc, các quyền liên quan và quyền quản lý hành chính tại Biển Đông đều bắt nguồn từ lịch sử và dựa trên các cơ sở pháp lý".

"Chính phủ Trung Quốc không thể chấp nhận nội dung thư ngoại giao mà chính phủ Philippines đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc".

Trước đó các nước Việt Nam, Malaysia và Indonesia cũng đã lên tiếng phản đối khi Trung Quốc đệ trình bản đồ thềm lục địa mở rộng lên Liên Hiệp Quốc hồi năm 2009, trên đó có mô tả đường chín đoạn bao quanh tới 80% diện tích Biển Đông.

Tranh chấp

Chính phủ Trung Quốc không thể chấp nhận nội dung thư ngoại giao mà Chính phủ Philippines đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc.

Người phát ngôn Hồng Lôi

Nhiều nước, trong đó có Philippines, Trung Quốc và Việt Nam, đang tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, khu vực được cho là giàu tài nguyên và có những tuyến hàng hải vô cùng quan trọng.

Trong note verbale gửi lên bộ phận chuyên trách Luật biển của LHQ, Philippines tuyên bố quần đảo Kalayaan (Trường Sa) là bộ phận không thể tách rời của Philippines và nước này có chủ quyền và quyền tài phán đối với quần đảo này, cũng như các vùng biển xung quanh.

clip_image004

Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Cường cũng từng lên tiếng tại Hà Nội về chủ đề biển đảo

Manila viện dẫn Công ước về Luật biển của LHQ (UNCLOS) để minh chứng.

Bởi vậy, theo Philippines, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc "đối với các vùng biển, đáy biển và thềm lục địa không có cơ sở nào theo luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS".

Tuần này Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Quách Bá Hùng đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Được biết, một trong các nội dung quan trọng trong hội đàm hai bên là giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Đây là một trong các đoàn quân sự cấp cao nhất từ trước tới nay sang thăm Việt Nam, thành phần đoàn được biết có các quan chức hàng đầu như Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân TQ Mã Hiểu Thiên và Phó Tư lệnh Hải Quân Từ Hồng Mãnh.

Một điều đáng chú ý là nội dung Biển Đông được nhắc tới trong hầu hết các bản tin mà báo chí Việt Nam đăng tải.

Thế nhưng tin của các hãng Trung Quốc như Tân Hoa xã phát đi từ Hà Nội không đề cập tới khía cạnh này mà chỉ nói chung chung về việc Việt Nam và Trung Quốc cam kết phát triển quan hệ giữa hai quân đội.

2. Philippine tăng cường tuần tra ở quần đảo Trường Sa

clip_image005

MANILA — Quân đội Philippine tuyên bố vào hôm thứ Sáu rằng họ có kế hoạch sử dụng một tàu chiến mới do Mỹ sản xuất để tăng cường tuần tra tại vùng biển tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] giữa lúc căng thẳng lại bùng lên giữa Philippine với Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền đối địch nhau.

Hải quân Philippine đang xem xét sử dụng tàu tuần tra hiện đại thuộc lớp Hamilton mới mua của Mỹ gần đây tại khu vực gần vùng biển mà Philippine tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Jose Mabanta đã cho biết như vậy.

"Đó là một trong những khu vực có thể xảy ra căng thẳng. Chúng tôi thực sự phải bảo vệ một số khu vực thuộc quyền kiểm soát của chúng tôi và quần đảo Trường Sa là một trong những khu vực thuộc quyền kiểm soát của chúng tôi", Mabanta đã trả lời AFP khi được hỏi liệu chiếc tàu chiến đó có được triển khai hay không.

Mabanta nói rằng một thủy thủ đoàn hiện đang được huấn luyện tại Mỹ về điều khiển tàu tuần tra và dự kiến họ sẽ trở về Philippine trong tháng 6.

Hải quân Mỹ mô tả chiếc tàu thuộc lớp Hamilton đó là loại tàu có sức bền lớn được trang bị các hệ thống vũ khí tác chiến gần.

So với hải quân Trung Quốc thì Hải quân Philippine [hiện] có một đội tàu nhỏ và cũ.

Đội tàu của Philippine gồm những chiếc tàu cũ của Hải quân Mỹ được Philippine mua lại, chiếc hiện đại nhất là Rajah Humabon, một khu trục hạm hộ tống thuộc lớp Cannon được đóng trong Thế chiến II và là một trong những chiếc tàu chiến cũ nhất của thế giới hiện đang còn hoạt động.

Philippine và Trung Quốc cùng với Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam hiện đang tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần quần đảo Trường Sa được cho là nơi có nhiều tài nguyên

clip_image006

khoáng sản và nằm gần các tuyến hàng hải quan trọng.

Tranh chấp lại bùng phát trở lại hồi tháng trước khi Manila than phiền rằng tàu tuần tra của Trung Quốc đã quấy rối một chiếc tàu thăm dò dầu khí của Philippine ở vùng biển tranh chấp gần quần đảo Trường Sa. 

Philippine sau đó đã công bố các kế hoạch tiếp tục thăm dò dầu khí tại vùng biển đó và nâng cấp sân bay quân sự trên một hòn đảo ở quần đảo Trường Sa và đệ trình một thư phản đối chính thức lên Liên Hiệp Quốc về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Giữa lúc căng thẳng bùng phát, Trung Quốc lại lặp lại những tuyên bố chủ quyền của một mình họ đối với tất cả các khu vực đang tranh chấp và vùng biển tiếp giáp, hầu hết các khu vực đó đều nằm gần đất liền của Philippine hơn là đất liền của Trung Quốc.

Mỹ coi Philippine là một đồng minh quân sự không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hai nước này đã ký một hiệp ước phòng thủ chung vào năm 1951.

Trung Quốc đã nhiều lần nói với Mỹ rằng Mỹ không có quyền can thiệp vào tranh chấp ở quần đảo Trường Sa.

AFP

Hiền Ba dịch

Nguồn: Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011 15/04/2011

http://boxitvn.blogspot.com/2011/04/cach-oi-thoai-cua-philippine-voi-trung.html


Minh bạch “kiểu Trung Quốc”

Ngọc Trân, thông tín viên RFA

CHINA-US-DIPLOMACY-OPEN  

Ngoại trưởng Hillary Clinton và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 24 tháng Năm 2010. AFP photo

 

Cuối tháng 3 vừa qua, Bắc Kinh cung cấp thông tin về chính sách quốc phòng qua việc công bố "Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2010".

Việc làm này nhằm chứng minh với thế giới rằng, Trung Quốc gia tăng sự minh bạch trong vấn đề quốc phòng và củng cố niềm tin với cộng đồng quốc tế về cam kết phát triển hòa bình của Trung Quốc.

Nội dung Sách trắng Quốc phòng mà Trung Quốc vừa phát hành, có những điểm nào đáng chú ý? Những điều mà Bắc Kinh tiết lộ trong tài liệu này có thật sự minh bạch như họ đã tuyên bố? Thông tín viên Ngọc Trân có bài phân tích.

Trung Quốc muốn lãnh đạo thế giới?

Khác với Sách trắng Quốc phòng năm 2008 mà Trung Quốc đã từng bị thế giới phê phán thái độ kiêu ngạo khi khẳng định: "Thế giới không thể tận hưởng sự thịnh vượng và ổn định nếu không có Trung Quốc", tài liệu quốc phòng lần này đã tránh sử dụng những từ ngữ tương tự, cho thấy, Bắc Kinh muốn cải thiện hình ảnh với thế giới bên ngoài, bằng thái độ thân thiện, thay thế hình ảnh một nước Trung Quốc hiếu chiến trong những năm gần đây.

Mặc dù mục đích công bố tài liệu quốc phòng lần này nhằm thay đổi cách nhìn của thế giới về Trung Quốc, thế nhưng nội dung tài liệu cho thấy, Bắc Kinh có vẻ quyết đoán hơn trong chính sách quốc phòng.

Bên cạnh sự tự tin về sức mạnh kinh tế, Trung Quốc tiếp tục khẳng định sức mạnh quân sự, không ngừng hiện đại hóa Quân đội Trung Quốc, với kế hoạch gia tăng chi phí quốc phòng gần 13% trong năm nay.

Để trấn an các nước khác, Trung Quốc luôn khẳng định, việc gia tăng chi tiêu quốc phòng chỉ với mục đích phòng thủ, thế nhưng, qua nhiều lần xung đột với các nước láng giềng thời gian gần đây, đã chứng minh rằng, ngoài mục đích phòng thủ, Bắc Kinh còn bắt nạt và đe dọa các nước trong khu vực.

Một điểm khá quan trọng mà Bắc Kinh đã đưa vào chính sách quốc phòng lần này, đó là, ngoài việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, việc hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc còn nhằm mục đích, "duy trì hòa bình và ổn định thế giới".

Trung Quốc phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phản đối các hành động hiếu chiến và bành trướng, phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền với bất kỳ hình thức nào. 

Trích tài liệu quốc phòng TQ

Sau khi nêu lên những bất ổn trong khu vực và trên toàn cầu, cáo buộc Hoa Kỳ xen vào các vấn đề an ninh trong vùng và củng cố liên minh quân sự trong khu vực, Bắc Kinh đã đưa vai trò "duy trì hòa bình và ổn định thế giới" của Liên Hiệp Quốc vào trong chính sách quốc phòng, biến nhiệm vụ chung của các nước thành viên Liên Hiệp Quốc, thành nhiệm vụ riêng của Trung Quốc.

Tuy các quan chức Bắc Kinh luôn khẳng định, Trung Quốc không muốn thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới, thế nhưng qua chính sách quốc phòng của Trung Quốc vừa công bố, cho thấy, rõ ràng Bắc Kinh đang muốn đảm nhận vị trí thống lĩnh các vấn đề an ninh toàn cầu.

Khái niệm của Trung Quốc về tính minh bạch

Khác với Sách trắng Quốc phòng phát hành lần trước, khi đưa ra các cụm từ có liên quan đến chiến tranh, trong tài liệu quốc phòng lần này, Trung Quốc đã bỏ công sức để thuyết phục với phần còn lại của thế giới, rằng chính sách quốc phòng của họ là "phòng thủ", và Trung Quốc sẽ "không tấn công, trừ khi bị tấn công". Trong tài liệu có đoạn: "Trung Quốc phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phản đối các hành động hiếu chiến và bành trướng, phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền với bất kỳ hình thức nào".

CHINA-MILITARY-SECURITY

Lính TQ trong một buổi huấn luyện tháng 3/2010. AFP photo

Ngoài ra, Bắc Kinh còn củng cố lòng tin của các nước, khi tuyên bố: "Trung Quốc rất coi trọng tính minh bạch trong quân sự, và cố gắng đẩy mạnh sự tin tưởng của thế giới về cam kết phát triển hòa bình". Thế nhưng, trong tài liệu vừa phát hành, cũng như qua các hành động phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong thời gian qua, rất khó có thể thuyết phục các nước tin tưởng, bởi có quá nhiều mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của các viên chức Trung Quốc.

Dường như khái niệm về sự minh bạch của Trung Quốc không giống nhận thức của các nước còn lại. Một trong những người tham gia soạn thảo tài liệu quốc phòng lần này, Giáo sư Trần Chu, thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, đã khẳng định tại một cuộc họp báo khi công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2011 rằng, thật là sai lầm khi tin rằng minh bạch là điều kiện đầu tiên để quân đội tin tưởng lẫn nhau. Ông Trần Chu cho biết: "Để đạt được sự tin tưởng lẫn nhau, điều cần thiết trước tiên là không ngừng mở rộng lợi ích chung và tôn trọng lợi ích chiến lược của nhau".

Sự khó hiểu về khái niệm minh bạch của Trung Quốc có thể thấy rõ ở chính sách quốc phòng của họ. Một mặt, Bắc Kinh khẳng định, chương trình hiện đại hóa quân sự chỉ với mục đích "phòng thủ"; mặt khác, Trung Quốc không ngừng phát triển các loại vũ khí hiện đại, vượt quá mục đích phòng thủ, như: phát triển tên lửa đạn đạo tấn công tàu sân bay, mà mục tiêu nhắm vào các tàu sân bay của Mỹ; phát triển vũ khí chống vệ tinh; xây thêm tàu ngầm tấn công bằng hạt nhân, chuẩn bị đưa vào sử dụng một tàu sân bay trong năm nay; và đang cho thử nghiệm máy bay tàng hình thế hệ thứ năm, Chengdu J-20.

Trong khi Bắc Kinh cố gắng tạo ra một hình ảnh mới để thuyết phục các nước còn lại trên thế giới tin tưởng những điều họ nói, thì trước đó không bao lâu, hình ảnh một nước Trung Quốc hiếu chiến đã hiện ra qua lời phát biểu của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Lưu Quang Liệt. Khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông Lưu cho biết, Bắc Kinh đang chuẩn bị một "cuộc xung đột quân sự ở mọi hướng chiến lược".

... hòa bình ở Trung Quốc chưa bao giờ đạt được bằng cách nhượng bộ, chỉ có bằng chiến tranh. Bảo vệ lợi ích quốc gia sẽ không bao giờ đạt được bằng cách đàm phán, mà phải bằng chiến tranh.

Trích một bài báo ở TQ

Cũng trong thời gian này, cơ quan Quân ủy Trung ương, thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho đăng một bài viết, cho biết, Trung Quốc đã sẵn sàng cho cuộc chiến tranh với các nước láng giềng vào bất cứ lúc nào. Bài báo này còn nói rằng, ngoài chiến tranh ra, đàm phán không thể bảo vệ lợi ích quốc gia. Bài báo viết: "Các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Úc, Philippines, Indonesia, và Nam Hàn đang cố gắng gia nhập vào nhóm chống Trung Quốc vì những nước này hoặc là đã từng có chiến tranh với Trung Quốc, hoặc có xung đột về lợi ích với Trung Quốc. Những nước này đang cố gắng để được hưởng lợi bằng cách sử dụng Mỹ. Lịch sử Trung Quốc kể từ năm 1949 cho thấy, hòa bình ở Trung Quốc chưa bao giờ đạt được bằng cách nhượng bộ, chỉ có bằng chiến tranh. Bảo vệ lợi ích quốc gia sẽ không bao giờ đạt được bằng cách đàm phán, mà phải bằng chiến tranh".

Các nhà phân tích cho biết, hành động cứng rắn của Trung Quốc, nằm trong kế hoạch đánh chiếm và kiểm soát vùng biển và các chuỗi đảo ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dựa trên kế hoạch của tướng Lưu Hoa Thanh, cựu Tổng Tư lệnh Quân đội Trung Quốc đã vạch ra, nhằm chấm dứt vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, và Trung Quốc sẽ thay thế vị trí của Mỹ, trở thành cường quốc trên biển.

Qua những điều vừa kể, cùng với hành động của hải quân Trung Quốc mà thế giới đã có dịp chứng kiến, khi liên tục sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong thời gian qua, rất khó có thể thuyết phục các nước tin vào hình ảnh một nước Trung Quốc thân thiện và chính sách quốc phòng minh bạch mà Bắc Kinh đang cố tạo ra.

N. T.

Nguồn: rfa.org

http://boxitvn.blogspot.com/2011/04/minh-bach-kieu-trung-quoc.html


Không lợi dụng thần tượng

Phạm Anh Tuấn

GS Ngô Bảo Châu là một thiên tài toán học, tuy ông không phải là thiên tài toán học độc nhất (the genius), tất nhiên càng không phải là thiên tài về tất cả. Cách làm việc của ông, theo như tôi được đọc trong một bài phỏng vấn ông, là bắt đầu bằng việc đi tìm các câu hỏi chứ không đi tìm các câu trả lời. Cách viết của ông giống như một sự gợi câu hỏi. Vì thế cần tôn trọng những điều ông viết ra. Sự ồn ào dấy lên quanh một phát biểu hoặc có thể là mọi phát biểu của GS Ngô Bảo Châu cũng là điều dễ hiểu. Nó xuất phát từ hình ảnh của mỗi người về một thần tượng. Nhưng khi sự ồn ào bắt đầu lắng dần thì người ta lại bắt đầu thấy lấp ló một vài bàn tay cơ hội chủ nghĩa muốn khều khều vài thứ ra để chụp mũ và biến sự ồn ào vô hại đó thành một thứ phong trào "dân chủ", hoặc một thứ hoa lài mà theo họ là chóng tàn quá nên hóa thành "hoa cứt lợn" (để chê hay để lấy lòng ai?), và cả những đầu óc ảo tưởng trong đó có cái tổ chức rất lớn ở nước ngoài đang ảo tưởng về một blogger được họ xếp là "blogger chuyên nghiệp nhất tại Việt Nam".

Trong tác phẩm On Education (bản dịch của Phạm Anh Tuấn sẽ ra mắt trong năm 2011) nhà giáo dục John Dewey khi bàn về những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các dạng tư duy tồi có nhắc rất nhiều tới Francis Bacon (1561-1620) – triết gia quan trọng ở vào giai đoạn bước ngoặt từ thời Trung cổ sang thời hiện đại (năm ngoái nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn cũng có một bài viết phổ cập về Bacon được đăng trên Sài Gòn tiếp thị). Bacon phân loại những nguyên nhân chính dẫn con người ta đi đến niềm tin sai lầm. Ông đặt cái tên rất lạ là những "idol" (thần tượng). Thần tượng rất dễ biến thành "ngẫu tượng", rất dễ dẫn dụ trí óc đi vào những con đường tư duy sai lầm và rồi trở thành "ảo tưởng".

Có bốn "ảo tưởng" chính: (1) ảo tưởng của bộ tộc (tribe) – những sai lầm tự nhiên của con người, của bản tính con người nói chung (chẳng hạn thích tin vào phát biểu của những người nổi tiếng); (2) ảo tưởng của cái chợ (the market) – những sai lầm do sự tiếp xúc giữa con người với nhau; (3) ảo tưởng của cái hang (the cave) – những sai lầm của cá nhân (phụ thuộc vào khí chất, thói quen của một cá nhân); (4) ảo tưởng của sân khấu (the theatre) – những sai lầm có nguồn gốc từ những giáo điều của một giai đoạn cụ thể.

Như thế có thể thấy là con người thực ra không dễ làm người tự do đích thực. Con người bị trói buộc vào quá nhiều thứ. Đôi khi tình cảnh thực sự là tuyệt vọng. Song, những người cơ hội chủ nghĩa mới thực sự là nguy hiểm. Họ là những người chọc ngang-phá ngang, chả biết cái gì đến đầu đến đũa cả. Họ là những người đã có một chỗ xong xuôi cho riêng mình ở đâu đó rồi và bây giờ được thấy là đang đi lại nghênh ngang – họ gọi đấy là "tự do". Họ đã thu hoạch xong lúa vụ mùa chính vụ rồi và bây giờ rủng rỉnh rảnh rang đứng đằng xa quan sát những con người đang chịu thất bát ngay cả vụ hoa màu – họ gọi đấy là "khách quan" Họ chưa bao giờ khổ cả, chứ đừng nói là đau khổ thực sự vì điều gì vượt ra ngoài cuộc sống bản thân họ.

Tôi luôn tin vào cuộc sống có thực. Với tôi tiếng nói của những người thực sự trầm mình trong cuộc đời này là tiếng nói đáng tin. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà thơ Dương Tường bằng xương bằng thịt với "les années noires" của họ đã dạy tôi nhiều điều hơn vô số những cuốn sách, hơn vô số những ngẫu tượng trong cuộc sống ảo ngày hôm nay. Có một giai đoạn dài trong những năm tháng đen ấy hầu như ngày nào Nguyễn Xuân Khánh trên đường từ công trường cải tạo ở Thủ Lệ về cũng ghé qua nhà tôi. Bao giờ ông cũng gọi tôi đem thuốc lào ra hút rồi ông ôm cây ghi ta đệm hát nghêu ngao một mình. "Này, mày có cái gì đọc đến mức phải nổ tung đầu lên không, cho tao mượn?", một lần ông hỏi tôi. Tôi đưa ông Les Faux-Monnayeurs của Gide. Ông cầm, rồi cầm luôn từ dạo ấy đến nay. Dương Tường, người tự nhận mình không chỉ "học hỏi" mà "dévorer" (ngấu nghiến) tất cả các nền văn hóa của thế giới, năm xưa ngày ngày ngồi hiền hòa đọc sách trong Thư viện Quốc gia nhưng bao giờ cũng có những người "lạ mà quen" giả vờ đi vòng sau lưng ông để kiểm tra xem hôm nay ông đọc cái gì.

Không ai có thể tinh tướng, có thể dạy đời cho cuộc sống. Nhà văn cựu chiến binh Mỹ Larry Heinemann suýt bỏ mạng ở chiến trường Việt Nam có lần đã dùng Moby-Dick để dạy tôi "mày đừng tưởng mày tóm được cuộc sống, cuộc sống nó tóm mày đấy" (life hold thou, not thou it). Tại vì có một điều chắc chắn là không ai có thể giả vờ sống. Với ai đó có thể chạy trốn được trong cuộc sống ngoài đời thực, chẳng hạn, ngồi trên chiếc Camri tiền tỉ rong ruổi ngang dọc đất nước lúc ghé Hà Nội nghỉ đêm tại Sofitel Métropole de Hanoi đêm xuống buồn buồn gọi một chai Ballantine nhẹ nhàng, nhưng làm gì có chỗ núp mãi mãi cho bất cứ ai dù là trong cuộc sống ảo trên mạng Internet.

PAT.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

http://boxitvn.blogspot.com/2011/04/khong-loi-dung-than-tuong.html


Rõ và chưa rõ

Nghịch Nhĩ

imageĐại văn hào Nga A. P. Chekhov có một câu rất hay, đại ý là hạnh phúc chỉ đến với người hiểu biết vì người ta càng hiểu biết nhiều thì càng thấy rõ hơn chất thơ của cuộc đời ở những nơi mà người kém hiểu biết không bao giờ thấy được. Với ý nghĩa ấy thì diễn biến vụ án ông Cù Huy Hà Vũ, gần đây nhất là diễn biến trong và ngoài phiên tòa xét xử ông đã đem lại cho tôi nhiều hiểu biết, tức là nhiều hạnh phúc. Tôi nói như vậy mà hoàn toàn không sợ bị ai coi là độc ác hay vô cảm bởi tôi biết bên cạnh sự căm giận, bên cạnh nỗi buồn đau, đông đảo người thân và bạn bè của ông Cù Huy Hà Vũ còn thấy tự hào về ông, về mình, còn tràn trề quyết tâm và hy vọng cho những gì tươi sáng hơn.

Rào đón thế, rốt cục tôi đã hiểu biết thêm được những gì?

Chỉ nêu hai điểm chính.

Thứ nhất là về ông Cù Huy Hà Vũ.

Liên quan sự đúng sai của các vấn đề mà ông Cù Huy Hà Vũ nêu ra, trong câu chuyện với nhà giáo Phạm Toàn chiều mùng 5 tết vừa rồi, cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đã nói rất rõ ràng: "Những băn khoăn, những ưu tư của Vũ cũng là những băn khoăn và ưu tư của mọi người. Mọi người đều nghĩ, còn Vũ thì đã nói ra được những điều đó. Vũ không nói, thì người khác cũng nói. Vì đó là những điều hiện thời mọi người lo lắng cho đất nước… Những gì đã đọc thì tôi thấy Vũ nói đúng. Chỉ có điều là nó thật quá đi… Tôi thì lại thấy chú ấy nói đúng ở điều này: ngày trước chính quyền Sài Gòn tham nhũng là họ ăn cắp viện trợ Mỹ, đó là tiền Mỹ, chứ đó không phải là mồ hôi và công sức của người Việt Nam. Còn của ta bây giờ, ai giàu lên nhờ bán chác đất đai, nhờ ăn hối lộ, nhờ bán rừng và tài nguyên… thì đó là giàu lên nhờ ăn cắp tài sản của dân tộc Việt Nam này". Chữ "mọi người" cụ dùng có thể không tuyệt đối đúng nhưng nói chung là đúng và chắc chắn trong đó có tôi. Tôi nhất trí với cụ và mong đất nước ta có thêm nhiều người dám nói thẳng, nói thật, nói hết như cụ, như ông Cù Huy Hà Vũ.

Về phương pháp hành động của ông Cù Huy Hà Vũ, tôi không bàn vì chưa từng làm những việc như ông đã làm, đang làm và vẫn còn biết ngượng mồm, vẫn còn biết mình là thằng chết (đúng hơn là đang chết, gần chết, sống mà như chết, song vẫn muốn sống cho ra hồn), chớ dại mà đi cãi người khiêng. Các vị lão thành từng dõng dạc, hiên ngang trước Tòa án, từng bị đày đọa trong lao tù thực dân, đế quốc, nơi mà một con cá, dăm bảy cái chột nưa cũng có thể làm mất chí khí, tiết tháo mà bình luận thì sẽ đúng hơn và trúng hơn chăng?

Ở đây, tôi chỉ muốn tự khẳng định với mình một điều: ông Cù Huy Hà Vũ là người trước sau như nhất, đã nói là làm, dám làm dám chịu. Việc ông bị bắt, thái độ của ông trước Tòa và mức án mà ông phải chịu minh chứng đầy đủ cho điều đó. Người ta đã không dọa dẫm, lung lạc, dụ dỗ được ông. Về mặt nhân cách, ông hơn hẳn những kẻ nói trước quên sau, khi nói ngược lúc nói xuôi, nhơn nhơn nói dối không ngượng mồm mà chúng ta vẫn thường bắt gặp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ai cũng có thể tự hào khi có một người con, người cháu, người chồng, người cha, người anh em, người bạn… như thế.

Xưa nay, người như thế luôn được trời giúp, người giúp. Lo gì!

Thứ hai là về đối tượng đu tranh của ông Cù Huy Hà Vũ.

Đó dứt khoát không phải là nhân dân, không phải là những lợi ích chính đáng, cơ bản của nhân dân, của đất nước vì nếu như thế thì ông Cù Huy Hà Vũ đã bị đông đảo người dân nguyền rủa, đã bị chính người thân, bạn bè và xóm giềng khinh rẻ chứ chẳng thể được đồng bào công khai thắp nến cầu nguyện, biếu tặng hoa tươi, gửi thư từ, điện tín động viên… và nhất là ùn ùn kéo tới tìm cách chứng kiến phiên tòa xét xử ông, biểu thị sự đồng tình, ủng hộ ông bất chấp sự ngăn cản, bắt bớ, thậm chí là tù đày. Dăm bảy chục năm trước, ở Liên Xô, Trung Quốc, cả ở Việt Nam nữa, người ta đã nhân danh nhân dân, đã lợi dụng nhân dân để chụp cái mũ "kẻ thù của nhân dân", bức hại hàng triệu, hàng triệu người lương thiện. Bây giờ tình hình chưa khác hẳn (vì dân vẫn bị khống chế nặng nề, chưa thật sự được "mở miệng") song cũng đã khác nhiều, chẳng ai có thể áp cái bài ấy một cách đại trà nữa, ít nhất là đối với ông Cù Huy Hà Vũ.

Nói cho ngay, đối tượng đấu tranh của ông Cù Huy Hà Vũ là Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này thể hiện rõ qua việc ông bị truy tố, kết án về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Trang mạng "lề phải" Vnexpress đưa tin: "Theo Hội đồng xét xử, ông Cù Huy Hà Vũ đã có một số bài viết, bài trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Hoa Kỳ, Đài châu Á tự do với nội dung kêu gọi đa nguyên, đa đảng, đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, phỉ báng chính quyền và thể chế nhà nước", tức là trước hết và chủ yếu nhằm vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trang mạng "lề phải" VTC đưa tin "cô đọng" hơn, không đả động gì tội của ông đối với Nhà nước: "Theo Hội đồng xét xử, ông Cù Huy Hà Vũ đã có một số bài viết, bài trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Hoa Kỳ, Đài châu Á tự do với nội dung kêu gọi đa nguyên, đa đảng, đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp". Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Chủ tọa phiên tòa thì nói trắng ra: "Những bài viết và trả lời phỏng vấn của ông ta (Cù Huy Hà Vũ) đã bôi nhọ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến Đảng cộng sản Việt Nam".

Cách đây vài tháng, ông Nguyễn Văn An, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Trưởng ban Tổ chức trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, cựu Chủ tịch Quốc hội đã ví von lâu nay ở Việt Nam, Đảng Cộng sản như vua, không phải là một ông vua thời phong kiến mà là vua tập thể thời Cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Theo sự ví von ấy, ông Cù Huy Hà Vũ nói thế, viết thế có khác gì đòi truất vua, đáng ra phải tru di cửu tộc ấy chứ! Đó là chưa kể ngày xưa vua chỉ có một, nếu phạm thượng, may ra vẫn có người bênh chứ ngày nay vua tập thể rải khắp chỗ, từ các hang cùng ngõ hẻm (để theo dõi, ngăn cản, bắt bớ triệt để những người ủng hộ ông Cù Huy Hà Vũ) vào đến tận phòng xử án (để luận tội, kết tội ông lấy được), ông có 5 chứ 50, 500, 5.000 luật sư cũng chẳng ăn thua.

Với hiểu biết ấy, tôi cho rằng vụ án ông Cù Huy Hà Vũ có phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm thì vẫn thế thôi. "Hoàng thượng" không nói đùa, đã dùng tới hai cái bao cao-su vừa qua sử dụng, đã xài lại "lỗi đánh máy" thì có nghĩa là sát ván lắm rồi. Song cũng như ông Cù Huy Hà Vũ, tôi luôn nhớ Tổ quốc và nhân dân mới là trên hết. Nghĩ về sự trường tồn của Tổ quốc và nhân dân, những người như chúng ta sẽ thêm lạc quan, sẽ biết mình phải làm gì, có thể làm gì. Tôi ư? Tôi nhớ tới lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Cụ Hồ.

Bánh xe của lịch sử luôn quay để đưa Tổ quốc và nhân dân tiến lên phía trước. Lượng có đổi, chất mới đổi. Lượng đã đổi, chất phải đổi theo. Muốn cầm đèn chạy trước, dù có hung hăng đến mấy cũng chẳng được, ắt bị nó kéo giật cho ngã ngửa (trong Hội thảo khoa học của Hội khoa học kinh tế Việt Nam ngày 7-10-2010, GS Trần Phương, chủ tịch Hội, cựu Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng dùng từ mềm hơn là "lùi lại"). Ngược lại, nhân tình thế thái đã đổi từ lâu mà vẫn muốn làm vương làm tướng, cha truyền con nối phân phong như thời xưa (nói nôm na là muốn làm phản động) thì chắc chắn sẽ sớm bị bánh xe lịch sử nghiền cho nát bét.

Nhưng thú thật, có một điều tôi vẫn chưa rõ, đó là về các vị lão thành từng ký nhiều thư ngỏ gửi lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tính chất luận chiến, tính chất yêu sách cực kỳ quyết liệt (ví dụ: tố cáo những người, những thế lực cụ thể trong Đảng Cộng sản "âm mưu phá Đảng toàn diện, phá cái lõi của cách mạng, phá khâu then chốt là xây dựng, bảo vệ Đảng cả tổ chức, uy tín và lòng tin của nhân dân; phá bản chất của Đảng; phá nguyên tắc cơ bản, nguyên tắc lớn nhất của Đảng là nguyên tắc tập trung dân chủ", vạch trần khuyết điểm, kiến nghị xử lý theo kỷ luật của Đảng Cộng sản và theo pháp luật của Nhà nước đối với một số người về Đảng là Tổng bí thư, Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Trung ương, về chính quyền là Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thứ trưởng…), mới đây lại ký vào Thỉnh nguyện thư của gia đình và Kiến nghị của bao nhiêu trí thức hàng đầu và đông đảo quần chúng yêu cầu trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ.

Muốn hỏi các vị có còn là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hay không?

Nếu còn, lại xin được hỏi, bây giờ đã rõ ra như thế thì các vị là đồng chí của ai – ông Cù Huy Hà Vũ hay những người vừa kết ông mức án 7 năm tù?

Dám mong các vị có thư ngỏ cho thường dân chúng tôi được biết!

N.N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

http://boxitvn.blogspot.com/2011/04/ro-va-chua-ro.html


10 tháng 4 2011

Bài ca nối mạng

Tặng các công dân Net

Hoàng Hưng

Màn hình computer rực sáng.

Những tiếng phẫn nộ, những tiếng yêu thương,

những tiếng khinh bỉ, những tiếng sẻ chia,

những tiếng đòi SỰ THẬT,

những ánh nến hồng ngàn vạn trái tim,

những bó hoa tươi ngàn vạn tấm lòng,

trong còi rít, còng khua,

trong dùi vung, đạn xé,

trong vòi rồng điên cuồng

trong dối trá phỉnh phờ vây bủa.

Màn hình computer rực sáng.

Những tiếng phẫn nộ, những tiếng yêu thương,

những tiếng khinh bỉ, những tiếng sẻ chia,

những tiếng đòi QUYỀN SỐNG,

những ánh nến hồng ngàn vạn trái tim,

những bó hoa tươi ngàn vạn tấm lòng

đã vượt qua nỗi sợ,

đã vượt qua tường lửa,

đã phá tung màn đêm,

đã tìm nhau kết nối,

đã cho nhau niềm tin.

Màn hình computer rực sáng.

Những tiếng phẫn nộ, những tiếng yêu thương,

những tiếng khinh bỉ, những tiếng sẻ chia,

những tiếng đòi TỰ DO,

những ánh nến hồng ngàn vạn trái tim,

những bó hoa tươi ngàn vạn tấm lòng

đã nhân truyền triệu triệu

thành sóng biển thành thác lũ

từ một clic chuột giản đơn

Từ trong thế giới ảo

ta xây đắp con đường

trở về SỰ THẬT

trở về SỰ SỐNG

trở về TỰ DO

Clic chuột đi thôi

Ta vào xa lộ

Thế giới thênh thang

Từ một nơi này ta ôm hoàn vũ

Không cô đơn cũng không bày đàn

Clic chuột đi thôi

Nào ta nối mạng!

Màn hình rực sáng…

Viết trong ngày tháng tư rực lửa

H.H.


Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

http://boxitvn.blogspot.com/2011/04/bai-ca-noi-mang.html