Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

16 tháng 10 2011

Việt Nam lại 'chọc giận' Trung Quốc?


Việt Nam lại 'chọc giận' Trung Quốc?

BBC

clip_image001  

Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ thăm Ấn Độ từ 11/10-13/10

 

Ngay trước thềm chuyến thăm chính thức Ấn Độ (11/10-13/10), Chủ tịch Trương Tấn Sang nói Việt Nam hoan nghênh Ấn Độ và các nước khác hợp tác thăm dò dầu khí trong vùng chủ quyền của Việt Nam.

Tuyên bố của ông Chủ tịch, theo báo chí Ấn Độ, có thể lại gây phản ứng giận dữ từ Trung Quốc, đòi chủ quyền 80% diện tích Biển Đông và đã nhiều lần phản đối Việt Nam cho nước ngoài thăm dò dầu ở khu vực này.

Hãng thông tấn Ấn Độ PTI dẫn lời ông Trương Tấn Sang nói tại Hà Nội, rằng Việt Nam hài lòng nhận thấy "quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, kể cả an ninh-quốc phòng".

PTI nhận xét phát biểu của ông Sang về thăm dò dầu khí có thể ví như "sờ răng cọp', vì Bắc Kinh đã từng phản ứng gay gắt trước thông tin đưa ra hồi tháng Chín về việc tập đoàn ONGC Videsh của Ấn Độ đang thảo luận với đối tác PetroVietnam để thăm dò dầu khí ở hai lô 127 và 128 ngoài khơi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Hãng thông tấn có uy tín của Ấn Độ cũng nói chuyến đi New Delhi lần này của ông chủ tịch Việt Nam chắc "sẽ được Bắc Kinh theo dõi kỹ", vì xảy ra trong thời điểm cả Việt Nam và Ấn Độ đang gặp khó khăn riêng với Trung Quốc.

Ông Trương Tấn Sang, trong bài phỏng vấn với PTI, một lần nữa lên tiếng bảo vệ thỏa thuận hợp tác dầu khí có thể được tiến hành vào năm tới giữa ONGC và PertroVietnam.

Ông được dẫn lời nói: "Tất cả các dự án hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa Việt Nam và đối tác nước ngoài, trong đó có ONGC, đều nằm trên thềm lục địa thuộc vùng kinh tế đặc quyền, thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển 1982".

ONGC và PetroVietnam cho biết vị trí thăm dò dầu khí chung nằm trong bể trầm tích Phú Khánh, hoàn toàn nằm trong thềm lục địa của Việt Nam và rất gần bờ biển.

Cản trở các dự án dầu khí

Trung Quốc đã nhiều lần cản trở, thậm chí đe dọa các tập đoàn dầu khí nước ngoài, trong đó có BP (Anh) và ExxonMobil (Mỹ) trong các dự án làm ăn ngoài khơi Việt Nam.

Ông Trương Tấn Sang trong khi đó khẳng định: "Chúng tôi hoan nghênh các công ty nước ngoài làm việc với đối tác Việt Nam trong các dự án dầu khí tại thềm lục địa và vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam theo luật pháp Việt Nam".

Trước đó Ấn Độ cũng đã tuyên bố rõ rằng tập đoàn nhà nước ONGC sẽ tiếp tục thăm dò tại Biển Đông.

"Ký hay không ký [dự án hợp tác với Ấn Độ] hoàn toàn phụ thuộc vào cân nhắc của Việt Nam trước các hậu quả chính trị".

Chuyên gia Diệp Hải Lâm, Viện KHXH Trung Quốc

Ông Sang nói Việt Nam cam kết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty nước ngoài làm ăn với Việt Nam nhưng không nói rõ bằng cách nào.

Ông cũng nói Việt Nam hy vọng rằng sự phát triển của Trung Quốc, với tư cách một quốc gia đang có vai trò và ảnh hưởng ngày càng lớn, "sẽ đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Chuyến thăm Ấn Độ của ông Trương Tấn Sang đang gây bàn luận sôi nổi trên báo chí Trung Quốc.

clip_image002

Tàu Trung Quốc ngoài khơi Phú Yên: tranh chấp Biển Đông thu hút sự chú ý của dư luận nhiều nước trong vùng

Mới tối Chủ nhật 9/10, kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV-4 vừa có chương trình 'Trọng tâm Hôm nay' bằng tiếng Hoa kéo dài 30 phút thảo luận về chiến lược của Delhi trong việc gia tăng quan hệ đối tác kể cả về kinh tế và quân sự với các quốc gia Đông Nam Á.

Chương trình này bắt đầu bằng hình ảnh các cuộc tập trận của Ấn Độ với đối tác nước ngoài, với thống kê rằng Delhi thực hiện ít nhất 16 cuộc mỗi năm.

Bình luận viên Diệp Hải Lâm từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói Ấn Độ đang chuẩn bị cho vai trò một cường quốc, nhưng "không giống như Trung Quốc, Ấn Độ chưa bao giờ tuyên bố rằng đây sẽ là một sự trỗi dậy hòa bình".

Ông Diệp cho rằng: "Ấn Độ chưa bao giờ ngần ngại sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực".

Khi nói về chuyến thăm Ấn Độ của ông Chủ tịch Việt Nam, ông Diệp Hải Lâm cho rằng Ấn Độ đang ráo riết thúc đẩy ký kết dự án thăm dò dầu khí ngoài khơi với Việt Nam vì Delhi "không cần đếm xỉa tới yếu tố chính trị" của việc này.

"Ký hay không ký [dự án hợp tác với Ấn Độ] hoàn toàn phụ thuộc vào cân nhắc của Việt Nam trước các hậu quả chính trị".

Giới bình luận Trung Quốc không ít lần chỉ trích Ấn Độ "khuấy động hiềm khích" ở Biển Đông nhằm phá vỡ trật tự địa chính trị trong khu vực và "cản trở sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.

Cùng thời gian Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm Ấn Độ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Trung Quốc.

Nguồn: bbc.co.uk


Original Page: http://boxitvn.blogspot.com/2011/10/viet-nam-lai-gian-trung-quoc.html


Vì sao Trung Quốc sẽ không chinh phục được thế giới


Vì sao Trung Quốc sẽ không chinh phục được thế giới

Xue Xinran (Tiết Hân Nhiên 薛欣然), Daily Telegraph, 8-10-2011

Người trẻ thì bất lực, người già thì kiệt sức, và giới hành chính thiếu sáng kiến chỉ biết hành dân là chính. Trung Quốc, một siêu cường ư? Trước tiên, nó cần phải trưởng thành cái đã, nhà văn nổi tiếng Xue Xinran nói vậy.

Liệu Trung Quốc (TQ) có thay thế địa vị siêu cường thế giới của Hoa Kỳ được không? Liệu TQ có thực sự sẵn sàng thống trị thế giới được không? Gần mười năm nay, trên những chuyến đi giới thiệu sách của mình khắp thế giới, đây là một đề tài tôi luôn luôn chắc mẩm sẽ bị độc giả chất vấn.

Tôi thông cảm vì sao người ta hỏi tôi. Tôi tên là Xinran, sinh ra tại Bắc Kinh năm 1958. Hiện nay tôi vừa là xướng ngôn viên Anh-Hoa vừa là nhà văn, và tôi sống ở London kể từ năm 1997, nơi mà tôi bắt đầu sự nghiệp bằng nghề quét dọn. Mặc dù chân tôi đứng cả trong hai nền văn hóa, nhưng mỗi lần độc giả hỏi tôi liệu những nỗi lo sợ của người phương Tây rằng quyền lực đang chuyển dịch một cách không nương nể về phương Đông là chính đáng hay không, tôi vẫn lúng túng khi tìm cách trả lời.

Trung Hoa là một con sư tử đang ngủ, Napoléon đã có lần cảnh báo. "Cứ để cho nó ngủ yên, vì khi nó thức dậy nó sẽ làm rung chuyển thế giới".

Con sư tử thức dậy rồi và đang rống lớn

Gần hai thế kỷ sau, con sư tử này không những thức dậy mà còn đang rống lớn. Các công ty nước ngoài tại châu Á, hãng xưởng tại châu Phi, và thậm chí cả làng mạc tại Ý và những con phố tại Pháp cũng bị các doanh nhân khôn lanh của TQ chụp giựt. Tăng trưởng kinh tế có lẽ đã khựng lại tại các nước nằm vào trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ nần trên thế giới, nhưng TQ vẫn là nước sản xuất hàng hóa ít ốn kém và là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, khiến một viện nghiên cứu chính sách tại Washington gần đây đã tiên đoán đồng Nguyên (yuan) có thể giành lấy địa vị của đồng đôla như là một trữ kim chính của thế giới trong vòng 10 năm tới.

Trong khu tôi ở tại London hiện nay, một loạt trường còn đưa ra các bài học tiếng Quan thoại cho trẻ em từ 3 tuổi.

Trước đây, khoảng năm 2008, báo Daily Telegraph đã tường thuật việc các "phụ huynh thành đạt" lũ lượt đi mướn các chị giữ trẻ biết nói tiếng Quan thoại nhằm "đầu tư cho tương lai con cái". Nhìn vào đâu, hình như bạn cũng tiên cảm sự khống chế của TQ là tất yếu. Nhưng có đúng vậy không?

Ít ra cứ mỗi năm hai lần, tôi trở về TQ để cập nhật sự hiểu biết của mình về quê hương kỳ diệu đang thay đổi từng phút từng giờ. Là một nhà văn, tôi cố gắng đào xới những gì thực sự diễn ra đằng sau những siêu thị đồ sộ, những yết thị lóe lên chỉ số giao dịch của Thị trường Chứng khoán Luân đôn, cũng như thăm viếng các vùng quê, nơi cuộc sống thay đổi hơn bao giờ hết.

Đông đúc hơn năm 1997 rất nhiều

Chuyến đi TQ gần đây nhất của tôi diễn ra trong tháng Chín. Bắt đầu bằng 10 ngày bận rộn kinh khủng tại Bắc Kinh nơi mà chồng tôi, trong vai trò tư vấn cho Tổ hợp Xuất bản TQ (China Publishing Group), đang tham dự Hội chợ Sách quốc tế (International Book Fair). Trước đó tôi đã đi Nam Kinh để nghiên cứu tư liệu cho cuốn sách mới của mình về hậu quả của chính sách một-con của TQ, qua cái nhìn của thế hệ thứ nhất.

Rồi chúng tôi đi Thượng Hải, nơi mà cả hai vợ chồng tôi đều đến thuyết trình tại Đại học Fudan [Phúc Đán]. Phần lớn thời gian của chúng tôi đã bị tiêu phí trên đường đi, và lúc đó chúng tôi rất ước ao được ra khỏi dòng xe cộ nối đuôi nhau và những con phố đông đúc, tất cả đều chìm dưới mắt của những dãy nhà chọc trời dài bất tận, trong đó có hơn 16 triệu người cư ngụ.

Một người bạn đề nghị chúng tôi đi Tô Châu, "để có thể đi bộ và uống trà tại một vài vườn trà cổ xưa còn lại, như Làng Guhan chẳng hạn. Không xe hơi, không du khách".

Trước khi rời quê hương để sang Anh Quốc vào năm 1997, thường thì tôi chỉ mất một giờ ngồi xe hơi trên đoạn đường thú vị này. Lần này chúng tôi phải mất đến 5 giờ và sau một bữa ăn trưa vội vã, người tài xế cảnh báo chúng tôi cần phải ra đi ngay – "nếu không, quí vị sẽ không trở lại Thượng Hải kịp giờ ăn tối, thậm chí theo tiêu chuẩn phương Tây". (Người TQ ăn tối sớm hơn nhiều). Khi chúng tôi đến ngoại ô Thượng Hải và bắt đầu nhập vào đoàn xe cộ bò lúc nhúc, tất cả đều giành nhau để vào đườmg cao tốc (đài phát thanh sáng đó đã đưa tin số xe hơi tại TQ vừa mới lên tới 100 triệu chiếc, chỉ đứng sau con số 285 triệu chiếc của Mỹ), nhân cơ hội này tôi hỏi chuyện với người tài xế. Xem thử anh ta có tiết lộ điều gì liên quan tình hình của nước Trung Hoa hiện đại và liệu nó sẽ đi đâu về đâu?

Trạc ngoài 30, anh tài đã được làm cha và trước đó anh học lái xe trong quân đội. Nhiều thanh niên vùng quê cố gắng hết sức để vào quân đội, vì đây là cơ hội để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn cha mẹ và ông bà của họ, những người đã lớn lên ở vùng quê nghèo khổ hoặc có vào sống ở thành thị thì cũng chỉ làm lao động chân tay ở tận đáy xã hội.

Tuy nhiên, mặc dù còn lâu anh ta mới vươn tới giới thượng lưu trong xã hội, nhưng cũng chưa hẳn là anh đang sống một cuộc đời mộc mạc, thiếu thốn: "Tài xế không có cơ may để làm nhiều tiền như các lãnh đạo chính trị và các bí thư tỉnh, nhưng chúng tôi cũng cần tiền như mọi người khác. Tất cả mọi người chỉ có tối đa một đứa con và vì thế chúng tôi muốn đáp ứng cho con mình những gì tốt đẹp nhất.

"Trường mầm non của con gái tôi không một mảy may nằm trong danh sách thượng thặng nhưng cũng tốn trên 10 nghìn Nhân dân tệ (tức 1.600 Mỹ kim) một năm. Cháu sẽ vào bậc tiểu học năm nay, và tôi cũng phải tốn cho cháu [gần 5.000 Mỹ kim] gọi là 'phụ phí nhập học' (entrance donation), một món quà bắt buộc phải đóng góp cho một trường rất trung bình".

Khi tôi hỏi bao lâu anh mới gặp con gái một lần, anh cho biết, "Không ai có thì giờ cho gia đình, mọi người chỉ túi bụi kiếm tiền để lo cho con cái. Tôi lợi dụng mọi cơ hội để ngủ lấy sức cho ca tiếp theo".

Tài xế chết đường

Chẳng ngạc nhiên chi: Anh cho tôi biết thường thường anh làm việc mỗi ngày 15 giờ và nhiều tài xế taxi Thượng Hải làm 18 tiếng mỗi ngày không nghỉ ngơi. "Nhiều tài xế tôi quen đã chết vì ngủ gục trên tay lái. Thật uổng mạng".

Tôi đã gặp những nhân viên phục vụ tại các khách sạn ở Thượng Hải và Bắc Kinh, hầu hết đều trong lứa tuổi ngoài 20 một chút, họ cho tôi biết họ sẽ vui vẻ làm trên 12 tiếng một ngày, bảy ngày một tuần, không cần nghỉ lễ, nếu có thể kiếm thêm một ít tiền phụ trội. TQ đã trở thành một cỗ máy tạo ra của cải và cơ hội, nhưng liệu đất nước của những công nhân kiệt lực này có thể là một quốc gia một ngày nào đó sẽ lãnh đạo thế giới không?

Và thế hệ do chính sách một-con sản sinh thì sao? Nhiều thanh thiếu niên từ 40 đô thị lớn nhất đang sống trong thế giới ba-màn-ảnh (truyền hình, máy vi tính và điện thoại di động), mặc hàng hiệu toàn cầu, đi đây đi đó bằng vé hạng nhất, và mua nhà sắm xe cho một hay hai năm du học ở nước ngoài.

Đối với giới trẻ "siêu giàu" (superrich) này, giá cả không thành vấn đề đối với họ, có kẻ thậm chí bay đi bay về Hồng Kông chỉ để mua sắm nội trong một ngày.

Thật khó quan niệm nổi họ có thể trở thành thế hệ doanh gia tiếp theo của TQ, khi, khác với cha mẹ và ông bà họ, nhiều em chưa bao giờ đụng đến bếp núc và chỉ biết qua loa cách dọp dẹp chỗ ngủ của mình.

Mặc dù giới trẻ này có thể được đào tạo trong những trường tốt nhất, nhưng nhiều nhà phê bình cho rằng hệ thống giáo dục TQ – quá đặt nặng thi cử và học thuộc lòng – chỉ bóp nghẹt chứ không thể khuyến khích óc sáng tạo.

Thật vậy, kỳ thi vào các trường đại học TQ hiện nay, còn gọi là "gaokao" [cao khảo], có nguồn gốc từ một kỳ thi tuyển quan lại được triều đình đặt ra ở thế kỷ thứ VI, và theo Jiang Xueqin [Giang Tuyết Cầm], một nhà quản trị học đường (school administrator) được đào tạo ở Đại học Yale hiện làm việc tại Bắc Kinh, loại thi cử này dành ưu thế cho "ký ức tốt, khả năng phân tích và lý luận cao; nhưng không đòi hỏi óc tưởng tượng và tham vọng chất vấn giới thẩm quyền".

TQ có thể được coi là có khả năng bắt chước tài tình, nhưng óc sáng chế của TQ thì nghèo nàn – TQ có tài làm hàng nhái của bất cứ sản phẩm nào do phương Tây sản xuất, khả năng này được chứng minh bằng vụ phát hiện gần đây 22 cửa hàng bán sản phẩm Apple giả hiệu tại Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Cách vận hành của những cửa hàng này có sức thuyết phục đến nỗi ngay cả nhân viên của họ cũng lầm tưởng rằng mình đang làm việc cho hãng Apple.

Trong một cách nào đó, có thể gọi khả năng này là thiên tài. Nhưng là một thiên tài lầm lạc.

Nếu TQ muốn khống chế các công nghiệp sáng tạo (creative industries) như TQ đã và đang khống chế các ngành chế tạo (manufacturing), TQ cần phải mượn một châm ngôn từ ngành tiếp thị của công ty Apple: "Suy nghĩ khác đi" (Think different).

Liu Jun [Lưu Quân], một doanh nhân vừa được vinh danh là một trong "50 cá nhân có óc sáng tạo nhất TQ", nói rằng việc này cũng khó như chiến đấu để chiếm một ngọn đồi.

"Sở dĩ người TQ không có những công ty toàn cầu là vì chúng tôi không có một viễn kiến toàn cầu", ông ta tuyên bố gần đây. "Các nhà thiết kế TQ chỉ nghĩ về sở thích của mình, chứ không mấy quan tâm đến sở thích của khách hàng. Đó là một vấn đề hết sức to lớn".

Cơ cấu của các tập đoàn công nghiệp TQ vẫn còn rất cứng nhắc, và, theo Daniel Altman, một nhà tư vấn của Tố chức Cố vấn Phát triển toàn cầu Dalberg, các sáng kiến "phải được sàng lọc qua quá nhiều tầng lớp trong hệ thống tôn ti trật tự TQ đến nỗi chúng khó có thể tồn tại để lên đến chóp bu". TQ còn một khoảng cách rất xa mới tiến đến trình độ của Mỹ trong khả năng nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh".

Chẳng có gì giống Mỹ

Hẳn nhiên, những tham vọng khống chế toàn cầu của các tập đoàn TQ là quá xa vời đối với đời sống của nông dân TQ, thành phần chiếm 70% dân số cả nước. Và nhiều tầng lớp thấp kém hơn trên nấc thang xã hội ngày càng trở nên phẫn nộ việc TQ đáp ứng nhu cầu vay nợ của Mỹ.

Như người tài xế của chúng tôi diễn tả: "Tại sao, trong khi người TQ tưới mồ hôi xuống đất đai của chúng ta, làm lụng vất vả ngày đêm, thì người Mỹ lại ung dung thoải mái, mang kính râm đi tắm nắng và tắm biển? Tại sao chúng ta phải giúp họ giải quyết các vấn đề tài chính của họ? Tôi không dám nói với anh ta rằng vào tháng Bảy năm nay, tổng số trái phiếu Mỹ mà TQ nắm giữ đã lên tới trị giá 1.173 nghìn tỉ rưỡi đôla Mỹ, nói cách khác Chính phủ Mỹ nợ mỗi công dân TQ 900 đôla. Tôi nghĩ rằng, là người dân TQ, chúng tôi biết núi nợ này đã được tích lũy như thế nào, bằng việc chúng tôi đã oằn lưng lao động cật lực qua nhiều năm, nhưng không mấy ai dám nói ra.

Lý do là, một phần vì hầu hết người dân TQ không hiểu được tầm mức nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ và một phần vì chúng tôi không quen chất vấn các vị lãnh đạo đất nước.

Larry Hsien Ping Lang, một người sinh ra ở Đài Loan và hiện là một Giáo sư môn Tài chính ở Đại học Hồng Kông, được nhiều người biết đến nhờ những bài phê bình của ông đối với nền kinh tế TQ. Vào đầu tháng này, ông cảnh báo rằng những lo ngại về tình hình kinh tế Mỹ đã bị thổi phồng, và rằng chính địa vị tài chính bấp bênh của TQ mới thực sự cần phải được đối phó.

"Nền kinh tế của chúng ta không được lành mạnh", ông viết, "và công nghiệp chế tạo sẽ là điểm cuối của sự phát triển kinh tế TQ. Con số các công ty bị đóng cửa sẽ lên tới 30% hay 40% vì khu vực chế tạo đang gặp hai khó khăn. Một là, môi trường đầu tư nói chung đã bắt đầu thoái hóa và, hai là, TQ đang sản xuất dư dôi nghiêm trọng.

"Những khó khăn này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong công nghiệp chế tạo và các nhà kinh doanh đã bắt đầu rút lui".

Ông Lang cho rằng giá nhà tăng vọt tại TQ, được nuôi dưỡng do lượng tiền được bơm vào từ khu vực chế tạo, đang gây thêm bất ổn cho "nền kinh tế bong bóng" của TQ.

Và liệu kinh tế TQ có sắp bể bóng hay không? Ông Lang sợ rằng nó sắp. Theo ông, TQ cần phải giảm bớt tốc độ tăng trưởng kinh tế để hệ thống giáo dục và xã hội TQ có đủ thời gian theo kịp; để cải thiện cán cân chênh lệch giàu nghèo, và để có đủ thời gian cân nhắc những gì TQ cần đến nhằm tạo ra một tương lai vững mạnh.

Một quốc gia hỗn loạn

Sau nhiều năm nghiên cứu các vấn đề được tạo ra bởi một xã hội theo chính sách một-con, tôi không thể không đồng ý với Giáo sư Lang. Thật vậy, lắm lúc tôi có cảm tưởng quê hương tôi là một quốc gia đang hỗn loạn.

Lấy con số tử vong do tai nạn giao thông làm ví dụ. Trong 5 năm qua (2006-2010), trung bình mỗi năm có đến 76.000 người chết vì tai nạn giao thông tại TQ, chiếm hơn 80% tổng số người chết trong trong tất cả các tai nạn công nghiệp.

Kể từ năm 2001, tỷ số ly dị cũng tăng vọt. Tỷ số ly dị cao nhất của TQ là tại Bắc Kinh (39%), tiếp sau đó là Thượng Hải (38%).

Ngày nay, hơn nửa số vụ ly dị diễn ra trong lứa tuổi 20 và lứa tuổi 30, hầu hết nằm trong thế hệ thứ nhất của chính sách một-con.

Nhiều người trong thế hệ này thậm chí không muốn có con. Một số người không muốn mất vị trí của mình trong gia đình; một số người khác nói giản dị là họ không có đủ thì giờ để chăm sóc cho dù chỉ một đứa con.

Ít ra họ biết được khả năng giới hạn của mình. Trong 5 năm qua, có nhiều trường hợp tử vong vì trẻ em 2, 3 tuổi bị chết ngột trong xe. Tại sao? Tại vì cha mẹ chúng vì bận quá nhiều việc, giao con cho tài xế trông coi và những người này lại khóa cửa xe bít bùng khiến trẻ em thiếu dưỡng khí trong khi họ chạy đi lo các việc lặt vặt khác.

Thật là đau lòng, nhưng tai nạn vẫn cứ xảy ra.

TQ đang thay đổi từng phút từng giờ, nhưng đối với một số người, hậu quả là khó chấp nhận. Khi tôi đến thăm vài người bạn cũ ở Nam Kinh, những người này đã nhắc đến con cái mà lâu ngày họ không thấy mặt. Họ không hiểu được làm sao cuộc đời có thể tốt đẹp hơn trong khi cơ cấu gia đình đang biến mất.

Không ai nghi ngờ TQ đã tiến bộ trong 30 năm qua. Tôi không nghĩ ra một quốc gia nào trong lịch sử nhân loại có thể cải thiện được mức sống của 1,3 tỉ người trong một thời gian ngắn ngủi như vậy. Hầu hết ông bà chúng tôi từng chắt chiu dành dụm vài ba hạt đậu mỗi ngày để đẩy đưa gia đình cho qua nạn đói. Cha mẹ tôi thường phải xếp hàng hàng giờ để chờ mua một chai dầu ăn.

Nhưng liệu chúng tôi có thể thực sự trở thành siêu cường kế tiếp hay không? Liệu chúng tôi có khả năng tương tác với những nước phát triển nhất thế giới hay không khi nền kinh tế thị trường tự do của TQ chỉ được 30 năm tuổi?

Cho dù chúng tôi có trở thành một siêu cường đi nữa, thì liệu siêu cường đó có ngằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ trung ương hay không?

Liệu chúng tôi có mất bản sắc của mình – các giá trị gia đình và văn hóa của chúng tôi – cho đến khi chúng tôi không còn phân biệt được con rồng Tàu (như cách người TQ nghĩ về chính mình) và con sư tử Tàu (như người phương Tây đã ví chúng tôi)?

Hỡi Trung Quốc, con sư tử ngủ yên bây giờ đã thức dậy rồi, Người phải tìm cách mà lo cho nó ăn và nuôi nó sống.

Trở lại Thượng Hải, sau chuyến đi 10 giờ vất vả gian nan với chỉ một đoạn đường giữa Thượng Hải và Tô Châu, Toby, chồng tôi, đã than rằng: "Tôi sẽ không bước lên ô tô tại TQ thêm một lần nữa".

Anh nói vậy, nhưng cả hai chúng tôi đều biết rồi chúng tôi cũng đi xe hơi tại TQ. Đây là một đất nước có quá nhiều điều kỳ thú và nhiều màu sắc mà chúng tôi không thể từ bỏ và điều kỳ thú nhất là lịch sử của nó vẫn chưa được viết xong.

Nguồn: The Vancouver Sun

Xue Xinran (Tiết Hân Nhiên 薛欣然) là biên tập viên của đài BBC phần tiếng Trung.

Trần Ngọc Cư dịch

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN


Original Page: http://boxitvn.blogspot.com/2011/10/vi-sao-trung-quoc-se-khong-chinh-phuc.html


Làm gì tiếp sau chuyến đi Trung Quốc ‘không hữu nghị’ của Tổng bí thư đảng?


Làm gì tiếp sau chuyến đi Trung Quốc 'không hữu nghị' của Tổng bí thư đảng?

Trần Minh Thảo

Tác giả bài viết dựa trên một số hiện tượng xảy ra rất gần đây, hiện tượng trong nội tình của chính Việt Nam cũng như đâu đó tại các nước láng giềng, để đưa ra một số đề xuất mà ông gọi là "những dự kiến của người giàu tưởng tượng". Thôi thì trong tình hình hiện nay, tưởng tượng đôi khi cũng là một thủ pháp cần thiết, giúp người ta đẩy lùi sự mỏi mệt, tìm thêm được ít nhiều nghị lực để nhìn vào triển vọng của đất nước cũng như nuôi hy vọng về một xu thế chung của lịch sử toàn cầu.

Bauxite Việt Nam

Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đã nói về viễn cảnh chiến tranh Trung - Việt để giành quyền kiểm soát Biển Đông. Một số người Việt nói nên có chiến tranh Trung - Việt một lần cho xong và bày tỏ ý chí quyết thắng nếu xảy ra chiến tranh.

Trung Quốc một mặt đề cao tình hữu nghị 4/16, một mặt hô hào đánh một trận 'giết gà dọa khỉ' xấc láo ngay trước ngày TBT Nguyễn phú Trọng sang thăm Trung Quốc.

Trong bối cảnh có mùi thuốc súng, tôi chú ý một cáo buộc rất lạ đối với người Việt biểu tình chống Trung Quốc gây hấn, xâm lược Việt Nam: Âm mưu kích động, thúc đẩy Đảng, Nhà nước phạm sai lầm, tạo cớ cho Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược. Kiểu buộc tội này khác một tí kiểu của Đài truyền hình Hà Nội đối với nhân sĩ trí thức tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược về đối tượng 'thế lực thù địch'.

Lập luận này cho rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam đang nhẫn nhục tạo thế tạo lực kiểu Việt vương Câu Tiễn, không phải là sợ hãi, quy hàng Trung Quốc.

Phải chăng Đảng, Nhà nước đang thực hiện kế sách Câu Tiễn? Phải chăng những người Việt biểu tình chống Trung Quốc xâm lược có ý đồ phá hoại 'sách lược Câu Tiễn' của Đảng?

Những người Việt yêu nước khi là tay sai của đế quốc tư bản chủ nghĩa, khi là tay sai của đế quốc XHCN bá quyền bành trướng. Vậy thực ra họ là 'tay sai' của ai? Cáo buộc ai là tay sai của ai là công việc bộ máy cai trị và cả của người dân, do hướng đi và hướng nhìn của dân và đảng còn khác nhau.

Sau đây là hai cáo buộc đối với Đảng, Nhà nước mà tôi đọc được, nghe được trên mạng toàn cầu:

Cáo buộc thứ nhất: Nhất định sẽ có chiến tranh Trung - Việt trên biển. Ý kiến này còn nói: Việt Nam - Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc chiến trên biển một cách chớp nhoáng để không ai có đủ thời gian can thiệp. Cũng không ai can thiệp vì đó là chuyện nội bộ hai đảng anh em. Đó là phương thức 'đánh để được' và 'đánh để mất'. Được hay mất đều được tiếng 'yêu nước'.

Cáo buộc thứ hai: Trung - Việt không cần có chiến tranh, chỉ cần 'diễn biến hòa bình', lâu lâu diễn tuồng cắn nhau một tí. Ý kiến này nói: giữ nguyên trạng nhập nhằng, khi nóng khi lạnh hiện nay chính là lợi ích cốt lõi của hai đảng Trung Việt. Chưa chiếm được Việt Nam mà sản vật, nguyên liệu từ "rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu" của Việt Nam cứ ùn ùn vượt biên hợp pháp, phục vụ cho nhu cầu quốc kế dân sinh của Trung Quốc. Hàng hóa đủ thứ (kém chất lượng và độc hại là chủ yếu) của Trung Quốc có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm Việt Nam. Tình hình đó có khác gì thực dân ngày trước khai thác tài nguyên, sức lao động, bán hàng tiêu dùng cho các thuộc địa? Việt Nam vẫn giữ được tiếng độc lập, quyền lực cai trị và các nhóm lợi ích vẫn giữ được 'quyền tiền'. Chỉ có nhân dân Việt Nam là mất nhiều thứ nhưng lại không có cách phản ứng do cái tròng 'phản động, tay sai' (Mỹ, Tàu, Nga…) treo trên đầu. Anh em đồng chí cùng nhau thực hiện chiến lược cù cưa để thằng em giữ được quyền lãnh đạo và thằng anh không mất phên dậu phía Nam. Đây là 'phương án diễn biến hòa bình' hai bên cùng có lợi (Giải quyết vấn đề biển Đông bằng thương lượng hòa bình).

Hai kịch bản đánh và không đánh nói trên ít thiện cảm (có thể là rất ác cảm) với Đảng, Nhà nước Việt Nam phát xuất từ thực tế: hai đảng anh em Trung Việt cam kết cùng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội (Ông Ủy viên BCT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói vậy).

Kịch bản 'nhẫn nhục' tỏ ra 'trung với đảng' hơn: Việt Nam tạm chịu nhún, nhục, mua thời gian để tăng cường binh lực, tạo liên minh quốc tế và cũng cố lòng dân.

Kế sách Câu Tiễn hiện đại?

Nhẫn nhục kiểu Câu Tiễn 'nếm phân định bệnh' thì rõ rồi, thực thi mấy chục năm rồi. Những kế khác thì sao? Đã dâng mỹ nhân chưa? Chưa nghe nói Việt Nam dùng kế mỹ nhân mà chỉ nghe dư luận đồn thổi có mấy 'người lớn' Việt Nam sinh được 'thái tử', 'công chúa' với mỹ nhân Trung Quốc khi sang thăm làm việc bên đó. Cũng dễ hiểu vì sao kế Câu Tiễn này đã bị lật ngược: 1,3 tỉ người thì mỹ nhân ngàn lần nhiều hơn 100 triệu dân. Mà Việt Nam có dâng mỹ nhân thì cũng chỉ là 'mỹ nhân một đêm', không thể ăn dầm nằm dề như Tây Thi ngày xưa làm cho 'đại nhân' Trung Quốc xao lãng chính sự.

Đã dùng vàng, đô la mua chuộc được tướng tá, quan lại nào của Trung Quốc để phân hóa, gây mâu thuẫn nội bộ Đảng, Nhà nước Trung quốc? Việt Nam chi 1 tỉ đô la là quá khó, Trung Quốc chi ra 100 tỉ đô dễ như trở bàn tay (dự trữ ngoại tệ hàng ngàn tỉ đô la thì khó gì số đó). Có lẽ kế này cũng đã bị lật ngược khi nhìn vào số phần trăm trúng thầu của Trung Quốc, số lượng công nhân Trung Quốc đã qua nghĩa vụ quân sự có mặt trên các công trường khắp nước, thương nhân Trung Quốc đi lại thoải mái ở Việt Nam, tự do hơn công dân Việt Nam… Người Trung Quốc đã chiếm lĩnh các địa bàn trọng điểm an ninh quốc phòng từ biên giới phía Bắc, Tây Nguyên (không chỉ có bauxite), ven biển miền Trung đến tận Cà Mau cực Nam của Tổ quốc. Ít ra họ cũng đã có một tấm bản đồ chi tiết về Việt Nam.

Đã bán được bao nhiêu tấn lúa giống luộc chín cho nông dânTrung Quốc nhằm làm cho Trung Quốc mất mùa, đói kém liên miên? Kế này cũng bị lật ngược mất rồi: Trung Quốc thu mua móng trâu, rễ hồi; mua khoai làm giảm diện tích trồng lúa; mua sắn, gỗ quý, tiêu, cà phê làm tăng nạn phá rừng; mua mèo, rắn làm tăng đàn chuột phá hoại mùa màng; xây đập trên dòng Mekong nhằm làm biến mất vựa lúa Nam Bộ. Gây khó cho ngư dân Việt đánh bắt thủy sản trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt nam, lại tăng cường thu mua thủy sản ít ỏi của ngư dân Việt, làm giảm lượng protein từ biển trong bữa ăn của người Việt, xuất tràn lan thịt động vật tẩm hóa chất, tăng cường tuồn hàng hóa giá rẻ, độc hại đến tận hang cùng ngõ hẻm của Việt Nam…

Tăng cường binh bị, rèn luyện quân đội ra sao, có giữ được bí mật quốc phòng? Người Việt Nam nào cũng vui mừng, tự hào, tin tưởng khi Đảng, Nhà nước mua sắm vũ khí, trang bị, phương tiện quốc phòng tân tiến, hiện đại bậc nhất, diễn tập bắn đạn thật trên biển… Tuy vậy Mỹ và phương Tây vẫn không chịu bán khí tài hiện đại phục vụ chiến tranh vệ quốc cho Việt Nam. Có người nói do Mỹ sợ bí mật kỹ thuật quân sự hàng đầu lọt vào tay gián điệpTrung Quốc. Các nước Nga, Ấn Độ, phương Tây có sợ bị mất bí mật công nghệ hàng đầu vào tay Trung Quốc không? Những thứ mà Việt Nam mua sắm phải chăng là tối tân nhất, Trung Quốc chưa biết gì về tính năng, tác dụng, cách phòng chống?

Tác giả Lê ngọc Thống trên trang Viet-studies.info (bài 1, bài 2) phân tích tình hình chiến tranh Trung Việt trên biển gây được niềm tin, lòng tự hào cho người Việt. Tuy vậy lòng tin này sẽ tăng lên nếu Đảng, Nhà nước có động thái quyết liệt xử lý vấn đề cả triệu người Trung Quốc đã qua nghĩa vụ quân sự trong lực lượng quân giải phóng đang đi lại, cư trú, làm việc tự do trên lãnh thổ Việt Nam. Cả triệu người Trung Quốc đó sẽ đứng yên nhìn máy bay, pháo mặt đất, hỏa tiễn tầm xa, tầm gần… bắn chìm tàu chiến Trung Quốc trên biển Đông khi có chiến tranh xảy ra? Khi chiến tranh biển xảy ra thì lưng phía Tây của Việt Nam có còn ấm?

Việt Nam có thể thủ đắc vũ khí, phương tiện quân sự tối tân, hiện đại hơn Trung Quốc được không? Nhất định là không do quan hệ Trung - Việt ngày càng thắt chặt như Đảng nói. An ninh quốc phòng Việt nam có lỗ thủng. Đó không phải là chủ trương của lãnh đạo Đảng mà phần chắc do lợi ích nhóm tạo ra nhưng Đảng bất lực, không thể ngăn cấm được. (Đó là nguyên nhân sinh ra câu hỏi: ai đang lãnh đạo, điều hành Việt Nam?).

Những cáo buộc lẫn nhau như vậy (đảng với dân, dân với đảng) nhất định làm Việt Nam suy yếu nhiều mặt, chỉ có lợi cho âm mưu bành trướng.

Tuy vậy đã có những tín hiệu lạc quan cho thấy một bộ phận quan trọng trong Đảng, Nhà nước Việt Nam còn có ý chí chính trị, không chịu buông tay cho các nhóm lợi ích thân Trung Quốc tác oai tác quái.

Đốm lửa trong đêm đen

Nhạc sĩ Tô Hải có phát hiện lý thú về hội nghị trung ương chuẩn bị cho chuyến đi Trung Quốc của Tổng bí thư: "Vậy mà… đêm qua VTV1 đã truyền hình trực tiếp ngày khai mạc Trung ương Đảng Công sản VN lần thứ 3 khóa 11, tớ chuẩn bị thuốc dị ứng với hai ông Tây này thì… lạ quá! Hai ông biến đi đâu mất tiêu rồi!? Dụi mắt xem lại… Vẫn không thấy! Sáng nay vào mạng, truy cập website của Đảng lấy kính hiển vi soi chiếc ảnh nhỏ ti… Vẫn không thấy! Vào các trang mạng khác… Chẳng ai nhắc tới chi tiết cực kỳ quan trọng này. Thôi thì… cứ post lên để mọi người bình luận. Nếu có sự "truất phế" này thì quả là… sấm nổ ngang trời và công làm ra sấm xin mọi người dành cho tớ một mẩu thành tích để mang xuống mồ làm kỷ liệm! (sic)" (Nhạc sĩ Tô Hải nhìn ra thì nhất định những con mắt cú vọ ở Bắc Kinh cũng thấy được). Ban tổ chức sơ suất, gần hai trăm UVTƯ bất cẩn, không quan tâm sự vắng mặt của 'hai ông Tây râu xồm' trên biểu tượng ý thức hệ kiên định, sáng tạo, kim chỉ nam của hai đảng Việt Trung? (Do vậy nên chuyến đi Bắc Kinh của đoàn TBT Nguyễn phú Trọng không còn 'hữu nghị anh em' tuy có ôm hôn, bắt tay nồng nàn?).

Nếu đó là sự 'cố ý từ bỏ' thì quả là tín hiệu cho thấy Đảng đang tìm đường 'đồng thuận' với dân. Việc tiếp theo là gì?

Những người Việt giàu tưởng tượng đã thử hình dung các bước tiếp theo:

Chính sách hai hướng:

Hướng nội (Đoàn kết, xây dựng nội lực)

- 'Nói chuyện' với tù nhân chính trị (tội chống phá nhà nước XHCN theo luật hình sự) nay được gọi là công dân yêu nước, nhà dân chủ, bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm…: công dân yêu nước Cù huy Hà Vũ chẳng hạn.

- Chuẩn bị cho cuộc bầu cử tự do, dân chủ trong tương lai gần (chế độ chuyên chế quân phiệt Miến Điện đã làm được một bước. Bà Suu Kyi gặp đại diện Chính phủ, Miến Điện sắp có đợt ân xá lớn, Miến Điện bắt đầu thực hiện lệnh ân xá).

Hợp lý nhất là triệu tập một "Quốc dân đại hội" bàn việc sửa đổi Hiến pháp. Việc này có ý nghĩa , có thực chất hơn nhiều một ủy ban gồm nhiều ủy viên chưa quen lập hiến, lập pháp.

- Dừng các dự án gây hại an ninh quốc phòng, kinh tế, xã hội, sức khỏe nòi giống… đến hết nhiệm kỳ Chủ tịch nước (bauxite Tây Nguyên chẳng hạn) (Chế độ chuyên chính quân phiệt Miến điện đã ngưng xây đập thủy điện bị phản đối dù bị TQ đe nẹt).

Cần giải thích việc nhà nước Miến Điện làm được mấy việc 'động trời'. Sở dĩ chế độ độc tài chuyên chính quân phiệt độc đảng Miến Điện làm được mấy việc phải chăng một phần do cơ sở tư tưởng, văn hóa, xã hội Phật giáo đã rễ sâu gốc bền, vẫn giữ được bản chất tốt đẹp nhất, chưa bị làm cho băng hoại, méo mó, biến thành một thứ đa thần giáo dụ hoặc tín đồ đi vào đường tham-sân-si mê tín dị đoan cho bọn thống trị lợi dụng, đè đầu cởi cổ (Các nhà sư Miến điện gắn bó mật thiết với số phận của nhân dân bị áp bức, cùng khổ).

- Sửa đổi Hiến pháp theo hướng mở rộng quyền dân (quyền lập hội, quyền biểu tình…), hạn chế tối đa quyền của Nhà nước nhằm ngăn nó biến thành 'con quái vật nhà nước' chuyên 'ăn thịt dân', xây dựng cơ chế quyền lực 'một nguyên thủ' nhằm thống nhất quyền lực chính trị vào một mối, thủ tiêu đặc tính vô chính phủ do cơ chế tam tứ nguyên thủ, hai ba quyền lực cùng cai trị đất nước sinh ra (do đó lại tinh giản được bộ máy cai trị cồng kềnh, tốn kém, ít hiệu quả, ít ra cũng được 30%), triệt tiêu nạn kiêu binh, côn đồ mất nhân tính hiếp đáp, nhủng nhiễu lương dân, hủy bỏ một số luật hoặc điều luật phản tiến hóa, mất dân chủ, ban hành thêm luật bảo vệ quyền dân, hạn chế quyền quan trong hai năm 2012-2013.

- Cuộc bầu cử phổ thông người đứng đầu (nguyên thủ: Chủ tịch hay Tổng thống) có tranh cử dân chủ, bình đẳng vào năm 2014 hoặc 2015 (Thời điểm bầu cử rất có lợi cho đảng đương quyền).

Mấy việc đó là mấu chốt tạo niềm tin của người dân và bạn bè quốc tế về một Việt Nam thật sự là quốc gia độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, có chủ quyền, dân chủ, tự do, khả tín.

Hướng ngoại (liên minh quốc tế)

Đã có tín hiệu cho thấy Đảng, Nhà nước có những động thái ngoại giao độc lập, tự chủ, hợp lòng dân, dám 'sờ răng cọp' như BBC Việt ngữ nhận xét (Việt Nam lại 'chọc giận' Trung Quốc?); tham gia các liên minh khu vực và quốc tế của khối các nước dân chủ, kiên trì giải pháp đa phương cho công cuộc giành lại chủ quyền biển đảo và chỗ dựa cho công cuộc bảo vệ, cải tổ, phát triển (đổi mới lần hai) đất nước.

Có thể hình dung một Việt Nam sẽ hoàn toàn khác từ những việc'tưởng tượng' nói trên.

Nếu làm được vậy thì Trung Quốc mất 'điểm tựa' nhũng nhiễu, yêu sách rất côn đồ, vô lối, sẽ không có trận quyết chiến Trung - Việt nào cả hoặc đó là trận đánh có khả năng chia năm xẻ bảy Trung Quốc đế quốc XHCN, hình thành những Trung Quốc dân chủ phù hợp với nguyện vọng của người dân và đặc thù của một đất nước mênh mông, nhiều đối kháng. Đó sẽ là trận quyết chiến của Trung Quốc với Trung Quốc. Làm được vậy thì đảng lại lập công không chỉ với dân mà anh hàng xóm hung hăng, hiếu chiến sẽ thận trọng hơn, hòa hoãn hơn hoặc phải thay đổi cơ bản nhiều thứ và do đó góp phần cho hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và thế giới.

T. M.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN


Original Page: http://boxitvn.blogspot.com/2011/10/lam-gi-tiep-sau-chuyen-i-trung-quoc.html


Việt Nam: Một quan hệ tay ba đang hình thành?


Việt Nam: Một quan hệ tay ba đang hình thành?

Định Nguyên, Thông tín viên RFA

clip_image001  

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đang duyệt hàng quân danh dự. Screen cap. China Central TV

 

Ngày 11/10/2011 chủ tịch nước Trương Tấn Sang chính thức thăm Ấn Độ; ngày 11/10/2011 TBT Nguyễn Phú Trọng cũng công du Trung Quốc.

Chuyến đi của hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất VN đến hai quốc gia có dính líu đến vấn đề biển Đông, tạo thành mối quan hệ tay ba, làm cho dư luận trong nước cũng như trên thế giới đặc biệt chú ý. Định Nguyên có bài tìm hiểu sau đây:

Ấn Độ thế đối trọng cân bằng với Trung Quốc

Khi tuyên bố đường lưỡi bò trên Biển Đông, Trung quốc không ngừng áp lực lên VN bằng nhiều cách.Về kinh tế:  hăm dọa các quốc gia có ý định hợp tác khai thác dầu khí trên thềm lục địa VN như trường hợp của các hãng BP, Exxon Mobile… Cho tàu Ngư chính giám sát toàn bộ ngư trường mà Trung Quốc tuyên bố là của Trung Quốc, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Gần đây nhất là phản đối sự hợp tác khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Ấn Độ. Về quân sự họ không ngần ngại tuyên bố sẵn sàng dùng chiến tranh để bảo vệ "lợi ích cốt lõi" của họ. Bài viết của Long Tao trên tờ Thời Báo Hoàn Cầu Trung quốc, sẵn sàng chiến tranh vói Việt Nam và Phillipines, là một minh chứng.

Phản ứng trước thái độ hung hăng của Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam ứng xử khá "mềm dẻo" mà dư luận cho là nhu nhược, nhưng dù thế nào người ta cũng dễ nhìn ra là Việt Nam "chưa thể" phản ứng cứng rắn nếu có muốn.

Khi quyết định cho Ấn Độ sử dụng cảng Nha Trang, gần cảng Cam Ranh và nằm cùng kinh độ cảng Hải Nam của TQ, cùng quyết tâm hợp tác với Ấn Độ trong lãnh vực dầu khí, giới quan sát cho rằng có thể Việt Nam đang tìm thế cân bằng đối trọng với Trung Quốc từ Ấn Độ.

Về kinh tế, Trung Quốc hiện là đối tác lớn nhất của VN, tổng kim ngạch trên 20 tỷ USD mỗi năm, chưa kể những hợp đồng xây dựng và khai thác khác mà nguồn vốn đa phần được vay từ Trung Quốc.

INDIA-VIETNAM-POLITICS

Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang (trái) bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Manmmohan Singh khi ông sang thăm New Delhi vào ngày 12 tháng 10 năm 2011. AFP

Về quân sự, tiềm năng của Việt Nam so với Trung Quốc là không đáng kể, đặc biệt là khí tài quân sự. Kể từ sau năm 1975 đến nay việc bổ sung khí cụ hiện đại cho quân đội VN không có tính đột phá lớn và liên tục.

Khi quyết định cho Ấn Độ sử dụng cảng Nha Trang, gần cảng Cam Ranh và nằm cùng kinh độ cảng Hải Nam của TQ, cùng quyết tâm hợp tác với Ấn Độ trong lãnh vực dầu khí, giới quan sát cho rằng có thể Việt Nam đang tìm thế cân bằng đối trọng với Trung Quốc từ Ấn Độ. Nhất là hiện nay Ấn Độ quyết tâm thực hiện kế hoạch "Hướng Đông" của mình. Thêm nữa,Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang có tranh chấp trong vấn đề biên giới.

Trong khi nếu tìm đối trọng từ hướng khác, như Mỹ chẳng hạn, thì với chính quyền Việt Nam, Mỹ không đáng tin cậy, còn đối với Mỹ, Mỹ không hài lòng với chính sách "đu giây" của VN bên cạnh vấn đề nhân quyền mà dù muốn hay không vẫn đang là cái gai khó gỡ cho cả Việt Nam lẫn chính quyền Barack Obama.

Sự tình như có vẻ rõ ràng hơn khi hai nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, một Tổng bí thư, một Chủ tịch nước, cùng thời gian thực hiện hai chuyến công du sang hai quốc gia : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Ấn Độ.

Giới quan sát quốc tế đưa ra nhận xét việc ông Trương Tấn Sang công du Ấn Độ cùng lúc với Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng công du Trung Quốc là cố tạo một đối trọng với sức mạnh của Bắc Kinh.

Tại Trung Quốc, giới quan sát nhận thấy giọng điệu có vẻ hòa hoãn hơn của lãnh đạo Trung Quốc và sau cuộc họp ngắn ngủi giữa hai Tổng bí thư văn bản "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa VN và Trung Quốc" gồm 6 điểm được ký kết. (TTXVN)

Đồng thời gian tại Ấn Độ, sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trương Tấn Sang và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, ngày 12/10, hai bên đã ký một thỏa thuận khai thác dầu khí trên Biển Đông, bao gồm các khoản đầu tư mới cũng như cung cấp dầu thô và khí đốt cho hai nước. Chủ tịch Việt Nam còn cam kết sẽ bảo vệ lợi ích «chính đáng» của các công ty ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam.

Đồng thời theo tờ The Times Of India: "các vấn đề quốc phòng và chiến lược sẽ bao trùm những cuộc hội đàm nhân chuyến viếng thăm Ấn Độ của chủ tịch Trương Tấn Sang".

Vladimir Putin visits China

Thủ tướng Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. AFP

Những dấu hiệu này đã khiến giới quan sát quốc tế đưa ra nhận xét việc ông Trương Tấn Sang công du Ấn Độ cùng lúc với Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng công du Trung Quốc là cố tạo một đối trọng với sức mạnhcủa Bắc Kinh. Hai chuyến đi cùng lúc còn có mục đích giảm căng thẳng trước áp lực của trí thức trong nước về điều mà họ gọi là sự nhẫn nhục thái quá đối với Trung Quốc.

"các vấn đề quốc phòng và chiến lược sẽ bao trùm những cuộc hội đàm nhân chuyến viếng thăm Ấn Độ của chủ tịch Trương Tấn Sang".

The Times Of India

Việt Nam sẽ không bỏ biển Đông

Từ trong nước, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy cho rằng đó là việc tất nhiên khi mà Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong vấn đề Biển Đông. Ông nói:

"Theo tôi, chuyện Việt Nam là đối tác chiến lược với Ấn Độ và tăng cường hợp tác với Ấn Độ gần đây là do có những bước chuyển biến mới. Tất cả những chuyện thế giới gần đây Mỹ và các nước trong Asean có thái độ nầy, thái độ kia chủ yếu là do phía Trung Quốc gây ra. Trong tháng 3/2010 họ tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ, mà lợi ích cốt lõi thì sẽ như Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, tức là có thể đánh nhau. Từ chỗ đó khiến cho Việt Nam, Philippines, Nhật, Hàn Quốc, .v.v. người ta phải làm thôi. Chuyện nầy chỉ là chuyện phản ứng tất nhiên của các nước có liên quan".

Ông Trương Tấn Sang thăm Ấn Độ chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc mạnh mẽ phản đối việc Hà Nội và New Dehli khai thác dầu khí là dấu chỉ cho thấy dù có liều lĩnh thế nào đi nữa thì Hà Nội không thể hy sinh Biển Đông để đổi lấy những quyền lợi riêng tư như dư luận vẫn đồn đoán.

Chuyện Ấn Độ có phải là một đối trọng với Trung Quốc trong chiến lược của Việt Nam hay không phải cần thêm thời gian mới lộ rõ. Nhưng chắc một điều nhà cầm quyền Việt nam nếu cố gắng tạo một đối trọng với Trung Quốc sẽ là một bước ngoặc vô cùng quan trọng làm nhụt chí Trung Quốc trong cách ứng xử tại Biển Đông cũng như trên những hồ sơ khác.

Tàu chiến bắn hỏa tiễn trong cuộc tập trận chung Nga - Trung Quốc hồi tháng 8/2005 tại vùng biển đảo Sơn Đông. AFP PHOTO/Xinhua.

Tàu chiến bắn hỏa tiễn trong cuộc tập trận chung Nga - Trung Quốc hồi tháng 8/2005 tại vùng biển đảo Sơn Đông. AFP PHOTO/Xinhua

Trong thế giới đa cực ngày nay, việc ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc trùng hợp với chuyện Thủ tướng Vladimir Putin sang Bắc Kinh không làm người ta so sánh, thế nhưng ông Trương Tấn Sang thăm Ấn Độ chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc mạnh mẽ phản đối việc Hà Nội và New Dehli khai thác dầu khí là dấu chỉ cho thấy dù có liều lĩnh thế nào đi nữa thì Hà Nội không thể hy sinh Biển Đông để đổi lấy những quyền lợi riêng tư như dư luận vẫn đồn đoán.

Biển Đông không chỉ là tài nguyên không thôi, nó còn ẩn chứa nhiều điều mà các cường quốc ngày càng nhận ra tầm quan trọng sống còn của vị trí mà họ đang nắm giữ. Bài diễn văn mới nhất của Ngoại trưởng Hillary Clinton một lần nữa cho thấy quyết tâm của Hoa kỳ đối với khu vục Châu Á Thái Bình Dương như thế nào. Việt Nam, với vị trí địa chiến lược quan trọng sẽ không thể thoát khỏi vòng kềm toả của Trung Quốc nếu không nhanh nhạy nắm được những yếu tố sống còn trong trận địa ngày một rối rắm hơn giữa cuộc cờ Biển Đông ngày nay.

Đ.N.

Nguồn: rfa.org


Original Page: http://boxitvn.blogspot.com/2011/10/viet-nam-mot-quan-he-tay-ba-ang-hinh.html


Báo Trung Quốc đòi ngăn chặn hợp tác dầu khí Ấn Độ-Việt Nam


Báo Trung Quốc đòi ngăn chặn hợp tác dầu khí Ấn Độ-Việt Nam

Thanh Phương

clip_image001

Việt Nam và Ấn Độ hôm 12/10/2011 đã ký hiệp định hợp tác về thăm dò dầu khí ở vùng Biển Đông

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo ( Global Times ), một tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm nay (14/10/2011) đã có một bài xã luận phản ứng về việc Việt Nam và Ấn Độ hôm thứ tư vừa qua ký hiệp định hợp tác về thăm dò dầu khí ở vùng Biển Đông. Tờ báo này lưu ý là hiệp định nói trên được ký kết chỉ một ngày sau khi Việt Nam và Trung Quốc đạt thoả thuận về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông, nhân chuyến đi Bắc Kinh của tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo, khó có thể nói là việc này chứng tỏ thái độ nước đôi của Hà Nội hay nó phản ánh bất đồng trong nội bộ giới lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Theo nhận định của Hoàn Cầu Thời Báo, qua việc ký hiệp định với Việt Nam, Ấn Độ có lẽ có những suy tính sâu xa hơn về chiến lược khu vực, chứ không đơn thuần là tìm nguồn cung cấp dầu khí.

Tờ báo này cũng cho rằng đằng sau các dự án thăm dò dầu khí là mưu đồ chính trị rất rõ của Ấn Độ. Cho nên, không chỉ lên tiếng phản đối, Trung Quốc cần phải có « những hành động kiên quyết » để phá hỏng những dự án đó. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo đề nghị, một khi Ấn Độ và Việt Nam khởi động dự án thăm dò dầu khí chung, Trung Quốc có thể gửi các lực lượng phi quân sự đến phá rối và gây bất hòa giữa hai nước để ngăn chặn việc thăm dò này.

Căng thẳng giữa Trung Quốc với Ấn Độ do vấn đề Biển Đông có thể sẽ gia tăng thêm sau khi hôm thứ tư vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng A.K. Antony tuyên bố rằng các cuộc tập trận chung giữa Hải quân Ấn Độ với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam trên Biển Đông, biển Hoa Đông và vùng Tây Thái Bình Dương « có thể mang lại những lợi ích. ». Ông A.K. Antony tuyên bố như trên nhân một hội nghị với các tư lệnh Hải quân Ấn Độ.

Xin nhắc lại là vào cuối tháng 7 vừa qua, giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã từng có va chạm trên Biển Đông. Cụ thể, một tàu của Hải quân Ấn Độ sau khi ghé thăm cảng Việt Nam trên đường trở về ở khu vực Biển Đông đã bị tàu Trung Quốc nhắc nhở qua làn sóng vô tuyến rằng đây là vùng hải phận của Trung Quốc.

T. P.

Nguồn: Viet.rfi.fr

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Trung Quốc lại phản đối dự án dầu Việt-Ấn

Ngay sau khi Việt Nam và Ấn Độ ký thỏa thuận cùng thăm dò dầu khí, người phát ngôn Trung Quốc một lần nữa khẳng định chủ quyền "không thể chối cãi" của nước này đối với nguồn tài nguyên ở Biển Đông.

clip_image002

Trung Quốc đã nhiều lần phản đối Việt Nam cùng các nước khai thác dầu ở Biển Đông

Tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC vừa chính thức ký kết một thỏa thuận khai thác dầu khí thời hạn ba năm với PetroVietnam.

Thỏa thuận này cùng một loạt các thỏa thuận khác được ký hôm thứ Tư ngày 12/10 sau các cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ở New Delhi.

Theo đó, ONGC dự định sẽ bắt đầu thăm dò dầu khí vào năm tới trong hai lô ngoài khơi Việt Nam, mà Trung Quốc nói là thuộc chủ quyền của họ.

Từ khi thông tin về dự án chung này được loan báo hồi tháng trước, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối thông qua nhiều kênh chính thức.

Mới nhất, trong buổi họp báo thường kỳ hôm thứ Sáu 14/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Duy Minh tuyên bố rằng Trung Quốc "có chủ quyền không thể chối cãi" đối với khu vực Biển Đông.

Ông Lưu nói với các nhà báo: "Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với Nam Hải (Biển Đông) và các vùng biển phụ cận. Lập trường của chúng tôi về điều này luôn rõ ràng và dứt khoát".

Ông nói Bắc Kinh ghi nhận thông tin về dự án Việt-Ấn và "hy vọng các bên liên quan sẽ đóng góp cho sự phát triển hòa bình và ổn định" ở khu vực.

Bắc Kinh và Hà Nội cũng vừa ký một thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản nhằm tìm giải pháp cho tranh chấp Biển Đông.

Tuy nhiên điều đó không cản trở truyền thông Trung Quốc đăng tải các bình luận mạnh mẽ hơn lên án việc hợp tác dầu khí chung giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Tờ Nhân dân Thời báo cho rằng đằng sau dự án thăm dò dầu khí này là "động cơ chính trị mạnh mẽ".

Hiện Việt Nam chưa đưa ra bình luận gì về phản đối của Trung Quốc, nhưng Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang trước chuyến đi Ấn Độ đã khẳng định Việt Nam hoan nghênh các tập đoàn của Ấn Độ và các nước khác đầu tư vào lĩnh vực dầu khí ở thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam và hứa bảo vệ lợi ích của các công ty này.

Trước đó New Delhi cũng đã bác bỏ phản đối của Trung Quốc về việc ONGC thăm dò dầu khí, nói đây vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và tuyên bố thêm rằng Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải.

Philippines 'sẽ đề cập về Biển Đông'

Trong một diễn biến liên quan vấn đề Biển Đông, giới chức Philippines tỏ ra không hài lòng với thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản trong việc tìm cách giải quyết tranh chấp mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc hôm 11/10 trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Bắc Kinh.

Lý do là họ cho rằng thỏa thuận này chú trọng đàm phán song phương mà không tính tới sự tham gia của các bên liên quan, trong đó có Philippines.

Tổng thống Benigno Aquino nhấn mạnh trên truyền thông Philippines rằng giải pháp tối ưu nhất trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ là đàm phán đa phương.

"Quan điểm của chúng tôi là một giải pháp đa phương (cho vấn đề Biển Đông) là tối ưu nhất vì tranh chấp mà không giải quyết toàn diện thì không thể gọi là giải quyết xong"

Tổng thống Philippines Benigno Aquino

Ông Tổng thống cũng cho hay sẽ đề cập chủ đề này với Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang khi ông này tới thăm Philippines trong thời gian tới.

Theo thông cáo từ phía Việt Nam, trong các nguyên tắc cơ bản thống nhất với Trung Quốc có điểm nếu tranh chấp liên quan hai nước thì đàm phán song phương, nếu liên quan nhiều nước thì đàm phán đa phương, tuy nhiên cách dẫn giải của Trung Quốc sau đó khiến người ta hiểu rằng hai bên Việt-Trung sẽ đàm phán riêng về chủ đề này.

Ông Aquino được báo Tribune dẫn lời nói với các nhà báo ở Manila rằng thảo luận về chủ quyền ở quần đảo Trường Sa cần được thực hiện "với các quốc gia liên quan tranh chấp".

"Quan điểm của chúng tôi là một giải pháp đa phương là tối ưu nhất vì tranh chấp mà không giải quyết toàn diện thì không thể gọi là giải quyết xong".

Ông khẳng định Philippines cam kết tuân thủ chủ trương của khối Asean trong giải quyết vấn đề Biển Đông và kêu gọi các nước khác đồng thuận tìm giải pháp đa phương vì sau nhiều năm thương thảo, tới nay đã có một vài biến chuyển tốt theo chiều hướng này.

Trung Quốc và Việt Nam đều tỏ ra hài lòng với bản thỏa thuận vừa ký tại Bắc Kinh, nhưng Philippines nói thỏa thuận này không giải quyết được những vấn đề cốt lõi.

"Câu hỏi chính yếu về đường chín đoạn của Trung Quốc, vốn không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển vẫn còn nguyên đó," ông Benigno Aquino nói.

Nguồn: bbc.co.uk


Original Page: http://boxitvn.blogspot.com/2011/10/bao-trung-quoc-oi-ngan-chan-hop-tac-dau.html


15 tháng 10 2011

Thời sự kinh tế: Quả bom nợ đe dọa Trung Quốc


Thời sự kinh tế: Quả bom nợ đe dọa Trung Quốc

Ngô Nhân Dụng

image Năm 2006 báo chí Mỹ bắt đầu cảnh cáo quả bóng nợ địa ốc đang phồng lên sắp vỡ vì mấy năm trước các ngân hàng cho vay mua nhà dễ dàng quá; đến lúc các con nợ trả không nổi thì hệ thống ngân hàng lâm nguy. Bên Âu Châu từ năm 2010, báo chí cũng nói đến quả bom nợ sắp nổ vì ngân sách Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha khiếm hụt nặng nề. Nhưng ở Trung Quốc báo chí tới nay không nói gì tới quả bom nợ treo trên đầu nền kinh tế, trừ vài tạp chí dành cho giới chuyên môn. Một người khách đến Bắc Kinh, Thượng Hải, đi đây đó, bắt tay, rồi quay về, sẽ không thấy triệu chứng báo nguy nào cả ngoài quang cảnh những nhà chọc trời, các đường cao tốc, phi trường tối tân. Tuy nhiên, bên dưới những công trình xây cất đó là nợ. Cả đống nợ. Chưa biết bao giờ nó sẽ phổng lên, không chịu được áp lực nữa, phải nổ.

Quả bom nợ ở Trung Quốc đã được nhiều người báo động từ mấy năm nay. Báo chí về tài chánh thường phỏng vấn Giáo sư Sử Tông Hãn (Victor Shih, 史宗瀚) thuộc Đại học Tây Bắc (Northwestern University) ở Chicago nước Mỹ, ông chuyên nghiên cứu vấn đề này, đã in cuốn Factions and Finance in China: Elite Conflict and Inflation" (Các Phe nhóm và Tài chánh ở Trung Quốc: Tranh quyền trong giới lãnh đạo và Lạm phát - Cambridge University Press, 2009). Ông tiên đoán trái bom nợ Trung Quốc sẽ nổ trong vòng mấy năm tới. Ông có thể đoán sai về thời hạn dài hay ngắn; giống như tạp chí tài chính Forbes đã báo động sớm đến 6 năm vụ bùng nổ quả bong bóng địa ốc làm cho kinh tế Mỹ suy sụp, nhưng sau cùng vụ nổ đó xảy ra đúng như dự báo.

Giống Mỹ trước 2007

Các món nợ chồng chất ở Trung Quốc có phần giống hiện tượng địa ốc ở Mỹ trước năm 2007. Phần lớn các món tiền vay được dùng trong ngành địa ốc, xây dựng. Ở Mỹ thì người ta vay mua nhà, hoặc vay xây nhà để bán. Trong mấy năm trời, các ngân hàng hoặc công ty tín dụng buông thả không theo đúng quy luật, cho nhiều người vay mà không xét kỹ hồ sơ về khả năng trả nợ của họ; đến lúc nhiều người không trả được nợ thì ngân hàng mang họa. Không phải một ngân hàng mà rất nhiều, lây lan ra, khắp thế giới. Ở Trung Quốc người ta cũng đi vay để xây bao nhiêu nhà cao tầng làm văn phòng hoặc để ở, xây phi trường, nhà ga, đường sắt, xa lộ, sân vận động, cơ xưởng, vân vân. Một phần là do Chính phủ trung ương xây, phần nguy hiểm, dễ vỡ nợ nhất là do các chính quyền địa phương đi vay để xây. Nhờ các công trình xây dựng tốn kém đó cho nên mỗi năm Trung Quốc vẫn ghi chỉ tiêu sản xuất toàn quốc tăng thêm 9% hay 10%. Giống như những nhà xây cất và người mua nhà ở Mỹ, chính quyền các cấp ở Trung Quốc vay quá nhiều mà không tính tới có ngày sẽ không trả được nợ các ngân hàng. Số "nợ xấu" ngày càng lên cao, tới lúc các ngân hàng cũng vỡ nợ, đưa tới khủng hoảng lúc nào không biết.

Cơn sốt xây cất do Chính phủ Bắc Kinh khởi động trong những thập niên 1980 và 1990, do chính quyền trung ương khuyến khích. Các địa phương hồ hởi chạy theo; vì tiền vay dễ dàng, vì khi có công trình là cá nhân cũng được lợi; và thành tích báo cáo lên sẽ mở đường leo cao hơn. Xây dựng xong, có được dùng hay không họ không cần báo cáo! Trước đây 20 năm, tôi gặp một doanh nhân ngoại quốc ở phi trường Quảng Châu. Anh ta vẫn đặt làm hàng ở Trung Quốc để xuất cảng sang Mỹ. Sau khi bày tỏ ý kiến bất nhẫn về cảnh sống quá chật chội, thiếu vệ sinh tại cư xá các công nhân làm hàng cho anh, có cư xá không có cả đường thoát thân nếu xảy ra hỏa hoạn, anh than rằng có nói ra thì Ban quản đốc nhà thầu cũng cứ bỏ qua không cải thiện; anh chợt hỏi: "Ông có thấy những dãy cao ốc hai bên xa lộ ban đêm không thắp đèn không?". Tôi đoán thử, chắc họ chưa hoàn tất cho nên chưa mắc điện. Anh nói, "Đúng như vậy. Nhưng tôi qua đây mỗi năm ba bốn lần, mà từ mấy năm nay tôi vẫn thấy những ngôi nhà đó tối om như thế!".

Tình trạng nhà xây xong không có người ở giờ vẫn tiếp tục, và còn tăng mạnh hơn. Cuối năm 2008, Chính phủ trung ương đưa thêm một số "tiền kích thích kinh tế" khoảng 600 tỷ đô la Mỹ cho các tỉnh và các cơ quan. Chương trình này đa số dùng vào việc xây cất, giúp Trung Quốc giữ tỷ lệ tăng trưởng cao như mấy năm trước, bù vào số hàng xuất khẩu giảm bớt vì ảnh hưởng cuộc suy thoái trên thế giới. Nó cũng được Chính phủ các nước khác hoan nghênh vì Trung Quốc giúp giảm bớt tốc độ suy thoái chung trên thế giới. Nhưng nó cũng tạo ra một hậu quả là lạm phát trong nước lên cao hơn. Lạm phát tăng vì cầu lớn nhanh hơn cung. Số tiền bơm vào nền kinh tế nâng cao nhu cầu dùng tiền mà không mang lại số sản xuất tương ứng để cung với cầu được cân bằng.

Nguyên do vì phần lớn số tiền đó được đầu tư vào các công trình không có lợi ích thật. Một định luật kinh tế là lợi suất của đồng tiền đầu tư thêm sẽ giảm dần dần, đồng tiền sau không sinh lợi bằng đồng trước; cứ tiếp tục sẽ đến lúc nó không còn hiệu quả. Định luật này đúng ngay cả khi người kinh doanh cố đạt hiệu quả cao nhất để kiếm lời. Ở Trung Quốc, những quyết định đầu tư lại có nhiều động lực khác, không cần quan tâm đến lợi ích và hiệu quả kinh tế. Cho nên luật "năng suất tiệm giảm" càng trầm trọng, năng suất giảm rất nhanh. Trong 9 năm đầu thập niên 2000, cứ 1,50 đồng đầu tư thì tạo thêm 1 đồng trong sản xuất. Khi tiền đổ vào nhiều quá đến năm 2010 thì cần 7,50 đồng mới tạo ra thêm được 1 đồng cho tổng sản lượng nội địa. Mà đồng tiền mới đầu tư lại toàn là tiền vay nợ.

Những người đầu tư và đầu cơ địa ốc ở Mỹ trước năm 2007 vay nợ rất nặng, các công trình xây dựng ở các địa phương Trung Quốc phần lớn cũng vậy. Ở Mỹ, cơn sốt địa ốc được nuôi bằng hai yếu tố: Lãi suất thấp, và giá địa ốc tiếp tục lên cao; vay tiền mua nhà hoặc xây nhà, trả lãi thấp mà tin tưởng sau đó bán đi chắc chắn có lời. Các chính quyền địa phương được Bắc Kinh khuyến khích tiêu tiền, ngân hàng của nhà nước cho vay lãi suất thấp bằng một phần 10 trong thị trường nợ chui. Ở Trung Quốc thì không thấy giá các công trình xây cất của họ tăng lên nhưng nhà cửa cũng tăng giá không khác bên Mỹ hồi đó. Họ còn có một động cơ khích lệ khác: Thăng tiến trong đảng và trong guồng máy cai trị, nếu tiếp tục báo cáo số công trình hoàn tất, tạo thêm việc làm cho một số công nhân lớn.

Các địa phương thi đua xây dựng

Những tỉnh và thành phố bậc trung là nơi người ta vội vàng xây cất nhất. Tỉnh nào cũng muốn có một phi trường để so sánh với Bạch Vân ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Thiên Tân, Vũ Hán, Thành Đô, thành phố nào cũng muốn cao ốc mọc lên cho bằng trung tâm Thượng Hải. Tiền đâu ra? Các ngân hàng của Nhà nước sẵn sàng cho vay, khi không được phép vay thì bán đất lấy tiền. Một nguồn thu nhập của lớn của chính quyền địa phương là bán đất công, hoặc xây nhà lên rồi bán nhà. Vì vậy chính họ muốn nuôi cho cơn sốt địa ốc tiếp tục nóng, để giá nhà đất cao, bán sẽ được nhiều tiền đầu tư thêm. Sau hai nguồn vốn đó, còn nguồn nữa là đi vay ở hệ thống "ngân hàng không chính thức". Theo tin của China Real Estate Information Corp, một công ty thông tin kinh tế ở Thượng Hải, thì trong năm 2010 tiền bán đất góp đến 40% vào số thu nhập của các chính quyền địa phương. Chính quyền cũng dùng đất công làm vật cầm thế khi vay nợ, cho nên họ càng muốn giữ tình trạng giá đất cao. Sở Nhà đất thành phố Vũ Hán cho biết giá đất ở các khu nhà loại sang lên tới 11.635 nguyên một mét vuông (khoảng 1.800 đô la). Với giá đất như vậy, người lao động càng khó đủ tiền mua nhà ở.

Thành phố Thiên Tân đã xây thêm nhiều cao ốc làm văn phòng, xây thừa, bỏ trống nhiều đến mức, nếu tốc độ phát triển còn tiếp tục cao như hiện nay, cũng phải chờ 25 năm mới được sử dụng hết. Giá nhà ở trong quận Thuận Nghĩa (Shunyi), ngoại ô Thiên Tân, lên tới 400 đô la Mỹ một bộ vuông (square foot), tương đương với giá 4.000 đô la một mét vuông, cao vô địch toàn quốc. Ngân hàng Credit Suisse năm 2011 đã báo cho các thân chủ biết Thành phố Vũ Hán là một trong 10 địa điểm phải tránh xa ở Trung Quốc. Theo ngân hàng này thì phải mất tám năm mới bán hết các ngôi nhà chưa có người mua ở đây; trong khi họ vẫn đang xây thêm hàng chục ngàn ngôi nhà khác.

Tất nhiên, những cao ốc và các ngôi nhà không được sử dụng thì không sinh ra tiền để trả tiền lãi và hoàn lại vốn. Các chính quyền khi quyết định xây dựng thì không tính đến vấn đề đó. Tăng Minh Hữu (Zeng Mingyou 曾明友), Giám đốc Sở Kế hoạch Kinh tế thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, cho biết ba năm trước, thành phố đã ngưng hoạt động tất cả mọi cơ quan phụ trách vay tiền để xét lại, vì thấy có một đường cao tốc đang kiến tạo đi qua một vùng đất ruộng mà chắc chắn sẽ không có xe cộ nào đi qua! Tất nhiên, không làm sao đòi lại được số tiền đã chi tiêu cho đoạn đường đang làm dở dang. Nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã kêu gọi các xí nghiệp đóng thuế trước cho năm 2010, để đủ tiền chi tiêu cho năm 2009. Giáo sư Victor Shih cũng nói đến một thành phố với dân số 800 ngàn người mà cũng xây một vận động trường với tầm cỡ Thế vận hội. Tất nhiên công trình đó cũng không sinh ra đồng nào trong tương lai, ông kết luận.

Tới năm 2010, chính quyền các địa phương đã mang số nợ tổng cộng khoảng 10.700 tỷ đồng nguyên, tương đương 1.600 tỷ đô la. Cứ tiếp tục như vậy thì lấy tiền đâu trả nợ sau này? Liêu Ninh nhật báo cho biết trong năm 2010, các cơ quan thuộc chính quyền tỉnh vay nợ đã có 85% không trả đủ được tiền lãi và vốn đúng hẹn. Tin này đọc trong báo cáo kiểm tra của tỉnh Liêu Ninh. Vũ Hán đã có bảy cây cầu băng qua Trường Giang (sông Dương Tử) lại đang xây thêm ba cây cầu khác. Thành phố 10 triệu dân này cũng đang nối dài thêm 215 km đường xe điện ngầm, từ nay đến năm 2017. Sở Kiến thiết và Phát triển đô thị thuộc thành phố Vũ Hán mang nợ 68,5 tỷ đồng nguyên vào tháng Chín năm 2010. Trong lúc quỹ hoạt động dùng được chỉ có 148 triệu! Thành phố bắt các chủ xe hơi phải trả tiền qua cầu mỗi tháng 18 lần, mỗi lần 16 nguyên (dưới 3 đô la). Thành phố Thành Đô, Tứ Xuyên, vào cuối năm 2010 ghi trong sổ tổng cộng nợ 18,9 tỷ đồng nguyên. Cùng lúc đó, số tiền có thể huy động chỉ là 11,7 tỷ. Theo ước tính của Bắc Kinh thì sẽ có tới 3.000 tỷ nguyên không thể đòi được trong số các món nợ của chính quyền địa phương. Nhưng cuộc nghiên cứu của Ngân hàng Standard and Charterd nói sẽ có tới 8 ngàn hoặc 9 ngàn tỷ đồng nguyên trở thành nợ xấu; tức là khoảng 1.200 tỷ đến 1.400 tỷ đô la; mà đây là riêng các món nợ của cấp chính quyền địa phương mà thôi (Tổng sản lượng nội địa Trung Quốc là 4,700 tỷ đô la).

Thống kê về nợ xấu của Chính phủ trung ương còn thấp vì không tính đủ các vụ vay nợ qua hệ thống tín dụng ngoài các ngân hàng. Những Công ty Tín thác (Trust) cũng cho vay như các ngân hàng nhưng với lãi suất cao hơn. Họ gom các món nợ thành từng "gói" rồi dùng gói nợ đó làm bảo đảm để bán các trái phiếu mới; người mua trái phiếu tức là cho họ vay tiền với lãi suất cao hơn gửi tiền ngân hàng; biết rằng sẽ được trả lãi và vốn dựa trên tiền thu từ cả gói nợ bảo đảm. Phương pháp này không khác gì ở những ngân hàng ở Mỹ trong những năm từ 2001 cho tới 2007. Họ cũng đi mua lại các gói nợ địa ốc, dùng chúng làm vật cầm thế mà phát hành trái phiếu, bán cho các nhà đầu tư khắp thế giới. Thu được tiền vào, lại đi mua các giấy nợ khác. Công việc này gọi là "securitization, chứng khoán hóa" các giấy nợ. Những nhà đầu tư sau cùng, phần lớn là các ngân hàng khắp thế giới. Đến khi chính những người vay nợ địa ốc không đủ tiền trả thì các trái khoán mất giá trị, các nhà đầu tư và ngân hàng đều phá sản, kéo theo những ngân hàng khác. Công việc "chứng khoán hóa" này đang được các ngân hàng ẩn thực hành ở Trung Quốc.

Nhiều cách báo cáo hay

Ngân hàng quốc tế Credit Suisse mô tả tình trạng các "ngân hàng ẩn" là một quả bom nổ chậm trong hệ thống tài chính Trung Quốc. Lãi suất mà các ngân hàng ẩn đánh người vay có thể lên tới 70%, và mỗi năm còn tăng thêm. Các chính quyền địa phương khi bị giới hạn không được vay từ ngân hàng chính thức, cũng đi vay các ngân hàng ẩn. Nhiều doanh nhân tư không được các ngân hàng nhà nước cho vay cũng phải tìm các ngân hàng ẩn, chịu trả lãi suất cao. Các công ty sản xuất tư nhân ở Ôn Châu, Quảng Châu, và các thành phố khác đang chật vật vì thị trường xuất cảng giảm bớt, vẫn phải đi vay để tồn tại. Khi phải trả lãi suất cao mà vẫn muốn bán giá rẻ để cạnh tranh xuất cảng, các công ty này chỉ còn một cách không lỗ vốn là trả lương công nhân rất thấp. Cuối cùng, giới lao động chịu hy sinh trong khi các chủ ngân hàng ẩn kiếm lợi. Nhiều quan chức đứng đằng sau các ngân hàng ẩn này. Họ góp tiền với nhau, giữa các gia đình, lập thành những quỹ để cho vay. Có thể chính những cơ quan chính quyền nằm trong ảnh hưởng của họ tới vay. Credi Suisse ước tính số tiền mà các ngân hàng ẩn cho vay lên tới 4.000 tỷ đồng nguyên, trên 600 tỷ đô la.

Riêng về các món nợ xây nhà, vẫn theo Credit Suisse, số tiền nợ từ các ngân hàng ẩn lên tới 208 tỷ đồng nguyên. Trong khi đó số tiền nợ địa ốc từ các ngân hàng chính thức cũng chỉ có 211 tỷ. Với lãi suất các ngân hàng ẩn đánh rất cao, nếu bị kẹt tiền một thời gian ngắn thì các nhà xây cất và các nhà kinh doanh địa ốc sẽ phá sản rất nhanh, kéo theo các ngân hàng mà họ đang mắc nợ. Những món "nợ xấu" trong các ngân hàng ẩn không được tính trong số thống kê. Trong khi chính quyền trung ương vẫn căn cứ trên thống kê chính thức để hoạch định chính sách, ra chỉ thị cho các cấp dưới. Khi trung ương ra lệnh các ngân hàng của nhà nước ngưng cho vay để giảm bớt số nợ toàn quốc, thì hệ thống ngân hàng ẩn càng hoạt động mạnh hơn, tổng số nợ vẫn tăng lên. Các ngân hàng ẩn là nơi cho vay những món nợ nhiều rủi ro nhất. Vì không vay được trong hệ thống ngân hàng bình thường nên người ta mới tìm đến các ngân hàng ẩn. Mà họ thì sẵn sàng cho vay, vì món nợ càng rủi ro thì họ đánh lãi suất càng cao; hơn bù kém, cuối cùng họ vẫn có lời!

Một phương pháp khác có thể làm cho số nợ chính thức được giảm xuống, cũng như giảm số nợ xấu, là chính các ngân hàng bình thường "xào xáo" sổ sách kế toán. Một ngân hàng cho một công ty quốc doanh vay, đến kỳ hạn mà không thể trả tiền đều đặn, món nợ sẽ bị xếp vào loại "nợ xấu". Có một cách tránh né, giúp cho cả hai bên. Ngân hàng sẽ cho thân chủ đó vay một món nợ mới, dùng tiền mới vay đó trả cho món nợ cũ một cách đều đặn. Còn món nợ mới, vì nó mới cho nên chưa bị trễ hạn trả bao giờ, không thể xếp loại nợ xấu được. Người vay có tiền, mà ngân hàng cho vay tránh được tiếng bị nhiều nợ xấu! Cứ như thế, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc bề ngoài có thể rất thấp.

Công ty Đường cao tốc Hải Nam (Hainan Expressway Co) đang nợ đùm đề. Năm ngoái họ cho cơ quan mẹ là Sở Giao thông Hải Nam vay 40 triệu đô la, rồi ghi vào sổ đó là một tài sản. Dùng tài sản đó làm thế chấp, họ lại đi vay thêm được từ các ngân hàng của nhà nước, các món nợ rất rủi ro mà theo Giáo sư Victor Shi, sẽ không thể trả hết được.

Theo Giáo sư Victor Shi thì các ngân hàng thường được Ủy ban Kiểm soát ngân hàng trung ương cho phép "tái cơ cấu" các món nợ. Và họ làm theo ngay. Một cách khác để "tái cơ cấu" nợ là đổi các món nợ cho chính quyền địa phương vay thành ra món nợ cho các xí nghiệp vay. Với danh nghĩa đó, ngân hàng sẽ được phép hạ thấp số tiền dự trữ, do đó sẽ có thể khai số lợi nhuận cao hơn. Theo thông tin trên báo chí Trung Quốc thì các ngân hàng đã đổi cách xếp loại các món nợ tổng cộng lên tới 2.800 tỷ đồng nguyên. Đây là những lối xào xáo sổ kế toán, không khác gì Công ty Enron ở Mỹ đã làm trước khi phá sản vào tháng Mười hai năm 2001.

Trên đây chúng ta đã thấy hình ảnh số nợ chồng chất ngày càng cao trong nền kinh tế Trung Quốc. Cả một guồng máy khuyến khích các chính quyền địa phương đi vay và xây dựng, giúp cho tổng sản lượng nội địa tiếp tục tăng lên, nhưng không gia tăng được số hàng hóa và dịch vụ thật sự cho người dân hưởng. Phần tiêu thụ của người dân đã giảm liên tục trong hàng chục năm qua, từ 40% xuống dưới 30% trong tổng sản lượng nội địa. Quan chức địa phương có động cơ tự nhiên đi mãi trên con đường này, vì tài sản và địa vị của họ lên hay xuống tùy thuộc vào chính sách đó có tiếp tục hay không. Và họ không cảm thấy có trách nhiệm khi số nợ cứ leo thang lên mãi. Một quan chức thành phố Vũ Hán giải thích rằng họ chỉ làm theo chỉ thị từ trung ương. "Chúng tôi là những cầu thủ, không phải huấn luyện viên, cũng không phải trọng tài. Tại sao lại hỏi chúng tôi những chuyện của huấn luyện viên và trọng tài?". Ông Tạ Tác Hoài (Xie Zuohuai 谢作怀), thuộc Ban Kiểm soát ngân hàng ở Vũ Hán nói: "Đây là một thành phố kiểu mẫu trong việc thi hành các quy luật kiểm tra ngân hàng từ Bắc Kinh ban ra. Tôi tin tưởng là Chính phủ trung ương sẽ quản lý tốt các sự rủi ro".

Đó cũng là niềm tin chung của các quan chức địa phương khắp nước. Khi tin tưởng như vậy, họ càng yên tâm vay thêm và tiêu thêm mà không lo đến hiệu quả kinh tế cao hay thấp. Chính phủ Bắc Kinh cũng biết mối nguy khi tổng số nợ ngày càng lên cao. Họ đã báo động, đã tìm cách kìm hãm, đưa ra các chỉ thị mới. Nhưng các chỉ thị đó có dự trù được tất cả các lỗ hổng mà địa phương sẽ sử dụng hay không, chưa biết được! Các quan chức địa phương có động lực tự nhiên đi tìm các lỗ hổng để chui qua, vì con đường thăng tiến của họ, mà họ không thấy có trách nhiệm phải tiêu tiền cho có hiệu quả lâu dài. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cảnh cáo là các quan chức nhiều quyền quá, mà thiếu một hệ thống kiểm tra. Ông cũng nói thẳng kinh tế Trung Quốc không thể tiếp tục thăng tiến được nếu không thay đổi về chính trị. Nhưng thay đổi cả một bộ máy vĩ đại đang cung cấp và bảo vệ quyền lợi của 80 triệu đảng viên là một việc rất khó.

Kinh tế không quân bình

Ông Ôn Gia Bảo lo là phải. Một quốc gia không thể cứ đi vay nợ mãi mà sống. McKinsey Global Institute ước tính số nợ trên cả nước Trung Hoa vào năm 2008 lớn bằng khoảng 159% tổng sản lượng nội địa, trước khi dùng số tiền 600 tỷ đô la kích thích. Nước Hy Lạp vào tháng Mười năm 2011, khi bắt đầu được các nước Âu Châu cấp cứu để thoát cảnh Chính phủ phá sản, cũng có tỷ lệ Nợ/GDP khoảng 165%. Tỷ lệ tổng số Nợ trên GDP ở Trung Quốc hiện nay tương tự như tình trạng Nhật Bản trước năm 1990, khi cơn sốt địa ốc và chứng khoán ở Nhật bùng nổ làm cho hệ thống ngân hàng sa lầy, người tiêu thụ giảm chi, các xí nghiệp ngưng đầu tư, kinh tế suy thoái.

Trung Quốc trong các năm tới không lâm vào tình trạng phá sản như Hy Lạp, cũng như năm 1992 Chính phủ Nhật Bản không phá sản. Vì họ vay tiền trong xứ bằng tiền của nước họ, không nợ đô la từ nước ngoài. Chính phủ có quyền cắt bớt hay tăng chi tiêu; ngân hàng trung ương có quyền in thêm tiền nước mình. Nhờ dân Nhật rất tiết kiệm, Chính phủ và các công ty, ngân hàng Nhật vay trong thị trường nội địa, với lãi suất rất thấp mà ngân hàng ngoại quốc không ai muốn cho vay. Tuy không bị lâm vào cảnh phá sản như Hy Lạp, nhưng Nhật Bản cũng phải trả cái giá, là kinh tế trì trệ trong hai chục năm, trong khi chờ hệ thống ngân hàng cải tổ. Hiện nay tỷ lệ Nợ/GDP của Nhật Bản cũng trên 200% mà vẫn không sao cả, nhờ dân Nhật vẫn giữ tỷ lệ tiết kiệm rất cao không thay đổi.

Ở Trung Quốc thì Chính phủ và các ngân hàng của nhà nước đóng vai chủ nợ, cho các doanh nghiệp nhà nuớc và các chính quyền địa phương vay. Ngân hàng trung ương chỉ việc in thêm tiền để các ngân hàng cho các xí nghiệp của nhà nước vay. Mỗi năm Ngân hàng nhân dân tăng số tiền tệ lưu hành khoảng 15% đến 25%. Trong các năm tới họ sẽ tiếp tục chính sách này: Ngân hàng Nhà nước in tiền, cho vay thêm nợ mới để trả nợ cũ, số nợ cứ thế còn tăng thêm nữa. Nhưng họ sẽ phải lo đối phó với hai hậu quả: Một là lạm phát gia tăng, hai là kinh tế giảm tốc độ phát triển khi cần hãm bớt đà lạm phát. Một xã hội không thể nào cứ đi vay tiền dùng mãi mãi được. Thế nào cũng có giá phải trả, cách này hay cách khác. Trung Quốc cần thay đổi toàn bộ kinh tế thì mới trở thành bình thường được.

Nền kinh tế Trung Quốc không quân bình, vì số tiêu thụ rất thấp, hoạt động chính nhờ vào đầu tư. Cứ một đồng trong tổng sản lượng nội địa thì có 70 xu là đầu tư, đại đa số do Chính phủ đầu tư; phần người dân được tiêu thụ thấp hơn 30 xu. Khác hẳn ở nước Mỹ, dân tiêu thụ 67 xu trong một đồng GDP sản xuất ra. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cảnh cáo phải thay đổi tình trạng không quân bình này; Chính phủ đã cố gắng thúc đẩy số đầu tư thêm. Nhưng khi lợi tức của dân tiêu thụ không được tăng đúng mức, thì khó thúc đẩy. Khi tỷ lệ lạm phát lên 6% mà tiền gửi ngân hàng chỉ trả trên 3%, thì người dân mỗi năm sẽ mất gần 3% giá trị tiền tiết kiệm của mình. Không thể tăng lương nhanh cho đủ, vì lo sẽ gây thêm lạm phát. Đại đa số dân phải lo tiết kiệm để lo bệnh tật, tiền học cho con cái, hưu bổng, vân vân, vì hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển. Cho nên lợi tức khả dụng để tiêu thụ rất thấp.

Người dân Trung Quốc đang phải hy sinh vì tình trạng kinh tế không quân bình. Cơn sốt địa ốc làm cho xã hội bất bình đẳng hơn, chuyển rất nhiều tài sản vào tay các nhà xây cất, và bạn bè họ trong chính quyền. Trong lúc đó, người dân sẽ phải ăn tiêu dè sẻn hơn vì chi phí về nhà ở lên cao quá. Những người giàu nhất nước khoảng 6 triệu người, gồm 1% dân số ở các thành phố và thị xã, hiện giữ tài sản trị giá khoảng 2 ngàn đến 5 ngàn tỷ đô la. Những người giàu nhất đang chuyển tiền ra nước ngoài. Nếu họ đánh hơi được một cơn động đất tài chánh, họ sẽ chuyển tiền nhanh và sớm hơn. Dù Chính phủ không cho phép chuyển tiền đi, nhưng nếu ai muốn vẫn có thể đem một số đồng nguyên qua Hồng Kông, sẽ có người chuyển ra nước ngoài giúp, thành hàng triệu đô la, chỉ cần trả họ một số hoa hồng. Trước cơn nguy biến những người giàu có thể sẽ chuyển đi hàng tỷ đô la.

Tất cả các yếu tố có thể gây ra cơn địa chấn đã hội tụ đầy đủ, không khác gì ở Mỹ năm 2007. Các nhà đầu tư địa ốc và chính quyền địa phương vay nợ quá nhiều. Tổng số nợ vẫn tiếp tục tăng lên, gần bằng Nhật Bản trước khi quả bong bóng nổ thời 1990. Những người có tiền không có cơ hội đầu tư vẫn thấy địa ốc là nơi duy nhất dễ kiếm lời hơn cả, vì thế họ vẫn đẩy giá lên cao hơn.

Trận động đất vì nợ hiện nay được kìm hãm vì tất cả nền kinh tế do Chính phủ nắm trong tay. Ngân hàng trung ương tiếp tục in thêm tiền. Nhưng mối đe dọa về lạm phát sẽ khiến tốc độ in tiền phải giảm xuống, không thể tăng mỗi năm 25% số tiền lưu hành như trước. Lạm phát là nguyên nhân mạnh nhất gây ra bất ổn. Hiện nay mỗi năm ở Trung Quốc xảy ra hàng trăm ngàn vụ biểu tình, không thể tạo thêm bất ổn nữa. Giữa hai mối lo, hoặc là lạm phát, hoặc là chính thức cho quả bom nợ nổ, chính quyền trung ương sẽ phải chọn một. Họ sẽ tìm cách làm sao cho cuộc động đất xảy ra chậm chậm, từ từ, trong lúc theo dõi giữ tỷ lệ lạm phát sao cho đừng lên nhanh quá; giống như một người đi dây.

Sang năm, hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo sẽ chuyển giao quyền hành cho thế hệ mới. Họ sẽ cố giữ cho hệ thống tiếp tục chạy đều cho tới khi mãn nhiệm, không ai muốn gây sóng gió trong lúc mình còn đang chịu trách nhiệm. Để coi rồi ông Tập Cận Bình sẽ xoay trở đi dây ra sao!

N.N.D.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN


Original Page: http://boxitvn.blogspot.com/2011/10/thoi-su-kinh-te-qua-bom-no-e-doa-trung.html


Máu dân đổ và máu quặng cứ chảy...


Máu dân đổ và máu quặng cứ chảy...

Vũ Ly

clip_image002

Quặng bán sang TQ chất cao như núi

Từ nhiều năm nay người dân Lào Cai sống dọc các con đường chở quặng sang Trung Quốc, đều kinh hoàng bởi những đoàn xe tải chở quặng trọng tải 70-80 tấn nối đuôi nhau từng đoàn 20-30 chiếc chạy rầm rầm suốt ngày đêm.

Con đường gây khiếp sợ

Quốc lộ 4E, đoạn từ thị trấn Bảo Thắng lên TP Lào Cai và tỉnh lộ 151 sau vài năm nay bị xe chở quặng xuất khẩu sang Trung Quốc trọng tải mỗi cái 70-80 tấn cày xới, lún sụt nát như tương, không một mét vuông đường nào nguyên vẹn, những ổ voi, ổ trâu xuất hiện dày đặc trên khắp tuyến đường. Ai có việc phải đi trên tuyến đường này đều kinh hãi và khiếp sợ, mùa khô thì bụi mù trời, mùa mưa thì lầy lội.

Nhiều cái chết thương tâm do xe chở quặng cán chết, do quặng rơi xuống trúng đầu người đi đường, ví như kiểm lâm viên Lý Đức Hồng, bị một tảng quặng rơi từ trên xe chở quặng quá tải trúng ngực chết, tai nạn xảy ra tại Km 25 +400 trên QL 4E ngày 4/2/2005.

Ông Nguyễn Văn Với thôn Tiến Lợi I, xã Xuân Giao cho biết: Nhà tôi cách đường 20 m, nhưng không mấy khi mở cửa, bởi bụi từ đoàn xe chở quặng thốc vào nhà, ban ngày mà phải đóng cửa im ỉm vì sợ bụi. Còn ban đêm thì xe chạy rầm rầm, chúng đua nhau chạy, những nhà ở sát mặt đường thì bị rung lắc, tiếng còi hơi của đoàn xe chở quặng như xé tai không ai có thể ngủ được. Ngày cũng như đêm, năm này qua năm khác những người sống dọc tuyến đường như bị tra tấn, đám trẻ ốm la liệt còn người lớn thì sắp phát điên hết cả…

Những đoàn xe chở quặng như các hung thần, là nỗi khiếp đảm cho tất cả những người đi đường, còn QL 4E, tỉnh lộ 151 là con đường tử thần, nỗi khiếp sợ của ai phải đi qua đó.

Chảy máu quặng

Tỉnh Lào Cai có mỏ sắt Quý Xa nằm ở xã Sơn Thuỷ, huyện Văn Bàn, với trữ lượng 120 triệu tấn, có hàm lượng sắt 55%, đây là mỏ sắt lộ thiên lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc có thể khai thác liên tục 40 - 50 năm. Sau khi được Chính phủ phê duyệt, năm 2007 Tổng Cty Thép Việt Nam tiến hành khai thác mỏ, trong đó có hợp tác với Tập đoàn Gang thép Côn Gang -Trung Quốc, mỗi năm xuất khẩu từ 500 ngàn tấn đến 1,2 triệu tấn quặng sang Trung Quốc để đổi lấy than cốc cho các nhà máy luyện thép trong nước.

clip_image004

Bãi quặng tập kết bên TQ

"Té nước theo mưa", lợi dụng việc xuất khẩu quặng nhiều cá nhân và doanh nghiệp xuất khẩu quặng lậu, khiến cho tình hình biên giới trở nên phức tạp. Năm 2011, tỉnh Lào Cai được phép xuất khẩu quặng sắt từ mỏ sắt Quí Xa là 500 ngàn tấn đến ngày 31/6/2011 phải hoàn thành. Ngoài ra các tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Nghệ An không nằm trong qui hoạch, cân đối nguồn quặng theo Thông tư số 08/2008/TT-BCT ngày 18/6/2008 cũng được xuất khẩu quặng. Đây là kẽ hở để quặng thô tuồn ra qua biên giới một cách "hợp pháp" và "chính danh" khó mà kiểm soát được.

Sở Công Thương và Hải quan Lào Cai căn cứ vào sự xác nhận của các tỉnh trên, còn quặng họ xúc từ đâu hay từ chính mỏ Quý Xa và các mỏ trên địa bàn tỉnh Lào Cai để bán sang Trung Quốc thì khó xác định được. Một điều ngược đời khiến người ta không thể không nghi ngờ: Trong khi quặng sắt từ các tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái chảy ngược lên Lào Cai để xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi đó, quặng từ mỏ Quý Xa lại quay xuôi bán cho các nhà máy tuyển quặng trong nước.

clip_image005

Dân rào đường không cho xe chở quặng chạy qua (Ảnh Báo Lào Cai)

Theo thống kê của Sở Công Thương Lào Cai, số lượng xuất khẩu quặng qua các năm, năm sau đều cao hơn năm trước. Quặng sắt năm 2009 xuất khẩu 540 ngàn tấn, năm 2011 đến ngày 22/9 đã là 829.701 tấn quặng các loại, trong đó chủ yếu là quặng sắt, theo kế hoạch các DN đã báo cáo số lượng XK với Sở Công thương là 1,379 triệu tấn quặng, bao gồm quặng sắt, quặng mangan, sten đồng, xỉ đuôi tuyển đồng… được khai thác tại tỉnh Lào Cai và các tỉnh trong khu vực để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Dân chặn đường đốt xe

Theo Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 30/3/2011 của UBND tỉnh Lào Cai qui định cho xe chở quặng từ mỏ sắt Quý Xa xuất khẩu sang Trung Quốc theo tuyến đường từ kho hàng Km 103+200 thuộc QL 279 qua tỉnh lộ 151 - Quốc lộ 4E - Đại lộ Trần Hưng Đạo - đường Phú Thịnh (B1) - phố Lê Thanh (D2)- đường Hoàng Liên - đường Nhạc Sơn - đường Lương Khánh Thiện - đường Thủ Dầu Một - cầu Kim Thành. Còn xe chở quặng bán trong nước theo tuyến đường: Từ kho hàng Km 103+400 QL 279 đi Bảo Hà - qua Phố Ràng - sang QL 70 đến các cơ sở SX thép trong nước.

clip_image007

Xe biển số 24A - 001.06 bị đốt đêm 17/9 (Ảnh Báo Lào Cai)

Sau ngày 30/6/2011 thì Tổng Cty Thép Việt Nam đã hoàn thành việc XK 500 ngàn tấn quặng sang Trung Quốc, thế nhưng người dân không hiểu sao sau ngày 30/6 từng đoàn xe chở quặng sắt vẫn nối đuôi nhau chạy trên tuyến đường tỉnh lộ 151 và QL 4E lên cửa khẩu Lào Cai. Nếu là quặng chở từ Yên Bái, Hoà Bình, Nghệ An lên thì sao không theo QL 70, đường rộng, to và thoáng lại lao vào đường tỉnh lộ 151 và QL 4E gập ghềnh khó đi? Phải chăng đây là quặng khai thác lậu từ các điểm mỏ của huyện Văn Bàn hay từ chính mỏ Quý Xa được dán nhãn quặng Yên Bái, Hoà Bình, Nghệ An, Phú Thọ?

Điều này cần được các cơ quan chức năng làm rõ. Còn nói rằng quặng sắt chở bán cho các nhà máy trong nước chạy theo tuyến tỉnh lộ 151 và QL 4E là trái với Quyết định 742/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai.

Bức xúc trước việc xe chở quặng phá nát đường, gây tai nạn và làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, mặc dù họ đã gửi đơn lên các cấp chính quyền nhưng không được giải quyết, thế là "cuộc chiến" với các xe chở quặng, như đánh chông, bắn đạn cao su, vần gỗ đá ra đường... đã được tiến hành. Ngày 22/7/2011 người dân thôn Đồng Căm, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng đã vần cây cối, đất đá và các vật liệu khác ra ngăn cản đường xe chở quặng sắt. Rồi họ dựng hình nộm, viết khẩu hiệu: "Ai chặt cây, ai phá đường?" khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Người dân ở đây cho biết, khi tuyến đường Xuân Giao - Lào Cai bị người dân phản ứng quyết liệt và dữ dội thì các xe chở quặng chuyển hướng chạy tuyến Xuân Giao - Phố Lu rồi lên Lào Cai xuất khẩu sang Trung Quốc. Trọng tải đường chỉ có 25 tấn nhưng xe trọng tải 70-80 tấn đã phá nát con đường. Khi người dân xã Sơn Hải phản ứng bằng cách vần cây cối ra đường, được chính quyền vận động các gia đình lại thu cây cối về. Bị phản ứng ban ngày thì xe quặng chạy đêm, từng đoàn xe nối đuôi nhau chạy ròng rã hai tháng trời đã làm cho cuộc sống của người dân như bị tra tấn. Không chịu nổi, đêm 17/9 người dân thôn Cố Hải, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng đã chặn hai xe chở quặng lùi về địa phận xã Xuân Giao, rồi dùng đá chèn chặt các bánh xe lại.

clip_image009

Ông Đỗ Văn Soi kể lại chuyện chiếc xe con bị đốt

Theo nhiều người dân kể lại, sau khi nhận được điện của hai lái xe chở quặng một người đàn ông đi xe ô tô con biển số 24A - 00... quay trở lại, từ trên xe bước xuống mở cốp lấy ra khẩu súng ngắn quát lớn: Tao là Công an tỉnh Lào Cai đây, thằng nào là đầu gấu chặn xe ra đây tao nói chuyện. Mọi người nói: Không có ai là đầu gấu cả, chỉ có người dân thôi. Người đàn ông đó túm tóc một thanh niên đứng gần gí súng bóp cò, đạn không nổ, người đó cầm nòng súng đánh luôn vào đầu người thanh niên kia khiến anh này gục xuống bất tỉnh, rồi chọc mũi súng vào mũi một thanh niên khác chảy máu…

Bất bình trước thái độ hung hăng, côn đồ của người đàn ông kia, mọi người xúm lại, quyết một phen với người này. Thấy tình hình căng thẳng người đàn ông đó gọi điện cho một chiếc xe con khác đến giải cứu. Chiếc xe biển số BKS 19L - 90... chạy tới lao thẳng vào đám người, khiến mọi người chạy dạt ra, người đàn ông gây rối bỏ chiếc xe biển số 24A - 00... lại nhảy lên xe 19L - 90... tẩu thoát.

Quá bức xúc trước việc xe chở quặng phá nát đường rồi còn đánh người khiến cho hàng trăm người từ các xã lân cận kéo đến. Mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sau đó đã có mặt nhưng không ngăn cản được đoàn người đập phá, vần lăn chiếc xe như một khúc gỗ rồi đốt chiếc xe đó trong nỗi giận dữ tột cùng.

V.L.

Nguồn: nongnghiep.vn


Original Page: http://boxitvn.blogspot.com/2011/10/mau-dan-o-va-mau-quang-cu-chay.html