Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

15 tháng 10 2011

Thời sự kinh tế: Quả bom nợ đe dọa Trung Quốc


Thời sự kinh tế: Quả bom nợ đe dọa Trung Quốc

Ngô Nhân Dụng

image Năm 2006 báo chí Mỹ bắt đầu cảnh cáo quả bóng nợ địa ốc đang phồng lên sắp vỡ vì mấy năm trước các ngân hàng cho vay mua nhà dễ dàng quá; đến lúc các con nợ trả không nổi thì hệ thống ngân hàng lâm nguy. Bên Âu Châu từ năm 2010, báo chí cũng nói đến quả bom nợ sắp nổ vì ngân sách Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha khiếm hụt nặng nề. Nhưng ở Trung Quốc báo chí tới nay không nói gì tới quả bom nợ treo trên đầu nền kinh tế, trừ vài tạp chí dành cho giới chuyên môn. Một người khách đến Bắc Kinh, Thượng Hải, đi đây đó, bắt tay, rồi quay về, sẽ không thấy triệu chứng báo nguy nào cả ngoài quang cảnh những nhà chọc trời, các đường cao tốc, phi trường tối tân. Tuy nhiên, bên dưới những công trình xây cất đó là nợ. Cả đống nợ. Chưa biết bao giờ nó sẽ phổng lên, không chịu được áp lực nữa, phải nổ.

Quả bom nợ ở Trung Quốc đã được nhiều người báo động từ mấy năm nay. Báo chí về tài chánh thường phỏng vấn Giáo sư Sử Tông Hãn (Victor Shih, 史宗瀚) thuộc Đại học Tây Bắc (Northwestern University) ở Chicago nước Mỹ, ông chuyên nghiên cứu vấn đề này, đã in cuốn Factions and Finance in China: Elite Conflict and Inflation" (Các Phe nhóm và Tài chánh ở Trung Quốc: Tranh quyền trong giới lãnh đạo và Lạm phát - Cambridge University Press, 2009). Ông tiên đoán trái bom nợ Trung Quốc sẽ nổ trong vòng mấy năm tới. Ông có thể đoán sai về thời hạn dài hay ngắn; giống như tạp chí tài chính Forbes đã báo động sớm đến 6 năm vụ bùng nổ quả bong bóng địa ốc làm cho kinh tế Mỹ suy sụp, nhưng sau cùng vụ nổ đó xảy ra đúng như dự báo.

Giống Mỹ trước 2007

Các món nợ chồng chất ở Trung Quốc có phần giống hiện tượng địa ốc ở Mỹ trước năm 2007. Phần lớn các món tiền vay được dùng trong ngành địa ốc, xây dựng. Ở Mỹ thì người ta vay mua nhà, hoặc vay xây nhà để bán. Trong mấy năm trời, các ngân hàng hoặc công ty tín dụng buông thả không theo đúng quy luật, cho nhiều người vay mà không xét kỹ hồ sơ về khả năng trả nợ của họ; đến lúc nhiều người không trả được nợ thì ngân hàng mang họa. Không phải một ngân hàng mà rất nhiều, lây lan ra, khắp thế giới. Ở Trung Quốc người ta cũng đi vay để xây bao nhiêu nhà cao tầng làm văn phòng hoặc để ở, xây phi trường, nhà ga, đường sắt, xa lộ, sân vận động, cơ xưởng, vân vân. Một phần là do Chính phủ trung ương xây, phần nguy hiểm, dễ vỡ nợ nhất là do các chính quyền địa phương đi vay để xây. Nhờ các công trình xây dựng tốn kém đó cho nên mỗi năm Trung Quốc vẫn ghi chỉ tiêu sản xuất toàn quốc tăng thêm 9% hay 10%. Giống như những nhà xây cất và người mua nhà ở Mỹ, chính quyền các cấp ở Trung Quốc vay quá nhiều mà không tính tới có ngày sẽ không trả được nợ các ngân hàng. Số "nợ xấu" ngày càng lên cao, tới lúc các ngân hàng cũng vỡ nợ, đưa tới khủng hoảng lúc nào không biết.

Cơn sốt xây cất do Chính phủ Bắc Kinh khởi động trong những thập niên 1980 và 1990, do chính quyền trung ương khuyến khích. Các địa phương hồ hởi chạy theo; vì tiền vay dễ dàng, vì khi có công trình là cá nhân cũng được lợi; và thành tích báo cáo lên sẽ mở đường leo cao hơn. Xây dựng xong, có được dùng hay không họ không cần báo cáo! Trước đây 20 năm, tôi gặp một doanh nhân ngoại quốc ở phi trường Quảng Châu. Anh ta vẫn đặt làm hàng ở Trung Quốc để xuất cảng sang Mỹ. Sau khi bày tỏ ý kiến bất nhẫn về cảnh sống quá chật chội, thiếu vệ sinh tại cư xá các công nhân làm hàng cho anh, có cư xá không có cả đường thoát thân nếu xảy ra hỏa hoạn, anh than rằng có nói ra thì Ban quản đốc nhà thầu cũng cứ bỏ qua không cải thiện; anh chợt hỏi: "Ông có thấy những dãy cao ốc hai bên xa lộ ban đêm không thắp đèn không?". Tôi đoán thử, chắc họ chưa hoàn tất cho nên chưa mắc điện. Anh nói, "Đúng như vậy. Nhưng tôi qua đây mỗi năm ba bốn lần, mà từ mấy năm nay tôi vẫn thấy những ngôi nhà đó tối om như thế!".

Tình trạng nhà xây xong không có người ở giờ vẫn tiếp tục, và còn tăng mạnh hơn. Cuối năm 2008, Chính phủ trung ương đưa thêm một số "tiền kích thích kinh tế" khoảng 600 tỷ đô la Mỹ cho các tỉnh và các cơ quan. Chương trình này đa số dùng vào việc xây cất, giúp Trung Quốc giữ tỷ lệ tăng trưởng cao như mấy năm trước, bù vào số hàng xuất khẩu giảm bớt vì ảnh hưởng cuộc suy thoái trên thế giới. Nó cũng được Chính phủ các nước khác hoan nghênh vì Trung Quốc giúp giảm bớt tốc độ suy thoái chung trên thế giới. Nhưng nó cũng tạo ra một hậu quả là lạm phát trong nước lên cao hơn. Lạm phát tăng vì cầu lớn nhanh hơn cung. Số tiền bơm vào nền kinh tế nâng cao nhu cầu dùng tiền mà không mang lại số sản xuất tương ứng để cung với cầu được cân bằng.

Nguyên do vì phần lớn số tiền đó được đầu tư vào các công trình không có lợi ích thật. Một định luật kinh tế là lợi suất của đồng tiền đầu tư thêm sẽ giảm dần dần, đồng tiền sau không sinh lợi bằng đồng trước; cứ tiếp tục sẽ đến lúc nó không còn hiệu quả. Định luật này đúng ngay cả khi người kinh doanh cố đạt hiệu quả cao nhất để kiếm lời. Ở Trung Quốc, những quyết định đầu tư lại có nhiều động lực khác, không cần quan tâm đến lợi ích và hiệu quả kinh tế. Cho nên luật "năng suất tiệm giảm" càng trầm trọng, năng suất giảm rất nhanh. Trong 9 năm đầu thập niên 2000, cứ 1,50 đồng đầu tư thì tạo thêm 1 đồng trong sản xuất. Khi tiền đổ vào nhiều quá đến năm 2010 thì cần 7,50 đồng mới tạo ra thêm được 1 đồng cho tổng sản lượng nội địa. Mà đồng tiền mới đầu tư lại toàn là tiền vay nợ.

Những người đầu tư và đầu cơ địa ốc ở Mỹ trước năm 2007 vay nợ rất nặng, các công trình xây dựng ở các địa phương Trung Quốc phần lớn cũng vậy. Ở Mỹ, cơn sốt địa ốc được nuôi bằng hai yếu tố: Lãi suất thấp, và giá địa ốc tiếp tục lên cao; vay tiền mua nhà hoặc xây nhà, trả lãi thấp mà tin tưởng sau đó bán đi chắc chắn có lời. Các chính quyền địa phương được Bắc Kinh khuyến khích tiêu tiền, ngân hàng của nhà nước cho vay lãi suất thấp bằng một phần 10 trong thị trường nợ chui. Ở Trung Quốc thì không thấy giá các công trình xây cất của họ tăng lên nhưng nhà cửa cũng tăng giá không khác bên Mỹ hồi đó. Họ còn có một động cơ khích lệ khác: Thăng tiến trong đảng và trong guồng máy cai trị, nếu tiếp tục báo cáo số công trình hoàn tất, tạo thêm việc làm cho một số công nhân lớn.

Các địa phương thi đua xây dựng

Những tỉnh và thành phố bậc trung là nơi người ta vội vàng xây cất nhất. Tỉnh nào cũng muốn có một phi trường để so sánh với Bạch Vân ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Thiên Tân, Vũ Hán, Thành Đô, thành phố nào cũng muốn cao ốc mọc lên cho bằng trung tâm Thượng Hải. Tiền đâu ra? Các ngân hàng của Nhà nước sẵn sàng cho vay, khi không được phép vay thì bán đất lấy tiền. Một nguồn thu nhập của lớn của chính quyền địa phương là bán đất công, hoặc xây nhà lên rồi bán nhà. Vì vậy chính họ muốn nuôi cho cơn sốt địa ốc tiếp tục nóng, để giá nhà đất cao, bán sẽ được nhiều tiền đầu tư thêm. Sau hai nguồn vốn đó, còn nguồn nữa là đi vay ở hệ thống "ngân hàng không chính thức". Theo tin của China Real Estate Information Corp, một công ty thông tin kinh tế ở Thượng Hải, thì trong năm 2010 tiền bán đất góp đến 40% vào số thu nhập của các chính quyền địa phương. Chính quyền cũng dùng đất công làm vật cầm thế khi vay nợ, cho nên họ càng muốn giữ tình trạng giá đất cao. Sở Nhà đất thành phố Vũ Hán cho biết giá đất ở các khu nhà loại sang lên tới 11.635 nguyên một mét vuông (khoảng 1.800 đô la). Với giá đất như vậy, người lao động càng khó đủ tiền mua nhà ở.

Thành phố Thiên Tân đã xây thêm nhiều cao ốc làm văn phòng, xây thừa, bỏ trống nhiều đến mức, nếu tốc độ phát triển còn tiếp tục cao như hiện nay, cũng phải chờ 25 năm mới được sử dụng hết. Giá nhà ở trong quận Thuận Nghĩa (Shunyi), ngoại ô Thiên Tân, lên tới 400 đô la Mỹ một bộ vuông (square foot), tương đương với giá 4.000 đô la một mét vuông, cao vô địch toàn quốc. Ngân hàng Credit Suisse năm 2011 đã báo cho các thân chủ biết Thành phố Vũ Hán là một trong 10 địa điểm phải tránh xa ở Trung Quốc. Theo ngân hàng này thì phải mất tám năm mới bán hết các ngôi nhà chưa có người mua ở đây; trong khi họ vẫn đang xây thêm hàng chục ngàn ngôi nhà khác.

Tất nhiên, những cao ốc và các ngôi nhà không được sử dụng thì không sinh ra tiền để trả tiền lãi và hoàn lại vốn. Các chính quyền khi quyết định xây dựng thì không tính đến vấn đề đó. Tăng Minh Hữu (Zeng Mingyou 曾明友), Giám đốc Sở Kế hoạch Kinh tế thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, cho biết ba năm trước, thành phố đã ngưng hoạt động tất cả mọi cơ quan phụ trách vay tiền để xét lại, vì thấy có một đường cao tốc đang kiến tạo đi qua một vùng đất ruộng mà chắc chắn sẽ không có xe cộ nào đi qua! Tất nhiên, không làm sao đòi lại được số tiền đã chi tiêu cho đoạn đường đang làm dở dang. Nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã kêu gọi các xí nghiệp đóng thuế trước cho năm 2010, để đủ tiền chi tiêu cho năm 2009. Giáo sư Victor Shih cũng nói đến một thành phố với dân số 800 ngàn người mà cũng xây một vận động trường với tầm cỡ Thế vận hội. Tất nhiên công trình đó cũng không sinh ra đồng nào trong tương lai, ông kết luận.

Tới năm 2010, chính quyền các địa phương đã mang số nợ tổng cộng khoảng 10.700 tỷ đồng nguyên, tương đương 1.600 tỷ đô la. Cứ tiếp tục như vậy thì lấy tiền đâu trả nợ sau này? Liêu Ninh nhật báo cho biết trong năm 2010, các cơ quan thuộc chính quyền tỉnh vay nợ đã có 85% không trả đủ được tiền lãi và vốn đúng hẹn. Tin này đọc trong báo cáo kiểm tra của tỉnh Liêu Ninh. Vũ Hán đã có bảy cây cầu băng qua Trường Giang (sông Dương Tử) lại đang xây thêm ba cây cầu khác. Thành phố 10 triệu dân này cũng đang nối dài thêm 215 km đường xe điện ngầm, từ nay đến năm 2017. Sở Kiến thiết và Phát triển đô thị thuộc thành phố Vũ Hán mang nợ 68,5 tỷ đồng nguyên vào tháng Chín năm 2010. Trong lúc quỹ hoạt động dùng được chỉ có 148 triệu! Thành phố bắt các chủ xe hơi phải trả tiền qua cầu mỗi tháng 18 lần, mỗi lần 16 nguyên (dưới 3 đô la). Thành phố Thành Đô, Tứ Xuyên, vào cuối năm 2010 ghi trong sổ tổng cộng nợ 18,9 tỷ đồng nguyên. Cùng lúc đó, số tiền có thể huy động chỉ là 11,7 tỷ. Theo ước tính của Bắc Kinh thì sẽ có tới 3.000 tỷ nguyên không thể đòi được trong số các món nợ của chính quyền địa phương. Nhưng cuộc nghiên cứu của Ngân hàng Standard and Charterd nói sẽ có tới 8 ngàn hoặc 9 ngàn tỷ đồng nguyên trở thành nợ xấu; tức là khoảng 1.200 tỷ đến 1.400 tỷ đô la; mà đây là riêng các món nợ của cấp chính quyền địa phương mà thôi (Tổng sản lượng nội địa Trung Quốc là 4,700 tỷ đô la).

Thống kê về nợ xấu của Chính phủ trung ương còn thấp vì không tính đủ các vụ vay nợ qua hệ thống tín dụng ngoài các ngân hàng. Những Công ty Tín thác (Trust) cũng cho vay như các ngân hàng nhưng với lãi suất cao hơn. Họ gom các món nợ thành từng "gói" rồi dùng gói nợ đó làm bảo đảm để bán các trái phiếu mới; người mua trái phiếu tức là cho họ vay tiền với lãi suất cao hơn gửi tiền ngân hàng; biết rằng sẽ được trả lãi và vốn dựa trên tiền thu từ cả gói nợ bảo đảm. Phương pháp này không khác gì ở những ngân hàng ở Mỹ trong những năm từ 2001 cho tới 2007. Họ cũng đi mua lại các gói nợ địa ốc, dùng chúng làm vật cầm thế mà phát hành trái phiếu, bán cho các nhà đầu tư khắp thế giới. Thu được tiền vào, lại đi mua các giấy nợ khác. Công việc này gọi là "securitization, chứng khoán hóa" các giấy nợ. Những nhà đầu tư sau cùng, phần lớn là các ngân hàng khắp thế giới. Đến khi chính những người vay nợ địa ốc không đủ tiền trả thì các trái khoán mất giá trị, các nhà đầu tư và ngân hàng đều phá sản, kéo theo những ngân hàng khác. Công việc "chứng khoán hóa" này đang được các ngân hàng ẩn thực hành ở Trung Quốc.

Nhiều cách báo cáo hay

Ngân hàng quốc tế Credit Suisse mô tả tình trạng các "ngân hàng ẩn" là một quả bom nổ chậm trong hệ thống tài chính Trung Quốc. Lãi suất mà các ngân hàng ẩn đánh người vay có thể lên tới 70%, và mỗi năm còn tăng thêm. Các chính quyền địa phương khi bị giới hạn không được vay từ ngân hàng chính thức, cũng đi vay các ngân hàng ẩn. Nhiều doanh nhân tư không được các ngân hàng nhà nước cho vay cũng phải tìm các ngân hàng ẩn, chịu trả lãi suất cao. Các công ty sản xuất tư nhân ở Ôn Châu, Quảng Châu, và các thành phố khác đang chật vật vì thị trường xuất cảng giảm bớt, vẫn phải đi vay để tồn tại. Khi phải trả lãi suất cao mà vẫn muốn bán giá rẻ để cạnh tranh xuất cảng, các công ty này chỉ còn một cách không lỗ vốn là trả lương công nhân rất thấp. Cuối cùng, giới lao động chịu hy sinh trong khi các chủ ngân hàng ẩn kiếm lợi. Nhiều quan chức đứng đằng sau các ngân hàng ẩn này. Họ góp tiền với nhau, giữa các gia đình, lập thành những quỹ để cho vay. Có thể chính những cơ quan chính quyền nằm trong ảnh hưởng của họ tới vay. Credi Suisse ước tính số tiền mà các ngân hàng ẩn cho vay lên tới 4.000 tỷ đồng nguyên, trên 600 tỷ đô la.

Riêng về các món nợ xây nhà, vẫn theo Credit Suisse, số tiền nợ từ các ngân hàng ẩn lên tới 208 tỷ đồng nguyên. Trong khi đó số tiền nợ địa ốc từ các ngân hàng chính thức cũng chỉ có 211 tỷ. Với lãi suất các ngân hàng ẩn đánh rất cao, nếu bị kẹt tiền một thời gian ngắn thì các nhà xây cất và các nhà kinh doanh địa ốc sẽ phá sản rất nhanh, kéo theo các ngân hàng mà họ đang mắc nợ. Những món "nợ xấu" trong các ngân hàng ẩn không được tính trong số thống kê. Trong khi chính quyền trung ương vẫn căn cứ trên thống kê chính thức để hoạch định chính sách, ra chỉ thị cho các cấp dưới. Khi trung ương ra lệnh các ngân hàng của nhà nước ngưng cho vay để giảm bớt số nợ toàn quốc, thì hệ thống ngân hàng ẩn càng hoạt động mạnh hơn, tổng số nợ vẫn tăng lên. Các ngân hàng ẩn là nơi cho vay những món nợ nhiều rủi ro nhất. Vì không vay được trong hệ thống ngân hàng bình thường nên người ta mới tìm đến các ngân hàng ẩn. Mà họ thì sẵn sàng cho vay, vì món nợ càng rủi ro thì họ đánh lãi suất càng cao; hơn bù kém, cuối cùng họ vẫn có lời!

Một phương pháp khác có thể làm cho số nợ chính thức được giảm xuống, cũng như giảm số nợ xấu, là chính các ngân hàng bình thường "xào xáo" sổ sách kế toán. Một ngân hàng cho một công ty quốc doanh vay, đến kỳ hạn mà không thể trả tiền đều đặn, món nợ sẽ bị xếp vào loại "nợ xấu". Có một cách tránh né, giúp cho cả hai bên. Ngân hàng sẽ cho thân chủ đó vay một món nợ mới, dùng tiền mới vay đó trả cho món nợ cũ một cách đều đặn. Còn món nợ mới, vì nó mới cho nên chưa bị trễ hạn trả bao giờ, không thể xếp loại nợ xấu được. Người vay có tiền, mà ngân hàng cho vay tránh được tiếng bị nhiều nợ xấu! Cứ như thế, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc bề ngoài có thể rất thấp.

Công ty Đường cao tốc Hải Nam (Hainan Expressway Co) đang nợ đùm đề. Năm ngoái họ cho cơ quan mẹ là Sở Giao thông Hải Nam vay 40 triệu đô la, rồi ghi vào sổ đó là một tài sản. Dùng tài sản đó làm thế chấp, họ lại đi vay thêm được từ các ngân hàng của nhà nước, các món nợ rất rủi ro mà theo Giáo sư Victor Shi, sẽ không thể trả hết được.

Theo Giáo sư Victor Shi thì các ngân hàng thường được Ủy ban Kiểm soát ngân hàng trung ương cho phép "tái cơ cấu" các món nợ. Và họ làm theo ngay. Một cách khác để "tái cơ cấu" nợ là đổi các món nợ cho chính quyền địa phương vay thành ra món nợ cho các xí nghiệp vay. Với danh nghĩa đó, ngân hàng sẽ được phép hạ thấp số tiền dự trữ, do đó sẽ có thể khai số lợi nhuận cao hơn. Theo thông tin trên báo chí Trung Quốc thì các ngân hàng đã đổi cách xếp loại các món nợ tổng cộng lên tới 2.800 tỷ đồng nguyên. Đây là những lối xào xáo sổ kế toán, không khác gì Công ty Enron ở Mỹ đã làm trước khi phá sản vào tháng Mười hai năm 2001.

Trên đây chúng ta đã thấy hình ảnh số nợ chồng chất ngày càng cao trong nền kinh tế Trung Quốc. Cả một guồng máy khuyến khích các chính quyền địa phương đi vay và xây dựng, giúp cho tổng sản lượng nội địa tiếp tục tăng lên, nhưng không gia tăng được số hàng hóa và dịch vụ thật sự cho người dân hưởng. Phần tiêu thụ của người dân đã giảm liên tục trong hàng chục năm qua, từ 40% xuống dưới 30% trong tổng sản lượng nội địa. Quan chức địa phương có động cơ tự nhiên đi mãi trên con đường này, vì tài sản và địa vị của họ lên hay xuống tùy thuộc vào chính sách đó có tiếp tục hay không. Và họ không cảm thấy có trách nhiệm khi số nợ cứ leo thang lên mãi. Một quan chức thành phố Vũ Hán giải thích rằng họ chỉ làm theo chỉ thị từ trung ương. "Chúng tôi là những cầu thủ, không phải huấn luyện viên, cũng không phải trọng tài. Tại sao lại hỏi chúng tôi những chuyện của huấn luyện viên và trọng tài?". Ông Tạ Tác Hoài (Xie Zuohuai 谢作怀), thuộc Ban Kiểm soát ngân hàng ở Vũ Hán nói: "Đây là một thành phố kiểu mẫu trong việc thi hành các quy luật kiểm tra ngân hàng từ Bắc Kinh ban ra. Tôi tin tưởng là Chính phủ trung ương sẽ quản lý tốt các sự rủi ro".

Đó cũng là niềm tin chung của các quan chức địa phương khắp nước. Khi tin tưởng như vậy, họ càng yên tâm vay thêm và tiêu thêm mà không lo đến hiệu quả kinh tế cao hay thấp. Chính phủ Bắc Kinh cũng biết mối nguy khi tổng số nợ ngày càng lên cao. Họ đã báo động, đã tìm cách kìm hãm, đưa ra các chỉ thị mới. Nhưng các chỉ thị đó có dự trù được tất cả các lỗ hổng mà địa phương sẽ sử dụng hay không, chưa biết được! Các quan chức địa phương có động lực tự nhiên đi tìm các lỗ hổng để chui qua, vì con đường thăng tiến của họ, mà họ không thấy có trách nhiệm phải tiêu tiền cho có hiệu quả lâu dài. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cảnh cáo là các quan chức nhiều quyền quá, mà thiếu một hệ thống kiểm tra. Ông cũng nói thẳng kinh tế Trung Quốc không thể tiếp tục thăng tiến được nếu không thay đổi về chính trị. Nhưng thay đổi cả một bộ máy vĩ đại đang cung cấp và bảo vệ quyền lợi của 80 triệu đảng viên là một việc rất khó.

Kinh tế không quân bình

Ông Ôn Gia Bảo lo là phải. Một quốc gia không thể cứ đi vay nợ mãi mà sống. McKinsey Global Institute ước tính số nợ trên cả nước Trung Hoa vào năm 2008 lớn bằng khoảng 159% tổng sản lượng nội địa, trước khi dùng số tiền 600 tỷ đô la kích thích. Nước Hy Lạp vào tháng Mười năm 2011, khi bắt đầu được các nước Âu Châu cấp cứu để thoát cảnh Chính phủ phá sản, cũng có tỷ lệ Nợ/GDP khoảng 165%. Tỷ lệ tổng số Nợ trên GDP ở Trung Quốc hiện nay tương tự như tình trạng Nhật Bản trước năm 1990, khi cơn sốt địa ốc và chứng khoán ở Nhật bùng nổ làm cho hệ thống ngân hàng sa lầy, người tiêu thụ giảm chi, các xí nghiệp ngưng đầu tư, kinh tế suy thoái.

Trung Quốc trong các năm tới không lâm vào tình trạng phá sản như Hy Lạp, cũng như năm 1992 Chính phủ Nhật Bản không phá sản. Vì họ vay tiền trong xứ bằng tiền của nước họ, không nợ đô la từ nước ngoài. Chính phủ có quyền cắt bớt hay tăng chi tiêu; ngân hàng trung ương có quyền in thêm tiền nước mình. Nhờ dân Nhật rất tiết kiệm, Chính phủ và các công ty, ngân hàng Nhật vay trong thị trường nội địa, với lãi suất rất thấp mà ngân hàng ngoại quốc không ai muốn cho vay. Tuy không bị lâm vào cảnh phá sản như Hy Lạp, nhưng Nhật Bản cũng phải trả cái giá, là kinh tế trì trệ trong hai chục năm, trong khi chờ hệ thống ngân hàng cải tổ. Hiện nay tỷ lệ Nợ/GDP của Nhật Bản cũng trên 200% mà vẫn không sao cả, nhờ dân Nhật vẫn giữ tỷ lệ tiết kiệm rất cao không thay đổi.

Ở Trung Quốc thì Chính phủ và các ngân hàng của nhà nước đóng vai chủ nợ, cho các doanh nghiệp nhà nuớc và các chính quyền địa phương vay. Ngân hàng trung ương chỉ việc in thêm tiền để các ngân hàng cho các xí nghiệp của nhà nước vay. Mỗi năm Ngân hàng nhân dân tăng số tiền tệ lưu hành khoảng 15% đến 25%. Trong các năm tới họ sẽ tiếp tục chính sách này: Ngân hàng Nhà nước in tiền, cho vay thêm nợ mới để trả nợ cũ, số nợ cứ thế còn tăng thêm nữa. Nhưng họ sẽ phải lo đối phó với hai hậu quả: Một là lạm phát gia tăng, hai là kinh tế giảm tốc độ phát triển khi cần hãm bớt đà lạm phát. Một xã hội không thể nào cứ đi vay tiền dùng mãi mãi được. Thế nào cũng có giá phải trả, cách này hay cách khác. Trung Quốc cần thay đổi toàn bộ kinh tế thì mới trở thành bình thường được.

Nền kinh tế Trung Quốc không quân bình, vì số tiêu thụ rất thấp, hoạt động chính nhờ vào đầu tư. Cứ một đồng trong tổng sản lượng nội địa thì có 70 xu là đầu tư, đại đa số do Chính phủ đầu tư; phần người dân được tiêu thụ thấp hơn 30 xu. Khác hẳn ở nước Mỹ, dân tiêu thụ 67 xu trong một đồng GDP sản xuất ra. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cảnh cáo phải thay đổi tình trạng không quân bình này; Chính phủ đã cố gắng thúc đẩy số đầu tư thêm. Nhưng khi lợi tức của dân tiêu thụ không được tăng đúng mức, thì khó thúc đẩy. Khi tỷ lệ lạm phát lên 6% mà tiền gửi ngân hàng chỉ trả trên 3%, thì người dân mỗi năm sẽ mất gần 3% giá trị tiền tiết kiệm của mình. Không thể tăng lương nhanh cho đủ, vì lo sẽ gây thêm lạm phát. Đại đa số dân phải lo tiết kiệm để lo bệnh tật, tiền học cho con cái, hưu bổng, vân vân, vì hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển. Cho nên lợi tức khả dụng để tiêu thụ rất thấp.

Người dân Trung Quốc đang phải hy sinh vì tình trạng kinh tế không quân bình. Cơn sốt địa ốc làm cho xã hội bất bình đẳng hơn, chuyển rất nhiều tài sản vào tay các nhà xây cất, và bạn bè họ trong chính quyền. Trong lúc đó, người dân sẽ phải ăn tiêu dè sẻn hơn vì chi phí về nhà ở lên cao quá. Những người giàu nhất nước khoảng 6 triệu người, gồm 1% dân số ở các thành phố và thị xã, hiện giữ tài sản trị giá khoảng 2 ngàn đến 5 ngàn tỷ đô la. Những người giàu nhất đang chuyển tiền ra nước ngoài. Nếu họ đánh hơi được một cơn động đất tài chánh, họ sẽ chuyển tiền nhanh và sớm hơn. Dù Chính phủ không cho phép chuyển tiền đi, nhưng nếu ai muốn vẫn có thể đem một số đồng nguyên qua Hồng Kông, sẽ có người chuyển ra nước ngoài giúp, thành hàng triệu đô la, chỉ cần trả họ một số hoa hồng. Trước cơn nguy biến những người giàu có thể sẽ chuyển đi hàng tỷ đô la.

Tất cả các yếu tố có thể gây ra cơn địa chấn đã hội tụ đầy đủ, không khác gì ở Mỹ năm 2007. Các nhà đầu tư địa ốc và chính quyền địa phương vay nợ quá nhiều. Tổng số nợ vẫn tiếp tục tăng lên, gần bằng Nhật Bản trước khi quả bong bóng nổ thời 1990. Những người có tiền không có cơ hội đầu tư vẫn thấy địa ốc là nơi duy nhất dễ kiếm lời hơn cả, vì thế họ vẫn đẩy giá lên cao hơn.

Trận động đất vì nợ hiện nay được kìm hãm vì tất cả nền kinh tế do Chính phủ nắm trong tay. Ngân hàng trung ương tiếp tục in thêm tiền. Nhưng mối đe dọa về lạm phát sẽ khiến tốc độ in tiền phải giảm xuống, không thể tăng mỗi năm 25% số tiền lưu hành như trước. Lạm phát là nguyên nhân mạnh nhất gây ra bất ổn. Hiện nay mỗi năm ở Trung Quốc xảy ra hàng trăm ngàn vụ biểu tình, không thể tạo thêm bất ổn nữa. Giữa hai mối lo, hoặc là lạm phát, hoặc là chính thức cho quả bom nợ nổ, chính quyền trung ương sẽ phải chọn một. Họ sẽ tìm cách làm sao cho cuộc động đất xảy ra chậm chậm, từ từ, trong lúc theo dõi giữ tỷ lệ lạm phát sao cho đừng lên nhanh quá; giống như một người đi dây.

Sang năm, hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo sẽ chuyển giao quyền hành cho thế hệ mới. Họ sẽ cố giữ cho hệ thống tiếp tục chạy đều cho tới khi mãn nhiệm, không ai muốn gây sóng gió trong lúc mình còn đang chịu trách nhiệm. Để coi rồi ông Tập Cận Bình sẽ xoay trở đi dây ra sao!

N.N.D.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN


Original Page: http://boxitvn.blogspot.com/2011/10/thoi-su-kinh-te-qua-bom-no-e-doa-trung.html


Không có nhận xét nào: