Trung Quốc đang rung cây dọa khỉ hay đang chờ thời để gây chiến cướp Biển Đông?
Nguyễn Hoàng Hà
Một cơ sở của tập đoàn dầu khí ExxonMobil tại Texas.(Ảnh : Reuters)
Mấy ngày qua báo chí Trung Quốc sôi động như lên đồng khi được biết Tập đoàn Mỹ Exxon Mobil loan báo phát hiện mỏ dầu khí mới ngoài khơi miền Trung Việt Nam. Bắc Kinh đã lập tức lên tiếng cảnh cáo.
Trước tiên là Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 31/10/2011 đã tuyên bố là các công ty ngoại quốc không được quyền thăm dò và khai thác tại các vùng thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.
Như vậy đây là lần thứ 3 Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức tuyên bố kiểu này trước công ty của Ấn Độ và nay là công ty của Mỹ. Nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là "vô trách nhiệm một cách thô thiển": Đây là nhận định của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosariovề bài viết trên tờ Hoàn cầu thời báo Trung Quốc (Global Times) ngày 25/10/2011. Theo báo chí Philippines, lãnh đạo ngành ngoại giao nước này đã bình luận như trên về lời hăm dọa rằng Việt Nam và Philippines "phải chuẩn bị tinh thần để nghe tiếng đại pháo" của Trung Quốc.
Dư luận quốc tế và dư luận Philippines và Việt Nam đều cho rằng đây là hành động khủng bố bằng miệng đe dọa an ninh không phải của riêng hai quốc gia này mà là đe dọa đến an ninh toàn khu vực Đông Nam Á và thế giới, nhất là sự an toàn của các công ty tập đoàn các nước làm ăn với các quốc gia này trên chính vùng biển thuộc chủ quyền của mình.
Đặc biệt cũng mới hôm 31-10-2011, tiến sâu thêm một bước, báo chí Trung Quốc đã lên tiếng coi thường sức mạnh của Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông và cho rằng Mỹ không còn đủ hơi sức gây chiến với Trung Quốc một khi tình huống xấu xảy ra.
Tiếng nói hàng đầu lên tiếng kiểu này là Hoàn cầu thời báo– một tờ báo theo trường phái cứng rắn tại Trung Quốc, thường đăng tải những phát biểu của các nhân vật diều hâu trong chính giới Trung Quốc. Bài báo tiếp tục đưa ra một loạt bài đả phá chính sách của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ấn bản tiếng Anh của báo này hôm thứ Hai 30/10 có bài bình luận của tác giả Long Thao, một chuyên gia từ Ủy hội Quỹ tài chính về Năng lượng Trung Quốc, nói về sự tham gia của Mỹ trong các vấn đề khu vực. Bài viết của ông Long Thao mang tựa đề "Mỹ không có bụng dạ đâu cho việc đụng độ quân sự tại Nam Hải (Biển Đông)", phân tích rằng Hoa Kỳ nay đã không còn đủ sức lực và ý chí để tham gia xung đột vũ trang với tựa đề "Mỹ đã đuối sức".
Theo hãng Reuters, trong buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi xác định trở lại điều được gọi là «lập trường nhất quán» của Bắc Kinh, theo đó Trung Quốc có «chủ quyền không thể tranh cãi» trên Biển Đông, do đó các công ty nước ngoài nên tránh tham gia vào các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển có tranh chấp.
Nhưng thực tế thì lại khác hoàn toàn, những khu vực mà Tập đoàn Mỹ Exxon Mobil loan báo, hôm 25/10, là họ đã tìm thấy dầu khí ở ngoài khơi Đà Nẵng, nằm trong ba lô mang ký hiệu 117, 118, và 119 giao cho Exxon Mobil đều thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, chiếu theo luật biển quốc tế chứ không phải nằm trong khu vực đường lưỡi bò mà Trung quốc đòi chủ quyền. Như thế các lô này và toàn thể Biển Đông theo quan điểm của Bắc Kinh là ao nhà của họ.
Người ta đặc biệt chú ý tới buổi họp báo, ông Hồng Lỗi tuy nhiên đã không trả lời thẳng câu hỏi là liệu Trung Quốc có kế hoạch đòi Exxon Mobil rút khỏi thỏa thuận làm ăn với Việt Nam hay không mà chỉ nói chung chung: "Chúng tôi hy vọng là các công ty nước ngoài không can dự vào công việc thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng biển đang tranh chấp". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không nêu đích danh Tập đoàn Exxon Mobil.
Về phần mình, Exxon Mobil vẫn chưa cho biết quy mô mỏ dầu khí mà họ vừa phát hiện. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin báo chí, Exxon Mobil tin rằng trữ lượng mỏ này có thể lên đến 5 nghìn tỷ feet khối (cf). Địa điểm mà Exxon khoan mũi thứ hai mang tên là Cá Voi Xanh 2X, thuộc lô 118, gần bể trầm tích Phú Khánh, ngoài khơi bờ biển Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam.
Lời hù dọa hay là chiến thuật rung cây dọa khỉ của Trung Quốc?
Những tuyên bố mà Trung Quốc từ cả hai phía chính thức và báo lá cải tung ra lúc này nghe giọng điệu có vẻ giống tiếng tù và sừng dê khi Trung Quốc phát động cuộc tấn công xâm lược xuống biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979, nhưng chỉ khác là hoàn cảnh lúc này tiếng sừng dê đó lạc lõng và không khiến cho các tập đoàn quốc tế cũng như Việt Nam và Philippines lo sợ chút nào. Họ thấy đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc gây áp lực «cấm» các công ty nước ngoài làm ăn với Việt Nam trong đó có Exxon.
Người ta còn nhớ, tháng 7 năm 2008, báo chí Hồng Kông tiết lộ: "Bắc Kinh đã cảnh cáo Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ Exxon Mobil là nên từ bỏ hợp đồng khai thác dầu khí với Việt Nam tại hai lô 135 và 136 trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam ở Biển Đông, cho rằng điều đó vi phạm chủ quyền Trung Quốc. Thông qua các nhà ngoại giao của họ tại Washington, Bắc Kinh đã nhiều lần đe dọa, quyền lợi của Exxon tại Trung Quốc có thể bị tổn hại nếu không tuân lệnh. Chính quyền Việt Nam vào khi ấy đã nhấn mạnh rằng, thỏa thuận giữa Hà Nội với các đối tác dầu khí ngoại quốc, đều chỉ liên quan đến các vùng biển nằm trong khuôn khổ quyền hạn và chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Nhưng thái độ hung hăng của Bắc Kinh không làm cho Tập đoàn này nhụt chí mà trái lại càng quyết tâm hơn, cứng rắn hơn trong việc chống lại áp lực của Bắc Kinh
Và rõ ràng tình thế đã không chiều theo ý các nhà quân sự và chính khách diều hâu của Trung Quốc, trái lại mọi người đều cho rằng Trung Quốc đang tìm cách đe dọa các nước nhỏ ở khu vực để phân liệt Hoa Kỳ, nên chơi trò rung cây dọa khỉ chỉ đem lại bất lợi hơn cho họ mà thôi. Biểu hiện là, phản ứng của Philipines là cứng rắn hơn cả, như trong bài trả lời nhật báo Philippine Daily Inquirer bằng văn bản, ông del Rosario xác định: "Giọng điệu đó vang lên như một tuyên bố hiếu chiến và vô trách nhiêm một cách thô thiển…". Còn Ngoại trưởng Philippines thì cùng với chính kiến của mình còn đồng thời tố cáo tính chất coi thường luật pháp quốc tế của tờ Global Times của Bắc Kinh khi cho rằng lời lẽ của tờ báo này "đi ngược lại quan điểm của Philippines, đang tìm kiếm một giải pháp đúng luật lệ dựa trên Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển cho vấn đề biển Tây Philippines (tên Manila dùng để gọi Biển Đông)". Cùng với các tuyên bố cứng rắn, Manila đã kiên quyết không trả tàu thuyền mà họ bắt của Trung Quốc khi xâm phạm lãnh hải của mình mặc dù Trung Quốc lớn tiếng yêu cầu phải trả ngay lập tức và vô điều kiện. Còn Việt Nam thì tiếng nói của những người vốn thích trang sức bằng các khẩu hiệu "bốn tốt mười sáu chữ vàng"đã chìm nghỉm trong dư luận đang sôi sục lên án Trung Quốc hiếu chiến, hung hăng và bành trướng tại Việt Nam và khu vực cũng như trên thế giới. Hình ảnh của ông Trương Tấn Sang Chủ tịch nước qua Ấn Độ và Philippines đã làm lu mờ những ký kết của ông Nguyễn Phú Trọng với ngài Hồ Cẩm Đào và càng tỏ ta mất hết ảnh hưởng khi chữ ký của ông Trọng chưa kịp ráo mực người ta đã nghe thấy giọng đe dọa của kẻ bá quyền bành trướng cất lên dọa Việt Nam và Philippines "chuẩn bị nghe tiếng đại bác gầm của Trung Quốc".
Tại sao Trung Quốc lại đưa ra lời đe dọa hung hăng đến vậy?
Như báo chí quốc tế đã phân tích, Bắc Kinh thấy những đòn gió này trước đây tỏ ra có hiệu lực, ví dụ: vào năm 2007, cũng với luận điểm bảo vệ chủ quyền, Trung Quốc đã thành công trong việc phá hủy hợp đồng giữa Việt Nam và tập đoàn Anh Quốc British Petroleum (BP) tại lô 5-2 và 5-3 ở vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và hải phận của Việt Nam, với lý do là nơi đó nằm trong khu vực thuộc chủ quyền của Bắc Kinh. Một tập đoàn của Anh mà phải rút thì tập đoàn nào còn dám ho he bắt tay với "đàn em Việt Nam" nữa, Bắc Kinh có lẽ đã chắc mẩm như vậy.
Thật ra Tập đoàn BP đã đình chỉ kế hoạch thăm dò dầu khí ở vùng biển Việt Nam, trước khi bỏ hẳn hai năm sau, vì đã đầu tư quá sâu vào Trung Quốc và có nhiều lợi lộc thu được ở đó. Trái lại, với một tập đoàn kinh tế mà đứng đằng sau là tư thế của cả một cường quốc như Mỹ thì đâu có đơn giản.Các vụ gây sức ép đối với Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ Exxon Mobil và kể cả đối với BP của Anh Quốc đã bị chính quyền Mỹ nhiều lần công khai phản đối nhân các cuộc điều trần ở Thượng viện Hoa Kỳ, hay trên các diễn đàn an ninh quốc tế, xem đấy là những vụ vi phạm trắng trợn quyền tự do kinh doanh.Trong cuộc điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào tháng 07/2009 chẳng hạn, ông Scot Marciel, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương đã tố cáo đích danh Bắc Kinh: "Từ mùa hè năm 2007, Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu một số hãng dầu khí Hoa Kỳ và ngoại quốc là phải đình chỉ công việc thăm dò cùng với các đối tác Việt Nam tại vùng Biển Đông, nếu không muốn phải gánh chịu những hậu quả trong công việc kinh doanh với Trung Quốc".
Nhưng những phản ứng lúc đó của Hoa Kỳ vẫn chưa đủ mạnh và chưa bộc lộ rõ quyết tâm nên Trung Quốc không hề để tâm mà cứ làm theo ý mình, coi Mỹ không có liên quan đến khu vực tranh chấp này.
Nay tình hình đã khác. Hoa kỳ đã nhìn thấy tham vọng quá lớn của Trung Nam Hải đối với Biển Đông khi họ trưng ra đường lưỡi bò liếm hết cả con đường hàng hải mà Mỹ và các nước phải đi qua và khi các quyền lợi của Tập đoàn dầu khí Exxon Mobillớn của chính Hoa Kỳ và quyền lợi của họ không thể để mất được, nhất là nó lại nằm trong phần biển thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Nếu như vấn đề Đài Loan hay vấn đề Tây Tạng, hay vấn đề người Duy-ngô-nhĩ, v.v. Mỹ có thể tránh đối đầu với Trung Quốc vì lý do nào đó thì lúc này Biển Đông lại là câu chuyện mà Hoa Kỳ không thể lùi bước vì cả thế giới và khu vực Đông Nam Á đang theo dõi thái độ của Hoa Kỳ. Liệu con sư tử già Hoa Kỳ có phải chịu nhường miếng mồi béo bở cho con hổ Trung Quốc đang dương oai hay không? Đây chẳng phải chỉ là kinh tế mà còn là danh dự uy tín của Hoa Kỳ với thế giới hiện nay, nhất là với các đồng minh của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á. Vì thế người ta không ngạc nhiên khi ông Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại gần đây lên tiếng nhấn mạnh: "Các hình thức hù dọa của Trung Quốc có thể gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế một cách công bằng và tự do trong vùng. Việc Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam gần khu vực quần đảo Hoàng Sa, hay là những lời đe dọa công khai nhắm vào các tập đoàn dầu khí Mỹ hoạt động trong vùng Biển Đông, nêu bật các rủi ro ngày càng tăng đối với công việc đánh cá qua lại trong khu vực cũng như giới hạn việc thăm dò tìm kiếm tài nguyên. Nếu không bị phản đối, các hành động kể trên có thể tác hại đến sự thịnh vượng của khu vực".
Người ta cũng thấy Công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh cũng bị Trung Quốc hù dọa, tuy vậy, sự đáp trả hoàn toàn khác với thái độ của Tập đoàn dầu khí nước Anh. Bắc Kinh đã chính thức gởi công hàm phản đối New Delhi về đề án thăm dò tại hai lô 127 và 128, cũng ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam, trong lúc một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng, bất cứ một công ty ngoại quốc nào tham gia vào các hoạt động khai thác dầu khí trong những vùng thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc, mà không được phép của Trung Quốc, đều vi phạm chủ quyền cũng như quyền lợi của Trung Quốc. Thế nhưng Ấn Độ đã tuyên bố thẳng thừng vẫn tiếp tục cùng với Việt Nam làm tròn bổn phận đã ký kết.
Còn Việt Nam,trước những hành động vừa chơi rắn vừa ngọt nhạt của đàn anh, vừa ký kết với người đại diện tối cao của quyền lực là ông Tổng bí thư Đảng lại vừa lên tiếng chửi xéo ngay tức thì trên Hoàn cầu thời báo, nếu như không phải chỉ vì phải nhẫn nhịn trước chút quyền lợi "môi hở răng lạnh" nào đó nên đành "ngậm miệng ăn tiền" (mà không cần nói ai cũng thừa biết), thì hẳn trong thâm tâm Việt Nam cũng hiểu như ai về lòng dạ của "ông anh" bao giờ cũng chỉ muốn chơi khăm thằng em, bắt nó ngày càng rơi vào vòng tay của mình càng lúc càng khó cựa. Đặc biệt là cái hành động nói một đằng làm một nẻo, nó làm người ta nhớ lại lời nói đẹp của ông Đặng Tiểu Bình về tình hữu nghị với Việt Nam năm 1976 nhưng chỉ sau đó ba năm, năm 1979 ông Đặngđã phát động ngay cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam. Hẳn chắc về thế và lực, nay Việt Nam ngoài việc thương thuyết vẫn thương thuyết nhưng vẫn phải chuẩn bị áo giáp che đỡ cho mình khi ông Hồ Cẩm Đào nói với ông Nguyễn Phú Trọng những lời hữu nghị với khuôn mặt lạnh tanh mà phía sau cầm chắc con dao bầu Bắc Kinh đang thập thò đâu đấy.Người ta thấy rõ Việt Nam đã nhận các tàu chiến, máy bay, hỏa tiễn hiện đại của Nga và còn mua nhiều hơn nữa của các quốc gia khác như Hà lan và Ấn Độ v.v.
Đủ thấy lời đe dọa của Trung Quốc bao nhiêu lâu chưa hề đem lại lợi ích gì cho họ mà chỉ làm cho cả thế giới phải cảnh giác, trong đó có cả đưa em ngoan ngoãn Việt Nam. Thái độ của Bắc Kinh giờ đây không còn làm cho mọi người sợ như họ tưởng mà ngược lại càng đẩy các quốc gia này gắn bó với nhau thành một khối để sẵn sàng giờ gậy, dao, búa đập chết con hổ dữ một khi nó thực sự nhảy vào bắt gà lợn của các nước láng giềng.Các nhà quân sự Trung Quốc thừa hiểu một khi chiến tranh xảy ra thì nghiễm nhiên Trung Quốc bị bao vây tứ phía bởi cả một gòng kìm dày đặc Ấn, Mỹ, Việt Nam, Philippines, Nhật, Nam Hàn, v.v. Chắc chắn là con "Tài ngào Trung Quốc" đã nhìn thấy nhưng nó đang tính toán thế nào thì lại là chuyện phải nói dài thêm nữa. Hơn một tỷ người sống chủ yếu bằng xuất khẩu và không hề tự túc được lương thực, thực phẩm hỏi Trung Quốc có thể gây chiến với cả thế giới chăng? Điều này những cái đầu tài giỏi ở Thiên An Môn dư biết để cân nhắc xem có nên nghe các tiếng nói hiếu chiến hung hăng mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói đó là quan điểm riêng của người dân Trung Quốc hay không.
Tất nhiên là tình hình biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ sóng sẽ dâng cao khi mùi dầu đã loang ra và cái mũi Bắc Kinh rõ ràng là rất thính. Con hổ này có dám liều lĩnh giương nanh múa vuốt không, cái đó hẳn nó đang nhìn xem Hoa Kỳ và Việt Nam cùng các quốc gia trong khu vực có quyền lợi chung đang và sẽ làm gì? Nó vẫn đang phủ phục vươn mình chờ đớp mồi.
Ngày 31 tháng 10 năm 2011
N.H.H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN. HT biên tập.
Original Page: http://boxitvn.blogspot.com/2011/11/trung-quoc-ang-rung-cay-doa-khi-hay-ang.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét