Lâu nay, chúng ta vẫn hô hào phải nâng cao dân trí, thậm chí đã có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được đưa ra nhằm mục đích nâng cao dân trí. Tuy nhiên, ít ai bàn đến việc phải nâng cao quan trí. Nhân chuyện Quốc hội sôi nổi bàn luận trách nhiệm của Bộ trưởng này, đề cập việc bỏ phiếu tín nhiệm, có người đặt vấn đề đã đến lúc phải nâng cao cả quan trí.
Quy luật thông thường, dường như ở đất nước có dân trí cao, quan trí cao thì văn hóa ứng xử, cách nhìn nhận, đánh giá cũng khác với nước có dân trí thấp. Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama vừa từ chức, chỉ vì ông không thực hiện được lời hứa (di chuyển vị trí căn cứ không quân Futenma trên đảo Okinawa ra khỏi tỉnh Okinawa) khi nhậm chức. Nhiều nhà quan sát bình luận, hành động của Thủ tướng Yukio Hatoyama thể hiện đất nước này không chỉ dân trí cao, mà quan trí cũng cao.
Từ chuyện nước Nhật, để thấy rằng, khi đất nước đạt đến một trình độ nhất định, người ta không phải dùng đến những quy tắc lạnh lùng của pháp luật để buộc người này phải từ chức hay cách chức, mà bản thân những chính trị gia tự biết mình có nên ngồi ở vị trí đó nữa hay không.
Ở Việt Nam, năm 2002, Quốc hội đã thông qua Luật Hoạt động giám sát, trong đó quy định Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm (thực ra là bất tín nhiệm) với những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Khi bỏ phiếu tín nhiệm, nếu người bị bỏ phiếu không vượt qua được 50% số phiếu, sẽ bị miễn nhiệm.
Có thể nói, các nhà làm luật đã rất thực tế khi đưa quy định này vào luật, nhằm mục đích tối cao là giám sát hoạt động của quan chức. Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, quy định trên là rất cần thiết. Tuy nhiên, suốt 8 năm qua, chưa lần nào Quốc hội sử dụng đến quy định này, dù đúng thẩm quyền. Có phải các tư lệnh lĩnh vực 8 năm qua đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nên không cần vận đến luật?
Nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ ra rằng, với quy định phải có ít nhất nhóm 20% đại biểu Quốc hội cùng đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm hoặc một ủy ban của Quốc hội đề nghị, khi ấy Quốc hội mới đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, và mặt khác, hướng dẫn thực hiện quy định các đại biểu Quốc hội không được vận động để có tỷ lệ trên, việc bỏ phiếu tín nhiệm khó thực hiện.
Nâng cao dân trí và cả quan trí có lẽ không thể là việc một sớm một chiều, nên việc phải dùng các quy định lạnh lùng của pháp luật vẫn là biện pháp tối ưu. Nếu vậy, không còn cách nào khác, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội cần sớm sửa, để có thể thực thi. Chỉ có như vậy, cả dân trí và quan trí mới rộng đường phát triển.
BK
Nguồn: Báo Tiền Phong
Dân trí và quan trí qua phiếm đàm của nhà thơ Trần Đăng Khoa
CHUYỆN PHIẾM BÊN BÀN TRÀ
TRẦN ĐĂNG KHOA
- Này, tôi hỏi thật nhé, công việc bề bộn thế, chú còn thời gian đọc sách báo không?
- Cụ hỏi vậy có nghĩa là thế nào?
- Chả là gần đây, tôi thấy báo chí, truyền hình người ta hay bàn đến việc nâng cao dân trí. Nhưng vấn đề quan trọng, tôi nghĩ chính là chuyện quan trí, chứ không phải dân trí đâu, chú ạ.
- Cụ nói thế nghĩa là…
- Là cán bộ có vấn đề chứ sao. Tôi thấy trình độ dân trí của ta bây giờ rất khá. Họ không ấu trĩ u mê như cán bộ ta lầm tưởng đâu. Bây giờ, chỉ ngồi nhà, kéo cái cần ăng-ten lên là họ đã nắm được toàn thế giới. Trong khi đó nhiều cán bộ của ta lại ấu trĩ, non kém không đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của dân. Mà cán bộ mới là quan trọng. Vì họ mới thực sự ở vị thế tác động tới đời sống xã hội. Một người dân dốt nát, có quyết định sai lầm thì chỉ một mình anh ta, hay cùng lắm là vợ con anh ta phải gánh chịu hậu quả. Nhưng một cán bộ mà có những quyết sách sai lầm thì nguy lắm. Cán bộ càng cao thì tầm ảnh hưởng càng lớn. Có khi một làng, một xã, một huyện, một tỉnh, hoặc thậm chí là cả một dân tộc phải trả giá cho sự sai lầm của một người hoặc một nhóm người. Tôi nói vậy sao chú lại cười? Có lẽ chú nghĩ tôi là gái góa lo việc triều đình ư?
- Ô không không… Con đang nghe mà. Nghe chuyện cụ vui lắm…
- Thế mà chú còn vui được à? Cái chú này lạ thật. Chính chú mới là cái thằng vô trách nhiệm nhất. May mà chú không làm to. Tôi nói, chú bỏ ngoài tai, đừng trách ông lão nhà quê lẩn thẩn nhé. Tôi thấy cán bộ các chú bây giờ nhiều anh buồn cười lắm. Có anh nói rất hùng hồn mà người nghe vẫn chẳng hiểu anh ta nói gì cả. Bởi tư duy người nói đâu có được mạch lạc. Có anh lên truyền hình vẫn còn nói ngọng, cứ lẫn lộn giữa N với L. Nghe mà nản quá, chú ạ. Hôm vừa rồi, tôi dự buổi mít-tinh truy điệu đồng bào bị thiệt hại trong mấy trận lũ lụt. Có ông đọc điếu văn xong lại vỗ tay hoan hô. Ông ta vỗ trước, rồi mọi người ngơ ngác vỗ theo…
- Cái đó xin cụ thông cảm, có thể do thói quen mà hóa sơ suất…
- Làm cán bộ thì phải cẩn trọng ngay từ những cái nhỏ nhất chứ. Bởi anh ta đang đứng trước dân. Người dân sẽ trông vào anh ta mà tìm cách ứng xử cho mình. Với những anh cán bộ như thế thì đừng trách vì sao dân lại thiếu lòng tin vào những người lãnh đạo. Cũng đừng nghĩ là họ nhẹ dạ bị địch xúi giục mua chuộc. Chẳng có địch nào chui được vào đội ngũ nhân dân, những người suốt đời gắn bó sinh tử với cách mạng, với đất nước. Hàng triệu con, em của họ còn đang nằm ở dưới đất trong suốt mấy cuộc chiến tranh kia…
- Vâng, cụ nói vậy thì con cũng biết vậy. Nhưng dân mình cũng cần độ lượng, thông cảm. Làm cán bộ khó lắm…
- Thì có ai bảo làm lãnh đạo dễ đâu. Tôi có ông bạn chăn trâu cắt cỏ xưa, giờ làm Phó Chủ tịch tỉnh. Ông ấy bảo: Cậu nói gì? Cần phải học à? Rõ vẽ chuyện! Tớ chỉ học hết có lớp Bốn, sau này được người ta đưa đi học hết bổ túc lớp Bảy. Thế mà suốt mấy chục năm làm cán bộ, tớ có sử dụng đến kiến thức đã học đâu! Tôi không biết những ông cán bộ như thế sẽ múa may ra sao trong thời Kinh tế tri thức và thông tin toàn cầu này. Chẳng biết chú thế nào, chứ tôi thì tôi lo lắm. Bởi thế cùng với việc nâng cao dân trí, chúng ta cần khẩn cấp nâng cao quan trí, chứ không thì nguy đấy!
TĐK
Nguồn: Minhlien Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét