Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

24 tháng 10 2010

Kẻ phải biết và người được quyền biết


clip_image001

Nguyễn Hưng Quốc

Cách đây mấy ngày, đọc báo Việt Nam trên mạng, tôi thấy một bản tin ngồ ngộ vui vui: ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội kiêm Trưởng an Tuyên truyền 1000 năm Thăng Long – Hà Nội lên tiếng thanh minh là vụ nổ kho pháo tại sân vận động Mỹ Đình vào trưa ngày 6 tháng 10 chỉ làm chết 4 người, trong đó có ba chuyên gia về pháo hoa người ngoại quốc. Bản tin cho biết: "theo ông Lợi, vì đây là vấn đề lớn, có chuyên gia nước ngoài cùng tham gia, nên không thể nói sai sự thật. Thông tin nói hàng chục người chết trong vụ nổ là hoàn toàn bịa đặt".

Tại sao trước một bản tin như thế, tôi lại thấy ngồ ngộ vui vui? Dĩ nhiên không phải vì cái tai nạn làm chết người. Cái chết, dù là cái chết của bất cứ ai và vì bất cứ lý do gì, cũng là điều hết sức nghiêm trọng và đáng cho chúng ta phản ứng một cách nghiêm túc. Điều khiến tôi thấy "ngồ ngộ vui vui" chính là lời cải chính của người có trách nhiệm cao nhất trong lãnh vực tuyên truyền của lễ hội được coi là hoành tráng và tốn kém nhất trong lịch sử Việt Nam vừa được tổ chức.

Ông Lợi phủ nhận tin đồn có hàng chục người chết trong vụ nổ kho pháo hoa ở Mỹ Đình. Sự phủ nhận ấy tiết lộ một sự thực: dân chúng không tin vào con số 4 người chết do các cơ quan truyền thông đưa ra. Để tăng cường sức thuyết phục cho sự cải chính của mình, ông Lợi phải dẫn đến một yếu tố khá bất ngờ: sự có mặt của những ngoại quốc trong số các nạn nhân ấy. Vì có họ nên, thứ nhất, vấn đề trở thành "lớn" và thứ hai, "không thể nói sai sự thật".

Đọc lời biện chính ấy, chúng ta không thể không tự hỏi: vậy trong những tai nạn không có người ngoại quốc thì sao? Vậy đối với người Việt Nam với nhau thì sao? Chẳng lẽ, nếu chỉ có người Việt chết thì vấn đề không hay bớt nghiêm trọng đi? Và, trong trường hợp đó, nhà nước có thể nói dối?

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong sự thanh minh của ông Hồ Quang Lợi là việc thừa nhận sự hiện diện của loại tin đồn ngược hẳn với các thông tin chính thức do nhà nước kiểm soát. Đó cũng là thừa nhận, một cách gián tiếp, sự nghi ngờ của dân chúng, hoặc ít nhất một số khá đông dân chúng, đối với các nguồn thông tin chính thức; nếu không muốn nói, đối với chính phủ nói chung.

Mà không tin cũng phải.

Có ít nhất hai lý do chính. Thứ nhất, từ trước đến nay, chính phủ đã nói dối quá nhiều. Nói dối trong những vấn đề lớn, chẳng hạn, về bản chất của chế độ (tự do, dân chủ và bình đẳng), về vai trò của đảng, về quan hệ giữa đảng và dân chúng, về những cống hiến và những sai lầm trong lịch sử… Nói dối cả trong những vấn đề hay những sự kiện nho nhỏ, chẳng hạn, về các vụ án tham nhũng và cách đối đầu với nạn tham nhũng trong nước, về các thiệt hại trong các tai nạn khiến dư luận phải chú ý, về các bệnh dịch đối với người cũng như đối với súc vật… Thứ hai, thói quen bưng bít thông tin của nhà cầm quyền.

Đừng nói gì xa, ngay vụ nổ kho pháo hoa ở Mỹ Đình ngày 6/10, thoạt đầu, nhà nước cũng muốn bưng bít. Vụ nổ thật lớn, cột khói mù mịt cao cả hàng mấy trăm mét, như một cột khói bom, từ xa cả hàng chục cây số cũng có thể nhìn thấy, khiến dân chúng ở Hà Nội chấn động và cực kỳ xôn xao, vậy mà, nhà nước, ít nhất lúc đầu, vẫn im lặng. Khi một số trang báo mạng như Vnexpress, Tuổi trẻ, Thanh niên đưa tin "thì có chỉ đạo gỡ bài" xuống. Trong mấy tiếng đồng hồ đầu, tin tức chỉ được cập nhật trên các blog cá nhân như blog của AnhBasam.com, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Viết Đào, Gốc Sậy và Trần Nhương, v.v. Theo Nguyễn Xuân Diện, số độc giả truy cập vào blog của ông để theo dõi chi tiết liên quan đến vụ nổ tăng vọt: trong hơn 6 tiếng đồng hồ, có trên 70.000 lượt truy cập bài "Nổ lớn ở sân vận động Mỹ Đình, nghi nổ kho pháo hoa". Chỉ sau đó, khi biết không thể bưng bít được hoặc nhận ra sự bưng bít chỉ làm dân chúng hoang mang bất lợi, giới lãnh đạo mới đổi ý, cho báo chí được "xả cản".

Một chi tiết khác liên quan đến chính sách bưng bít thông tin trong lễ hội 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là vấn đề ngân sách. Lâu nay dư luận, đặc biệt trên các blog, xuất hiện nhiều lời phê phán nghiêm khắc đối với sự hoang phí gần như vô bờ bến của chính phủ trong việc  tổ chức cái lễ hội gọi là "hoành tráng" nhất trong lịch sử. Bao nhiêu tiền bạc đổ ra cho vô số các dự án bỏ dở vì gặp sự chống đối của dân chúng (ví dụ vụ thay gạch ở hồ Hoàn Kiếm, vụ 5 cái cổng chào…); cũng như bao nhiêu tiền đổ ra cho các dự án mặc dù đã hoàn tất nhưng bị xếp xó vì những sai lầm trong chủ trương cũng như cách thức thực hiện (ví dụ vụ làm phim về Lý Công Uẩn hay Trần Thủ Độ…). Đối diện với những sự phê phán gay gắt ấy, chính quyền, gần đây, khẳng định đi khẳng định lại là họ rất "tiết kiệm". Nhưng khi bị hỏi thẳng về số kinh phí cho lễ hội là bao nhiêu thì người ta lại tìm cách né tránh. Trong cuộc họp báo ngày 8 tháng 10, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, một mặt, cho con số chi phí bằng 10% GDP mà một số người nêu lên là "không có căn cứ", nhưng mặt khác, lại bảo là chính ông cũng không biết được vì "chưa có con số cụ thể".

Năm ngày sau khi lễ hội đã kết thúc, trong cuộc họp báo ngày 15/10 đã dẫn, ông Hồ Quang Lợi vẫn tiếp tục từ chối công bố tổng số kinh phí dành cho lễ hội: "Hiện các đơn vị chức năng vẫn chưa hoàn tất thống kê, nhưng con số hàng chục nghìn tỷ đồng chi cho Đại lễ như nhiều người nói là không chính xác".

Rõ ràng giới lãnh đạo Hà Nội và Việt Nam nói chung vẫn sử dụng một chiêu thức rất cũ: Không biết. Có lẽ họ hy vọng thời gian trôi qua, khi những dư âm của lễ hội đã lắng xuống, sẽ chẳng còn ai thắc mắc chuyện kinh phí, và từ đó, chuyện lãng phí của chính phủ nữa. Lúc ấy, nếu có ai phanh phui ra con số hàng chục ngàn tỉ là có thật, sự hoang phí là có thật, thì mọi chuyện cũng đã qua rồi. Thậm chí, xa rồi. Nó trở thành những "hạn chế của lịch sử". Như bao nhiêu lần họ vẫn nói vậy.

Nhưng cái cách giới lãnh đạo, lại là giới lãnh đạo cao nhất của một địa phương và một lễ hội quốc gia bảo là không biết về "kinh phí" có thể được chấp nhận không?

Những người sống ở Tây phương lâu đều biết rõ điều này: những người lãnh đạo không được phép trả lời "không biết" về bất cứ vấn đề gì trong tầm trách nhiệm của mình. Bởi nhiệm vụ của họ là phải biết. Họ được trả lương hậu hĩnh, được trao thật nhiều quyền hạn và được cung cấp vô số chuyên gia và chuyên viên lúc nào cũng theo sát họ, phục vụ cho họ, nhiệm vụ của họ là phải biết. Tổng thống Mỹ hay Thủ tướng Úc không thể nói là "không biết" con số thất nghiệp; "không biết" con số lạm phát; "không biết" số tiền chính phủ chi ra cho một dự án nào đó. Họ buộc phải biết cả những thông tin mới nhất, những thông tin trong ngày, thậm chí, những thông tin quan trọng cách đó vài ba giờ.  Họ phải biết. Không biết là vô trách nhiệm. Là không xứng đáng với trách nhiệm họ đang gánh vác.

Huống gì lễ hội 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là một dự án lớn được chuẩn bị trong cả 10 năm, có tầm ảnh hưởng không những ở thủ đô mà còn trong cả nước, với sự tham gia của hầu như tất cả các ban ngành, từ văn hoá đến xã hội, an ninh, kinh tế, giao thông, xây dựng, v.v. Chẳng lẽ người ta không có bản thiết kế chương trình cho một lễ hội quy mô như thế? Chẳng lẽ trong bản thiết kế không có phần chi tiêu? Chẳng lẽ tiêu đến đâu người ta mới biết đến đó?

Lý do họ đưa ra để né tránh câu hỏi là vì có những hoạt động được thực hiện từ nguồn xã hội hoá, nghĩa là từ sự đóng góp của một số cá nhân, công ty hay đoàn thể. Vâng, nhưng gạt qua một bên số đóng góp ấy, chỉ giới hạn trong số kinh phí mà chính phủ chi ra, số tiền là bao nhiêu? Vài ngàn tỉ hay vài chục ngàn tỉ? Người dân thắc mắc, chủ yếu là thắc mắc về số tiền lấy từ thuế của người dân chứ không phải thắc mắc về số phần đóng góp của các cá nhân hay cơ quan ngoài chính phủ.

Nhưng ngay cả những đóng góp từ nguồn "xã hội hoá" ấy cũng cần phải được công khai. Những nguồn tiền ấy đến từ đâu? Đóng góp như thế, họ có thu lại được lợi nhuận gì từ chính phủ hay không? Đó có phải là một cách mua chuộc hay hối lộ để được nhận một số lợi lộc về sau, cách này hay cách khác?

Tất cả những chuyện như thế, giới lãnh đạo phải biết. Họ không thể nói là họ không biết.

Nếu biết những việc như thế là nhiệm vụ của giới lãnh đạo thì đó cũng là cái quyền của dân chúng. Một xã hội dân chủ được xây dựng trên nhiều yếu tố, trong đó, một trong những yếu tố căn bản nhất là: dân chúng phải được quyền biết những vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước, và cụ thể hơn nữa, liên quan đến tiền thuế của họ. Họ phải được biết vì đó là tiền của họ.

Với những vấn đề quan trọng như thế, việc giới lãnh đạo nói "không biết" chứng tỏ một trong ba điều: một, họ bất lực; hai, họ vô trách nhiệm; và ba, họ vừa bất lực vừa vô trách nhiệm. Việc họ từ chối quyền được biết chứng tỏ thêm một điều khác nữa: sự bất lương.

Anh không thể vừa phóng tay tiêu tiền của người khác vừa nói là anh không biết gì cả.

N. H. Q.

Nguồn: VOA


Think tanks và sự hưng vong của quốc gia

Nguyễn Lương Hải Khôi

Hãy hỏi Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vì sao ra Quyết định 97 để IDS phải tự giải thể. Và vì sao bao nhiêu lời tâm huyết của giới trí thức can gián Chính phủ đừng tiến hành khai thác bauxite ở Tây Nguyên đến nay vẫn bị Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bỏ ngoài tai? Hay "đặc sắc" của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo cách của Việt Nam là không cần trí thức?

Bauxite Việt Nam


Một dân tộc không có lực lượng tư duy chiến lược chuyên nghiệp, hoặc có nhưng què quặt, thì dẫu có độc lập đi nữa, cũng sẽ rơi vào trạng thái nô lệ mới: nô lệ về trí tuệ, dẫu có mở cửa đi nữa, thì cũng rơi vào trạng thái cô lập mới: cô lập về trí tuệ.

Ngày nay, tầng lớp tư duy chiến lược, được tập hợp dưới hình thức các think tanks, là một trong những tầng lớp chủ chốt đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của lịch sử. Những quốc gia không có lực lượng này, hoặc có những què quặt, hoặc không thể phát triển nó vì những lí do chủ quan, thì không thể phát triển được.

Hội nhập với thế giới từ một xuất phát điểm khá thấp, Việt Nam cần có nhận thức đúng đắn về vai trò cốt tử của lực lượng think tanks đối với sự hưng vong của quốc gia, để từ đó, bắt đầu tiến trình tái cấu trúc bằng cách xây dựng lực lượng think tanks cho dân tộc mình.

I. Quyết định vận mệnh một dân tộc

Chất lượng chính sách là yếu tố quyết định vận mệnh quốc gia, do đó, các nhóm tư duy chiến lược (think tanks) của mỗi quốc gia cũng đóng vai trò quyết định đối với vận mệnh nó.

1.             Để dễ hiểu với Việt Nam, chúng ta hãy nhìn từ trường hợp gần gũi nhất, Trung Quốc.

Một dân tộc không có lực lượng tư duy chiến lược chuyên nghiệp, hoặc có nhưng què quặt, thì dẫu có độc lập đi nữa, cũng sẽ rơi vào trạng thái nô lệ mới: nô lệ về trí tuệ, dẫu có mở cửa đi nữa, thì cũng rơi vào trạng thái cô lập mới: cô lập về trí tuệ…

Để hội nhập với thế giới, đất nước cần có một tầng lớp tư duy chiến lược, và họ phải hội nhập trước. Chúng ta sẽ không thể hội nhập và phát triển nếu ngay ở mắt xích đầu tiên là lực lượng tư duy vẫn còn bị thế giới bỏ rơi.

Ở Trung Quốc, trong lĩnh vực kinh tế, bắt đầu từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, lực lượng tư duy chiến lược đã đóng vai trò quyết định thay đổi vận mệnh của nước này. Họ đã tái cấu trúc tiến trình ra quyết định của chính phủ, giúp lãnh đạo Trung Quốc chuyển từ kiểu tư duy kế hoạch sang tư duy chiến lược.

Quá trình tái cấu trúc này được bắt đầu với các dự án sản xuất thép. Như ta đã biết, thời chủ tịch Mao Trạch Đông, tư duy kế hoạch có hai điểm mấu chốt sau. Một là, nó tư duy bằng các chỉ tiêu, thay vì bằng các mục tiêu. Hai là, để thực hiện được các chỉ tiêu đó, nó phải phát động các phong trào. Để lôi cuốn toàn dân lao vào các phong trào, nó tạo ra những "ngọn cờ" và giảm thiểu tinh thần đối thoại trong xã hội.

"Người cầm lái vĩ đại" đã quyết định tất cả, không dùng đến đội ngũ chuyên gia kinh tế và kỹ thuật, không hoạch định chiến lược trên cơ sở tri thức khoa học. Hậu quả là, Trung Quốc trong một thời gian ngắn đã sản xuất một lượng thép đứng thứ 4 thế giới, nhưng chất lượng thấp đến nỗi không dùng được vào việc gì, vẫn phải nhập khẩu thép của Nhật Bản, đồng thời khiến hàng chục triệu người chết đói.

Tiến sĩ Xuanli Liao ở The Chinese University of Hong Kong, trong một công trình nghiên cứu về các think tanks ở Trung Quốc, đã chỉ ra rằng, sau khi Mao Chủ tịch qua đời, đến thời Hoa Quốc Phong, các dự án thép vẫn được thực hiện theo cách cũ.

Nhưng xã hội Trung Quốc lúc này đã xuất hiện nhân tố mới. Việc bình thường quan hệ với Nhật Bản từ 1972 giúp cho các chuyên gia Trung Quốc tiếp cận với các kỹ thuật hoạch định chiến lược của Tập đoàn thép Nippon Steel (Nhật Bản), bên cạnh đó, không khí dân chủ được cởi mở hơn, nên may mắn cho Trung Quốc, lần đầu tiên sau bao nhiêu quằn quại, Chính phủ đã biết lắng nghe chiến lược của các chuyên gia, những "đại nhảy vọt" kiểu mới được chấm dứt, và dự án thép Baogang hợp tác với Nippon Steel đã thành công tốt đẹp. Trung Quốc có được một "đại gia thép" của riêng mình. [1]

clip_image001

Bắt đầu từ đó đến nay, chính phủ Trung Quốc bước vào một trang sử mới, trang sử kết hợp giữa "lãnh đạo" và "trí tuệ", vượt thoát kiểu lãnh đạo duy ý chí trước đó.

Nhờ vậy, Trung Quốc bước vào giai đoạn lịch sử mới, thời đại mà tư duy chiến lược không còn là việc của các "quân sư quạt mo", mà là của một lực lượng think tanks đông đảo, đóng vai trò quyết định cho những chính sách tạo ra những đổi thay tích cực nhất của đất nước họ.

2.             Ở một số nước Đông Âu, khi chuyển từ thể chế xã hội chủ nghĩa (tư duy bằng chỉ tiêu, cụ thể hóa bằng nghị quyết Đảng, vận hành bằng phong trào) sang nhà nước pháp quyền (tư duy bằng mục tiêu, hoạch định bằng chính sách và vận hành chính sách bằng luật pháp), do thói quen cũ, cũng đã gặp nhiều bất cập trong quá trình ra quyết sách.

Theo Nguyễn Đức Lam, ở Slovakia, cũng như hầu hết các nước, văn bản pháp luật là công cụ chủ yếu để nhà nước thực thi chính sách. Thế nhưng, trong quá trình ra quyết sách, người ta thường bỏ qua khâu phân tích chiến lược. Hệ quả là, 60% các dự luật trình lên nội các để xin ý kiến trước khi chuyển sang Nghị viện không hề có văn bản phân tích chính sách kèm theo. Số còn lại thì có văn bản luận chứng nhưng trong đó lại thiếu lập luận, dẫn chứng, số liệu thuyết phục. [2]

Tuy nhiên, những bất cập này ở Đông Âu 20 năm trước đã được Tây Âu hỗ trợ để khắc phục, và Slovakia là một trong những nước thực sự bứt phá. Ngày nay, Slovakia, vốn chuyển đổi kinh tế sau Việt Nam 3 năm, nhưng đã thành công hơn chúng ta nhiều. Năm 2009, chúng ta hoan hỷ được thế giới viện trợ 8 tỷ USD. Trước đó một năm, trên website của World Bank có một mẩu tin ngắn: Slovakia đã chấm dứt nhận viện trợ và trở thành một nước viện trợ lại nước khác trong khuôn khổ World Bank.[3]

II. Kết nối các quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa

Ngày nay, ở các nước có trình độ tổ chức cao, do các think tanks nằm ở vị trí then chốt của quá trình thiết lập chính sách, nên giữa các chính trị gia đứng ở "những đỉnh cao chỉ huy" và các think tanks của nước đó, luôn có mối quan hệ mật thiết.

1.                Ở Mỹ, Đảng Cộng hòa có quan hệ mật thiết với Heritage Foundation. Think tank này cũng là nơi nhiều học giả nổi tiếng như Richard V. Allen, Lawrence Di Rita, John Lehman, Steve Ritchie… đi thẳng từ phòng nghiên cứu đến các vị trí chủ chốt của bộ máy vận hành nước Mỹ.

Những think tank thiên về phục vụ cho các đảng phái chính trị như Heritage Foundation thường là ngôi trường đào tạo thực tiễn cho các chính trị gia trưởng thành. Đó là môi trường sinh hoạt tri thức cho cả các lãnh đạo chính trị lão luyện lẫn những tài năng chính trị kế cận.

2.             Tiến sĩ Cheng Ly, trong một semina ở Brookings Institution, tháng 10/2008, đã trình bày về mối quan hệ mật thiết giữa các lãnh đạo Trung Quốc và các think tanks hàng đầu ở nước này. Wang Huning, Hiệu trưởng Trường Luật của Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) và nhóm nghiên cứu của ông là người xây dựng cho chủ tịch Giang Trạch Dân lý thuyết "Ba đại diện". Sun Qingju, Hiệu phó Trường Đảng Trung ương, là người giúp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào xây dựng thuyết "trỗi dậy hòa bình".

Đặc biệt, Hồ Cẩm Đào, sau khi lên Tổng Bí thư năm 2003, đã liên tục mời các think tanks hàng đầu Trung Quốc đến giảng bài cho Bộ Chính trị. Đến 2008, Bộ Chính trị Trung Quốc đã học 52 khóa giảng như vậy [4], tính trung bình hơn 8 khóa học một năm, cứ một tháng rưỡi thì có một khóa. Cũng năm 2008, Chính phủ Trung Quốc xếp hạng và tuyên dương 10 think tanks hàng đầu của đất nước.

So với việc Lưu Bị ba lần cúi rạp mình trước lều Khổng Minh, lãnh đạo Trung Quốc ở thế kỷ XXI cũng "hoành tráng" không kém.

3.             Những mối quan hệ đặc biệt trên là hiện tượng phổ biến ở các nước phát triển, cho nên ngày nay, trong quan hệ quốc tế, có hai hiện tượng sau.

clip_image002

Một là, mối quan hệ giữa các think tanks chủ chốt của các nước cũng có vai trò quan trọng không kém mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo của các nước đó. Bernhard May, trong một nghiên cứu về vị trí của các think tanks trong mối quan hệ ASEAN và EU, cho biết, trong khoảng những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, lực lượng tư duy chiến lược về địa – chính trị ở Tây Âu đã xao lãng Đông Nam Á. Các nước Đông Âu bắt đầu hội nhập với Tây Âu khiến họ phải chú mục vào hướng đó, và Đông Nam Á sau khủng hoảng năm 1997 thì không còn là một đối tượng nghiên cứu "hấp dẫn". Hệ quả là, các chính trị gia của EU cũng thờ ơ theo. Để cải thiện mối quan hệ giữa ASEAN – EU thì một trong những việc cần làm là cải thiện mối quan hệ giữa lực lượng nghiên cứu chiến lược của hai khối [5].

Hai là, ngày nay, trong các liên minh quốc gia, xây dựng một lực lượng tư duy chiến lược chung ngày càng trở thành điều không thể thiếu. Ở châu Âu, "European Policy Center", một think tank độc lập và phi lợi nhuận, đảm nhận sứ mệnh nghiên cứu những chính sách lớn, không phải cho một nước riêng biệt mà cho toàn EU.

Ở Nhật Bản, để thúc đẩy chiến lược xây dựng cộng đồng chung Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) theo mô hình EU của Châu Âu, nhóm think tank NIRA của Nhật Bản, vốn có quan hệ học thuật mật thiết với European Policy Center của Châu Âu, đã nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình EU, so sánh với thực tiễn 3 nước Đông Á, nhằm rút ra những bài học kinh nhiệm cốt tủy [6]. Quan hệ giữa các think tanks của ba nước Đông Bắc Á này cũng ngày càng thắt chặt, cho nên trong tương lai, họ hoàn toàn có khả năng hình thành một Nhóm tư duy chiến lược chung, kiểu như "European Policy Center" của EU.

Slovakia, vốn chuyển đổi kinh tế sau Việt Nam 3 năm, nhưng đã thành công hơn chúng ta nhiều. Năm 2009, chúng ta hoan hỷ được thế giới viện trợ 8 tỷ USD. Trước đó một năm, trên website của World Bank có một mẩu tin ngắn: Slovakia đã chấm dứt nhận viện trợ và trở thành một nước viện trợ lại nước khác trong khuôn khổ World Bank.

4.                 Xem xét kinh nghiệm của châu Âu và Đông Bắc Á thì có thể thấy rằng, ở Đông Nam Á, để có thể xây dựng một ASEAN vững mạnh, cần xây dựng một mạng lưới think tanks xuyên quốc gia của ASEAN.

Ngay ở khu vực Đông Nam Á, cũng đã có những think tanks dân sự được thế giới kính nể, chăm chú chờ đợi hành trình tư duy của họ, như "Third World Network" và "Malaysian Institute of Economic Research" của Malaysia, "Institute for Defense and Strategic Studies" và "Institute of Southeast Asian Studies" của Singapore…

Một lực lượng tư duy chiến lược chung, dù mang hình thức "phi chính phủ" hoặc "chính phủ", là điều không thể thiếu để giúp ASEAN giải quyết những vấn đề chung của cả khối, trong đó có vấn đề "đường lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như chiến lược chia rẽ ASEAN của Trung Quốc.

5.             Think tanks, như vậy, cần được xem là công cụ, là cánh cửa thiết yếu để thông qua đó, những quốc gia và khu vực chậm tiến có thể lĩnh hội và bắt kịp dòng chảy tư duy của khu vực tiên tiến. Một dân tộc không có lực lượng tư duy chiến lược chuyên nghiệp, hoặc có nhưng què quặt, thì dẫu có độc lập đi nữa, cũng sẽ rơi vào trạng thái nô lệ mới: nô lệ về trí tuệ, dẫu có mở cửa đi nữa, thì cũng rơi vào trạng thái cô lập mới: cô lập về trí tuệ.

Nước ta cũng chuyển đổi tương tự như Trung Quốc, nhưng lực lượng tư duy chiến lược, đáng tiếc thay, chưa được nhìn nhận đúng tầm quan trọng và chưa trở thành một thành phần xã hội chuyên biệt như ở Trung Quốc. Để hội nhập với thế giới, đất nước cần có một tầng lớp tư duy chiến lược, và họ phải hội nhập trước. Chúng ta sẽ không thể hội nhập và phát triển nếu ngay ở mắt xích đầu tiên là lực lượng tư duy vẫn còn bị thế giới bỏ rơi.

III. Tiên phong trong cuộc đua trí tuệ giữa các dân tộc

Lực lượng tư duy chiến lược của các quốc gia nằm ở vị trí then chốt trong cuộc tranh đua trí tuệ giữa các dân tộc.

1.              Trong cuộc đấu tranh sinh tồn của Việt Nam hôm nay, xây dựng được một lực lượng tư duy chiến lược hùng mạnh là điều kiện tiền đề về mặt cơ cấu và tổ chức xã hội để chúng ta thay đổi số phận.

Lịch sử tranh sống để sinh tồn giữa các dân tộc, xét đến cùng, là đua tranh về trí tuệ. Và cuộc đấu trí giữa các quốc gia cũng đồng thời là cuộc đấu trí giữa lực lượng tư duy chiến lược của họ. Điều này không chỉ đúng trong thời đại "kinh tế tri thức" mà còn đúng trong các thời đại trước đây.

clip_image003Bước đại nhảy vọt mới của Trung Quốc có sự đóng góp không nhỏ của các think tanks.

 

2.             Một ví dụ tiêu biểu là "Cơ quan nghiên cứu đường sắt Mãn Châu" của Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Theo giáo sư Kobayashi Hideo, Đại học Waseda, khi được thành lập năm 1907, nhiệm vụ của think tank này là hoạch định kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt ở Mãn Châu và Hoa Bắc, trên cơ sở đặt dự án này trong nghiên cứu chiến lược toàn diện các mặt kinh tế, chính trị, lịch sử, xã hội, dân tộc học, các vấn đề tổng hợp Nga – Trung Quốc [7]

So sánh với dự án "đường sắt cao tốc" của Việt Nam năm 2010, xét ở tính khoa học – dân chủ – trí tuệ trong cấu trúc của tiến trình hoạch định chính sách và ra quyết định, Việt Nam vẫn chưa trưởng thành bằng Nhật Bản hơn 100 năm trước.

Đến giai đoạn Nhật chuẩn bị cho chiến tranh thế giới thứ 2, think tank nói trên đã phát triển đến quy mô hơn 2.000 chuyên gia. Dù vẫn giữ lại cái tên cũ vốn đã thành "thương hiệu", think tank này đã đóng vai trò là "bộ não" của Nhật Bản, nghiên cứu toàn diện từ Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á, chuẩn bị nền tảng khoa học cho chiến lược tổng thể của Nhật Bản giai đoạn này đối với châu Á.

Đương thời, cả châu Á không có một lực lượng trí thức nào đủ tầm vóc trí tuệ và quy mô tổ chức để có thể giúp nước mình đối địch với think tank này của Nhật Bản. Bước chân của Nhật chỉ bị chặn lại khi giới quân sự của họ bỏ quên tư duy chiến lược của các chuyên gia, tấn công Trân Châu cảng khiến Hoa Kỳ tham chiến.

Được rèn luyện trí tuệ bằng tư duy cờ vây, người Trung Quốc là bậc thầy của khả năng đưa quân cờ của mình tiến vào cấu trúc của đối phương để thay đổi từng yếu tố trong cấu trúc đó, dần dần tiến tới phá vỡ toàn bộ cấu trúc. Họ là bậc thầy trong việc hoạch định những nước cờ "tầm thường" để di chuyển những quân cờ "tầm thường" đến những vị trí "tầm thường" – "tầm thường" trong thời điểm hiện tại nhưng sẽ trở thành một quả đấm thép trong một cục diện mới.

3.             Think tanks, như trên đã nói, không phải là điều xa lạ đối với văn hóa Trung Quốc. Trong cách tư duy của họ, vì lực lượng tư duy chiến lược có vai trò then chốt quyết định sự thành bại, tồn vong của các quốc gia trong cuộc đua tranh trí tuệ, cho nên, triệt tiêu lực lượng tư duy chiến lược của đối phương là một trong những chiến lược chủ chốt và xuyên suốt.

Cơ đồ nước Sở của Hạng Vũ bắt đầu sụp đổ khi Lưu Bang lừa cho Hạng Vũ đuổi nhà tư duy chiến lược thiên tài của mình là Phạm Tăng. Cục diện của trận chiến Xích Bích bắt đầu ngã ngũ khi phía Thục – Ngô bày mưu cho nhà tư duy chiến lược giỏi nhất phía Tào Tháo là Từ Thứ lui về hậu tuyến. Có thể tìm thấy vô số những câu chuyện như vậy trong lịch sử tư duy của Trung Quốc.

Loại tư duy này không hề có trong lịch sử tư duy châu Âu. Phương thức tiến hành chiến tranh nổi bật của phương Tây là dàn trận và triển khai tối đa sức mạnh của binh lực. Ở Trung Quốc, loại tư duy nổi bật là "tướng giỏi là tướng không đánh mà thắng". "Không đánh" không có nghĩa là không động binh, mà là làm cho đối phương tan rã và sụp đổ trước khi ra đòn quyết định cuối cùng. Trong loại tư duy này, chiến trường không chỉ là một đại dương, một thảo nguyên để hai bên dàn trận. Trong đầu óc của Câu Tiễn, chiếc giường mà nàng Tây Thi ngủ với Ngô Phù Sai cũng là một phần chiến trường.

Trong chiến tranh châu Âu, phân định thắng bại rất nhanh chóng. Bởi cuộc chiến kết thúc sau khi người lính cuối cùng gục ngã. Trong tư duy Trung Quốc, ngay cả khi đã thâu tóm được đối phương, việc kiểm soát sao cho nó không thể phục hồi vẫn luôn là nhiệm vụ bắt buộc, thành ra, cuộc sống là một "cuộc chiến" vĩnh viễn.

4.          Đối đầu với loại tư duy nói trên của Trung Quốc là điều không đơn giản. Người ta buộc phải bắt kịp mọi diễn biến trong tư duy của họ. Những quốc gia không có lực lượng tư duy chiến lược, hoặc có nhưng què quặt, khó có thể là đối thủ của Trung Quốc.

Vấn đề biển đảo hiện nay là một ví dụ. Nó không đơn giản là một vụ "lình xình" ngắn hạn giữa nước ta và Trung Quốc. Phương hướng giải quyết chỉ có thể nhìn thấy rõ ràng nếu đặt vấn đề ấy trong bối cảnh cuộc tranh sống để sinh tồn của dân tộc ta trước người khổng lồ. Bản chất của tranh chấp Biển Đông là cuộc so tài về phương thức tư duy, về giáo dục và văn hóa, về khoa học kỹ thuật, về khả năng sáng tạo, về cách cách tổ chức đời sống xã hội, về quan hệ quốc tế, về… mọi mặt.

Cả Trung Quốc và Đài Loan đều đã có nhiều think tanks, cả "chính phủ" lẫn "phi chính phủ", chuyên trách về vấn đề Biển Đông, cho nên nếu Việt Nam và các nước Đông Nam Á hải đảo chỉ có các chính trị gia ngồi lại với nhau "bàn mưu tính kế" thì chúng ta không thể so sánh với họ, ngay từ trong khâu chiến lược.

5.             Chiến lược "không đánh mà thắng" của Trung Quốc dựa trên một phương thức tư duy chiến lược đặc biệt, "tư duy cờ vây".

Nguyên tắc thời gian trong chơi cờ vây là không quan tâm đến thời điểm thắng, chỉ cần biết sẽ thắng. Áp dụng nguyên lý cờ vây vào đời sống thực tại, họ nhìn quả địa cầu này như một bàn cờ vây vĩnh viễn. Người chơi cờ vây phải có một năng lực tư duy toàn cục rất cao để có thể tính trước được xu thế vận động của nhiều nhóm quân cùng một lúc, không chỉ nhóm quân của mình của cả nhóm quân của đối phương, nhằm bành trướng diện tích trên bàn cờ.

Được rèn luyện trí tuệ bằng tư duy cờ vây, người Trung Quốc là bậc thầy của khả năng đưa quân cờ của mình tiến vào cấu trúc của đối phương để thay đổi từng yếu tố trong cấu trúc đó, dần dần tiến tới phá vỡ toàn bộ cấu trúc. Họ là bậc thầy trong việc hoạch định những nước cờ "tầm thường" để di chuyển những quân cờ "tầm thường" đến những vị trí "tầm thường" – "tầm thường" trong thời điểm hiện tại nhưng sẽ trở thành một quả đấm thép trong một cục diện mới. [8]

Đối thủ duy nhất của tư duy cờ vây là chính nó. Ngày nay, để hiện thực hóa phương thức tư duy ấy, thì một cá nhân không thể làm được. Nếu người đồng chí khổng lồ của chúng ta đã có trên 700 think tanks, có tài liệu của Trung Quốc nói là trên 2000 think tanks, cả ở cấp nhà nước lẫn tư nhân, lại có một truyền thống tư duy chiến lược đặc biệt, thì Việt Nam để có thể tìm được một "cửa sinh" giữa muôn vàn "cửa tử" của thế giới này, cần ít nhất 1/10 số đó.

N. L. H. K.

Nguồn: Tuanvietnam


[1] Xem: Xuanli Liao, Chinese Foreign Policy Think Tanks and China's Policy Toward Japan, The Chinese University of Hong Kong, 2006, 197 – 239. P

[2] Xin xem: Nguyễn Đức Lam, Phân tích chính sách trong quy trình lập pháp ở các nước, Tham luận tại Hội thảo "Xây dựng chính sách trong quy trình lập pháp", Bộ Tư pháp, Hà Nội, 6/2008

[3] "Slovakia has joined the group of development aid providers within the World Bank. Regarding the significant economic progress of the country over past years, the Slovak government asked for graduation to developed status in operations of the World Bank. This means that instead of being a country receiving development aid, Slovakia will become a country providing development aid…"

Xin xem: World Bank Ranks Slovakia Among Development Aid Providers

http://web.worldbank.org/WBSITE/EXTERNAL/NEWS/0,,date:2008-11-21~menuPK:34461~pagePK:34392~piPK:64256810~theSitePK:4607,00.html

[4] Brookings Institution, "Các think tanks ở Trung Quốc: tầm ảnh hưởng đang lên và những giới hạn chính trị", October, 2008.

Nguồn: http://www.brookings.edu/~/media/Files/events/2008/1023_china_think_tanks/20091023_china.pdf

[5] Bernhard May, Think Tanks in ASEAN-EU Relations: European Perspective, Tạp chí Panorama, 1/2000. p. 41

[6] Xin xem: European Policy Center, National Institute of Research Advancement và Japan Foundation, 日-EUシンクタンク円卓会議報告書 (Japan – EU Think tank Rountable Report, "Next step in Global Governance"), 2005

[7] 小林英夫、「満鉄調査部 – 元祖のシンクタンクの誕生と崩壊」、東京印書館、2005

(Kobayashi Hideo, "Cơ quan nghiên cứu đường sắt Mãn Châu – sự hình thành và tiêu vong của ông tổ think tank Nhật Bản"", Tokyo Inshokan, 2005)

[8] Tư duy này càng nổi bật trong lịch sử thôn tính và đồng hóa các dân tộc trước đây và trong quan hệ quốc tế ngày nay của họ. Mặt khác, tư duy này cũng có phần tiêu cực rất lớn. Nó biến xã hội Trung Quốc thành một bàn cờ vây, làm cho người chơi cờ cũng tha hóa thành một quân cờ trên bàn cờ.


Chúng ta tham một chút thì con cháu không còn đất lành để sống

GS.TSKH Đặng Hùng Võ
nguyên là thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường

clip_image002Sau thảm hoạ bùn đỏ xảy ra tại Hungary, báo Sài gòn tiếp Thị đã có nhiều bài viết nêu những quan điểm khác nhau của những nhà quản lý, nhà khoa học về hiệu quả kinh tế, sự quan ngại về vấn đề môi trường, công nghệ khai thác bôxít ở các dự án tại Tây Nguyên. Và cũng đã có nhiều ý kiến lên tiếng, kêu gọi Quốc hội, Chính phủ xem xét lại dự án này.

Vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với sự tồn tại của loài người. Thứ nhất, sự cạn kiệt tài nguyên khoáng sản đang đe doạ cuộc sống của các thế hệ tiếp theo. Ngày nay chúng ta tham lam hơn một chút, thì con cháu sau này sẽ không có điều kiện để sống. Chính vì vậy, hầu hết các nước lớn đều áp dụng chính sách không khai thác tài nguyên khoáng sản trong nước, nhập khẩu khoáng sản thô của các nước nghèo để đáp ứng cho nhu cầu của cuộc sống hiện tại và chôn lấp đi cho con cháu sau này sử dụng. Thứ hai, trình độ công nghệ khai thác khoáng sản hiện này chưa cao, đang đe doạ môi trường sống mà lợi nhuận thu được không đủ chi trả cho việc làm sạch môi trường. Ngày nay chúng ta tham lam hơn một chút, làm ngơ với nạn ô nhiễm môi trường từ khai thác khoáng sản, thì con cháu sau này không còn đất lành để sống. Chính vì vậy, hầu hết các nước lớn áp dụng chính sách đầu tư khai thác khoáng sản sang các nước nghèo.


Vấn đề khai thác bôxít ở nước ta đã được dư luận quan tâm từ vài năm nay với những ý kiến của nhiều trí thức, người dân chưa đồng tình với các dự án khai thác bôxít ở Tây Nguyên. Đây là những ý kiến hết sức xây dựng, lo lắng cho nỗi lo lắng của nước, trăn trở với nỗi trăn trở của dân. Khai thác ngày hôm nay, khi công nghệ chưa cao thì vừa làm mất đi khoáng sản khi khoáng sản đó không phải là yếu tố quyết định cho con đường phát triển, vừa làm tổn hại quá lớn cho môi trường mà rất nhiều người dân phải gánh chịu.

Trong công nghệ khai thác bôxít hiện nay, không thể không dùng một lượng rất lớn bùn đỏ, một vật liệu tàn phá môi trường khủng khiếp. Trong tương lai, công nghệ thay đổi, có thể có những giải pháp khai thác sạch hơn.

Vừa qua, ở Hungary đã xảy ra tai nạn tràn bùn đỏ ở khu vực mỏ khai thác bôxít, đang là mối đe doạ lớn mang tầm cỡ quốc gia. Nỗi lo không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Hungary mà đã tràn sang nhiều nước láng giềng. Tai nạn này như một lời cảnh báo cho các nước đang khai thác bôxít và đang có kế hoạch khai thác bôxít. Đó cũng là lời cảnh báo cho việc khai thác bôxít ở Tây Nguyên của chúng ta. Các trí thức, người dân nước ta lại phải suy nghĩ thêm để tham vấn mạnh hơn về việc này. Đấy vẫn là những tư duy đầy nhiệt tâm về sự phát triển bền vững của nước nhà. Nước ta hiện nay chưa phải là một quốc gia mạnh về kinh tế trên thế giới nhưng không còn là một nước nghèo. Giai đoạn bán tài nguyên thô đã qua, chúng ta đã bước sang giai đoạn đầu tư tạo giá trị gia tăng trên một số tài nguyên khai thác có lợi. Các doanh nghiệp trong nước cũng đã có vốn, có công nghệ, có tri thức, có kinh nghiệm để chủ động đầu tư theo kế hoạch có lợi nhất về kinh tế, xã hội và môi trường cho đất nước, cho nhân dân.

Tôi hy vọng tiếng nói của mình sẽ đóng góp làm thay đổi quyết định của nhà quản lý

Một quốc gia mạnh cần phải đạt được sự đồng thuận cao, cần có chung một quyết tâm đưa đất nước ngẩng cao đầu bước vào thị trường quốc tế trong quá trình toàn cầu hoá.

Đ. H. V.

Nguồn: SGTT


23 tháng 10 2010

Minh bạch trách nhiệm và những nỗi sợ vô hình

Cao Nhật (thực hiện)

clip_image001

 

TS Lê Kiên Thành: "Chiến lược của Đảng vạch ra trong thời gian tới không chỉ dừng lại ở việc cởi trói cho sự phát triển mà còn phải có tính khai đường mở lối" (Ảnh: Thanh Nga).

 

VNR500) – Theo TS. Lê Kiên Thành, khái niệm "kinh tế thị trường định hướng XHCN" ở Việt Nam hiện chưa rõ ràng, tính minh bạch về trách nhiệm cũng chưa cao. Hơn nữa, khi người lãnh đạo còn mang những nỗi sợ vô hình thì kinh tế Việt Nam rất khó phát triển đột phá.

PV. Diễn đàn VNR500 – Báo VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, về góc nhìn riêng của ông liên quan đến góp ý cho các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng. Có thể có những quan điểm của ông Lê Kiên Thành cần phải trao đổi, làm rõ thêm. Mời bạn đọc cùng tranh luận qua: vnr500@vietnamnet.vn.

Nỗi lo chệch hướng "định hướng xã hội chủ nghĩa"

- Là một Đảng viên đồng thời đang tham gia điều hành doanh nghiệp tư nhân, ông quan tâm như thế nào đến dự thảo các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng?

TS. Lê Kiên Thành: Tôi nghĩ các văn kiện này khi được thông qua sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các chính sách cụ thể. Vì vậy, tôi rất mong chiến lược của Đảng vạch ra trong thời gian tới không chỉ dừng lại ở việc cởi trói cho sự phát triển mà còn phải có tính khai đường, mở lối để chúng ta luôn đi cùng với sự phát triển chung của thế giới.


Việc hợp thức hóa những quan điểm đúng đắn trong thực tế phát triển đất nước là đáng ghi nhận, là điều tốt nhưng chiến lược cần phải làm được nhiều hơn điều đó, phải đi trước, mở ra những con đường rộng để "cỗ xe" nền kinh tế tăng tốc tiến lên phía trước.

Kinh tế thị trường là một sản phẩm của quá trình tiến hóa xã hội loài người, chứa đựng trong nó những quy luật khách quan và khắc nghiệt. Chúng ta vì muốn hạn chế những yếu tố tiêu cực của kinh tế thị trường mà thêm vào sau đó mệnh đề "theo định hướng Xã hội chủ nghĩa".

Tuy nhiên, tôi thấy chúng ta chưa và chắc là khó có được một cách hiểu thống nhất và rõ ràng về khái niệm này.

Và trong khi chưa có những cách hiểu rõ ràng, thống nhất, chúng ta sẽ có rất nhiều các diễn đạt khác nhau và nó cũng là một nguyên nhân làm cho những bước đi trong quá trình đổi mới của chúng ta luôn trong trạng thái ngập ngừng, rụt rè. Và nhiều khi chính vì nỗi lo "chệch hướng", chúng ta bỏ lỡ những cơ hội cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

- Vậy theo ông, chúng ta có thể điều chỉnh như thế nào về điểm này?

Tôi nghĩ chúng ta chỉ cần khẳng định xây dựng được một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa như cách thiểu phổ quát của cả thế giới là hướng đi đúng đắn và rõ ràng hơn rất nhiều.

Hoặc chúng ta nói: "Phát triển kinh tế thị trường, dưới sự quản lý của nhà nước XHCN". Nhà nước XHCN quản lý cái gì? Đó là việc định hướng các ngành nghề cần phát triển phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn. Cùng với đó là sự phân bổ thành quả lao động của nền kinh tế thị trường cho phù hợp với mục đích phát triển của xã hội ta (thông qua thuế… như ở nhiều nước, đặc biệt là Bắc Âu đang áp dụng).

Một nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước là điều tiết, đảm bảo công bằng xã hội. Công bằng ở đây không thể hiểu theo nghĩa "cào bằng" như ngày xưa, mà công bằng ngày nay là sự bình đẳng về cơ hội, trong đó có việc bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực của quốc gia.

Với sự công bằng đó thì các nguồn lực của đất nước mới được phân bổ một cách hiệu quả và mang lại giá trị lớn nhất cho nền kinh tế.

Minh bạch về trách nhiệm và những nỗi sợ vô hình

- Chính sách từ Trung ương đề ra rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là xuống đến địa phương nó được triển khai vào thực tế như thế nào. Chúng ta đã có những mô hình tốt ở các tỉnh như Bình Dương hay Đà Nẵng, nhưng có vẻ việc nhân rộng ra cả nước chưa được nhiều, ông nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ rằng lý do quan trọng để các tỉnh trên đạt được nhiều thành công trong phát triển kinh tế thì ngoài những thuận lợi về mặt địa lý tự nhiên, điều quyết định nhất là họ có một đội ngũ lãnh đạo năng động, sáng tạo, có tầm nhìn.

Khi những người lãnh đạo cao nhất của địa phương có được những sự năng động sáng tạo, biết lắng nghe, dám làm và dám chịu trách nhiệm thì sự đổi mới đó sẽ lan truyền xuống cả bộ máy và lan tỏa trong cả cộng đồng kinh doanh và dân cư.

Những địa phương như Đà Nẵng và Bình Dương là những điển hình cho điều này, nhưng đúng là việc nhân rộng ra cả nước quả thực là rất khó khăn vì như quan điểm tôi đã nói, nó có vai trò rất quan trọng của những người lãnh đạo đứng đầu.

Từ chuyện chưa minh bạch khái niệm như tôi đã nói ở trên (nội hàm của mệnh đề "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" không rõ ràng) rồi đến cả chuyện minh bạch về trách nhiệm cũng chưa cao.

Khi những người lãnh đạo mang trong mình những nỗi sợ vô hình thì tôi nghĩ rất khó để chúng ta có sự đột phá hay tăng tốc cho phát triển.

clip_image002

Khi những người lãnh đạo mang trong mình những nỗi sợ vô hình thì tôi nghĩ rất khó để chúng ta có sự đột phá hay tăng tốc cho phát triển. (Ảnh: Thanh Nga)

Vẫn còn tâm lý dè chừng kinh tế tư nhân

- Ông có thể nói rõ hơn về ý này, vì trong dự thảo Cương lĩnh, Chiến lược mới đều khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân là động lực cho sự phát triển đất nước?

Trong quá trình phát triển, có thể Nhà nước có những định hướng phát triển những ngành này ngành kia, điều đó được cụ thể hóa bằng những chính sách ưu đãi nhưng điều quan trọng ở đây là chính sách ưu đãi phải bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế tham gia vào ngành đó.

Ví dụ, ở các nước phát triển, ngay cả kỹ thuật quân sự, trang thiết bị cho quân đội đảm bảo an ninh quốc gia mà người ta vẫn dám cho tư nhân làm và đặt hàng các công ty đó một cách cạnh tranh. Quân sự là thế, chưa nói đến những ngành khác.

Thực tiễn nền kinh tế nước ta cho thấy khu vực kinh tế nhà nước vẫn đang nhận được rất nhiều ưu đãi nhưng những gì khu vực này đóng góp được cho nền kinh tế là chưa xứng đáng và thậm chí là đang gây ảnh hưởng xấu cho sự phát triển lành mạnh của cả nền kinh tế.

Tôi cho rằng điều đó là sai lầm và chỉ khẳng định rằng Nhà nước vẫn có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế trong khi không ít các văn bản vẫn nói rằng phải xây dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực với nhau.

Mặc dù bây giờ chúng ta không còn đến mức cấm đoán như ngày xưa, nhưng sự lo sợ hay e ngại cho kinh tế tư nhân tham gia vào nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế vẫn còn.

Chúng ta cứ nghĩ rằng tư nhân thì không thể làm tốt được lĩnh vực đó, nhưng đã cho họ làm đâu mà biết là họ làm không được?!

Và một khi tâm lý e ngại, dè chừng đó chưa mất thì khu vực kinh tế tư nhân khó mà phát triển lớn mạnh xứng đáng với vai trò và vị thế của nó trong nền kinh tế đất nước hôm nay.

- Cũng là một người đang tham gia hoạt động ở doanh nghiệp tư nhân, nói chuyện và tiếp xúc nhiều với cộng đồng doanh nhân, ông nghĩ sao về vị thế của họ trong thời điểm hiện nay?

Đội ngũ doanh nhân rõ ràng đang ngày càng được ghi nhận vị thế trong sự phát triển của xã hội. Nhưng tôi nghĩ rằng chừng nào còn có những ngành chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước làm, không dám hay không tạo cơ hội bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân tham gia thì sự ghi nhận đó vẫn còn những mâu thuẫn.

Một điều nữa tôi cũng muốn nói là bây giờ chúng ta thử nhìn vào các cơ quan dân cử như quốc hội thì có được bao nhiêu đại biểu đang hay đã từng làm lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân? (khối doanh nghiệp đang đóng góp đến 60% GDP của đất nước) Số đó tôi cho là đang quá ít, quá ít so với những gì đáng ra nó xứng đáng.

clip_image003

Tôi vẫn ước ao Đảng ta luôn mang được khí thế Cách mạng như thuở ban đầu khi những người lãnh đạo đều rất trẻ, thậm chí chỉ ngoài hai mươi. Nhưng với cách làm cán bộ như bây giờ có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ có một Tổng bí thư chỉ ngoài tuổi bốn mươi. (Ảnh: Thanh Nga)

Nhân sự là khởi đầu cho mọi đột phá

- Đâu là điều một Đảng viên như ông kỳ vọng nhất ở Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới?

Tôi vẫn ước ao Đảng ta luôn mang được khí thế Cách mạng như thuở ban đầu khi những người lãnh đạo đều rất trẻ, thậm chí chỉ ngoài hai mươi. Nhưng với cách làm cán bộ như bây giờ có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ có một Tổng bí thư chỉ ngoài tuổi bốn mươi.

Tôi vẫn không hiểu tại sao một Đảng viên xuất sắc không được bầu thẳng vào Bộ chính trị, một ủy viên trung ương xuất sắc không được bầu thẳng làm Tổng bí thư. Và tôi cũng không hiểu tại sao một ủy viên Bộ Chính trị xuất sắc, có kinh nghiệm, có sức khỏe thì 60 tuổi phải nghỉ hưu.

Đảng là tập hợp những người cùng chí hướng với nhau, đó là lý do chúng ta gọi nhau là đồng chí. Nhưng tôi có cảm tưởng sinh hoạt chính trị trong Đảng còn chưa dân chủ được như ngoài xã hội. Nếu trong tổ chức đó chúng ta không thực sự dân chủ với nhau thì làm khó có thể dân chủ cho được cả xã hội bên ngoài.

Chúng ta thử nhìn vào cách người dân đi bầu người lãnh đạo cao nhất. Họ bầu ra đại biểu của họ (Đại biểu Quốc hội) bằng lá phiếu trực tiếp. Những người đại biểu này muốn được bầu phải nhiều lần đi tiếp xúc với cử tri, phải trình bày quan điểm và hiểu biết của mình.

Còn trong Đảng, mỗi lần đến Đại hội chúng ta phải qua rất nhiều bước. Ban đầu là Đảng viên trong chi bộ bầu đại biểu đi dự đại hội khối, sau đó đại biểu đại hội các khối bầu đại biểu đi dự Đại hội cấp địa phương (tỉnh, thành) và ở các lực lượng vũ trang là Đại hội toàn quân, Bộ Công an…

Từ đó chúng ta mới bầu đại biểu đi dự Đại hội đảng để bầu ra BCH Trung ương, và cuối cùng các ủy viên Trung ương mới bầu ra Tổng Bí thư, Bộ Chính trị.

Như vậy, vai trò của một người đảng viên thường khá mờ nhạt và tính dân chủ trong đảng vì vậy mà cũng mờ nhạt theo.

Theo ý kiến cá nhân tôi, chúng ta nên làm khác: Đảng viên ở các địa phương tổ chức đi bầu trực tiếp đại biểu đi dự Đại hội Đảng (danh sách do tổ chức đề cử và các đảng viên tự ứng cử).

Ở địa phương, đảng viên chúng ta có thể chia thành hai đến vài tổ bầu cử. Các ứng cử viên Đại hội Đảng phải tiếp xúc với đảng viên, trình bày quan điểm của họ về các vấn đề của Đảng trong đó có vấn đề nhân sự.

Và cuối cùng ở Đại hội Đảng toàn quốc, các đại biểu sẽ bầu trực tiếp Tổng Bí thư, Bộ chính trị và BCH Trung ương. Tôi tin rằng nếu làm được như vậy tính dân chủ trong đảng mới thật sự được phát huy.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Vnr500


Đọc lại Hịch tướng sĩ của đức thánh Trần

Dương Danh Dy

image Hưng Đạo đại vương Trần Hưng Đạo, người mà sau ngày Ngài mất (20 tháng tám âm lịch năm 1300) nhân dân ta từ già tới trẻ đều tôn xưng là đức thánh Trần vì những công lao bất diệt của Ngài trong việc lãnh đạo quân dân ta hai lần đánh bại giặc Nguyên Mông, trong đó có chiến công Bạch Đằng giang vĩ đại và bản Hịch tướng sĩ bất hủ.

Tôi đã được nghe mẹ tôi đọc cho nghe Hịch tướng sĩ từ khi chưa biết chữ và sau này được thầy Trần Bá Tuyền, một thày giáo dạy Văn hiếm có, giảng giải bài này. Nói hiếm có bởi vì mỗi bài giảng văn của thầy Tuyền như truyền cho lớp học sinh kháng chiến chúng tôi thời đó, không chỉ lòng yêu nước, yêu dân tộc mà còn cả lòng yêu cái đẹp, yêu những tinh hoa của nhân loại… Bài Hịch tướng sĩ mà thầy giảng dạy đã ghi trong tôi một dấu ấn không phai mờ, đến nỗi hơn sáu mươi năm rồi và đã ở độ tuổi U80 mà tôi vẫn thuộc nhiều câu trong bài hịch. Có lẽ vì lẽ đó mà tôi ít đọc lại bài này.

Thế nhưng không biết vì sao trong mấy ngày bồn chồn mong ngóng 9 ngư dân Lý Sơn bị phía Trung Quốc bắt giữ, đã phản đối, đã thả nhưng chưa về nước được với ngàn lý do càng nghe càng thấy chối tai, tôi đã giở Hịch Tướng sĩ của đức thánh Trần ra đọc lại. Và chẳng hiểu tại sao, tôi bỗng nghe ra: đó chính là tiếng nói của Ngài đối với mọi người Việt Nam ngày nay và trên hết là với những cán bộ lãnh đạo các cấp.

Ta hãy nghe Ngài phân tích tình hình thời đại và nói về thái độ quân giặc: "Huống chi ta cùng các ngươi sinh ở thời nhiễu nhương, gặp phải buổi gian nan này… thấy sứ giặc đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ…" Xin hỏi chuyện xảy ra hơn 700 trăm năm trước mà có khác gì bây giờ không?

Xin lắng nghe những điều ngài nói với tướng sĩ dưới quyền: "Nay các ngươi thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết nhục, thân làm tướng phải hầu giặc mà không biết tức; tai nghe nhạc để hiến sứ ngụy mà không biết căm; hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển hoặc vui thú về ruộng vườn hoặc quyến luyến về vợ con, hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước, hoặc ham mê về săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát." Và ngài cảnh báo: "Nếu có giặc đến thì cựa gà trống sao đâm thủng áo giáp giặc, mẹo cờ bạc sao sao dùng nổi cho việc quân mưu… chén rượu ngon không làm giặc say chết, tiếng hát hay không làm giặc điếc tai…" Xin hỏi tình hình đội ngũ cán bộ ta hiện nay có khác hạ thuộc của Ngài hơn 700 năm trước không?Xin hỏi nguy cơ đặt trước tổ quốc chúng ta bây giờ có khác nguy cơ hơn 700 năm trước của Ngài không?

Ngày 19 tháng 10 năm 2010

D. D. D.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN


18 tháng 10 2010

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông

Dương Danh Huy, Lê Trung Tĩnh (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)

Lê Vĩnh Trương dịch sang tiếng Việt

clip_image001Bài này do hai thành viên của Quỹ là Dương Danh Huy và Lê Trung Tĩnh viết cùng với sự đóng góp quý báu của các bạn Hoàng Anh Tuấn Kiệt, Phạm Quang Tuấn, Lê Thị Vân Trình, Lê Minh Phiếu. Bài viết về tuyên bố của Clinton tại AFR và phản ứng của TQ. Bài này viết bằng tiếng Anh và được đăng trên tờ báo điện tử châu Á, Asia Sentinel. Mời các bạn đọc bài viết ở link sau:

http://www.asiasentinel.com/index.php?option=com_content&task=view&id=2750&Itemid=171

Dưới đây là bản dịch tiếng Việt.

Song phương hay đa phương? Quốc tế hóa hay phi quốc tế hóa?

Những tháng ngày gần đây (2010), quan ngại đã ngày càng gia tăng đối với sự hung hãn của Trung Quốc khi họ tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông như thể đó là ao nhà của họ. Gần đây nhất, sự quan ngại lại nóng hơn lên liên quan đến việc triển khai một đoàn tàu chiến hiện đại nhất của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa trong khuôn khổ một cuộc tập trận kéo dài ba tuần.

Trung Quốc đã vẽ một đường hình chữ U vươn khắp phần lớn Biển Đông một cách bất chấp để biểu hiện một yêu sách mà Trung Quốc không hề xác định bản chất hay cơ sở.  Đó là một đường không phù hợp với bất kỳ luật lệ quốc tế nào, kể cả Công ước quốc tế về Luật Biển 1982. Trung Quốc luôn lẩn tránh cho biết đường tự vẽ đó dựa vào đâu để tuyên bố chủ quyền.

Trước một Trung Quốc ngày càng gia tăng áp lực, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton đã phát biểu tại diễn đàn ASEAN Hà Nội tháng bảy 2010 vừa qua rằng Hoa Kỳ "chống lại việc sử dụng hay đe dọa sử dụng võ lực từ bất cứ phía tranh chấp nào. Trong khi Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong các tranh cãi về lãnh thổ trên Biển Đông, chúng tôi cho rằng các bên tranh chấp cần theo đuổi các tuyên bố về chủ quyền và những bước kế tiếp cũng như quyền sử dụng không gian biển trên tinh thần nghiêm tuân Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Trung thành với luật quốc tế thông thường, các tuyên bố hợp pháp về không gian biển tại Biển Đông cần phải hoàn toàn dựa vào những tuyên bố hợp pháp về chủ quyền đất liền."

Tuyên bố của bà Clinton phù hợp với luật quốc tế, cấm sử dụng hay đe dọa sử dụng võ lực để giải quyết tranh chấp. Tuyên bố này cũng song hành với Luật Biển và với chính sách trước nay của Mỹ là trung lập trong các tranh chấp đối với Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Hơn nữa, sự việc này đáng khích lệ ở chỗ có một quốc gia đưa ra đề nghị tạo điều kiện cho các nước tranh chấp thảo luận với nhau.

Tuy vậy, Trung Quốc đã phản ứng lại một cách giận dữ. Nhà đương cục nước này luôn khăng khăng rằng các tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết bằng đàm phán song phương và họ đã phát triển chính sách "hai không" khi đề cập đến Biển Đông: không đàm phán đa phương, không "quốc tế hóa." Do vậy, đáp lại tuyên bố của bà Clinton,  Trung Quốc đã công kích việc mà họ cho là "quốc tế hóa" vần đề Biển Đông và lý luận rằng các tranh chấp cần phải được giải quyết thông qua bàn đàm phán tay đôi.

Giải pháp song phương hay đa phương?

Vấn đề Biển Đông bao gồm một số các tranh chấp riêng rẽ. Trung Quốc và Việt Nam tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc và Philippin tranh chấp bãi ngầm Scarborough và quần đảo Trường Sa được tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay một phần bởi các nước Brunei, Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam. Có những tranh cãi trên các vùng biển, như vùng đặc quyền kinh tế và vùng kéo dài thềm lục địa.

Cuối cùng và có lẽ quan trọng hơn cả là "đường chữ U" đang bao trùm một cách vô lối hầu hết Biển Đông, đã tạo ra tranh chấp biển giữa Trung Quốc với Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia và tiềm ẩn tranh chấp giữa Trung Quốc với tất cả mọi nước trên thế giới,vốn cùng có quyền lợi tại Biển Đông, như công ước Liên Hiệp Quốc đã định.

Hiển nhiên, vấn đề Hoàng Sa là tranh chấp song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam và nên được giải quyết tay đôi giữa hai nước Việt Trung. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, Trung Quốc và Việt Nam nên tìm kiếm trung gian phán quyết, như Indonesia và Malaysia đã từng đưa tranh biện các đảo Ligitan và Sipadan ra Tòa án Công Lý Quốc Tế (TACLQT-IJC), hay như Malaysia và Singapore đã làm tương tự đối với các bất đồng tại Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Ledge và South Rock.

Tương tự như vậy, tranh chấp bãi cạn Scarborough cũng là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Philippin và cũng nên được giải quyết cùng cách thức.

Tranh chấp toàn bộ hay từng phần đối với Trường Sa giữa Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippin và Việt Nam là một tranh chấp đa phương, theo đúng định nghĩa của từ "đa phương" ́. Dị biệt quan điểm giữa nhiều bên cần có cách giải quyết đa phương. Bàn đàm phán song phương không phải là cơ chế phù hợp để xử lý các khác biệt quan điểm giữa nhiều bên. Việc giải quyết chỉ giữa hai bên trong khi còn nhiều bên khác cùng tuyên bố chủ quyền sẽ khó mà chấp nhận được cho các bên còn lại. Chẳng hạn, nếu như Philippin và Việt Nam tiến hành đàm phán song phương và tiến tới hướng giải quyết cho chỉ riêng hai nước này đối với chủ quyền Trường Sa thì liệu Bắc Kinh có chấp nhận cách đó hay không?

Những bất đồng đối với vùng biển có khả năng thuộc về Trường Sa cũng đều là các tranh chấp đa phương và đều cần những giải pháp đa phương liên quan đến tất cả các bên tuyên bố chủ quyền. Bàn đàm phán tay đôi sẽ không thể cho ra một đường hướng nào khả dĩ. Thế thì vì lẽ gì mà Bắc Kinh luôn khăng khăng rằng các thảo luận song phương phải là cơ chế duy nhất  để tháo gỡ vấn đề, mặc cho sự thực là phương cách này không thể cho ra đáp án?

Rõ ràng đây là một phần của chiến lược chia để trị. Trung Quốc hy vọng rằng các bên tranh chấp sẽ nhượng bộ từng bên từng bên một và sẽ chấp nhận những cách xử lý ít công bằng hơn.

Cũng vậy, bằng cách bám chặt vào cách tiếp cận không phù hợp, Trung Quốc đang cố khóa chặt các khả năng tiến triển  cho những giải pháp thảo luận. Là nước mạnh nhất trong các bên tranh chấp trước nay, cùng với tình hình thiếu vắng những đường hướng ôn hòa đã tạo thuận lợi ngày càng gia tăng cho Trung Quốc củng cố vị thế của mình và làm suy yếu các bên có ý kiến khác biệt khác. Cho nên, việc khăng khăng đòi hỏi một cơ chế đàm phán không phù hợp để làm đóng băng các khả năng hướng đến sự tháo gỡ thông qua đàm phán sẽ làm Bắc Kinh có thêm ưu thế.

Luật Biển và đường "chữ U" của Trung Quốc

Có những điểm trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển khiến cho các tranh nghị về vùng biển trong Biển Đông trở nên quan trọng không chỉ đối với các bên tuyên bố chủ quyền mà còn có tính huyết mạch đối với tất cả các nước khác trên thế giới.

Đường "chữ U" của Trung Quốc nằm xa hẳn khoảng cách 12 hải lý trong phạm vi chủ quyền, xa hẳn những giới hạn có thể là khu vực kinh tế đặc quyền và xa hẳn cả những đường trung tuyến giữa Trường Sa, Hoàng Sa và các bờ biển đối diện.

Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đã được 160 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, phê chuẩn đã nêu rõ rằng một nước ven biển chỉ có chủ quyền trong vùng lãnh hải rộng tối đa là 12 hải lý (22 km) nằm giáp ngoài đường cơ sở. Trong vùng lãnh hải này, quốc  gia ven biển sẽ có toàn quyền hành xử; những nước khác không có quyền gì khác ngoài quyền "đi qua không gây hại", chủ yếu là đi ngang qua các vùng nước liên quan để đến một nơi nào khác.

Ngoài 12 hải lý, nước ven biển sẽ không có chủ quyền, họ chỉ có những quyền cụ thể do luật biển minh định như là độc quyền kinh tế đối với khu vực đặc quyền kinh tế, và độc quyền khai thác đáy biển và lòng đất trong khu vực thềm lục địa mở rộng.

Nói nôm na, điều đó có nghĩa là chỉ có một dải biển có diện tích rộng 12 hải lý ra bên ngoài các đường cơ sở ven biển và  xung quanh các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough là có tiềm năng nằm trong vùng chủ quyền của một nước nào đó.

Nếu một quốc gia tuyên bố có chủ quyền, thay vì chỉ có độc quyền kinh tế, ngoài các giới hạn này, quốc gia đó thật ra đã có ý đồ áp đặt quyền định đoạt toàn bộ của họ trên những vùng nước vốn phải chịu sự tài phán tối thượng của luật quốc tế. Do vậy cộng đồng quốc tế có quyền quan tâm, và thế giới sẽ có quyền đưa ra lý lẽ để kháng nghị một cách rõ ràng.

Cũng vậy, khi một nước có yêu sách quá đáng về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế, sự tuyên bố đó là một sự xâm phạm đối với vùng biển của các láng giềng hoặc xâm hại vào vùng biển quốc tế, nơi cột nước và một phần đáy biển là của chung của cộng đồng thế giới. Quốc tế cần phải cảnh giác về điều này và phản bác lại các yêu sách quá đáng về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế vi phạm vùng biển quốc tê.

Đường "chữ U" có thể là một yêu sách hợp lý cho vùng đặc quyền kinh tế thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa hay không?

Theo những phán quyết trong quá khứ của Tòa án Công lý Quốc tế và các hiệp định biên giới giữa các nước với nhau, ngay cả  cả các đảo có diện tích lớn hơn các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cũng chỉ̃ được ban các  vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay vùng thềm lục địa nhỉnh hơn 12 hải lý theo bề rộng. Cách tính như vậy sẽ  để lại một khu vực ở giữa Biển Đông xem như vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, đường "chữ U" nằm tràn ra bên ngoài 12 hải lý tính từ Hoàng Sa và Trường Sa và vi phạm toàn bộ khu vực này.

Ngoài ra, luật quốc tế và thông lệ quốc gia không bao giờ đồng ý cho một đảo có được vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nằm vươn qua phía bên kia đường trung tuyến giữa quốc gia đó và các bờ biển đối diện, thuộc về những đảo lớn hơn hay thuộc về những vùng đất lục địa. Tuy nhiên, đường "chữ U" của Trung Quốc không chỉ bao trùm ra ngoài 12 hải lý mà nó còn khuất lấp bất kỳ đường trung tuyến nào mà ta có thể hình dung ra.

Do vậy, nếu như đường chữ U là biểu thị cho tuyên bố chủ quyền của một vùng đặc quyền kinh tế nào đó phát xuất từ Hoàng Sa và Trường Sa, thì tuyên bố chủ quyền đó là một tuyên bố quá trớn, vi phạm hoàn toàn một khu vực có thể thuộc vùng biển quốc tế- chưa kể đến sự việc không có gì để nói chắc rằng Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Trung Quốc.

Thêm nữa, quan điểm hạn hẹp của Trung Quốc về tự do thông thương trong vùng đặc quyền kinh tế, ví dụ tiêu biểu là sự cố tàu Trung Quốc quấy phá tàu khảo sát Impeccable của Mỹ, lại càng làm cho tuyên bố của họ về vùng đặc quyền kinh tế dôi dư ấy càng thêm phức tạp cho cộng đồng quốc tế nói chung và cho các láng giềng Đông Nam Á nói riêng.

Liệu đường chữ U có hợp lý không nếu như nó nhằm biểu thị cho thềm lục địa dựa trên sự kéo dài tự nhiên của thềm lục địa từ đất vươn thoai thoải ra đáy biển?

Do Việt Nam có đường bờ biển dài và thềm lục địa Sunda kéo dài từ phía nam Biển Đông, việc áp dụng nguyên tắc kéo dài tự nhiên của thềm lục địa và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ dành cho Việt Nam, Malaysia và Philippin hầu hết các thểm lục địa trong Biển Đông.

Vì lẽ đó, không thể biện luận cho đường chữ U bằng cách  áp dụng nguyên tắc kéo dài tự nhiên của đất lục địa xuống đáy biển.

Cũng nên lưu ý rằng trong khi tại Biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã dùng nguyên tắc kéo dài tự nhiên để đòi hỏi toàn bộ thềm lục địa kéo dài từ bờ biển lục địa của họ cho đến mép lục địa tại Rãnh Okinawa, bỏ qua các đảo Lưu Cầu của Nhật, thì tại Biển Đông, Bắc Kinh lại chống Việt Nam và Malaysia áp dụng nguyên tắc này.

Một điểm bất nhất nữa trong yêu sách của Trung Quốc là trong khi tuyên bố chủ quyền về thềm lục địa tại Biển Hoa Đông sẽ chỉ để lại cho quần đảo Lưu Cầu của Nhật các vùng biển lùi sâu vào trong đường trung tuyến, còn với đường chữ U thì Bắc Kinh lại cho quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, một vùng biển vươn ra bên ngoài đường trung tuyến!

Thế nên Trung Quốc đang đối diện với một lựa chọn phải từ bỏ đường chữ U để tuân thủ Luật Biển Quốc Tế hoặc bảo lưu đường này chống lại tất cả các quy tắc và các tiền lệ đã được chấp nhận toàn thế giới. Đáng tiếc là Trung Quốc có vẻ đang sa đà vào con đường thứ hai. Trong những năm gần đây, họ đã thông qua một đạo luật cấm các bản đồ không vẽ các đường chũ U trên đó. Năm 2009, lần đầu tiên họ đã đệ nạp một bản đồ có đường chữ U lên Liên Hiệp Quốc. Tất cả các biểu hiện này có nghĩa là Trung Quốc đang cố gắng leo thang về tuyên bố đường chữ U trong khi cố ý lòa lòa chớp chớp về bản chất và cơ sở của tuyên bố này.

Bởi đường chữ U không thể biện giải như là vùng kinh tế đặc quyền hay thềm lục địa phát xuất từ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một số học giả Trung Quốc đã cố biện bạch cho nó bằng cách dùng các lập luận mà họ gọi là danh nghĩa chủ quyền lịch sử đối với vùng biển này. Tuy nhiên, một tuyên bố phát xuất từ lý giải "danh nghĩa  lịch sử" đối vùng biển hoàn toàn không phải là một tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phát xuất từ địa lý, và do vậy không phù hợp vời Luật Biển quốc tế. Đó là một phần lý do  tại sao Trung Quốc cảm thấy mình bị phê bình khi bà Clinton tuyên bố rằng các bên tranh chấp cần phải theo đuổi các tuyên bố chủ quyền của mình phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Quan ngại nghiêm trọng hơn là, các tuyên bố chủ quyền đối với biển dựa trên lập luận "danh nghĩa lịch sử" và "vùng nước lịch sử" có thể là tuyên bố chủ quyền đối với biển vượt quá 12 hải lý – một điều rất phương hại cho khu vực và thế giới. Và, xét thái độ mập mờ của Trung Quốc trong vấn đề này, không ai có thể biết được Trung Quốc có đòi chủ quyền đối với biển vượt quá 12 hải lý, hoặc trong tương lai họ có sẽ làm điều đó hay không.

Tựu trung, đường chữ U của Trung Quốc hoặc là một yêu cầu quá lố về vùng đặc quyền kinh tế, hoặc là một yêu sách quá mức về thềm lục địa, hoặc là một đòi hỏi quá đáng về chủ quyền đối với biển, tất cả đều không biện luận được dẫu vẻ như có xuất phát từ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa-vẫn trong vòng tranh chấp- trong khuôn khổ Luật Biển quốc tế.

Quốc tế hóa hay phi-quốc tế hóa?

Trên cơ sở Luật Biển định nghĩa quyền hạn của tất cả các nước đối với biển và đại dương và đã được

160 nước phê chuần, trong đó có Trung Quốc, cộng đồng quốc tế cần kháng nghị đường chữ U dưới mọi hình thức. Trong khi cộng đồng thế giới có thể đứng trung lập trong vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough, thế giới không thể bàng quan đối với đường chữ U.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Biển Đông đã luôn là một biển quốc tế cũng như Địa Trung Hải. Theo Luật Biển, các quốc gia ven biển có chủ quyền trong lãnh hải 12 hải lý. Phần còn lại, chiếm phần lớn Biển Đông, sẽ phải nằm trong vùng định đoạt của Luật Biển. Điều này có nghĩa hầu hết Biển Đông là một biển quốc tế như Địa Trung Hải, và cộng đồng quốc tế có quyền quan tâm đến các tuyên bố chủ quyền tại đây.

Sự kiện Trung Quốc chống lại việc "quốc tế hóa" Biển Đông thực chất là một nỗ lực để phi–quốc tế hóa một biển quốc tế. Một khi Biển Đông đã bị phi-quốc tế hóa, Trung Quốc sẽ có thể áp đặt sức mạnh của họ trên các nước Đông Nam Á và buộc các nước này phải theo luật chơi của họ, thay cho luật lệ đã được chấp nhận trên toàn thế giới đối với các vùng biển này. Việc này sẽ biến Biển Đông thành một ao nhà của Trung Quốc, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng cho vùng Đông Nam Á và cho cả thế giới.

D. D. D. & L. T. T.

TS Dương Danh Huy là một chuyên viên IT tại Anh. Ông đã có bài viết  về Biển Đông trên BBC và VietNamNet. TS Lê Trung Tĩnh là một chuyên gia về khoa học hạt nhân tại Pháp.

Nguồn: Seasfoundation


Hồ Cẩm Đào ‘giúp’ Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa bình

Duy Ái – VOA

clip_image001

Hình: AP

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã giúp cho nhà văn Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa bình 2010! Ông Thiết Lưu, một ký giả lão thành nổi tiếng ở Trung Quốc, đã cho biết như thế trong lúc trình bày về việc ông ký tên vào một lá thư công khai để đòi hỏi chính phủ ở Bắc Kinh chấm dứt chế độ kiểm duyệt báo chí và tôn trọng quyền tự do ngôn luận và các quyền cơ bản khác của người dân. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết về việc này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách.

Ông Lưu Hiểu Ba đang thụ án tù 11 năm trong một nhà tù ở Trung Quốc

Hôm thứ Ba vừa qua, trong lúc nhiều người trên thế giới tiếp tục bàn tán về việc nhà văn Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa bình, 23 nhân vật nổi tiếng trong giới trí thức và giới truyền thông Trung Quốc đã công bố một lá thư đòi chính phủ ở Bắc Kinh ngưng kiểm duyệt báo chí và tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân. Bức thư gởi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc nói rằng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội và tự do biểu tình  – được qui định rõ trong điều 35 của Hiến pháp 1982, đã không ngớt bị chà đạp và điều này đã trở thành "một vụ tai tiếng trong lịch sử dân chủ thế giới." Thư này còn than phiền rằng quyền tự do mà người dân Trung Quốc được hưởng hiện nay – hơn 60 năm sau khi "làm chủ đất nước", còn thua xa các quyền mà người dân thuộc địa Hồng Kông được hưởng trước khi nước Anh giao hoàn phần đất này cho Trung Quốc.


Nhà báo lão thành Thiết Lưu là một trong những người ký tên vào lá thư này. Ông cho biết như sau về tình hình của giới truyền thông Trung Quốc hiện nay.

Ông Thiết Lưu nói: "Báo chí ở nước tôi từ trước tới nay không hề được khai phóng mà chỉ đóng vai trò 'cái miệng' của Đảng. Lẽ ra báo chí phải là 'cặp mắt' của nhân dân, nhưng bây giờ lại trở thành cái miệng của Đảng. Bởi vậy cho nên tường thuật của báo chí rất đỗi thiên lệch. Trong những năm gần đây báo chí còn xuống cấp tới độ chẳng những không xứng đáng là cái miệng của Đảng mà chỉ còn là người phát ngôn của những nhóm đặc quyền đặc lợi."

Ông Thiết Lưu cho biết trong số 23 người ký tên vào lá thư công khai này có đến 60% là những người từng hoạt động trong ngành truyền thông báo chí và nắm giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng và Chính phủ, như ông Lý Nhuệ, cựu Phó Bộ trưởng Bộ tổ chức Trung ương và từng làm thư ký cho ông Mao Trạch Đông; ông Hồ Tích Vĩ, cựu chủ nhiệm của tờ Nhân dân Nhật báo; ông Vu Hữu, cựu tổng biên tập báo Nhân dân; và ông Lý Phổ, cựu Phó giám đốc Tân Hoa Xã. Ông Thiết Lưu nói thêm rằng 90% những người ký tên là đảng viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc và nhiều người có tuổi đảng còn cao hơn tuổi đời của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Khi được hỏi về việc nhà văn Lưu Hiểu Ba vừa đoạt được giải Nobel Hòa bình 2010 trong lúc thọ án tù 11 năm vì tham gia soạn thảo Hiến Chương 08 để kêu gọi cải cách dân chủ, nhà báo Thiết Lưu cho biết rằng diễn tiến này đã nêu bật tệ nạn đàn áp tự do ngôn luận ở Trung Quốc.

Ông Thiết Lưu nói: "Theo tôi thì vụ việc liên quan tới ông Lưu Hiểu Ba là một vấn đề về tự do ngôn luận. Có thể nói rằng giải Nobel Hòa bình của ông Lưu không phải là do Ủy ban Nobel trao tặng mà do chính ông Hồ Cẩm Đào trao tặng. Ông Lưu chỉ viết Hiến chương 08, hành sử quyền tự do ngôn luận của mình, mà lại bị tuyên án tù! Cớ sao chính phủ lại bỏ tù ông ấy? Chính phủ làm như vậy là tự hại lấy mình, vì rốt cuộc không phải là người khác muốn lật đổ chính phủ mà chính bản thân chính phủ tự chuốc lấy cái sự nhục nhã cho mình."

Lá thư công khai đã mạnh mẽ chỉ trích Bộ Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc mà họ gọi là "hắc thủ" – hay "thủ phạm giấu mặt", của những hành vi đứng trên pháp luật để chà đạp quyền tư do báo chí. Thư này đặc biệt bày tỏ bất mãn trước sự kiện là những phát biểu hồi gần đây của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về cải cách chính trị cũng bị "hắc thủ" kiểm duyệt và cắt xén.

Nhà văn Thiết Lưu cho biết tính đến ngày thứ tư (13 tháng 10), lá thư đòi tự do ngôn luận đã được gần 470 người ký tên ủng hộ, mặc dù giới hữu trách Trung Quốc đã nhanh chóng ngăn chận việc phổ biến lá thư trên mạng internet.

Ông Lý Đại Đồng, một nhà bình luận nổi tiếng của tờ Thanh niên Trung Quốc, cho biết rằng tuy ông chưa có cơ hội tham gia ký tên nhưng ông hoàn toàn ủng hộ những quan điểm của thư này.

Ông Lý nói: "Lá thư hô hào này đã viết rất rõ ràng. Đó là cần phải thực thi những điều khoản trong hiến pháp. Không thể tiếp tục để cho hiến pháp của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa tiếp tục là một văn bản sáo rỗng. Đảng Cộng Sản Trung Quốc lên nắm chính quyền đã 60 năm rồi mà tới nay vẫn chưa thể hiện lời hứa với nhân dân về tự do báo chí, tự do ngôn luận!"

Các nhà quan sát tình hình Trung Quốc cho biết chính phủ ở Bắc Kinh tiếp tục phong tỏa những tin tức liên quan tới việc nhà văn Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel, ngoại trừ một số ít bài viết chỉ trích ủy ban Nobel và chính phủ Na Uy.

Tiến sĩ Trình Lập, một nhà nghiên cứu người Trung Quốc làm việc cho Viện Brookings ở Washington, cho rằng việc ông Lưu Hiểu Ba đoạt giải có thể mang lại một tác động tích cực cho những nỗ lực tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở Trung Quốc.

Tiến sĩ Trình Lập cho biết: "Người dân Trung Quốc thường đánh giá cao giải thưởng Nobel, bất kể là Nobel Hòa bình hay Nobel khoa học. Diễn tiến này chắc chắn là một yếu tố khiến cho người dân Trung Quốc, thậm chí cả những nhà lãnh đạo Trung Quốc, suy nghĩ lại vai trò của Trung Quốc trong thế giới ngày nay. Nghĩ về việc làm thế nào để gia nhập với thế giới thay vì tách khỏi sự phát triển toàn cầu."

Trong khi đó, một nhà báo bất đồng chính kiến ở Trung Quốc, bà Đới Tình, cho biết rằng giải Nobel Hòa bình lọt vào tay ông Lưu Hiểu Ba làm cho giới tranh đấu dân chủ ở Trung Quốc cảm thấy phấn chấn. Bà cho biết như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA.

Bà Ðới Tình nói: "Giải thưởng này không phải chỉ trao cho một mình ông ấy. Ủy ban Nobel ở Na Uy đã nói rất rõ. Họ nói ông Lưu Hiểu Ba là một biểu tượng. Điều này cũng có nghĩa là ở Trung Quốc có đến hàng ngàn hàng vạn người đã ra sức tranh đấu trong cương vị của mình. Tình cảnh của những người đó có thể còn khổ sở, còn nguy hiểm hơn tình cảnh của ông Lưu Hiểu Ba. Những việc mà họ làm còn gian khổ hơn nhiều. Nhưng mà chỉ cần một người được trao giải là đủ. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy ông Lưu Hiểu Ba được trao giải."

Tường thuật hôm thứ Tư của hãng tin Bloomberg trích lời ông Hoàng Kinh, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng lá thư đòi tự do ngôn luận được công bố hai ngày trước phiên họp của ủy ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phản ánh một cuộc tranh luận nội bộ về tương lai của kế hoạch cải cách chính trị. Ông Hoàng nói thêm rằng điều này cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy phe cải cách đang ở thế hạ phong sau khi ông Lưu Hiểu Ba đoạt được giải Nobel.

D. A.

Nguồn: VOA


Nobel Hòa Bình 2010 : Trung Quốc cay cú nhưng sẽ phải thay đổi

Tú Anh

clip_image002  

Ông Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình 2010 và vợ là bà Lưu Hà. Ảnh do gia đình cung cấp cho hãng Reuters ngày 3/10/2010.

 

Reuters

"Giải Nobel Hòa Bình năm nay là một cơn địa chấn làm rung chuyển xã hội Trung Quốc. Trước mắt, tuy chưa thể đo lường được tác động trong lâu dài nhưng đảng Cộng sản đã bị đánh trúng". Trên đây là lời phân tích của luật sư trẻ Hứa Chí Vĩnh với thông tín viên RFI tại Bắc Kinh sau hai ngày bị công an câu lưu. Ông Vĩnh đã tham gia vào cuộc biểu tình chào mừng sự kiện lịch sử với biểu ngữ "tự do muôn năm" vào chiều 08/10/2010, ngày Ủy Ban Nobel Hòa Bình thông báo trao giải thưởng cho giáo sư Lưu Hiểu Ba. Giới ly khai tin chắc là chính quyền đã hiểu là cần phải thay đổi.

Một tuần lễ đã trôi qua từ khi Ủy ban Nobel Hòa Bình Na Uy thông báo trao giải Nobel năm nay cho tù nhân chính kiến Lưu Hiểu Ba, đảng Cộng Sản Trung Quốc gia tăng các biện pháp trấn áp các nhà ly khai trong nước.

Nạn nhân đầu tiên là bà Lưu Hà, vợ của tân Nobel Hòa Bình, bị an ninh quản thúc tại gia, cắt điện thoại di động và internet. Tiếp theo đó là hàng chục nhà đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ bị bắt, có người được thả nhưng nhiều người chưa biết số phận ra sao.

Ngoài nước, Bắc Kinh tỏ thái độ giận dữ lên án Ủy Ban Nobel và Tây phương "khinh thường" Trung Quốc, trao giải Nobel cho một "tội nhân", sử dụng giải thưởng như một đòn chính trị "tấn công Trung Quốc".

Phản ứng trả đũa đầu tiên của Bắc Kinh là hủy bỏ một cuộc gặp gỡ với Oslo để bàn về một hiệp ước hợp tác về ngư nghiệp với hệ quả là Na Uy sẽ không còn hy vọng ký với Trung Quốc một hiệp định thương mại tự do vào cuối năm nay.

Trước thái độ khó chịu của chính quyền đại cường châu Á này, ngoại trưởng Na Uy Jonas Gahr Stoere đáp lại một cách nhẹ nhàng: "Nếu hiệp định đi đúng quyền lợi của hai nước thì phải vạch rõ mục tiêu và hoàn tất đàm phán. Không hiểu tại sao lại để những yếu tố khác gây cản trở?".

Mặc dù Trung Quốc gây nhiều áp lực nhưng không lay chuyển được sự lựa chọn của 5 thành viên Ủy Ban Hòa Bình. Tuy do Quốc hội Na Uy đề cử nhưng Ủy ban độc lập này đã kiên quyết chọn người đứng mũi chịu sào của "Hiến chương 08" để trao giải.

Trong khi đó thì mỗi ngày có thêm nhiều quốc gia từ Hoa Kỳ đến Nhật Bản kêu gọi Bắc Kinh phải trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba. Ngay Đài Loan, tuy đang theo đuổi một chính sách cải thiện quan hệ với Trung Quốc cũng tỏ ra hãnh diện về sự kiện mà Tổng thống Mã Anh Cữu gọi là "lịch sử".

Tại Trung Quốc, giới ly khai cho biết là đã chuẩn bị đón chờ thái độ trả thù của chính quyền. Nhà thơ kiêm nhiếp ảnh gia Lưu Hà, vợ của giáo sư Lưu Hiểu Ba, chỉ được công an cho tự do đi lại một ngày để thăm chồng và báo tin về giải thưởng. Nhà ly khai đã khóc trong nỗi mừng và tuyên bố cùng tặng giải thưởng cao quý này cho tất cả những người đã tranh đấu cho tự do dân chủ, từ thế hệ Mùa Xuân Bắc Kinh 1989 cho đến hôm nay.

Bình luận về sự kiện này, luật sư Hứa Chí Vĩnh, một trong những luật sư bảo vệ các nhà dân chủ bị tù tội và cũng là người tổ chức biểu tình chiều ngày 8 tháng 10 nói với phóng viên RFI Stéphane Lagarde là "Giải Nobel này là một trận động đất xã hội. Giải thưởng trao cho ông Lưu Hiểu Ba đã làm nội bộ lãnh đạo tỉnh thức".

Được thả sau hai ngày bị câu lưu, dù bị cấm tiếp xúc với báo chí nước ngoài, luật sư Hứa Chí Vĩnh vẫn bất chấp. Ông nhận định rằng "Đảng đã bị trúng thương và ý thức phải thay đổi" tuy chưa thể dự phóng là tác động tương lai tới đâu.

Không riêng gì giới trẻ tranh đấu mà ngay thành phần lão thành cột trụ của chế độ cũng lên tiếng đòi phải hủy bỏ chế độ kiểm duyệt. Bức thư chung do 23 nhân vật ký tên trong đó có Lý Nhuệ nguyên là thư ký của Mao Trạch Đông và Hồ Cơ Vi, cựu tổng biên tập Nhân dân nhật báo kêu gọi cải cách "nếu không Đảng sẽ chết".

Còn đối với giới phân tích quốc tế như chuyên gia Pháp Valérie Niquet, giám đốc đặc trách Á châu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp, thì giải Nobel năm nay mang ý nghĩa là "chính sách gây căng thẳng của Bắc Kinh trên các hồ sơ quốc tế đã thất bại. Trung Quốc càng ngày càng cô đơn trên thế giới".

Để tìm thêm về ý nghĩa và tác động của sự kiện một nhà ly khai Trung Quốc được giải thưởng Nobel Hòa Bình, RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với giáo sư chính trị quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason, Hoa Kỳ.

"Ông Lưu Hiểu Ba là người xứng đáng, có tư cách (nhận giải Nobel Hòa bình)… Năm 1989, đang làm giáo sư thỉnh giảng tại Nữu Ước ông đã về Bắc Kinh tham gia phong trào Thiên An Môn. Trong bài viết trước khi vào tù luận điểm của ông rất là nhân bản, ông chỉ chỉ trích chế độ chứ không trách những con người phải phục vụ chế độ ấy, kể cả những người bắt giam ông và các cai ngục…"

"Bản án 11 năm tù vì ký vào hiến chương 08 là quá đáng, tại Viêt Nam những người ký hiến chương 8406 tôi không thấy có người nào bị giam lâu như vậy…"

"Tác động về lâu về dài thì khó đoán nhưng tại Trung Quốc có rất nhiều người muốn dân chủ kể cả Thủ tướng Ôn Gia Bảo, trào lưu hiện nay là như vậy…"

T. A.

Nguồn: RFI


Thư ngỏ đòi tự do ngôn luận của các vị trưởng lão Cộng sản Trung Hoa

Phạm Toàn dịch theo bản dịch và giới thiệu của David Bandurski ngày 13-10-2010 trên trang mạng của CMP – China Media Project – Dự án Truyền thông Trung Hoa.

image

 

gày 11 tháng 10 năm 2010, có 23 vị trưởng lão của đảng Cộng sản Trung Hoa nổi tiếng vì lập trường ủng hộ cải cách của họ, trong đó có cả thư ký riêng trước đây của Mao Trạch Đông Lý Nhuệ (李锐) và nguyên tổng biên tập Nhân dân nhật báo Hồ Tích Vĩ (胡绩伟), đã cùng ký tên gửi thư ngỏ lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chính thức là cơ quan quyền lực tối cao của Trung Quốc, kêu gọi chấm dứt việc hạn chế tự do biểu đạt ở nước này.

Lá thư khẩn thiết yêu cầu Đảng CS xóa bỏ việc kiểm duyệt và thực thi quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của công dân. Nhân cơ hội trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến Trung Hoa Lưu Hiểu Ba (刘晓波) tuần trước, lá thư nhắc nhớ một cách tường minh về những phát ngôn trước khi có giải thưởng đó của cả chủ tịch Hồ Cẩm Đào (胡锦涛) và Thủ tướng Ôn Gia Bảo (温家宝). [Đính chính của biên tập CMP: kết luận rằng lá thư ngỏ này có chút liên hệ nào với giải Nobel Hòa Bình cho ông Lưu Hiểu Ba thì hơi vội. Thư đề ngày 1 tháng 10, tức là một tuần trước khi Ủy ban giải thưởng Nobel công bố giải.

 

Hãy tuân thủ thực thi điều 35 Hiến pháp Trung Hoa, bãi bỏ chế độ kiểm duyệt và thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của công dân – Thư ngỏ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Người viết: Lý Nhuệ (李锐), Hồ Tích Vĩ (胡绩伟) và nhiều người khác

Ngày 11 tháng 10 năm 2010

Thưa các vị trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội,

Điều 35 Hiến pháp nước Trung Hoa thông qua năm 1982 tuyên bố rõ ràng rằng: "Công dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được hưởng tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội đoàn, tự do diễu hành và biểu tình." Suốt 28 năm, điều này trong Hiến pháp đã không được thực hiện, nó đã bị phủ định vì những luật lệ chi tiết và những quy tắc "thực thi". Kiểu dân chủ giả này theo cái lối tuyên bố chính thức và chối bỏ chi tiết đã trở thành một dấu hiệu xấu xa nhục nhã đóng lên Lịch sử của nền dân chủ thế giới.

Ngày 26 tháng Hai năm 2003, tại cuộc hội nghị tư vấn dân chủ giữa Bộ Chính trị Trung ương ĐCS Trung Quốc với các đảng phái dân chủ [http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_political_parties_in_the_People's_Republic_of_China],

Không lâu sau khi chủ tích Hồ Cẩm Đào (胡锦涛) lên nắm quyền, ông tuyến bố rõ ràng: "Việc bãi bỏ những hạn chế báo chí và việc mở rộng đường cho công chúng phát biểu ý kiến là trào lưu chung mang quan điểm và đòi hỏi của xã hội; đó là điều tự nhiên và nên được giải quyết thông qua con đường pháp luật. Nếu Đảng CS không tự mình thay đổi, nó sẽ mất đi sức sống và tự nhiên và tất yếu dẫn tới sự lụi tàn."

Ngày 3 tháng mười [năm 2010], hãng CNN của Mỹ tung lên sóng bài phỏng vấn thủ tướng Trung Hoa Ôn Gia Bảo (温家宝) do ông Fareed Zakaria thực hiện. Đáp l;ại câu hỏi của nhà báo, Ôn Gia Bảo nói: "Tự do ngôn luận là điều cần thiết cho mọi quốc gia; Hiến pháp nước Trung Hoa cho nhân dân quyền tự do ngôn luận; Ta không thể cưỡng lại được các đòi hỏi dân chủ của nhân dân."

Phù hợp với Hiến pháp Trung Hoa và theo tinh thần những nhận xét của chủ tịch Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo, chúng tôi xin gửi kèm theo đây tài liệu về quyến hiến định liên quan đến tự do ngôn luận và tự do báo chí:

Hiện trạng tự do ngôn luận và tự do báo chí nước ta

Chúng ta trong suốt 61 năm đã nhân danh các công dân để "phục vụ như những ông chủ" của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Nhưng quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí chúng ta được hưởng hôm nay lại thấp hơn ở Hồng Kông trước khi mảnh đất thuộc địa này được trở về với chủ quyền Trung Hoa. Trước khi chuyển giao cho Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Hồng Kông là thuộc địa của Anh quốc, bị cai trị bới những người do chính quyền của Nữ Hoàng Anh chỉ định. Thế nhưng tự do ngôn luận và tự do báo chí được chính quyền Anh trao cho dân chúng sống ở Hồng Kông thảy đều không rỗng, không chỉ là lời lẽ nằm trên giấy. Mọi thứ đều được ban hành và thực thi.

Khi nước ta ra thành lập năm 1949, nhân dân ta kêu to lên rằng họ đã được giải phóng, họ đã thành chủ nhân của chính mình. Mao Trạch Đông nói, "Kể từ lúc này, nhân dân Trung Hoa đã đứng lên." Thế nhưng ngay mãi tới hôm nay, 61 năm sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, sau 30 năm mở cửa và đổi mới, chúng ta vẫn chưa đạt tới được cái tự do ngôn luận và tự do báo chí ở mức độ nhân dân Hồng Kông sống dưới chế độ thuộc địa được hưởng. Ngay cả bây giờ đây, nhiếu cuốn sách bàn thảo về các vấn đề chính trị và tình hình hiện thời đều phải in ở Hồng Kông. Cách làm ăn kiểu đó không phải là mới mẻ kể từ khi Hồng Kông trở về với Trung Hoa, mà đã quen làm kiểu đó từ thời chế độ thuộc địa. Thể chế "làm chủ" của nhân dân Trung Hoa đại lục quá thấp. Và khi nước ta quảng cáo là có nền "dân chủ xã hội chủ nghĩa" với đặc điểm Trung Hoa thì có việc này vẫn thật lúng túng khó nói: báo chí phải được tự do! Cái thói bóp nghẹt tự do biểu đạt của nhân dân như thế là hoàn toàn trái pháp luật!

Ngay cả các nhà lãnh đạo cấp cao đi nữa — ngay thủ tướng nước ta cũng không có tự do ngôn luận hoặc tự do báo chí! Hôm 21 tháng tám năm 2010, thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu ở Thâm Quyến, ông nói: "Cjhir có đẩymanhj cải cách thì đất nước ta mới có cơ đồ sáng sủa. Chúng ta không được chỉ thúc đẩy cải cách kinh tế, mà chúng ta phải thúc đẩy cải cách chính trị nữa. Không có sự bảo vệ từ những cải cách chính trị, những gì ta thu được từ cải cách kinh tế có thể bị mất, và chúng ta không thể thực hiện được các mục tiêu hiện đại hóa của mình."

Hãng tin Tân Hoa chính thức đưa tin ngày 21 tháng tám tiêu đề "Xây dựng một tương lai tươi sáng cho đặc khu kinh tế,"đã bỏ qua không đăng lời Ôn Gia Bảo nói về cải cách chính trị. Ngày 22 tháng chín năm 2010, (theo giờ địa phương Hoa Kỳ) thủ tướng Ôn Gia Bảo có cuộc trò chuyện tại New York với phương tiện truyền thông của Mỹ gốc Hoa và phương tiện truyền thông từ Hồng Kông và Macao, một lần nữa ông lạin hấn mạnh tầm quan trọng của "cải cách hệ thống chính trị". Ông nói: "Liên quan đến các cải cách chính trị, tôi từng nói rồi, rằng nếu chỉ cải cách kinh tế mà không có sự bảo vệ nhờ các cải cách chính trị, thì chúng ta không thể nào thành công hoàn toàn, thậm chí những gì thu được trong bước tiến lên cho tới nay có thể bị mất tong." Sau đó, Ông Gia Bảo trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 65 Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, lại có bài tựa đề "Nhìn nhận một nước Trung Hoa đích thực,"trong bài này ông lại nói về cải cách chính trị. Về sau, vào ngày 23 tháng chín (giờ Bắc Kinh), các sự kiện này đều được đưa lên mục Tân-Văn Liên-báo của Truyền hình Trung ương và trong bản tin chính thức của Tân Hoa Xã. Nhưng các bản tin đó chỉ nói tới những nhận xét của Ôn Gia Bảo về các bối cảnh Hoa kiều phải đương đầu và về tầm quan trọng của truyền thông Trung Hoa ở nước ngoài. Mọi điều ông nói về cải cách chính trị đều bị bóc.

Về những vụ việc như thế, nếu chúng ta hy vọng tìm ra được một kẻ nào đó phải chịu trách nhiệm,thì chúng ta hoàn toàn không thể chỉ ra đích danh một ai cụ thể. Đây là những bàn tay đen vô hình. Vì lý do riêng, chúng vi phạm hiến pháp nước ta, thường khi dùng điện thoại ra lệnh những bài viết này nọ không được đưa lên truyền thông. Những viên chức gọi điện thoại ra lệnh đó không để lại tên tuổi, và các nhân viên bí mật đó lại được bảo vệ, còn bạn thì phải để ý thực hiện những gì họ đã ra lệnh qua điện thoại. Những bàn tay đen vô hình này là Vụ Tuyên truyền Trung ương của chúng ta. Hiện thời, Vụ Tuyên truyền Trung ương đứng trên Trung ương Đảng CS, và bên trên cả Hội đồng Nhà nước. Ta sẽ đặt câu hỏi: lấy cái quyền gì mà Vụ Tuyên truyền Trung ương bịt miệng ông thủ tướng? Lấy cái quyền gì mà họ tước đoạt của nhân dân nước ta cái quyền được biết ông thủ tướng đã nói gì?

Yêu cầu trung tâm của chúng tôi là xóa bỏ nạn kiểm duyệt và đi theo chế độ trách nhiệm trước luật pháp thôi. Các quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí được bảo lãnh tại điều 35 Hiến pháp nước ta trở thành những vật trang trí thuần túy cho những bức tường các điều lệ về biện pháp thực thi như "Điều lệ quản lý xuất bản". Nói rộng ra, các điều lệ đó là một hệ thống kiểm duyệt và cho phép. Có vô thiên lủng điều khuyến nghị và những kiêng cữ nhằm ngăn chặn tự do ngôn luận và tự do báo chí. Tạo ra luật báo chí và xóa bỏ hệ thống kiểm duyệt là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt chúng ta.

Chúng tôi kiến nghị Quốc hội ra tay hành động ngay lập tức để có bộ Luật Báo chí, và yêu cầu xóa bỏ ngay những "Điều lệ quản lý xuất bản"và tất cả những hạn chế ở các địa phương về đưa tin và xuất bản. Về phương diện thể chế, việc thực thi tự do ngôn luận và tự do báo chí như đã được bảo đảm trong Hiến pháp có nghĩa là làm cách gì cho hệ thống truyền thông được độc lập đối với Đảng CS và độc lập với các cơ quan chính quyền hiện đang kiểm soát những vấn đề đó, từ đó mà chuyển đổi những "lệnh miệng của Đảng" thành những "công cụ cho công chúng thấy rõ." Theo đó, việc tạo ra Luật Báo chí phải là sự thực thi hữu hiệu một hệ thống trách nhiệm pháp lý hậu sự kiện [post facto] [được ấn định rõ ràng bởi những bộ luật được làm ra một cách sòng phẳng]. Chúng ta không thể lúc nào cũng cứ nói đến "tăng cường sức mạnh của Đảng." Cái gọi bằng hệ thống kiểm duyệt là hệ thống trước khi muốn xuất bản cái gì đều phải được sự chấp thuận của các cơ quan của Đảng, họ chỉ cho phép xuất bản sau khi đã chấp nhận và đã chỉ ra mọi vật liệu bị coi là không đúng luật định đem xuất bản. Cái gọi bằng hệ thống trách nhiệm pháp lý có nghĩa là các tài liệu định xuất bản không phải đi qua cửa chấp thuận của Đảng hoặc của các cơ quan chính quyền, nhưng có thể được xuất bản càng sớm càng tốt khi tổng biên tập thấy đó là thích hợp. Nếu có những xuất bản phẩm không hay ho hoặc có những tranh chấp sau khi xuất bản, chính quyền có thể can thiệp và quyết định xử lý thuận theo luật định nếu thấy có những trường hợp làm sai. Tại các quốc gia trên khắp thế giới, nhà nước pháp quyền về phương diện thông tion và xuất bản đều đã đi theo con đường như thế, chuyển đổi từ hệ thống kiểm duyệt sang hệ thống trách nhiệm pháp lý. Không có mấy hồ nghi rằng các hệ thống trách nhiệm pháp lý là bước tiến bộ so với hệ thống kiểm duyệt, và điều này đóng góp rất nhiều cho sự phát triển các môn nhân văn và các khoa học tự nhiên cũng như trong việc tạo ra sự hài hòa xã hội và tạo ra tiến bộ lịch sử. Anh quốc đã từ bỏ chế độ kiểm duyệt vào năm 1695. Pháp xóa bỏ hệ thống kiểm duyệt vào năm 1881, và sau đó việc xuất bản báo chí chỉ đòi hỏi việc khai báo đơn giản có chữ ký của các đại diện việc xuất bản đó và gửi bằng đường Bưu điện tới văn phòng côing tố viên của nhà nước. Hệ thống kiểm duyệt hiện nay của chúng ta đối với sách báo đã đi chậm 315 năm sau với nước Anh và 129 năm sau nước Pháp.

Chúng tôi yêu cầu những điều cụ thể như sau:

  1. Xóa bỏ các thiết chế ngồi trên đầu các cơ quan truyền thông [Trung Hoa] [CHÚ THÍCH: Đó là cơ quan kiểm soát thực thi quyền kiểm soát của Đảng CS đối với các phương tiện truyền thông],cho phép các thiết chế xuất bản độc lập được hoạt động; Thực sự thực thi một hệ thống trong đó các giám đốc và tổng biên tập chịu trách nhiệm sau khi xuất bản.

  1. Tôn trọng các nhà báo và làm cho họ được mạnh lên. Các nhà báo cần phải là những "hoàng đế không ngôi." Việc viết báo về các vụ việc liên quan đến đông đảo công chúng, việc viết để phơi bày tham nhũng của các quan chức là những sứ mệnh cao quý vì nhân dân, và công việc làm này cần được bảo vệ và hỗ trợ.

Cấn chấm dứt ngay lập tức hành vi phi hiến pháp của nhiều quan chức cai trị các địa phương và công an đã giam giữ các nhà báo. Xem xét lại vụ [nhà văn] Tạ Triều Bình (谢朝平). Bí thư Đảng CS thành phố Duy-Nam Lương Phong Dân (梁凤民), [người tham gia vào vụ Xie Chaoping] cần phải nhận kỷ luật để cảnh báo cho kẻ khác.

  1. Xóa bỏ những hạn chế dùng công luận và hệ thống truyền thông [theo dõi bằng báo chí] để giám sát ngoài lãnh thổ, bảo đảm quyền của các nhà báo thực hiện công việc đưa tin và bài một cách tự do trên toàn quốc.

  1. Internet là một mặt bằng tranh luận để tìm thông tin trong xã hội ta và là nới nói lên các quan điểm của các công dân. Gạt sang một bên những thông tin thực sự liên hệ đến bí mật quốc gia, và những lờilex vi phạm quyền được riêng tư của công dân, các tổ chức theo dõi và ra quy chế internet không được tự ý xóa những bài đưa lên mạng và những "còm" đưa lên mạng. Chế độ mật thám mạng cần bị xóa bỏ, cần xóa sổ bọn người viết "còm" để lĩnh vài ba đồng bạc và phục vụ Đảng [the "Fifty-cent Party"] và những lối hạn chế internet bằng các kỹ thuật-công nghệ kiểm soát phải bị xóa sổ.

  1. Không được đề ra các kiêng cữ nào nữa liên quan đến lịch sử Đảng CS. Công dân Trung Hoa có quyền biết những sai lầm của đảng cầm quyền.

  1. [Chương trình truyền thông độc lập] Southern Weekly và Yanhuang Chunqiu phải được cấp phép tái cấu trúc thành các chương trình thực nghiệm tiên phong. Việc tư nhân hóa báo và tạp chí là định hướng (tự nhiên) của các cải cách chính trị. Lịch sử dạy chúng ta rằng: khi nhà cầm quyền và bọn người có ý đồ xấu cùng nhập bọn với nhau, khi chính quyền và các phương tiện truyền thông đều có biệt hiệu là "Đảng ta", và khi Đảng CS tự ngợi ca mình, khi đó thật khó mà đến được với nguyện vọng của nhân dân và có sự lãnh đạo thực sự. Kể từ thời Đại nhảy vọt đến thời Đại Cách mạng văn hóa, báo chí và tivi cùng radio trong đại lục chưa bao giờ thực sự phản ánh nguyện vọng của nhân dân. Các nhà lãnh đạo Đảng CS và chính quyền đều vô cảm trước những tiếng nói phản đối, nên họ không sao có thể nghe nhận đủ và chữa chạy hết mọi sai lầm. Đồi với một Đảng cầm quyền và một chính quyền dùng tiền người dân đóng thuế để bắt hệ thống truyền thông ngợi ca chính họ, thì đây là điều không được cho phép trong những quốc gia dân chủ.

  1. Cho phép tự do trao đổi sách báo giữa đại lục và vùng đất Hồng Kông và Ma Cao đã quay trả về Trung Hoa. Một quốc gia đã nhập WTO (World Trade Organization), và về kinh tế thì chúng ta đã hội nhập với thế giới — lại đang cố gắng làm cho các vùng miền xích gần nhau về văn hóa, quốc gia ấy cần đi theo con đường cởi mở và cải cách đã có đấy rồi. Hồng Kông và Macao cho ta thấy một khuôn mẫu văn hóa ở ngay cửa ngõ đất nước, còn báo chí sách vở của Hồng Kông và Macao lại được nhân dân hoan nghênh và tin tưởng đón nhân.

  1. Chuyển đổi chức năng của vô số cơ quan tuyên truyền để chúng có thể biến đổi từ các cơ quan chỉ biết sợ những điều kiêng cữ thành những cơ quan biết bảo vệ cái đúng, cái kịp thời và không ngáng trở dòng thông tin; biến đổi từ các cơ quan hỗ trợ những quan chức tham nhũng bằng cách chặn không cho công bố và kiểm soát những câu chuyện làm lộ rõ sự thật thành các cơ quan hỗ trợ các phương tiện truyền thông trong việc kiểm soát các cơ quan của Đảng CS và của chính quyền; biến đổi từ các cơ quan đóng cửa không cho ai xuất bản, đuổi việc các biên tập viên và bắt bớ các nhà báo thành biến đổi từ các cơ quan đối lập với chính quyền và bảo vệ các phương tiện truyền thông và các nhà báo. Công cuộc tuyên truyền của chúng ta nổi danh xấu xí trong lòng Đảng CS và trong xã hội. Chúng phải hoạt động sao để lấy lại thanh danh. Vào lúc nào đó thích hợp chúng ta có thể xem xét đặt tên lại cho chúng để phù hợp với các trào luu trên thế giới. Chúng tôi đại diện cho chính mình và kính mong các vị hãy chú ý cẩn thận tới những gì chúng tôi đề nghị.

Ngày 1 tháng mười năm 2010

Người ký tên (23 người):

Lý Nhuệ (李锐)– Nguyên phó ban Tổ chức Trung ương ĐCS, ủy viên Trung ương Đảng CSTQ khóa 12

Hồ Tích Vĩ (胡绩伟) — Nguyên chủ nhiệm "Nhân dân nhật báo", ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 7, giám đốc Liên đoàn các học viện thông tin Trung Hoa

Giang Bình 江 平 – Nguyên giám đốc Đại học Chính trị và Luật Trung Hoa,giáo sư đại học, đại biểu Quốc hội khóa 7, phó chủ nhiệm ủy ban Luật pháp Quốc hội

Li Phổ (李普) — Nguyên phó giám đốc Tân Hoa xã

Chu Thiệu Minh (周绍明) — Nguyên phó tư lệnh chính trị quân khu Quảng Châu

Chung Bái Chương (锺沛璋) — Nguyên thủ trưởng cơ quan Tin Tức Vụ Tyên truyền Trung ương

Vương Vĩnh Thành (王永成) — Giáo sư Đại học Jiaotong Thượng Hải

Trương Trung Bồi (张忠培) — Nghiên cứu tại Bảo tàng Hoàng cung, chủ tích Hộ Khảo cổ học Trung Hoa

Đỗ Quang (杜光) — nguyên giáo sư trường Đảng trung ương

Quách Đạo Quân (郭道晖) — Nguyên phó tổng biên tập tờ Khoa học Pháp lý Trung Hoa

Tiêu Mặc 萧 默 — Nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu Viên hàn lâm nghệ thuật Trung Hoa

Trang Phổ Minh (庄浦明) — Nguyên phó giám đốcViện Thông tin Nhân dân

Hồ Phụ Thần (胡甫臣) — Nguyên giám đốc và tổng biên tập nhà xuất bản Lao động Trung Hoa

Trương Định (张定) — Nguyên giám đốcViện Thông tin khoa học xã hội Trung Hoa thuộc Viên Hàn lâm khoa học xã hội Trung Hoa

Vu Hữu (于友) — Nguyên tổng biên tập "Nhân dân nhật báo"y

Âu Dương Kinh (欧阳劲) — Nguyên tổng biên tập tạp chí Hồng Kông Thái Bình (太平洋杂志)

Vu Tạo Thành (于浩成) — Nguyên giám đốc nhà xuất bản Đại chúng

Trương Thanh (张清) — Nguyên giám đốc nhà xuất bản Điện ảnh Trung Hoa

Du Nguyệt Đình (俞月亭) — Nguyên giám đốc Truyền hình Phúc Kiến, nhà báo lão thành

Sa Diệp Tân (沙叶新) — Nguyên giám đốc Viện hàn lâm nghệ thuật và kịch nghệ nhân dân Thượng Hải, hiệnlaf nhà văn độc lập dân tộc thiểu số người Hồi

Tôn Húc Bồi (孙旭培) — Nguyên giám đốcViện nghiên cứu Tin tức thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Hoa

Tân Tử Lăng (辛子陵) — Nguyên giám đốc bộ biên tập Đại học quốc phòng Trung Hoa

Thiết Lưu (铁流) — Tổng biên tập tạp chí có nghĩa "Vết sẹo quá khứ".

Tư vấn pháp lý

Tống Nhạc (宋岳) — Công dân Trung Hoa, luật sư hành nghề ở bang New York, Hoa Kỳ.