Cao Nhật (thực hiện)
VNR500) – Theo TS. Lê Kiên Thành, khái niệm "kinh tế thị trường định hướng XHCN" ở Việt Nam hiện chưa rõ ràng, tính minh bạch về trách nhiệm cũng chưa cao. Hơn nữa, khi người lãnh đạo còn mang những nỗi sợ vô hình thì kinh tế Việt Nam rất khó phát triển đột phá. PV. Diễn đàn VNR500 – Báo VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, về góc nhìn riêng của ông liên quan đến góp ý cho các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng. Có thể có những quan điểm của ông Lê Kiên Thành cần phải trao đổi, làm rõ thêm. Mời bạn đọc cùng tranh luận qua: vnr500@vietnamnet.vn. Nỗi lo chệch hướng "định hướng xã hội chủ nghĩa" - Là một Đảng viên đồng thời đang tham gia điều hành doanh nghiệp tư nhân, ông quan tâm như thế nào đến dự thảo các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng? TS. Lê Kiên Thành: Tôi nghĩ các văn kiện này khi được thông qua sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các chính sách cụ thể. Vì vậy, tôi rất mong chiến lược của Đảng vạch ra trong thời gian tới không chỉ dừng lại ở việc cởi trói cho sự phát triển mà còn phải có tính khai đường, mở lối để chúng ta luôn đi cùng với sự phát triển chung của thế giới. |
Việc hợp thức hóa những quan điểm đúng đắn trong thực tế phát triển đất nước là đáng ghi nhận, là điều tốt nhưng chiến lược cần phải làm được nhiều hơn điều đó, phải đi trước, mở ra những con đường rộng để "cỗ xe" nền kinh tế tăng tốc tiến lên phía trước. Kinh tế thị trường là một sản phẩm của quá trình tiến hóa xã hội loài người, chứa đựng trong nó những quy luật khách quan và khắc nghiệt. Chúng ta vì muốn hạn chế những yếu tố tiêu cực của kinh tế thị trường mà thêm vào sau đó mệnh đề "theo định hướng Xã hội chủ nghĩa". Tuy nhiên, tôi thấy chúng ta chưa và chắc là khó có được một cách hiểu thống nhất và rõ ràng về khái niệm này. Và trong khi chưa có những cách hiểu rõ ràng, thống nhất, chúng ta sẽ có rất nhiều các diễn đạt khác nhau và nó cũng là một nguyên nhân làm cho những bước đi trong quá trình đổi mới của chúng ta luôn trong trạng thái ngập ngừng, rụt rè. Và nhiều khi chính vì nỗi lo "chệch hướng", chúng ta bỏ lỡ những cơ hội cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước. - Vậy theo ông, chúng ta có thể điều chỉnh như thế nào về điểm này? Tôi nghĩ chúng ta chỉ cần khẳng định xây dựng được một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa như cách thiểu phổ quát của cả thế giới là hướng đi đúng đắn và rõ ràng hơn rất nhiều. Hoặc chúng ta nói: "Phát triển kinh tế thị trường, dưới sự quản lý của nhà nước XHCN". Nhà nước XHCN quản lý cái gì? Đó là việc định hướng các ngành nghề cần phát triển phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn. Cùng với đó là sự phân bổ thành quả lao động của nền kinh tế thị trường cho phù hợp với mục đích phát triển của xã hội ta (thông qua thuế… như ở nhiều nước, đặc biệt là Bắc Âu đang áp dụng). Một nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước là điều tiết, đảm bảo công bằng xã hội. Công bằng ở đây không thể hiểu theo nghĩa "cào bằng" như ngày xưa, mà công bằng ngày nay là sự bình đẳng về cơ hội, trong đó có việc bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực của quốc gia. Với sự công bằng đó thì các nguồn lực của đất nước mới được phân bổ một cách hiệu quả và mang lại giá trị lớn nhất cho nền kinh tế. Minh bạch về trách nhiệm và những nỗi sợ vô hình - Chính sách từ Trung ương đề ra rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là xuống đến địa phương nó được triển khai vào thực tế như thế nào. Chúng ta đã có những mô hình tốt ở các tỉnh như Bình Dương hay Đà Nẵng, nhưng có vẻ việc nhân rộng ra cả nước chưa được nhiều, ông nghĩ sao về điều này? Tôi nghĩ rằng lý do quan trọng để các tỉnh trên đạt được nhiều thành công trong phát triển kinh tế thì ngoài những thuận lợi về mặt địa lý tự nhiên, điều quyết định nhất là họ có một đội ngũ lãnh đạo năng động, sáng tạo, có tầm nhìn. Khi những người lãnh đạo cao nhất của địa phương có được những sự năng động sáng tạo, biết lắng nghe, dám làm và dám chịu trách nhiệm thì sự đổi mới đó sẽ lan truyền xuống cả bộ máy và lan tỏa trong cả cộng đồng kinh doanh và dân cư. Những địa phương như Đà Nẵng và Bình Dương là những điển hình cho điều này, nhưng đúng là việc nhân rộng ra cả nước quả thực là rất khó khăn vì như quan điểm tôi đã nói, nó có vai trò rất quan trọng của những người lãnh đạo đứng đầu. Từ chuyện chưa minh bạch khái niệm như tôi đã nói ở trên (nội hàm của mệnh đề "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" không rõ ràng) rồi đến cả chuyện minh bạch về trách nhiệm cũng chưa cao. Khi những người lãnh đạo mang trong mình những nỗi sợ vô hình thì tôi nghĩ rất khó để chúng ta có sự đột phá hay tăng tốc cho phát triển.
Vẫn còn tâm lý dè chừng kinh tế tư nhân - Ông có thể nói rõ hơn về ý này, vì trong dự thảo Cương lĩnh, Chiến lược mới đều khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân là động lực cho sự phát triển đất nước? Trong quá trình phát triển, có thể Nhà nước có những định hướng phát triển những ngành này ngành kia, điều đó được cụ thể hóa bằng những chính sách ưu đãi nhưng điều quan trọng ở đây là chính sách ưu đãi phải bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế tham gia vào ngành đó. Ví dụ, ở các nước phát triển, ngay cả kỹ thuật quân sự, trang thiết bị cho quân đội đảm bảo an ninh quốc gia mà người ta vẫn dám cho tư nhân làm và đặt hàng các công ty đó một cách cạnh tranh. Quân sự là thế, chưa nói đến những ngành khác. Thực tiễn nền kinh tế nước ta cho thấy khu vực kinh tế nhà nước vẫn đang nhận được rất nhiều ưu đãi nhưng những gì khu vực này đóng góp được cho nền kinh tế là chưa xứng đáng và thậm chí là đang gây ảnh hưởng xấu cho sự phát triển lành mạnh của cả nền kinh tế. Tôi cho rằng điều đó là sai lầm và chỉ khẳng định rằng Nhà nước vẫn có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế trong khi không ít các văn bản vẫn nói rằng phải xây dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực với nhau. Mặc dù bây giờ chúng ta không còn đến mức cấm đoán như ngày xưa, nhưng sự lo sợ hay e ngại cho kinh tế tư nhân tham gia vào nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế vẫn còn. Chúng ta cứ nghĩ rằng tư nhân thì không thể làm tốt được lĩnh vực đó, nhưng đã cho họ làm đâu mà biết là họ làm không được?! Và một khi tâm lý e ngại, dè chừng đó chưa mất thì khu vực kinh tế tư nhân khó mà phát triển lớn mạnh xứng đáng với vai trò và vị thế của nó trong nền kinh tế đất nước hôm nay. - Cũng là một người đang tham gia hoạt động ở doanh nghiệp tư nhân, nói chuyện và tiếp xúc nhiều với cộng đồng doanh nhân, ông nghĩ sao về vị thế của họ trong thời điểm hiện nay? Đội ngũ doanh nhân rõ ràng đang ngày càng được ghi nhận vị thế trong sự phát triển của xã hội. Nhưng tôi nghĩ rằng chừng nào còn có những ngành chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước làm, không dám hay không tạo cơ hội bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân tham gia thì sự ghi nhận đó vẫn còn những mâu thuẫn. Một điều nữa tôi cũng muốn nói là bây giờ chúng ta thử nhìn vào các cơ quan dân cử như quốc hội thì có được bao nhiêu đại biểu đang hay đã từng làm lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân? (khối doanh nghiệp đang đóng góp đến 60% GDP của đất nước) Số đó tôi cho là đang quá ít, quá ít so với những gì đáng ra nó xứng đáng.
Nhân sự là khởi đầu cho mọi đột phá - Đâu là điều một Đảng viên như ông kỳ vọng nhất ở Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới? Tôi vẫn ước ao Đảng ta luôn mang được khí thế Cách mạng như thuở ban đầu khi những người lãnh đạo đều rất trẻ, thậm chí chỉ ngoài hai mươi. Nhưng với cách làm cán bộ như bây giờ có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ có một Tổng bí thư chỉ ngoài tuổi bốn mươi. Tôi vẫn không hiểu tại sao một Đảng viên xuất sắc không được bầu thẳng vào Bộ chính trị, một ủy viên trung ương xuất sắc không được bầu thẳng làm Tổng bí thư. Và tôi cũng không hiểu tại sao một ủy viên Bộ Chính trị xuất sắc, có kinh nghiệm, có sức khỏe thì 60 tuổi phải nghỉ hưu. Đảng là tập hợp những người cùng chí hướng với nhau, đó là lý do chúng ta gọi nhau là đồng chí. Nhưng tôi có cảm tưởng sinh hoạt chính trị trong Đảng còn chưa dân chủ được như ngoài xã hội. Nếu trong tổ chức đó chúng ta không thực sự dân chủ với nhau thì làm khó có thể dân chủ cho được cả xã hội bên ngoài. Chúng ta thử nhìn vào cách người dân đi bầu người lãnh đạo cao nhất. Họ bầu ra đại biểu của họ (Đại biểu Quốc hội) bằng lá phiếu trực tiếp. Những người đại biểu này muốn được bầu phải nhiều lần đi tiếp xúc với cử tri, phải trình bày quan điểm và hiểu biết của mình. Còn trong Đảng, mỗi lần đến Đại hội chúng ta phải qua rất nhiều bước. Ban đầu là Đảng viên trong chi bộ bầu đại biểu đi dự đại hội khối, sau đó đại biểu đại hội các khối bầu đại biểu đi dự Đại hội cấp địa phương (tỉnh, thành) và ở các lực lượng vũ trang là Đại hội toàn quân, Bộ Công an… Từ đó chúng ta mới bầu đại biểu đi dự Đại hội đảng để bầu ra BCH Trung ương, và cuối cùng các ủy viên Trung ương mới bầu ra Tổng Bí thư, Bộ Chính trị. Như vậy, vai trò của một người đảng viên thường khá mờ nhạt và tính dân chủ trong đảng vì vậy mà cũng mờ nhạt theo. Theo ý kiến cá nhân tôi, chúng ta nên làm khác: Đảng viên ở các địa phương tổ chức đi bầu trực tiếp đại biểu đi dự Đại hội Đảng (danh sách do tổ chức đề cử và các đảng viên tự ứng cử). Ở địa phương, đảng viên chúng ta có thể chia thành hai đến vài tổ bầu cử. Các ứng cử viên Đại hội Đảng phải tiếp xúc với đảng viên, trình bày quan điểm của họ về các vấn đề của Đảng trong đó có vấn đề nhân sự. Và cuối cùng ở Đại hội Đảng toàn quốc, các đại biểu sẽ bầu trực tiếp Tổng Bí thư, Bộ chính trị và BCH Trung ương. Tôi tin rằng nếu làm được như vậy tính dân chủ trong đảng mới thật sự được phát huy. - Xin cảm ơn ông! Nguồn: Vnr500 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét