Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

08 tháng 12 2010

“Sự khác biệt” đang cản trở kinh tế Việt Nam


clip_image004

Ảnh minh họa.

Nhân tố con người – năng lực và kỷ cương của bộ máy công chức là "sự khác biệt" có tác động tiêu cực của Việt Nam – cần được cải thiện ngay, bằng các quy chế có hiệu lực và minh bạch.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam trước thềm Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) với chủ đề "Cạnh tranh và tăng trưởng bền vững" đã diễn ra ngày 2/12 tại Hà Nội.

Tiếp theo buổi thuyết trình những chủ thuyết của giáo sư M.Porter về cạnh tranh và xây dựng "sự khác biệt" khi định vị các yếu tố tăng trưởng và động lực của nền kinh tế Việt nam, một hội nghị tập hợp các doanh nhân trong và ngòai nước đã được tổ chức, và tại diễn đàn này, những vấn đề cụ thể hơn được đặt ra.

Năm nay, thay vì các "nút thắt" quen thuộc về nhân lực như lần khảo sát trước, các doanh nghiệp (DN) trả lời phiếu điều tra nhấn mạnh nhiều vào các giải pháp về điều hành như cải cách thủ tục hành chính, ngăn chặn và kiểm soát tham nhũng, cải cách việc soạn thảo và ban hành pháp luật.

Theo báo cáo khảo sát do Ban Thư ký Diễn đàn Doanh nghiệp công bố, chỉ có 29,77% DN đánh giá cải cách thủ tục hành chính (Đề án 30) có tác động đáng kể, còn lại là tác động ở mức trung bình hoặc không có tác động gì. Đáng chú ý, trong khi 74,43% doanh nghiệp "nội" cho rằng năm 2010 có sự cải thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính so với năm ngoái, thì tỷ lệ này với DN "ngoại" chỉ là 36,36%.

Theo các DN, trong thực trạng hành chính ở VN là khoảng cách giữa chính sách, quy định và khả năng thực hiện trên thực tế, cán bộ nhà nước nhiều nơi còn gây phiền hà với mục tiêu "tư lợi". Cũng theo báo cáo, các DN lạc quan ở tinh thần cải cách của Đề án 30, song lại lo ngại việc "bộ máy hành chính quan liêu nặng nề" khiến những nỗ lực của Đề án khó thành công trong một sớm một chiều.

Như vậy, thực chất lực cản môi trường kinh doanh và cũng là "sự khác biệt" của bộ máy vận hành nền kinh tế Việt Nam hiện nay chính là ở đội ngũ công chức Nhà nước – đó là yếu tố con người. Chính lực cản "khác biệt" này mà trong khi các quốc gia trong khu vực cũng gặp phải tác động không thuận lợi của các yếu tố môi trường và điều kiện kinh doanh quốc tế nhưng hệ quả của sự tác động đó đối với tăng trưởng và ổn định vĩ mô không nghiêm trọng như ở Việt Nam.

Nếu có thời gian và mở thêm diễn đàn, chắc rằng nhiều ví dụ rất cụ thể, có minh chứng xác đáng sẽ được nêu ra từ phía các DN trong và ngoài nước trên các "chặng đường quy trình" khi chuẩn bị đầu tư một dự án và những phiền hà, rắc rối mà họ phải giải quyết trong suốt quá trình vận hành dự án. Đề án 30 chỉ tập trung rà soát để bãi bỏ; chỉnh sửa các văn bản pháp quy nhằm giản đơn những quy trình đã ban hành trước đó mà chưa đụng chạm được đến những con người của bộ máy vận hành quy trình đó trong thực tiễn.

Mới đây, thành phố Đà Nẵng đã ban hành quy định không tiếp nhận các cử nhân tốt nghiệp các khóa học tại chức vào cơ quan Nhà nước. Nếu nhìn vào bản chất của quyết định này, có lẽ những vị lãnh đạo cao nhất của thành phố đang đi đầu trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính này bắt đầu chạm tay đến chất lượng "đầu vào" những con người vận hành bộ máy các quy trình thủ tục -  một tín hiệu khai hỏa cho bước tiếp theo và cần song hành với Đề án 30 mà Chính phủ đang thực hiện?

Giáo sư M.Porter chỉ ra cho các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp những vấn đề chiến lược của động lực tăng trưởng và cạnh tranh trong dài hạn, nhưng hành động của thành phố Đà Nẵng đang thực sự bắt tay giải quyết tháo gỡ những "sự khác biệt" tiêu cực đang cản trở tăng trưởng và sức cạnh tranh trong ngắn hạn.

T. H.

Nguồn: Bee.net


Không có nhận xét nào: