Minxin Pei Nhật Bản không hoàn toàn vô tội trong những tranh cãi gần đây. Nhưng Bắc Kinh phải hiểu rằng những quyền lực lớn đôi khi cần phải thể hiện sự kiềm chế. Thước đo một quyền lực lớn không phải là cách nó phô diễn cơ bắp như thế nào, mà là cách nó kiềm chế không làm việc đó như thế nào. Nhưng nếu đó là tiêu chuẩn mà chúng ta sử dụng để đánh giá hành xử của Trung Quốc trong lần đối đầu với Nhật Bản gần đây về việc tạm giữ thuyền trưởng một tàu đánh cá của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp quanh quần đảo Điếu Ngư/ Shenkaku, thì Bắc Kinh rõ ràng đã thất bại trong cuộc thử thách. Thay vì thể hiện sự kiềm chế và kiên nhẫn của mình, chính phủ Trung Quốc đã leo thang căng thẳng một cách không cần thiết. Mặc dù thành công trong việc buộc Tokyo phải thoái lui và trả tự do cho thuyền trưởng bị bắt giữ, Trung Quốc đã làm tổn thương nghiêm trọng mối quan hệ với Nhật Bản và làm sứt mẻ hình ảnh của mình như là một cường quốc có trách nhiệm. Đương nhiên Nhật Bản không hoàn toàn vô tội (bất chấp việc phương tiện truyền thông phương Tây đã bày tỏ sự đồng tình khi miêu tả Nhật Bản như là nạn nhân của cuộc tranh cãi ngoại giao này). Quả thực, quyết định của Tokyo về việc tạm giữ và xử phạt thuyền trưởng là thiếu suy nghĩ, đồng thời đã khởi xướng cuộc đối đầu với Bắc Kinh. Nếu như lưu ý tới biểu hiện thường xuyên tỏ ra quá nhạy cảm của Bắc Kinh về các vấn đề chủ quyền và tranh chấp lãnh thổ, cách giải quyết tốt nhất của Nhật Bản sau khi các tàu tuần tra của nước này chặn tàu đánh cá của Trung Quốc lẽ ra phải là trục xuất nhanh chóng các đối tượng đó (Mặc dù điều đó cho thấy các nhà lãnh đạo Nhật Bản có lẽ đã có vài điểm xao lãng trong việc làm sáng tỏ khuynh hướng của họ đối với tất cả những sai lầm không đáng có).
Tuy nhiên, phản ứng của Bắc Kinh đối với sai lầm của Tokyo là hoàn toàn không tương xứng. Trung Quốc cắt đứt trao đổi chính thức ở cấp Bộ, hủy bỏ lời mời thanh niên Nhật đến dự Hội chợ triển lãm Thượng Hải và ban hành một lệnh cấm có hiệu lực đối với các lô hàng đất hiếm tới Nhật Bản. Thủ tướng Trung Quốc cũng trực tiếp kêu gọi Nhật Bản trả tự do cho vị thuyền trưởng "ngay lập tức" và từ chối gặp Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Vì vậy, thay vì theo đuổi một con đường ngoại giao ôn hòa để tìm kiếm phương án trả tự do cho vị thuyền trưởng, chính phủ Trung Quốc đã làm gia tăng sự đe dọa tới mức chắc chắn kết quả sẽ khiến Nhật Bản mất mặt và Bắc Kinh trông giống như một kẻ bắt nạt. Với một thế giới đang lo lắng quan sát xem Trung Quốc sẽ trở thành dạng cường quốc nào, Bắc Kinh cần phải suy nghĩ về sai lầm của mình và rút ra được những bài học có giá trị mà có thể giúp nước này trấn an những người hàng xóm đang hoảng sợ cũng như tránh mắc phải những sai lầm đắt giá tương tự trong tương lai. Trước hết, Bắc Kinh phải hiểu rằng có một tiêu chuẩn kép trên thế giới đánh giá những cường quốc một cách khác biệt. Các quốc gia có nền kinh tế và sức mạnh quân sự vượt trội đơn giản được đặt trong một tiêu chuẩn cao hơn nhiều. Nước Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush đã nhận ra điều này hơi muộn. Trong trường hợp của Trung Quốc, có một tiêu chuẩn kép được bổ sung: trong tòa án của báo chí và dư luận quốc tế, các chính phủ chuyên chế bị đánh giá nghiêm khắc hơn so với các chính phủ dân chủ. Điều này có thể rất bất công vì trong một số trường hợp, các nền dân chủ có thể phải chịu trách nhiệm về việc châm ngòi cho cuộc xung đột (chẳng hạn như hành động khiêu khích của Gruzia chống lại Nga năm 2008 và việc Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng của Trung Quốc trong trường hợp này). Các tiêu chuẩn kép này có nghĩa là Trung Quốc nên rèn luyện sự thận trọng hơn nữa trong khi phô diễn sức mạnh cơ bắp của nước này kể cả khi Bắc Kinh tin rằng mình đang nắm lẽ phải. Một bài học khác được rút ra là các chiến thuật của 'sốc và kinh hoàng" mà Trung Quốc đã tiến hành để ép Nhật Bản thoái lui là một sự lãng phí – nếu không muốn nói là một cách sử dụng phản tác dụng các đòn bẩy giá trị. Thay vì gia tăng áp lực dần dần đối với Tokyo, Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng nề cùng một lúc. Bằng cách đó, Bắc Kinh không chỉ làm Tokyo "sốc và kinh ngạc" mà còn làm mọi người hoảng sợ. Bài học cuối cùng Trung Quốc cần phải rút ra là suy nghĩ một cách thấu đáo. Đối với một quốc gia nổi tiếng với mong muốn "giữ thể diện", Trung Quốc chắc chắn đã quá nhạy cảm trước đòi hỏi của kẻ đối đầu với nó nhằm giữ thể diện. Trong cuộc chạm trán với Tokyo, lạ lùng là, Bắc Kinh đã không biết gì về những mong muốn của Tokyo về một lối thoát giữ được thể diện. Người ta có thể giải thích điều này như là sự đầu hàng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng. Nhưng lời giải thích nhiều khả năng hơn có thể là tính ngạo mạn bản chất. Vừa mới vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có thể đã cảm thấy rằng mình nên bắt đầu hành động như một siêu cường. Nếu lãnh đạo Trung Quốc xem xét cuộc khủng hoảng từ quan điểm của các đối tác Nhật Bản của họ, họ có lẽ sẽ hành động khác. May mắn thay, không phải tất cả đều mất đi. Sự việc này đã tàn phá mối quan hệ Trung-Nhật, nhưng không phải là không thể thay đổi. Bằng cách giảm những chỉ trích của mình và từ bỏ việc yêu cầu phía Nhật Bản xin lỗi về vụ việc, Bắc Kinh có thể gửi một tín hiệu hòa giải đến Tokyo. Nhưng thách thức thực sự cho Trung Quốc nằm ở thì tương lai khi quyền lực của Trung Quốc lớn mạnh, sẽ có nhiều cám dỗ khiêu khích. Trung Quốc đã thất bại trong một thử thách. Hi vọng rằng những bài học kinh nghiệm từ điều này sẽ giúp Trung Quốc hành xử tốt hơn trong tương lai. Hà Nguyễn dịch từ The Diplomat Nguồn: Tuanvietnam |
Bauxite Việt Nam
Vietland
Đài Á Châu Tự Do
08 tháng 12 2010
Trung Quốc cần phải học điều gì?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét