Lê Minh Liên tục mấy tuần qua, các cuộc biểu tình, xuống đường của người dân Tunisia đã khiến Tổng thống Ban Ali phải cuốn gói trốn chạy ra nước ngoài, và Chính phủ lâm thời cũng đang đứng trước áp lực từ dân chúng phải sớm tổ chức bầu cử để lập ra một chính phủ dân chủ. Nhìn cảnh người dân Tunisia xuống đường lật đổ nhà độc tài Ben Ali, người ta đã tiên đoán rằng rồi đây khí thế này sẽ lan tỏa sang các nước lân cận trong khu vực Bắc Phi. Quả thật vậy, nức lòng với khí thế xuống đường của người dân Tunisia, hôm qua Thứ Ba 25/01, người dân Ai Cập đã xuống đường, với những cuộc biểu tình rầm rộ, đòi chấm dứt 30 năm cai trị độc quyền của Tổng thống Mubarak. Câu chuyện bắt đầu từ Tunisia Câu chuyện người Tunisia rầm rộ xuống đường mà chỉ sau vài đêm đã khiến Tổng thống Ben Ali phải cao bay xa chạy, tưởng chừng là chuyện huyền thoại. Chuyện bắt đầu từ anh sinh viên nghèo 26 tuổi Mohamed Bouazizi, bán hàng rong trên đường phố, nhưng bị cảnh sát tịch thu cả gánh hàng rong. Buồn bực và vô vọng vì vốn liếng duy nhất mà anh có được để làm kế sinh nhai đã bị cảnh sát tịch thu, anh quyết định phản kháng bằng cách biến mình thành ngọn đuốc sống. Cái chết thương tâm, vô vọng của anh đã làm bùng lên ngọn lửa vốn sẵn có trong xã hội Tunisia nghèo đói, đầy rẫy bất công. Hàng ngàn người tham dự tang lễ của anh và và chính cảm xúc của họ đã biến tang lễ thành cuộc biểu tình tuần hành và nhân rộng lên khắp cả nước. | | Người dân Tunisia sôi sục xuống đường | Tunisia, một nước Bắc Phi bé nhỏ với hơn 10 triệu dân là một thuộc địa cũ của Pháp. Trong những năm gần đây tỷ lệ thất nghiệp trong thành phần thanh niên gia tăng. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã không kiếm ra việc làm, đành phải bỏ trốn sang Pháp tìm việc. Hàng ngũ sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm ngày càng đông đảo, đã kết nối với nhau qua hệ thống internet, trên các trang mạng xã hội. Họ căm ghét chế độ độc tài thối nát, tham nhũng của Tổng thống Ben Ali, người giữ chức vụ này 5 nhiệm kỳ kể từ năm 1987. Anh em, dòng họ của tổng thống và các quan chức chính phủ thi nhau biển thủ tài sản quốc gia. Mặc dầu chính quyền của Ben Ali thẳng tay đàn áp đối lập, biểu tình nhưng sự căm ghét trong lòng người dân Tunisia càng lúc dâng cao. Do đó khi ngọn đuốc của anh sinh viên Mohamed Bouazizi bùng lên thì nó khiến khối thuốc nổ trong lòng người dân Tunisia đặc biệt là giới trẻ, bộc phát mạnh mẽ không có gì ngăn cản được. Hơn 100 người biểu tình bị tử thương trong nhiều cuộc đàn áp dữ dội của các lực lượng an ninh. Khi lực lượng cảnh sát bắt đầu yếu thế thì quân đội được lệnh thẳng tay đàn áp người biểu tình. Thế nhưng, gió đã xoay chiều, quân đội từ chối ủng hộ Tổng thống Ben Ali và thế là ông ta và gia đình phải cuốn gói chạy. Trong lúc không khí đấu tranh sôi sục diễn ra ở Tunisia, người ta tiên đoán rằng sẽ có hiệu ứng Domino dây chuyền lan sang các nước Bắc Phi độc tài chung quanh như Libya, Ai Cập. Sau cách mạng Hoa Lài, Chính phủ lâm thời đã ra lệnh bắt giữ 33 người thân trong giòng họ bên vợ của cựu tổng thống Ben Ali. Và hôm nay, thông qua Interpol,Tunisia đã yêu cầu Chính phủ Canada giải giao cựu tổng thống Ben Ali cùng gia đình với tội danh biển thủ công quỹ quốc gia. Tính cho đến thời điểm này, tuy chuyện giải giao chưa thể thực hiện được vì nhiều trở ngại công pháp quốc tế, nhưng cái ngày Ben Ali và thân quyến phải trả lời trước công chúng Tunisia chắc chắn sẽ xảy ra. Hương thơm cách mạng Hoa Lài thổi sang Ai Cập Trong những tuần qua, người ta đã bàn tán đến ảnh hưởng dây chuyền Donimo từ cuộc cách mạng Hoa Lài tại Tunisia sang các nước lân cận, ám chỉ chính phủ độc tài của hai nước Libya và Ai Cập. Được sự giúp sức của hệ thống internet và các trang mạng xã hội, hương thơm của cuộc cách mạng Hoa Lài đã lan tỏa nhanh chóng hơn người ta tưởng. | | Một thanh niên với khẩu hiệu "Hãy treo cổ nó lên" | Người dân thủ đô Cairo xuống đường | Tương tự như cựu Tổng thống Ben Ali của Tunisia, Tổng thống Mubarak của Ai Cập làm tổng thống gần hết 5 nhiệm kỳ với mỗi nhiệm kỳ là 6 năm, vị chi ông ngồi tại vị gần 30 năm kể từ tháng 10 năm 1981. Năm nay gần 83 tuổi, Mubarak đang tính đến chuyện dọn đường cho con trai Gamal Mubarak, 47 tuổi lên kế vị khi nhiệm kỳ của ông chấm dứt vào tháng 10 năm nay. Dư luận Ai Cập hiện nay đang bàn tán chuyện này. Chán ghét sự cai trị độc tài của Mubarak, trong khi đời sống của người dân trở nên khó khăn trong những năm gần đây, cộng thêm nguồn cảm hứng từ hương lài của cuộc cách mạng Tunisia, hôm Thứ Ba 25/1, đã các cuộc biểu tình đòi chấm dứt sự cai trị của Mubarak đã đồng loạt nổ ra khắp nơi trên đất nước Ai Cập, từ Cairo đến Alexandria, Suez và Ismailia, kể cả các thành phố chạy dọc theo hạ lưu của sông Nile. Các đoàn người biểu tình hô to "Đả đảo, đả đảo Mubarak", hoặc "Mubarak, Saudi Arabia đang chờ mày đó", ám chỉ nơi dừng chân của Mubarak một khi phải tháo chạy khỏi Ai Cập, giống như trường hợp của cựu Tổng thống Ben Ali. Chưa hết, sục sôi với khí thế biểu tình, Phong trào "Thanh niên 6 Tháng 4" dùng trang Facebook kêu gọi người dân tiếp tục xuống đường Thứ Tư ngày hôm sau và "phải tiếp tục cho đến ngày mai, cho đến khi Mubarak cút". Lời kêu gọi còn nói "Ngày mai chúng ta không đi làm, không đến trường. Tất cả chúng ta đều xuống đường, tay trong tay đoàn kết vì đất nước Ai Cập. Chúng ta sẽ có hàng triệu" Một người bán thịt ở trung tâm thủ đô Cairo nói với phóng viên "Phải có thay đổi, nhất định là như vậy. Những kẻ già nua phải cút để đám trẻ hơn lên làm việc". Một điều thú vị là nào giờ người dân Ai Cập rất sợ ba-tong, mật vụ cảnh sát thế nhưng hôm nay họ xuống đường với khí thế mạnh mẽ, tay trong tay hô vang các khẩu hiệu. Người bên dưới đường đã ngoắt tay kêu gọi những người đang đứng xem trên các ban-công cùng tham gia và nhiều người trong số đó đã vui vẻ xuống đường nhập vào dòng người biểu tình. Noi gương người thanh niên Tunisia, đã có đến 5 trường hợp thanh niên Ai Cập muốn biến thân mình thành ngọn đuốc công lý. Ảnh hưởng Domino và điều tất yếu của các cuộc cách mạng Như ta đã thấy, cuộc cách mạng Hoa Lài tại Tunisia đã truyền cảm hứng cho người dân bị áp bức tại các nước Bắc Phi trong một thời gian ngắn ngủi. Rõ ràng hệ thống Internet và các trang mạng xã hội đã nâng hiệu quả và tốc độ lan truyền của các lời kêu gọi xuống đường lên gấp bội. Mặc cho nhà cầm quyền ra sức ngăn cản, chặn tường lửa các trang mạng này nhưng người ta vẫn có thể vượt qua được. Nỗi lo sợ trong mỗi con người là điều tự nhiên, nhưng ở một thời điểm nào đó khi áp bức bất công dồn người dân thấp cổ bé họng đến đường cùng rồi thì sự giận dữ bung trào ra như một cái lò xo, không có gì có thể ngăn cản nổi. "Ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh" là quy luật của xã hội loài người. Hương Lài Tunisia sẽ còn tiếp tục lan xa hơn nữa! Úc Châu ngày 27/12/2011 L. M. Tác giả gửi trực tiếp cho BVN. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét