đã bắt đầu từ bao giờ?
Nguyễn Hoàng Hà
Nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đặc biệt là Việt Nam và Philipine đang cùng với Hoa kỳ, Úc, Nhật và Nam Hàn rất quan tâm đến vấn đề Trung Quốc đang ngày càng bánh trướng thế lực ra biển Đông. Đặc biệt là với bản đồ hàng hải đường lưỡi bò của họ thì bắt đầu ngay từ đảo Bạch Long Vĩ rồi Cồn Cỏ và nhiều đảo của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa và đường hàng hải quốc tế từ xưa đến nay các tàu bè vẫn qua lại đều nằm trong vùng "chủ quyền" của Trung Quốc. Nhưng người ta đâu có biết là trên mặt biển đang ầm ầm nổi sóng mà dưới đáy sâu đại dương tưởng là yên lặng kia các đợt sóng ngầm còn mạnh mẽ hơn rất nhiều, vì Trung Quốc đang tiến hành quy mô lớn để thăm dò đáy biển nhằm truy tìm khoáng sản quý, đặc biệt là dầu lửa, gas v.v. đã từ nhiều năm nay mà chỉ khi bị phanh phui ra họ mới chịu công bố là "các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu thăm dò đại dương khu biển Đông từ năm 1999 đến nay và gặt hái được nhiều kết quả đáng phấn khởi". Tuần báo The Economist trong bài viết Ai là người thống trị đại dương? đã đề cập đến dự án thám hiểm đáy Biển Đông của Chính phủ Bắc Kinh. Dự án này được thảo luận trong một hội nghị tập trung các nhà hải dương học trong và ngoài nước Trung Quốc, tổ chức tại Thượng Hải trong hai ngày 26 và 27 tháng Giêng năm 2011 vừa qua. Nhưng dư luận quốc tế cho rằng hội nghị này buộc phải công khai khi mà danh tính của nó đã bị thế giới phanh phui và cho công bố những tài liệu về tổ chức này thực chất không phải là vì mục tiêu khoa học mà là thăm dò tài nguyên khoáng sản và dầu hỏa, dầu khí để dọn đường cho cuộc thập tự chinh trên biển của Bắc kinh. Bài báo mở đầu bằng nhận định, chủ nghĩa đế quốc và ngành hải dương học thường tay trong tay với nhau. Các nghiên cứu của hải quân Anh về các vùng biển nông và duyên hải trên thế giới trong thế kỷ XVIII và XIX đã đóng góp nhiều kiến thức cho khoa học, nhưng đồng thời cũng giúp cho các nhà buôn Anh quốc có thể du hành trên các đại dương, và các chiến hạm Anh có thể thống trị thế giới. Nhìn từ góc độ này, thì hội nghị nói trên của Trung Quốc có khả năng gây bức xúc cho các quốc gia láng giềng phương Nam của Bắc Kinh. Dự án South China Sea-Deep có mục đích thám hiểm một vùng biển có diện tích rộng đến 3,5 triệu kilomet vuông, với độ sâu tối đa 5,5 kilomet, mà Chính phủ Bắc Kinh coi là thuộc chủ quyền của mình, cho dù bị rất nhiều nước phản đối, đặc biệt là Việt Nam và Philipine. Để bảo vệ cho việc thăm dò này đạt hiệu quả và an toàn trước nguy cơ các hoạt động thăm dò trên vùng biển thuộc lãnh thổ của các nước có thể bị tấn công, Trung Quốc đã cho cử các tàu ngầm tàng hình ẩn nấp hộ vệ, và trên mặt biển thường xuyên có các tàu chiến giả dạng tàu đánh cá hay tàu buôn đi lại khu vực này. Các nhà khoa học tham dự hội nghị chối rằng mục tiêu chỉ là thêm kiến thức cho nhân loại, và chỉ đơn thuần về mặt khoa học chứ không phải nhằm tìm kiếm dầu khí và nguồn lợi khoáng sản. The Economist nhận định, thật ra thì cũng đúng, như nhiều nhà du hành Anh trước đây cũng từ sự khát khao hiểu biết. Tuy nhiên, kiến thức cũng là quyền năng, và nếu các nhà khoa học Trung Quốc là những người đầu tiên thám hiểm đáy sâu Biển Đông, thì các nhà kinh doanh Trung Quốc cũng sẽ có lợi thế khai thác thương mại hơn các đối thủ, và hạm đội Trung Quốc cũng sẽ ở thế «trên cơ» để bảo vệ họ. Hối tháng 7 năm 2010 tàu ngầm Trung Quốc đã lặn xuống đáy Biển Đông cắm lá cờDR Đề án trên do nhà khoa học đầu ngành Uông Phẩm Tiên, thuộc Đại học Đồng Tể ở Thượng Hải chủ trì. Ông này có thể nhờ đến sự hỗ trợ của Giao Long, chiếc tiềm thủy đỉnh hiện đại nhất của Trung Quốc, có thể lặn sâu đến 7km dưới đáy biển. Dự án được đưa ra một phần từ kết quả nghiên cứu của chiếc Đại dương số 1 năm 2007 về những dải kiến tạo ở giữa đại dương do các dịch chuyển của vỏ trái đất. Đồng thời, các nhà thám hiểm trên chiếc tàu này cũng phát hiện được vị trí nhiều mỏ đồng, chì, kẽm cũng như các nguồn thủy nhiệt tại đây. Những địa điểm mà họ quan tâm là những nơi mà Việt Nam đang khoan dầu hay các công ty nước ngoài đã và đang thăm dò dầu khí của Việt Nam và Philipine - đó là những vị trí họ thường qua lại nhiều nhất và có khi lưu lại ở đây rất lâu ngày. Vì thế, Quốc hội Philipine đã ra luật về vùng lãnh hải của họ để đưa tàu chiến và phương tiện hiện đại đến bảo vệ, khiến Trung Quốc không thể đến đó tự tung tự tác như họ muốn, nên họ rất tức giận, nhiều lần phản đối nhưng bị Philipine phớt lờ. Mục đích của dự án South China Sea-Deep trước hết là nghiên cứu các hướng phát triển của đáy đại dương, rồi đến trầm tích và khí hậu, tiếp nối theo một công trình của Tiến sĩ Uông Phẩm Tiên trong khu vực vào năm 1999. Cho dù có những biện minh, các nghiên cứu này rất có lợi cho công nghiệp dầu khí. Phần thứ ba của dự án nhắm vào sinh học ở Biển Đông, đặc biệt là dưới đáy đại dương. Đó là việc hấp thụ Cacbon của các vi sinh vật, cuộc sống dưới đáy biển, sự trao đổi dưỡng chất và phiêu sinh vật… tại nhiều vùng ở Biển Đông và giữa Biển Đông với Thái Bình Dương. Đương nhiên là việc này sẽ tốn khá nhiều tiền. Ngân sách dành cho dự án là 150 triệu nhân dân tệ, tương đương 22 triệu đô-la, do Quỹ quốc gia về Khoa học Tự nhiên, một tổ chức của Chính phủ có trụ sở ở Bắc Kinh đài thọ. Nhưng không chỉ trong ngành hải dương học, mà một trung tâm kỹ thuật về đáy biển tại Thanh Đảo sẽ tiêu tốn 400 triệu nhân dân tệ, một mạng lưới quan sát đáy đại dương, tương tự với chương trình Neptune của Canada và Sáng kiến Quan sát Đại dương của Hoa Kỳ cũng cần 1,4 tỉ nhân dân tệ nữa. Có thể tin là tiền được dùng cho lợi ích khoa học đơn thuần. Nhưng The Economist nhận xét, nói như thế sẽ làm «tự ái» đại diện của Tập đoàn quốc gia về Dầu khí Ngoài khơi của Trung Quốc. Phát biểu trong hội nghị, Tập đoàn này cho biết trữ lượng khí thiên nhiên ở Biển Đông được ước tính khoảng 200 tỉ tỉ mét khối. Người ta cũng cảnh báo về mức độ thăm dò và bắt tay vào khai thác dầu hỏa và khoáng sản của Trung Quốc đang chuẩn bị bắt đầu nếu một khi họ dọn đường dư luận xong để công khai chủ quyền đường lưỡi bò. Phía Việt Nam chắc chắn cũng đang rất cảnh giác với trò đội lốt nghiên cứu khoa học này và không dễ để họ đến đây hôi dầu, dựng cờ, cắm tiêu khai thác được. Dư luận các nước đều rất cảm thông với Việt Nam phải sắm tàu ngầm và các dàn hỏa tiễn tầm xa, tầm trung và pháo bờ biển hiện đại trong khi kinh tế đang gặp khó khăn (hẳn cũng một phần vì lý do này). Nhiều quốc gia trong khu vực đang xem xét phải lập hàng rào điện tử dưới biển hay gài thủy lôi để không cho tàu của những kẻ "thăm dò khoa học" sai mục đích này luồn lách vào khu vực thuộc chủ quyền của mình. Chắc chắn những năm tới đây cuộc đấu tranh trên mặt biển cũng như dưới đại dương sẽ căng thẳng hơn, và Việt Nam với dải bờ biển dài hình chữ S giàu tài nguyên khoáng sản và ngoài xa với nhiều đảo đầy tiềm năng như Hoàng Sa và Trường Sa, chuyện sẽ phải làm gì để bảo vệ chủ quyền của mình sẽ đặt ra gay gắt và không thể chậm trễ hơn nữa. Đó là câu hỏi lớn mà nhân dân và đất nước đang đặt trên vai của những nhà lãnh đạo quốc gia này giải đáp nó. Vương quốc Bỉ, ngày 22 tháng 2 năm 2011. NHH Tác giả gửi trực tiếp cho BVN HT biên tập |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét