Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

22 tháng 7 2012

Chuyện mộ chôn hàng vạn quân Minh giữa cánh đồng Mồ

Chuyện mộ chôn hàng vạn quân Minh giữa cánh đồng Mồ

Đoàn Gia

clip_image001  

Ông Hà Huy Tiến, kho sử sống của làng Tốt Động

 

Vừa "ẵm" được chức Chinh Di tướng quân, Tổng binh Thông đã ra oai vỗ ngực tự cho rằng có thể đánh tan tác quân Lam Sơn giải vây cho quân Minh co cụm ở Đông Quan.

Nào ngờ một cuộc hành quân bão táp với 15 vạn người, "dài đến mười dặm, mũ giáp lòa trời, cờ tàn rợp nội, tự cho là đánh một trận có thể quét sạch quân ta" (Lam Sơn thực lục) lại trở thành trận thất bại đến nỗi "nhơ để ngàn thu". Sau mùa đông năm ấy, trận Tốt Động lẫy lừng được ghi vào sử sách, và cánh đồng Mồ chất chồng xác giặc nay vẫn còn đây.

Lượng - Hiệp bay đầu Vương Thông tháo chạy

Đã lùi xa lắm rồi cái thời vó ngựa binh đao quần thảo, dáo mác xâm lăng nhưng vẫn còn rõ lắm trang sử hào hùng chói lọi của dân tộc ta trong cuộc chiến chống giặc ngoại bang.

Tôi về thăm cánh đồng Mồ thuộc xã Tốt Động (Chương Mỹ-Hà Nội) trong cái nắng gay gắt. Mạ mới xuống đồng nắng cháy bạc phếch, gió thổi vi vu hoang hoải. Chính nơi này cách đây gần 600 trăm năm đã diễn ra cuộc huyết chiến rung trời lở đất, làm xoay chuyển thế thời giữa nghĩa quân Lam Sơn và giặc Minh xâm lược. Giữa cái nắng gió, trước chiến địa lịch sử lòng người bỗng bồi hồi nhớ lại chuyện xưa.

Mùa Đông năm Bính Ngọ-1426, nghĩa quân Lam Sơn với những cuộc vây thành bức hàng khiến quân Minh lâm vào thế chia cắt bị động không còn cách nào ứng cứu cho nhau. Tháng 10, vua Minh phong cho Vương Thông chức Chinh Di tướng quân, mang 5 vạn quân và 5 ngàn ngựa cùng Thượng thư Bộ binh Trần Hiệp và Tham tướng Mã Anh sang nhằm xoay chuyển lại thế cờ. Vừa đặt chân tới Đông Quan, Vương Thông thẳng tay "trảm" hàng loạt tướng cũ đồng thời tập hợp chỉnh đốn lại binh mã thành hơn chục vạn quân chia ra 2 mũi vòng từ Đông Quan qua Tốt Động tấn công quân Lam Sơn đang đóng tại Cao Bộ.

Lúc này Lê Lợi cùng đại quân chính vẫn đang đóng ở Thanh Hóa, số lượng binh tướng bức thành Đông Quan chia cắt các phủ huyện chỉ có vài ngàn người. So với đại quân tiến như nước chảy của Vương Thông thì chỉ như lấy trứng chọi đá. Những tướng chỉ huy ở Tốt Động khi ấy là Lý Triện, Nguyễn Xí, Lê Ngân… đều là những tướng tài đã "bắt thóp" được đường đi nước bước của giặc. Trận phục kích được tính toán thần kỳ đã xác định Tốt Động là mồ chôn đại quân của Vương Thông.

Tốt Động khi ấy còn là đầm lầy lau lách ngập đầu cách Hà Nội 25 km về phía Tây Nam. Đường tiến quân nhỏ hẹp chỉ có con đường duy nhất nằm kẹp kìm giữa hai bên sông đầm lầy lội. Quân Vương Thông ào ào tiến công thác lũ nhưng khi qua đây không thể triển khai được đội hình đành dàn ra theo hình cổ chai, tương trợ nhau khó khăn. Đúng lúc ấy, bốn bề quân Lam Sơn hò reo như sấm dậy, voi chiến hùng dũng xông ra khiến quân giặc thất kinh. Bị bất ngờ quân giặc hoảng hồn người ngựa dẫm đạp nhau chết như ngả rạ. Tiền binh vỡ trận, hậu binh dồn lên hết lớp này lớp khác đều nháo nhác dưới dáo mác quân ta khiến "máu chảy thành sông".

Sử sách chép lại khi ấy quân Lam Sơn chỉ có vỏn vẹn ba ngàn người và vài ba thớt voi chiến nhưng với tài thao lược tài tình "lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh" khiến 5 vạn quân Minh phải tan tác, 2,3 vạn tên thiệt mạng, một vạn quân bị bắt sống. Trận chiến chỉ diễn ra từ giờ Ngọ đến giờ Thân mà quân Minh bị đánh không còn một mảnh giáp, Thượng thư Trần Hiệp, nội quan Lý Lượng bị chặt đầu, Vương Thông cũng bị thương, phải bỏ chạy thục mạng về Đông Quan, đóng cửa viết thư cầu viện binh.

Xác quân giặc chết chồng chất lên nhau khiến cả một vùng cách xa vạn dặm vẫn còn hôi tanh mùi xú uế. Trong "Bình Ngô đại cáo" Nguyễn Trãi đã tóm lược bằng hai câu: "Ninh Kiều máu chảy thành sông tanh trôi vạn dặm/ Tốt Động thây chất đầy nội nhơ để ngàn năm…". Để tỏ lòng nhân nghĩa, vài năm sau độc lập vua Lê Thái Tổ đã xuống chiếu cho làng Tốt Động thu gom hài cốt quân Minh lập chôn thành hàng trăm ngôi đại mộ. Đến năm Bính Dần, 1866 vua Tự Đức lại có chiếu cho làng Tốt Động quy dồn tất cả thành một đại mộ quây bằng đá ong đặt tên là đồng Mồ và nó tồn tại như một địa danh lịch sử cho đến ngày nay.

Tấm bia đá "di ngôn"

Để làm "việc nghĩa chủng" chiếu vua lệnh phải gom nhặt hài cốt rồi theo đó cúng tế đàng hoàng. Năm 1866, theo lệnh vua, viên cử nhân ở Bộ Lại là Đặng Tĩnh Trai đã thừa soạn tấm bia "di ngôn" đặt giữa đồng Mồ. Trên tấm bia có đoạn ghi: "Ta rằng hỡi ôi! Số người thác ở đây trăm đời sau vẫn là ma khách. Nay các ngươi đều được về đây, thi thể các ngươi thoát khỏi cảnh ngâm thây đáy nước, dãi nắng bãi cỏ hoang, ăn gió uống sương hồn phách chập chờn như đom đóm...".

clip_image003

Tấm bia đá trên cánh đồng Mồ ở Tốt Động

Để có thêm những tư liệu sử quý giá chúng tôi đến gặp ông Hà Huy Tiến người bao lâu nay đã cần mẫn gom nhặt những đoạn sử quê làng Tốt Động. Sau bao nhiêu năm cặm cụi sưu tầm giờ ông đã tập hợp lịch sử quê hương thành cuốn "Tạp ký bản xã chư sự" trong đó có nhiều điều thú vị. Trận huyết chiến Tốt Động cũng được ông tìm hiểu, nghiên cứu với rất nhiều tài sử khác nhau. Ông Tiến còn đọc cho tôi nghe bài văn tế cô hồn quân Minh trên bia đá cổ có tên là "Văn tế Nghĩa Chủng" trong đó có đoạn: "…Thánh Triều nhân tâm / Trạch cập khô cất/ Sắc danh mộ điền/ Đồng phần dị huyệt/ Tuế tương mộ hỹ/ Giao nguyên thê kỷ/ Huân cao bật hưởng/ Hà phụ hà y…".

Ông Tiến tạm dịch: "… Nhờ lòng nhân ái của vua ta/ Cho thu nhặt hài cốt/ Theo sắc chỉ xây mộ/ Cùng chung một xứ mồ/ Hằng năm các vong hồn hãy nhớ/ Ngày này trở về đây/ Cùng nhau mà hưởng lộc/ Vì không có nơi nương tựa…".

Cái lễ đặc biệt thể hiện lòng nhân nghĩa của dân tộc ta với những vong hồn bại trận được diễn ra đều đặn hằng năm vào ngày 24 tháng Chạp. Những con "ma khách" được cúng rượu thịt, cháo cơm để phần nào khỏi đói khát, cô đơn ở xứ người mà chúng bỏ thân vì xâm lược. "Ô hô cẩn cốc" lời thầy cúng vừa dứt cũng là lúc trẻ con lao vào cướp cháo và từ đó người ta gọi là tục Cướp cháo cầu trước bia đá "di ngôn".

Ông Tiến thở dài: "Lịch sử dân tộc hào hùng như thế. Cánh đồng Mồ chôn 5 vạn quân Minh còn đây mà mấy người biết tới. Nhiều khi ngỡ tưởng nó bị lãng quên thì thật là đáng trách".

Lịch sử lùi xa nhưng những bài học thì còn mới lắm. "Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy trí nhân thay cường bạo" tư tưởng ấy ngàn đời nay dân tộc ta vẫn dùng làm cốt lõi mà rõ nhất là lịch sử ở cánh đồng Mồ.

Đống Đa, Chi Lăng, Bạch Đằng, Tốt Động mồ chôn xác giặc còn cao vời vợi chẳng lẽ có kẻ nào đó đã sớm quên. Hậu quả của giặc xâm lăng là những cánh đồng phơi xương trắng, những dòng sông đỏ máu hôi tanh. Hỏi, ngàn năm nay sao chưa thấm mà vẫn còn muốn nhòm ngó, nhăm nhe? Lịch sử vẫn luôn công bằng, chiến thắng không dành cho những kẻ xâm lăng.

Đ. G.

Nguồn: congly.com.vn


Original Page: http://boxitvn.blogspot.com/2012/07/chuyen-mo-chon-hang-van-quan-minh-giua.html

Không có nhận xét nào: