Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

09 tháng 7 2012

Tăng cường quan hệ mậu dịch tại châu Á

Tăng cường quan hệ mậu dịch tại châu Á

(Tại sao Hoa Kỳ cần Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương / TPP)

Bernard K. Gordon, Foreign Affairs, tháng Bảy/tháng Tám, 2012

Trần Ngọc Cư dịch

clip_image001

Tập hợp để chống lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Tokyo, tháng Mười 2011 (Yuriko Nakao / Courtesy Reuters)

Khi Vòng đàm phán Doha về mậu dịch toàn cầu gần đến năm thứ 12 mà chưa có viễn tượng chấm dứt, các cuộc đàm phán đó gần như đã thất bại.

Thất vọng vì tình trạng bế tắc của Doha và muốn bành trướng mậu dịch cũng như tạo dựng các liên minh, Hoa Kỳ đã ký kết một loạt các hiệp định tự do mậu dịch song phương (FTA), mà kết quả là đưa đến những hiệp định với Colombia, Panama, và Nam Hàn vào năm ngoái. Nói chung, những hiệp định này có lợi cho Hoa Kỳ; hiệp định với Nam Hàn được dự kiến là sẽ gia tăng mậu dịch giữa hai nước thêm hằng tỉ đôla và tạo hằng chục ngàn việc làm cho mỗi nước.

Mặc dù với những kết quả như thế, đường lối song phương không đưa ra nhiều hứa hẹn. Việc thông qua hiệp định mậu dịch năm ngoái đã chấm dứt sự giằng co kéo dài đã 5 năm giữa, một bên, là đại đa số các dân biểu Cộng hòa Hạ viện Mỹ, những thành phần ủng hộ mậu dịch trong cộng đồng doanh nghiệp, và bên kia, là các dân biểu Dân chủ Hạ viện Mỹ, hầu hết các công đoàn, và các hãng chế tạo xe hơi, vốn tranh đấu dữ dội chống lại hiệp định với Nam Hàn vì nước này đặt ra những hạn chế lâu đời nhắm vào việc bán xe Mỹ tại đó. Qua một tiến trình khó khăn gồm vận động hành lang, tranh đấu và tương nhượng, chính quyền Obama không còn thiết tha gì đến việc mưu tính một hiệp định song phương nào khác nữa.

Thay vào đó, để xúc tiến nghị trình mậu dịch của mình, Nhà Trắng đã lựa chọn một biện pháp trung dung giữa Vòng đàm phán Doha và các FTA  (hiệp định tự do mậu dịch) song phương: một tiến trình đa phương đặt trọng tâm trên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện đang được đàm phán giữa Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ, và Việt Nam, TPP sẽ là một trong những thỏa ước thương mại rộng lớn nhất thế giới. Và nếu Canada, Mexico, và nhất là Nhật Bản, tất cả đều đã bày tỏ vào tháng 11 năm ngoái ý muốn tham dự các cuộc đàm phán, cũng ký kết hiệp định, TPP sẽ cộng thêm nhiều tỉ đôla vào nền kinh tế Mỹ và sẽ tăng cường các cam kết chính trị, tài chính, và quân sự của Washington đối với khu vực Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới. Với tiềm năng thuận lợi bất ngờ, chính quyền Obama tin rằng TPP có một cơ may tốt đẹp để vượt qua sự chống đối trong nước hơn một thoả ước Doha hoặc các thoả ước song phương mới.

Tuy vậy, TPP đang gặp nhiều trở ngại. Các nhà phê bình tại một số quốc gia đang tham gia các cuộc đàm phán sợ rằng Hoa Kỳ, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp và các nhà sáng chế của mình, sẽ cố gắng sử dụng hiệp định này để áp đặt các luật lệ tác quyền và bằng sáng chế trên các đối tác thương mại. Bức màn tương đối bí mật vây quanh các cuộc đàm phán TPP chỉ đào sâu thêm các mối lo ngại ấy. Những nhà đàm phán cho phép các bên liên quan (interested stakeholders), từ công nghiệp đến đại chúng, trình bày thông tin tại các phiên họp công khai của TPP, nhưng họ không chịu công bố các văn bản đàm phán. Nếu chính quyền Obama không đáp ứng các lo ngại nói trên, thì sẽ có một khả năng ngày càng lớn là TPP có thể suy sụp. Hậu quả này sẽ là một thất bại to lớn đối với chính quyền Obama và phá vỡ luôn cả mục tiêu duy trì sự hiện diện lâu dài của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Binh Dương.

HỨA HẸN THÁI BÌNH DƯƠNG

Với nội dung được đề xuất hiện nay, TPP sẽ vượt quá những phạm trù thường được bao gồm trong các hiệp định thương mại. Trước tiên, trong thập kỷ tới, nó sẽ dần dần loại bỏ mọi thuế quan giữa các quốc gia thành viên. Phỏng theo mô hình của FTA (hiệp định tự do mậu dịch) giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn, TPP sẽ ảnh hưởng hầu hết mọi hình thức tương tác kinh tế giữa các thành viên, bao gồm các chính sách đầu tư và thu mua của chính phủ, các tiêu chuẩn môi trường và lao động, nông nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ, và các khu vực mới như các công ty quốc doanh, các công ty cỡ nhỏ và trung bình, các doanh nghiệp có từ 50 đến 500 nhân viên. Hoa Kỳ và các quốc gia đối tác hi vọng rằng TPP sẽ trở thành then chốt của nền tự do mậu dịch trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhưng TPP không thể đạt được tiềm năng đó nếu không có sự tham dự của Nhật Bản. GDP của nước này còn cao gấp đôi GDP của tất cả các quốc gia TPP khác cộng lại, nếu không kể đến Hoa Kỳ. Gộp Nhật Bản vào trong nhóm nghĩa là TPP sẽ bao gồm 40% GDP toàn cầu và cộng thêm 60 tỉ đôla cho thị trường xuất khẩu của Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao chính quyền Obama và khu vực xuất khẩu Mỹ tuyên bố ủng hộ việc mời thêm Nhật Bản vào TPP khi Tokyo biểu lộ ý muốn gia nhập. Tháng Chạp vừa qua, hơn 60 tổ chức nông nghiệp và thực phẩm Mỹ gửi một tuyên bố chung đến Ron Kirk, đại diện thương mại Hoa Kỳ, và Tom Vilsack, bộ trưởng nông nghiệp Hoa Kỳ, thúc đẩy họ "tạo điều kiện thuận lợi để Nhật Bản chính thức tham gia". Một tuần sau, Business Roundtable (Bàn tròn Doanh nghiệp), một hiệp hội các tổng giám đốc, và U.S. Business Coalition for TPP (Liên minh Doanh nghiệp Mỹ vì TPP), một tập hợp các công ty ủng hộ hiệp định tự do mậu dịch này, đã gửi những lá thư tương tự đến đại diện thương mại Hoa Kỳ. Vào tháng Ba, Wendy Cutler, một phụ tá đại diện thương mại Hoa Kỳ, đã nói trước một cử tọa tại Tokyo rằng "viễn tượng Nhật Bản tham gia TPP… là quan trọng, mang ý nghĩa lịch sử. Và thành thật mà nói, sẽ rất hào hứng".

Trước sự hấp dẫn của khả năng này, chính quyền Obama đã chọn TPP làm nguyên tắc cơ bản cho chính sách mậu dịch của mình, và đang làm mọi thứ có thể làm được để hình thành hiệp định này trong cách thế có lợi cho Hoa Kỳ. Chẳng hạn, chính quyền Obama đã nhấn mạnh việc khuyến khích và bảo vệ lợi ích của các công ty cỡ nhỏ và trung bình. Những công ty này ít có kinh nghiệm trong việc giao dịch xuất, nhập khẩu, nhưng Washington hi vọng tăng cường vai trò của chúng vì chúng tạo ra phần lớn công ăn việc làm tại Mỹ. Vì thế, bằng cách hỗ trợ các công ty nhỏ và trung bình này, chính phủ Mỹ có thể xây dựng hậu thuẫn trong nước cho ngành mậu dịch. Từ lâu, người dân Mỹ đã tỏ ra thờ ơ với mậu dịch, vì họ cho rằng mậu dịch chỉ làm lợi cho người nước ngoài, lấy mất công ăn việc làm của dân Mỹ, và làm gia tăng thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ, một sự kiện bị coi là tiêu cực tự bản chất, bất chấp sự kiện này từ lâu đã đi đôi với sức mạnh thương mại và chính trị Mỹ.

NHỮNG SAI TRÁI VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Thậm chí trong khi chính quyền Mỹ hi vọng những nỗ lực khuôn nắn TPP của mình sẽ xoa dịu những lo ngại của các công nghiệp và công đoàn Hoa Kỳ, Washington đã gây bất mãn cho các nhóm lợi ích công cộng và chính phủ các nước khác đang đàm phán hiệp định TPP -- đặc biệt liên quan quyền sở hữu trí tuệ.

Tháng Giêng 2011, một bản thảo liên quan quyền sở hữu trí tuệ từ các cuộc đàm phán TPP bị rò rỉ trên mạng. Một số nhóm lợi ích Mỹ và nước ngoài, như Intellectual Property (Cơ quan theo dõi quyền sở hữu trí tuệ), Public Knowledge (Tri thức công cộng), TPP Watch (Cơ quan theo dõi TPP), và Anonymous (Vô danh), đã gay gắt chỉ trích một số biện pháp được thảo ra trong văn bản. Đặc biệt, họ lên án các đề xuất kêu gọi thi hành luật hình sự đối với các vi phạm bản quyền và bằng sáng chế, một việc đi ra ngoài các hiệp định hiện hành giữa các nước đàm phán. Họ cũng quả quyết rằng TPP sẽ đòi hỏi các công ty cung cấp dịch vụ Internet phải nêu danh tánh người sử dụng và rằng Hoa Kỳ đang tìm cách áp đặt một cách vô lý những biện pháp bảo vệ tác quyền rộng rãi của mình trên hiệp định. Luật pháp Mỹ qui định rằng đại đa số bản quyền phải chấm dứt sau 70 năm, nhưng các người chỉ trích rêu rao, một cách lệch lạc, rằng chính quyền Obama đã kêu gọi đưa vào TPP một thời khoảng bản quyền tối thiểu 95 năm đối với một số tác phẩm. Hai chuyên gia pháp lý là Sean Flynn và Jimmy Koo đã nắm bắt được sự lo ngại của những người chỉ trích, khi họ viết vào năm 2011 rằng TPP sẽ tạo ra "một công cụ quốc tế cực đoan nhất, chống giới tiêu thụ và chống phát triển nhất, trong lãnh vực quyền sở hữu trí tuệ từ trước đến nay".

Chính quyền Obama đã hậu thuẫn những đề xuất này không phải để gây thiệt hại cho giới tiêu thụ nhưng để bảo vệ những nhà phát minh Mỹ. Quyền sở hữu trí tuệ vốn là một nguồn giá trị đối với Hoa Kỳ; vào năm 2010, chẳng hạn, 40% số tiền chi trả cho những người giữ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới -- gần 100 tỉ đôla – đã vào tay người Mỹ. Theo thông tin của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, những nố tiền này tương đương với lợi nhuận kiếm được do việc xuất khẩu máy bay, ngũ cốc, và các dịch vụ doanh nghiệp, ba khu vực dẫn đầu thặng dư mậu dịch của Hoa Kỳ. Và quyền sở hữu trí tuệ của người Mỹ càng trở nên quan trọng hơn nữa trong những năm tới, khi một số phát kiến công nghệ có cơ sở tại Hoa Kỳ, như các kỹ thuật áp dụng cho nhiều lãnh vực rộng lớn toàn cầu và các dụng cụ truyền thông vô tuyến cực kỳ hiện đại, sẽ thúc đẩy sự phát triển mậu dịch của Hoa Kỳ. Những người sáng tạo ra những công nghệ này sẽ cần đến sự che chở của TPP ở mức độ ngang hàng với những người hiện nắm giữ tác quyền và bằng sáng chế đang được luật pháp Mỹ che chở.

Hoa Kỳ gần như không phải là quốc gia duy nhất liên quan TPP có lợi ích trong việc bảo vệ tác quyền và bằng sáng chế cho công dân mình. Năm 2008, chẳng hạn, Nhật Bản đã dẫn đầu thế giới về số đơn xin bằng sáng chế. Và Singgapore, với những đầu tư công nghệ sinh học đáng giá nhiều tỉ đôla, cũng cần bảo vệ các nỗ lực phát sinh từ trong nước. Trong việc bảo vệ một cách chính đáng các quyền sở hữu trí tuệ của các nhà phát minh Mỹ, Hoa Kỳ cũng đã dẫn đường cho nhiều quốc gia khác. Nhưng rõ ràng là, một vài nước đang đàm phán hiệp định không tin rằng Hoa Kỳ quan tâm đến lợi ích cao nhất của họ.

CÁC PHÁT BIỂU TÙY TIỆN

Bất chấp quan tâm rộng lớn trong việc bảo vệ mạnh mẽ quyền sở hữu trí tuệ giữa vài nước đàm phán TPP, một số quốc gia khác tiếp tục cáo buộc rằng Hoa Kỳ đang đưa ra những đòi hỏi vô lý. Tại khóa họp đàm phán TPP thứ 11, tại Australia tháng Ba vừa qua, chẳng hạn, báo chí Úc tường thuật rằng mọi thành viên đàm phán TPP đã bác bỏ các đề nghị của Hoa Kỳ liên quan quyền sở hữu trí tuệ. Và vào giữa tháng Tư, một số nhà thương thuyết Chí Lợi đã bày tỏ hoài nghi về tương lai của hiệp định khi họ đặt nghi vấn là "liệu việc gia nhập TPP có xứng với những thiệt hại do nó gây ra nếu hiệp định này bao gồm thêm nhiều đòi hỏi về quyền sở hữu trí tuệ".

Trong khi đó, trong cùng một phiên họp tại Australia vào tháng Ba, một số tổ chức đã lên án TPP về tiềm năng gây ra sự khan hiếm thuốc rẻ. Tổ chức Y sĩ không Biên giới, chẳng hạn, cáo buộc Hoa Kỳ về việc đưa vào TPP những điều khoản sẽ gây trở ngại cho việc cung cấp những quốc gia đang phát triển các loại thuốc trị sốt rét và HIV/AIDS với giá rẻ. Trong một vòng đàm phán TPP trước đó, tổ chức này cho rằng hiệp định TPP sẽ "gia hạn việc bảo vệ độc quyền cho các loại thuốc cũ bằng cách chỉ làm một vài thay đổi nhỏ trong các công thức hiện hữu", do đó ngăn chặn các công ty bào chế khác đưa ra các loại thuốc tương đương với giá rẻ hơn (cheaper generic drugs).

Chính phủ Hoa Kỳ chưa trả lời hết mọi cáo buộc nhắm vào mình trong tiến trình đàm phán TPP, nhưng vào cuối tháng Hai, Demetrios Marantis, phó đại diện thương mại Hoa Kỳ, nói rằng văn phòng của ông "hết sức bất đồng" với quan điểm của Tổ chức Y sĩ không Biên giới. Ông nêu rõ rằng sáu tháng trước đó Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã soạn ra một chương trình TPP gồm 9 điểm, nhan đề "Trade Enhancing Access to Medicines" (Mậu dịch tăng cường sự tiếp cận thuốc men), nhằm đảm bảo, theo lời ông, rằng "các loại thuốc tương đương rẻ tiền có thể đi vào thị trường càng sớm càng hay".

Như vậy, chí ít Hoa Kỳ đã bắt đầu trả lời những quan ngại của các người có thái độ hoài nghi đối với TPP. Nhưng một vấn đề nghiêm trọng hơn vẫn còn tồn tại. Trong thời đại Internet, những đồn thổi về các điều khoản trong hiệp định có thể nhanh chóng châm ngòi cho một sự phản đối đều khắp trên thế giới. Chỉ có một đường lối minh bạch hơn và cung cấp thông tin đầy đủ hơn về tiến trình đàm phán mới có thể chặn đứng những tin đồn như thế. Và, mặc dù Hoa Kỳ và các quốc gia đối tác đã tỏ ra muốn tiếp thu ý kiến của những cá nhân và tổ chức có quan tâm, nhưng các quốc gia này chưa thật sự công khai hóa tiến trình đàm phán với đại chúng, do đó gây ra những lo lắng chính đáng về hình thái sau cùng của hiệp định. Chẳng hạn, vào tháng Giêng, Gary Horlick, một luật sư thương mại nổi tiếng và là cựu viên chức thương mại Hoa Kỳ, đã mô tả tiến trình TPP là "cuộc đàm phán thương mại kém minh bạch nhất mà tôi đã chứng kiến". Mặc dù Kirk, đại diện thương mại Hoa Kỳ, đã gọi các cuộc đàm phán này là "tiến trình cởi mở, minh bạch nhất từ trước đến nay", toán công tác của ông đã trình bày rất ít về lập trường của Mỹ trước công chúng và thậm chí trước những tổ chức quan tâm không chính thức tham gia các cuộc thảo luận TPP.

Vấn đề này đã trở nên căng thẳng vào tháng Hai vừa qua, khi 23 tổ chức Mỹ đại diện cho các thư viện của hầu hết mọi cơ quan nghiên cứu và đại học Mỹ thúc đẩy chính quyền Obama "phải có chỉ thị để cho công chúng được tự do tiếp cận" các bản thảo của cuộc đàm phán. Họ lý luận rằng các điều khoản của TPP "sẽ ảnh hưởng đến mọi gia đình Mỹ" và rằng "khả năng được áp dụng và tính thường trực của những luật lệ ấy… đòi hỏi tính minh bạch tối đa". Vài ngày sau đó, Thượng nghị sĩ Ron Wyden (Dân chủ - bang Oregon) nêu yêu cầu này trong một cuộc trao đổi căng thẳng với Kirk. Đáp lại lời tuyên bố của Wyden, Kirk cho rằng chính quyền Obama đã "có động thái tiết lộ thông tin nhiều hơn và sớm hơn bất cứ một chính quyền nào trước đây".

Không thoả mãn với câu trả lời của Kirk, Wyden đã đưa một dự luật đòi hỏi chính quyền phải tiết lộ bất cứ một văn bản đàm phán TPP nào "không quá 24 giờ sau khi văn bản đã được chia sẻ với các bên đàm phán khác". Đề nghị của Wyden không gây được ảnh hưởng, nhưng những tiếng nói ầm ỉ đòi hỏi một sự cởi mở hơn nữa trong các cuộc đàm phán TPP vẫn còn tiếp diễn tại Hoa Kỳ cũng như ở nước ngoài.

MỘT LOẠI HIỆP ĐỊNH MỚI

Nếu các cuộc đàm phán TPP đạt được kết quả mong muốn, Hoa Kỳ sẽ trở nên hùng mạnh hơn, về kinh tế lẫn chính trị, trong thế hệ tới. Một hiệp định bao gồm cả Nhật Bản cơ bản sẽ đưa đến một hiệp định tự do mậu dịch (FTA) giữa Washington và Tokyo, tiêu biểu cho điều mà lâu nay Mỹ vẫn tìm kiếm là "mở cửa Nhật Bản lần thứ ba" đồng thời khẳng định quyền lực Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương. Nói rộng ra, Hoa Kỳ hi vọng rằng TPP sẽ gắn bó một hệ thống mậu dịch mở, nối kết giữa các thành viên lại với nhau, đặt cơ sở trên những luật lệ mà mọi bên đều đồng ý.

Đó là lý do tại sao chính phủ Hoa Kỳ hi vọng hoàn tất đề cương phổ quát của một thoả thuận sau cùng vào cuối năm này. Nhưng trước tiên, chính phủ này phải thuyết phục được lực lượng chống đối TPP ở trong nước, đặc biệt là các khu vực kinh tế xe hơi, bảo hiểm, và nông nghiệp Mỹ. Ngoài ra, chính phủ Hoa Kỳ cần phải hòa giải, trong bất cứ trường hợp nào nào có thể, những lo ngại của các nhà phê bình ở trong nước cũng như ở nước ngoài về những đòi hỏi liên quan quyền sở hữu trí tuệ. Và Hoa Kỳ phải minh bạch hóa hơn nữa tiến trình đàm phán. Nếu chính quyền Obama không chịu đi những bước này, thì nó có khả năng mất một cơ hội dọn đường cho một loại thỏa ước mậu dịch mới và tái khẳng định vai trò kinh tế và chính trị của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương.

B. K. G.

BERNARD K. GORDON là Giáo sư Danh dự Khoa Chính trị tại Đại học New Hampshire. Ông là tác giả cuốn America's Trade Follies (Những Điên rồ Mậu dịch của Mỹ) và một cuốn sách sắp ra về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Binh Dương.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.


Original Page: http://boxitvn.blogspot.com/2012/07/tang-cuong-quan-he-mau-dich-tai-chau.html

Không có nhận xét nào: