Xin lấy bài Từ phân cấp đến cát cứ của Phan Lợi (Bút Lông) cũng trên báo Pháp luật TP HCM (http://phapluattp.vn/2010030111482264p0c1013/tu-phan-cap-den-cat-cu.htm) làm đề từ:
Khi dư luận xôn xao về việc chính quyền 10 tỉnh cho nước ngoài thuê trên 300.000 ha rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, nhiều người lại nhớ đến việc "rung chuông" mạnh mẽ của nhiều chuyên gia kinh tế về nạn "cát cứ" của các chính quyền địa phương gần đây trong việc sử dụng các nguồn lực.
Nói cách khác, sự cát cứ này là biến tướng xấu từ chuyện phân cấp một cách thiếu kiểm soát kéo dài. Hơn 20 năm qua, thoát khỏi nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp thì "phân cấp" được xem là cứu cánh, xóa bỏ rào cản đem lại sự năng động cho cơ sở. Nhiều nơi đã nổi lên như những anh hùng của đổi mới.
Tuy nhiên, mặt trái của nó là môi trường bị tàn phá, là sân golf "nuốt" đất lúa, là cảng biển, sân bay, khu công nghiệp (KCN)… mọc tràn lan nhưng vắng khách.
Không thể chậm trễ hơn nữa, ngay bây giờ phải xem xét một cách nghiêm túc cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế.
Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Đình Cung, nói thẳng việc phân bố đầu tư phải điều chỉnh lại theo hướng đầu tư tập trung vào các nút cổ chai tăng trưởng "Đơn cử như việc kết nối các KCN. Hà Nội và Bắc Ninh có các KCN lớn. Thế nhưng khi kết nối hai khu thì Bắc Ninh đã rót vốn đầu tư hoàn chỉnh đoạn thuộc tỉnh mình nhưng Hà Nội lại không hào hứng do tâm lý sợ nhà đầu tư sẽ chuyển qua Bắc Ninh, nơi có đầu vào rẻ hơn. Việc kết nối giữa Long An và TPHCM cũng vậy, Long An làm, còn TP.HCM không vội. Người ta quên mất rằng điều này đồng nghĩa với việc nguồn lực quốc gia được sử dụng hiệu quả hơn" - ông Cung nói.
Ở góc độ kinh tế, ông Cung đề xuất cần cho Chính phủ một không gian điều hành lớn hơn, đặc biệt là chính quyền trung ương, bởi "chúng ta phân cấp quá nhiều và bây giờ đang phải đối mặt với các hệ lụy của nó. Chính sách phân cấp hiện đã giới hạn không gian phát triển kinh tế ở địa phương. Giới hạn đó bó hẹp, phân tán quá, không đảm bảo quy mô phát triển".
Còn ở góc độ chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng thì quá rõ: sự cát cứ mang"tư duy nhiệm kỳ" chạy theo thành tích bắt đầu đưa tới những hệ lụy nghiêm trọng mà cảnh báo của hai tướng Đồng Sỹ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh đã khá cụ thể.
"Cơ chế do chúng ta tạo ra và chúng ta có thể sửa đổi được". Ông Cung nói và điều cơ bản là chúng ta muốn làm hay không.
Phan Lợi
Ông Vĩnh cho rằng việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng dài hạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hiểm họa.
Đầu tháng 2, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh có thư kiến nghị lên Trung ương Đảng nêu ý kiến cảnh báo mạnh mẽ việc một số tỉnh cho doanh nghiệp nước ngoài thuê dài hạn một diện tích lớn đất rừng đầu nguồn. Pháp Luật TP.HCM có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Trọng Vĩnh.
. Vì sao ông phản đối các dự án cho thuê đất rừng?
+ Như tôi đã nêu trong thư kiến nghị, cho nước ngoài thuê rừng, nhất là rừng đầu nguồn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hiểm họa.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, việc cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó kiểm soát. Ảnh: HTD
- Người ta có thể chặt phá, khai thác bừa bãi mà hậu quả sẽ hết sức nghiêm trọng: thủy lợi hết nước, lũ lụt, lũ quét đổ về đồng bằng. Đó là chưa kể mối đe dọa về an ninh quốc phòng.
Cho thuê dài hạn lại càng không thể được. 50 năm là quá dài, ba thế hệ chứ có ít đâu. Phía doanh nghiệp nước ngoài sẽ đưa người sang khai thác, làm nhà, định cư, hình thành những cộng đồng dân cư ở một số vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng…
. Nhưng phản hồi từ phía địa phương như Lạng Sơn cho rằng chính quyền có cơ chế để có thể giám sát, kiểm soát các dự án?
+ Họ nói vậy chứ cho thuê dài hạn ai mà kiểm soát được! Họ không kiểm soát nổi đâu mà có khi cũng chẳng buồn kiểm soát.
Ở đây tôi cũng muốn nói rõ không ai lại đi phản đối các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài, tôi cũng vậy. Nhưng thu hút đầu tư thì phải là đầu tư vào các ngành công nghiệp, công nghệ, sản xuất ra hàng tiêu dùng chứ không phải đầu tư vào đất đai. Nước ta là nước nông nghiệp, dân rất đông, người cày còn thiếu ruộng, sao lại đem đất cho nước ngoài thuê?
. Bây giờ trở lại với các dự án cho thuê đất rừng, ông nghĩ có giải pháp nào?
+ Phải đình chỉ ngay các dự án chưa ký kết, còn nếu đã ký rồi thì cũng chấm dứt, chấp nhận bồi thường. Về dài hạn, phải có chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý. Tôi chỉ có thể kiến nghị như vậy thôi.
. Xin cảm ơn ông.
Trong bảy năm được Đảng, Chính phủ giao phụ trách Chương trình 327 (Chương trình cấp nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng – PV), tôi đã cùng các bộ, các địa phương lặn lội khắp mọi nẻo rừng, ven biển, các đảo; đã từng leo nhiều ngọn núi cao hàng ngàn mét, từ bước chân, qua ống nhòm đã tận mắt thấy cảnh tàn phá rừng để làm nương rẫy, chặt phá gỗ quý để sử dụng và xuất khẩu.Mối nguy hại của việc tàn phá rừng đầu nguồn thế nào mọi người đều đã rõ. Bởi vậy, trồng rừng đầu nguồn là vấn đề sống còn, là sinh mệnh của người dân, chúng ta không chỉ trồng rừng mà còn phải bảo vệ rừng. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn |
Nguồn: Pháp luật TP HCM 2-3-2010
Đoan Trang
(phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét