Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển. Ảnh: VNN
Nguyên Bộ trưởng Thương mại, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Trương Đình Tuyển chia sẻ những suy tư thời cuộc về Đại hội XI sắp tới.
Không khí tranh luận dân chủ sẽ kích thích mọi suy nghĩ
- Hội nghị trung ương đã khai mạc, sắp tới vào trung tuần tháng 10 các dự thảo văn kiện quan trọng sẽ được đưa ra để lấy ý kiến của người dân. Còn nhớ, trước thềm Đại hội X đã có một không khí thảo luận sôi nổi trong xã hội về các văn kiện Đại hội. Theo cảm nhận của ông, liệu lần này chúng ta có thể kì vọng một không khí như vậy không?
Đúng là trước thềm đại hội X đã có một không khí tranh luận sôi nổi về những vấn đề của đất nước đặt ra cho đại hội Đảng. Được như vậy là nhờ không khí dân chủ mà Đảng đã tạo ra.
Các ý kiến có thể khác nhau và không phải mọi ý kiến đều đặt đúng các trọng tâm cần giải quyết vào thời điểm đó, nhưng tất cả đều tâm huyết, vì sự phát triển của đất nước. Cái được lớn nhất là không khí dân chủ sẽ kích thích mọi suy nghĩ. Tôi cũng rất mong muốn có được không khí như vậy trước đại hội lần này.
Hơn nữa, đại hội XI có ý nghĩa rất quan trọng, vì đây là đại hội mà Đảng ta thông qua cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển cương lĩnh 1991), thông qua chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2011-2020 trong bối cảnh quốc tế mới đang vận động rất nhanh và phức tạp hiện nay. Tất nhiên, có được không khí như vậy hay không là tuỳ thuộc vào việc Trung ương Đảng tổ chức lấy ý kiến thế nào, có tạo được không khí tranh luận dân chủ không?
Lúc đó, nhiều ý kiến của dân sẽ được phản ánh vào các văn kiện. Tôi nghĩ chúng ta nên đặt vấn đề là ý đảng phải hợp với lòng dân hoặc lòng dân phải được chuyển thành ý Đảng thay vì nói gọn lại là: ý đảng, lòng dân vì không toát lên được cái gì quyết định cái gì.
Dân phải được tham gia vào quá trình lựa chọn lãnh đạo!
- Là một người đã từng kinh qua chính trường và nay ở vị trí người dân nhưng vẫn ưu tư thời cuộc, ông mong chờ gì ở các hội nghị trung ương và Đại hội sắp tới?
Phải kiên trì và quyết liệt đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới theo yêu cầu: đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, với trọng tâm của đổi mới chính trị là thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của người dân, kể cả dân chủ trong việc lựa chọn người lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Xác định trọng tâm như vậy thì không ai có thể hiểu đổi mới chính trị là đổi mới chế độ chính trị được. Hơn nữa, đây cũng là những yêu cầu mà nhiều nghị quyết của Đảng đã đặt ra. Có điều lâu nay ta làm chưa tốt. Giờ phải làm mạnh hơn, để tốt hơn.
- Ông nói rằng phải dân chủ trong lựa chọn lãnh đạo. Đã từng là ủy viên trung ương, ông thấy trong các hội nghị, các ủy viên trung ương có được đóng góp nhiều ý kiến để chọn ra những người thật sự có tâm, có tầm cho những vị trí quan trọng hay không?
Không ai hạn chế việc các uỷ viên trung ương đóng góp về nhân sự. Trên thực tế đã có không ít trường hợp Bộ chính trị giới thiệu nhưng trung ương không đồng ý.
Tuy nhiên, hạn chế ở đây là thông tin. Mỗi người làm việc ở những địa phương khác nhau, lĩnh vực công tác khác nhau nên không hiểu hết nhau. Mà khi đã không hiểu thì đành dựa vào giới thiệu của Bộ chính trị. Vì, dù sao cũng đã có cơ quan sàng lọc giúp còn hơn là bầu mà không dựa vào cái gì cả, mặc dù không phải trường hợp nào cũng đúng vì Bộ chính trị cũng dựa vào các cơ quan tham mưu.
Vì vậy, vấn đề là phải có tranh cử. Người tranh cử phải công khai báo cáo mình đã làm thế nào trên cương vị hiện tại và tạo điều kiện cho dân giám sát báo cáo đó, lại phải nêu ra những vấn đề cần giải quyết trong nhiệm kỳ tới và quan điểm giải quyết của mình là thế nào? Đương nhiên làm việc này không hề đơn giản. Nhưng phải mạnh dạn làm.
Trước hết, nếu làm không được tất cả thì có thể bắt đầu với các đồng chí Bộ Chính trị dự định tái cử Trung ương. Khi làm được như vây, các đại biểu sẽ có thông tin để lựa chọn. Điều quan trọng hơn cả là làm thế nào để nhân dân tham gia vào việc lựa chọn lãnh đạo. Khi nhân dân đã thừa nhận vai trò lãnh đạo của đảng, thì cũng cần có cơ chế để nhân dân được quyền tham gia vào quá trinh lựa chọn người lãnh đạo mình chứ.
Ủy viên trung ương phải dám làm dám chịu trách nhiệm
- Trở lại với câu chuyện tạo không khí tranh luận dân chủ cho Đại hội Đảng. Nhiều người nói rằng, chính các uỷ viên trung ương phải có trách nhiệm truyền lửa từ xã hội vào hội trường. Đại hội VI tạo ra bước ngoặt khởi xướng cho công cuộc Đổi Mới cũng nhờ những uỷ viên trung ương dám xé rào và nói thẳng, nói thật. Ông nghĩ sao về trách nhiệm của các uỷ viên trung ương ngày hôm nay?
Các ủy viên trung ương luôn có vai trò rất quan trọng. Là những người đứng đầu một tỉnh, thành phố hoặc một ngành, họ hiểu rõ những vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở ngành, địa phương mình. Từ thực tiễn đó, họ thấy rõ hơn yêu cầu của cuộc sống. Và, giải quyết những vấn đề của thực tiễn luôn là cội nguồn của sáng tạo chứ không phải những giáo điều kinh viện.
Bài học về khoán hộ ở Vĩnh Phú mãi còn giá trị, không phải ở cách cụ thể mà đồng chí Kim Ngọc giải quyết mà là ở chỗ ông đồng cảm sâu sắc trước tình cảnh đói nghèo của người dân, cùng đau nỗi đau của họ và dám tháo bỏ những quy định mà thực tiễn đã chứng tỏ không phù hợp để thúc đẩy phát triển.
Với tư cách là người đứng đầu một ngành, một tỉnh, các uỷ viên Trung ương phải là người đi đầu trong công cuộc đổi mới, có tư duy sáng tạo, dám làm dám chịu trách nhiệm.
Khi còn làm bí thư tỉnh uỷ Nghệ An, tôi thường nói với anh em: Trong công việc, có thể có sai lầm miễn là phải tránh hai loại sai lầm (1) sai lầm vì động cơ cá nhân và (2) sai lầm tuy không phải do động cơ cá nhân nhưng lại nghiệm trọng đến mức để khắc phục nó thì rất tốn kém.
Giới hạn như vậy thì tôi thích cán bộ dám làm và có thể có sai hơn là loại cán bộ trì trệ.
- Có những nhận xét nói rằng Hội nghị trung ương không có được không khí sôi nổi như tại Quốc hội. Nhiều vấn đề lớn, có nhiều vị trong lòng còn băn khoăn nhưng cuối cùng vẫn gật đầu thông qua. Theo ông vì sao không có nhiều người nêu chính kiến và tranh luận đến cùng dù quyền trong điều lệ Đảng cho phép họ làm điều ấy? Liệu có phải vì tâm lý an bài là mọi quyết sách lớn Bộ Chính trị đã quyết, các uỷ viên trung ương đến chủ yếu để nghe và thông qua hay tâm lý cấp trên – cấp dưới, trong hội nghị TƯ thì mọi uỷ viên đều có quyền bình đẳng nhưng ra ngoài đời thì ông Bí thư tỉnh uỷ lại là cấp dưới của ông Uỷ viên Bộ Chính trị nên nhiều người e ngại phát biểu vì sợ đụng chạm?
Tham gia Trung ương hai khoá, nhận xét của tôi là không khí dân chủ trong Trung ương có khá lên, đã có nhiều người phát biểu thẳng thắn hơn. Tuy vậy, tôi cũng đồng ý rằng không khí đó vẫn chưa được như trong Quốc hội. Có nhiều lý do. Những điều bạn đặt ra, theo tôi, ở mức độ khác nhau đều có cả. Nhưng có thể có những lý do nữa là:
1, Đại biểu quốc hội còn bị cử tri giám sát. Nếu các đại biểu quốc hội đến chỉ để giơ tay thì cử tri sẽ có đánh giá thấp vị đại biểu đó. Trong khi một bí thư tỉnh ủy, một bộ trưởng trong trung ương thì cán bộ công chức của bộ – địa phương đó không biết thủ trưởng của mình đóng góp được gì cho hội nghị Trung ương. Vì vậy, có những người cả khoá không phát biểu tại hội trường nhưng cũng không sao cả, thậm chí còn lên cao hơn.
2, Thành phần đại biểu Quốc hội đa dạng hơn. Chính sự đa dạng đó làm cho Quốc Hội có nhiều nhân tố "bùng nổ hơn".
3, Trong hoạt động của Quốc Hội có chương trình chất vấn. Sự sội động trong các phiên chấn vấn truyền lửa vào các phiên thảo luận.
Và vấn đề quan trọng hơn cả là lựa chọn nhân sự ban chấp hành Trung ương. Phải là những người có quan điểm và dám bày tỏ quan điểm của mình, còn khi đã quyết định thì có quyền bảo lưu nhưng vẫn phải chấp hành nghị quyết.
Đến hội nghị Trung ương là để giải quyết những vấn đề của cuộc sống
- Bản thân ông có thẳng thắn trong các Hội nghị trung ương được như tính cách vốn có không?
Tôi là người phát biểu rất thẳng thắn trong hội nghị Trung ương. Tôi đã từng phát biểu trong hội nghị: là ủy viên Trung ương, chúng ta đến đây không phải để nói lập trường (Tôi còn nói thêm: Nếu để nói lập trường thì tôi nói cũng chẳng kém ai). Chúng ta đến đây để bàn cách giải quyết những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Vì vậy, tôi luôn trình bày thẳng thắn quan điểm của mình.
Có rất nhiều người tán thành quan điểm và thái độ thẳng thắn của tôi. Họ chia sẻ với tôi rằng: Tôi đồng ý với anh, có điều không phải ai cũng công khai bày tỏ thái độ trên hội trường. Vì vậy tôi đã từng nói vui với họ: các anh chỉ ủng hộ ở bên lề hội nghị thôi.
Nhưng không phải ai cũng đồng tình với quan điểm và phong cách thẳng thắn của tôi. Thậm chí tôi nghe nói có người còn phê phán nhưng tôi vẫn giữ quan điểm và phong cách thẳng thắn vốn có và cũng không thấy ai trù dập mình.
- Từ kinh nghiệm bản thân ông, cần phải có cơ chế như thế nào để những uỷ viên trung ương thể hiện trách nhiệm của mình, dám nói, dám làm, dám nêu chính kiến và bảo vệ suy nghĩ của mình?
Có nhiều việc phải làm nhưng có ba việc theo tôi là quan trọng nhất:
Một là, phải chọn những người có phẩm chất và có năng lực thật sự. Khi đã có phẩm chất và năng lực họ sẽ có đủ bản lĩnh để thể hiện quan điểm của mình. Muốn vây, phải có cơ chế tranh cử và cơ chế để nhân dân tham gia vào quá trình lựa chọn nhân sự.
Thứ hai, tạo ra không khí dân chủ trong tranh luận và trân trọng những ý kiến phản biện. Có thể những ý kiến này không phải lúc nào cũng đúng, nhưng lập luận của họ giúp người đưa ra chính sách củng cố nhận thức của mình và như thế chỉ tốt hơn mà thôi.
Thứ ba, tạo ra không khí dân chủ trong xã hội. Điều này giúp các ủy viên trung ương tiếp nhận và sàng lọc các ý kiến đa chiều, làm phong phú thêm nhận thức và tư duy của mình, giúp họ có thêm thông tin từ đời sống xã hội để tham gia ý kiến tại Trung ương.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét