Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

24 tháng 7 2010

Về việc Việt kiều trực tiếp tham gia điền hành đất nước

Về việc Việt kiều trực tiếp tham gia điền hành đất nước

TSKH Nguyễn Đăng Hưng,

GS danh dự thực thụ Trường ĐH Liège, Bỉ

image Chiều 20/7/2010 vừa qua, trong kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về việc tạo điều kiện cho Việt kiều trực tiếp tham gia điều hành đất nước.

Theo báo Pháp luật TP HCM, Thường trực Ủy ban Pháp luật trình hai phương án:

1. Đồng ý với quy định của dự luật: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam có thể đăng ký tuyển dụng làm viên chức. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể những lĩnh vực, ngành nghề, vị trí, điều kiện, quyền, nghĩa vụ… trong trường hợp Việt kiều được tuyển dụng làm viên chức.

2. Không quy định việc tuyển dụng viên chức là Việt kiều trong dự luật mà có thể sử dụng các cơ chế khác để huy động chất xám, trí tuệ của họ như ký hợp đồng vụ việc, hợp đồng lao động có thời hạn…

Tôi không hề ngạc nghiên về kết quả được tóm tắt trên Vietnamnet: "Chưa đồng tình để Việt kiều về nước làm viên chức".

Sau khi tham khảo kỹ hơn mới thấy ngoài những phát biểu có thiện chí của một số người, tôi hơi bị hãi về nội dung một số phát biểu của đại diện Chính phủ, của các bậc thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những người đứng đầu các đại biểu của dân Việt ngày nay.

Xin đơn cử vài phát biểu để đời:

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của QH, ông Ksor Phước nói: " không tán thành việc cho phép công dân VN định cư ở nước ngoài tham gia dự tuyển làm viên chức vì quan ngại có thể bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động chống phá".

Quả thật, tôi không thể nghĩ ra được một vị đứng đầu một Ủy ban gọi là Dân tộc mà có thể phát biểu xúc phạm đến "bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam" như vậy. Làm sao ông Chủ nhiệm có thể quơ đũa cả nắm để coi thường trình độ văn hóa, khoa học và chính trị của người Việt Nam ở nước ngoài đến thế? Phải chăng loại quan ngại này xuất phát từ một thứ não trạng đa nghi cố hữu, thấy ai cũng là kẻ thù rồi tự cô lập mình, chỉ làm việc với người cùng phe cùng cánh, những thành viên chung quanh ao làng?

Không biết ông Chủ nhiệm có hay biết những hoạt động yêu nước đa dạng của người Việt đang định cư ở nước ngoài vì sự nghiệp phát triển và trường tồn của đất nước chúng ta hay không?

Tôi xin đơn cử một thí dụ thôi. Vụ National Geographic Society (NGS) thừa nhận gây "ngộ nhận" và "hiểu sai" khi dùng nhãn "China" gắn với tên "Tây Sa" để nói về quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ thế giới của họ, có thể làm người mua hiểu rằng họ phủ nhận chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và làm quên đi việc Trung Quốc đã xâm chiến Hoàng Sa năm 1974. Sau khi phát hiện sự kiện, ba Việt kiều tại Úc: Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá, Lê Quang Long, đã phản ứng ngay và sau đó nữa Bộ Ngoại Giao Chính Phủ Việt nam mới vào cuộc. Hành động như vậy mà ông không quan tâm mà còn cho là phá hoại sao thưa ông?

Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn thì cho rằng: "Nếu quy định Việt kiều được dự tuyển viên chức được thông qua thì phải quy định rất cụ thể về ngành, nghề và xem xét cả quá trình làm việc cũng như nhân thân của người dự tuyển…" !

Trời ơi! giờ này mà vẫn còn kỳ thị, còn lý lịch chủ nghĩa đầy mình như vậy. Ôi thôi! suy nghĩ thế này thì mong chi đến ngày hòa hợp hòa giải dân tộc, thực hiện Đại Đoàn Kết toàn dân?

Hòa bình, thống nhất đã trở về với dân tộc Việt 35 năm rồi! Vậy mà công cuộc hòa hợp và hòa giải vẫn là thời sự, vẫn ở phía trước!

Mỗi năm vài lần Quốc hội, rồi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phải tốn bao nhiêu giấy mực, bao nhiêu tranh cãi, phải loay hoay mãi, vẫn chưa có giải pháp phù hợp với tâm tư nguyện vọng chung của người Việt định cư tại hải ngoại, và chưa tận dụng được chất xám Việt kiều, nguồn tài nguyên vô giá của dân tộc, có phải là lãng phí cho đất nước biết bao nhiêu! Quý vị vì ai mà nghĩ những điều lạc hậu với thời đại có đến mấy thập kỷ đó?

Các nước văn minh trên thế giới không có nước nào lại kỳ thị, phân biệt nguời dân trong nước và đồng bào tạm định cư ở nước ngoài. Mọi người đều bình đẳng về quyền lợi cũng như nghĩa vụ đối với đất nước thì sự đối xử sao lại khác nhau? Cứ xem cách Trung Quốc người ta chủ trương về vấn đề này có tầm viễn kiến như thế nào thì biết đó là điều vô cùng cấp thiết cho một đất nước, bất kỳ nước nào trên thế giới hiện nay, sao quý vị không chịu học tập?

Nhân dịp này tôi cũng xin nhắc lại một đề nghị của cá nhân tôi từ 5 năm trước, trong ngày họp mặt Việt kiều 17/8/2005 tại Hà Nội, do Ban Việt kiều Trung Ương tổ chức, có mặt không ít quan chức cao cấp (Phó Chủ tịch nước, các Bộ trường, Thứ trưởng, Vụ trưởng, Phó ban…, của Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học Công nghệ, Ban Đối ngoại Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đông đảo Việt kiều tiêu biểu khắp các châu lục).

Tôi xin ghi lại nội dung lời phát biểu trong buổi họp khoáng đại đúc kết Hội nghị:

"Tôi thấy Chính phủ Việt Nam tốn quá nhiều thời gian và công sức để tham khảo và đề đạt nghị định này, đạo luật nọ về vấn đề Việt kiều. Đã bao nhiêu năm rồi mà vẫn như cũ, quyền lợi chánh đáng của bà con Việt kiều vẫn chưa cải tiến. Tôi đề nghị nên chấm dứt tình trạng này bằng một hành động cụ thể và ngắn gọn, có hiệu quả ngay: đề đạt và chuẩn y một nghị định, một luật mà tôi gọi là luật duy nhất về người Việt cư trú tại nước ngoài:

  1. Kề từ ngày có luật duy nhất này, nay chấm dứt phân biệt, quyền lợi cũng như nghĩa vụ, giữa người Việt trong nước và người Việt nước ngoài.
  2. Đối với người Việt Nam định cư tại hải ngoại và còn giữ quốc tịch Việt Nam thì chính thức hóa quốc tịch này và công nhận quyền lợi và nghĩa vụ công dân Việt Nam của họ.
  3. Đối với người Việt Nam định cư tại hải ngoại đã có quốc tịch của nước sở tại thì sẵn sàng cho phép trở lại quốc tịch Việt Nam nếu họ có nguyện vọng. Nhanh chóng sửa đổi luật quốc tịch hiện hành cho phù hợp.
  4. Đối với người Việt Nam định cư tại hải ngoại mà vì những lý do riêng, không trở lại quốc tịch Việt Nam được, thì cũng tạo điều kiện miễn thị thực để họ có thể dễ dàng đi lại, thăm quê hương, mua nhà, đầu tư, giao lưu với trong nước.

Đạo luật duy nhất này nếu thành hình, thực thi nghiêm túc và đồng bộ, sẽ biến những đau thương mất mất mát, ly cách, phân biệt bấy nhiêu năm nay thành những cơ may cho một vận hội mới, người Việt tìm lại nhau trong tình tự dân tộc.

Thật vậy, không có nước nào trên thế giới mà không có người Việt định cư, không có tiếng nói nào trên thế giới mà người Việt không nói được, không có công nghệ tiên tiến nào mà người Việt không nắm bắt… Làm được việc này chính là tạo điều kiện cơ bản nhất cho công cuộc đoàn kết dân tộc, xây dựng nền dân chủ, công bằng, nếp sống tình nghĩa, văn minh, tạo cơ sở vững bền cho chiến lược hội nhập phát triển, hiện đại hóa và công nghệ hóa đất nước.

TP Hồ Chí Minh ngày 22/7/2010

NĐH

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập


Đôi lời với sinh viên Thanh Hóa, Ninh Bình, Bình Dương…

Đôi lời với sinh viên Thanh Hóa, Ninh Bình, Bình Dương…

Hà Văn Thịnh

image Đọc thư và xem những tấm ảnh của các em viết, dán ở khắp nơi trên quê hương mình (xem Boxitvn.net, 21.7.2010), tôi đã khóc. Khóc vì trước mắt tôi dường như thế hệ trẻ đã tỉnh thức thật rồi. Trong suy nghĩ của tôi lâu nay, đó là điều quan trọng nhất. Mặc dù tôi chưa được dạy các em một giờ nào, nhưng cho phép tôi tâm sự bởi những điều được viết ra bằng tất cả đắng cay và nước mắt…

Từ lâu tôi đã nghĩ rằng thế hệ chúng tôi (trước hết là tôi, U60 – U70) đáng bị bỏ đi (mong các cụ, các bác đại xá). Bởi đó là thế hệ học hành thì chắp vá, kiến thức thì luộm thuộm, tư duy thì nửa tỉnh nửa mê. Còn lại, những ai đang ở trong bộ máy công quyền thì hầu hết đều thiển cận, tham lam, ích kỷ và… dốt nát. Sự công thần (vì đã vào tù, ra tội, nhiều huân – huy chương) đã biến họ thành những kẻ luôn vênh mặt trước dân, luôn tìm cách ăn chơi, vơ vét để "bù đắp" cho những tháng ngày khổ nhục vất vả. Kể ra thì cũng có thể thông cảm được phần nào, nhưng tai họa không dừng ở đó mà lại càng ngày càng phát tác tệ hại hơn, càng ngày càng đẩy dân tộc đến chỗ hiểm nguy hơn.

Tôi biết trông chờ vào ai nếu không phải là thế hệ trẻ? Tôi luôn luôn vững tin rằng các em sẽ là những người mới về tư duy, tình cảm; mạnh mẽ về ý chí, bền bỉ về nội lực. Có như thế đất nước mới có thể đổi thay.

Nền giáo dục của nước ta dưới chiêu bài đề cao tính khiêm tốn (!) đã đẩy nhiều thế hệ trẻ vào chỗ khuất lụy, ươn hèn. Làm sao có thể là SĨ khi lúc nào cũng khúm núm, một dạ, hai thưa? Tôi luôn nói với sinh viên rằng phải đứng thẳng, ưỡn ngực và ngẩng cao đầu trước mặt thầy một cách tự tin vì nếu không học cách đứng thẳng thì làm sao có thể thành SĨ được? Các em cứ mở chữ SĨ () ra mà xem: Nó chỉ có 3 nét nhưng viết cho ngang, cho thẳng, cho cân đối là khó vô cùng. Nét thứ nhất (tôi dẫn giải theo cố nhà giáo – Thầy của những người thầy, Cao Xuân Huy) là nét ngang để minh định rằng sĩ là thứ nhất (trong tứ dân sĩ, nông, công, thương). Nét đó cũng nói rằng phải biết công bằng, hài hòa (tất nhiên là rất khó, hầu như chẳng ai đạt được nhưng phải phấn đấu vì nó) trong cuộc đời; phải chuẩn mực trong cách đo – nhìn xã hội. Nét sổ nói rằng sĩ phải đứng thẳng trong đời, không được bẻ cong lưng trước bất kỳ sự sai trái nào. Hai nét ấy tạo nên chữ thập tức là vươn tới cái ước vọng 10 phân vẹn mười hay là kiến thức phải nhiều như 4 phương, tám hướng. Nét ngang dưới ngắn và nhỏ để khẳng định rằng miếng cơm, manh áo luôn ở thấp, không đáng gì so với trách nhiệm và bổn phận của sĩ. Cả 3 nét tạo nên hình dáng của một cánh chim bằng (máy bay bây giờ) ngụ ý nói sĩ phải vươn tới tự do trên bầu trời lồng lộng mà không phải chịu bất kỳ một sự ràng buộc vô lý nào (tự bản thân chữ sĩ đã là chuẩn mực, theo tinh thần thượng tôn pháp luật rồi). Nếu chúng ta che đi một nửa chữ SĨ, Thầy Cao Xuân Huy nhấn mạnh, là một nửa chữ Nhân () ẩn sâu vào bên trong đó.

Tôi dài dòng một chút như thế để bày tỏ rằng tôi tin thế hệ các em là những SĨ đích thực của giống nòi. Một khi các em thức tỉnh, không còn sợ hãi, không còn phải khom lưng cúi đầu nữa thì nhất định vận nước sẽ đổi thay. Làm sao chúng ta có thể bình tâm, làm ngơ khi viết hay nói về chủ quyền, vận mệnh dân tộc lại phải sợ hãi? Có thời đại nào, ở bất kỳ nước nào trên thế giới có chuyện đó không? Câu trả lời là không. Đừng vin vào sự "nhạy cảm" hay là quan hệ tế nhị giữa hai nước mà bắt trái tim của người dân thôi rỉ máu vì sự hiểm nguy của giống nòi. Tôi tin rằng tất cả những kẻ nào nhân danh bất kỳ "lý lẽ" nào để ngăn cản, cấm đoán lòng yêu nước, đều là kẻ thủ ác. Một người viết HS-TS-VN có thể bị trù dập. Một số làm thế có thể bị đe dọa, thậm chí bắt bớ. Nhưng, nếu tất cả thế hệ trẻ của Việt Nam hôm nay đều làm thế thì các vị lãnh đạo sẽ nhận ra rằng họ đã sai. Sai mà không sửa thì bị lịch sử đào thải. Đó là lẽ tất nhiên. Làm sao không bày tỏ lòng yêu nước khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Lương Quang Liệt, đã chửi vào mặt quan chức Bộ Ngoại giao TQ rằng "mong các người để cho quân giải phóng tìm được mấy chỗ luyện quân ở vùng châu Á"(!)?!!! Thì ra, TQ đang tìm chỗ để luyện quân. Ai cũng rõ nếu những kẻ giặc phương Bắc ấy cần chỗ để "luyện quân" thì đích gần nhất, quan trọng nhất là mảnh đất – vùng biển nào! Sự u mê của không ít vị lãnh đạo đang đẩy tất cả gánh nặng sang vai các em. Phải nhận lấy và không thể từ chối là trách nhiệm, bổn phận của các em.

Các em đã mang đến cho tôi rất nhiều, và tôi viết những dòng này để nói lên lời cảm ơn. Một trái tim đã già héo và một tấm thân gầy đã mỏi mệt sẽ chẳng thể nào vui hơn khi thấy cháu con khỏe mạnh, quyết tâm, dũng cảm, thông minh và sáng tạo, đồng lòng. Trời mỗi ngày mỗi sáng. Cốc nước của vận mệnh dân tộc đang đầy một nửa. Trước khi đọc thư các em, tôi cứ nghĩ nó đang vơi một nửa. Đó là câu nói của Helmut Kohl, cựu Thủ tướng Đức. Một lần nữa, xin được cảm ơn các em.

HVT

Huế, 21.7.2010

HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập


22 tháng 7 2010

Thông báo khẩn-Virus

Thông báo khẩn

image Bạn đọc quý mến,

Trước nhiều vụ việc dồn dập xảy ra trong thời gian vừa qua, lợi dụng lòng mong mỏi chính đáng và nóng bỏng của đa số đồng bào và đảng viên trong nước, hiện có kẻ xấu đã gửi đi một bức thư với file kèm (tuần tự khi giải nén là .rar, .zip, .doc) dưới tiêu đề:

ĐƠN YÊU CẦU MIỄM NHIỆM CÁC ĐỒNG CHÍ NÔNG ĐỨC MẠNH, NGUYỄN TÂN DŨNG, TÔ HUY RỨA, NGUYỄN PHÚ TRỌNG TRƯỚC ĐẠI HỘI XI

Nội dung hấp dẫn nhưng thực chất lại là file rất nguy hiểm (.exe).

Ai nhận được không nên mở thư, mà nên đưa vào spam và xóa ngay.

Nên tuân thủ nguyên tắc là hễ có thư lạ đọc nghe gờn gợn thì delete luôn, như thế sẽ tránh được những file có chứa mã độc.

Xin báo tiếp cho nhiều bạn khác biết.

Bauxite Việt Nam


19 tháng 7 2010

"Ao đục, ao trong"

"Ao đục, ao trong"

http://whatifthechurch.us/blog/wp-content/uploads/2009/12/dirty-lake.jpgNguyên Đình


Xin bạn đọc kiên nhẫn với lời mở đầu này, tôi kể một câu chuyện về bà ngoại tôi, một điền nông dốt "đặc cán mai" (ấy là tôi nói bà tôi dốt chữ thôi, chứ bà ngoại tôi là tấm gương sống cho lũ trẻ chúng tôi). Ngoại tôi ở quê xa, nên mỗi năm được đi thăm bà một lần. Nhà ngoại ít ruộng, nhưng có hai vũng ao chuôm. Năm đó tôi lên tám, theo bà ra thăm ruộng, nhìn thấy có cá chết nổi trên ao, nước đục, nhiều bèo và rác lá phủ. Ngoại bảo tôi chạy tìm cây sào tre. Thắc mắc trong đầu nhưng chưa hỏi, chờ xem ngoại làm gì. Đem sào lại, ngoại bảo tôi thử có khuấy được ao không? Hỏi để làm gì, ngoại chỉ cười không nói, bảo cứ làm đi rồi biết. Hai bà cháu hỳ hục khuấy đục cả ao, tôi thì bảo: "Ngoại làm vậy có khi cá còn chết nhanh, chết nhiều hơn", ngoại cũng lại chỉ cười. Xong một ao, hỏi ngoại có làm tiếp cái bên kia không, ngoại lắc đầu, bảo để đấy. Thắc mắc và ấm ức mãi. Hai hôm sau lại đi thăm ruộng, hai bà cháu đến xem ao. Cái ao hôm nọ được khuấy đục ngầu, bây giờ trong veo, trong văn vắt, có thể nhìn thấy cá lội tung tăng, không có cá chết thêm nữa. Cái ao còn lại thì cá chết còn nhiều hơn, nổi lềnh bềnh. Bà để vậy cốt chứng minh cho việc nhờ khuấy ao mà cá mới hồi phục và sống được. Nhưng đầu óc trẻ thơ không đủ hiểu mà ngoại tôi cũng không giải thích được lý do, chỉ bảo tôi ông bà làm sao, mình làm vậy.

Qua câu chuyện mở đầu tôi muốn đề cập đến tình hình nội chính Thái Lan trong mấy tháng vừa qua, có sự xáo trộn do làn sóng biểu tình bạo động của phe áo đỏ chống lại Chính phủ đương nhiệm. Nhiều thông tin báo chí cho rằng Việt Nam có thể được "hưởng lợi" từ sự xáo trộn đó vì sự ổn định về chính trị của Việt Nam trong suốt mấy thập niên. Nhiều hãng tin Tây phương còn dường như thổi lên quá mức về sự "hỗn loạn" này ở Thái Lan. Andre Vltchek, một nhà báo, nhà làm phim có nhiều kinh nghiệm đối với các nước vùng Đông Nam Á đã có một bài viết phê phán truyền thông phương Tây đã lũng đoạn và đưa tin sai lạc và bất lợi cho tình hình nội bộ của Thái Lan. Ông cho rằng những gì phe áo đỏ thể hiện đó là quyền con người được bảo đảm tối hậu ở Thái Lan; bạo động ở Thái Lan khác xa với bạo động ở Indonesia. Ông còn ví von, Thái Lan là đất nước của những… nụ cười bạo lực! Cần phải có cái nhìn vào khía cạnh tích cực của những bất ổn đó, chứ không phải chỉ xoi mói vào những điểm xấu.

Cũng có tin cho rằng báo chí "lề phải" của Việt Nam trong thời gian đó cũng đã dành khá nhiều "thời lượng" đưa tin về chuyện này, nhưng lại chỉ xoáy vào những chuyện bạo loạn, chết chóc, đốt phá… Tôi thử làm một kiểm định, tìm kiếm trên Google, với cụm từ "thái lan" + "bạo loạn" hay "biểu tình", thì thấy xuất hiện gần 8 triệu bản tin tiếng Việt, mà nổi lên hàng đầu là từ các trang mạng "lề phải" ở Việt Nam.

Vậy, nên hiểu như thế nào về tình hình nội chính bất ổn ở Thái lan, nếu soi qua "lăng kính" cái ao đục của bà ngoại tôi? Dĩ nhiên, xáo trộn nội bộ, bất ổn chính trị là điều bất kỳ lãnh đạo một quốc gia nào cũng muốn tránh, nhưng nếu cần thiết thì nó vẫn cần phải có. Xáo trộn để tái lập ổn định và tăng tốc phát triển, như cái ao đã bị tù đọng, thiếu dưỡng khí, cần phải quấy nó lên để cho thông thoáng, trao đổi khí mà cứu cá. Còn nếu cứ tiếp tục che đậy, phủ lá, phủ bèo, cho thấy mặt ao phẳng lặng, thì rốt cuộc cá sẽ phải chết vì tình trạng ngạt thở.
http://profile.ak.fbcdn.net/object3/982/64/n71041566112_4292.jpg
Phong trào "Chúng tôi yêu Thái Lan" lại rộ lên ở Thái sau những "nội biến"

Nhìn lại chúng ta, cũng báo chí trong nước đưa tin: Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn, điểm đến hấp dẫn vì tình trạng chính trị ổn định, vì kinh tế phát triển.

Chúng ta ổn định về chính trị hay dân chúng bị làm cho liệt kháng bởi sự sợ hãi trước phản biện và phản ứng? Không sao! Chỉ vì yêu nước, thanh niên Hà nội và TP Hồ Chí Minh xuống đường bày tỏ thái độ về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam thì bị bắt bớ, đàn áp? Không sao! Một tổ chức tập hợp các trí thức như là một "think tank" của Việt Nam phải "tự sát" chỉ vì một lệnh của Chính phủ cấm không cho phép nhân danh hội đoàn phản biện lại các chính sách của nhà nước? Không sao!

Người đấu tranh chống tham nhũng hôm trước, hôm sau bỗng trở thành phạm nhân vì tội "đưa thông tin bất lợi"; kẻ hôm trước bị bắt vì lạm quyền tham nhũng, thì hôm sau đã vênh váo, ngông nghênh. Không sao! Những bằng chứng hiển nhiên từ nước ngoài cho thấy quan chức Việt Nam dính sâu vào tham nhũng và hối lộ, lại được xem như chỉ là "tài liệu tham khảo", không liên quan gì đến sự thoái hóa của hàng ngũ cán bộ nước mình? Vẫn không sao!

Các tập đoàn kinh tế quốc doanh, như những con mối chúa được Nhà nước dung dưỡng tha hồ lộng hành; thu vén lấy công làm tư, đến độ nợ nần ngập ngụa, không biết lấy gì mà trả. Cũng không sao nốt!

Ấy thế nhưng rồi cộng tất cả những cái "không sao" ấy lại, một lúc nào đó cả đất nước bỗng đứng trước hàng loạt câu hỏi "tại sao" nhức nhối mà hình như không còn tìm được lời giải đáp. Tại sao Vinashin một trong những tập đoàn kinh tế mạnh của Nhà nước, "quả đấm thép" về ngành tàu thủy Việt Nam nay đang chìm lỉm hết đường cứu chữa? Tại sao Nguyễn Trường Tô, một Tổng đốc CS, ăn chơi trác táng và còn kéo cả một tập thể những lãnh đạo cỡ bự vào cuộc trác táng trắng trợn, giày đạp lên cái hạnh phúc được làm người trong trắng, lương thiện của một thế hệ con trẻ ngây thơ ở Hà Giang, thậm chí còn đe dọa đến cả sinh mệnh của các cháu, mà hành vi lộng quyền của bọn họ lại được những tổ chức ngành dọc như Đoàn thanh niên CS, như đội ngũ công an Hà giang... bảo kê chu đáo khiến cứ nghĩ đến lời nói nghẹn trong nước mắt của cháu Nguyễn Thị Thanh Thúy với bà NguyễnThị Thơm mẹ cháu ở trại giam: "Mẹ ơi con sợ lắm! Ở trong này chỉ có con với các chú công an… Con sợ lắm mẹ ơi! Con nói thế mẹ có hiểu không?..." và nghĩ đến số phận một cháu học sinh khác là nhân chứng đang đi học ôn thi vào Lớp Mười thì bỗng nhiên mất tích mà lại thấy rùng mình, nhớ ngay đến câu Kiều: "Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian".

Tại sao giáo dục Việt Nam bây giờ như con ngựa chứng đứt cương, bất trị, bệnh thành tích dỏm lan tràn, đạo đức học đường đảo lộn, thầy hiếp trò, trò chém thầy, bạn hữu giết nhau, đến nỗi Bộ trưởng phải bỏ ghế mà chạy?

Tại sao mười tám tỉnh, trong đó có nhiều tỉnh vùng biên, có quyền lực trong tay rồi muốn làm gì thì làm, tự ý cho thuê, bán rẻ rừng phòng hộ đầu nguồn cho công ty nước ngoài, mà chẳng có một cơ quan Chính phủ nào để mắt đến, cho đến khi hai bô lão công thần tiết lộ, lại vội vàng che lấp, chỉ dám nhận có mười tỉnh?

Tại sao giá cả tăng vùn vụt, bệnh viện đông như kiến, trường học không đủ chỗ, điện cắt suốt ngày, và giờ đây là giải pháp tăng học phí lên gấp năm, tăng viện phí lên gấp muời, còn điện thì đang nhấp nhổm tăng chưa biết lên đến bao nhiêu phần trăm?

Tại sao quan chức đứng đầu cấp tỉnh, không những bất tuân lệnh Thủ tướng đến năm lần bảy lượt, lại còn ngông nghênh chơi gái, để lộ hình trần truồng, mà vẫn nhơn nhơn tự đắc rằng mình vẫn đủ tư cách làm lãnh đạo, lại công khai những chuyện đấu đá nội bộ bỉ ổi với thái độ nhơn nhơn, như đang làm những chuyện tốt đẹp trước bàn dân? Quan chức lớn của Nhà nước mà nói năng xử sự như thế, chẳng khác nào bĩnh lên cả kỷ cương phép nước rồi còn gì, và còn coi những người lãnh đạo đất nước của mình ra gì nữa?

Vâng, chúng ta tiếp tục bình ổn, tiếp tục ổn định, hãy nhìn cái ao phẳng lặng còn lại của một bà già nhà quê dốt chữ mà lấy làm gương soi. Để chờ xem!

Nhà báo Roger Milton đã từng cảnh báo: "Nhưng bạn không nên "mua" lời rao bán của Hà Nội cho rằng đó (Việt Nam) là một nơi để đầu tư tốt hơn Thái Lan"!!! Quả thực về mặt an sinh và từ an sinh mà nhìn ra nhiều mặt khác, ngày càng thấy rõ Việt Nam đang cách biệt Thái Lan một trời một vực. Ngay đến người dân trong nước chúng tôi cũng chưa biết phải làm gì đây để đối phó với tình trạng mạnh ai nấy chạy: các quan tung hoành theo kiểu các quan, "bộ máy" vận hành theo kiểu bộ máy, bệnh viện trường học suy thoái theo đà không thể nào kìm hãm, và tất cả rốt cục đều rơi lên đầu dân chúng. Bởi lẽ non sông là của mình, Tổ quốc là ở trong trái tim mình, không lẽ đành phải "bỏ đất mà chạy lấy người"?



HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập


Chuyện Blog

Blogger Mẹ Nấm

http://indiana.bilerico.com/2009/09/Blog.jpg"Blog, tự nó không tạo ra mâu thuẫn xã hội, cũng như không thể bị bất kỳ thế lực chính trị hay tổ chức đảng phái nào lợi dụng để kích động người khác.

Bởi ngày nào khi chưa giải quyết nguyên nhân chính tạo ra sự lộn xộn và bất ổn định là tầm nhìn hạn hẹp, cung cách quản lý yếu kém, sự tham lam vô độ và cách hành xử thiếu tình người trong xã hội, thì ngày đó vẫn còn có sự xuất hiện của blog - ở hình thức này hay hình thức khác. Hội nhập và toàn cầu hóa, thì phải tuân xử theo các quy định của quốc tế, không thể vươn ra biển lớn khi giữ riệt lấy lệ làng".

Mẹ Nấm
Nếu một ngày thức dậy mà không truy cập được vào bất kỳ tài khoản blog nào như Facebook, Multiply, Blogspot, YahooPlus... tôi không biết mọi người thế nào. Riêng tôi, hẳn là buồn lắm.

Viết blog, đọc blog và dạo một vòng quanh blog nó thành thói quen khó bỏ (nói khó bỏ vậy thôi, chứ nếu bị ép bỏ thì cũng phải bỏ!).
Tôi có nhiều bạn bè trên blog, có người đã gặp ở ngoài đời và thân thiết như anh chị em ruột, có người chưa gặp bao giờ nhưng không vì thế mà tình cảm quý mến dành cho nhau bị giảm sút, cũng có người không ưa gì mình nhưng vẫn thích vào blog để đọc và để kiếm chuyện cho vui, cũng lại có người không thích, không ưa nhưng vẫn phải vào blog tôi để đọc.

Nói như vậy để thấy rằng, tôi chấp nhận mọi ưu khuyết điểm mà blog mang lại như một sự tất yếu của cuộc sống.

Tôi viết blog theo kiểu ngẫu hứng, lãng mạn, và có trách nhiệm, tuỳ theo từng trạng thái cảm xúc, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng, những gì tôi viết và tôi đăng tải, sẽ phụ thuộc vào phản ứng và sự mong đợi của người đọc. Bởi tôi biết, mình không phải là một người viết chuyên nghiệp.

Tôi cũng thuộc tuýp người sống thực tế, nên một khi chân vẫn chạm mặt đất, thì tôi luôn biết mình là ai, mình nói gì, và làm gì, và mình sẽ phải có trách nhiệm thế nào với những gì mình phát biểu. Những nhận xét, nhận định về cá nhân tôi (nếu có), từ phía bạn bè trong Friend list, từ những người đọc bài tôi viết trên các trang mạng khác, là một phạm trù không thuộc về trách nhiệm của cá nhân tôi. Vì thế, tôi xin phép được cáo từ các câu hỏi, những lời nhắn nhủ liên quan đến ý kiến cá nhân của người khác. Và cũng thật bất công, khi quy chụp những gì người khác nghĩ lên suy nghĩ của tôi. Thực sự với tôi, điều này không công bằng.

Thường thì tôi hay viết để chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc, lắm lúc đọc được những bài viết ưng ý của các anh chị, bạn bè khác, tôi cũng copy về để làm của để dành.
Tôi nhớ, những ngày đầu mới lập blog, tôi chọn tên Mẹ Nấm, vì lúc đó tôi sắp làm mẹ, bên dưới nickname tôi để tên thật của mình - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - và nơi cư ngụ là Nha Trang. Sau một loạt bài chia sẻ về những bức xúc trong cuộc sống, trong xã hội hàng ngày mà tôi chứng kiến, có người đã khuyên tôi không nên đưa các thông tin về cá nhân mình công khai vì nhiều lý do, trong đó, lý do an toàn được nhắc đến nhiều nhất.

Tôi đã nghĩ, khi mình nói lên điều mình suy nghĩ, trăn trở, với hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn thì có gì phải sợ mà thay tên đổi họ? Hơn nữa, một khi công khai danh tính, mình sẽ có trách nhiệm hơn với những gì mình đăng tải. Và tôi, cứ để mọi thứ y như cũ.

Sau những gì xảy ra năm ngoái, tôi quyết định đóng blog, xem như an phận với tâm lý của kẻ "theo chồng bỏ cuộc chơi". Tôi nghĩ, những người hiểu và yêu quý tôi thực sự, đã chia sẻ rất thân tình về quyết định này của tôi - tôi thực sự rất trân trọng những con người này. Một số người khác - những người lỡ coi tôi là anh thư, là người dũng cảm - hẳn đã rất thất vọng trước quyết định này, và có phản ứng. Tôi không buồn lắm vì điều này, bởi vì như tôi đã nói, không ai có thể sống hay quyết định thay cuộc đời của người khác.
Khoảng thời gian không viết blog, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tôi đọc lại hơn 400 entries của mình để nhìn lại xem mình có nông nổi, hoặc bị ai lợi dụng không? Đáng buồn, là không ai xui tôi viết, cũng chẳng ai khích tôi viết cả. Những gì tôi viết, thực sự là những gì tôi nghĩ, và không may cho tôi là có khá nhiều người cùng nghĩ như tôi (nói không may vì tôi nhận được khá nhiều cái mũ to đùng: nào là ảo tưởng, nào là huyễn hoặc bản thân vì những lời đề cao của kẻ khác, mọi người đẩy tôi lên quá mức, và tôi sắp bay ra khỏi vị trí vốn có của mình...).

Tôi nghĩ, mình không nên chọn thái độ cực đoan hay tiêu cực khi nhìn nhận mặt trái của vấn đề khi viết, bởi tôi hy vọng vẫn có người biết lắng nghe. Nhưng hình như, tôi đặt niềm tin nhầm chỗ, nên khi quyết định viết blog lại, tôi thường để một câu hỏi mở ở cuối bài viết của mình. Phải nói là lắm lúc, tôi thấy mình cũng đanh đá, đáo để, và ngoa ngoắt, không kém gì ai. Đó mới là con người tôi thực sự, và blog là nơi phản ánh bản thân tôi, của riêng tôi, chứ không phải là trang báo, hay là hộp thư bạn đọc.

Blog, giờ đây không phải là nơi để mọi người trút mọi bức xúc cá nhân vào đó nữa, nó thực sự đã trở thành một kênh thông tin đáng để quan tâm.
Bức xúc ở xã hội nào cũng có, quan trọng là người tạo ra các bức xúc trên có biết lắng nghe và biết điều chỉnh theo hướng đôi bên cùng hài lòng hay không, điều này, chắc thuộc về khả năng nghe - nhìn - đọc - hiểu, trách nhiệm và lương tâm của những người nắm quyền sinh sát trong tay.

Blog, tự nó không tạo ra mâu thuẫn xã hội, cũng như không thể bị bất kỳ thế lực chính trị hay tổ chức đảng phái nào lợi dụng để kích động người khác.
Bởi ngày nào khi chưa giải quyết nguyên nhân chính tạo ra sự lộn xộn và bất ổn định là tầm nhìn hạn hẹp, cung cách quản lý yếu kém, sự tham lam vô độ và cách hành xử thiếu tình người trong xã hội, thì ngày đó vẫn còn có sự xuất hiện của blog - ở hình thức này hay hình thức khác. Hội nhập và toàn cầu hoá, thì phải tuân xử theo các quy định của quốc tế, không thể vươn ra biển lớn khi giữ riệt lấy lệ làng.

"Con cái không chê cha mẹ nghèo", không có nghĩa là con cái không có quyền thúc đẩy cha mẹ thoát khỏi sự nghèo nàn, lạc hậu. Với tôi, viết blog về các vấn đề xã hội, cũng như người ta đang ngồi bên bàn nhậu để ăn một nồi lẩu. Ai cũng muốn nước sôi để thả thức ăn vào nồi, nhưng lại ngại lửa nóng nên không ai thắp lửa. Vậy biết chừng nào mới có lẩu để ăn?
Cũng vậy, mọi người ai cũng mong muốn có một xã hội tốt đẹp, nhưng lại ngại thay đổi, sợ phải đối diện với cái xấu và cái ác, thì biết đến bao giờ mong ước đó mới thành sự thật đây?

Tôi, blogging, vì chính bản thân mình muốn tiếp tục sống, chứ không phải vì phản ứng hay sự chờ đợi của bất kỳ ai.
Tôi, blogging, vì muốn bản thân mình và xã hội tốt đẹp hơn nếu có người lắng nghe và sửa đổi.
Tôi, nói thế, đã đủ chín chắn chưa nhỉ?

MN

Nguồn: Blog Mẹ Nấm

Nguy cơ đối với Việt Nam đến từ Lào và Căm Pu Chia (!?)


http://freelecongdinh.files.wordpress.com/2010/04/chinese_ff_logo.jpgNguyễn Hữu Quý

Có thể bạn đọc giật mình khi mới chỉ đọc bài này ngay từ cái "nhan đề" của nó; thoạt nghe, có thể bạn đọc cho rằng, người viết bài là "phản động" chăng? hoặc có khi lại ghép vào tội "âm mưu của các thế lực thù địch"...

Tưởng có vẻ mâu thuẫn; quan hệ giữa VN và Lào là mối quan hệ "hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện"; còn đối với CPC, không lẽ VN đã chịu bao mất mát, giúp nhân dân CPC khỏi thảm họa diệt chủng; VN đã phải trả một cái giá rất đắt do bị Mỹ và quốc tế bao vây, cấm vận suốt 20 năm từ 1975-1995 với lý do "VN xâm lược CPC"... để rồi đến hôm nay, lý do nào để chúng ta (VN) lại có lúc phải suy nghĩ đến tình trạng này?

Nếu bạn đọc "giật mình" thì có nghĩa người viết bài này có gì "phát hiện mới" chăng? Thực ra, chẳng có gì mới cả, ông cha ta đã rút ra kinh nghiệm từ ngàn xưa nay rồi, thông qua câu tục ngữ: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng"; hoặc như "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" vậy.


1. Nguy cơ đến từ Lào:


Có thể nói, trong 5 quốc gia tiếp giáp với Lào (VN, TQ, Myanma, Thái Lan và CPC) thì VN là nước có ảnh hưởng đặc biệt nhất đối với Lào; so với Lào, VN là một nước lớn (tuy diện tích không lớn hơn là bao nhiêu, VN=331.690 km2 (hạng 65) so với Lào=236.800 km2 (hạng 79), nhưng về dân số tương ứng là 85,79 triệu/6,77 triệu người-năm 2009); về lịch sử, mặc dù không có điều kiện để nghiên cứu, nhưng chắc chắn rằng, Lào nói riêng và các QG tiếp giáp với TQ nói chung, nếu không có một nền văn hiến lâu đời hoặc không có tinh thần dân tộc mạnh mẽ, thì chắc đã bị ghép vào lãnh thổ TQ từ lâu lắm rồi, hoặc muộn nhất cũng như Tây Tạng, Tân Cương vào khoảng giữa thế kỷ trước (thời Mao Trạch Đông).

Vào thời kỳ phong kiến (PK), các triều đại PK nước ta gọi Lào ngày nay là quốc gia "Vạn Tượng"; thời cận đại, ta hay dùng danh từ "Đất nước triệu voi" khi nói về tình hữu nghị anh em và nhất là tình cảm chân thành của nhân dân Lào, các bộ tộc Lào.

Cũng trong thời kỳ PK, nhiều lần các "tộc trưởng" người Lào cũng hay sang "quấy nhiễu" Đại Việt, hoặc chứa chấp các "thủ lĩnh" người Việt chống lại triều đình (thực hiện các cuộc khởi nghĩa). Lào thậm chí, bị các triều đại Nguyên-Mông và sau này là Triều Minh khống chế, bắt hợp tác với các triều đại TQ để xâm lược VN. Riêng triều Trần của Đại Việt đã rất nhiều lần, chính các vị vua phải thân chinh đi dẹp giặc; trong triều đại nhà Trần, mục đích của Đại Việt là dẹp các cuộc đánh phá và quấy nhiễu của quân Ai Lao (Lào) chứ không có mục đích đánh chiếm lấy đất nước này.

Vào thời "Hậu Lê", các "tộc trưởng" người Lào cũng từng là nơi nương náu của các danh sỹ Đại Việt chống lại triều đình, điển hình là Nguyễn Kim (cha của Nguyễn Hoàng, là người khai sinh ra triều Nguyễn ở Đàng trong sau này) đã giúp nhà Hậu Lê chống lại nhà Mạc để thực hiện công cuộc "Trung hưng" nhà Hậu Lê.

Ngày nay, quan hệ giữa VN-Lào là mối quan hệ hữu nghị "đặc biệt"; nếu ai đã từng đọc cuốn hồi ức "Chiến đấu trong vòng vây" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo đó, Đại tướng kể về việc một thanh niên cương nghị, thông minh, gặp Đại tướng giữa núi rừng Tây Bắc (thời kháng chiến chống Pháp), nhằm đề nghị được hỗ trợ để xây dựng lực lượng tiến tới giải phóng đất nước Lào... đó chính là Cay-xỏn Phôm-vi-hản, người sau này là Tổng bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào.

Chính vì mối quan hệ "đặc biệt" và gần gũi ấy, cho nên tất cả những tồn tại, bất cập trong xã hội VN hiện nay đều có ảnh hưởng tiêu cực đến đất nước Lào, "gần mực thì đen" được hiểu theo ý nghĩa ấy.

Tình trạng tham nhũng ở Lào cũng không thua kém gì ở VN, đó chính là cơ sở để TQ khai thác trong chiến lược bành trướng của Bắc Kinh; việc hối lộ để mua chuộc quan chức của TQ đối với đối tác nước ngoài là rất thành công, đặc biệt là ở châu Phi.

Tháng 9/2009 giữa TQ và Lào đã nhất trí nâng mối quan hệ song phương thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, kèm theo đó là chiến lược đầu tư, và di dân của TQ vào Lào; ngày nay TQ hiện chiếm lĩnh phần lớn nền kinh tế Lào, từ khai khoáng, nhiệt điện tới cao su, bán lẻ...

Như vậy, không cần phải phân tích thêm, chính do cách tư duy hạn hẹp của VN trong suốt một thời gian dài, chúng ta đã và đang đẩy bạn Lào về phía TQ, Lào dần dần sẽ trở thành "phên dậu" của TQ, hoàn toàn phụ thuộc vào TQ; đặc biệt, do sức mạnh "đồng hóa" của dân tộc Hán, không xa nữa, Lào sẽ là một bàn đạp để TQ tấn công VN bằng đường bộ. Nguy cơ đối với VN đến từ Lào xuất phát từ âm mưu của TQ là khôn lường và không tránh khỏi.

Trong lịch sử, đã hơn một lần "thiên triều" mượn đất của Đại Việt để "hỏi tội" Chiêm Thành, mà thực chất là xâm lược Đại Việt; rồi đây, bài học này sẽ đến đối với trường hợp của Lào. Nói ra điều này, có vẻ "mơ hồ, xa xôi" nhưng tôi dám tin là chuyện sẽ đến trong tương lai; lúc đó, bất luận Lào có đồng ý hay không, trong trường hợp nếu Lào không đồng ý, thì chính Lào sẽ bị TQ thôn tính trước, vì khi đó, TQ đã hoàn toàn "làm chủ" trên đất Lào.

2. Nguy cơ đến từ CPC:


Khác với mối quan hệ VN-Lào; mối quan hệ VN-CPC có những thăng trầm do lịch sử để lại. Những người có lương tri không thể quên được, và không thể không nhắc đến, chính TQ là nước âm mưu thực hiện diệt chủng tại CPC; chỉ trong 4 năm cầm quyền từ 1975 đến 1979, Khmer Đỏ đã tàn sát khoảng 1,7 triệu người CPC; so với dân số CPC thời điểm đó vào khoảng 6,50 triệu người, thì đây là tỷ lệ diệt chủng lớn nhất đối với một dân tộc trong toàn bộ lịch sử nhân loại.

Hiện nay, vẫn còn hàng chục ngàn hài cốt quân tình nguyện VN nằm lại trên đất nước CPC (1) từ thời chiến tranh chống Mỹ đến thời kỳ quân tình nguyện VN rút về nước năm 1989(2).

Bản tin của Đài tiếng nói Hoa kỳ (VOA) ngày 29.3.2010, trong bài "Quan hệ Campuchia-Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn", cho ta các tin đáng chú ý sau:

- Từ năm 2006 tới nay, Chính phủ ở Phnom Penh đã phê chuẩn các dự án đầu tư của Trung Quốc trị giá khoảng 6 tỷ đô la; và Trung Quốc cũng đã cung cấp cho Campuchia những khoản tài trợ không hoàn lại cùng với những khoản cho vay trị giá hơn 2 tỷ đô la.

- Theo ông Chea Vannath, một phân tích gia độc lập ở Phnom Penh, Campuchia đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của Trung Quốc từ cả ngàn năm trước.

Ông Chea nói thêm: "Điều này cho thấy một mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Từ đó trở đi, bất kể là trong thời kỳ đen tối hay thời kỳ hạnh phúc, Trung Quốc và Campuchia vẫn luôn có một mối quan hệ có thể nói là ngọt bùi có nhau, hay có một mối quan hệ lâu bền. Lúc nào cũng vậy"(3).

- Riêng đối với Thủ tướng Hun Sen thì: "Ông Hun Sen đã tỏ ý hoan nghênh sự gia tăng nhanh chóng của các khoản đầu tư của Trung Quốc. Ông cũng nói rằng những người bạn như Trung Quốc là loại người mà ông muốn có. Vì theo ông, không giống như những nước cấp viện khác, Trung Quốc cung cấp sự giúp đỡ mà không kèm theo điều kiện nào và không tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia".

Như vậy, người CPC đã có sự chuyển đổi và thay đổi hoàn toàn cái nhìn đối với VN và TQ, theo hướng hoàn toàn bất lợi cho VN.

3. Những hình tượng và viễn cảnh hãi hùng:



- Sức mạnh đồng hóa của dân tộc Hán trong lịch sử để ta liên tưởng đến sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico cuối tháng 4/2010 và đang là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ; nghĩa là, dầu tràn đến đâu là tiêu diệt tất cả các loại sinh vật sống dưới váng dầu đến đó... Nhân sự kiện bạo động của dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương TQ năm 2009, người ta đã đưa ra con số thống kê, vào năm 1949 dân tộc Hán ở Tân Cương vào khoảng 4,5 triệu người và bằng 7,5% dân số ở Tân Cương, nhưng sau 60 năm, dân số này đã gần 50 triệu người và bằng 49% trong cơ cấu dân số tại Tân Cương.

Với Lào và CPC vốn chủ yếu theo đạo Phật, tâm linh hiền hòa, liệu 60 năm nữa có ngoài dự đoán sẽ là "dân tộc thiểu số" ngay trên mảnh đất cha ông mình? Như vậy, hai đất nước và hai dân tộc Lào và CPC trong vòng 100-150 năm nữa có nguy cơ bị tiêu diệt là hoàn toàn có thể (người Myanma cũng đã có cảnh báo tương tự)

- Chỉ trong vòng 3-5 năm nữa, tuyến đường bộ nối từ Vân Nam TQ đi qua Lào xuống CPC và đến vịnh Thái Lan (cảng Sihanoukville-CPC) sẽ hoàn thành, là sự đe dọa nghiêm trọng đối với VN. Cũng cần nói thêm là, TQ đã thuê CPC để "trồng rừng" với thời gian là 99 năm tại biên giới tỉnh Mondolkiri giáp với huyện Ea Súp tỉnh Đăk Lăk và huyện Đăk Mil tỉnh Đăk Nông(4).

- Nhìn vào bản đồ TQ và các nước thuộc lục địa Đông Nam Á (VN, Lào, Myanma, Thái Lan và CPC), ta cứ tưởng tượng: lục địa TQ như thân con bạch tuộc quay mặt về phía Nam, một số vòi của con bạch tuộc sẽ vòng qua "lưỡi bò" ở Biển Đông, các vòi còn lại chia ra thành các nhánh ở hướng phía Tây, trong đó "ưu tiên" dọc theo tuyến đường Vân Nam - Lào - CPC; khi "khởi sự" đối với VN các nhánh này sẽ kết hợp với nhánh đã có sẵn tại mỏ Bô xít ở Đăk Nông. TQ đang cho thấy, một toan tính bao vây VN từ 4 phía.

Nếu như trong kháng chiến chống Mỹ, VN dựa vào đường Trường Sơn huyền thoại, thì trong "cuộc chiến" với ông bạn hữu nghị "4 tốt" điểm mạnh này không còn nữa... điều gì sẽ đến?

- Cũng trên bản đồ này, bản đồ VN như một con cá ngựa bé xíu nằm trong các vòi của con bạch tuộc và sẽ được khép lại tại cảng Sihanoukville; liệu chú cá ngựa VN có đủ khôn ngoan nhưng rất cương quyết như ông cha xưa để né được đòn?

- Nếu ai đã từng xem "Bản đồ TQ hiện đại" được xuất bản vào những năm 40 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến Quốc-Cộng (Quốc dân đảng-Cộng sản) đang còn diễn ra; ngay thời đó Mao (Trạch Đông) đã từng mơ ước đến một TQ như viễn cảnh đã nói trên (nghĩa là gồm toàn bộ diện tích các nước VN, Lào, Thái Lan, Myanma, CPC và ở phía bắc TQ là khoảng 2 triệu km2 vùng Sibiri rộng lớn của nước Nga, mà TQ cho rằng Nga đã "xâm lược" và đã cướp của TQ thời xa xưa).

4. Thay lời kết:



- Nguy cơ bị xâm lược, thảm họa mất nước, sống kiếp nô lệ đối với dân tộc VN ta là rất rõ ràng, hiện hữu; chúng ta cũng không thể trách cứ các bạn Lào và CPC, xem như là "tiên trách kỷ" vậy!? Tất cả các nguy cơ như đã nêu trên do chính người VN chúng ta tạo nên, do chính những sai lầm trong nội tại của người VN. Đã từ rất lâu rồi, những người VN yêu nước đã cảnh báo, bằng những luận chứng khoa học và tấm lòng nhiệt huyết... nhưng thay vì thay đổi, chúng ta lại sử dụng biện pháp ngược lại, bưng bít và che giấu sự thực, để rồi, có thể sẽ sa lầy đến hồi không còn cơ hội cứu vãn!

- Lịch sử thì chỉ có một và trần trụi sự thật; một đời người có thể đạt được tiền tài, danh vọng, quyền lực... bằng sự dối trá; nhưng một dân tộc sẽ không còn tương lai, hoặc bị tiêu diệt nếu được xây dựng trên nền tảng mơ hồ, giả dối, mị dân... đó cũng là lời cảnh báo cuối cùng cho những ai còn đầu óc và chút lương tâm đang nắm vận mệnh dân tộc (5).

Chú thích:



(1) bản thân người viết bài này cũng có một anh trai, đi bộ đội năm 1968 và hy sinh năm 1971 tại CPC, đến nay vẫn chưa có thông tin về hài cốt của anh.

(2) Việc rút quân đội Việt Nam khỏi CPC được hoàn tất ngày 26/9/1989.

(3) cách đây khoảng 20 năm, người viết bài này đã từng đọc một tài liệu đại ý rằng, để thực hiện âm mưu diệt chủng và từng bước thay bằng người TQ tại CPC, TQ đã từng đưa người CPC trong thời Khmer Đỏ sang làm luận án cao học, trong đó nói rằng, nguồn gốc người CPC là từ...TQ!?

(4) huyện Ea Súp có cao độ từ 160-250 m địa hình bằng phẳng, là "vựa lúa" của Đăk Lăk, phía CPC cũng bằng phẳng tương tự, theo địa hình tự nhiên, phía CPC còn thấp hơn Ea Súp, người viết bài này đã từng đi dọc hành lang biên giới và đến một số cọc mốc giữa Ea Súp và CPC, nắm tương đối rõ về địa hình ở khu vực này. TQ có thể che giấu hàng quân đoàn trong điều kiện rừng tự nhiên, nhưng bằng phẳng; chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng quân sự sẽ có chi phí thấp.

(5) Xin tham khảo thêm bài Cuộc khủng hoảng lãnh tụ của Việt Nam và hệ quả xã hội của nó của Hoàng Giang trên boxitvn.blogspot.com ngày 25/5/2010.

30.5.2010



NHQ



HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Phụ lục:

Nhìn về Châu Á: Quan hệ Campuchia-Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn

Trong 5 năm qua các mối quan hệ giữa Campuchia với Trung Quốc đã trở nên chặt chẽ hơn lúc nào hết, trong đó có việc Bắc Kinh đầu tư hàng tỉ đô la vào quốc gia nghèo khó ở Đông Nam Á này. Từ Phnom Penh, thông tín viên Robert Carmichael của đài VOA tường thuật rằng dân chúng Campuchia biết được những lợi ích của sự tăng cường quan hệ nhưng cũng nhận thức những mối rủi ro có thể có.

Robert Carmichael

Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã trở thành nguồn đầu tư ngoại quốc quan trọng nhất của Campuchia. Từ năm 2006 tới nay, chính phủ ở Phnom Penh đã phê chuẩn các dự án đầu tư của Trung Quốc trị giá khoảng 6 tỉ đô la; và Trung Quốc cũng đã cung cấp cho Campuchia những khoản tài trợ không hoàn lại cùng với những khoản cho vay trị giá hơn 2 tỉ đô la.

Những khoản tiền đó là những khoản tiền rất lớn đối với Campuchia, là nước có tổng sản lượng khoảng 10 tỉ đô la.

Mối quan hệ nồng ấm này không phải là một điều mới lạ. Theo ông Chea Vannath, một phân tích gia độc lập ở Phnom Penh, Campuchia đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của Trung Quốc từ cả ngàn năm trước.

Ông Chea nói thêm: "Điều này cho thấy một mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Từ đó trở di, bất kể là trong thời kỳ đen tối hay thời kỳ hạnh phúc, Trung Quốc và Campuchia vẫn luôn có một mối quan hệ có thể nói là ngọt bùi có nhau, hay có một mối quan hệ lâu bền. Lúc nào cũng vậy."

Trong những năm gần đây mối quan hệ này là một trong những mối quan hệ được Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đánh giá cao.

Ông Hun Sen đã tỏ ý hoan nghênh sự gia tăng nhanh chóng của các khoản đầu tư của Trung Quốc. Ông cũng nói rằng những người bạn như Trung Quốc là loại người mà ông muốn có. Vì theo ông, không giống như những nước cấp viện khác, Trung Quốc cung cấp sự giúp đỡ mà không kèm theo điều kiện nào và không tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia.

Ông Cheang Vanrarith là người đứng đầu một tổ chức nghiên cứu ở Phnom Penh có tên là Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia. Ông nói rằng những quyền lợi tài chánh của Trung Quốc ở Campuchia cũng mang lại những lợi ích khác cho Trung Quốc.

Ông Vanarith nhận xét: "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có lẽ nhìn xa hơn những quyền lợi kinh tế để hướng tới những quyền lợi chiến lược trong khu vực này. Vì Trung Quốc thường tự xem mình là trung tâm của vũ trụ. Trung Quốc là trung tâm của khu vực xét về phương diện chiến lược và phương diện kinh tế. Một số người nói rằng đây là sự quay lại quá khứ của Trung Quốc."

Tuy nhiên, một số người cũng tỏ ý lo ngại về ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở Campuchia. Một số người chỉ trích, trong đó có những người đã ra điều trần trước quốc hội Hoa Kỳ hồi gần đây, cho biết rằng tiền bạc mà Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Campuchia rốt cuộc đã lọt vào túi của những công ty quốc doanh của Trung Quốc nhận hợp đồng xây dựng đường xá và các đập thủy điện. Các hợp đồng này không có sự xem xét của công chúng và sự giám sát độc lập nào cả.

Nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã tỏ ý lo ngại về việc Bắc Kinh nhất mực đòi Phnom Penh phải cam kết mua toàn bộ số điện mà các nhà máy thủy điện sản xuất trong vòng 30 năm.

Để thực hiện cam kết này chính phủ Campuchia phải chi tiêu hàng trăm triệu đô la mỗi năm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói rằng Phnom Penh phải làm sao để tránh bị mắc kẹt vào những cam kết không có giới hạn rõ ràng, ngõ hầu công cuộc chống nạn nghèo khó khỏi bị phương hại vì những trách nhiệm như vậy.

Bất chấp những mối quan tâm đó, ông Cheang Vanarith cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục nới rộng ảnh hưởng của họ ở Campuchia. Ông nói rằng tình hữu nghị với Trung Quốc mang lại cho Campuchia một sự cân bằng hữu ích đối với những nước khác, chẳng hạn như Thái Lan – là nước xưa nay vẫn có nhiều mối tranh chấp với Campuchia.

Ông Vanarith nói thêm rằng quan hệ với Trung Quốc có ít rủi ro và một phần của khoản tiền viện trợ và đầu tư của Trung Quốc đã đóng góp cho nỗ lực giảm nghèo của Campuchia.

Tuy nhiên các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền nói rằng mối quan hệ này có thể quá đỗi gần gũi và trở thành tai hại. Họ nêu lên sự kiện là Phnom Penh hồi năm ngoái đã quyết định gởi trả 20 người tị nạn Uighurs về Trung Quốc, theo yêu cầu của chính phủ ở Bắc Kinh. Vài ngày sau đó Campuchia nhận được từ Trung Quốc những thỏa thuận trợ giúp kinh tế trị giá 1,2 tỉ đô la.

Hoa Kỳ và các nước khác đã cực lực chỉ trích Campuchia về việc trục xuất những người Uighurs, là những người Hồi giáo thiểu số ở vùng Tân Cương của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Cheang Vanarith cho biết hành động của Campuchia không gây ra thiệt hại kinh tế nào.

Ông Vanarith nói tiếp: "Quả là chúng tôi đã nhận được phản ứng tiêu cực rất mạnh từ phía Hoa kỳ. Nhưng giai đoạn sau này dường như mọi việc đều OK. Tôi có cảm giác là quan hệ song phương giữa Campuchia với Hoa Kỳ đang đi đúng hướng, đang trở lại với tình trạng tốt đẹp."

Tuy nhiên, ông Chea Vannath, nhà phân tích tình hình ở Phnom Penh, cùng với nhiều nhân vật tranh đấu khác, cảm thấy lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với môi trường của Campuchia và đối với những nỗ lực nhằm cải thiện năng lực cai trị của chính phủ và bảo vệ nhân quyền.

Ông Vannath nói: "Đi kèm những khoản tiền của Trung Quốc là sự thiếu minh bạch, thiếu năng lực cai trị dân chủ – không phải chỉ là năng lực cai trị mà thôi mà là năng lực cai trị một cách dân chủ, và sự tham gia của người dân vào công việc của đất nước. Điều đó khiến chúng tôi quan tâm. Vâng, chúng tôi quan tâm tới vấn đề này."

Trong khi đó, chính phủ Campuchia dường như không có sự quan tâm như vậy. Hồi đầu tháng này, Phnom Penh và Bắc Kinh đã đồng ý tiếp tục tăng cường quan hệ và hợp tác trong các dự án phát triển nông nghiệp, du lịch và viễn thông ở Campuchia.

Nguồn: VOA

17 tháng 7 2010

Đoàn kết là sức mạnh – Đoàn kết sẽ thành công – Tẩy chay Vedan

Đoàn kết là sức mạnh – Đoàn kết sẽ thành công – Tẩy chay Vedan

Bùi Như Thủy

Hai năm qua, chúng ta đã tốn bao công sức, giấy mực lên án Vedan thủ phạm giết chết sông Thị Vải.

Bộ Tài nguyên & Môi trường và các cơ quan pháp luật đã bất lực với Vedan. Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Hội Nông dân Đồng Nai đã mất lòng tin và bỏ cuộc.

Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu quyết tâm kiện Vedan đến cùng.

Ban chấp hành Hội Nông dân Trung ương chưa có thái độ rõ ràng, thật đáng buồn.

Dòng sông Thị Vải bị Vedan giết chết. Bà con nông dân sống trên sông Thị Vải đã quằn quại rên khóc nhiều năm qua mà chưa tìm ra lời giải.

Nghĩ rằng Hội Nông dân Việt Nam phát huy truyền thống 80 năm ngày thành lập Hội, hãy nổi lên tiếng trống Tiền Hải năm 1930 với khẩu hiệu "ủng hộ nông dân trên sông Thị Vải"; "Tẩy chay Vedan"; "Không dùng hàng Vedan"; "Bất hợp tác với Vedan".

Hội Nông dân Việt Nam lên tiếng kêu gọi thì các đãàn thể cách mạng, chính trị, xã hội trãng khối Mặt trận Dân tộc thống nhất sẽ hưởng ứng. Giai cấp Công nhân Việt Nam, giai cấp Tiền Phong cách mạng và cuộc ủng hộ giai cấp Nông dân "Bất hợp tác với Vedan". Không cấp điện, cấp nước cho Vedan. Chắc rằng chủ doanh nghiệp Vedan sẽ ngoan ngoãn tuân thủ pháp luật.

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước ta thương nhau cùng
Bầu ơi! thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"


Đó là truyền thống, là bản chất, là đạo lý và nhân văn của dân tộc Việt Nam.

Pháp luật "bó tay" thì nông dân ra tay, cả nước ra tay, tự cứu lấy mình. Đồng thời dạy chp Vedan biết lễ độ và bài học nhớ đời - Những kẻ đang làm giàu trên mồ hôi, nước mắt của chúng ta mà lại không tôn trọng nhân dân Việt Nam, luật pháp Việt Nam.

Đấu tranh quyết liệt với Vedan, ta cũng cảnh báo cho ai đó còn đang mê muội "Cõng rắn cắn gà nhà" đem tài nguyên nhạy cảm cho nước ngoài khai thác. Đem đất đai nhạy cảm cho thuê dài hạn và hiến dâng cho người nước ngoài sử dụng gây nên làn sóng bất an trong lòng dân.

BNT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc làm lu mờ Hội nghị An ninh châu Á

Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc làm lu mờ Hội nghị An ninh châu Á

Daniel Ten Kate

(Bloomberg) Ngày 16 tháng 7  - Hoa Kỳ chỉ trích việc mở rộng quân sự của Trung Quốc có thể làm lu mờ diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á vào tuần tới sau việc đánh chìm tàu chiến của Nam Hàn, cho thấy khả năng về cuộc xung đột trên biển quan trọng đối với thương mại thế giới.

Ngoại trưởng Hillary Clinton và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì được dự kiến tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN tại Hà Nội ngày 23 tháng 7, nơi mà họ sẽ gặp các nhà ngoại giao từ 24 quốc gia và Liên minh châu Âu. Cuộc họp của các nước Châu Á - Thái Bình Dương xảy ra khi các câu hỏi của Hoa Kỳ về động cơ Trung Quốc qua việc gia tăng các lực lượng vũ trang của họ, với cố vấn quân sự hàng đầu của Tổng thống Barack Obama nói hồi đầu tháng trước rằng ông "thực sự có quan tâm".

Ông Roger Cliff, phân tích gia của Rand Corporation, một nhóm nghiên cứu chính sách phi lợi nhuận, có trụ sở tại Arlington, bang Virginia. "Chắc chắn có nhiều mối quan tâm về các khả năng gia tăng của Trung Quốc. Đến năm 2015, mọi thứ có thể trở nên khá nguy hiểm cho Hoa Kỳ".

Khả năng gia tăng cuộc xung đột ở vùng biển ngoài khơi của 18.000 km (11.184 dặm) bờ biển Trung Quốc đi vào tâm điểm hồi tháng 3, khi ngư lôi đã đánh chìm một tàu chiến của Nam Hàn, giết chết 46 thủy thủ. Sau một cuộc điều tra độc lập tìm thấy Bắc Hàn đằng sau cuộc tấn công, Hoa Kỳ và Nam Hàn tuyên bố sẽ tiến hành tập trận chung ở vùng biển Hoàng Hải.

China Daily, tờ báo của Chính phủ [Trung Quốc] đã viết trong bài xã luận ngày 13 tháng 7: "Việc luyện tập này là mối đe dọa cho an ninh của Trung Quốc và nguy cơ leo thang căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Hành động của Mỹ sẽ là một rào cản mới để nối lại quan hệ quân sự bình thường giữa Bắc Kinh và Washington".

Đình chỉ các mối quan hệ

Trung Quốc – cắt đứt các trao đổi quân sự cấp cao với Hoa Kỳ trong tháng Giêng về việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan – đã từ chối khiển trách Bắc Hàn về việc đánh chìm tàu [Nam Hàn]. Bắc Hàn phủ nhận có vai trò trong sự cố ngày 26 tháng 3.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Robert Gates đã nói tại Singapore hồi tháng trước rằng, Trung Quốc đình chỉ giao lưu quân sự "không có lý chút nào" và đe dọa an ninh khu vực.

Đô đốc Mike Mullen, cố vấn quân sự hàng đầu của Tổng thống Obama và là Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân, đã nói hồi tháng trước về "khoảng cách" mà Trung Quốc đã tuyên bố và thực tế các chương trình quân sự của họ.

"Thật vậy, tôi đã chuyển từ tò mò sang thực sự quan tâm", ông Mullen nói.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan và toàn bộ Biển Ðông là của riêng mình và hỗ trợ chế độ Kim Jong Il của Bắc Hàn, đi ngược lại ý muốn của các nước láng giềng, những nước phụ thuộc vào Hải quân Hoa Kỳ về an ninh. Ước tính trữ lượng dầu lửa và khí đốt trên biển khác nhau, với một số nghiên cứu tử Trung Quốc cho thấy, [Biển Đông] có chứa dầu nhiều hơn Iran và có nhiều khí đốt tự nhiên hơn so với Arab Saudi, theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ.

Trừng phạt các công ty

Hồi tháng Giêng, Trung Quốc cũng cho biết sẽ trừng phạt các công ty tham gia trong hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan, gồm Lockheed Martin Corp, United Technologies Corp và Boeing. Việc đe dọa này vẫn chưa thực hiện, thể hiện một sự leo thang trong thuật hùng biện so với việc bán vũ khí trước đó hồi năm 2008, ông Bonnie Glaser, chuyên gia về quan hệ Trung - Mỹ, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, nói.

"Nếu hiện tại chúng tôi ở vào thời điểm sáu tháng tới, chúng tôi vẫn không có chuyến thăm của ông Gates và chúng tôi vẫn còn bị đình chỉ giao lưu quân sự, lúc đó tôi sẽ nói, đó là một phản ứng nghiêm trọng hơn rất nhiều", ông Glaser nói.

Mỹ đã gửi ba tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, mỗi tàu có khả năng mang theo 154 tên lửa hành trình Tomahawk vào khu vực hồi đầu tháng này, báo South China Morning Post đưa tin ngày 4 tháng 7.

Cùng lúc, Hoa Kỳ đã gia tăng ràng buộc với cựu thù trong khu vực. Tuần này, Hoa Kỳ đồng chủ trì cuộc tập trận quân sự với quy mô lớn đầu tiên tại Campuchia liên quan đến lĩnh vực huấn luyện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và hoan nghênh chuyến thăm cấp cao nhất của một viên chức chính phủ Lào đến Washington trong 35 năm. Hoa Kỳ cũng đã tìm cách trẻ hóa quan hệ quân sự không hoạt động trong thời gian dài với Việt Nam và Indonesia.

Gia tăng quân sự

Trung Quốc đã tăng cường quân sự trong thập kỷ qua, nâng cao năng lực ngăn chặn các tàu của Hoa Kỳ và thực thi việc đòi chủ quyền lãnh thổ của mình ngoài khơi. Năm ngoái, tàu đánh cá Trung Quốc quấy rối hai tàu hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông, khu vực mà lực lượng Mỹ bắt đầu tuần tra kể từ Đệ nhị Thế chiến.

Ông Gates gọi vùng biển này là "khu vực gia tăng mối quan ngại" tại một diễn đàn an ninh ở Singapore hồi tháng trước và cảnh cáo [Trung Quốc] đe dọa các công ty Mỹ hoạt động trong khu vực. Exxon Mobil Corp và BP Plc nằm trong số các doanh nghiệp đã ngưng các dự án trên biển vì sự phản đối của Trung Quốc, theo các cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ.

"Khi Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự lên tương xứng với sức mạnh kinh tế và văn hóa, khả năng họ sẵn sàng ngồi lại và chờ đợi trở nên ít hơn" trong tranh chấp lãnh thổ được giải quyết, ông Richard Bitzinger, thành viên cao cấp của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore.

Tranh chấp lãnh thổ

Trung Quốc chính thức tranh chấp với Việt Nam và Malaysia một phần quần đảo Trường Sa trên Biển Đông khi Trung Quốc gửi một bản đồ lên Liên hiệp quốc năm ngoái, khẳng định quyền sở hữu phần lớn vùng biển. Brunei, Philippines và Đài Loan cũng đòi chủ quyền tất cả hay một phần chuỗi đảo, nơi có thể chứa dầu lửa và khí đốt.

Các viên chức Trung Quốc nói với những người đồng nhiệm Hoa Kỳ hồi tháng 3 rằng, Trung Quốc xem Biển Đông là "lợi ích cốt lõi", ngang hàng với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương, báo Kyodo News đưa tin ngày 3 tháng 7, dẫn lời các quan chức giấu tên. Điều đó sẽ làm cho vấn đề không thể thương lượng và cho phép Trung Quốc sử dụng vũ lực để duy trì tuyên bố của mình, ông Ian Storey, thành viên của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nói.

"Sự cân bằng sức mạnh quân sự trên Biển Đông đang tới hồi dứt khoát" đối với Trung Quốc, ông nói. "Điều đó cho thấy việc giữ nguyên hiện trạng là không vững chắc".

Ngọc Thu dịch

Dịch từ: Businessweek

HT Mạng Bauxiite Việt Nam biên tập

16 tháng 7 2010

NGUYỄN TẤN DŨNG HỨA NHƯNG THẤT HỨA, KHÔNG NGHE, KHÔNG BIẾT, VÀ CŨNG KHÔNG TỪ CHỨC

(Bức tâm thư gửi Nguyễn Tấn Dũng và 14 vị Bộ Chính trị đứng đầu là Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng)

Lão thành cách mạng Nguyễn Văn Bé

Cụ Nguyễn Văn Bé ở Nha Trang vừa gửi đến BVN lá thư dưới đây, khẩn thiết xin đăng. Đọc nội dung, nhận thấy đây là những vấn đề thời sự nóng hổi và bức thiết của đất nước, sau khi cân nhắc chúng tôi xin trân trọng đăng lên để đáp ứng tâm nguyện một vị lão thành cách mạng năm nay 87 tuổi mà cả nước đều biết tiếng, và không dám thêm những lời bình có thể làm sai lạc ý tưởng của tác giả, bởi những ý tưởng này không thuộc bản quyền của BVN.

Bauxite Việt Nam

image 1. Lời hứa "kiên quyết và quyết liệt" nhưng lại... không thực hiện

Tháng 10/2006, ông Nguyễn Tấn Dũng nhậm chức Thủ tưởng thay ông Phan Văn Khải về hưu, tuyên bố: "Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay".

Gần 5 năm nay, nạn tham nhũng chẳng những không chống được mà ngày càng phát triển, từ các cơ quan Trung ương xuống tận xã, phường, thôn ấp. Điển hình theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa mới kết luận, tạm xử lý 45 trường hợp nổi cộm khắp toàn quốc khiến dư luận xã hội rất bất bình. Tôi thử thống kê theo thông báo này thì thấy có 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 4 Tập đoàn công ty trực thuộc Chính phủ quản lý, đối tượng toàn là Bí thư, Phó bí thư, Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Tập đoàn từ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng và Phó tổng giám đốc. Đây là những vụ việc động trời có nguy cơ làm mất hết uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Thật khiến cho những đảng viên suốt đời đi theo Đảng như tôi nhỏ máu trong tim.

Riêng trường hợp chưa từng xảy ra trong Đảng và Nhà nước từ khi thành lập Đảng và chính quyền đến nay (65 năm) là việc ông Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang suốt mấy năm liên tục xâm hại tình dục các em bé học sinh đáng bậc con, cháu của mình, là hành động dã man thua cả loài cầm thú, lại còn tổ chức dâm dục tập thể, mơn trớn cười đùa trên thân xác của trẻ thơ, chụp ảnh toàn thân lõa lồ đủ mọi động tác. Ông Bí thư Tỉnh ủy và Giám đốc Sở Công an tỉnh Hà Giang đã nhận nhiều đơn tố cáo, phản ánh nhưng cũng đồng tình để cho ông Chủ tịch cứ liên tục tung hoành. Thế mà thật lạ, UBKTTW chỉ đề nghị cách các chức vụ trong Đảng và chính quyền của ông ta thôi. Tại sao không khai trừ tên đó ra khỏi Đảng ngay? Tại sao không bỏ tù nó ngay đi (Vi phạm luật hình sự hiếp dâm trẻ chưa đến tuổi vị thành niên kia mà?). Tình trạng ở thôn xã thì từ Bí thư, Chủ tịch, cán bộ xã và thôn lấy tiền hỗ trợ của Nhà nước cho người nghèo chia nhau ăn nhậu hầu như sờ đâu cũng thấy trong khi dân chúng khắp nơi khốn quẫn, kiếm cái ăn không ra.

Những bằng chứng như thế rõ ràng khẳng định ông Nguyễn Tấn Dũng đã không hoàn thành nhiệm vụ trong suốt 5 năm qua. Ông Dũng và toàn bộ 14 Ủy viên Bộ Chính trị khác đã hoàn toàn không chống được tham nhũng. Vậy tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng không tự nguyện làm đơn xin từ chức ngay như lời ông đã đoan quyết trước dân?

Ông Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng Chính phủ của một chế độ cộng sản tốt đẹp nhất nhưng lại thua xa ông Thủ tướng Nhật Bản: khi ra ứng cử Thủ tướng ông này đã hứa với nhân dân Nhật rằng mình sẽ dời bằng được căn cứ của Mỹ đi khỏi Okinawa. Sau 8 tháng lên làm Thủ tướng thấy không có cách gì thực hiện được lời hứa đó vì những lý do khách quan là tàu hải quân Trung Quốc tăng cường đe dọa an ninh vùng biển Nhật Bản, ông liền tuyên bố với nhân dân, Quốc hội, Nhật hoàng kiên quyết xin từ chức. Và ông từ chức thật. Nhật Bản là chế độ quân chủ lập hiến mà sao họ tự giác cao đến như thế? Còn ông Nguyễn Tấn Dũng, đường đường một vị Thủ tướng của nước Việt Nam cộng hòa xã hội chủ nghĩa lại thất hứa với nhân dân, mà thất hứa về một nhiệm vụ hết sức lớn lao quyết định tồn vong của Tổ quốc, của dân tộc và của Đảng ta, đó là "Quốc nạn tham nhũng", thế thì phải tính thế nào đây?

Xin nêu một ví dụ thứ hai, Thủ tướng Hàn Quốc cách đây mấy ngày cũng đã tuyên bố từ chức vì một đề án quan trọng do bản thân Thủ tướng và Chính phủ Hàn quốc đưa ra Quốc hội, kết quả bị Quốc hội bác bỏ. Liên hệ đến nước ta, ông Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng đã cùng toàn thể Chính phủ của ông kiên quyết đưa ra Quốc hội để gần như bắt buộc thông qua dự án tầm cỡ quốc gia về xây dựng "Đường sắt cao tốc Bắc Nam". Nhưng 493 đại biểu trong đó có 92% là đảng viên cộng sản đã thấy rõ sự cần thiết phải phát huy quyền dân chủ thực sự của mình, không muốn nằm mãi trong "vòng kim cô" của Bộ Chính trị và Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng như trước đây nữa, nên cuối cùng đã bác bỏ dự án hết sức phiêu lưu và nguy hiểm cho tương lai của dân tộc này.

65 năm kể từ khi Đảng ta và Bác Hồ tổ chức bầu cử, tổ chức ra Quốc hội và Quốc hội chính thức bầu Chính phủ cho đến nay đã qua 12 kỳ Quốc hội, đây là lần đầu tiên đa số ĐBQH không thông qua một đại chủ trương mà cả bộ máy Chính phủ từ ông Thủ tướng đến ông Phó thủ tướng, cho đến ông Bộ trưởng chuyên trách ông nào cũng hăm hở muốn làm bằng được, chứng tỏ một cái nhìn vô cùng sáng suốt, tất cả đều vì lợi ích thiết thực của nhân dân, không muốn đất nước gánh lấy một khoản nợ khổng lồ 56 tỷ đô la Mỹ (mà khi thực hiện chắc chắn còn tăng lên gấp đôi là ít) chỉ để cho một tầng lớp giàu có ngao du bằng tàu cao tốc, trong khi cuộc sống tối thiểu thì đại đa số nhân dân trên khắp mọi miền chưa biết bao giờ mới đạt được: nào những chuyện ăn, mặc nông thôn nhìn đâu cũng đầy những người không có đất để cày, lang thang ra thành phố kiếm cơm không có; chuyện ốm đau 5, 6 người chen chúc trên một giường bệnh bẩn thỉu hôi hám; chuyện học hành ở ngay Hà Nội mà phụ huynh phải sắp hàng suốt đêm vẫn không kiếm ra chỗ cho con mình vào trường mầm non, miền núi thì các em học sinh suốt năm trời qua sông đi học bằng cách đu dây... Những chuyện ấy Quốc hội đã hiểu là chuyện trọng đại hơn rất nhiều những mơ tưởng viển vông mà Chính phủ "của dân do dân vì dân" đưa ra. Xin hỏi ông Nguyễn Tấn Dũng sao không học lấy hành động cao cả của ông Thủ tướng Hàn quốc từ chức luôn sau khi dự án của mình không được chấp thuận?

2. Toàn những chuyện tày trời mà "không nghe không biết"

1. 18 tỉnh cho nước ngoài thuê rừng, riêng Trung Quốc đại lục và Đài Loan thuê đến 2/3 trong số 160.000 ha rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng bảo vệ an ninh Quốc phòng, chuyện tày trời này lẽ ra Nhà nước phải tỉnh táo nắm bắt thông tin trước tiên và xử lý từ trong trứng nước thì hóa ra một cụ già hưu trí lại phát hiện ra trước và báo lên Chính phủ, lúc ấy Chính phủ mới hớt hơ hớt hải cho người đi kiểm tra. Thế mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát là một cánh tay quyền lực của Thủ tướng trả lời Quốc hội vẫn ấm ớ nói chỉ 10 tỉnh cho thuê rừng thôi. Đúng là họ thực hiện khẩu hiệu: Không nghe không biết.

2. Tập đoàn Điện lực xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện tốn hàng ngàn tỷ đồng rồi bỏ hoang đắp chiếu mấy năm nay, gây tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên làm khổ sở cho dân, điêu đứng các ngành kinh doanh sản xuất. Thế mà ông Thủ tướng Dũng cũng không biết, không nghe.

3. Tập đoàn Vinashin trong vòng bốn năm hoạt động thua lỗ liên tiếp đến mức cụt vốn trong số 90 nghìn tỷ đồng chỉ còn lại vỏn vẹn 10 nghìn tỷ đồng, mua hai chiếc tàu thủy của Italy mỗi chiếc đều trên nghìn tỷ đồng rồi về đắp chiếu nằm đấy để chờ bán sắt vụn, vậy mà ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn hà hơi tiếp sức cho cái tập đoàn đó, mọi sự lộng hành của nó ông vẫn không hay không biết, thực oái oăm vô cùng.

Với bấy nhiêu việc ngổn ngang, rối loạn trong vòng hơn một nhiệm kỳ điều hành Chính phủ của mình, đến nay đã đủ độ lùi để tự kiểm mình làm được hay không làm được, vậy tại sao ông Dũng không tự giác nộp đơn xin Quốc hội từ chức và loan báo cho toàn dân biết:

Tôi, Nguyễn Tấn Dũng, làm Thủ tướng gần 5 năm nay, đã thất lời hứa với nhân dân là không chống được tham nhũng mà bọn tham nhũng ngày càng hoành hành khắp mọi nơi, mọi ngõ từ trung ương đến khắp xã phường thôn ấp;

Tôi, Nguyễn Tấn Dũng, đã cùng bộ sậu Chính phủ kiên quyết đưa dự án có tầm cỡ Quốc gia xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh cốt vay nước ngoài 56 tỷ đô la Mỹ, nhưng đã bị Quốc hội bác bỏ vì không sát thực tế, không hợp lòng dân;

Tôi, Nguyễn Tấn Dũng, trong suốt thời gian làm Thủ tướng đã để xảy ra những chuyện phá nước hại dân như chuyện 18 tỉnh bán rừng, như vụ Vinashin thất thoát đến 80 nghìn tỷ đồng, như chuyện một kẻ sa đọa chui được vào lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh làm những hành vi đồi bại trái luân thường đạo lý khiến cho cả nước phải tím mặt.

Bây giờ xin noi gương các vị Thủ tướng đạo cao đức trọng Nhật Bản và Hàn quốc, tôi tự nguyện rời khỏi chiếc ghế mà trong thâm tâm tôi vẫn thiết tha với nó lắm.

Làm được thế, ông Nguyễn Tấn Dũng nhất định sẽ được toàn dân nhiệt liệt hoan hô, trong đó có bản thân tôi.

Để kết thúc, tôi xin kể lại một câu chuyện phim về chống tham nhũng do KTV truyền hình Khánh Hòa chiếu lúc 11-12h ngày 04/07/2010 cho các vị lãnh đạo tối cao nghe chơi. Cuốn phim nhan đề: "Chàng trai Hông Di Đông" của Hàn Quốc. Dưới triều nhà Vua Hàn Quốc nọ, quan lại tham nhũng cướp bóc của dân không biết bao nhiêu mà kể, dân đen uất ức không biết kêu ai. Bấy giờ có một chàng thanh niên tên là Hông Di Đông đứng lên thành lập Hội người nghèo đi giết bọn tham quan lại nhũng của nhà vua, đem của cải cướp được từ tay bọn chúng chia cho dân nghèo. Vua ra lệnh quân lính truy lùng, bắt được một số người trong Hội định đưa ra pháp trường xử trảm thì chàng thanh niên Hông Di Đông tình nguyện đến nói với nhà vua rằng: "Tôi là thủ lãnh Hội người nghèo làm việc đó, yêu cầu nhà vua thả số người nghèo kia, một mình tôi xin chịu tử hình". Nhà vua nghe vậy đồng ý thả tất cả chỉ đem Hông Di Đông ra pháp trường. Trước khi chết, chàng Hông Di Đông xin phép được nói một lời trực tiếp với nhà vua: "Chính ngài là vua đã đẻ ra quan tham. Quần thần ở trên làm mọi điều tàn ngược, bóc lột dân chúng đến xơ xác nên tôi phải đứng ra tổ chức Hội người nghèo để chống lại. Mục đích của chúng tôi là giết bọn đệ tử tham nhũng của ngài, cướp tài sản của họ chia cho dân chúng. Chính ngài, nhà vua là kẻ đẻ ra tham nhũng". Xem xong phim này tôi tự hỏi: bọn tham quan mà chúng ta vừa phát hiện là lãnh đạo ở 12 tỉnh và bốn Tập đoàn của Nhà nước do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ chính trị quản lý. Như thế có phải Bộ chính trị đẻ ra tham nhũng hay không? Tại sao Đảng ta, Nhà nước ta mấy năm không chống được bọn tham nhũng này mà lực lượng chúng ngày càng phình lớn?

Trên đây là ý kiến chân thành của tôi, một lão già cách mạng. Khẩn thiết kính mong quý vị sớm trả lời cho tôi và nhân dân được biết.

Kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe.

Nha Trang, ngày 07-7-2010

 

Ký tên

Nguyễn Văn Bé

Lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa - Cán bộ tiền bối công an Khánh Hòa - Chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ 1965-1968 - Huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc và nhiều huân chương khác.

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.

05 tháng 7 2010

Trước hiểm họa Trung Quốc: Kế hoạch hành động của người Việt hải ngoại


Bài viết nhắm vào người Việt hải ngoại, nhưng lại khiến người trong nước như tôi phải suy nghĩ. Vì nó vạch ra những kịch bản mà đối tác có vai trò quyết định lại ở trong nước.
Tất nhiên, Nhà nước Việt Nam là đối tác mà tác giả phải nghĩ đến trước nhất. Hiểm họa suy sụp đã khiến các lãnh đạo Cộng sản phải gọi những người từng “phản bội Tổ quốc” là “Việt kiều yêu nước” với “chất xanh” đem về. Kết quả là đã có 6 – 8 tỷ USD mỗi năm, cứu nguy cho nền kinh tế. Tiếp theo, sự ngơ ngác khi bước vào sân chơi kinh tế thị trường quốc tế lại khiến Nhà nước ngập ngừng tiếp nhận một ít “chất xám” ở chừng mực không suy suyển cái thòng lọng “định hướng”. Kết quả là mới chỉ xài được vài trăm trong số vài trăm ngàn bộ óc xa xứ! Cái họa phương Bắc hôm nay chính là “thời cơ vàng” để Nhà nước đón nhận được đầy đủ, toàn diện, cả “chất xanh”, “chất xám” lẫn “chất hồng” (dòng máu yêu nước) của ba triệu đứa con dù khác biệt chính kiến nhưng sẵn sàng chung sức bảo vệ Mẹ Tổ quốc, sẵn sàng “giải quyết tình trạng đối kháng hiện thời bằng thái độ tương nhượng” như GS Lê Xuân Khoa đề nghị. Nếu (ôi, chữ “nếu” trớ trêu) người thủ lĩnh “có tâm, có tầm”, về mặt tâm lý chưa rơi vào trạng thái bạc nhược - sợ hết mọi thứ, dòng Tiên Rồng sẽ ghi một trang sử mới rực rỡ: sự hội tụ trở lại giữa một nửa của bọc trăm trứng đi xuống biển với một nửa đang trụ lại đất liền! Và bờ cõi Việt Nam sẽ mở rộng đến năm châu bốn biển, theo chân mỗi người con Việt!
Đối tác thứ hai trong nước là những trí thức, những người cộng sản cấp tiến, cởi mở, họ là đồng minh tự nhiên của những trí thức yêu nước hải ngoại, ngày càng xích lại gần nhau về lý tưởng xã hội. Không trông đợi Nhà nước “cho phép” (như một dự án gãy gánh giữa đường mà ta đã biết), những “think tank” kết nối trong-ngoài gần đây đã tự phát hình thành, không có chủ ý, không hề bị chi phối bởi một “lực lượng phá hoại thù địch” nào hết, và không thể nói là không có thành công, mà mạng Bauxite Việt Nam là một điển hình. Điều tôi muốn nói thêm với tác giả Lê Xuân Khoa: Phải chăng trong thực tế đất nước hiện nay, chính sự kết nối này mới là tác nhân số một thúc đẩy sự chuyển hóa của đất nước, bằng con đường “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”, từ đó mà chuyển hóa Nhà nước theo hướng đi chung của nhân loại tiến bộ, để “non sông nghìn thuở vững âu vàng”?
Nhân đây, xin có lời nhắn nhủ các vị có trách nhiệm: Muốn “tranh thủ” Việt kiều, chẳng cần “còi hụ” rình rang, chỉ cần chân thành và khiêm tốn lắng nghe những lời ngay thật của các trí giả người Việt lúc nào cũng sẵn sàng thiện chí, còn hơn là tìm đến một ông dân biểu Hoa Kỳ để rồi bị từ chối một cách sượng sùng! Muốn “tranh thủ” Việt kiều, trước tiên hãy làm sao “tranh thủ” được những lời phản biện đầy tâm huyết cất lên từ sát bên tai, ngay giữa lòng quê hương.
Hoàng Hưng
Trong bài “Người Việt hải ngoại làm được gì trước hiểm họa Trung Quốc?” đăng trên một số trang mạng và báo chí Việt ngữ mấy tháng trước[1], tôi đã trình bày tổng quát về mối họa thường trực của Trung Quốc đối với Việt Nam qua các triều đại từ thời Tần Thủy Hoàng đến ngày nay, và về vai trò thích hợp của người Việt hải ngoại trong những nỗ lực ngăn chặn tham vọng bá quyền của Bắc Kinh, không chỉ đối với Việt Nam mà toàn thể khu vực Đông Nam Á.
Trong bài này, tôi sẽ đề nghị một số ý kíến cần thiết cho việc thiết lập một kế hoạch hành động của người Việt Nam ở nước ngoài, xác định chúng ta có thể làm được gì và làm như thế nào để đóng góp có hiệu quả vào công cuộc đối phó với mưu đồ xâm chiếm Việt Nam mà Trung Quốc dưới chế độ cộng sản đã thật sự bắt đầu.
Ba tiền đề
Sau đây là ba nhận định then chốt được dùng làm tiền đề cho một kế hoạch hành động toàn diện mà tôi nghĩ là thực tế và thích hợp với cộng đồng người Việt hải ngoại trong nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc chiếm hữu Việt Nam và thống lĩnh biển Đông (đã được nhiều người đề nghị đổi tên là biển Đông Nam Á).
1.Việt Nam trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc
Trong những điều kiện địa-chính trị khu vực và quan hệ quốc tế hiện thời, hiểm họa Trung Quốc dưới chế độ cộng sản rất khác và nguy hiểm hơn tất cả những cuộc xâm lăng của các triều đại phong kiến phương Bắc trong hơn hai ngàn năm lịch sử bang giao giữa hai nước. Khác, vì đây không phải là một cuộc chiến tranh xâm lược cổ điển bằng lực lượng vũ trang, mà là một cuộc chinh phục thầm lặng bằng kinh tế, chính trị và văn hóa, vừa thuyết phục vừa đe dọa, giữa một nước cộng sản đàn anh đối với một nước cộng sản đàn em. Chiến tranh quân sự chỉ có thể xảy ra khi tình thế thay đổi và cuộc chinh phục thầm lặng không còn hiệu lực. Ngoài ra, mục tiêu thôn tính Việt Nam của Trung Quốc ngày nay không chỉ có mục đích mở mang bờ cõi phía Nam mà còn để khai thác tài nguyên trên biển, chi phối các nước trong khu vực và thực hiện tham vọng bá quyền quốc tế. Nguy hiểm hơn, vì Trung Quốc không chỉ mạnh hơn Việt Nam gấp bội về kinh tế và quân sự mà còn có tư thế sử dụng Việt Nam như một quân cờ để mặc cả với các nước đồng minh của Việt Nam khiến cho nước ta khó có thể tồn tại như một quốc gia độc lập. Về điểm này, chúng ta không nên quên rằng mới năm ngoái, một Đô đốc của Trung Quốc đã thăm dò Đô đốc Timothy Keating, khi đó là Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, về khả năng chia đôi khu vực kiểm soát Thái Bình Dương, lấy lằn ranh là quần đảo Hawaii, nhưng bị ông Keating bác bỏ[2]. Mới đây, trong bài “The Geography of Chinese Power” (Thế địa lý của sức mạnh Trung Quốc) trên tạp chí Foreign Affairs, Robert Kaplan đã nhắc đến viễn tượng Ngũ giác đài có thể rút vòng đai chiến lược Thái Bình Dương tới các nước trong khu vực Đại Dương châu (Oceania) để “đối phó với sức mạnh chiến lược của Trung Quốc… mà không cần phải đối đầu trực tiếp bằng quân sự”[3]. Trong viễn tượng này, Việt Nam và hầu hết các nước ASEAN sẽ không còn nằm trong khu vực được Mỹ bảo vệ.
Với tốc độ vô địch về phát triển kinh tế tài chánh hiện nay, Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị cho tham vọng trở thành siêu cường số một trong thế kỷ XXI, thay thế vai trò của Hoa Kỳ, và thiết lập một trật tự mới, một nền văn minh mới có ảnh hưởng toàn cầu. Chuyên gia về Trung Quốc Martin Jacques đã thảo luận về khả năng Trung Quốc lãnh đạo thế giới chỉ trong vòng ba, bốn chục năm nữa[4]. John và Doris Naisbitt thì ca ngợi sáng kiến mới của Trung Quốc về một nền dân chủ quân bình theo hàng dọc (vertical democracy) từ trên đi xuống và từ dưới đi lên, thay cho thể chế dân chủ hỗn loạn theo hàng ngang của xã hội Tây phương[5]. Ngay tại Trung Quốc, đại tá Lưu Minh Phúc, Giám đốc Viện Nghiên cứu xây dựng quân đội thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, vừa xuất bản cuốn Trung Quốc mộng, nhấn mạnh rằng “Giấc mơ Trung Quốc không chỉ là giấc mơ kinh tế, giấc mơ quân sự mà gồm cả giấc mơ văn hoá” và điểm nổi bật là “Trung Quốc phải xây dựng một quân đội mạnh nhất thế giới và giành lấy vị trí cường quốc số một toàn cầu từ tay Mỹ”[6]. Bước đầu tiên trong chiến lược bá quyền của Trung Quốc là thống lĩnh vùng biển phía Nam và kiểm soát toàn thể khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu này chỉ có hy vọng đạt được nếu Trung Quốc có cơ hội sử dụng Việt Nam làm bàn đạp và căn cứ chiến lược.
2. Bảo vệ chủ quyền là trách nhiệm chính thức của Nhà nước Việt Nam.
Ba điều kiện liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc là: lãnh đạo phải có tài và thật lòng yêu nước, huy động được sự đoàn kết của toàn dân và vận động được sự ủng hộ của quốc tế. Điều kiện thứ nhất là một nghi vấn rất lớn vì giới lãnh đạo Việt Nam cho đến nay chỉ cho thấy rằng họ bất tài và đang dựa vào Trung Quốc để bảo vệ độc quyền thống trị của Đảng cùng những đặc quyền đặc lợi của họ. Gần đây, do thái độ ức hiếp quá đáng của Trung Quốc và những yếu tố thuận lợi từ phía quốc tế, lãnh đạo Việt Nam đã có vẻ muốn khẳng định chủ quyền toàn vẹn của đất nước và gia tăng hợp tác với các nước đồng minh để đối thoại với Trung Quốc. Nhưng họ vẫn còn rất lúng túng trong chính sách đi hàng hai, chưa dám có những quyết định rõ rệt. Người ta có thể ngờ rằng những lời lẽ cứng rắn đối với Trung Quốc chỉ là một xảo thuật hỏa mù nhằm xoa dịu sự bất mãn của nhân dân và gia tăng sự tin tưởng của Hoa Kỳ và các nước dân chủ. Về điều kiện thứ hai, lãnh đạo bất tài và bất khả tín như vậy sẽ không thể huy động sự đoàn kết và các nguồn lực của toàn dân cho đến khi họ thật sự thay đổi đường lối. Trong khi đó, do bị bưng bít thông tin, đại đa số nhân dân không thấy được nguy cơ mất nước vào tay Trung Quốc. Hơn nữa, chuyện toàn dân đoàn kết thì vẫn chỉ là một ước mơ do hậu quả của hai mươi năm nội chiến và chính sách sai lầm của Nhà nước cộng sản đối với nhân dân miền Nam sau ngày thống nhất. Hòa giải và đại đoàn kết dân tộc luôn luôn được nói đến nhưng chưa bao giờ thực hiện sau 35 năm chấm dứt chiến tranh. Riêng điều kiện thứ ba thì Việt Nam đang có nhiều thuận lợi vì ASEAN, Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ trên thế giới đều muốn ngăn chặn tham vọng bá quyền của Trụng Quốc. Vấn đề là lãnh đạo Việt Nam có đủ khả năng và dũng cảm hay không, không phải để đối phó với Trung Quốc bằng chiến tranh, mà để cùng với cộng đồng quốc tế giải quyết với Trung Quốc vấn đề biển Đông Nam Á và các vấn đề an ninh, hợp tác và phát triển trong khu vực.
3. Vai trò của cộng đồng người Việt hải ngoại
Với giả định là lãnh đạo Việt Nam muốn thật lòng tìm cách thoát ra khỏi vòng kiểm soát của Trung Quốc, vai trò thích hợp của cộng đồng người Việt hải ngoại là giúp cho chính quyền trong nước đối phó với Trung Quốc bằng những công trình nghiên cứu và tư vấn, và đóng góp vào công cuộc phát triển sức mạnh của nhân dân. Ngoài ra, người Việt hải ngoại có thể vận động đắc lực cho vấn đề quốc tế hóa biển Đông Nam Á và cho một giải pháp hòa bình bền vững giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Những hoạt động này cần tiến hành đồng bộ và phải được phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, nhân dân trong nước, và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Đến đây, câu hỏi quan trọng được đặt ra là làm thế nào có được sự tin cậy và hợp tác giữa chính quyền và nhân dân trong nước, nhất là giữa chính quyền và khối người Việt ở nước ngoài, khi vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc chưa được giải quyết? Hợp tác với chính quyền trong nước, dù để đối phó với Trung Quốc, có giúp duy trì chế độ độc tài toàn trị hay không? Những câu hỏi này cần phải được trả lời trước khi bàn đến những hoạt động thích hợp của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Tôi đề nghị chúng ta nên tạm ngưng thảo luận về vấn đề hòa giải giữa Nhà nước và cộng đồng người Việt hải ngoại vì vấn đề này đã được tranh cãi từ nhiều năm qua và vẫn còn bế tắc. Chúng ta hãy đồng ý rằng khi đất nước lâm nguy thì các thành phần dân tộc đều cần phải bỏ qua một bên mọi niềm thù hận hay bất đồng chính kiến để hợp lực chiến đấu cho sự vẹn toàn của lãnh thổ và nền độc lập của dân tộc. Khi đã vắng bóng quân xâm lược hay nguy cơ đã qua đi thì những chuyện đối nghịch cũ sẽ trở lại để được giải quyết bằng hòa giải hay tiếp tục đối kháng. Sự kiện người Việt hải ngoại đóng góp công trình nghiên cứu lịch sử hay tư vấn pháp lý cho chính quyền trong nước về vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa là một hành động hợp tác vì nguy cơ chung nhưng không phải hay chưa phải là hành động hòa giải. Một thí dụ khác: nếu Chính phủ Việt Nam lên tiếng yêu cầu Trung Quốc ngưng tiếp tục xây đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong để bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh thái của hàng triệu dân Việt Nam sinh sống ở lưu vực dòng sông này thì việc người Việt hải ngoại gửi kiến nghị vận động các Chính phủ và tổ chức quốc tế ủng hộ lập trường của Chính phủ Việt Nam không có nghĩa là một hành động củng cố chế độ độc tài cộng sản. Trong khi đó những nỗ lực dân chủ hóa Việt Nam vẫn được tiếp tục dù dưới những hình thức ôn hòa hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên “người quốc gia” đặt vấn đề nói chuyện với “người cộng sản”, hay ngược lại, vì quyền lợi tối thượng của đất nước. Cựu Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Vương Văn Bắc đã cho biết là sau khi Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa ngày 19.01.1974, ông đã ba lần “đề nghị đến gặp Bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền Hà Nội để cùng thảo luận về những vấn đề của đất nước” (ngày 26.02, 16.05 và 20.07.1974) nhưng “cả ba lần đó, Hà Nội đều làm ngơ không đáp ứng tích cực”[7]. Hai trường hợp khác về đề nghị hợp tác giữa quốc gia và cộng sản là năm 1954 và 1989. Theo lời kể lại của cố Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Đỗ, mấy ngày trước khi Hiệp định Genève 1954 được ký kết, ông được Trưởng phái đoàn cộng sản Phạm Văn Đồng mời gặp để cùng tìm giải pháp hòa bình giữa người Việt Nam với nhau thay vì chịu sự áp đặt của các cường quốc. Hai ông đã gặp nhau nhưng khi đó đã quá muộn. Cố Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ kể cho tôi câu chuyện này khi tôi ghé Paris trên đường đi Genève tháng Sáu 1989 để tham dự Hội nghị quốc tế về tị nạn Đông Dương, và được Giáo sư Vũ Quốc Thúc đưa đến thăm ông. Cố ngoại trưởng cho hay ông nhờ GS Thúc đưa tôi đến gặp là để nhắc tôi phải tìm gặp Trưởng phái đoàn cộng sản ở Genève để tìm một giải pháp “của người Việt Nam” cho vấn đề tị nạn Việt Nam. Dù rất ngần ngại, cuối cùng tôi cũng yêu cầu Eric Schwartz, Giám đốc Á châu trong Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) khi đó đang có mặt trong phái đoàn Hoa Kỳ, thu xếp cho tôi gặp Trưởng phái đoàn Việt Nam là Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, nhưng lúc đó ông Thạch không chịu gặp tôi. Một năm sau, khi ông Thạch sang New York tham dự Đại hội đồng Liên hiệp quốc thì chính ông lại mời tôi gặp sau khi nhận được thư của Thượng Nghị sĩ Mark O. Hatfield. Vì vấn đề tị nạn Việt Nam đã được Hội nghị quốc tế Genève 1989 giải quyết bằng Kế hoạch hành động toàn diện (CPA), chủ đích cuộc gặp gỡ giữa nhóm đại diện của Trung tâm SEARAC do tôi làm Chủ tịch và ông Nguyễn Cơ Thạch là vấn đề định cư cựu tù nhân cải tạo ở Hoa Kỳ. Vấn đề này được nối kết với vấn đề POW/MIAs mà Việt Nam cần hợp tác tích cực hơn để Chính phủ Mỹ có thể đáp ứng thuận lợi vấn đề thiết lập quan hệ bình thường giữa hai nước [8].
Trở lại trường hợp người Việt hải ngoại giúp cho chính quyền trong nước đối phó với Trung Quốc, ngoài lý do quyền lợi tối thượng của đất nước, người bên ngoài còn có cơ hội tiếp cận với những người yêu nước và tiến bộ ở trong hay ngoài Đảng Cộng sản, hóa giải được những ngộ nhận và định kiến còn tồn tại giữa hai bên để tin cậy nhau hơn, hợp tác chặt chẽ với nhau hơn trên nhiều lãnh vực khác nhằm cải thiện đời sống của nhân dân và gia tăng triển vọng dân chủ hóa Việt Nam. Trong viễn tượng ấy, lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ đứng trước ba lựa chọn: một là chấp thuận sự hợp tác của trí thức ở trong và ngoài nước và chủ động tiến trình đổi mới chính trị để thực hiện đại đoàn kết và huy động được các nguồn lực của nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới; hai là bác bỏ sự hợp tác của cộng đồng hải ngoại, tiếp tục đàn áp những đòi hỏi ôn hòa về dân chủ, nhân quyền và công bằng xã hội, tiếp tục thực hiện một chiều khẩu hiệu “bốn tốt” và “mười sáu chữ vàng” với Trung Quốc; ba là hạn chế và kiểm soát sự hợp tác của người Việt hải ngoại, tiếp tục thân với Trung Quốc nhưng cũng dựa vào những điều kiện thuận lợi quốc tế để điều đình với Trung Quốc. Trong khi đó, chính sách áp chế nguyện vọng của nhân dân vẫn không thay đổi.
Trong hoàn cảnh hiện thời, lựa chọn thứ nhất rất ít hy vọng trở thành hiện thực. Chính quyền có vẻ đang thi hành lựa chọn thứ ba. Trong trường hợp này, và ngay cả trong trường hợp chính quyền lựa chọn cách thứ hai, những đóng góp độc lập hay có phối hợp của người Việt hải ngoại với trí thức và nhân dân trong nước vẫn cần thiết cho việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam và cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình ở Biển Đông Nam Á. Hiểm họa Trung Quốc, nếu không làm cho chính quyền thức tỉnh và thực hiện chính sách hòa giải với các thành phần dân tộc để cứu nước thì nó cũng sẽ tạo cơ hội cho người Việt Nam ở trong và ngoài nước đoàn kết và hợp tác với nhau trong các nỗ lực ngăn chặn nguy cơ mất nước và giải thể chế độ độc tài toàn trị.
Kế hoạch cụ thể và toàn diện
Trong bối cảnh lịch sử và viễn tượng tương lai đó, chúng ta cần thiết lập một kế hoạch hành động toàn diện với các đối tượng quốc nội và quốc tế. Tôi xin đề nghị một số công tác và gợi ý cần thiết cho việc thiết lập và thực hiện kế hoạch này:
1. Quan hệ giữa người Việt trong và ngoài nước
a. Phổ biến bằng mọi cách những thông tin chính xác tới mọi tầng lớp nhân dân và cấp bậc trong quân đội, nhất là ở các vùng sâu vùng xa trên toàn quốc về những lời tuyên bố ngang ngược và hành động tàn bạo của Trung Quốc về chủ quyền biển Đông, về những lá thư và bài viết của các nhân vật có uy tín ở trong nước tố cáo mưu đồ thôn tính Việt Nam của Trung Quốc bằng kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, và về những nhượng bộ của lãnh đạo Việt Nam đối với Trung Quốc. Cần nêu rõ những bằng chứng cho thấy trong khi những công dân yêu nước biểu tình phản đối Trung Quốc bị trừng phạt thì bộ máy thông tin nhà nước lại đưa ra những tin tức và hình ảnh có lợi cho Trung Quốc. Cần hỗ trợ những đòi hỏi của nhân dân về thái độ cụ thể của chính quyền đối với Trung Quốc.
b. Thiết lập và mở rộng quan hệ với các trí thức, văn nghệ sĩ ở trong nước, thuộc mọi lớp tuổi, có lòng yêu nước và mong muốn Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh, dân chủ, văn minh, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng thế giới. Nhiều người xuất ngoại để công tác đã có cơ hội tiếp xúc với những đối tác hay đồng nghiệp của họ trong cộng đồng hải ngoại và đã có nhiều quan hệ tốt. Họ đã và đang có tiếng nói phản biện trước những chính sách và chương trình của Chính phủ đi ngược với lợi ích của dân tộc mặc dù phải chịu nhiều hành động sách nhiễu và phá phách của bộ máy công an.
c. Tiếp xúc và hợp tác với những cựu đảng viên đã ly khai và bỏ ra nước ngoài để tranh đấu chống độc tài, và những trí thức sinh trưởng trong lòng chế độ nhưng bất mãn với chính sách kìm kẹp của nhà nước nên cũng chọn cuộc sống lưu vong để có điều kiện tự do nghiên cứu, sáng tác và tìm cách cải thiện đời sống của đồng bào trong nước. Tiếng nói của những trí thức này rất có ảnh hưởng đối với nhân dân trong nước.
d. Tiếp xúc và hợp tác với các trí thức chuyên gia xuất ngoại trước 1975, nhiệt tình yêu nước nhưng có thiện cảm với miền Bắc trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, nay thất vọng trước những chính sách sai lầm của nhà cầm quyền cộng sản nên đã thẳng thắn chỉ trích chế độ và thúc đẩy công cuộc đổi mới về mọi mặt. Tuy nhiên, do bị ngộ nhận về lòng yêu nước của mình, những trí thức này đã sống biệt lập với cộng đồng hải ngoại và chỉ sinh hoạt trong những diễn đàn do chính họ thành lập. Trong những năm gần đây, qua sự tham dự những hội nghị do các trường đại học hay cơ quan nghiên cứu ngoại quốc tổ chức, một số trí thức trước và sau 1975 đã có dịp tiếp xúc thân tình, trao đổi quan điểm và công trình nghiên cứu về những vấn đề quan trọng của đất nước.
e. Tiếp xúc và trao đổi với những sinh viên du học hay tu nghiệp mỗi ngày một đông hơn. Hầu hết những du sinh hay nghiên cứu sinh này đã có những hiểu biết căn bản về đời sống ở nước ngoài và đều mong muốn đất nước đổi mới và hội nhập thành công với cộng đồng thế giới văn minh, dân chủ. Do bận việc học hành và do những quy định của nhà nước về điều kiện du học, họ thường né tránh những cuộc tiếp xúc với người Việt định cư ở nước ngoài vì e ngại bị lôi cuốn vào những sinh hoạt chống cộng của cộng đồng. Nhưng trong những cuộc trao đổi giữa họ với nhau hay với một số Giáo sư hay bạn đồng học người Việt sở tại, họ đã chia sẻ những mối quan tâm sâu sắc trước tình trạng tham nhũng trầm trọng, đạo đức suy đồi ở Việt Nam, và không ngần ngại biểu lộ sự tức giận đối với những biện pháp của Chính phủ ngăn cấm dân chúng phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền đất nước, ngăn cấm và phá hoại thông tin chính trị trên internet. Sự trao đổi thân tình giữa người Việt hải ngoại và các du sinh sẽ xóa bỏ được nhiều ngộ nhận của họ về cộng đồng tị nạn, chia sẻ một cách nghiêm túc những suy nghĩ và mong ước về tương lai nước Việt. Họ sẽ là những nhân tố thay đổi xã hội Việt Nam, là những nhịp cầu cho sự hợp tác phát triển giữa trong và ngoài nước sau này.
2. Quan hệ với chính quyền Việt Nam
Người Việt hải ngoại không cần phải yêu cầu Chính phủ Việt Nam chấp thuận thiết lập quan hệ hợp tác giữa đôi bên, vì từ nhiều năm nay các lãnh đạo trong nước vẫn tha thiết kêu gọi nhân tài Việt Nam ở nước ngoài đóng góp chất xám vào công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Thực tế thì đã có một số chuyên gia người Việt ở các nước tiền tiến trở về làm tư vấn cho Chính phủ, giúp đỡ kỹ thuật hay đào tạo cán bộ chuyên môn. Vì chính sách sai lầm của chính quyền, số người này cho đến nay mới có khoảng vài trăm so với tổng số ước lượng là trên 300 nghìn nhân tài người Việt ở nước ngoài. Bây giờ chỉ cần chính thức hóa mối quan hệ này trong việc việc đối phó với Trung Quốc để có thể phát huy nội lực, gia tăng sự tin cậy của các thành viên khác trong khối ASEAN và được quốc tế hỗ trợ cho những cuộc đàm phán đa phương với Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hợp tác này được Chính phủ Việt Nam chấp thuận đến mức độ nào thì chưa thể biết được.
Trong những cuộc đối thoại với chính quyền, nếu có, cần xác nhận yếu tố ổn định chính trị trong tiến trình hợp tác. Nói cụ thể và thực tế hơn, cần giải quyết tình trạng đối kháng hiện thời bằng thái độ tương nhượng: cộng đồng hải ngoại sẽ trì hoãn những hoạt động quyết liệt chống chính quyền, những đòi hỏi giải thể chế độ, những cuộc vận động Quốc hội Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC; để đổi lại, chính quyền phải cải thiện chính sách đối với những người tranh đấu ôn hòa cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo bằng việc phóng thích những người đang bị giam giữ, nới rộng những quyền tự do căn bản, chấm dứt việc phá hoại những trang mạng hay trang blog trên internet.
Đế cho sự đóng góp chất xám từ hải ngoại được thực tế và hiệu quả hơn, cần phải có sự cộng tác của trí thức và chuyên gia tiến bộ ở trong nước. Một cơ quan tư vấn theo mô hình “think tank” của Mỹ cần được thành lập với sự tham gia của trí thức trong và ngoài nước. Thật ra, đây là một dự án đã được thử nghiệm hơn ba năm trước bởi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau khi ông và nhóm chuyên gia của ông nghiên cứu “dự án phát triển Việt Nam thế kỷ XXI (VN21)” do TS Phùng Liên Đoàn ở Mỹ soạn thảo với sự góp ý của tôi. Sau những buổi làm việc trực tiếp giữa đôi bên, dự án VN21 đã trở thành một dự án “think tank” mang tên là “Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững”, với tỷ lệ thành phần sáng lập là 50 phần trăm trí thức ở trong nước và 50 phần trăm trí thức ở nước ngoài. Quá trình vận động cho việc thành lập “think tank” này rất khó khăn nhưng nhờ quyết tâm của cố Thủ tướng Kiệt, Nhà nước đã chấp thuận đề nghị của ông, nhưng chỉ cho phép trí thức trong nước đứng chủ trương. Do đó Viện Nghiên cứu phát triển IDS được ra đời vào tháng Mười Một năm 2007. Dù sao, đây cũng là một bước khởi đầu cần thiết. Như chúng ta đều biết, các hoạt động của Viện IDS đã bị chính quyền tìm cách hạn chế và kiểm soát, nhất là sau ngày ông Kiệt qua đời, thậm chí Hội đồng quản trị của IDS đã phải ra tuyên bố tự giải thể để phản đối Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng Bảy 2009 của Thủ tướng Chính phủ, với lời cáo buộc rất dũng cảm là: Quyết định này “phản khoa học, phản tiến bộ và phản dân chủ.”
Dĩ nhiên, tất cả những ý kiến trên đây về quan hệ hợp tác giữa người Việt hải ngoại và chính quyền trong nước chỉ có thể thực hiện trong trường hợp chính quyền quyết định chọn lựa theo cách thứ nhất trong ba lựa chọn đã nói đến ở trên (tiền đề số 3: Vai trò của người Việt hải ngoại). Quan hệ hợp tác này, nếu đạt được, sẽ không có nghĩa là cộng đồng người Việt hải ngoại giúp củng cố chế độ độc tài; trái lại, nó mở đầu cho một tiến trình dân chủ hóa mà không có sự đối đầu. Nói cách khác, đây là một tiến trình “diễn biến hòa bình” do chính Nhà nước chủ động để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” vẫn được nêu cao nhưng không thấy làm. Đây là cơ hội mà người Việt hải ngoại và nhân dân trong nước mở ra cho chính quyền nhưng cũng là một thách thức lịch sử đối với lãnh đạo Đảng Cộng sản trước sự tồn vong của đất nước và dân tộc Việt Nam.
3. Vận động ASEAN, Hoa Kỳ và quốc tế
Như trên đã nói, đây là trách nhiệm và thẩm quyền chính thức của Chính phủ Việt Nam trong quan hệ với các quốc gia khác. Những cuộc vận động của nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nói chung, chỉ có tính cách hỗ trợ cho Chính phủ. Tuy nhiên, trong trường hợp đối phó với hiểm họa Trung Quốc, cộng đồng người Việt hải ngoại có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc vận động quốc tế mà nhân dân trong nước không có trong khi Chính phủ Việt Nam lại chưa có chính sách rõ rệt trước hiểm họa Trung Quốc. Đặc biệt là những cuộc vận động hành lang của công dân ngoại quốc gốc Việt Nam có thể đem lại nhiều kết quả tích cực do khả năng thuyết phục những nhà làm chính sách ở các nước sở tại, nhất là ở Hoa Kỳ.
Vì Trung Quốc cũng đang là mối đe dọa chung đối với các nước ASEAN và một số quốc gia Á châu khác như Nhật Bản và Ấn Độ, những công dân ngoại quốc gốc Á châu sẽ sẵn sàng hợp lực với người Việt hải ngoại trong các nỗ lực vận động chính quyền ở quốc gia sở tại và ở quê hương gốc của họ. Lợi điểm chính là họ cũng rất quan tâm về tham vọng bá quyền của Trung Quốc, về vị trí chiến lược của Biển Đông Nam Á và nhất là không thể chấp nhận vai trò lãnh đạo thế giới của một nước cộng sản độc tài. Riêng ở Hoa Kỳ, các cộng đồng người Mỹ gốc Á châu thường có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các tổ chức tư nhân có thế lực ở quê hương họ. Những người lãnh đạo cộng đồng của họ trên khắp các tiểu bang cũng có nhiều quan hệ và kinh nghiệm làm việc với Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ [9]. Ngay cả những trí thức người Mỹ gốc Hoa vì đã quen với những suy nghĩ và hành động theo những nguyên tắc bình đẳng và dân chủ cũng có thể đứng chung hàng ngũ với người Mỹ gốc Á trong cuộc vận động cho một giải pháp công bằng và hòa bình trong khu vực. Như vậy, chúng ta không cô đơn mà có nhiều bạn đồng minh rất đắc lực. Tiếng nói chung của công dân và cử tri Mỹ gốc Á qua những bản tuyên bố, những thư kiến nghị, những buổi điều trần ở Quốc hội, những bài báo hay tham luận ở các hội nghị chuyên đề chắc chắn sẽ được những nhà làm chính sách của Mỹ và quốc tế lắng nghe [10].
Đối tượng quốc tế cần được tiếp cận để vận động, ngoài các Chính phủ có mối quan tâm chung đối với Trung Quốc, là tổ chức Liên hiệp quốc, các cơ quan nghiên cứu quốc tế về luật pháp và nhân quyền, các trường đại học và các chuyên gia về Trung Quốc. Ngoài ra, cũng cần theo dõi và khai thác những phản ứng chống chủ nghĩa “tân thực dân” của Trung Quốc tại Châu Phi và những mâu thuẫn quyền lợi giữa Nga và Trung Quốc tại những nước vùng Trung Á như Kyrzystan va Uzbekistan. Sự ủng hộ trực tiếp hay gián tiếp của các cơ quan truyền thông như báo chí, truyền thanh và truyền hình cũng rất quan trọng và phải được triệt để khai thác khi có cơ hội. Cộng đồng người Việt hải ngoại cần tập hợp được những nhà nghiên cứu, những tác giả giỏi ngoại ngữ và những đại diện thông thạo về giao tế (PR) ở thủ đô của các quốc gia cần vận động.
Kết luận
Vấn đề vai trò của người Việt hải ngoại như vừa được trình bày, phát xuất từ một giả định là các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước thống nhất ý chí trước nguy cơ Trung Quốc muốn thôn tính Việt Nam làm bàn đạp cho chiến lược bá quyền quốc tế. Với quyết tâm ấy, Nhà nước sẽ vận dụng mọi khả năng hợp tác với các nước ASEAN, Hoa Kỳ và các đồng minh khác để quốc tế hóa vấn đề Biển Đông Nam Á nhằm đạt được giải pháp chung sống hòa bình, hợp tác và phát triển giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Khả năng trung lập hóa ASEAN cũng có thể được xem xét như một giải pháp giúp cho Việt Nam và các nước trong khu vực tạo được vị thế riêng biệt, có thể bảo vệ được chủ quyền của mỗi thành viên với các đối tác quốc tế, tránh khỏi vai trò đu dây giữa các cường quốc [11]. Điểm quan trọng trong giả định này là Nhà nước Việt Nam sẽ thay đổi chính sách đối nội, tạo điều kiện cho một xã hội công dân, chấp nhận đối lập, xóa bỏ những bản án nặng nề đối với những người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền và công bằng xã hội. Qua các thành tích của chế độ độc tài cộng sản và kinh nghiệm trực tiếp của nhân dân Việt Nam từ 65 năm qua ở miền Bắc và 35 năm ở miền Nam, kịch bản tự giác và tự chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ của nhà cầm quyền Hà Nội có thể được xem như một mơ ước hão huyền. Nhưng trong cuộc đời đã từng xảy ra nhiều chuyện bất ngờ, nhất là khi nguy cơ mất nước đã gần kề và sự bất mãn của dân chúng đối với những biện pháp khắc nghiệt của chính quyền đang gia tăng cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Bởi thế giả định này vẫn cần đặt vào trong những mục tiêu của kế hoạch. Giả định này có thể trở thành hiện thực hay không thì nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng vẫn cần hợp lực để ngăn chặn hiểm họa Trung Quốc đồng thời đem lại tự do, dân chủ thật sự cho dân tộc.
Chính quyền trong nước cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài đang phải đối diện với những thử thách quan trọng đòi hỏi những quyết định dũng cảm, đột phá, để biến những thử thách đó thành cơ hội hợp tác cứu nguy đất nước và cải thiện chế độ chính trị. Hiểm họa Trung Quốc là “thời cơ vàng”[12] để lãnh đạo Đảng và Nhà nước có thể sửa chữa sai lầm, lấy lại được lòng tin của dân chúng và hòa giải với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đây cũng là cơ hội cho những đảng viên sáng suốt, trí thức tiến bộ và nhân dân trong nước gia tăng áp lực với những nhà làm chính sách, nhất là trong khi Đảng đang chuẩn bị Đại hội XI vào đầu năm 2011. Ở hải ngoại, đã đến lúc các nhà lãnh đạo cộng đồng cần hội ý với nhau để xác định một hướng đi mới và một sách lược lâu dài đối với tương lai của đất nước, và trước mắt là thiết lập một kế hoạch thực tế có thể đóng góp hữu hiệu vào những nỗ lực ngăn chặn cuộc chinh phục thầm lặng của Trung Quốc. Vấn đề không phải là ai hay đoàn thể nào có thể khởi động cuộc thảo luận này vì bất cứ một cá nhân hay tập hợp nào đảm nhận trách nhiệm đó cũng đáng được hoan nghênh, nhất là vì đây không phải là vấn đề lãnh đạo mà là điều hợp những cuộc thảo luận cho đến khi đạt được đồng thuận về đường lối và kế hoạch. Sau đó mới cần bầu ra những đại diện chính thức để phụ trách thực hiện kế hoạch. Tốt hơn hết là vai trò điều hợp nên được đảm nhiệm bởi những chuyên gia thuộc lớp tuổi trung niên thành thạo viêc tổ chức và điều hành hội nghị. Cộng đồng người Việt hải ngoại không thể bỏ lỡ vai trò và cơ hội lịch sử này.
© 2010 Lê Xuân Khoa
© 2010 talawas
[1]Xem talawas (Đức) 01 tháng 03, 2010; Ngày Nay (Houston, Texas) 01/03/10; Đàn Chim Việt Online (San Jose, California) 02/03/10; NgườiViệt (Westminster, California) 18-19-20/03/10.
[2]Admiral Timothy Keating, “Asia-Pacific Military Review”, dẫn bởi Vũ Quang Việt trong “Towards a just and fair solution to the conflicts in the Southeast Asian Sea”, tài liệu thuyết trình tại “Seminar on Conflicting Claims to the South China Sea”, do Đại học Temple, Philadelphia, PA, tổ chức ngày 25/03/2010.
[3] Robert D. Kaplan, “The Geography of Chinese Power: How Far Can Beijing Reach on Land at at Sea”, Foreign Affairs, May/June 2010, trang 22-41.
[4] Martin Jacques, When China Rules the World, The Penguin Press, New York, 2009.
[5]John & Doris Norbitt, China’s Megatrends: The 8 Pillars of a New Society, Publishers, New York, 2010, đặc biệt là chương 2.
[6]Nguyễn Hải Hoành, “Giấc mơ hùng vĩ của người Trung Quốc” (phần 1), Tuần Việt Nam, 15/03/2010
[7]Vương Văn Bắc, “Nhớ lại và Suy ngẫm về vụ Hải chiến Hoàng Sa”, Đặc san Ái Hữu Ngoại Giao, Xuân Mậu Tý, Paris, France (2008).
[8]Chi tiết về cuộc gặp gỡ này cũng như những cuộc vận động của SEARAC (Trung tâm tác vụ Đông Nam Á) cho các chương trình định cư HO và ROVR sẽ được trình bày đầy đủ trong cuốn sách về lịch sử tị nạn mà tôi đang viết, tiếp theo tập I của cuốn Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử, đã phát hành. Tạm thời, xin xem bản tóm lược các hoạt động của SEARAC trong The Voice of Refugees, một tài liệu tôi viết cho The Boat People Archives của Thư viện quốc hội, nhân dịp họ tổ chức cuộc hội thào về thuyền nhân ở Washington, DC, ngày 2 tháng 5 năm 2009.
[9]Trong một buổi tiếp xúc gần đây của tôi với Floyd Mori, Chủ tịch tổ chức Japanese American Citizens League (JACL) và Chủ tịch Asian Pacific American Council, ông Mori cho tôi hay, ông sẵn sàng gặp gỡ các đại diện cộng đồng Mỹ gốc Việt để thảo luận về nỗ lực chung này.
[10] Một thí dụ cụ thể: TS Vũ Quang Việt, sau khi thuyết trình tại cuộc Hội thảo ở Đại học Temple (xem chú thích số ii trên đây), đã được cơ quan U.S.-China Economic and Security Review Commission (USCC) ở Washington, DC, mời đến tham khảo và có thể sẽ tổ chức một buổi điều trần ở Quốc hội hay một buổi họp với các chuyên gia người Việt hải ngoại về giải pháp cho biển Đông Nam Á. (USCC là tổ chức do Quốc hội Mỹ thành lập năm 2000 để nghiên cứu và đề nghị về các vấn đê kinh tế và an ninh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.)
[11]Xem Vũ Quốc Thúc, Thời đại của tôi, cuốn I, Người Việt xuất bản, Westminster, 2010, trong Phụ lục: “Việt Nam làm gì sau khi được bầu vào Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc?” trang. 401-408, và “Nhận định về hai cuộc vận động ngoại giao của chính quền Hà Nội”, trang 409-414.
[12]Mượn lời của tác giả Nguyễn Trung trong loạt bài “Thời cơ vàng của Đảng ta” trên VietNamNet năm 2009.