Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

24 tháng 7 2010

Về việc Việt kiều trực tiếp tham gia điền hành đất nước

Về việc Việt kiều trực tiếp tham gia điền hành đất nước

TSKH Nguyễn Đăng Hưng,

GS danh dự thực thụ Trường ĐH Liège, Bỉ

image Chiều 20/7/2010 vừa qua, trong kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về việc tạo điều kiện cho Việt kiều trực tiếp tham gia điều hành đất nước.

Theo báo Pháp luật TP HCM, Thường trực Ủy ban Pháp luật trình hai phương án:

1. Đồng ý với quy định của dự luật: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam có thể đăng ký tuyển dụng làm viên chức. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể những lĩnh vực, ngành nghề, vị trí, điều kiện, quyền, nghĩa vụ… trong trường hợp Việt kiều được tuyển dụng làm viên chức.

2. Không quy định việc tuyển dụng viên chức là Việt kiều trong dự luật mà có thể sử dụng các cơ chế khác để huy động chất xám, trí tuệ của họ như ký hợp đồng vụ việc, hợp đồng lao động có thời hạn…

Tôi không hề ngạc nghiên về kết quả được tóm tắt trên Vietnamnet: "Chưa đồng tình để Việt kiều về nước làm viên chức".

Sau khi tham khảo kỹ hơn mới thấy ngoài những phát biểu có thiện chí của một số người, tôi hơi bị hãi về nội dung một số phát biểu của đại diện Chính phủ, của các bậc thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những người đứng đầu các đại biểu của dân Việt ngày nay.

Xin đơn cử vài phát biểu để đời:

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của QH, ông Ksor Phước nói: " không tán thành việc cho phép công dân VN định cư ở nước ngoài tham gia dự tuyển làm viên chức vì quan ngại có thể bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động chống phá".

Quả thật, tôi không thể nghĩ ra được một vị đứng đầu một Ủy ban gọi là Dân tộc mà có thể phát biểu xúc phạm đến "bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam" như vậy. Làm sao ông Chủ nhiệm có thể quơ đũa cả nắm để coi thường trình độ văn hóa, khoa học và chính trị của người Việt Nam ở nước ngoài đến thế? Phải chăng loại quan ngại này xuất phát từ một thứ não trạng đa nghi cố hữu, thấy ai cũng là kẻ thù rồi tự cô lập mình, chỉ làm việc với người cùng phe cùng cánh, những thành viên chung quanh ao làng?

Không biết ông Chủ nhiệm có hay biết những hoạt động yêu nước đa dạng của người Việt đang định cư ở nước ngoài vì sự nghiệp phát triển và trường tồn của đất nước chúng ta hay không?

Tôi xin đơn cử một thí dụ thôi. Vụ National Geographic Society (NGS) thừa nhận gây "ngộ nhận" và "hiểu sai" khi dùng nhãn "China" gắn với tên "Tây Sa" để nói về quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ thế giới của họ, có thể làm người mua hiểu rằng họ phủ nhận chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và làm quên đi việc Trung Quốc đã xâm chiến Hoàng Sa năm 1974. Sau khi phát hiện sự kiện, ba Việt kiều tại Úc: Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá, Lê Quang Long, đã phản ứng ngay và sau đó nữa Bộ Ngoại Giao Chính Phủ Việt nam mới vào cuộc. Hành động như vậy mà ông không quan tâm mà còn cho là phá hoại sao thưa ông?

Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn thì cho rằng: "Nếu quy định Việt kiều được dự tuyển viên chức được thông qua thì phải quy định rất cụ thể về ngành, nghề và xem xét cả quá trình làm việc cũng như nhân thân của người dự tuyển…" !

Trời ơi! giờ này mà vẫn còn kỳ thị, còn lý lịch chủ nghĩa đầy mình như vậy. Ôi thôi! suy nghĩ thế này thì mong chi đến ngày hòa hợp hòa giải dân tộc, thực hiện Đại Đoàn Kết toàn dân?

Hòa bình, thống nhất đã trở về với dân tộc Việt 35 năm rồi! Vậy mà công cuộc hòa hợp và hòa giải vẫn là thời sự, vẫn ở phía trước!

Mỗi năm vài lần Quốc hội, rồi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phải tốn bao nhiêu giấy mực, bao nhiêu tranh cãi, phải loay hoay mãi, vẫn chưa có giải pháp phù hợp với tâm tư nguyện vọng chung của người Việt định cư tại hải ngoại, và chưa tận dụng được chất xám Việt kiều, nguồn tài nguyên vô giá của dân tộc, có phải là lãng phí cho đất nước biết bao nhiêu! Quý vị vì ai mà nghĩ những điều lạc hậu với thời đại có đến mấy thập kỷ đó?

Các nước văn minh trên thế giới không có nước nào lại kỳ thị, phân biệt nguời dân trong nước và đồng bào tạm định cư ở nước ngoài. Mọi người đều bình đẳng về quyền lợi cũng như nghĩa vụ đối với đất nước thì sự đối xử sao lại khác nhau? Cứ xem cách Trung Quốc người ta chủ trương về vấn đề này có tầm viễn kiến như thế nào thì biết đó là điều vô cùng cấp thiết cho một đất nước, bất kỳ nước nào trên thế giới hiện nay, sao quý vị không chịu học tập?

Nhân dịp này tôi cũng xin nhắc lại một đề nghị của cá nhân tôi từ 5 năm trước, trong ngày họp mặt Việt kiều 17/8/2005 tại Hà Nội, do Ban Việt kiều Trung Ương tổ chức, có mặt không ít quan chức cao cấp (Phó Chủ tịch nước, các Bộ trường, Thứ trưởng, Vụ trưởng, Phó ban…, của Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học Công nghệ, Ban Đối ngoại Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đông đảo Việt kiều tiêu biểu khắp các châu lục).

Tôi xin ghi lại nội dung lời phát biểu trong buổi họp khoáng đại đúc kết Hội nghị:

"Tôi thấy Chính phủ Việt Nam tốn quá nhiều thời gian và công sức để tham khảo và đề đạt nghị định này, đạo luật nọ về vấn đề Việt kiều. Đã bao nhiêu năm rồi mà vẫn như cũ, quyền lợi chánh đáng của bà con Việt kiều vẫn chưa cải tiến. Tôi đề nghị nên chấm dứt tình trạng này bằng một hành động cụ thể và ngắn gọn, có hiệu quả ngay: đề đạt và chuẩn y một nghị định, một luật mà tôi gọi là luật duy nhất về người Việt cư trú tại nước ngoài:

  1. Kề từ ngày có luật duy nhất này, nay chấm dứt phân biệt, quyền lợi cũng như nghĩa vụ, giữa người Việt trong nước và người Việt nước ngoài.
  2. Đối với người Việt Nam định cư tại hải ngoại và còn giữ quốc tịch Việt Nam thì chính thức hóa quốc tịch này và công nhận quyền lợi và nghĩa vụ công dân Việt Nam của họ.
  3. Đối với người Việt Nam định cư tại hải ngoại đã có quốc tịch của nước sở tại thì sẵn sàng cho phép trở lại quốc tịch Việt Nam nếu họ có nguyện vọng. Nhanh chóng sửa đổi luật quốc tịch hiện hành cho phù hợp.
  4. Đối với người Việt Nam định cư tại hải ngoại mà vì những lý do riêng, không trở lại quốc tịch Việt Nam được, thì cũng tạo điều kiện miễn thị thực để họ có thể dễ dàng đi lại, thăm quê hương, mua nhà, đầu tư, giao lưu với trong nước.

Đạo luật duy nhất này nếu thành hình, thực thi nghiêm túc và đồng bộ, sẽ biến những đau thương mất mất mát, ly cách, phân biệt bấy nhiêu năm nay thành những cơ may cho một vận hội mới, người Việt tìm lại nhau trong tình tự dân tộc.

Thật vậy, không có nước nào trên thế giới mà không có người Việt định cư, không có tiếng nói nào trên thế giới mà người Việt không nói được, không có công nghệ tiên tiến nào mà người Việt không nắm bắt… Làm được việc này chính là tạo điều kiện cơ bản nhất cho công cuộc đoàn kết dân tộc, xây dựng nền dân chủ, công bằng, nếp sống tình nghĩa, văn minh, tạo cơ sở vững bền cho chiến lược hội nhập phát triển, hiện đại hóa và công nghệ hóa đất nước.

TP Hồ Chí Minh ngày 22/7/2010

NĐH

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập


Không có nhận xét nào: