Khi quan chức đua nhau học Thạc sĩ, Tiến sĩ
Phương Nguyên
Việc phát hiện bằng giả/dỏm trong hàng ngũ quan chức ngày càng nhiều, e rằng đến lúc phải lập bảng thống kê để bạn đọc bốn phương cứ việc điền những tên người mình phát hiện cùng với địa chỉ và chức vụ cụ thể, tránh các bài viết dài dòng sẽ không sao đăng hết. Trong một bài trước, BVN đã đưa ra ba giải pháp: 1. Truy cứu hình sự ông Hiệu trưởng ĐHQG Hà Nội vì đã liên tiếp mở những khóa học gian dối như đã nói, vừa là một loạt cú lừa trâng tráo đối với hàng ngũ quan chức Việt Nam vốn rất háo danh lại khát thèm chiếc ghế họ đang giữ hoặc những chiếc ghế cao hơn nhờ tấm bằng chỉ mất tiền là có chứ không cần phải học; 2. Nhà trường ra quyết định thu hồi tất cả các loại bằng đã phát ra, căn cứ vào tên học viên từ khóa đầu đến khóa cuối, nếu không thì công bố danh sách đầy đủ trên các phương tiện truyền thông và ghi rõ: những người mang các bằng cao học có tên trong danh sách này đều vô giá trị; 3. Nếu Nhà nước nhận thức đây là một vấn đề sĩ diện lớn làm mất hết uy tín quan chức Việt Nam và muốn giải quyết tận gốc chuyện bỉ ổi này thì hãy ra một quyết định không công nhận bất kỳ bằng cấp nào mà đội ngũ quan chức từ trung ương trở xuống đang dán trước tên của họ, bởi những học vị đó không chỉ vô ích trong việc điều hành đất nước mà còn cho thấy chính đó là một trong những nguyên nhân khiến đất nước đang ngày càng suy thoái.
Điều cuối cùng: nên cân nhắc xem đã có thể giải tán tổ chức ĐHQG được chưa vì những kiểu Viện đại học quá cồng kềnh thế này ở Việt Nam chỉ làm béo bở cho đám lãnh đạo ngồi trên xoay xở kiếm chác và phất lên không khác gì quan chức kinh tế, nghiệp vụ, trong khi không hề nâng được uy tín chất lượng của các trường mà chúng mang tên một chút nào cả, cả trong nước và trên quốc tế. Theo GS Nguyễn Xuân Hãn, trước kia Trường đại học Tổng hợp Hà Nội được xếp thứ 47 trong số 100 trường đại học có tiếng của thế giới. Nay theo dư luận giới trí thức, ĐHQG Hà Nội đã mất hút trong cái biển những trường đại học vô danh tiểu tốt và có lẽ chưa biết bao giờ mới mọc mũi sủi tăm lên được.
Bauxite Việt Nam.
Trả lời báo Tuổi trẻ về việc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã liên kết với Trường Đại học Irvine (Mỹ), GS TS Vũ Minh Giang, Phó giám đốc Đại học QG Hà Nội, cho biết: "Chương trình liên kết đào tạo giữa Khoa quản trị kinh doanh Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Irvine đã được thực hiện theo nguyên tắc phía đối tác nước ngoài chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình đào tạo và cấp bằng. Nhưng chương trình đã chấm dứt hoạt động từ năm 2008". Trong thời gian liên kết, hai trường đã tổ chức 10 khóa đào tạo thạc sĩ với khoảng 300 học viên.
Theo ông Giang: Những đối tác nào không đủ điều kiện, trong đó có Trường Đại học Irvine, đã được Đại học QG Hà Nội yêu cầu chấm dứt hoạt động liên kết đào tạo… Ở đây không rõ những "điều kiện" nào khiến Trường Đại học QG Hà Nội chấm dứt liên kết với Trường Đại học Irvine? Có thông tin cho rằng Trường Đại học Irvine không được Chính quyền và giới chức giáo dục Mỹ công nhận là trường đại học. Có lẽ vì thế mà Trường Đại học QG Hà Nội đã chấm dứt liên kết? Nếu quả đúng như vậy thì 300 Thạc sĩ được "ra lò" từ sự liên kết này sẽ tính sao đây? Tấm bằng Thạc sĩ của họ có giá trị và được công nhận? Họ là những ai và có phải là nạn nhân của Trường Đại học QG Hà Nội, hay họ là nạn nhân của sự háo danh?
Được biết, những Thạc sĩ "ra lò" từ cơ sở đào tạo liên kết này phần lớn là những quan chức, không hiếm quan chức đầu tỉnh. Theo thông tin từ báo chí và người dân, ông Nguyễn Nhật - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh có bằng MBA từ Đại học Irvine và lấy bằng Tiến sĩ từ Đại học Nam Thái Bình Dương. Cấp trên của ông Nhật là ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, trước đó cũng đã lấy bằng Thạc sĩ MBA theo chương trình liên kết với Đại học Wester Pacific University.
(http://boxitvn.blogspot.com/2010/07/hqg-ha-noi-lien-ket-voi-truong-ngoai.html)
Tỉnh miền núi Yên Bái cũng có đông đảo quan chức đi học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở những trường liên kết quốc tế. Trong danh sách Thạc sĩ do Trường Đại học Irvine liên kết với Đại học QG Hà Nội, ở Yên Bái phải kể tới các ông: Trương Ngọc Biên - GĐ sở Công thương, Nguyễn Tường Thuật - Nguyên GĐ Sở Tài nguyên & Môi trường (hiện đã chuyển về Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TW), Đoàn Việt Nam - GĐ Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam Chi nhánh Yên Bái và nhiều vị tai to mặt lớn khác… Các học viên hiện đang theo học có các ông: Dương Văn Tiến - Trưởng ban Kinh tế đối ngoại tỉnh Yên Bái, Bùi Ngọc Hùng, cán bộ Ban Kinh tế đối ngoại…
Theo ông Vũ Minh Giang, Phó giám đốc Đại học QG Hà Nội: Chương trình liên kết với Trường Đại học Irvine chấm dứt từ năm 2008… Nhưng không hiểu lý do nào mà năm 2008 trường vẫn tổ chức chiêu sinh và mở lớp học đào tạo Thạc sĩ Quản trị kinh doanh khóa 2008-2010 liên kết với Irvine? Ơ hay, trong phản hồi của Đại học QG Hà Nội với báo chí lại nói rằng "Chương trình (liên kết) đã tạm dừng tuyển sinh vào tháng 6/2009"(?). Trao đổi với một số học viên đang theo học, khóa 2008-2010 có 4 lớp với trên 100 học viên, phần lớn là lãnh đạo các ngành ở các tỉnh, các tập đoàn, tổng công ty… Học phí 8.500 đô la, nộp 3 lần qua tài khoản ở các ngân hàng. Có 13 học phần, đối với học viên chuyên ngành kỹ thuật phải học trước 3 môn, tất cả đều học bằng tiếng Việt. Giáo trình do giáo viên của Khoa Quản trị kinh doanh soạn và các giáo viên mời từ các trường đại học khác tới dạy, còn giáo trình của Trường Đại học Irvine kéo từ trên mạng Internet xuống, một số giáo viên của Trường Irvine tới dạy thông qua phiên dịch. Mỗi tháng học vào hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật, trung bình mỗi tháng chỉ học 3 tuần (thứ Bảy, Chủ nhật), có tháng học 2 tuần, mùa hè thì học 1 tuần.
Như vậy, thời gian các quan chức đi học khoảng 150-170 ngày, so với các học viên học Thạc sĩ bình thường thì thời gian đó quá ngắn, mặc dù học phí hơi đắt, nhưng được cái là bằng được dãn nhãn đại học Hoa Kỳ, sang quá còn gì?
Chủ tịch tỉnh Yên Bái ông Hoàng Thương Lượng cũng học Thạc sĩ từ trường đại học của Úc. Xem bản tin của Trường Đại học QG Hà Nội, thấy ảnh ông Hoàng Thương Lượng đội mũ cánh chuồn nhận bằng Thạc sĩ Quản lý giáo dục khóa 4 vào ngày 8/11/2006 tại khách sạn Horison. Ông Lượng học theo chương trình đào tạo phối hợp giữa Khoa Sư phạm - Đại học QG Hà Nội và Đại học New England - Úc. Theo bản tin này thì lớp của ông Lượng có 35 học viên đã được nhận bằng Thạc sĩ Quản lý giáo dục thuộc chương trình đào tạo phối hợp giữa Đại học QG Hà Nội với các trường đại học tiên tiến nhất trên thế giới. Tổng số học viên của 4 khoá đào tạo từ năm 2002 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 176 học viên.
Phương pháp đào tạo cũng na ná như Trường Đại học Irvine. Điều người ta ngạc nhiên: trong số các Thạc sĩ tốt nghiệp được nhận bằng ngày 8/11/2006 tại khách sạn Horison có cả ông Bí thư huyện Y. Ông này là Kỹ sư chăn nuôi-thú y, vậy mà ông học Thạc sĩ cái ngành mà ông chẳng có tý chuyên môn nào. Hay là Thạc sĩ Quản lý giáo dục do Úc đào tạo không cần phải có chuyên môn cái ngành mà mình quản lý? Trao đổi với một số người cùng học với ông Bí thư huyện kia, được biết Trường New England – Úc người xin vào học chỉ cần có bằng đại học, bất kể là đại học gì. Vì trường này đào tạo người quản lý môi trường giáo dục… Lý luận như vậy thì không còn gì để mà tranh luận, mấy ông hoạn lợn nếu kiếm được cái đại học bằng "dỏm" nào đó của Việt Nam cũng có thể đặt chân vào trường này. Vậy Trường đại học New England – Úc có đáng tin cậy hay không?
Việc các quan chức bỏ cả trăm triệu đồng đua nhau đi học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở các trường danh tiếng trên thế giới liên kết với Trường Đại học QG Hà Nội để không bị lạc hậu với xã hội và thế giới là điều rất đáng hoan nghênh. Thế nhưng, các trường liên kết đó tính pháp nhân và chất lượng ra sao? Các trường đó có được công nhận ở chính quốc gia họ hay họ đang lợi dụng sự thiếu thông tin của các đối tác Việt Nam để lừa đảo? Nếu đúng như vậy, thì các quan chức đã lấy bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ từ các trường như vậy sẽ tính sao đây? Các địa phương và Bộ Giáo dục Đào tạo xử lý các quan chức đang sử dụng những tấm bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ mà trong đó có nhiều cái là bằng "dỏm", nhưng lại là lá bùa cho chiếc ghế của họ?
PN
Ảnh: A1- Ông Hoàng Thương Lượng (ngoài cùng bên phải) và các bạn đồng khóa tốt nghiệp Thạc sĩ Quản lý giáo dục ngày 8/11/2006
A2- Các Thạc sĩ trước giờ cấp bằng
Tham khảo:
http://news.vnu.edu.vn/ttsk/Vietnamese/C1736/C1751/2006/11/N13157/?35
http://news.vnu.edu.vn/ttsk/Vietnamese/C1736/C1751/2006/11/N13157/?3 http://vnr500.vietnamnet.vn/content.aspx?id=889
http://boxitvn.blogspot.com/2010/07/hqg-ha-noi-lien-ket-voi-truong-ngoai.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét