Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

30 tháng 8 2010

Obama và châu Á, với những trần tình

Joshua Kurlanzick/ Council on Foreign Relations

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

clip_image001[4]Những vấn đề "cốt lõi" của Hoa Kỳ được đặt ra với chính quyền của TT Obama, sau khi những lời tuyên bố hồ hởi của bà Ngoại trưởng H. Clinton   về sự  "quay lại" ASEAN của Hoa Kỳ tại Hà Nội vào tháng 7 đã trở thành bớt "hot"!

Có lẽ những quan điểm như thế này không làm vừa lòng nhiều trang Web và vô số Blogger đang phấn khởi thăng hoa và hy vọng nhiều vào siêu cường có tượng Nữ Thần Tự Do canh cửa?

Nhưng chính trị siêu cường là sự cân bằng giữa quyền lực bá chủ và quyền lợi kiểm soát kinh tế tại các khu vực địa-chính trị trên thế giới, như được trình bày trong bài viết mà chúng tôi đề nghị BVN đăng dưới đây!

Phải chăng ở Đông Nam Á, về mặt thị trường và tiềm năng kinh tế lớn, Hoa Kỳ trông cậy ở các con rồng con như Singapore, Malaysia rồi đến Indonesia, Thái Lan… còn CHXHCN Việt Nam sẽ chỉ là con chủ bài về mặt quân sự?

Nếu thế thì màn xiếc "đi trên dây" của ĐCSVN sẽ chấm dứt  khi hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc phân chia xong quyền lợi của họ về Biển Đông chăng?

GSTS Nguyễn Thu


Vài tháng trước, sau khi viết một bài báo than phiền về việc thiếu vắng một chính sách rõ ràng về châu Á của chính quyền Obama, tôi đã nhận được nhiều phản hồi giận dữ, chỉ ra rằng những phương hướng của chính quyền về chính sách châu Á đang bắt đầu lộ diện và sẽ sớm có kết quả. Vì thế, hãy để tôi công nhận thành tích của chính quyền và cũng đưa ra vài nỗi lo. Trong hai tháng qua, chính quyền đã quan tâm nhiều hơn và sâu sắc hơn đến vùng Đông Nam Á và cũng đã đưa ra những đường hướng rõ ràng hơn về vị trí của mình trong các vấn đề đối với tương lai đầy trọng yếu của khu vực này. Câu hỏi giờ đây là, liệu họ có thể bảo đảm vị thế của mình không?

Hãy nhìn lại – sau khi nhậm chức với một chính sách khá là mơ hồ đã không làm vừa lòng cả Trung Quốc lẫn những nhà nhận định hàng đầu của Mỹ, chính quyền đã có một hướng đi cứng rắn và mạnh mẽ hơn – và có bằng chứng trong quá khứ rằng mặc dù Bắc Kinh có thể phản đối một chính sách cứng rắn hơn của Hoa Kỳ, trên tất cả, họ cũng cảm kích được sự nhất quán của Washington. Chính quyền cũng đã bắt đầu thực hiện đúng những lời hứa của mình để "quay lại" khu vực Đông Nam Á bằng cách lên tiếng trong vấn đề biển Đông, bằng quyết định đóng vai trò trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, và – có thể – bằng cách thay đổi quan hệ nhiều nhất với Việt Nam chứ không phải Indonesia trong chính sách ngoại giao của mình, không chỉ qua hợp tác hạt nhân và tập trận chung mà với một mối quan hệ an ninh về lâu dài tương tự như Hoa Kỳ hiện đang có với Singapore. Và, một chính sách rõ ràng hơn đối với Miến Điện bằng cách xen lẫn việc tiếp tục đối thoại cùng với sự sẵn sàng ủng hộ sự truy xét của Liên Hiệp Quốc trong vấn đề tội phạm chiến tranh của Miến Điện – điều này cho thấy khả năng về việc tái xét vấn đề cấm vận cũng như không muốn bị nhóm tướng lĩnh Miến lừa phỉnh.

Câu hỏi là, làm gì bây giờ? Đã quyết định tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, liệu chính quyền sẽ thật sự cam kết tài nguyên lẫn thời gian của các quan chức cao cấp cho một hội nghị mà hiệu quả của nó còn thua cả APEC? Liệu Washington sẽ ủng hộ mong mỏi của các quốc gia ASEAN rằng ASEAN phải là người cầm lái trong quá trình hội nhập với châu Á? Ngay khi thực tế hiển nhiên cho thấy rằng họ không có năng khiếu, tài nguyên lẫn khả năng, trong khi đó vùng Đông Bắc Á đang thật sự là quỹ tích của khu vực? Tương tự như thế, khi tăng cường cam kết vào mối quan hệ với Việt Nam, chính sách của Hoa Kỳ giờ đây có thể đi xa hơn nữa, một khi thế hệ của cuộc chiến Việt Nam không còn nữa. Xây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam là một chuyện, nhưng tạo ra một quan hệ an ninh ở tầm mức song phương tương tự như Singapore hoặc ngay cả là một đồng minh có thoả ước là một chuyện khác – cả hai điều mà Trung Quốc sẽ không dễ dàng chấp nhận.

Và rồi còn cả vấn đề biển Đông. Rõ ràng chính quyền Obama đã vẽ ra một đường vạch cần thiết và đã thầm lặng đưa ra những bước đi đang được các quốc gia ASEAN hoan nghênh. Nhưng liệu Washington có thể hậu thuẫn vị thế của mình? Bước tới trong tương lai sẽ là gì nếu Trung Quốc tiếp tục đối xử vấn đề biển Đông với một thái độ gần như là quá khích trong việc xem đây là "quyền lợi cốt lõi" tương tự như Đài Loan và Tân Cương? Liệu quan hệ quân sự hai bên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ bao gồm những thảo luận nghiêm túc về biển Đông? Và nếu bị hối thúc, liệu các nước ASEAN sẽ công khai đứng sau vị thế cứng rắn của Hoa Kỳ trong biển Đông hay không?

Đây chỉ là những câu hỏi. Chính sách của chính quyền Obama dường như đã có những chuyển biến tốt đẹp hơn, nhưng chuyển biến thật sự sẽ có những hệ quả lâu dài đáng được trông đợi ngay từ lúc này.

Nguồn: X-cafevn


Không có nhận xét nào: