Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

02 tháng 5 2010

Ký Ức Một Thanh Niên Hà Nội Về Ngày 30-4-1975.

Lời mở đầu của tác giả Phạm Thắng Vũ:

Bạn đang ở đâu? Làm gì trong cái ngày 30-4-1975? Có thể ngày đó là ngày chào đời của một em bé (mà giờ đây em bé đó đã con cái đầy nhà), hoặc là lúc chấm dứt sinh mệnh của một con người như trường hợp của Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia VNCH Nguyễn Văn Long. Tất nhiên người đó không thể ngồi kể cho chúng ta nghe về những giây phút... lịch sử khi đấy nhưng bạn bè, thân nhân bên cạnh vẫn có thể kể lại. Võ Văn Kiệt, một lãnh tụ Việt Cộng khi hồi ức lại cái ngày lịch sử này đã nói: " 30 tháng Tư năm 1975 có hàng triệu người vui thì cũng có hàng triệu người buồn ". Bùi Tín, một cựu sĩ quan CS Bắc Việt trong Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên (ICCS) đã chua chát: "... tự hổ thẹn từng cao ngạo vô duyên về chuyện vào dinh Độc lập sớm, xế trưa 30-4, vớ vẩn, lạc điệu cả, cá nhân lầm lạc, ngộ nhận hết ".

Bài dưới đây là tâm tình của anh H, một người bà con trong họ đã kể cho nghe, PTV chép lại.

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi đang ngồi trong căng tin của nhà máy Hoá Chất Việt Trì thì tai nghe những tiếng la hét ầm ĩ vui nhộn từ phòng thông tin của Công Đoàn nhà máy. " Thắng rồi... Ta thắng rồi... Dương Văn Minh đầu hàng rồi... ", tôi bỏ dở cốc nước chè và cùng vài người chạy vội ra xem chuyện gì. Một nhóm công nhân đang vây chung quanh anh Minh, thư ký Công Đoàn cho biết tin vừa nhận được qua đài Tiếng Nói Việt Nam là quân ta đã chiếm được Dinh Độc Lập, bắt Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng. Nghe vậy, những tiếng hét lớn vui mừng một lần nữa lại vang lên. Những ngày trước đây, kể từ sau trận đánh vào Buôn Mê Thuột, Đoàn Thanh Niên Lao Động Hồ Chí Minh của nhà máy đã làm một áp phích lớn vẽ bản đồ của 44 Tỉnh miền Nam Việt Nam Cộng Hòa và dựng nó gần cổng ra vào. Trên tấm áp phích đó, cứ mỗi khi được tin quân ta giải phóng thêm tỉnh nào thì lập tức tỉnh đó được vẽ một lá cờ Đỏ sao Vàng ngay. Tôi đã thấy càng lúc càng nhiều lá cờ Đỏ sao Vàng xuất hiện trên tấm áp phích chỉ trong một thời gian ngắn đến nỗi phải hoài nghi, dù không nói ra mặt. Bây giờ, điều nghi ngờ đó đã thật rồi, mừng quá đi. Thôi từ nay là hết chiến tranh và những thanh niên miền Bắc sẽ không còn phải xuôi Nam chiến đấu trong chiến trường B nữa. Và điều quan trọng tôi sẽ gặp lại người cha ruột đã xa cách gia đình tới 21 năm rồi. Hôm đó, như để cùng chào mừng với niềm vui lớn của đất nước, trừ những khâu cần phải vận hành máy chạy liên tục còn tất cả các khâu lao động trong các phân xưởng và các phòng ban khác được ban lãnh đạo nhà máy cho nghỉ việc sớm để mang tin vui về cho gia đình biết. Tôi phóng nhanh xe đạp về nhà báo tin cho mẹ tôi biết ngay tin vui này.

Về đến nhà, dắt xe vào trong, chưa kịp khoe tin thì mẹ tôi đã nói: " Sao nay con về sớm vậy? Bộ đội vào tới Sài Gòn rồi con biết chưa? ". Tôi trả lời mẹ là đã biết, được nhà máy cho về sớm định kể mẹ nghe đây. Mẹ tôi ngồi ở bàn sát cửa sổ như đang suy nghĩ điều gì. Tôi cởi áo đi ra giếng nước sau nhà múc nước tắm sau đó quay trở vào mà vẫn thấy mẹ tôi ngồi yên tại chỗ. Tôi bước lại bên bà, hỏi: " U sao vậy? " và đặt tay tôi lên trán bà, tiếp: " U cảm hay sao nói cho con biết với ". Nhưng bà nhìn tôi, miệng cười mỉm, trả lời:

- Không con. Mẹ khoẻ mà... có điều mẹ đang nghĩ về thầy con thôi. Không biết thầy con bây giờ trong đó đang như thể nào?

Nghe thế, tôi đi mở cái tủ gỗ gụ cũ, lục lọi rồi lấy ra tấm ảnh đen trắng chụp chân dung cha tôi đã cũ, ố vàng. Quên nói, mẹ tôi thường gọi cha tôi bằng Thầy và tôi gọi mẹ bằng U. Trong ảnh, một người đàn ông mặc bộ đồ trận rằn ri, ánh mắt nghiêm nghị, đứng cạnh lề đường một khu nào đó trong thành phố Sài Gòn của miền Nam. Tấm ảnh này là tấm duy nhất, gia đình nhận được từ cha tôi, khi hai miền Nam-Bắc còn liên lạc được bằng thư từ.

Cha tôi, một chiến binh trong lực lượng Dù thuộc quân đội Liên Hiệp Pháp. Những ngày cuối cuộc chiến năm 1954, đơn vị ông được máy bay thả xuống tiếp sức cho căn cứ Điện Biên Phủ đang bị vây hãm để không lâu sau đó, căn cứ nầy lọt vào tay bộ đội Việt Minh. May mắn thoát chết, bị bắt làm tù binh rồi ông được trả tự do và theo đơn vị quay về Hà Nội. Những ngày cuối của Hiệp Định Geneva, ông đã cho người về quê Sơn Tây đón mẹ con tôi lên để cùng ông vào miền Nam nhưng chuyện không thành, ông phải theo đơn vị vô Sai Gòn trước. Thực ra chuyến đi ra Hà Nội khi đó, đoàn người làng có hai mẹ con tôi đã bị cán bộ Việt Minh lừa đưa vào tạm trú trong khu rừng vắng. Khi đoàn người được phép ra khỏi rừng thì thời hạn di cư đã qua, gia đình bị chia cắt từ đó lúc tôi mới được gần một tuổi.

Hai mẹ con quay trở về Hà Nội sống trong gian nhà của ông ngoại tôi. Là dân thành thị, mẹ tôi biết cắt may quần áo rất khéo và nhờ cái tài này mà bà đã nuôi tôi ăn học. Tôi được nghe kể là các cán bộ đã tìm bà để đặt may quần áo cho họ rồi khi các Hợp Tác Xã May Mặc giải thể, bà đã tìm mua sở hữu thực thụ được một máy may cũ và nhờ vậy mà cuộc sống đỡ vất vả so với nhiều người khác. Tuổi ấu thơ của tôi gắn liền với thành phố Hà Nội từ những làn sương mờ buổi ban mai trên mặt Hồ Tây, mùi không khí đường phố quyện với lá cây sau các cơn mưa rào. Những buổi trưa mùa Hè, trốn mẹ đi chơi, tôi cùng chúng bạn kéo nhau lang thang vào vườn bách thú, quanh bờ hồ hoặc trèo lên những cây bên vệ đường để tìm bắt các chim non trong tổ. Có khi rình ném đá vào nhà hàng xóm buổi nghỉ trưa để rồi cả bọn ù té chạy khi chủ gia mở cửa ra nhìn. Khi tuổi lớn hơn, tôi mới nhận ra những khác biệt giữa mình và các bạn đồng trang lứa mỗi lần nghe chuyện chiến tranh về miền Nam. Có những buổi sinh hoạt chung mà người phụ trách không cho tôi tham dự. Lúc đó, tôi cũng không hiểu tại sao? Có khi về hỏi mẹ thì bà chỉ nói: " Thôi con, họ không cho thì về nhà với mẹ ". Rồi những năm chiến tranh lan ra miền Bắc. Máy bay Mỹ ném bom nhiều nơi và ngay ở cả Hà Nội nữa. Những đợt bom chùm tuốt từ trên mây rải xuống đã phá huỷ nhiều khu phố lớn. Cảnh người chết mất xác trong các đống gạch vụn cùng lửa khói cháy nghi ngút khiến ai cũng sợ. Đành phải kéo nhau đi sơ tán về các miền quê cho an toàn. Hai mẹ con tôi về quê nội trong một làng ở tỉnh Sơn Tây cũ. Đây là vùng bán sơn địa có ruộng có vườn cùng các núi đồi rất đẹp. Trong làng có nhiều đứa thiếu niên trạc tuổi tôi và tôi rất muốn làm bạn cùng chơi với chúng nhưng họ không thích tôi ra mặt. Trẻ em đã vậy mà người lớn cũng nói xấu, dèm sau lưng mẹ tôi mỗi khi họ gặp mặt nhau trên đường hoặc trong phiên chợ. Tôi đành kết bạn với mẹ thôi, không ai khác.

Đến tuổi trưởng thành, thấy nhiều thanh niên xung phong vào bộ đội, tôi cũng giơ tay xung phong nhưng bị cán bộ trong Ban Tuyển Quân từ chối. Tuổi thanh niên, hình ảnh người lính với cây súng cuốn hút tôi lắm nhưng họ không nhận thì đành chịu. Về kể lại cho mẹ tôi biết, bà chép miệng nói làm sao họ cho con vào bộ đội được rồi trách khẽ: " Có mỗi một mình mẹ mà con định bỏ đi sao! ". Tôi rất chật vật khi xin một việc làm. Đơn gửi tận tay nhiều nơi mà không hề có chút hồi báo làm tôi buồn. Không lẽ thân đã lớn lại cứ để mẹ phải nuôi mình mãi nhưng đi xin việc không ra. Tôi có lúc nhủ thầm chắc số mình đến phải làm ruộng nhưng ruộng, nhà cũng không có. May mắn làm sao, mẹ tôi tình cờ gặp lại một người bạn học cũ với bà năm xưa khi còn trẻ. Người này nay là một cán bộ cao cấp và nhờ sự giúp đỡ của ông ta, tôi đã vào làm việc trong nhà máy Hoá Chất Việt Trì. Rồi cũng nhờ ông ta giúp mà tôi mới được công đoàn nhà máy phân cho một phòng nhỏ trong khu tập thể. Tôi đưa mẹ lên đó cùng sống chung.





Bộ đội mua hàng chợ trời vỉa hè ở miền Nam.

Hai tháng sau cái ngày chiến thắng, mẹ tôi về lại Hà Nội để dò hỏi tung tích cha tôi. Trong họ hàng bên nội, có người vào miền Nam công tác và qua đó đã tìm được các thân nhân theo các địa chỉ cũ năm xưa. Khi quay trở lại miền Bắc, người bà con này gặp bà và cho biết các tin tức về cha tôi. Theo đó, ông là một sĩ quan quân đội cao cấp của chính quyền miền Nam và đã phải bị học tập cải tạo. Thêm một tin nữa, ông đã lập gia đình khác và có được hai người con gái. Quay về nhà, mẹ tôi cho biết tin và khi kể chuyện, không hiểu vì nghĩ đến việc học tập cải tạo rồi liên tưởng những cảnh tù tội của cha tôi năm xưa lúc bị bắt làm tù binh hay vì cám cảnh thân phận mà mẹ tôi khóc rất nhiều.

Tôi dỗ mẹ đừng khóc nhưng rồi tôi cũng khóc theo mẹ.

Mẹ tôi rất muốn đi vào miền Nam ngay để biết thêm các tin tức về cha tôi nhưng khi đó giao thông hai miền còn khó khăn lắm, vẫn còn hạn chế chỉ ưu tiên cho những cán bộ đi công tác. Đường xuyên Việt nhiều nơi phải sửa chữa và đường sắt nhiều vùng đã mất hẳn từ lâu. Chiến tranh bao năm trời đâu phải một sớm một chiều thông đường ngay được. Cơn háo hức vào miền Nam để tìm gặp cha tôi cùng gia đình riêng của ông cũng dần nguôi ngoai trong lòng mẹ tôi. Tôi vẫn tiếp tục đi làm, cũng không hề nghĩ là có ngày mình đặt chân vào miền Nam và thành phố Sài Gòn. Đó là nhà máy Hoá Chất Việt Trì tổ chức một cuộc họp lớn có sự tham dự của cán bộ Tổng Cục Hóa Chất từ trung ương về chủ trì. Theo đó, nhà nước cần khá đông cán bộ và công nhân viên trong ngành xung phong vào tiếp quản các nhà máy hóa chất ở miền Nam. Tin về một xã hội miền Nam đói nghèo, lạc hậu do chính miệng những bộ đội miền Bắc từ chiến trường miền Nam trở về phục viên kể lại trong các tháng trước đã làm con số người xung phong chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng sợ khổ, sợ phải xa gia đình để đến công tác trong vùng đất đói nghèo đến nỗi cả bát ăn cơm cũng còn thiếu. Không ai chịu tình nguyện xung phong nên lãnh đạo nhà máy phải họp và xét hoàn cảnh riêng từng người một để chỉ định bắt buộc. Tên tôi đã được họ chọn, đành phải chuẩn bị hành lý để theo đoàn vào Nam dù tôi không muốn.

Đường sắt vẫn chưa sửa xong, chúng tôi 18 người ngồi nằm chung với hành lý trong chiếc xe tải Molotova cũ kỹ của đoàn xe vào miền Nam. Trên xe tuy mệt nhưng có cái thú ngồi ngắm cảnh hai bên dọc đường. Chúng tôi qua nhiều vùng, địa danh trước giờ chỉ nghe tên trên báo trên đài. Hố bom, cầu sập, đường bị bóc từng tảng nhựa, các khu dân cư, chợ... xuất hiện đây đó dọc theo các đoạn đường xe qua. Ở các vùng xa thủ đô, người dân lam lũ, nghèo khổ, thiếu thốn lộ rõ trên ánh mắt, quần áo và khung cảnh sống. Miền Bắc quê hương xã hội chủ nghĩa còn như vậy thì miền Nam bị kềm kẹp chắc chắn phải nghèo, thiếu thốn ghê gớm. Tất cả cũng do chiến tranh, do đế quốc Mỹ reo rắc mà ra... , người đi chung trên xe kết luận.


Một khu phố ở thủ đô Hà Nội trong dịp bán hàng tiêu chuẩn Tết.


Xe vừa vào địa giới miền Nam, chúng tôi đã bấm tay nhau nhìn khung cảnh mới. Một khung cảnh khác lạ với miền Bắc. Nhà cửa, người dân cùng các công trình đô thị như cầu, đường... gần các trục lộ giao thông trông đẹp và văn minh hơn hẳn. Đi rồi nghỉ ngơi rồi đi tiếp cho đến khi đoàn xe đến được khu công nghiệp Biên Hoà. Có quá nhiều nhà máy tại đây. Đoàn 18 người chúng tôi nhìn ngang nhìn dọc từng dãy nhà máy trong khu vực này và tuy không ai nói với ai nhưng đều trầm trồ trước nền công nghiệp miền Nam. Rồi chúng tôi được phân công vào công tác trong một nhà máy có cái tên VICACO. Một nhà máy sản xuất chất Sút (NaOH) từ muối biển và cả Acid Chlohidric (HCL) nữa. Một nhà máy bề ngoài trông rất nhỏ mà không ngờ bên trong lại lắp đặt các máy móc tối tân, sản xuất được các hóa chất với sản lượng, hàm lượng độ tinh khiết rất cao gấp nhiều lần so với cùng công nghệ tại miền Bắc. Chúng tôi ngạc nhiên và ngầm thán phục trong bụng. Nhìn những công nhân miền Nam đang lao động tại đây rồi sau đó làm việc chung với họ, tôi mới thấy người dân miền Nam khác xa người dân miền Bắc. Kiến thức chuyên môn và xã hội của họ hơn hẳn chúng tôi. Kỹ sư hơn hẳn kỹ sư, chuyên viên hơn hẳn chuyên viên của miền Bắc gửi vào và ngay cả lực lượng công nhân cũng vậy. Một sự rụt rè, cẩn thận từ lời ăn tiếng nói tự nhiên nẩy sinh trong đoàn tiếp quản chúng tôi. Ai cũng sợ người trong nhà máy VICACO này biết trình độ thực sự của cả đám. Sợ họ cười, nỗi lo chính trong lòng vì dầu gì mình cũng thuộc phía người chiến thắng. Về nằm nghỉ trong dãy phòng mà được biết trước đây là chỗ dành cho công nhân ngủ qua đêm nếu phải ở lại tăng ca, tôi suy nghĩ xã hội miền Nam không hề lạc hậu về công nghệ về con người... như lời nói trước giờ vẫn được nghe. Ngay cả trong buổi họp khi chọn người vào tiếp quản, cán bộ ngành Hóa từ trung ương cũng đã khẳng định như vậy khi động viên cán bộ công nhân viên tình nguyện. Những căn phòng nghỉ nào cũng đầy đủ tiện nghi từ các trang bị như bàn ghế, giường ngủ, quạt trần nhà, phòng vệ sinh, đèn chiếu... Ở đây, trong chỗ khép kín của khu công nghệ còn được như vậy thì trong thành phố Sài gòn chắc chắn phải rất đẹp. Tôi cũng chưa nghĩ mình sẽ ra sao khi tìm gặp được hai cô em gái tôi, thật khó tưởng tượng.

Rồi một ngày tôi theo đoàn vào làm các thủ tục công tác trong một toà nhà mà Tổng Cục Hoá Chất vừa tiếp quản nay trở thành trụ sở của Công Ty Hóa Chất Cơ Bản miền Nam mới thành lập nằm gần chợ Bến Thành. Lần đầu tiên trong đời tôi biết đến thang máy khi lên một phòng tuốt trên tầng thượng. Khi làm xong các giấy tờ và thủ tục tạm trú, chúng tôi được phép thoải mái đi thăm phố xá sau lời căn dặn của một thủ trưởng: " Các đồng chí phải bình tĩnh trước mọi tình huống, luôn nhớ chúng ta là kẻ chiến thắng, phải đánh giá chính xác những gì trông thấy ở xã hội miền Nam ". Ngay từ lúc còn ngồi trên xe buýt, nhìn cảnh vật dọc theo đường và khu phố dẫn vào Sài Gòn tôi đã thấy vượt trội nhiều lần so với thủ đô Hà Nội. Một vẻ bề ngoài sáng sủa, văn minh lộ ra từ cách phục sức, sinh hoạt của người dân miền Nam. Giờ đây đi bộ trên các con đường trong khu trung tâm thành phố mới thấy bản thân tôi, một người dân miền Bắc quá sức lạc hậu, nghèo nàn... từ bộ cánh (quần áo) trên người cùng vẻ luống cuống như dân quê lần đầu ra tỉnh. Tôi rõ ràng xa lạ với các tiện nghi đang được người dân trong thành phố này sử dụng. Bên vệ đường và trong các cửa hiệu sang trọng đầy ắp hàng hoá thật đẹp và mới lạ lần đầu chúng tôi được thấy. Ai có tiền cứ việc vào mua thoải mái khác hẳn với cảnh chen chúc để chờ được tới lượt mua số hàng ít ỏi như cảnh thường thấy ở các khu phố ngoài miền Bắc. Phố xá thì thôi, những tòa nhà to đẹp thấp thoáng sau dòng xe gắn máy chạy hối hả trên đường. Khung cảnh y như ở nước ngoài, một người trong đoàn chúng tôi nói nhỏ cho nhau cùng nghe. Tôi bối rối ngắm nhìn các cô gái miền Nam nói chính xác là cô gái Sài Gòn đang dạo bước trên đường. Họ đẹp quá sức, như tiên... từ dáng điệu, mái tóc, y phục mặc trên người và nhất là khuôn mặt của họ lộ rõ vẻ sung túc đài các so với những nữ cán bộ trẻ trong đoàn chúng tôi. Tôi mỉm cười, nghĩ thầm hai cô em gái tôi trong này cũng vậy. Tôi âm thầm tách ra khỏi đoàn để tự mình đi theo ý muốn. Rảo qua nhiều con phố Sài Gòn rồi thấy mỏi chân, tôi lấy can đảm bước vào một hàng nước thật đẹp gần một giao lộ lớn, có tên là Cafe Minirex. Chọn một bàn sát khung cửa kính trong suốt có thể nhìn rõ người đi bên ngoài, tôi quan sát chung quanh. Bàn ghế, các bình hoa, quầy thu ngân, khách cùng vách tường trang trí cảnh một rừng cây thật đẹp... thật không khác một tiệm ở nước ngoài trong phim ảnh. Chợt một người hầu bàn bước đến, gật đầu chào tôi rồi niềm nở hỏi:

- Thưa ông, ông dùng chi?

Trời ơi! Người hầu bàn này quá lịch sự khi tiếp xúc với khách hàng thật khác hẳn với cung cách của mậu dịch viên trong các tiệm ăn ngoài miền Bắc. Tôi lại nghĩ, hay ông ta biết tôi là cán bộ chế độ mới qua quần áo mặc trên người nên xưng hô như vậy? Tôi gọi nước uống và ngầm để ý xem sao. Nhưng không, bất cứ có khách nào vào quán, người hầu bàn này cũng một cách tiếp đón như vậy. Rất tự nhiên, lịch sự mà không khúm núm hoặc hách dịch.




Một đường phố trong Sài Gòn.

Một thay đổi đã đến trong lòng tôi mà tôi biết điều này cũng sẽ đến với bất kỳ người nào từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa khi đặt chân vào miền Nam ở thời kỳ đó. Sài Gòn hay nói rộng ra cả miền Nam của chế độ Việt Nam Cộng Hòa không phải là một xã hội lạc hậu, nghèo nàn, đói khổ, đầy rẫy cảnh người bóc lột người như bao lâu nay người dân miền Bắc được (hay bị) báo chí, đài phát thanh Hà Nội... mô tả về con người và xã hội của chế độ Ngụy quyền-tay sai đế quốc Mỹ. Đây là mô hình của một xã hội văn minh và người Việt nào được sống trong xã hội này quả thật may mắn hơn sống ở xã hội xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc. Một xã hội như vậy lại vừa bị người bên phía chúng tôi cướp mất đi. Tiếc thay!


Phạm Thắng Vũ
May 01, 2010.
(Viết để nhớ lại ngày 30-4-1975.)

http://www.vietland.net/main/showthread.php?t=13146

Không có nhận xét nào: