Là người kiên trì đấu tranh với mọi luận điệu nham hiểm của Trung Quốc trong âm mưu lâu dài lấn chiếm biển đảo nước ta cũng như bành trướng quyền lực mềm của họ về nhiều phương diện tinh vi và xảo quyệt, lần này, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh lại vạch trần hai thủ đoạn mà ông gọi bằng "la làng" và dỗ dành các nước ĐNA đàm phán song phương chứ nhất quyết không chịu ngồi vào bàn hội nghị đa phương để quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Cái đó theo ông, chứng tỏ Trung Quốc mạnh mà kỳ thực là yếu – mạnh về vũ khí, tàu bè và "mạnh mồm" nhưng rất yếu về chứng lý có sức thuyết phục.
BVN xin trân trọng giới thiệu những lời tâm huyết của vị lão thành cách mạng và cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với bạn đọc.
Bauxite Việt Nam
I. La làng
Ý đồ và tham vọng của những người nắm quyền Trung Quốc rất lớn. Ý đồ đó lộ rõ trong bài viết của Tống Hiếu Quân và Mã Đinh Thịnh trên Đài Phượng Hoàng của Trung Quốc ngày 09/12/2009:
"… Trung Quốc cần sớm có hàng không mẫu hạm. Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) có sân bay, máy bay vận tải, máy bay chiến đấu, tiếp dầu có thể hạ, cất cánh tại đây, có hệ thống ra-đa tiên tiến, là một căn cứ quân sự lớn, cộng thêm khi Trung Quốc có hàng không mẫu hạm thì toàn bộ khu vực Nam Hải (biển đông) sẽ nằm trong sự khống chế của hải quân và không quân Trung Quốc… Như vậy có thể thấy trong tương lai Trung Quốc có thể thu hồi (?) toàn bộ các đảo ở Nam Hải (biển Đông)".
Trong cuốn sách "Giấc mơ Trung Quốc", Lưu Minh Phúc cũng nói lên tham vọng đó: "…Trung Quốc cần phải xây dựng một đội quân mạnh nhất thế giới và giành lấy vị trí vô địch toàn cầu từ tay Mỹ…".
Hiện giờ Trung Quốc cũng đã có đội quân rất mạnh và hiện đại. Thế mà Đô đốc hải quân Trung Quốc Doãn Trác theo dõi bốn nước Đ.N.A, Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam mua sắm một số vũ khí, tầu thuyền đề tăng cường phòng thủ một cách rất bình thường, với tâm trạng lo lắng (!). Vị Đô đốc hải quân nói:
"… Các nước trong khu vực tìm cách thống lĩnh vùng biển phía Nam, đe dọa (!) Trung Quốc".
Thật nực cười! Đúng như hình ảnh một võ sỹ hạng nặng đang giơ nắm đấm dứ trước mặt 3,4 thiếu niên học sinh, miệng la lên: "Ối giời ơi! chúng nó đe dọa tôi" ! Rõ "là kẻ cướp la làng".
II. Mạnh mà yếu
Về vấn đề biển Đông, sớm muộn rồi cũng sẽ có đàm phán. Trung Quốc một mực phản đối quốc tế hóa, phản đối đàm phán với tập thể các nước Đ.N.A hữu quan mà chỉ đòi đàm phán song phương.
Vì sao Trung Quốc sợ quốc tế hoá về tranh chấp và đàm phán đa phương?
- Vì Trung Quốc không có một tý cứ liệu nào để đưa ra. Thậm chí tấm bản đồ mà tướng Trung Quốc Đặng Chung Trấn thủ Quỳnh Châu (Hải Nam ngày nay) vẽ cũng ghi Hoàng Sa là thuộc về An Nam (Việt Nam ngày nay).
- Vì thế giới đều biết là cái "lưỡi bò" to tướng bao chiếm cả đường hàng hải quốc tế, cả vùng biển, đảo của Việt Nam là do Trung Quốc tự vẽ ra một cách phi pháp.
- Vì thế giới đều biết là năm 1974 Trung Quốc đưa quân mạnh hơn, bất ngờ đánh giết quân đội của Việt Nam cộng hòa đóng giữ quần đảo Hoàng Sa mà chiếm lấy và gọi là Tây Sa. Giới cầm quyền Trung Quốc chỉ lu loa suông rằng Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) thuộc chủ quyền "không thể tranh cãi" (?) của Trung Quốc.
Sách báo Trung Quốc thường xuyên ra rả tuyên truyền bịa đặt đổi trắng thay đen để mê hoặc nhân dân nước họ và lừa dối thế giới.
- Vì Việt Nam có đầy đủ cứ liệu lịch sử đầy tính thuyết phục và phù hợp pháp luật quốc tế không thể phủ định. Điều không hiểu được là sao các vị nắm quyền nước ta lại không tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân ta, không tuyên truyền công khai ra thế giới những cứ liệu cụ thể để mọi người biết mà ủng hộ ta, tại sao không tranh cãi để bảo vệ quyền lợi chân chính của mình. Chả lẽ lòng yêu nước và ý thức chủ quyền của các vị cầm quyền của nước ta không mạnh, hoặc nhụt ý chí đấu tranh?
Vì sao, Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương mà không dám đàm phán với tập thể các quốc gia Đ.N.A liên quan?
- Vì sao tập thể cũng là một sức mạnh.
- Vì sao Trung Quốc không có đủ lý lẽ để cãi với tập thể các nước, họ có đủ chứng lý cụ thể để bác bỏ những luận điệu vô lý của Trung Quốc.
- Vì đàm phán song phương là cách Trung Quốc "bẻ từng chiếc đũa rút ra trong bó đũa". Họ đương tiến hành chia rẽ các nước ASEAN bằng viện trợ để tranh thủ Lào, viện trợ cho Campuchia và gây mâu thuẫn giữa Campuchia với Thái Lan. Đàm phán song phương, Trung Quốc có thể thi thố nhiều thủ đoạn: dỗ dành, thuyết phục, mua chuộc, ép, đe dọa… Điều đó chứng tỏ Trung Quốc Mạnh và yếu, mạnh về quân sự, yếu về đạo lý.
Các nước ASEAN phải vừa cảnh giác vừa đoàn kết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
NTV
Phụ lục: Thơ tự vịnh của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Tuổi thọ trời cho đã chín nhăm.
Cuộc đời nếm trải đủ thăng trầm.
Đầu còn minh mẫn, tai còn tỏ,
Mắt vẫn tinh tường, tính chửa hâm.
ấm lạnh tình đời, còn phán xét,
Thịnh suy thế nước, vẫn quan tâm.
Còn hơi, còn sức còn lên tiếng,
Là muốn quyền uy bớt lỗi lầm.
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tậphttp://boxitvn.blogspot.com/2010/04/ke-lam-thu-oan.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét