Trong ngày hôm qua BVN đã đăng lá thư của nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy giải thích tường tận một số hiện tượng có vẻ như bất thường xẩy ra tại các tỉnh biên giới trong thời gian gần đây. Cùng thời gian ấy ông André Menras, người vừa nhập quốc tịch Việt Nam cuối năm 2009 với tên Việt Hồ Cương Quyết cũng gửi một bài viết cho BBC, trong đó có nhiều kiến giải trùng hợp với ông Dương Danh Dy. Tuy nhiên, chỗ băn khoăn được ông Hồ Cương Quyết nói thẳng ra còn ông Dương Danh Dy chưa tiện nói rõ, là cái thái độ không lấy gì làm minh bạch của chính quyền cấp tỉnh trong nhiều việc nhạy cảm mà về mặt tâm lý nó gây ra nghi ngờ, rất bất lợi trong dư luận công chúng, nhất là công chúng Việt Nam vốn không hề thờ ơ trước những chuyện liên quan đến sự mất còn của vận mệnh đất nước.Hồ Cương Quyết
Tại sao các cấp chính quyền này lại phải lúng túng và lập lờ trong những việc rất cần công khai với dân, để yên lòng dân chúng? Tại sao từ nhiều chục năm nay không hề thấy tổ chức một lễ dâng hương nào trước nghĩa trang hàng vạn liệt sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến biên giới năm 1979 mà lại có lễ dâng hương linh đình cho binh lính Trung Quốc chết trận chôn ở Hữu Lũng? Một chính quyền giàu kinh nghiệm trong công tác chính trị xã hội nhiều thập kỷ qua không thể có một cách hành xử gây phản ứng nhiều chiều – và chắc chắn là bất lợi – như vậy.
Vì những lý do trên, chúng tôi xin đăng tiếp bài viết rất tâm huyết với nhân dân và Tổ quốc mới của mình của ông Hồ Cương Quyết.
Bauxite Việt Nam.
Đã nói đến ký ức lịch sử thì không thể lập lờ, mà phải minh bạch, công khai, xứng đáng với sự hy sinh của những con người mà ta muốn vinh danh.
Quân Trung Quốc tấn công Lạng Sơn năm 1979
Theo tôi được biết, trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, Trung Quốc từng cử công binh sang Việt Nam giúp xây dựng cầu đường… và đã bị máy bay Mỹ xả đạn bắn chết. Nếu có, hành động nhớ ơn của Việt Nam đối với họ là hoàn toàn cần thiết.
Nhưng trong việc này cũng như trong nhiều việc khác, nhất thiết phải công khai minh bạch. Bởi vì cũng tại tỉnh biên giới Lạng Sơn này, cách đó mấy chục ki lô mét thôi, cũng đã có những binh lính Trung Quốc khác đã chết trong cuộc chiến xâm lăng Việt Nam năm 1979. Đối với Việt Nam, đó là hai việc rất khác nhau, khác xa. Một bên (nếu có) là những binh sĩ đã hy sinh để giúp nhân dân Việt Nam đánh bại kẻ xâm lược. Một bên là những kẻ xâm lược đã bỏ mạng trong cuộc xâm lăng. Một bên là cứu giúp, một bên là giết hại.
Mỗi người có mẫu anh hùng của mình. Đối với ông đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường – người mới đây đã ngang nhiên tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia Việt Nam rằng trong quan hệ Việt-Trung "hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại" – thì người lính Trung Quốc nào bỏ mình ở nước ngoài chẳng là anh hùng liệt sĩ ? Đối với tôi thì không. Cũng như đối với những người Việt Nam đã bỏ mình dưới làn đạn Trung Quốc tháng giêng 1974 ở Hoàng Sa, đầu năm 1979 ở các tỉnh biên giới phía bắc, năm 1988 ở Trường Sa… là không. Cũng như đối với những ngư dân tội nghiệp đã bị bắn chết hay chết chìm vì đụng tàu ở Biển Đông trong những năm 2000.
Với tư cách một công dân Việt Nam, tôi xin phép nói với các nhà chức trách địa phương một câu: trong tình hình hiện nay, tình hình mà các vị không thể không biết, nếu các vị muốn tưởng niệm những người bạn Trung Quốc quý mến của quá khứ, thì các vị nên tỏ ra sáng suốt và minh bạch hơn.
Thứ nhất, với thế giới và cả với người Trung Quốc, các ông nên công khai và tuyền truyền sâu rộng sự kiện này hơn. Bởi đây là hình thức quảng bá và cho thế giới và chính những người Trung Quốc chưa có thông tin đầy đủ về biển đảo, biết rõ người dân Việt đã "chơi đẹp", đã phân định rõ giữa công và tội đối với kẻ xâm lăng như thế nào. Phải cho thế giới biết trong khi Trung Quốc đang muốn ép, đe dọa ngày đêm trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thì ở trong đất liền, dân tộc Việt Nam vẫn cởi mở cho họ vào nhà để họ thắp nén nhang cho những người con của họ đã mất trong lịch sử (nếu có).
Thứ hai, với trong nước, nhiều người dân đang tỏ sự chống đối và tức giận trước những hành động ngạo mạn và thách thức của Trung Quốc, ngay trong năm kỷ niệm Hữu nghị Việt –Trung, việc công khai tin này cũng khiến người dân hiểu rõ hơn chủ trương của chính quyền là bảo vệ tổ quốc bằng chính sách hữu nghị nhưng không kém phần cương quyết, đúng tinh thần của phát biểu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói trong lần thăm huyện đảo Bạch Long Vĩ: "Đối với biên giới, lãnh hải, chúng ta luôn muốn hòa bình hữu nghị giữa hai dân tộc, giữa các dân tộc có biên giới với chúng ta, đó là mong muốn của nhân dân…. Không để bất cứ ai xâm lấn bờ cõi của mình, biển đảo của mình."
Nên, với các vị ở địa phương ra công văn trên chớ nên làm một cách dấm dúi, không công khai đưa lên báo đài : kiểu tưởng niệm "kín đáo" ấy sẽ được tiếp nhận như những hành động khiêu khích, nếu không nói là phản quốc. Các vị cũng chớ nên quên chăm lo những nấm mồ hoang phế tràn ngập cỏ dại của những đồng bào nạn nhân của cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979 của Trung Quốc – những nấm mồ mà tôi gặp nhiều nơi trong một chuyến đi bằng xe máy dọc theo biên giới phía Bắc.
Cuối cùng nhân nói với ký ức và lòng yêu nước, tôi xin phép hỏi các vị một câu: tại sao các vị chưa bao giờ công khai, long trọng tưởng niệm trên toàn quốc hàng nghìn liệt sĩ và đồng bào đã bỏ mình trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược năm 1979? Có điều gì tự nhiên và phải lẽ hơn? Và chắc chắn sẽ được toàn dân, từ nam chí bắc, đồng tâm nhất trí ?
Và, xin nói thật, tôi cũng an tâm hơn.
A. HCQ
André Menras (tên tiếng Việt: Hồ Cương Quyết), một người Pháp, nhập quốc tịch Việt Nam ngày 1/12/2009. Bài viết này được tác giả viết thẳng bằng tiếng Việt và gửi cho BBCVietnamese.com.
NGuồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét