Cán bộ là từ nhân dân mà ra, hay nói thẳng ra cán bộ là do nhân dân đẻ ra. Ấy thế mà có cán bộ dám "nói thẳng luôn" nhân dân là gian. Bất luận vì cớ gì, xin bạn hãy căn cứ vào cách thức ông bà ta xưa nay đánh giá những lời lẽ như thế – kết hợp thêm cách đánh giá của giáo viên thời nay – để xem mọi người sẽ đánh giá những phát ngôn của mấy người lãnh đạo đó ra sao!
Bauxite Việt Nam
VietnamNet – Nhiều phóng sự đăng trên VietNamNet cho thấy việc lấn chiếm hồ chủ yếu là do người dân thực hiện. Tuy vậy, tại hồ Hào Nam (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội), chính quyền sở tại lại khoanh mảnh đất dân lấn chiếm lòng hồ để làm bãi giữ xe với mục đích kinh doanh…
Hồ Hào Nam bị thu hẹp 50% (?)
Theo nhiều người dân sống ở gần hồ Hào Nam, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát này chính là đất lấn chiếm lòng hồ. |
Là người chứng kiến cảnh hồ Hào Nam bị lấn chiếm không thương tiếc sau nhiều năm, anh N.T.Vinh, nhà gần hồ Hào Nam, không khỏi đau xót khi kể cho chúng tôi nghe về số phận của hồ này. Theo anh Vinh, khu vực cây đa trên đường Vũ Thạnh kéo dài đến bãi giữ xe hiện nay trước đây đều là diện tích mặt hồ Hào Nam hết, kể cả phần đất tại Bệnh viện Hà Thành hiện nay.
"Thời điểm năm 2001 thì hồ còn lớn lắm, nhưng cứ sau mỗi năm thì hồ lại biến dạng thu nhỏ rất nhanh. Nhìn thấy họ lấn hồ vậy cũng xót lắm nhưng biết làm thế nào được!(?)", anh Vinh thành thật.
Cũng như anh Vinh, ông N.V.Thành ở ngõ Cát Linh, nhà gần hồ Hào Nam, giờ đây cứ mỗi khi nghe mọi người nhắc tới hồ Hào Nam là ông không khỏi chạnh lòng. Ông Thành bảo: Trước đây hồ Hào Nam rất rộng, hồ nằm ngay phía sau tường nhà ông, nhưng nay nhiều hộ dân lấn chiếm xây nhà cao tầng san sát nhau khiếm lòng hồ bị thu hẹp.
Đất lòng hồ bị lấn chiếm nay đang được treo tấm biển: "UBND Phường trông xe 24/24... |
Nói rồi ông Thành chỉ tay vào dãy nhà mặt tiền ven hồ sau nhà ông nay đã biến thành một dãy nhà cao tầng đang bị phá dỡ do nằm trong quy hoạch mở rộng đường.
"Không hiểu vì sao mà các hộ lấn chiếm này xây dựng được nhà, nhưng tôi khẳng định những hộ đó không được cấp sổ đỏ, không có giấy phép xây dựng", ông Thành khẳng định.
Theo thông tin của các hộ dân xung quanh hồ Hào Nam cho biết, thì dù các hộ dân xây nhà ven hồ không có sổ đỏ, không được cấp phép xây dựng nhưng khi dự án đường Giảng Võ - Giang Văn Minh đi qua thì các hộ này vẫn được nhận tiền bồi thường của nhà nước.
"Không được đền bù 100% nhưng các hộ dân xây nhà lấn chiếm ven hồ vẫn được nhận tiền đền bù. Đất ở được hưởng 30% so với giá quy định (19 triệu), nhà khung bê tông thì được hưởng 50% (giá hiện tại hơn 4 triệu). Điều này chính các hộ dân đưa giấy cho tôi xem chi tiết…", một người dân sống gần hồ Hào Nam khẳng định.
Không chỉ anh Vinh, ông Thành bức xúc về việc diện tích hồ bị thu hẹp làm nhà mà theo phản ánh của nhiều người dân thì việc lấn chiếm lòng hồ trong những năm gần đây là rất đáng báo động. Một người dân muốn được giấu tên thẳng thắn cho biết: "Nói đúng ra là quản lý của chính quyền địa phương lỏng lẻo mới sinh ra việc hồ bị thu nhỏ lại. Bây giờ diện tích hồ chỉ còn chưa đầy 50% so với hiện trạng ban đầu".
Lấn hồ làm bãi giữ xe
Bãi trông giữ xe không ngừng được lấn rộng về phía lòng hồ. |
Ghi nhận của nhóm PV VietNamNet tại hiện trường cho thấy, diện tích lòng hồ Hào Nam sát đường Vũ Thạch đang bị lấn chiếm mở một bãi giữ xe với diện tích khoảng hơn 500m2. Hàng ngày, bãi trông xe này có từ 40 đến 60 chiếc xe ô tô con neo đậu và được vây xung quanh đường Vũ Thạch bằng hàng rào thép khá kiên cố. Trước bãi đỗ xe lại có treo tấm biển "UBND Phường nhận trông xe ô tô 24/24…".
Điều đáng nói, hiện tại, cùng với thời gian diện tích bãi giữ xe đang không ngừng được lấn rộng về phía lòng hồ. Không chỉ riêng dọc đường Vũ Thạch bị lấn chiếm mà dọc ven lòng hồ vào đình Hào Nam cũng đang bị nhà xe và các hộ dân thẳng tay lấn hồ không thương tiếc để mở rộng bãi đỗ xe và làm xưởng cơ khí hàn cửa sắt.
Bà Triệu Thị Phú, Chủ nhiệm hợp tác xã Hào Nam cho biết, diện tích hồ Hào Nam trước kia rộng đến cây đa đình Hào Nam, nhưng từ khi bà tiếp nhận làm chủ nhiệm HTX Hào Nam 3 – 4 năm nay thì chỉ còn 10.119m2. Thế nhưng diện tích đất này trong vài năm trở lại đây vẫn bị thu hẹp bởi nạn đổ trộm phế thải.
"Từ khi tiếp quản đến nay thì xã viên không quản lý được tình trạng đổ trộm đất thải ngày đêm nên chúng tôi phải nhờ phường giúp đỡ. Công an phường giúp đỡ nên xã viên đã đồng ý cho mở một bãi đậu xe", bà Phú cho biết.
Khi để cho bãi trông giữ xe dựng lên với mục đích "chống lấn chiếm" thì HTX Hào Nam được chủ điểm trông giữ xe trả cho 1 triệu đồng mỗi tháng. Bà Phú còn thành thật: Bà không biết ai đứng ra làm bãi trông giữ xe nhưng hàng tháng bà được một anh tên Tuấn ở công an phường Ô Chợ Dừa vào trả cho 1 triệu đồng để bà con xã viên có thêm đồng trang trải, thăm hỏi ốm đau.
Diện tích hồ Hào Nam giờ thành bãi giữ xe và kinh doanh vật liệu xây dựng. |
"Trong ngân sách của UBND phường không có khoản nào để chi cả. Cho nên phải thuê người để giữ cái phần đó lại. Vì vậy mới hình thành nên bãi đỗ xe tạm thời trong thời gian dự án chưa tiến hành khởi công…", ông Anh khẳng định.
"Dân nó là gian" hay chính quyền tắc trách?
Trong buổi làm việc ngày 16/3/2010 tại UBND phường Ô Chợ Dừa, khi nghe PV phản ánh lại ý kiến của người dân về việc diệc tích hồ Hào Nam đang ngày càng bị lấn chiếm, thu hẹp lại thì PV hết sức bất ngờ khi nhận được phản ứng của ông Trần Trí Anh.
"Các bạn nghe phải nghe rất nhiều tai. Các bạn không thể chỉ nghe dân nói được. Vì dân nó là gian. Tôi nói thẳng luôn… Khi người ta bức xúc người ta không nghĩ gì thì người ta phải phát biểu lung tung. Nhưng mà các bạn vào đây thì phải hỏi cụ thể", ông Anh cho biết.
Hồ Hào Nam vẫn đang bị các hộ dân lấn chiếm. |
Cũng trong ngày 16/3, sau nhiều lần PV nêu ra vấn đề: Biến đất lấn hồ Hào Nam thành bãi giữ xe, thì được ông Anh cho hay: Hiện nay HTX Hào Nam vẫn đang quản lý toàn bộ mảnh đất hồ Hào Nam, kể cả quản lý bãi đỗ xe.
Điều này trái ngược hoàn toàn với lần trả lời trước đó, khi ông Anh khẳng định: "Trong ngân sách của UBND phường không có khoản nào để chi cả. Cho nên phải thuê người để giữ cái phần đó lại. Vì vậy mới hình thành nên bãi đỗ xe tạm thời trong thời gian dự án chưa tiến hành khởi công…".
Đến khi PV đưa ra dẫn chứng và đặt câu hỏi cụ thể: Xã không quản lý bãi giữa xe nhưng tại sao trước bãi giữ xe có ghi tấm biển "UBND phường trông giữ xe ô tô 24/24" thì ông Anh lại tỏ vẻ bất ngờ không biết: "Ai ghi ở đấy là của UBND phường?! Nếu đúng thế thì tôi sẽ bảo dỡ xuống chứ đấy không phải là của UBND phường".
Tuy nhiên, cho đến ngày 24/3, khi PV có mặt tại bãi trông giữ xe từ đất lấn hồ Hào Nam thì vẫn còn thấy tấm biển "UBND phường nhận trông xe ô tô 24/24…" mà chưa bị dỡ xuống như lời ông Anh nói.
Với cách trả lời tắc trách của lãnh đạo chính quyền phường Ô Chợ Dừa như thế này thì cũng dễ hiểu vì sao trong nhiều năm qua hồ Hào Nam đang bị lấn chiếm không thương tiếc.
Để tìm hiểu được đầy đủ thông tin về khu hồ Hào Nam, nhóm PV VietNamNet đã mất nửa tháng chỉ để liên hệ và tìm gặp chính quyền phường Ô Chợ Dừa.
Sau hàng loạt cuộc điện thoại với ông Chủ tịch phường với những lý do như "bận họp", "chiều nay tôi phải đi đám ma"… thì ngày 16/3/2010, PV VietNamNet đã được gặp ông Trần Trí Anh – Phó Chủ tịch UBND phường. Tuy nhiên, với những câu hỏi PV đưa ra thì ông Trí Anh xin có thời gian để chuẩn bị tài liệu.
Cả tuần sau đó, với hàng chục cuộc điện thoại cho ông Trí Anh, chúng tôi nhận được lí do "ốm" rồi không liên lạc được tiếp.
Cuối cùng, Báo VietNamNet đã gửi công văn đến UBND phường Ô Chợ Dừa để mong có được thông tin cuối cùng từ phía phường. Ngày 23/3, chúng tôi có cuộc gặp với ông Đào Mạnh Thắng – cán bộ phụ trách mảng trật tự xây dựng, phường Ô Chợ Dừa – để tìm hiểu thông tin về hồ Hào Nam. Tuy nhiên, ông Thắng từ chối cung cấp các văn bản mà PV yêu cầu. Những nội dung Báo VietNamNet đã gửi công văn tìm hiểu thì ông Thắng lại lấy lí do "chưa chuẩn bị kịp, phải xin ý kiến lãnh đạo" rồi hẹn buổi làm việc khác.
Nhóm PV Điều tra
Nguồn: http://vietnamnet.vn/psks/phongsu/201003/Khong-the-chi-nghe-dan-noi-vi-dan-la-gian-900952/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét