Vì nghèo, hèn quá, mà xã hội lại ngày càng "vinh danh" những người lắm quyền, tiền - Ba Sàm. BVN muốn cụ thể hóa cho rõ hơn những nhận xét khái quát ở trên: người nông dân không những khổ - cái khổ truyền kiếp mà cuộc cách mạng những mong giải thoát được nó thì cuối cùng đã chứng tỏ chỉ là ảo tưởng – mà còn khổ vì không thay đổi được đầu óc cố hữu của mình, trái lại còn bị sử dụng như một mẫu hình chung, lây lan ra cả nước.Đứa con gái 6 tuổi của tôi đã giãy nảy như vậy khi nhắc tới hai chữ "nông dân". Tôi - cha nó - một kẻ lớn lên từ bùn đất - thật sự đau xót! Có một cái gì đó gợn lạnh sống lưng tôi khi thấy con gái mình giãy nảy với hai từ "nông dân". Tôi rất muốn nói gì đó với con gái mình, nhưng bất lực, nó còn quá bé để hiểu về nguồn cội của chính mình. Nhưng sự thật thì bây giờ, ngay ở đây, đất Hà Thành này, nó không thích hai từ "nông dân". Đó là cái gì vậy?
Ai cũng biết nói đến giải phóng nông dân, phải dứt khoát tiến hành 2 cuộc cải cách tiếp liền theo nhau: thân phận cực như trâu cày của nông dân phải sớm được thay đổi và tư tưởng manh mún của nông dân cũng phải thay đổi cùng một lúc. Khốn thay, sau bao nhiêu năm, những con người đã từng là chủ lực của cách mạng xem ra vẫn nguyên vị ở chỗ cũ, lại còn bị cướp đất, đuổi nhà, di dân... hành cho đủ kiểu, khiến họ đành phải tự cứu bằng cách chạy ra thành thị kiếm ăn bằng đủ nghề, hoặc liều mình cho con em đi bán chút sức lực cơ bắp và bán những thứ mà thân thể mình có ở xứ người.
Nhưng tệ hại hơn là về mặt đầu óc thì vẫn thế, cái manh mún vẫn ngự trị, không những ngự trị mà còn nhân rộng hầu như khắp mọi nơi. Cả một nước đâu đâu cũng quy hoạch, lên phương án tiến lên chính quy hiện đại mà đâu đâu cũng hiện ra hình thù những thôn làng kiểu mới, có nhà lầu nhà bê tông nặng chình chịch phô trương khắp mọi xó xỉnh nhưng đường sá xe cộ thì ngày một chen chúc, rồi đây có lẽ muốn nhích từng bước cũng không còn nhích nổi. Lại có những "trương tuần", "lính lệ" tha hồ "làm luật", những "cụ chánh" "ông bá" nứt mắt nhảy lên, ăn to nói lớn, suốt ngày đua đòi rượu chè cờ bạc gái gúng thả cửa, và ra sức ép dầu ép mỡ những thằng cùng đinh lẫm lũi kiếm dăm bảy đồng về nuôi vợ con đang đói lả ở nhà.
Như thế mà không chối từ làm nông dân sao được!
Bauxite Việt Nam
Câu chuyện bắt đầu từ ngày cái trường tiểu học của nó tổ chức buổi cắm trại. Tôi không biết trường con gái mình tổ chức vui chơi nhân ngày lễ gì, tôi chỉ nhận được "lệnh" của bà xã rằng, hôm nay phải đón con gái lúc 5 giờ chiều. Và tôi đến sớm hơn dự kiến 30 phút. Tôi đến sớm vì muốn xem con gái mình chơi như thế nào ở hội trại. Thế nhưng vừa nhìn thấy tôi, con bé đã ào ra và đòi về bằng được. Tôi ngạc nhiên vì hội trại đang rất vui, nhiều trò chơi đang diễn ra sôi nổi, sao con gái mình lại đòi về sớm vậy? Tôi gặng hỏi nhưng cháu không nói, nhất quyết đòi về. Nó mếu máo như muốn khóc nhè, lôi tay cha nó với một mệnh lệnh dứt khoát: đi về!
Đây là một hiện tượng lạ với cô bé. Cả đêm hôm qua nó mong trời sáng để đến trường cắm trại, để diễn văn nghệ, để vui chơi... nhưng sao bây giờ xoay ba trăm sáu mươi độ đòi về? Dù thắc mắc nhưng chiều con, tôi đưa cháu về. Và cả bữa cơm tối đó con gái tôi không nhắc một câu nào đến buổi cắm trại. Tôi bắt đầu khéo léo gợi chuyện để tìm nguyên nhân thì nó mếu máo: "...cô giáo bắt con đóng vai người nông dân cấy lúa... hu hu .. con muốn đóng vai công chúa cơ!". Và nó òa khóc - khóc nức nở - khóc như một sự oan uổng ghê gớm.
Nụ cười nông dân được mùa. Ảnh: baodatviet |
Cái thằng tôi đây - người sinh ra nó là một nông dân chính hiệu. Nó đâu biết được rằng, cái thằng cha nó là tôi đây mới chỉ rời bỏ ruộng đồng. Nó cũng đâu biết rằng, ông nó, cụ nó, kị nó... đều là nông dân - đều phải cấy lúa! Và giờ đây nó lại từ chối cái cội nguồn này! Tự nhiên tôi nổi giận và thấy mình cũng rất trẻ con.
Từ câu chuyện của con gái mình, tôi muốn đặt câu hỏi: tại sao chẳng ai thích nông dân? Ngay cả với một đứa bé lên 6 như con gái tôi cũng không thích vào vai nông dân dù nó chưa biết thế nào là người nông dân?
Có một sự thật rằng, hai từ "nông dân" bị coi nhẹ, bị xem thường đến nỗi bọn trẻ cũng sợ khi phải vào vai họ. Ai đã gieo rắc sự sợ hãi này với lũ trẻ? Đương nhiên chỉ có người lớn - chỉ có người lớn mới hình thành cái khái niệm nông dân để mà miệt thị và coi thường.
Cách giáo dục của chúng ta có một cái gì đó đầy bất ổn, khi mà một đứa trẻ lớp 1 đã dị ứng với hai từ "nông dân". Cha mẹ khi giục con cái học bài thường có câu cửa miệng: chúng mày không học hành tử tế sau này chỉ có làm nông dân... Và cũng không ít vị trí thức khi muốn chê bai điều gì đó liền mở miệng: "Cái thằng X làm ăn nông dân bỏ xừ". Nhưng chính các vị hoặc cha mẹ các vị là nông dân chính hiệu, hoặc mới chỉ thoát khỏi ruộng đồng một thời gian chưa dài. Vậy mà không hiểu sao hai từ ấy lại được chính các vị dùng vào cái ngữ cảnh đầy tính coi thường như vậy?
Người Việt bây giờ vẫn trên 80% là nông dân, số còn lại được tạm gọi là tầng lớp khác, trong đó có trí thức và tôi tin rằng, trong số trí thức đó hơn nửa từ nông dân mà thành. Có học đến tiến sĩ cũng vẫn là nông dân bởi anh ta lớn lên từ làng quê, từ đồng ruộng, từ mùa màng... Chỉ chừng ấy thời gian, không thể xoá hết mùi bùn đất bám vẩn vơ trên người. Vậy mà con cái anh ta đã được giáo dục, được nhồi nhét hình ảnh người nông dân dưới một góc nhìn lệch lạc.
Quay trở lại với cô con gái 6 tuổi của mình, tôi bắt đầu thử tìm hiểu: tại sao cháu không thích vào vai một nông dân? Cháu nói rằng, không thích vì đóng vai nông dân phải mặc quần áo nâu xấu mù, lại phải cày ruộng, nấu bánh chưng và... hầu công chúa... Và tệ hại hơn nữa là khi đóng vai nông dân liền bị người khác sai khiến, hết vở kịch chưa kịp thay quần áo liền bị các bạn trêu chọc: "...Ê đồ nông dân, đi cày ruộng đi...". Thì ra là vậy, cái lý do không thích của con trẻ thật đơn giản. Nó đơn giản nhưng nguy hại vô cùng. Và cũng hết sức đơn giản vì chúng học tập được chính cách tư duy của người lớn: nông dân là tầng lớp dưới, bị coi thường! Nói một cách khác, chúng ta coi thường chính chúng ta!
Ảnh: baodatviet |
Chúng không thích vì hình ảnh người nông dân được chúng ta dựng lên với sự sơ sài, nghèo nàn, buồn tẻ... trong khi đó những hình ảnh khác: công chúa, hoàng tử, nhà vua... được miêu tả lung linh đẹp đẽ đến nỗi bọn trẻ quên mất hình ảnh đẹp của người nông dân. Một đứa trẻ được giáo dục như vậy khi lớn lên chúng sẽ nghĩ thế nào về người nông dân? Sự thật thì người nông dân đâu có thế. Đâu chỉ áo nâu xấu mù, chỉ biết cày ruộng, nấu bánh chưng và hầu công chúa? Không chỉ trẻ con ngay cả người lớn chúng ta không ít người khi nói đến nông dân ngay lập tức nghĩ ngay đến sự coi thường.
Người Tày ở bản Pác Thay (Cao Bằng) của tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện về một anh chàng đi thoát ly vài năm, khi quay về liền quên mất tiếng mẹ đẻ (tiếng Tày), nếu ai đó hỏi anh ta bằng tiếng Tày nhất định không thưa. Một cụ trong bản tức quá liền mắng: "Po mầư khần Thày dời né!" (Bố mày người Tày đấy). Nghe xong câu ấy vì bực quá anh ta quên mất rằng mình đang đóng kịch quên tiếng Tày nên trả đũa bằng tiếng Kinh: "Bố ông cũng là người Tày...".
Thì ra là vậy, vẫn nghe được tiếng mẹ đẻ, nhưng vì sự sĩ diện ngốc xuẩn mà vờ quên. Cái sự vờ quên này để làm gì? Có lẽ anh ta chỉ muốn chứng tỏ mình là cán bộ ở tỉnh, là người quan trọng nhất cái bản Pác Thay, là người được học hành gì gì đó... Và chính cái ngốc xuẩn ấy xui khiến anh ta coi thường nguồn cội của mình. Vài năm sau, không hiểu vì lý do gì anh ta lại trở về bản, lại trở thành người nông dân và lại nhớ tiếng Tày... Hay thật!
Tôi không muốn so sánh nhưng vẫn tin rằng, những trí thức vừa thoát khỏi ruộng đồng lên thành phố cũng na ná như vậy khi khinh miệt người nông dân, nhồi nhét vào tâm hồn con trẻ hình ảnh rất lệch lạc về người nông dân. Vì sao vậy? Vì ngốc xuẩn mà thôi!
Con hãy ra cánh đồng, hãy áp bàn tay vào đất đai, hãy hít thở linh khí của mùa màng... con sẽ thấy sự đáng yêu của người nông dân và con sẽ không ghét hai từ "nông dân" nữa. Ảnh: baodatviet |
Nghe vậy lập tức họ biện hộ giỏi vô cùng: nào là muốn cống hiến, muốn đem cái mới, cái hiện đại về bên này... Tất cả những lý lẽ này đều ngụy tạo, đều ngốc xuẩn núp dưới mặt nạ thông minh. Nếu muốn cống hiến thật sự sẽ có cách, ở hoàn cảnh nào cũng sẽ có cách làm việc phù hợp, với điều kiện phải thật sự muốn mà thôi. Tôi không tin những người như vậy lại quên hoàn cảnh của dân tộc mình một cách nhanh chóng đến thế, họ sinh ra lớn lên ở mảnh đất này mà không hiểu, cố tình không hiểu thì chỉ có ngụy tạo, hoặc ngốc xuẩn không hơn không kém!
Lại có vị sống sờ sờ ở đất Việt, cho con đi học trường quốc tế và rất tự hào khoe rằng, cháu nó nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt, nó nói: "Gội đầu là giặt đầu mới hay chứ...". Một đứa trẻ Tây chẳng ra Tây, Việt chẳng ra Việt thì sung sướng cái gì!? Đơn giản cũng chỉ vì cái ngốc xuẩn của người lớn mà thôi.
Tôi - một gã mà phẩm chất nông dân vẫn còn đến hơn 50% trong người rất muốn giải thích cho con gái mình sự đáng yêu của hai từ "nông dân". Rất muốn nói với khúc ruột của mình rằng, nông dân là một tầng lớp lao động đáng trân trọng. Con hãy ra cánh đồng, hãy áp bàn tay vào đất đai, hãy hít thở linh khí của mùa màng... con sẽ thấy sự đáng yêu của người nông dân và con sẽ không ghét hai từ "nông dân" nữa.
Bởi đơn giản một điều rằng, nếu con muốn trở thành một cái gì thật sang trọng thì việc đầu tiên hãy hiểu tận cùng về nguồn cội của con, đó chính là nông dân! Nhưng, ngay bây giờ và tại đây tôi không thể, bởi nó còn quá bé và hàng ngày nó vẫn bị nhồi nhét vào đầu rằng, nông dân là một cái gì đó không đẹp, dù chỉ là vở kịch. Sự thật là như vậy.
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-04-09-trang-page
A Sáng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét