cho là lép vế với Trung Quốc, Mỹ ra đòn phản công nhằm
lấy lại vị thế bằng việc ký hợp đồng bán vũ khí
cho Đài Loan.
New York Times có bài phân tích dưới đây, về những hệ
quả của việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan, cũng như
tương lai quan hệ Mỹ và Trung Quốc.
Trong một năm qua, Bắc Kinh đã thi hành chính sách "nắn
gân" đối với chính quyền mới ở Washington. Trung Quốc
chỉ trích Mỹ vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu,
từ chối ủng hộ một hiệp ước cứng rắn hơn về
biến đổi khí hậu ở Copenhagen và kiên quyết bác bỏ
đề xuất của Mỹ về một lệnh cấm vận nghiêm khắc
hơn với Iran.
Và bây giờ, chính quyền Obama đã bắt đầu phản công.
Bằng cách công bố gói vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD bán cho
Đài Loan, Mỹ đã ra một đòn tấn công trực diện vào
vấn đề ngoại giao nhạy cảm nhất giữa hai nước.
Thương vụ này khiến Bắc Kinh nổi giận và phản ứng
rất mạnh mẽ. Trung Quốc tuyên bố cắt các trao đổi
quân sự và an ninh với Mỹ, trừng phạt các công ty Mỹ
có liên quan tới thương vụ Đài Loan.
Trung Quốc khẳng định Đài Loan là một phần không tách
rời của Trung Quốc, và vì thế việc Lầu Năm Góc cung
cấp vũ khí cho vùng lãnh thổ này đã can thiệp vào công
việc nội bộ của Trung Quốc, ảnh hưởng tới tiến
trình thống nhất hòa bình.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cảm thấy nóng
mặt, đặc biệt là vì thông báo gói vũ khí cho Đài Loan
diễn ra cùng ngày Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ
trích Trung Quốc không có quan điểm cứng rắn hơn đối
với chương trình hạt nhân của Iran.
Các quan chức của Washington đều thống nhất quan điểm
kêu gọi Trung Quốc không nên để việc xích mích này làm
tổn hại mối quan hệ toàn diện giữa hai nước. Tuy nhiên
một số quan chức chính quyền Mỹ kín đáo tiết lộ
rằng thời điểm của thương vụ và tuyên bố cứng rắn
về vấn đề Iran đã được tính toán kỹ càng. Mục
đích là để gửi tới Trung Quốc thông điệp rằng họ
không nên nghĩ Tổng thống Obama sẽ nhún nhường trước
Bắc Kinh vì những mối lo ngại an ninh của Mỹ và những
hiệp ước hiện có giữa hai nước.
Một quan chức giấu tên của chính quyền Obama bình luận:
"Không như chính phủ trước, chờ cho đến cuối nhiệm
kỳ mới công bố bán vũ khí cho Đài Loan. Chúng tôi làm
sớm".
Câu hỏi lớn đặt ra lúc này là chính quyền Obama đang
định hướng đi đâu trong chính sách với Trung Quốc.
Liệu sự cứng rắn mới mẻ này có báo hiệu cho một
hướng đi cơ bản mới và sẽ thu được kết quả mà
chính sách mềm dẻo của năm trước không làm được?
Ngoài cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, xử lý mối quan
hệ với Trung Quốc là một trong những thách thức đối
ngoại lớn nhất của Obama. Nắm trong tay lượng tiền mặt
khổng lồ, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển mạnh
mẽ. Trung Quốc là một trong những chủ nợ lớn nhất
của Mỹ. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại ngày
càng quan trọng của Mỹ và là một đối thủ cạnh tranh
về kinh tế và ảnh hưởng.
"Quan điểm của tổng thống là rõ ràng, chúng ta phải có
một mối quan hệ đủ chín chắn với Trung Quốc để có
thể thẳng thắn và kiên quyết khi có bất đồng, cũng
như hợp tác mạnh mẽ khi nhất trí", một quan chức cấp
cao Mỹ nói. Vị quan chức này nhất mực cho rằng thời
điểm công bố gói vũ khí và những lời nói cứng rắn
của Clinton "không phải để gửi đi một thông điệp vô
cớ đến Trung Quốc mà để thể hiện sự chắc chắn
trong quan điểm của chúng ta".
Trung Quốc thường đối mặt những khởi đầu không dễ
chịu với các chính quyền mới của Mỹ. Tổng thống Bill
Clinton từng đả kích Bắc Kinh vì vấn đề nhân quyền.
Ông thậm chí đã ký một sắc lệnh quy định việc nối
lại các ưu đãi thương mại cho Trung Quốc phải phụ
thuộc vào những tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền. Tuy
nhiên đến 1994, Clinton nói rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ
giải quyết nhanh hơn những vấn đề hai bên cùng quan tâm
nếu Bắc Kinh không bị cô lập.
Tương tự, những liên lạc đầu tiên của chính quyền
George Bush với Trung Quốc cũng khá nặng nề, bao gồm việc
Mỹ phải giải cứu các phi công sau vụ máy bay của họ
bị bắt ở bờ biển Trung Quốc.
"Chính quyền Obama đã đi hoàn toàn theo hướng ngược
lại", Steven Clemons, giám đốc chương trình chính sách
đối ngoại của Quỹ Nước Mỹ mới, nhận xét. "Họ cần
Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế, thay đổi khí hậu,
Iran, Triều Tiên. Do đó, họ đã mềm mỏng với Trung
Quốc, nhưng việc này không đem lại kết quả".
Trung Quốc đã có những hành động khá mạnh mẽ. Tại
hội nghị về biến đổi khí hậu ở Copenhagen hồi tháng
12, Bắc Kinh phản đối yêu cầu của Mỹ và châu Âu về
việc xây dựng một hệ thống giám sát khí thải quốc
tế.
Hơn thế, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cử một
cấp dưới đại diện đến cuộc gặp gỡ với Tổng
thống Obama, việc làm mà các nhà ngoại giao coi là một
hành động sỉ nhục. Obama sau đó đã phải lần theo ông
Ôn, bất ngờ gặp ông ở một cửa vào phòng hội nghị
nơi thủ tướng Trung Quốc đang tiếp chuyện các lãnh
đạo Nam Phi, Brazil và Ấn Độ.
Mỹ và Trung Quốc cuối cùng cũng vẫn đạt được dàn
xếp về hiệp ước giám sát khí thải nói trên, nhưng sự
việc này đã để lại cảm giác khó chịu cho rất nhiều
quan chức của chính quyền Obama.
"Người Trung Quốc giờ đây dường như tự tin rằng họ
đang ở thế chủ động so với hai năm trước trên một
loạt vấn đề", Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách về
châu Á James J. Shinn nói.
Đối với Tổng thống Obama, thương vụ vũ khí với Đài
Loan có thể chỉ là vụ va chạm đầu tiên với Trung Quốc
trong năm nay. Một số chuyên gia chính sách đối ngoại cho
rằng chính quyền Mỹ bây giờ có vẻ như sẽ chủ tâm
đánh vào những vấn đề lãnh thổ, vốn từ lâu là gót
chân Achilles của Trung Quốc. Ngoại trưởng Clinton hôm thứ
sáu đã gây chú ý khi nói Obama sẽ sớm gặp thủ lĩnh tinh
thần của Tây Tạng Dalai Lama. Hè năm ngoái, Nhà Trắng đã
hoãn cuộc gặp này để tránh làm mếch lòng Bắc Kinh
trước chuyến đi Trung Quốc của Tổng thống Obama.
Thêm vào đó, chính quyền Mỹ mới đây cũng đẩy cao tầm
quan trọng của tự do mạng, một nguồn gốc căng thẳng
khác với Bắc Kinh. Google đang than phiền về chính sách
kiểm duyệt và những vụ tấn công trên mạng được cho
là từ Trung Quốc trong khi Bắc Kinh khẳng định mọi công
ty hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc phải tuân thủ
nghiêm khắc luật pháp nước này.
Tuy nhiên, những hành động cứng rắn của Mỹ không thể
thay đổi thực tế là Obama cần sự hợp tác của Trung
Quốc trên nhiều vấn đề. Bên cạnh nỗ lực kiềm chế
tham vọng hạt nhân của Iran, Washington cũng đang phối hợp
với Bắc Kinh trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Trong Thông điệp liên bang tuần trước, Obama đã tuyên bố
dự định gấp đôi lượng xuất khẩu của Mỹ trong 5 năm
tới. Mục tiêu đầy tham vọng này sẽ không thể đạt
được nếu như ông không bằng cách nào đó thuyết phục
được Trung Quốc thay đổi chính sách tiền tệ, khiến
hàng hóa Trung Quốc đắt hơn ở Mỹ và hàng hóa Mỹ có
giá phải chăng hơn ở Trung Quốc.
Hải Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét