Nhân bài báo của nhà báo Hữu Thọ – cựu Tổng biên tập báo Nhân dân - về chuyện khẩu hiệu, tôi xin góp đôi lời về chuyện xung quanh việc khẩu hiệu bao giờ cũng "Mừng Đảng, mừng Xuân".
Trước hết, không có quy định nào, nhưng từ vô thức hoặc giả thói quen, chữ Đảng đã được danh từ riêng hóa như là từ để dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ rất lâu, tôi đã muốn dùng từ Dân viết hoa cho nó tương xứng và cho nó đúng, bởi không lý gì Đảng thì viết hoa mà Dân lại không? Hoặc là cả hai phải được viết hoa hoặc cả hai đều không viết hoa. Mặt khác, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết hoa từ Tổ quốc cũng là điều buộc chúng ta phải suy nghĩ.
Thứ hai, trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có khá nhiều điều bất ngờ. Ở đây tôi chỉ nhấn mạnh rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt Tổ quốc, Nhân dân trước tất cả những vấn đề khác. Trong Di chúc có hai lần ghi rõ điều này: "muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng" và "hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng…" (Bác viết hoa hai từ Tổ quốc trong nguyên bản). Cách gửi gắm tư tưởng đó của Hồ Chủ tịch sẽ được chúng ta hiểu rõ hơn nếu đọc ở câu cuối cùng khi Bác đặt Đảng đứng trước hai chữ "nhân dân" để nói về đoàn kết: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu…". Đoàn kết thì Đảng cần phải giữ gìn, phát huy mạnh mẽ hơn, đi trước và lo trước khi xây dựng khối đoàn kết toàn dân; nhưng tình cảm của Bác cũng như của Nhà nước thì phải chăm lo cho dân, cho Tổ quốc trước, cho cách mạng sau. Như vậy, lập luận cho rằng kiểu nói "Mừng Đảng, Mừng Xuân" là theo thói quen trong trường hợp này, thì là thói quen của ai (?). Bác Hồ có thói quen đó đâu!
Chúng ta đã từng biết không ít lần Bác Hồ dùng từ ngữ đến mức kỳ tuyệt. Dẫn chứng điển hình nhất là tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (10 – 19.5.1941), Bác đã đề nghị thay Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế Đông Dương bằng Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh. Đó là một trong những cách "đặt tên" hay nhất, xét về cả ngôn từ, ý nghĩa và nội dung, đối với trong nước cũng như quốc tế!
Thứ ba, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, chứ không nhắc đến cụm từ Nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhưng trong phần nói về thanh niên, Người lại nói là đào tạo thanh niên thành "những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội". Như thế, rõ ràng là Bác Hồ ngầm định rằng chủ nghĩa xã hội là vấn đề của tương lai, chứ không phải là mục tiêu ngay giai đoạn trước mắt (?). Trong Chánh cương vắn tắt cũng không có cụm từ trên, mà Nguyễn Ái Quốc chỉ viết rằng "Về phương diện chính trị" là "Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập", "Dựng ra chính phủ công nông binh" (HCM Toàn tập, T. 3; tr. 3). Rất có thể là trong bối cảnh dựng nước (1930) và trong cả sự ngặt nghèo khi giữ nước (1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đều muốn tránh nhắc đến cụm từ có thể coi là thiếu mềm giẻo trên phương diện ngoại giao cũng như ngầm định về thực tiễn của nước ta (?)! Suy giải trên có thể đúng nếu chúng ta thấy rằng Bác Hồ đã đặt tên Nước là "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" và tên Đảng là "Đảng Lao động Việt Nam". Sự tinh tế, cân nhắc các sự kiện, cách dùng từ cho phù hợp với thực tiễn hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, phản ánh thật rõ tầm nhìn mẫn tiệp, sâu sắc, phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xin được bày tỏ sự cảm ơn đối với việc nhà báo Hữu Thọ đã nói lên một điều thật nhạy cảm và thật hay. Cái lý đã có. Sự thay đổi là cần thiết. Sẽ chẳng có gì là không trôi chảy khi ta viết: "Mừng Đất nước, mừng Xuân, mừng Đảng". Vừa hợp lý lại đúng tình.
Huế, 8 Tết – 21.2.2010
http://boxitvn.blogspot.com/2010/02/nuoc-va-dan-truoc-ang-sau.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét