Ngay khi chủ trương thành lập dân quân tự vệ biển vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua, TS Luật cù Huy Hà Vũ đã có bài viết cảnh báo tính không khả thi của nó. Tất nhiên, ai chẳng biết đây là một ứng phó của chúng ta trước hành vi ngang ngược của ông bạn láng giềng đang ra điều làm mưa làm gió trên vùng biển Đông, bất chấp luật lệ quốc tế và bất chấp cả những lời nói giẻo quẹo của chính ông ta về quan hệ láng giềng hữu hảo xây dựng với người bạn "môi hở răng lạnh" từ bao nhiêu đời nay. Nhưng đưa ra một chủ trương mà không tính toán cho hết các mặt lợi hại cũng như không có đủ một tầm nhìn chiến lược về chủ trương đó thì nhiều khi lại phải trả giá rất đắt, bởi nếu như ta nghĩ được một ắt kẻ vốn luôn luôn có âm mưu nham hiểm và có lợi thế hơn ta về sức mạnh trên biển cũng như chiến dịch "biển người" của họ còn nghĩ được mười (chưa nói bản thân chủ trương ấy có ẩn chứa động cơ gì trong chính sách đối nội cũng không phải không đáng đặt câu hỏi cho hết lẽ). Vì thế BVN xin đăng bài viết này như một tiếng nói góp phần cân nhắc thêm các phương diện khác nhau của chủ trương thành lập dân quân tự vệ biển, để cơ quan chức trách xem xét thật kỹ những quyết sách cụ thể đối với chủ trương lớn này của Nhà nước ta.
Bauxite Việt Nam
Vừa thoát khỏi cảnh tàu neo bờ do lệnh cấm đánh bắt hai tháng rưỡi của Trung Quốc, ngư dân Việt lại bị binh lính nước này ngược đãi khi ra khơi mùa mưa bão. Bảo vệ ngư dân trở thành một đòi hỏi cấp bách. Với Dự luật Dân quân Tự vệ mà Quốc hội đang thảo luận, dân quân tự vệ biển thu hút được sự chú ý. Thế nhưng, một khi đã thành luật, cần hết sức thận trọng trong triển khai thực tế.
Các loại dân quân tự vệ nòng cốt khác là dân quân tự vệ cơ động, dân quân tự vệ tại chỗ và dân quân tự vệ binh chủng. Như vậy, ta thấy rằng trong thời bình, họ sẽ đóng vai trò an ninh đối nội hơn là đối ngoại. Nhưng với dân quân tự vệ biển thì ngược lại, khi mà biển Đông thường xuyên căng thẳng, họ phải gánh nhiệm vụ nặng nề về an ninh đối ngoại.
Nếu đặt dân quân tự vệ biển trong chiến lược tổng thể về an ninh và quốc phòng, thì chủ trương về một lực lượng bán vũ trang mới là suy tính hợp lý và hiệu quả trong dài hạn. Ở tình huống có xung đột vũ trang, cục bộ hay diện rộng trên biển, hải đảo và dọc bờ biển, dân quân tự vệ biển sẽ thật sự hữu dụng. Nhưng xét ở những nhiệm vụ tức thời, e rằng cần có cái nhìn thực tế hơn.
Với những thông tin liên quan được loan tải, dễ khiến ta hiểu rằng ngư dân sẽ đảm nhận việc bảo vệ chính mình, và qua đó bảo vệ chủ quyền biển quốc gia.
Về nguyên lý chính trị, việc người dân phải tự bảo vệ về an ninh đối ngoại, là không đúng. Từ cổ chí kim, trách nhiệm này luôn thuộc về nhà nước, mà quân đội và công an là nòng cốt.
Về thực tế, phòng vệ và tác chiến trên biển (và trên không) đòi hỏi tinh thần và "chuyên môn" đặc biệt, mà ngư dân không phải dễ dàng để hội đủ. Ra khơi đơn giản là kiếm sống, nên họ có thể sẽ sinh sống bằng nghề khác, ở địa bàn khác nếu thấy tư cách dân quân biển sẽ khiến sinh mạng bị đe dọa hơn.
Việc cấp giấy chứng nhận mang vũ khí để tránh cho họ bị quy kết là cướp biển, là bất khả thi. Một tấm giấy với quốc huy Việt Nam, được cấp bởi cấp xã, huyện, tỉnh hay thậm chí là Bộ Ngoại giao, đều không phải mặc nhiên có hiệu lực với các quốc gia và lãnh thổ có lực lượng quân sự tại biển Đông. Phối hợp để nhận được con dấu từ Bộ Ngoại giao của tất cả các đối tác này, cho tất cả tàu cá Việt, là điều ảo tưởng…
Và trên hết, khi đưa một quyết sách đối ngoại, cần tính đến đối sách có thể có của các bên liên quan.
Với yêu sách "đường lưỡi bò", Trung Quốc dễ nhận định rằng động thái của ta là một biện pháp tinh khôn, vừa tăng cường lực lượng biển trải dài trên cả nước, vừa có thể khiến họ bẽ mặt ngoại giao nếu dùng hải quân hùng mạnh để chống lại dân quân Việt.
Để bảo vệ lãnh hải và ngư dân, nếu ta danh chính ngôn thuận tăng cường hải quân, sẽ không ai suy tính gì khác, vì các quốc gia Đông Á đều đang tăng cường quân lực. Nhưng khi tăng cường "hải dân quân", ta đồng thời cũng đã mở ra cho họ một "kênh" mới. Trung Quốc và Việt Nam có chung thể chế. Họ có thể dễ dàng và nhanh chóng dùng ngay giải pháp của ta để đáp lại. Nếu điều này xảy ra, việc triển khai và thực thi của họ sẽ mạnh mẽ và hiệu quả hơn ta nhiều lần.
Ngày 10/11/2009, 17 tàu cá Trung Quốc bị biên phòng Thừa Thiên – Huế truy đuổi, phạt và phóng thích. Khi dư luận Việt Nam còn chưa hết hào hứng với dân quân tự vệ biển, việc ngư dân Trung Quốc lần đầu tiên vi phạm lãnh hải với quy mô lớn như thế, là tình huống không thể xem nhẹ. Hạ tuần tháng Sáu 2009, đã có ồn ào ngoại giao do Indonesia bắt giam cùng lúc đến 8 tàu cá cùng 75 người Trung Quốc xâm phạm lãnh hải. Còn vụ mới đây ở hải phận Việt Nam, chỉ riêng một chiếc bị bắt lại đã có 13 người trên đó.
Khi những đoàn lớn tàu cá xâm phạm lãnh hải nước khác, lý lẽ của Trung Quốc là ngư dân của họ đang hoạt động trong "ngư trường truyền thống". Đã rõ trong chiến lược, Bắc Kinh dùng ngư dân và nghề cá để áp đặt chủ quyền lên lãnh hải của láng giềng.
Thử hình dung, sau vài lần những đoàn tàu cá lớn Trung Quốc hoạt động ở "ngư trường truyền thống" trong hải phận Việt Nam, va chạm với dân quân biển của ta, thì có thể chăng, trên vùng lưỡi bò "của họ" sẽ không còn ngư dân thường nữa, mà là hàng đoàn lớn dân quân biển Trung Quốc "tác nghiệp"?
Nói dân quân tự vệ biển sẽ góp phần gia tăng tiềm lực bảo vệ chủ quyền biển thì đúng, chứ nói họ "bảo vệ chủ quyền biển" thì quá đà trên nhiều mặt. Tổ chức ngư dân thành dân quân tự vệ tại chỗ, không hoạt động hoặc hoạt động rất hạn chế trên biển (chẳng hạn, tự vệ của đơn vị vận tải biển), thì khả thi về mặt chiến lược, còn biến họ thành lực lượng bán vũ trang thường trực, thì đã không thích đáng ngay từ chiến thuật.
Nói thêm:
1. Nguyên bài này được viết vào ngày 15/11/2009, dự định đăng báo trong nước để cảnh báo, nhưng không thành.
2. Sau vụ xâm nhập nghiêm trọng vào lãnh hải Việt Nam, cách bờ biển Thuận An chỉ 24 hải lý kể trên, đầu tháng 01/2010, lại có tin "hầu như ngày nào cũng có tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển chủ quyền của Việt Nam…, có khi lên tới 3 - 4 tốp với hàng chục chiếc". Còn tin nóng hổi là ngày 29/12/2010 [nguyên văn viết nhầm, thật ra là ngày 29/1/2010 – Bauxite Việt Nam], sát bờ biển Quảng Trị, đã phát hiện 100 tàu cá Trung Quốc; ngày 04/02/2010, 30 tàu cá Trung Quốc đã vào sâu trong vùng biển Đà Nẵng.
Có lẽ những người làm chiến lược ở Hà Nội đã ở vào tình thế khó khăn mới, không chỉ về đối sách tương ứng, mà còn trên bình diện bao quát và lâu dài hơn. Cụ thể, một Luật biển Việt Nam được dự trù sẽ phải thể hiện thế nào và mức độ khả thi ra sao trước tình hình mà nay, có lẽ người dè dặt cũng không tránh khỏi nhận định rằng việc dùng tàu cá xâm nhập lãnh hải Việt Nam đã nằm trong sách lược và chiến lược của Bắc Kinh.
3. Xin được phép nhắc lại cảnh báo mà tôi đã muốn thể hiện trong bài viết: chớ để Trung Quốc có cơ hội dùng ngay thủ pháp "dùng dân đánh dân", bằng lực lượng "ngư dân tự phát" mà vô hiệu hóa lực lượng "tự giác" của ta, trong đó có dân quân tự vệ biển.
4. Những diễn biến này (và các diễn biến khác) thật sự đặt vấn đề về tư duy có trách nhiệm của những người có trách nhiệm. Sách lược, chiến lược của quốc gia hay đường hướng, cương lĩnh của đảng phái không thể được xây dựng trên sự đối phó nhất thời, chỉ cốt "đáp ứng" trước dư luận hay tình hình.
08/02/2010
LTH
Nguồn: talawas.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét