Bayvut (Radio Australia)
"Tôi tin rằng, Trung Quốc không thể mạnh mãi được. Các cường quốc như Liên Xô cũng đã sụp đổ, Mỹ cũng có lúc đi xuống. Trung Quốc hiện có rất nhiều vấn đề không đơn giản. Sau một thời gian phát triển quá nhanh, nước này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, môi trường ô nhiễm, phân hóa giàu nghèo sâu sắc. Nên nhớ rằng, những cuộc khởi nghĩa nông dân đã làm sụp đổ bao nhiêu triều đại trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Ngoài ra, những nguy cơ ly khai ở các khu vực Tây Tạng, Tân Cương… vẫn còn nguyên. Trung Quốc chứa đựng những rủi ro không nhỏ của một nước lớn nhiều tham vọng và phát triển không bền vững. [vì vậy] với Trường Sa thì phải giữ cho bằng được hiện trạng, còn Hoàng Sa và một phần Trường Sa đã bị xâm chiếm thì vẫn phải kiên quyết đòi. Bởi vì chính trị có lúc thịnh lúc suy. Đời nay không đòi được, thì đời con cháu chúng ta. Việt Nam phải kiên trì đòi bằng được phần lãnh thổ thiêng liêng này" – Dương Danh Dy.Người phỏng vấn: Bayvut (Radio Australia) 24/12/2009
Vùng biển "lưỡi bò" Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ. - Ảnh: tuoitre.com.vn
Những diễn biến chính
Tháng 3: va chạm giữa tàu Mỹ Impeccable và một số tàu Trung Quốc ngày 8.3, sau đó diễn ra khẩu chiến giữa hai nước.
Tháng 3: Tổng thống Philippines Gloria Arroyo ký Đạo luật Đường cơ sở ngày 10.3 khẳng định chủ quyền ở một phần quần đảo Trường Sa và bãi đá ngầm Scarborough.
Tháng 5: Trung Quốc đưa hai tàu ngư chính tuần tra quần đảo Hoàng Sa và một số vùng biển tại Biển Đông, đồng thời với lệnh cấm đánh bắt cá sớm hơn một tháng, bất chấp việc Việt Nam lên tiếng phản đối.
Tháng 5: Việt Nam và Malaysia đăng ký chung thềm lục địa mở rộng. Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ và lần đầu tiên công bố yêu sách đường lưỡi bò đòi 80% chủ quyền biển Đông.
Tháng 6 trở đi: Trung Quốc nhiều lần bắt giữ ngư dân Việt Nam trên vùng biển tranh chấp, kể cả khi ngư dân Việt Nam tránh bão ở quần đảo Hoàng Sa.
Tháng 8: Các cuộc tiếp xúc và họp bàn về tình hình Biển Đông giữa quan chức ngoại giao Việt – Trung.
Tháng 11: Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế Biển đông
Tháng 12: Việt Nam công bố Sách trắng Quốc phòng 2009, trong đó có đề cập đến tình hình Biển Đông. Việt Nam tăng cường các hoạt động ngoại giao và mua trang bị quốc phòng dồn dập trong hai tuần.
Bayvut: Ông nghĩ như thế nào về thời điểm của năm 2009, tại sao lại xảy ra nhiều diễn biến như vậy?
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Có mấy lí do cơ bản.
Thứ nhất, đầu năm 2009, Tổng thống Mỹ Obama bắt đầu nhiệm kỳ chính thức. Cũng tương tự như 8 năm trước khi ông Bush lên nắm quyền, phía Trung Quốc cũng muốn 'nắn gân' để thử phản ứng của Mỹ với vấn đề Biển Đông.
Thứ hai, kết thúc năm 2008, Trung Quốc hoàn tất Hiệp định trên bộ và phân chia Vịnh Bắc Bộ với Việt Nam. Ngoại trừ tranh chấp với Ấn Độ ở biên giới, Trung Quốc hiện cũng tạm giữ yên tình hình biển với Nhật Bản. Do vậy, chỉ có Biển Đông là khu vực mà Trung Quốc cho rằng họ có thể thâu tóm.
Thứ ba, Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 11, bằng việc gây căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc có thể tạo áp lực về nhân sự.
Ngoài ra, những động thái nhằm bảo vệ chủ quyền của các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines và sau đó là Việt Nam, cũng làm cho căng thẳng ở Biển Đông có chiều hướng gia tăng. Ngay cả Indonesia cũng bắt giữ ngư dân Trung Quốc.
Bayvut: Ông đánh giá như thế nào về những bước đi của Việt Nam trong năm 2009?
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Tôi cho rằng Việt Nam đã có một số bước đi mạnh mẽ như đăng ký thềm lục địa mở rộng, tổ chức được Hội thảo quốc tế tại Hà Nội tháng 11 vừa rồi. Đó là hướng đi quan trọng để quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, điều mà phía Trung Quốc không bao giờ muốn.
Trong tình hình hiện nay, làm được như vậy là bước khởi đầu tốt. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về tình hình biển đảo, tăng cường ý thức bảo vệ và xây dựng biển đảo trong nhân dân, nhất là với tầng lớp thanh thiếu niên. Cũng chỉ vài tháng nay thì thông tin cũng như bình luận về tình hình Biển Đông mới được bàn luận công khai trên báo chí chính thống.
Bayvut: Có vẻ như Việt Nam luôn ở thế bị động?
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Chắc chắn là bị động. Việt Nam chỉ có thể cố gắng chủ động trong thế bị động. Không thể khác. Điều quan trọng là sự tỉnh táo.
Bayvut: Vậy ông nghĩ sao về những hoạt động ngoại giao và quốc phòng của Việt Nam dồn dập trong những tuần cuối năm? Đó cũng là sự chủ động trong thế bị động?
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Đúng vậy. Trung Quốc đã và đang gia tăng sức mạnh quân sự, đang ráo riết tăng nhanh tốc độ đóng tàu sân bay. Việt Nam phải chuẩn bị đối phó.
Nhiều trang mạng của Trung Quốc thông tin rất cụ thể động thái của Việt Nam, nhất là khi Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh qua thăm Mỹ. Họ nắm rất rõ tình hình nước láng giềng, từ việc công bố sách trắng, thông qua luật dân quân tự vệ biển, vùng 2 Hải quân Việt Nam và bảy tỉnh miền Nam ký Hiệp nghị bảo vệ hải đảo và những phụ cận của quần đảo Trường Sa, cho đến việc động viên toàn dân tham gia quốc phòng. Trang Milchina.com gần đây còn thông tin việc Việt Nam mua của Nga 12 máy bay, tàu ngầm, xây dựng sân bay ở Trường Sa, bố trí thêm quân ở đây, đồng thời cử bốn binh đoàn chiến lược bố trí sát biên giới Việt – Trung.
Bayvut: Tại sao lại cử binh đoàn chốt ở biên giới? Thông tin này có tin cậy được không, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Tôi nghĩ rằng người Trung Quốc luôn chăm chú theo dõi tình hình. Tin họ đưa có thể đúng, nhưng cũng có thể nhằm mục đích để tuyên truyền. Tuy vây, qua một số điều mà các trang mạng của họ đưa như trong một thời gian ngắn Việt Nam có thể động viên 40 triệu dân quân và nhân viên phục vụ chiến đấu, đồng thời có thể tổ chức một triệu bộ đội chính qui và 50 vạn quân dã chiến, một nước mà "toàn dân vi binh" và đặt câu hỏi liệu tác chiến với họ (Việt Nam – BV) có giành được thắng lợi hay không…, cho thấy một số kẻ hiếu chiến trong bọn họ (Trung Quốc – BV) đã không loại trừ việc gây chiến tranh trên đất liền với chúng ta (Việt Nam – BV), chúng ta không thể không đề cao cảnh giác.
Bayvut: Như vậy, năm 2010 sẽ còn chứng kiến những căng thẳng leo thang trên Biển Đông nhiều hơn, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Cũng không hoàn toàn. Năm 2010 là năm hữu nghị giữa hai nước, Trung Quốc chưa thể có bước đi làm họ mất thể diện với nhân dân thế giới và nhân dân nước họ.
Nhưng kịch bản mà tôi hình dung là khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục gây chuyện làm cho Biển Đông không bình yên. Có thể họ cho lính giả làm dân thường, lấn chiếm, xây dựng một vài nhà giàn trên bãi đá ngầm ở Trường Sa hiện không có người ở; tiếp tục bắt giữ ngư dân Việt Nam. Và đi xa hơn, có thể sẽ đánh chiếm nhanh một, hai hòn đảo ở phía Bắc Trường Sa, gần với Việt Nam nhất.
Bayvut: Và tình hình sau năm 2010?
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Sau 2010 thì còn nhiều rắc rối nữa. Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ ý định thôn tính Trường Sa và làm chủ Biển Đông, nơi mà 21/25 đường vận tải biển của họ đi qua. Quảng Đông, Quảng Tây hiện có rất nhiều nhà máy lọc dầu được xây dựng, để hút dầu từ Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông. Kịch bản xấu nhất là Trung Quốc chiếm toàn bộ Trường Sa trong vòng 5, 10 năm tới, khi họ đạt được thỏa thuận lợi ích to lớn nào đó, có thể khiến Mỹ chấp nhận đánh đổi.
Bayvut: Vậy còn kịch bản khả quan hơn là gì, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Chính là thế giằng co và ràng buộc quyền lợi giữa các bên. Sự đoàn kết ngày càng tăng của các nước ASEAN, thái độ đúng mức của các nước Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ… và một số nước liên quan khác cũng như dư luận tiến bộ trên thế giới là biện pháp ngăn chặn hiệu quả những hành động quá khích.
Tôi tin rằng, Trung Quốc không thể mạnh mãi được. Các cường quốc như Liên Xô cũng đã sụp đổ, Mỹ cũng có lúc đi xuống. Trung Quốc hiện có rất nhiều vấn đề không đơn giản. Sau một thời gian phát triển quá nhanh, nước này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, môi trường ô nhiễm, phân hóa giàu nghèo sâu sắc. Nên nhớ rằng, những cuộc khởi nghĩa nông dân đã làm sụp đổ bao nhiêu triều đại trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Ngoài ra, những nguy cơ ly khai ở các khu vực Tây Tạng, Tân Cương… vẫn còn nguyên. Trung Quốc chứa đựng những rủi ro không nhỏ của một nước lớn nhiều tham vọng và phát triển không bền vững.
Bayvut: Vậy theo ông, Việt Nam cần phải làm gì?
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Với Trường Sa thì phải giữ cho bằng được hiện trạng, còn Hoàng Sa và một phần TRường Sa đã bị xâm chiếm thì vẫn phải kiên quyết đòi. Bởi vì chính trị có lúc thịnh lúc suy. Đời nay không đòi được, thì đời con cháu chúng ta. Việt Nam phải kiên trì đòi bằng được phần lãnh thổ thiêng liêng này.
Những phản ứng sau Hội nghị Biển Đông rất tích cực. Việt Nam không cần phải nói mà các chuyên gia quốc tế đều lên tiếng phê phán tham vọng của Trung Quốc. Đó là một thành công. Về nguyên tắc thì Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của tất cả các nước để giữ vừng được hòa bình, ổn định và phát triển.
Bayvut: Xin trân trọng cảm ơn ông!
——————————————————————
Nguồn: Đài phát thanh Australia. Bài do tác giả gửi trực tiếp cho Bauxite Việt Nam
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét