Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

30 tháng 3 2011

Vì một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại

Hoàng Tụy

19 giờ ngày 24/3/2011, đúng 86 năm ngày giỗ danh sĩ Phan Châu Trinh, lễ trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh 2010 đã diễn ra tại Khách sạn Rex (114 Nguyễn Huệ, Q.1, TP HCM), dưới sự chủ trì của nguyên Phó Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.

Năm nay, giải thưởng được trao cho 6 tác giả: Giải giáo dục dành cho GS Hoàng Tụy – tác giả của 149 công trình về các lĩnh vực hàm thụ, giải tích lồi và lý thuyết tối ưu cùng 3 chuyên khảo lớn được xem là kinh điển về tối ưu toàn cục.

clip_image002  

Từ trái sang: Kevin Bowen, Nguyễn Đôn Phước, Ivo Vasiljev, Nguyễn Thị Bình, Lại Nguyên Ân, Phạm Văn Thiều

 

Giải nghiên cứu dành cho nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân với những công trình nghiên cứu văn học Việt Nam nhất là những tập sưu khảo công phu về tác phẩm của học giả nổi tiếng Phan Khôi.

Hai dịch giả được trao giải dịch thuật là Phạm Văn Thiều với những tác phẩm phổ biến tri thức khoa học vật lý, thiên văn, toán học và Nguyễn Đôn Phước với các đầu sách kinh điển về kinh tế.

Giải Việt Nam học dành cho GS người Mỹ Kevin Bowen, học giả và nhà thơ có trái tim hết mực nhân hậu, người mạnh dạn mở đường cho công cuộc hòa giải Mỹ-Việt bằng những đột phá đầu tiên từ văn hóa, văn học, và GS người CH Czech Ivo Vasiljev, người công bố nhiều nghiên cứu giá trị về ngữ pháp Hán - Việt và di sản Việt cổ, đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về ngữ pháp Hán - Việt trong tiếng Việt chuẩn hiện đại.

Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh được trao từ năm 2008 (do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh phối hợp với Khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội khởi xướng), đến nay đã trải qua ba lần, luôn luôn hướng về một mục tiếu duy nhất: biểu dương, khuyến khích những tác phẩm xuất sắc trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nhằm góp phần vào việc "khai dân trí, chấn dân khí, phục dân chí, hậu dân sinh" là những phương châm mà nhà cách mạng Phan Châu Trinh đề xuất từ hơn 100 năm trước nhưng chưa kịp hoàn thành.

Dưới đây, xin mời quý độc giả đón xem bài diễn từ của GS Hoàng Tụy đọc trong lễ trao giải, nói về những vấn đề đang nổi cộm trong tình hình giáo dục Việt Nam trước mắt.

Nguyễn Huệ Chi

Hoàng Tụy sinh năm 1927; là Tiến sĩ, Giáo sư về Toán học, nghiên cứu Hàm thực, Lý thuyết tối ưu, Giải tích lồi, Toán kinh tế. Ông từng là Viện trưởng Viện Toán học, Giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học trên thế giới. Ông là người gầy dựng cơ sở và tổ chức ứng dụng toán học vào quản lý kinh tế ở Việt Nam đồng thời nghiên cứu góp sức vào chấn hưng giáo dục và các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước.

clip_image004

Thật là vinh dự lớn cho một người làm khoa học bình thường như tôi được nhận giải thưởng văn hóa Phan Chu Trinh cao quý. Vinh dự lớn trước hết vì giải thưởng gắn liền với tên tuổi một nhà ái quốc vĩ đại của dân tộc, một sĩ phu thuộc lớp cựu học nhưng đã thoát ra khỏi những quan niệm giáo dục phong kiến cổ hủ đương thời, khởi xướng đường lối canh tân văn hóa, giáo dục để cứu nước: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Vinh dự lớn còn là không phải giải thưởng hay huân chương trong hệ thống hành chính Nhà Nước mà là giải thưởng được trao cho bởi một tổ chức xã hội công dân, với ý nghĩa cao quý thúc đẩy sự nghiệp văn hóa giáo dục của nước nhà theo tinh thần khai sáng của nhà ái quốc vĩ đại.

Làm khoa học ở một đất nước nghèo khó, tôi vốn có duyên nợ nhiều với giáo dục. Xuất thân là một thầy giáo trung học rồi dần dần tự mày mò học tập, nâng cao trình độ mà trưởng thành trong nghề và trở thành một nhà khoa học. Bắt đầu dạy học ở tuổi 20, đến nay đã ngoài 80, suốt hơn 60 năm đó tôi chưa lúc nào xa rời nghề dạy học, tuy học trò của tôi thì tuổi tác, tính chất, trình độ và cả quốc tịch cũng ngày càng đa dạng. Được may mắn (chứ không phải rủi ro) học phổ thông ở nhà trường thời thực dân (nhưng không phải nhà trường thực dân), ra đời cũng được đi đây đi đó học, dạy, làm việc trong những môi trường đại học khoáng đạt hiện đại từ Tây sang Đông trên thế giới nên tôi thường có dịp suy ngẫm về nghề nghiệp của mình. Suy ngẫm từ vị trí công dân một nước nghèo, lạc hậu, khát khao mau chóng đuổi kịp một nhân loại đang rộn rịp chuyển lên nền văn minh trí tuệ đầy thách thức. Điều đó tự nhiên dẫn đến mối quan tâm trăn trở gần như thường trực đối với nền giáo dục của nước nhà. Mà cũng từ đó được mở rộng tầm mắt, có cách nhìn hệ thống đối với nhiều vấn đề giáo dục, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Hồi anh Tạ Quang Bửu còn làm Bộ trưởng Bộ Đại học tôi đã có nhiều dịp nghiên cứu và trình bày về tư duy hệ thống trong các seminar giáo dục do anh ấy chủ trì. Những tư tưởng, quan niệm của tôi về giáo dục, văn hóa, kinh tế xã hội ngay từ những ngày ấy phần lớn đều xuất phát từ cách nhìn hệ thống đó cho nên ít nhiều cũng có tính hệ thống nhất quán, nếu có lúc cần thay đổi thì cũng do logic sự vật chứ không tùy hứng, tùy tiện, tùy thời.

Một thế kỷ nay, chưa bao giờ vai trò then chốt của giáo dục trong sự phát triển của dân tộc ta nổi rõ như lúc này. Chỉ trong vòng một thế hệ mà những bước tiến khổng lồ của khoa học và công nghệ đã mang đến cho cuộc sống trên hành tinh những đổi thay sâu sắc hơn cả hàng trăm năm. Trong bối cảnh ấy giáo dục càng quan trọng thiết yếu hơn bao giờ hết cho bất cứ xã hội nào, kể cả những xã hội tân tiến nhất.

Việt Nam không là một ngoại lệ. Nên dù trước mắt kinh tế có khó khăn bức bách bao nhiêu cũng không cho phép chúng ta một phút được lơ là các vấn đề giáo dục. Chừng nào giáo dục còn yếu kém tụt hậu như hiện nay thì dẫu có tăng trưởng kinh tế giữ được tốc độ 7-8%, thậm chí 10% năm chăng nữa đất nước cũng vẫn mãi mãi lẹt đẹt sau thiên hạ. Muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, muốn chuyển hướng phát triển từ chiều rộng theo chiều sâu mà để giáo dục yếu kém thì chỉ là nói suông. Ông Lý Quang Diệu từng khuyên chúng ta: thắng trong giáo dục thì mới thắng trong kinh tế. Gần đây ông Đại sứ Hoa Kỳ sau nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam cũng nhận xét thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là giáo dục. Không phải họ hù doạ chúng ta, cũng chẳng phải họ cung cấp cho chúng ta thông tin gì mới mẻ tân kỳ. Họ chỉ nói cho ta biết một điều mà từ nhiều năm rồi ngay chuyên gia trong nước đã có không ít lời cảnh báo tương tự. Chẳng qua Bụt nhà không thiêng thì mới cầu tới Bụt ngoài.

Cho nên dù nhiều người đã nói nhiều lần rồi tôi cũng xin nhắc lại lần nữa: chỗ nghẽn lớn nhất trong phát triển hiện nay của xã hội ta là giáo dục. Giáo dục và giáo dục, không có gì khác. Và vì vậy cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện và triệt để là mệnh lệnh cuộc sống. Càng chần chừ, càng trì hoãn càng trả giá đắt, và không loại trừ đến một lúc nào đó sẽ là quá trễ như đã từng xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.

clip_image006

Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh - trao giải thưởng về giáo dục cho GS Hoàng Tụy - Ảnh: Minh Đức

Đó là nội dung thiết yếu của hai bản kiến nghị mà một nhóm trí thức quan tâm tới vận mệnh đất nước đã gửi Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ năm 2004 và năm 2009 (bản Kiến nghị 2004 đã được phổ biến rộng rãi, còn bản Kiến nghị 2009 chưa được nhiều người biết do bị hạn chế phổ biến).

Như chúng ta còn nhớ, cách đây 15 năm từng có nghị quyết lịch sử của Hội nghị TƯ II, khoá 8, xem phát triển giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu. Nhưng mười năm sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã phải thẳng thắn thừa nhận chúng ta chưa thành công trong hai lĩnh vực nêu trên. Cho nên các nghị quyết Đại hội X và ba Hội nghị TƯ sau đó đều nhắc lại nhiệm vụ khẩn thiết cải cách giáo dục để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài mấy thập kỷ. Đặc biệt sau những lời hứa hoa mỹ của ông tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo năm 2006, nhiều người trong đó có tôi đã đặt niềm tin ngây thơ vào triển vọng công cuộc chấn hưng giáo dục có thể bắt đầu chuyển động. Tiếc thay, hy vọng chưa kịp nhen nhóm thì thất vọng đã mau chóng đến, lần này lo lắng nhiều hơn vì chưa bao giờ giáo dục chạy theo thành tích dễ dãi được quảng cáo ầm ĩ thiếu trung thực lại ngốn nhiều công sức, tiền của mà hiệu quả thấp như 5 năm qua.

May thay, sự kiện Ngô Bảo Châu đã tạo một cú hích, ít nhất về nhận thức. Sau một thời gian ngắn được ngộ nhận là thành tích đặc biệt của giáo dục, sự kiện này cuối cùng đã cho thấy rõ quá nhiều vấn đề cần suy nghĩ lại nghiêm túc và tỉnh táo hơn về nhà trường của chúng ta. Đáng mừng là lần đầu tiên sau nhiều năm chờ đợi, người dân đã được nghe Thủ tướng long trọng tuyên bố cần một cuộc cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện, triệt để, để chấn hưng đất nước. Với niềm hân hoan như đã lâu chưa hề có, tôi đã lắng nghe bài diễn văn buổi tối đó của Thủ tướng, y như người đang khát giữa trưa hè nóng bức mà được uống bát nước chè tươi.

Sau tuyên bố của Thủ tướng, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng đã lên tiếng đầy sức thuyết phục kêu gọi thực hiện cải cách giáo dục để tiến lên một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân và yêu cầu cấp thiết chấn hưng đất nước. Nhiều bậc thức giả khác đã hưởng ứng lời kêu gọi đó. Ai nấy đều tin rằng đã đến lúc cần kết thúc giai đoạn đổi mới vụn vặt, chuyển sang cải cách mạnh mẽ thì giáo dục mới có thể ra khỏi bế tắc, trì trệ. Trong một buổi làm việc hơn hai giờ vào khoảng giữa tháng 11, tôi cũng đã cố gắng thuyết phục Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận hãy nhân cơ hội này nhận nhiệm vụ lịch sử khởi động công cuộc cải cách giáo dục đã được đề ra trong các nghị quyết lớn của TƯ. Trước hết hãy có một cách tiếp cận mới đối với một số vấn đề nhức nhối nhất hiện nay như thi cử, tổ chức trung học phổ thông và dạy nghề, tuyển chọn Giáo sư, Phó giáo sư xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế, v.v.

Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, nghĩa là gần nửa năm trời sau tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng, tình hình vẫn im ắng. Một chủ trương đúng đắn có ý nghĩa then chốt chiến lược đến như vậy, lại đã long trọng hứa hẹn với dân nhiều lần, mà đấu tranh thực hiện cũng gian khổ chẳng khác gì việc đòi giảm sưu cao thuế nặng thời thực dân phong kiến hay sao? Tôi thật sự lo lắng khi thấy bất chấp mọi lời khuyên, cỗ máy giáo dục già nua cổ lỗ vẫn tiếp tục vận hành ì ạch mà chưa thấy tín hiệu gì sẽ có thay đổi. Đến hẹn lại lên, cả nước lại chuẩn bị lao vào địa ngục thi cử với biết bao tốn kém, lo âu, để rồi như mọi năm hàng chục vạn học sinh sau 12 năm đèn sách bị ném bơ vơ ra đời, không nghề nghiệp mà cũng chẳng có nơi nào học tiếp, cùng với hàng vạn sinh viên sau 3, 4 năm đại học vẫn bỡ ngỡ ngay cả với những việc làm rất thông thường mà ở các nước khác chỉ đòi hỏi một học vấn trung cấp.

Tại sao thanh thiếu niên ta phải chịu thiệt thòi lớn như vây? Tại sao đã 36 năm ròng rã từ ngày thống nhất đất nước mà giáo dục đến nông nỗi này?

Hiển nhiên có nhiều nguyên nhân nhưng điều dễ thấy nhất là một đất nước mà người dân tin rằng "cái gì tiền không làm được thì nhiều tiền sẽ làm được" - một đất nước như thế thì giáo dục tụt hậu là tất yếu. Suy cho cùng sự nghiệp chấn hưng giáo dục tùy thuộc quyết định vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Chừng nào tham nhũng còn nặng thì dối trá, lừa đảo còn phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm, làm sao giáo dục có thể trung thực, lành mạnh được, nói chi đến hiện đại. Chống tiêu cực trong thi cử, chống bệnh thành tích ư? Thì đó, năm đầu làm nghiêm thì hàng loạt thí sinh trượt, năm sau bắt đầu dễ dãi thì tỉ lệ thi đỗ tăng, năm sau nới rộng nữa thì đạt tỉ lệ thi đỗ cao ngất ngưởng như ban đầu, thế là chứng minh chất lượng giáo dục đã được nâng cao, giáo dục đã đạt siêu thành tích. Còn mua bằng, bán điểm, chạy trường, chạy dự án, chạy chức, thứ gì cũng chạy được, chạy bằng chân, bằng đầu, bằng vốn tự có, hay gì gì đó thì đố ai biết quy mô đến đâu. Có điều chắc chắn là những chuyện tiêu cực trong giáo dục và kèm theo đó, bạo lực học đường chưa hề giảm mà có phần phát triển bạo liệt tinh vi hơn, có nguy cơ trở thành một nét văn hóa tiêu biểu của xã hội ta hiện nay.

Giáo dục là một hệ thống phức tạp, theo nghĩa khoa học của từ này, cần phải được tiếp cận và vận hành như một hệ thống phức tạp mới có hy vọng tránh khỏi sai lầm, thất bại. Lãnh đạo, quản lý giáo dục mà thiếu tư duy hệ thống, thiếu một tầm nhìn chiến lược bao quát thì chỉ có sa vào sự vụ, nay thế này mai thế khác, "đổi mới" liên miên nhưng vụn vặt, chắp vá, không nhất quán, rốt cục tiêu tốn nhiều công sức tiền của mà kết quả chỉ làm rối thêm một hệ thống vốn đã què quặt, thiếu sinh khí, thường xuyên trục trặc. Trong một thế giới biến chuyển cực kỳ mau lẹ, chỉ chậm một vài năm đã có thể gây thiệt hại đáng kể, huống chi mấy thập kỷ liền hầu như giẫm chân tại chỗ và loay hoay với những vấn nạn nhức nhối kéo dài hết năm này qua năm khác.

Không đâu cần bốn chữ cần kiệm liêm chính hơn lĩnh vực giáo dục. Cũng không đâu cần tư duy phê phán, cần tự do, sáng tạo hơn ở đây. Một nền học đã thiếu vắng các đạo đức và đức tính cơ bản ấy tất nhiên sớm muộn cũng biến chất và lâm vào bế tắc. Khi ấy những điều chỉnh cục bộ theo kiểu đổi mới từng việc vụn vặt như vừa qua không những không có tác dụng mà còn làm kéo dài thêm tình trạng trì trệ. Lúc này lối ra duy nhất cho giáo dục là cải tạo cấu trúc, xây dựng lại từ gốc, thay đổi cả thiết kế hệ thống. Chỉ có như thế mới mong cứu giáo dục thoát ra khỏi khủng hoảng triền miên.

Không đi sâu vào những vấn đề quản lý cụ thể tôi chỉ xin nêu một số vấn đề ở tầm chiến lược về chất lượng giáo dục. Dù bảo thủ đến đâu, dù thoát ly thực tế cuộc sống đến đâu, ai cũng phải công nhận chất lượng giáo dục của ta quá thấp. Thấp như thế nào và làm gì để nâng cao chất lượng thì lại có nhiều cách nhìn thiển cận, phiến diện, sa vào chi tiết vụn vặt không thực chất.

Thứ nhất là chuyện học và thi. Năm nào bàn chuyện này cũng có nhiều đề xuất cải tiến nhưng càng bàn càng rối mà chưa thấy hướng ra đúng đắn. Học thì cứ miệt mài nhồi nhét nhiều thứ vô bổ, nhưng lại bỏ qua nhiều điều cần thiết trong đời sống hiện đại. Thi thì mãi vẫn một kiểu thi cổ lỗ, biến thành khổ dịch cho học sinh nhưng là cơ hội kinh doanh, làm tiền cho một số người. Không phải học mà thi mới là chính, học chỉ để đi thi, để có bằng, thậm chí không học mà có bằng thì càng tốt. Đặc biệt thi tốt nghiệp nặng nề như chưa hề thấy đâu trên thế giới văn minh. Tuy đã có không ít hội nghị bàn thảo về cải tiến phương pháp giảng dạy, cho đến nay chủ yếu vẫn chỉ là dạy trên lớp, thầy đọc, trò ghi và bám sát sách giáo khoa. Trong khi đó, với cách nhìn toàn cục có thể thấy rõ cốt lõi của chuyện học và thi ở chỗ khác. Đã sang thế kỷ XXI nhưng giáo dục của ta vẫn giữ nhiều quan niệm cổ hủ như thời phong kiến Nho giáo hay thời Trung cổ ở châu Âu, nặng tính giáo điều kinh kệ, vì nhằm mục tiêu thiển cận biến con người thành một phương tiện sử dụng vào các mục đích tôn giáo hay chính trị, hơn là hoàn thiện con người như một chủ thể tự do. Phương Tây đã có thể nhanh chóng bước lên giai đoạn phát triển văn minh công nghiệp hiện đại trong khi phương Đông còn ngủ dài trong văn minh nông nghiệp chính là nhờ họ đã sớm thế tục hóa giáo dục. Thiết nghĩ một giải pháp tương tự cũng cần nghiên cứu cho nhà trường Việt Nam để bước vào kinh tế tri thức thời nay.

Thứ hai là chuyện đào tạo theo nhu cầu xã hội. Các doanh nghiệp thường phàn nàn gặp nhiều khó khăn khi tuyển nhân lực cần thiết vì trình độ, năng lực thực tế của sinh viên do các trường đào tạo ra quá thấp so với yêu cầu của họ. Trong khi đó, hàng năm có hàng chục vạn học sinh, sinh viên ra trường không tìm được việc làm thích hợp. Mặc cho khẩu hiệu "nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội", và một số biện pháp đổi mới quản lý giáo dục, chất lượng đào tạo vẫn giẫm chân tại chỗ từ hàng chục năm nay. Quá nhiều trường đào tạo về kinh tế, tài chính, kế toán, ngân hàng, v.v. nhưng rất ít trường về công nghệ, kỹ thuật, khoa học. Quá nhiều đại học, cao đẳng kém chất lượng, nhưng rất it trung cấp kỹ thuật. Cơ cấu đào tạo khiến trong nước rất thiếu công nhân lành nghề, rất thiếu cán bộ kỹ thuật trung cấp giỏi, nhưng thừa Kỹ sư, cán bộ quản lý tồi. Không lạ gì có nhà đầu tư nước ngoài từng nhận xét: chúng ta nói nhiều về công nghiệp hóa nhưng ngay một chiếc đinh vít cũng chưa có nơi nào trong cả nước làm được đúng chuẩn quốc tế. Công nghiệp phụ trợ không phát triển nổi, muốn làm ra sản phẩm công nghệ gì tinh vi đôi chút cũng phải nhập phần lớn linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian. Rốt cục chỉ lắp ráp là chính thì bao giờ mới xây dựng được công nghiệp hiện đại. Sự thể nghiêm trọng đến mức chuyên gia Nhật đã khuyến cáo: vận mệnh ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến tương lai phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến địa vị chính trị của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Mà với cơ cấu đào tạo nhân lực như hệ thống giáo dục hiện nay thì không cách nào phát triển công nghiệp phụ trợ. Cho nên có nhìn rộng ra cả nền kinh tế mới thấy vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội không chỉ là cải tiến khâu đào tạo ở cấp đại học hay cao đẳng mà phải cải tổ cơ cấu hệ thống giáo dục, theo hướng như đã trình bày trong bản Kiến nghị 2009: sau trung học cơ sở phần lớn học sinh sẽ vào trung học nghề, trung học kỹ thuật, chỉ một tỉ lệ nhỏ vào trung học phổ thông. Bản thân trung học phổ thông cũng cần được cải tổ theo hướng không phân ban cứng nhắc mà có nhiều lựa chọn cho học sinh phát triển năng khiếu sở thích, nhờ đó nâng cao chất lượng đầu vào đại học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đại học. Như vậy, sau 12 năm học, học sinh nếu ra đời thì đã có nghề, còn số có thể tiếp tục học sẽ không bị nhiều rào cản do cánh cửa chật hẹp của đại học hiện nay.

Thứ ba là xây dựng đại học. Vị trí và tính chất của giáo dục đại học trong sự phát triển của các quốc gia ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với chỉ cách đây vài thập kỷ. Nói giáo dục là thách thức lớn nhất cho đất nước hiện nay thì trước hết đó là giáo dục đại học. Trong một thế giới toàn cầu hóa, xây dựng đại học tất nhiên phải hướng tới và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong mọi lĩnh vực. Trong khi đó, từ việc đào tạo Tiến sĩ, việc tuyển chọn Giáo sư, đánh giá các công trình khoa học, các nhà khoa học, các trường đại học, chúng ta đều có tiêu chuẩn riêng chẳng giống ai. Mặc dù đã trải qua mấy chục năm trời xây dựng, đến nay đại học của ta vẫn còn ngổn ngang rất nhiều vấn đề đòi hỏi không chỉ phải đổi mới mà phải thay đổi tận gốc, từ chiến lược phát triển cho đến cách thực hiện chiến lược. Trong đó việc xây dựng các đại học tiến lên đẳng cấp quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng, trước hết là về quan niệm. Nếu không kịp thời khắc phục thì căn bệnh thành tích phô trương cộng với tính vô trách nhiệm ở đây sẽ gây lãng phí lớn, làm chậm lại thay vì thúc đẩy quá trình tiến lên hiện đại theo tinh thần khai sáng.

Thứ tư và cuối cùng nhưng then chốt nhất là chính sách đối với đội ngũ giáo chức. Không có khâu quản lý nào thể hiện rõ hơn quyết tâm chấn hưng giáo dục bằng chính sách đối với người thầy. Thế nhưng hiếm có nơi nào trên thế giới và cũng hiếm có thời nào trên đất nước ta người thầy mặc dù bị đối xử bất công vẫn tận tuỵ gắn bó với nghề như trong mấy chục năm nay. Khi nói điều này không phải tôi không biết những gương xấu trong ngành, những con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng tôi nghĩ số đó vẫn là số ít, số ít đáng ngạc nhiên nếu đặt trong hoàn cảnh xã hội và điều kiện làm việc cực kỳ khó khăn của tất cả thầy giáo của ta. Tôi tin rằng với những hoàn cảnh như thế ở các nước khác tình hình giáo dục phải bi đát hơn nhiều. Với chính sách đối với thầy giáo như của ta mà giáo dục còn được như thế này đó thật sự là kỳ công.

Song cái gì cũng có giới hạn, kể cả lòng tự trọng, thiện chí và… lương tâm. Cứ thế này e sẽ đến lúc lương tâm cũng chai lì, chẳng còn ai biết xấu hổ, để cho cái lá nho cuối cùng cũng không giữ nổi thì sẽ mất hết, chẳng còn gì để bàn về giáo dục, văn hóa, khoa học nữa. Tôi cũng hiểu và thông cảm với những khó khăn thực tế liên quan đến tham nhũng. Song có thể nói không quá đáng, kinh nghiệm hơn ba mươi năm qua đã cho thấy hầu hết mọi căn bệnh tàn phá giáo dục đều có nguồn gốc ít nhiều ở cái chính sách bỏ mặc rồi khuyến khich thầy giáo tự bươn chải để kiếm sống mà làm nghề, trong một môi trường đòi hỏi họ phải toàn tâm toàn ý mới làm tốt được nhiệm vụ. Vậy giải quyết cái u này là điều kiện tiên quyết mở đường cho giáo dục (và khoa học). Tuy nhiên, cũng phải cắt u một cách an toàn vì nếu làm không minh bạch, đường hoàng như hiện nay thì chỉ gây thêm hỗn loạn, cũng rất nguy hiểm.

Để kết thúc, xin bày tỏ niềm tin cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện, triệt để là giải pháp cứu nguy cho giáo dục, cũng là cứu nguy cho phẩm chất Việt Nam khi còn chưa quá trễ.

Và một lần nữa xin trân trọng cám ơn Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.

http://boxitvn.blogspot.com/2011/03/vi-mot-nen-giao-duc-trung-thuc-lanh.html


14 tháng 3 2011

Cù Huy Hà Vũ là anh hùng

Hà Sĩ Phu

Trong chùm Câu đối Tết Tân Mão vừa qua, tôi có một Câu đối tặng cặp Luật sư Dương Hà-Hà Vũ như sau:

河 宇 暴 直 無 憂, 可 以 英 雄 氣 節 !

陽 河 忠 貞 有 律, 欲 成 淑 女 心 肝 !

(Hà Vũ bộc trực vô ưu, khả dĩ Anh hùng khí tiết!

Dương Hà trung trinh hữu luật, dục thành Thục nữ tâm can!)

Sau khi Câu đối ấy xuất hiện trên trang Bauxite, nhiều bạn bè gặp tôi đặt những câu hỏi thân tình:

- Chuyện Cù Huy Hà Vũ liên quan gì đến Tết mà ông đưa vào Câu đối Tết?

- Trong Câu đối có 2 chữ cần xem lại nên viết thế nào cho đúng :

Hà Vũ thì viết 河 武 hay 河 宇 ?

thục nữ thì viết 熟 女 hay 淑 女 ?

- Dùng chữ "Anh hùng" cho Cù Huy Hà Vũ có sớm quá chăng, có phải vì Hà Vũ đã giúp ông khiếu nại vụ cắt điện thoại năm 2010 không?

Hoá ra bạn bè quan tâm đến việc này kỹ càng đến thế, những câu hỏi có tầm hiểu biết ấy khiến tôi biết ơn, pha chút giật mình vì cảm động. Hôm nay, còn 10 ngày nữa Cù Huy Hà Vũ sẽ ra Toà, xin nhờ trang Bauxite gửi mấy dòng tâm sự này đến gia đình và cá nhân người Luật sư sắp đến giờ "ra trận".

1/ Về câu hỏi thứ nhất, câu đối tặng Hà Vũ liên quan gì đến Tết?

Bản thân đã trải một cái Tết trong tù, tôi biết. Một mình trong 4 bức tường yên tĩnh, người bị giam thèm từng tiếng động, từng hơi thở của cuộc sống đời thường. Bị tách khỏi cái nhân quần ồn ã, đa sự, bị cô đơn tuyệt đối mới thấy nhớ, thấy thèm cuộc sống nhân gian. Đặc biệt đến ngày giỗ, ngày Tết, nhớ nhà đến nôn nao, cứ cố hình dung giờ này vợ con mình đang làm gì, từng người thân của mình đang làm gì, xã hội đang vần chuyển ra sao? Một mẩu tin, một lời thăm hỏi từ ngoài vọng được vào tai sao mà quý thế, ồ thế là cuộc đời vẫn nhớ đến mình. Cái dây nối với cuộc đời như nguồn năng lượng đem lại sinh khí cho người bị giam giống như sợi "dây rốn" truyền từng giọt máu của mẹ cho cái thai nhi bị nằm kín trong bọc vậy. Tôi hình dung một trí thức như Hà Vũ nếu nhận được Câu đối về mình vào đúng ngày Tết chắc thấy ấm lòng lắm. Thế là tôi viết.

2/ Về mấy chữ trong Câu đối.

Hà Vũ là tên riêng, tôi viết chữ Vũ theo thói quen thường thấy. Nhưng đọc lại một bài trả lời phỏng vấn của Hà Vũ, rằng cụ Huy Cận dùng chữ Vũ là Vũ trụ (như một cảm hứng thơ chủ đạo, trong bài Vũ trụ ca), tôi đã sửa chữ thành chữ .

Về luật sư Dương Hà, tôi cảm phục chị ở chỗ đã dùng lý trí để vượt qua "nhi nữ thường tình", khi nghe tin người ta nói chồng mình có "quan hệ bất chính" với một phụ nữ khác chị đã không mắc mưu, chẳng những xử lý chững chạc trong quan hệ mà còn tiếp tục xử lý nỗi oan trái của chồng trên cơ sở luật pháp minh bạch, với tư cách một nữ luật sư. Vì thế trong từ Thục nữ tôi dùng chữ với nghĩa bóng là chín chắn, kỹ càng, sâu sắc, chứ không dùng chữ Thục vốn nghiêng về ý hiền lành, nhân hậu của phụ nữ. Song nghĩ lại thấy nên dùng chữ thông dụng, tôi đã sửa lại dùng chữ , tạm bằng lòng như vậy

3/ Đáng bàn hơn cả là câu thứ ba, về hai chữ Anh hùng tôi tặng cho Hà Vũ, có phải để trả ơn người đã giúp mình trong khiếu kiện hay không?

Trước hết xin nhắc lại chút quan hệ riêng, vì đã có bạn đề cập và một số anh em khác cũng đã biết.

Ngoài quan hệ là người đồng cảnh (chỉ vì lên tiếng để trả món nợ đời của cái thân trí thức mà sa vòng tù tội), tôi và Hà Vũ còn có thêm vài duyên nợ. Bị cắt hết các cáp điện thoại và Internet, tôi được Luật sư Vũ cố vấn trong việc khiếu nại sao cho đúng luật. Việc nhỏ thế thôi mà Vũ tận tình chỉ bảo tôi từng động tác, sau khi khiếu nại mà không được trả lời thì chính Vũ giục tôi nên làm đơn khiếu kiện để đòi cho được "quyền hưởng dịch vụ thông tin" chính đáng của mình, nhưng tôi biết chẳng đi đến đâu nên không kiện cáo làm gì. Việc nhỏ của tôi đã vậy thì với những vụ oan sai lớn, chắc Vũ còn chu đáo hơn thế, với tư cách của người biết luật. Hà Vũ còn là cố vấn pháp luật cho trang mạng Bauxite để bảo vệ cho những trí thức nặng lòng vì nước có được một trang báo riêng để lên tiếng nói can gián, mong tránh cho Nhà nước khỏi những sai lầm, trong những người yêu quý trang mạng Bauxite ấy có tôi.

Còn một điều này có lẽ chính Hà Vũ cũng không biết. Khi bà Đặng Thị Kim Hoàn (vợ ông Ngô Xuân Huy mà Vũ gọi bằng chú) lên tiếng bênh vực Vũ trên trang Bauxite, bà vợ tôi, Đặng Thị Thanh Biên, lấy trong hộp nữ trang ra một tấm ảnh đã rất cũ (chụp ảnh vợ tôi đứng cùng ba bà nữa) hỏi tôi: Đố ông biết trong đây ai là mẹ bà Kim Hoàn?

clip_image002

Tôi còn đang lúng túng thì nhà tôi chỉ vào bà cụ đứng cuối cùng bên phải và hờn giận: "Con rể mà như ông thật đoảng, trong nhà mà ông không biết ai với ai. Đây, cụ sinh ra bà Hoàn, cùng với cụ sinh ra em là hai chị em ruột. Cụ sinh ra mẹ em là con thứ tư, cụ sinh ra bà Hoàn là con thứ năm, nên bà Hoàn tuy hơn tuổi nhưng lại là vai em. Thằng cháu Đặng Tuấn Nghĩa nhà mình hồi học đại học còn gửi mấy năm để nhờ cô Hoàn dạy dỗ đấy!". Tóm lại, trong quan hệ họ hàng nội ngoại, với Vũ tôi là chú hoặc cậu. Nay Vũ bị nạn, tôi muốn gửi một Câu đối Tết cũng một phần để sửa cái lỗi "đoảng" ấy.

Ấy, mọi quan hệ lòng vòng thì có như vậy. Nhưng đâu có thể vì chút tình riêng mà dám tặng cho nhau hai chữ "ANH HÙNG"? (cho dẫu Anh hùng ở đây còn đứng khiêm nhường sau hai chữ "khả dĩ" 可 以).

Về khí chất Anh hùng của Cù Huy Hà Vũ tôi khỏi cần kể ra dài dòng, khi những nội dung ấy đã được rất nhiều người đề cập một cách rốt ráo, thuyết phục (xem bài tóm tắt Diễn biến vụ án CHHV- blog Vụ án Cù Huy Hà Vũ). Chưa một vụ án nào, chỉ trong 4 tháng đã khiến những người trong nước và khắp thế giới viết bài bênh vực nhiều đến thế, không ngày nào không xuất hiện bài trên các trang mạng, chỉ riêng điều ấy thôi đã cho thấy vị trí của vụ án này. Gần đây nhất thì hai bài phỏng vấn tứơng Nguyễn Trọng Vĩnh và luật sư Trần Đình Triển cũng đủ làm tiêu biểu.

Tôi chỉ dành những dòng viết này để bàn thêm về mấy điều cần nói.

- Người ta có thể kể ra nhiều nhược điểm, thậm chí khuyết điểm của Hà Vũ, một người nhiều cá tính và đầy xung lực, kể cả tham vọng. Nhưng chẳng có lý gì để quy những sự việc ấy thành tội. Và nếu đặt những việc ấy bên cạnh những vấn nạn lớn trong xã hội mà Hà Vũ đã dũng cảm phơi bày bằng giấy trắng mực đen dưới nhãn quan luật pháp thì tất cả những khuyết nhược điểm kia trở thành mờ nhạt, dễ dàng thể tất, không đáng nhắc đến nữa.

Cần người khiêm tốn ư, chín chắn ư, đạo mạo ư, gương mẫu ư? Tốt thôi, nhưng thôn xóm nào, khu phố nào chẳng có, ít ra cũng có dăm bảy người. Nhưng tìm được một người đáp ứng những nhu cầu xã hội như vừa nói trên để tấn công vào những oan trái tày đình, những lô cốt trì trệ sừng sững trong đời sống thực tiễn (chứ không phải trên lý thuyết) thì chỉ Hà Vũ mới là "phát đại bác" đầu tiên, và chính đó là lý do khiến anh chịu nạn. mặc dù cả cha đẻ lẫn cha nuôi của anh đều là những danh nhân thuộc "thế hệ vàng", góp phần khai sinh ra chế độ.

Dù bằng cách chiết tự chữ ANH, chữ HÙNG với ngữ nghĩa trong từ điển, hay lấy câu

"Tự tri giả ANH, tự thắng giả HÙNG" mà xét, hay căn cứ vào hành động dũng cảm

cứu nạn phò nguy, dám nói bật ra những ẩn ức dồn nén trong xã hội hàng mấy chục năm trong một khí quyển vô cảm, im lìm, lộng hành, khiếp nhược… thì chữ ANH HÙNG không dùng cho những người như Hà Vũ thì dùng cho ai khác? "Đẹp lắm chứ, anh hùng lắm chứ" câu hát này bây giờ nên hát cho những ai đây? Nếu bây giờ "ra ngõ" còn gặp được anh hùng thì nhà sử học Dương Trung Quốc cớ gì phải thồt lên câu "thế hệ bây giờ hoàn toàn mất gốc" đầy đau sót? Dù còn điều này điều khác cần phải phê phán hoặc cần rút kinh nghiệm về cách làm của Cù Huy Hà Vũ, tôi vẫn mong mọi người hãy giữ gìn người Luật sư không dễ thay thế này, cũng như giữ gìn những Luật sư, những nhà báo tiền phong khác đang dần dần xuất hiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Nếu chính phủ làm điều hại dân thì dân có thể đuổi chính phủ". Hồ Chí Minh còn cho dân cái quyền "đuổi" kia mà (và trước khi thành quyết định tập thể thì tất nhiên phải có một người nào đó đứng ra đề nghị đuổi), như thể đang diễn ra ở Tunisia, Ai Cập, Libya… mới đúng là đuổi, chứ mới chỉ "chống" bằng lời nói như trong cáo trạng của Hà Vũ thì còn nhẹ quá, nếu Toà án cứ kết tội thì khác gì kết tội lời dạy của Hồ Chí Minh? Mà Cù Huy Hà Vũ đâu đã dám chống cả Chính phủ, chỉ khởi tố (nghĩa là còn phải qua Toà án) một vài viên chức chính phủ thôi. Tóm lại Hà Vũ mới chỉ thực hiện một phần nhỏ lời dạy của Bác. Chỉ khác là Bác Hồ mới nói chủ trương chứ chưa có biện pháp, chưa có cơ chế để thực hiện, nay Hà Vũ thử dùng luật pháp để đưa lời dạy của Bác vào đời sống thôi. Nếu trong đợt học tập gương Bác mà trao giải thưởng cho Hà Vũ thì không phải là không có lý.

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói: "Những băn khoăn, những ưu tư của Vũ cũng là những băn khoăn và ưu tư của mọi người. Mọi người đều nghĩ, còn Vũ thì đã nói ra được những điều đó. Vũ không nói, thì người khác cũng nói. Vì đó là những điều hiện thời mọi người lo lắng cho đất nước". Cầm tù một người nói lên tiếng nói chung của đất nước thì khác nào cầm tù chính đất nước, một lô-gich thật đơn giản.

Luật sư Trần Đình Triển nói: "Tôi cho rằng lịch sử rồi sẽ xét để khẳng định rằng anh Vũ đúng, quan điểm của tôi đúng". Trong tương lai chân lý sẽ thuộc về những người như Cù Huy Hà Vũ, thì giam giữ anh chính là giam giữ tương lai.

Phiên xử ngày 24 tháng 3 này sẽ ra sao đây? Luật sư Triển thì dự đoán: "với thực tại như xã hội hiện nay, tôi dự đoán người ta sẽ xử CHHV với mức án 4 – 6 năm tù" vì dù tranh biện ra sao mặc lòng, bản án đã có sẵn. Tôi hoàn toàn chia sẻ cái nhìn sắc lạnh đầy tính duy lý và am hiểu tận gốc luật pháp hiện nay của một luật sư. Có lẽ sự đau xót của người Luật sư gần với sự thật nhất chăng?

Cứ cho là thế, song cổ nhân lại có câu có "tận nhân lực" mới "tri thiên mệnh". Mệnh trời còn đổi được huống chi lệnh vua, dù là 14 ông vua (chữ của cựu Chủ tịch Nguyễn Văn An). Rất nhiều blogger lại dự đoán Cù Huy Hà Vũ sẽ về nhà đúng chiều 24 tháng 3 (có thể với cái án treo 36 tháng, rất đúng luật, và nhà nước được tiếng đổi mới, khoan dung).

Tôi cũng duy lý như LS Triển, không bao giờ nhẹ dạ cả tin có thể lay động những con người chính trị bằng công lý hay lẽ phải, hay tình người. Nhưng yếu tố lay động được những con người ấy là sự cân nhắc LỢI-HẠI, là suy tính thiệt-hơn. Chống lại ý dân thì rồi lợi hại ra sao, tất người ta phải tính.

Bất kỳ tình huống nào xảy ra, tôi cũng mong và tin chắc Cù Huy Hà Vũ sẽ vượt qua thử thách một cách vững vàng, chiến thắng bệnh tật (bệnh tim), tự nghiêm khắc rút những bài học, tự nâng cao thêm phẩm chất trí thức chiến sĩ của mình, xứng với dòng dõi của một thế hệ vàng ngày trước và không phụ lòng những người yêu nước trung kiên, nhân hậu từ khắp nơi đang ủng hộ anh hết lòng.

Chúc cho cặp Luật sư Hà Vũ- Dương Hà trọn đời hạnh phúc.

Đà Lạt ngày 13-3-2011

H. S. P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

http://boxitvn.blogspot.com/2011/03/vi-sao-toi-goi-cu-huy-ha-vu-la-anh-hung.html

Biển Đông : Lo ngại về sự cố võ trang gia tăng, do hành động gây căng thẳng của Trung Quốc

Trọng Nghĩa

clip_image001

Ảnh Reuters / Google Map

Trong những ngày qua, chính quyền Trung Quốc liên tiếp có những hành động lấn lướt các láng giềng đang tranh chấp lãnh hải với họ, từ Nhật Bản trên biển Đông Hải, đến Philippines, Việt Nam trên biển Nam Hải (tức Biển Đông). Các nước liên can đã đồng loạt lên tiếng phản đối, và ít nhiều đề ra các biện pháp đối phó. Tình hình căng thẳng nẩy sinh đã khiến một số nhà quan sát bắt đầu lo ngại trước khả năng sự cố đáng tiếc xảy ra.

Tại vùng Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền đến 80% diện tích, mới đây, ngày 02/03/2011, Trung Quốc đã làm cho Philippines tức giận, khi cho hai tàu tuần tra của họ thâm nhập một vùng biển, mà Manila cho là thuộc chủ quyền của mình, và đe dọa một chiếc tàu thăm dò dầu khí cho Philippines.

Philippines đã cử chiến đấu cơ đến khu vực xảy ra sự cố và tàu Trung Quốc đã bỏ đi. Đây là vùng Reed Bank, ngoài khơi quần đảo Palawan của Philippines, nhưng bị Bắc Kinh tự nhận chủ quyền. Hành động dọa nạt của Trung Quốc đã buộc chính quyền Manila tạm ngưng việc thăm dò, nhưng đã thúc đẩy quân đội Philippines tăng cường lực lượng để bảo vệ tàu nghiên cứu của mình.

Việc Trung Quốc gây sự với Philippines tại vùng Reed Bank là một diễn biến mới trong hồ sơ Biển Đông, vốn thường xuyên bị các hành động quyết đoán của Bắc Kinh nhắm vào Hà Nội khuấy lên. Ngày 04/03, Việt Nam đã lên tiếng phản đối Trung Quốc tập trận ở vùng Trường Sa, và đến hôm qua, lại tố cáo nước láng giềng thúc đẩy khai thác khu vực Hoàng Sa và Trường Sa đang có tranh chấp.

Tình hình căng thẳng gia tăng đã bắt đầu tạo ra quan ngại. Theo tuần báo Anh Quốc The Economist, số ra ngày 10/03, rất có thể là các nước tranh chấp với nhau sẽ dừng lại ở mức độ khẩu chiến như thường lệ. Tuy nhiên, ngày càng có thêm nguy cơ là, một sự cố không mong muốn nào đó có thể leo thang thành xung đột võ trang trong bối cảnh khu vực có quá nhiều bất đồng đối nghịch, không một chút triển vọng giải quyết êm thắm.

Về các tranh chấp giữa 6 nước Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei với Trung Quốc và Đài Loan trên vùng Trường Sa và Hoàng Sa, theo The Economist, về mặt lý thuyết, thì giải pháp có thể được tìm thấy trong khuôn khổ Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Trong năm 2009 chẳng hạn, Malaysia và Việt Nam đã ít nhiều làm gương, khi cùng nhau chuyển lên Liên Hiệp Quốc một đề nghị chung về thềm lục địa mở rộng trong vùng hai bên có tranh chấp.

Ngược lại, Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị kể trên, và đưa ra một tấm bản đồ 9 đường gián đoạn, vẽ ra từ những năm 1940, theo đó họ tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Đòi hỏi của Trung Quốc bị coi là không dựa trên bất cứ cơ sở pháp lý nào trong Công Ước Liên Hiệp Quốc.

Chính vì đòi hỏi bao quát vô lý đó, mà Indonesia, vốn không tranh giành chủ quyền ở vùng Trường Sa, lại phải nhập cuộc, vì yêu sách lãnh hải của Trung Quốc lại lấn vào vùng hải phận của Indonesia.

Tình hình căng thẳng giữa các nước đương nhiên bắt nguồn từ các bất đồng về lãnh hải như kể trên. Bên cạnh đó, đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên 80% Biển Đông, kèm theo các biện pháp mạnh nhằm buộc các nước khác tôn trọng yêu sách của mình cũng làm cho tình hình căng thẳng thêm, đặc biệt là với Hoa Kỳ, cường quốc rất quan tâm đến quyền tự do hàng hải.

Washington muốn bảo vệ quyền tự do đi lại trong vùng cho các chiến hạm của mình, trong lúc Bắc Kinh lại không muốn cho hải quân Mỹ tiến vào bên trong những khu vực mà họ cho là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ để làm công việc do thám. Tại Biển Đông, ''lợi ích cốt lõi'' của Trung Quốc trong năm qua đã đối chọi với ''quyền lợi quốc gia'' của Hoa Kỳ, và điều này cũng là một yếu tố gây căng thẳng.

Ngoài ra, còn có bất đồng giữa Trung Quốc và ASEAN. Hai bên đạt được một bản "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC) vào năm 2002, trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột. Nhưng những nỗ lực để biến điều này thành một bộ quy tắc có tính ràng buộc đã không đi đến đâu, trong lúc trên hiện trường nước nào cũng tìm cách thúc đẩy quyền lợi của mình. Trung Quốc lập luận rằng ASEAN không có vai trò trong vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ, và chủ trương đàm phán tay đôi.

Bên cạnh đó, một khó khăn khác bắt nguồn từ việc Đài Loan cũng là một bên tranh chấp. Cho dù chỉ chiếm một hòn đảo ở Trường Sa, nhưng Đài Loan lại chiếm được đảo lớn nhất và xây dụng trên đó một phi đạo dài. Vấn đề là Đài Loan lại không được mời vào bất kỳ một cuộc đàm phán nào.

Tóm lại, khó có thể dung hòa các đòi hỏi khác nhau nói trên. Vào lúc các nước trong vùng cố gắng hiện đại hóa kho vũ khí của mình, nguy cơ căng thẳng ở Biển Đông biến thành xung đột được cho là ngày càng lớn hơn.

T. N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Đừng để dân “Tức nước vỡ bờ”

Khánh An, Phóng viên RFA, Bangkok

clip_image001  

Bà mẹ 90 tuổi khóc người con bị trung tá công an đánh chết. Source Nuvuongconly

 

Ngày hôm qua, nhiều người dân Hà Nội đã đến thăm gia đình ông Trịnh Xuân Tùng, người bị Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh gây chấn thương cổ và chết vào hôm 8/3.

Biểu ngữ đòi công lý cho ông đã được giăng trước cửa nhà khiến cho nhiều người đi đường dừng lại xem gây ra ùn tắc giao thông. Tiếp xúc với gia đình, chị Trịnh Kim Tiến, con gái ông Tùng cho Khánh An biết về diễn tiến xử lý vụ việc đánh chết người này:

Gia đình kêu oan

Chị Kim Tiến: Hiện tại đã có giấy khởi tố bắt giam bị can và lệnh bắt giam được phê duyệt bởi Viện Kiểm sát. Nhưng người ta vẫn bảo là chờ đợi giấy khám nghiệm y khoa. Gia đình em vẫn đang chờ đợi nhưng mong là mau chóng có được cái giấy ấy để biết được nguyên nhân cái chết của bố em để có thể chôn cất bố em một cách tử tế để bố em ra đi một cách thanh thản.

Khánh An: Hiện nay gia đình chị chưa chôn cất ông Tùng?

Chị Kim Tiến: Dạ vâng, tại vì phải rõ được nguyên nhân chết của bố em ra sao. Nếu không, chôn bố em xuống rồi sau chưa rõ nguyên nhân chết, lại đào lên thì rất có tội với người đã khuất.

Khánh An: Được biết có nhiều người dân thành phố Hà Nội đã đến để chia buồn với gia đình chị và đòi công lý cho bố chị, điều này có đúng không?

Đấy là do chính tay em (treo băng rôn), chính tay gia đình em kêu oan cho bố em, không làm gì trái pháp luật vì em làm ngay tại cửa nhà em. Đấy là lời kêu oan, chỉ muốn giành lại công bằng cho bố em, của chính gia đình em chứ không liên quan đến ai.

Chị Kim Tiến: Thật ra là mọi người đến chia sẻ với gia đình em.
Khánh An: Vâng. Và mọi người còn treo băng rôn để đòi lại công lý, phải không?

clip_image002

Anh Trịnh Xuân Tùng bị còng tay đánh gẫy cổ, vào đến nhà thương công an vẫn không cho tháo còng. Ảnh của báo cơ quan thanh tra chính phủ.

Chị Kim Tiến: Dạ không. Đấy là do chính tay em, chính tay gia đình em kêu oan cho bố em, không làm gì trái pháp luật vì em làm ngay tại cửa nhà em. Đấy là lời kêu oan, chỉ muốn giành lại công bằng cho bố em, của chính gia đình em chứ không liên quan đến ai. Mọi người chỉ đến chia buồn thôi.

Khánh An: Khi gia đình chị treo băng rôn để kêu oan như thế thì có bị xử lý không?

Chị Kim Tiến: Không, em không làm gì sai với pháp luật. Em không gây rối trật tự vì đó là trước cửa nhà em và băng rôn nhà em chỉ ghi là "Xin đề nghị pháp luật xử lý nghiêm minh". Không làm gì trái pháp luật, đấy chỉ là một lời kêu oan, mong muốn đòi lại công bằng cho bố em.

Khánh An: Vâng, và nghe nói có công an đến và yêu cầu dẹp biểu ngữ này có phải không?

Chị Kim Tiến: Vâng ạ. Chính quyền có đến và mong muốn để những biểu ngữ đấy xuống vì sẽ gây tắc đường và nhà em cũng chấp hành. Khi nhìn thấy lệnh khởi tố bị can, nhà em cũng hết sức chấp hành pháp luật, nghe theo chính quyền và cũng đã tháo bỏ xuống.

Lạm dụng quyền hành và vũ lực

Khánh An: Phát biểu với tư cách là một người dân và người chứng kiến vụ việc, anh Phạm Quang Hùng, chính là người lái xe ôm đưa ông Trịnh Xuân Tùng ra bến xe, cho biết:

Chính quyền có đến và mong muốn để những biểu ngữ đấy xuống vì sẽ gây tắc đường và nhà em cũng chấp hành. Khi nhìn thấy lệnh khởi tố bị can, nhà em cũng hết sức chấp hành pháp luật, nghe theo chính quyền và cũng đã tháo bỏ xuống.

clip_image003

Tắc đường kẹt xe trong ngày tang lễ anh Trịnh Xuân Tùng bị trung tá công an đánh đến chết.

Anh Phạm Quang Hùng: Cũng chỉ vì cái mũ, anh Tùng tháo ra để gọi điện thoại đấy mà. Không may, tôi là người lái xe cũng không để ý. Nhưng vì công an họ xử sự, họ bắt đè tôi ra phạt, tôi không chấp nhận. Sau đó chắc là anh Tùng thấy bức xúc thế nào, vẫn chưa giải quyết được thì anh ấy có nói gì không biết mà hai bên giằng co nhau. Theo tôi thì việc đấy là tôi không đồng ý với cách xử sự của các anh, làm nó không được ấy mà chặt chẽ quá đâm ra tôi cảm thấy có sự không ổn, đâm ra tôi đã không ký vào biên bản.

Trong khi đó, Đài Á Châu Tự do tìm đến ông Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc công an Hà Nội, người trực tiếp chỉ đào việc điều tra vụ án.
Khánh An: Alô. Vâng, thưa ông Chung phải không?

Không chỉ riêng gia đình ông Tùng, mà rất nhiều người dân đang chờ đợi một câu trả lời thỏa đáng từ phía các cơ quan công quyền để không phải "tức nước" đến "vỡ bờ"!

Ông Nguyễn Đức Chung: Vâng.

Khánh An: Tôi chỉ muốn hỏi thăm việc điều tra của…

Ông Nguyễn Đức Chung: Chị không có cái gì có thể hỏi được cả, nhá.

Khánh An: Tại sao vậy, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Chung: Tôi không tiếp ai ngoài này cả, nhá. Chị nhầm máy rồi.

Khánh An: Tôi được biết số này là số chính xác của ông…

Ông Nguyễn Đức Chung: Chị nhầm máy rồi, nhá.

Khánh An: Đã nhiều lần, lực lượng công an sử dụng vũ lực gây thương tích và làm thiệt mạng người dân, khiến cho công luận rất bất bình. Không chỉ riêng gia đình ông Tùng, mà rất nhiều người dân đang chờ đợi một câu trả lời thỏa đáng từ phía các cơ quan công quyền để không phải "tức nước" đến "vỡ bờ"!

K.A

Nguồn: rfa.org