Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

11 tháng 2 2010

TÌM HIỂU DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN

Đồng thuận nền tảng cho một cố gắng quốc gia mới.

Thời đại của các chủ nghĩa và ý thức hệ đã chấm
dứt. Từ nay không còn những chân lý không thể đặt
lại. Tuy vậy, một tập hợp chính trị trong mỗi giai
đoạn vẫn cần đồng thuận trên một số nhận định
nền tảng.

Giữa những thay đổi dồn dập đòi hỏi những chính sách
và biện pháp đa dạng và phức tạp để thích nghi với
tình thế, mọi người cần nắm vững những chọn lựa
nền tảng, nghĩa là những gì không thay đổi và giải
thích cái tại sao của các biện pháp và chính sách. Đó
là điều kiện để đất nước không mất phương hướng
và để người dân có thể hiểu và đóng góp một cách
có ý thức vào sinh hoạt quốc gia. Chúng ta là một dân
tộc đông đảo và phải đương đầu với rất nhiều
vấn đề trầm trọng và gai góc, công việc của chúng ta
chắc chắn là rất phức tạp. Chính sự phức tạp đó
đòi hỏi các tổ chức chính trị phải minh định những
chọn lựa có tính chủ thuyết, chủ thuyết được hiểu
theo nghĩa không phải là chủ nghĩa hay ý thức hệ, cũng
không phải là những học thuyết với cấu trúc lý luận
phức tạp, mà là những ý kiến đơn giản được coi là
đúng và được lấy làm căn bản cho các chính sách và
biện pháp trong một giai đoạn khá dài.

Đồng thuận căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
gồm bốn điểm sau đây : đất nước phải được quan
niệm như một không gian liên đới và một tương lai chung,
thể chế chính trị cho Việt Nam là dân chủ đa nguyên,
tinh thần chỉ đạo của cố gắng làm lại đất nước
là hòa giải và hòa hợp dân tộc, cố gắng phát triển
kinh tế phải đặt trên nền tảng kinh tế thị trường
và sáng kiến cá nhân.

1. Quốc gia : một không gian liên đới và một dự án
tương lai chung.

Nước Việt Nam ta đã hình thành từ ngàn xưa và đã có
hơn hai ngàn năm lịch sử. Đó là một sự kiện mà mọi
người Việt đều có thể tự hào. Tuy vậy, cũng như mọi
nước khác, chúng ta mới chỉ biết đến khái niệm quốc
gia, hiểu theo nghĩa một thực thể thuộc quyền sở hữu
của mọi người, gần đây thôi. Lý do là vì chính ý
niệm quốc gia cũng là một ý niệm rất mới, được khai
sinh ra cùng với dân chủ.

Cho tới khi ý niệm dân chủ ra đời, các vương quốc chỉ
là của một nhà vua. Lãnh thổ cũng như người dân thuộc
quyền sở hữu của vua và bị đặt dưới quyền quyết
định độc quyền và tuyệt đối của vua. Đất cũng như
dân có thể đổi chủ một cách tùy tiện theo sự chuyển
nhượng giữa các vua chúa. Trong bối cảnh đó không thể
có các quốc gia đúng nghĩa. Sự quyến luyến với mảnh
đất của tổ tiên và những người quen thuộc chưa phải
là tinh thần dân tộc hay lòng yêu nước. Người dân không
có thẩm quyền nào trên đất nước thì cũng không có
trách nhiệm nào đối với đất nước. Ý thức dân chủ
đã biến các vương quốc thành những quốc gia và đã là
nền tảng cho một nhà nước, hay chính quyền, của dân, do
dân và vì dân.

Khác hẳn với các vương quốc đã dần dần hình thành
với thời gian, quốc gia là một thực thể bao gồm một
lãnh thổ, một chính quyền, một di sản văn hóa lịch sử
và những con người bình đẳng gắn bó với lãnh thổ
đó, chấp nhận chính quyền đó, chia sẻ di sản lịch sử
và văn hóa đó và, quan trọng hơn hết, chấp nhận xây
dựng và chia sẻ với nhau một tương lai chung. Quốc gia ở
trên mọi người và là của chung mọi người.

Cùng với ý niệm quốc gia như là một thực thể của
chung mọi người nhưng cũng là của mỗi người đã xuất
hiện một ý thức cộng đồng theo đó mỗi người không
thể hoàn toàn tự giải quyết lấy mọi vấn đề cá nhân
của mình, trái lại sự thành công hay thất bại của mỗi
người còn tùy thuộc vào một quốc gia mà mỗi người
từ nay vừa có bổn phận vừa có quyền lợi lại vừa có
thẩm quyền đóng góp để bảo vệ và cải thiện. Ý
thức cộng đồng này đến lượt nó tạo ra lòng yêu
nước, một tình yêu đối với những người thân thuộc,
đồng hành và cùng phấn đấu với mình. Lòng yêu nước
này không thể bị đồng hóa với tinh thần bài ngoại
của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

Nhà nước dân chủ, đặt nền tảng trên ý niệm quốc
gia, đã là tiến bộ vĩ đại nhất của loài người trong
các thế kỷ 17 và 18. Những nhà nước-quốc gia này vì
được tổ chức để khuyến khích và đón nhận sự
hưởng ứng tự do và tự nguyện của mọi người đã
giải tỏa sinh lực, ý kiến và sáng kiến của toàn dân,
đã thúc đẩy mọi tiến bộ khoa học, kỹ thuật, triết
học, văn hóa và nghệ thuật và đã khiến các nước
phương Tây vượt xa hẳn phần còn lại của thế giới.
Trong chiều sâu, lý do chính đã khiến các nước phương
Tây đột ngột gia tăng sức mạnh là sự khám phá ra ý
niệm quốc gia.

May mắn hơn nhiều dân tộc khác, người Việt Nam có một
truyền thống sống chung lâu dài và ổn vững do điều
kiện địa lý đặc biệt. Phần đất lâu đời của chúng
ta, miền Bắc, được vách núi dầy dặc về phía Bắc và
phía Tây bao che trong khi phía Đông tựa lưng ra biển cả.
Nhờ tình trạng biệt lập đó mà biên giới cũng như cấu
tạo nhân văn của ta đã không thay đổi bao nhiêu trong
nhiều thế kỷ. Do đó mà ý thức cộng đồng và sự
quyến luyến với quê cha đất tổ rất cao và đã có thể
làm nền tảng cho một ý thức quốc gia và dân tộc rất
mạnh. Nhưng do sự thiếu hụt tư tưởng chính trị, chúng
ta đã chỉ biết đến ý niệm quốc gia, như là một thực
thể của chung mọi người dân, một cách muộn màng. Chúng
ta chỉ biết đến ý niệm quốc gia vào lúc đang bị
ngoại bang thống trị. Từ đó đến nay chúng ta liên tiếp
chịu đựng những cuộc chiến và những chế độ độc
tài. Chúng ta chưa bao giờ có dân chủ, yếu tố nền tảng
của quốc gia và dân tộc, do đó chúng ta chưa xây dựng
được một quốc gia đúng nghĩa và cũng chưa vận dụng
được sức mạnh thực sự của một dân tộc.

Nếu các nhà nước-quốc gia đã là nguyên nhân tạo ra
sức mạnh và sự phồn vinh của các nước Âu Mỹ thì sự
thiếu vắng của chúng cũng giải thích sự thua kém và
những đau khổ của nhiều nước trong đó có chúng ta.

Các nhà nước-quốc gia mạnh và có ích lợi lớn vì chúng
đã được quan niệm một cách đúng đắn. Quốc gia là
của mọi người và ở trên tất cả. Nhà nước, hay chính
quyền, chỉ có sứ mệnh phục vụ quốc gia, do đó phải
ở trong và ở dưới quốc gia. Nhà nước không phải là
cứu cánh mà chỉ là công cụ và vì thế chỉ cần được
tạo dựng và duy trì ở mức độ thực sự cần thiết.
Quốc gia mới là cứu cánh, mà quốc gia trước hết là
tập thể những người công dân tự do và bình đẳng.

Nhà nước không có quyền lợi của riêng mình mà chỉ
biết quyền lợi của quốc gia, trong khi quyền lợi của
quốc gia do toàn dân qui định sau một đúc kết đứng
đắn của những ý kiến cá nhân được bày tỏ một cách
tự do. Về cơ bản nhà nước-quốc gia là dụng cụ để
thực hiện đồng thuận xây dựng tương lai chung của
những con người tự do. Chính vì thế mà nhà nước ấy
một mặt động viên được sự đóng góp của mọi
người và, mặt khác, bảo đảm để mọi người phát huy
tối đa khả năng của mình và đóng góp tối đa vào phúc
lợi chung.

Chúng ta, cũng như nhiều dân tộc không may khác, đã thua
kém bởi vì chúng ta không có được những nhà nước như
thế. Ngược lại, ở mỗi giai đoạn, chúng ta chỉ có
những nhà nước của riêng một tập đoàn cầm quyền thay
vì của mọi người. Những nhà nước đó có quyền lợi
của riêng mình và chỉ biết quyền lợi của riêng mình
cho nên chỉ có ưu tư giữ lấy quyền lực của mình bằng
mọi giá ngay cả nếu phải gây những thiệt thòi lớn cho
dân tộc. Đó là những nhà nước khống chế thay vì phục
vụ quốc gia, những nhà nước coi dân chúng là đối
tượng để kiểm soát và sử dụng thay vì là những đối
tượng để bảo vệ và phục vụ.

Chúng ta hiện đang đứng trước tình trạng đặc biệt
trầm trọng bởi vì chúng ta chưa xây dựng xong một quốc
gia đúng nghĩa trong khi ý niệm quốc gia đang bị xét lại
và vượt qua. Như thế chúng ta vừa phải nhanh chóng xây
dựng một quốc gia đúng nghĩa lại vừa phải đúng hẹn
với tương lai, nghĩa là quan niệm quốc gia theo nghĩa mà
nó sẽ phải có.

Do sự bùng nổ của các phương tiện giao thông và truyền
thông, đồng thời với những trao đổi dồn dập và sự
bành trướng của những tư tưởng mới, các yếu tố cấu
tạo truyền thống của tinh thần quốc gia dân tộc đã
thay đổi trọng lượng tương đối.

Cảm giác yên tâm trong sự gần gũi, sự lo sợ cái lạ và
người lạ, liên hệ huyết thống, sự ràng buộc với
lịch sử và văn hóa cổ truyền, sự quyến luyến với
mảnh đất quen thuộc, sự tiện nghi trong việc giao tiếp
với những người cùng một tập quán và nếp sống, v.v.
tất cả đều trở thành không quan trọng và ngày càng
không quan trọng trong một thế giới cho phép sự trao đổi
trực tiếp và tức khắc, kể cả làm việc chung, giữa
những con người ở hai đầu trái đất và trong đó con
người di chuyển và tiếp xúc thường xuyên, thu nhận hàng
ngày đủ loại thông tin, hình ảnh và ý kiến. Quả đất
đã là quê hương bé nhỏ chung của cả loài người và
hạnh phúc cá nhân đã trở thành giá trị cao nhất. Những
tình cảm truyền thống đã đóng góp tạo ra tinh thần
quốc gia dân tộc ngày càng bộc lộ tính thủ cựu và
hạn hẹp của chúng.

Mặt khác vai trò và chỗ đứng của quốc gia cũng bị
công phá từ mọi phía. Từ bên ngoài, với những kết
hợp khu vực tạo ra một không gian hoạt động lớn hơn,
từ bên trong do những đòi hỏi của các cá nhân và các
cộng đồng sắc tộc, và từ cả trong lẫn ngoài do sự
bành trướng nhanh chóng của các công ty đa quốc gia mà vai
trò và trọng lượng đang gia tăng nhanh chóng.

Trong bối cảnh đó, những lý do ràng buộc con người với
đất nước dĩ nhiên phải thay đổi và trên thực tế đã
thay đổi. Con người ngày nay ràng buộc với đất nước
trước hết vì một trong ba lý do : vì đất nước bảo
đảm cho mình những che chở và quyền lợi đặc biệt, vì
đất nước đem lại cho mình một nguồn hãnh diện hay,
một cách giản dị, vì đất nước là của mình.

Trong các yếu tố cấu tạo ra quốc gia, lãnh thổ không
còn giá trị tuyệt đối, con người có thể yêu nước và
đóng góp cho đất nước dù sống ở bất cứ nơi nào. Di
sản lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ cũng đã giảm t)ầm
quan trọng. Chính quyền cũng không quan trọng. Quan niệm
một tổ quốc thiêng liêng mà mọi người phải phục
tùng, tôn kính và phục vụ vô điều kiện lại càng lỗi
thời. Còn lại những con người và dự án tương lai chung,
hai yếu tố cấu tạo của quốc gia mà tầm quan trọng
ngày càng tăng lên.

Như thế, một quốc gia chỉ có thể tồn tại nếu được
quan niệm không phải như một chủng tộc hay một quá khứ
mà như một không gian liên đới giữa những con người
hiểu nhau, quí trọng nhau và hợp tác với nhau để xây
dựng và chia sẻ một tương lai chung. Quốc gia như thế
chủ yếu là xã hội dân sự với ký ức của nó, với
những vấn đề phải giải quyết của nó và với những
dự định tương lai của nó. Nhà nước ở trong và ở
dưới quốc gia với sứ mạng phục vụ quốc gia cho nên
nhà nước có vai trò phục vụ chứ không khống chế xã
hội dân sự.

Một đất nước được hiểu như thế vẫn còn khả năng
để ràng buộc người Việt Nam với nhau và vẫn rất cần
thiết cho mọi người, đồng thời cũng là môi trường
thuận lợi cho những hợp tác. Đất nước ấy sẽ có
lợi cho mọi người bởi vì đó sẽ là môi trường phát
triển tự nhiên cho mỗi người. Đất nước ấy sẽ là
nguồn yểm trợ để mọi người chúng ta xây dựng đời
mình đồng thời cùng nhau xây dựng một niềm tự hào
chung và tăng cường những quyền lợi chung. Đất nước
ấy cũng sẽ là một chỗ dựa tình cảm cho mỗi người
để hạnh phúc được toàn vẹn. Đất nước ấy phải là
của mọi người chứ không phải là của riêng của một
thế lực hay đảng phái nào.

Đó là quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên về
đất nước Việt Nam. Niềm tin của Tập Hợp Dân Chủ Đa
Nguyên là chỉ có một quan niệm về quốc gia như vậy
mới có thể đem lại cho mọi người Việt Nam lý do để
yêu nước và chung sức dựng nước, nghĩa là mới cho phép
Việt Nam tồn tại và vươn lên.

2. Dân chủ đa nguyên

Để thoát khỏi bế tắc hiện nay và hội nhập vào thế
giới tiến bộ, để có thể động viên một cách hữu
hiệu mọi sinh lực quốc gia vào cố gắng vươn lên mưu
tìm một chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng quốc
tế, Việt Nam không có chọn lựa chính trị nào khác hơn
là một thể chế dân chủ đa nguyên.

Dân chủ đa nguyên không những là chọn lựa hiển nhiên
cho Việt Nam mà còn là hướng đi tất yếu của loài
người tiến bộ.

Cuộc tranh cãi gay go nhất trong thế kỷ hai mươi đã là
cuộc tranh cãi về dân chủ. Hàng chục triệu người trên
khắp thế giới đã thiệt mạng vì những xung đột gây ra
bởi cuộc tranh cãi này. Vấn đề cốt lõi là làm thế
nào để người dân quyết định vận mệnh đất nước,
và nhiều công thức đã được đề ra và thử nghiệm.

Cuộc tranh cãi này hiện nay có thể coi như đã chấm dứt.
Chủ nghĩa Mác-Lênin và mô hình "dân chủ xã hội chủ
nghĩa" mà nó đề xướng đã hoàn toàn sụp đổ. Các chế
độ cộng sản còn lại chỉ còn là những chế độ độc
tài bạo ngược thuần túy. Mô hình dân chủ đặt nền
tảng trên tự do cá nhân đã thắng về mặt lý thuyết và
cũng đang thắng trên thực tế. Số lượng các nước dân
chủ đang gia tăng mau chóng.

Nhiều người nói nền dân chủ kiểu phương Tây, mà hầu
hết các dân tộc trên thế giới đã chấp nhận là đúng,
tự nhiên đã có đa nguyên. Điều này có phần đúng,
nhưng cụm từ "dân chủ đa nguyên" có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng của nó, nhất là đối với người Việt Nam
trong giai đoạn hiện tại. Nó nói lên một tinh thần, một
thái độ và một lý tưởng. Tinh thần đó là tinh thần
bao dung và khoan nhượng, tôn trọng mọi người, mọi ý
kiến. Thái độ đó là thái độ bác bỏ thẳng thắn mọi
hình thức độc tài chuyên chính, kể cả, và nhất là,
thứ "dân chủ" bịp bợm mệnh danh là "dân chủ tập trung"
hay "dân chủ xã hội chủ nghĩa" dành địa vị độc tôn
cho một chủ nghĩa và một tập đoàn lãnh đạo. Lý
tưởng đó là lý tưởng xây dựng đất nước Việt Nam
có chỗ đứng xứng đáng và ngang nhau cho tất cả mọi
người.

Đa đảng chưa phải là đa nguyên nếu mọi khuynh hướng
không được nhìn nhận một chỗ đứng ngang nhau. Trong
những ngày độc đoán và giáo điều nhất của nó, chế
độ cộng sản Việt Nam cũng đã có ba hoặc bốn đảng,
nhưng không phải vì thế mà nó đã có đa nguyên. Đa
đảng chỉ là yếu tố cần, nhưng chưa đủ, của đa
nguyên. Đa nguyên là một tinh thần, trong khi đa đảng chỉ
là một con số.

Trong cuộc tranh hùng với phong trào cộng sản, các nước
phương Tây đã lấy một quyết định vô cùng táo bạo là
thay vì co cụm lại trong một kỷ luật tự vệ xơ cứng
lại phát triển tối đa nền dân chủ của họ, mà nét
đậm nhất là sự tôn trọng mọi khác biệt trong xã hội,
và họ dần dần tiến tới dân chủ đa nguyên. Tuy vậy
nhiều thể chế tư bản phương Tây chưa phải là những
nền dân chủ đa nguyên đúng nghĩa. Các nước phương Tây
ở vào những mức độ đa nguyên khác nhau.

Dân chủ đa nguyên là sự hội nhập và ứng dụng triết
lý đa nguyên vào đời sống chính trị. Căn bản của
triết lý đa nguyên là tinh thần bao dung, là sự nhìn nhận
và tôn trọng mọi khác biệt trong xã hội. Dĩ nhiên tính
đa nguyên có trong mọi xã hội và nếu muốn ngụy biện
thì xã hội nào cũng đa nguyên cả, nhưng điều độc đáo
là triết lý đa nguyên thay vì coi sự hiện diện của
những thành tố khác biệt như một thực tại phải nhìn
nhận và khắc phục, lại coi như một lẽ tự nhiên, một
sự phong phú cần được khuyến khích và khai thác. Đó là
một phong cách sinh hoạt chính trị. Dân chủ đa nguyên là
dân chủ nhưng không phải dân chủ nào cũng là dân chủ
đa nguyên.

Dân chủ đa nguyên là một hệ thống chính trị mới với
những đặc tính bắt buộc của nó. Ta có thể nhấn mạnh
năm đặc tính :

Một là : dân chủ đa nguyên nhìn nhận và tôn trọng chỗ
đứng và tiếng nói ngang nhau cho mọi người thuộc mọi
thành phần xã hội, mọi tín ngưỡng và mọi khuynh hướng
chính trị. Dân chủ đa nguyên lên án mọi phân biệt đối
xử, nó chống đối quyết liệt chế độ độc đảng.
Một cách cụ thể bản hiến pháp của một thể chế dân
chủ đa nguyên không thể chứa đựng bất cứ một qui
chiếu nào về một chính đảng, một chủ nghĩa hay một
tôn giáo.

Hai là : ngoài nguyên tắc phân quyền phải có trong mọi
nền dân chủ xứng đáng với tên gọi của nó, dân chủ
đa nguyên đòi hỏi tản quyền để tôn trọng sự khác
biệt giữa các địa phương. Một chính quyền dù xuất
phát từ bầu cử tự do đi nữa cũng không phải là dân
chủ đa nguyên nếu phần lớn quyền hành tập trung trong
tay chính quyền trung ương. Trong một thể chế dân chủ đa
nguyên các chính quyền địa phương, do nhân dân địa
phương bầu ra, phải có những quyền luật định rộng
rãi để tổ chức cuộc sống phù hợp với bối cảnh
riêng của mỗi vùng. Mỗi vùng phải có diện tích và dân
số ở mức độ thỏa đáng để có thể là những thực
thể đủ tầm vóc để tự quản được và phát triển
được. Như thế một số nguyên nhân xung đột sẽ tự
nhiên được giải tỏa. Các sắc tộc ít người sẽ có
được tiếng nói đáng kể tại các địa phương mà họ
tập trung đông đảo. Các chính đảng không có được đa
số trong các cuộc bầu cử toàn quốc vẫn có thể nắm
được chính quyền tại những địa phương nơi họ
được tín nhiệm. Dân chủ đa nguyên làm nhẹ đi mối
căng thẳng chính quyền - đối lập, ở cấp trung ương
cũng như cấp địa phương, và xóa bỏ mối xung khắc
"được làm vua thua làm giặc". Tản quyền đưa tới hệ
luận là chính quyền trung ương không cai trị trực tiếp
mà chỉ đảm nhiệm các sứ mạng quốc phòng, ngoại giao,
tiền tệ và phối hợp giữa các địa phương. Một vai
trò khác của chính quyền trung ương là thực hiện các
công trình cơ sở hạ tầng trên qui mô cả nước và trợ
giúp các chương trình địa phương đáng khuyến khích.

Ba là : dân chủ đa nguyên đặt nền tảng trên xã hội
dân sự. Bên cạnh các chính đảng, các cộng đồng sắc
tộc, địa phương và tôn giáo, các hiệp hội công dân
tổ chức theo ngành nghề, quyền lợi, nhân sinh quan, sở
nguyện, ưu tư, v.v. được hoạt động độc lập với
chính quyền, được nhìn nhận một chỗ đứng trọng
yếu, được có tiếng nói và ảnh hưởng trong sinh hoạt
cũng như trong sự tiến hóa của xã hội. Nhà nước tự
coi mình là có sứ mạng phục vụ xã hội dân sự chứ
không khống chế xã hội dân sự, không định đoạt sinh
hoạt thường ngày thay cho xã hội dân sự. Về mặt kinh
tế, điều này có nghĩa là nền kinh tế quốc gia phải
đặt nền tảng trên các xí nghiệp tư, khu vực quốc doanh
phải được giới hạn ở mức tối thiểu và nếu không
có thì càng hay. Một xã hội dân sự mạnh và đa dạng là
bảo đảm chắc chắn nhất cho sự chuyển hóa thường
trực, tự nhiên và liên tục của xã hội, tránh những
xáo trộn đột ngột và đầy đổ vỡ của các cuộc cách
mạng.

Bốn là : dân chủ đa nguyên kính trọng các thiểu số và
luôn luôn mưu tìm thỏa hiệp. Trong một thể chế dân chủ
đa nguyên, nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số không
được sử dụng một cách tự động và máy móc mà chỉ
được dùng tới sau khi đã tận dụng mọi cố gắng để
tìm đồng thuận. Dân chủ đa nguyên chống lại mọi hình
thức chuyên chính, kể cả chuyên chính của đa số. Bình
thường trong một thể chế dân chủ sự chính đáng của
một chính quyền dựa trên kết quả của cuộc bầu cử
cuối cùng, nhưng trong dân chủ đa nguyên sự chính đáng
của một chính quyền còn nằm cả trong sự thành khẩn
tìm đồng thuận trong mọi quyết định quan trọng.

Năm là : dân chủ đa nguyên trong bản chất của nó tôn
trọng mọi thành phần dân tộc và không thể để một
thành phần này bóc lột và chà đạp một thành phần
khác. Vì thế dân chủ đa nguyên coi rất trọng công bằng
xã hội và không thể đi đôi với cái thường được
gọi là "tư bản rừng rú".

Trong một thể chế dân chủ đa nguyên, nhà nước không
còn là người chỉ huy tuyệt đối. Vai trò của nhà nước
là đảm nhiệm ba chức năng : trọng tài trong các quan hệ
giữa các thành tố của xã hội, chế tài những vi phạm,
và hòa giải những đòi hỏi mâu thuẫn của các thành
phần dân tộc. Nhà nước hòa giải thay vì nhà nước chỉ
huy là nét đậm của dân chủ đa nguyên. Nó phân biệt
hẳn dân chủ đa nguyên với các chế độ chuyên chính,
nhưng nó cũng khiến dân chủ đa nguyên khác với nhiều
chế độ dân chủ trong đó chính quyền vẫn còn tham vọng
định đoạt thay cho xã hội dân sự.

Với sự tôn trọng mọi khác biệt, với vai trò nền tảng
của xã hội dân sự gồm vô số các cộng đồng, hiệp
hội công dân và các xí nghiệp, với tổ chức chính trị
tản quyền, xã hội đa nguyên là sự kết hợp vô cùng
phức tạp của vô số liên hệ đan xen. Một xã hội phức
tạp như vậy chỉ có thể tồn tại được với những
luật lệ rõ ràng, minh bạch và được áp dụng triệt
để. Nhà nước trong một thể chế dân chủ đa nguyên
chỉ có thể là một nhà nước pháp trị. Nhà nước văn
minh nào cũng phải là một nhà nước pháp trị nhưng nhà
nước dân chủ đa nguyên phải là một nhà nước pháp
trị toàn vẹn.

Nhìn vào thực trạng Việt Nam, nếu có một điều mà
chúng ta có thể quả quyết thì đó là với tình trạng
hận thù chồng chất, khủng hoảng niềm tin và thiếu
đồng nhất về lập trường hiện nay không thể áp đặt
một lực lượng nào hay một đường lối nào mà không
gặp sự chống đối mạnh mẽ. Thể chế Việt Nam tương
lai phải là một thể chế tôn trọng mọi khác biệt, dành
chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau cho mọi người và cho
mỗi người. Thể chế này do đó bắt buộc phải là một
thể chế dân chủ đa nguyên.

Nhiều người viện cớ dân ta chưa đủ kinh nghiệm dân
chủ, tinh thần kỷ luật còn chưa cao, lòng người còn
phân tán, v.v. để cho rằng dân chủ là một xa xỉ phẩm
đối với Việt Nam. Như vậy phải chăng chúng ta đành
phải tạm thời chấp nhận một phân lượng độc tài nào
đó? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta chỉ cần so sánh
những thành tựu của các nước dân chủ với thành tích
tồi tệ của các chế độ cộng sản, nhìn vào những gì
mà các chế độ độc tài cánh hữu đã từng đem lại cho
các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh.

Nhưng ngược lại cũng không nên ngộ nhận về bản chất
của dân chủ. Dân chủ không giải quyết tức khắc và
toàn bộ vấn đề phát triển. Thành công của mọi chế
độ đòi hỏi những chọn lựa đúng đắn và những con
người có khả năng. Dân chủ không đem cơm áo và sự
phồn vinh để phát không. Dân chủ không thay thế cho
những chọn lựa và những con người. Nhưng dân chủ là
một phong cách sinh ho_ạt cho phép đặt các vấn đề một
cách đúng đắn và chọn lựa một cách đúng đắn những
người có trách nhiệm. Dân chủ, và nhất là dân chủ đa
nguyên, cũng là một phương thức tổ chức xã hội cho
phép phát huy triệt để ý kiến và sáng kiến, động lực
cơ bản nhất của tiến bộ. Vì thế mức độ dân chủ
quyết định một giới hạn trên cho phát triển. Dân chủ
càng cao, khả năng phát triển càng cao.

Ngược lại, các chế độ độc tài cấm cản ý kiến và
sáng kiến, ngăn chặn tiến hóa hòa bình và liên tục của
xã hội, dung túng tham nhũng, bất công và lạm quyền, và
do đó ngăn cản phát triển. Chúng ta cần cảnh giác là
không thể có những chế độ độc tài sáng suốt bởi vì
nền tảng của mọi chế độ độc tài là sự kiêu căng
bệnh hoạn của một nhóm người tự nghĩ rằng họ đủ
thông minh để suy nghĩ thay cho cả một dân tộc. Nhà độc
tài trước hết là một kẻ u mê. Vả lại, nếu quan sát,
ta có thể thấy hầu hết các tập đoàn độc tài đều
thiếu văn hóa.

Dĩ nhiên dân chủ đa nguyên không thể đem lại tất cả
mọi phúc lợi của nó trong những điều kiện dân trí, xã
hội và kinh tế chưa tốt đẹp, nhưng ngay cả trong
trường hợp này dân chủ đa nguyên vẫn còn hơn xa độc
tài.

Chúng ta khẳng định : dân chủ đa nguyên thực sự và ngay
tức khắc.

Để có dân chủ đa nguyên thực sự, điều chúng ta phải
làm trước hết là xóa bỏ những hận thù do một quá
khứ đẫm máu để lại và được một chính sách phân
biệt đối xử nuôi dưỡng suốt thời gian qua. Hòa giải
dân tộc là một bắt buộc của hoàn cảnh lịch sử. Có
như thế chúng ta mới có thể chấp nhận lẫn nhau, nhận
lỗi với nhau và tha lỗi cho nhau, để chung sống với nhau
và bắt tay nhau xây dựng một tương lai chung. Còn nếu
không đa nguyên cùng lắm chỉ có nghĩa là tạm thời chịu
đựng lẫn nhau do một so sánh lực lượng chưa ngã ngũ.
Đa nguyên mà không có hòa giải dân tộc như vậy chỉ là
đa nguyên bệnh hoạn, chỉ chuẩn bị cho một sự thanh
toán lẫn nhau. Ngược lại dân chủ đa nguyên cũng là
điều kiện cần để có thể có hòa giải dân tộc thực
sự. Hòa giải mà không có đa nguyên chính trị cũng chỉ
là hòa giải bịp bợm, hòa giải trong sự khuất phục
của kẻ bị trị trước kẻ thống trị, nghĩa là một
hòa giải không thể có.

Đất nước ta không phải chỉ có những hận thù do chiến
tranh để lại. Chúng ta còn có vô số nguyên nhân chia rẽ
mà chúng ta đã không giải quyết được vì ta đã không ý
thức được tầm quan trọng của các vấn đề đặt ra,
hay vì hoàn cảnh chiến tranh đã không cho phép ta giải
quyết. Những cách biệt về tôn giáo, địa phương, sắc
tộc, giàu nghèo, nhân sinh quan, chính kiến, v.v. không
thiếu, và vì không được giải quyết nên càng ngày càng
trở nên trầm trọng. Dân chủ đa nguyên, do tinh thần bao
dung và mô thức tản quyền của nó là giải pháp giúp
mọi thành phần dân tộc đều có chỗ đứng và tiếng
nói, và do đó có thể chấp nhận lẫn nhau, xáp lại gần
nhau, hòa hợp với nhau để cùng xây dựng một tương lai
Việt Nam chung.

Không ai phủ nhận rằng đa nguyên là một lý tưởng
đẹp, đẹp đến nỗi các chế độ độc tài, dù bị
khốn đốn vì nó, cũng không dám phủ nhận nó một cách
dứt khoát.

Dân chủ đa nguyên đang trở thành đồng thuận căn bản
của dân tộc ta trong cuộc hành trình về tương lai. Đó
cũng là hướng đi tất yếu của loài người. Những
người tranh đấu cho dân chủ đa nguyên có quyền tự hào
vì mình đang theo đuổi một lý tưởng đẹp và cũng có
quyền lạc quan vì mình đang tranh đấu cho một lập
trường nhất định sẽ thắng lợi.

3. Hòa giải và hòa hợp dân tộc

Trong hơn bốn thế kỷ qua, kể từ khi họ Mạc cướp ngôi
nhà Lê hồi đầu thế kỷ 16, nước ta liên tiếp đi từ
cuộc chiến tranh này đến cuộc xung đột khác. Đất
nước bị chia cắt nhiều lần trong hơn hai thế kỷ, bị
đô hộ và bị đặt dưới những chế độ hành chánh
khác nhau trong gần một trăm năm. Chiến tranh, nội loạn,
trả thù, báo oán, bách hại đã là những yếu tố
thường trực trong lịch sử cận đại của ta. Khốc liệt
nhất là cuộc chiến sau cùng 1945-1975 trong đó lần đầu
tiên chúng ta xung đột với nhau cả về ý thức hệ, và
sau đó phe chiến thắng thi hành chính sách bỏ tù và hạ
nhục, đồng thời với vô số biện pháp phân biệt đối
xử.

Do hoàn cảnh lịch sử, chất liệu nhân xã của chúng ta
đã bị tổn thương nặng nề. Những đổ vỡ đòi hỏi
một thời gian hàn gắn rất lâu dài, do đó tinh thần căn
bản của mọi chính sách cho nhiều thế hệ tới sẽ phải
là hòa giải và hòa hợp dân tộc. Hòa giải dân tộc để
xóa bỏ những hận thù và hiềm khích của quá khứ để
đi đến hòa hợp dân tộc trong cố gắng xây dựng một
tương lai chung.

Trong một thế giới thay đổi dồn dập như hiện nay,
quốc gia nào cũng phải chịu những xáo trộn không ngừng.
Ngành này tiến lên trong khi ngành kia suy thoái, khu vực này
bành trướng trong khi khu vực khác trì trệ. Những chênh
lệch xã hội liên tiếp xuất hiện và các chính sách dù
hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể nào thỏa mãn được
tất cả mọi người. Cho nên quốc gia nào, dân tộc nào
cũng luôn luôn phải hòa giải với nhau vì các mối xung
đột quyền lợi và căng thẳng luôn luôn xảy ra. Hòa
giải đã trở thành triết lý điều hành quốc gia.

Hòa giải là bắt buộc của mọi dân tộc dù ở trình
độ nào và có lịch sử nào. Nhưng dân tộc Việt Nam là
một trong những dân tộc cần hòa giải hơn cả.

Chúng ta cần hòa giải cộng đồng quốc gia nói chung với
các sắc tộc ít người đã có mặt trên đất nước này
từ ngày mở nước và luôn luôn bị chà đạp và hắt
hủi trong suốt dòng lịch sử.

Chúng ta cần hòa giải các tôn giáo, nhất là Phật giáo
và Công giáo, hai tôn giáo đã bị các nhà cầm quyền
Việt Nam cũng như ngoại bang bách hại, đàn áp, phân biệt
đối xử và đặt vào thế đối đầu với nhau. Đã thế,
các hiềm khích, hậu quả của một hoàn cảnh lịch sử
trong đó cả hai tôn giáo đều là nạn nhân, thay vì
được giải tỏa còn đôi khi bị thổi phồng và khai thác
cho những tham vọng bất chính.

Chúng ta cần hòa giải và hòa hợp hai miền Nam-Bắc đã
thường xuyên bị chia cắt và đặt vào thế tương tranh
và kể từ 1975 bị chia rẽ bởi một chính sách không khác
gì một sự chiếm đóng của đảng cộng sản.

Chúng ta cần hòa giải đất nước với cộng đồng
người Việt hải ngoại đã phải bỏ người thân, tài
sản, mồ mả tổ tiên ra đi vì không thể chấp nhận
được một chính quyền hà khắc, đã phải chịu đựng
những khổ đau và mất mát rất lớn do hải tặc, sóng
gió và công an.

Chúng ta cũng cần hòa giải người Việt Nam với đất
nước Việt Nam. Phải nhìn nhận rằng làm người Việt Nam
trong thế kỷ 20 đã là một điều không may. Đất nước
đã chỉ là hy sinh. Hơn thế nữa, các tập đoàn lãnh
đạo kế tiếp nhau còn nhân danh đất nước để phạm
những tội ác rất nghiêm trọng. Dĩ nhiên, đất nước
không đồng hóa với người cầm quyền, nhưng vẫn được
thể hiện qua người cầm quyền. Vì thế, khi trong một
thời gian quá dài chỉ có những người cầm quyền gian
trá hay bạo ngược, hay vừa gian trá vừa bạo ngược, thì
chính hình ảnh của đất nước cũng bị tổn hại và
lòng yêu nước cũng bị suy giảm. Hòa giải người Việt
Nam với đất nước Việt Nam là điều phải làm để
phục hồi lòng yêu nước, một yếu tố không thể thiếu
nếu chúng ta còn muốn một tương lai cho Việt Nam. Muốn
như thế nhà nước, người đại diện đất nước, phải
là một nhà nước khiêm tốn, hiền hòa. Tổ quốc Việt
Nam phải được cảm nhận như một tình yêu và một dự
án tương lai chung.

Nhưng gần nhất và cũng đau đớn nhất, chúng ta vừa tàn
sát nhau trong một cuộc tương tranh kéo dài ba mươi năm.
Những vết thương vẫn còn chảy máu và thay vì được
hàn gắn đã bị trầm trọng hóa bởi một chính sách phân
biệt đối xử thô bạo.

Trong cuộc xung đột vừa qua chúng ta đã không có chọn
lựa tốt nào. Chúng ta đã chỉ có những chọn lựa đau
buồn, giữa cái dở và cái mà một cách chủ quan chúng ta
thấy là còn dở hơn. Chúng ta đã chỉ chịu đựng chứ
không làm chủ các biến cố. Rất ít người Việt Nam nào
đã thực sự tranh đấu cho cái mà mình ưa thích. Trong
tuyệt đại đa số, người Việt Nam, quốc gia cũng như
cộng sản, đã chỉ chống lại phe mà mình thấy là còn
tồi tệ hơn hàng ngũ mình đang đứng. Người không chịu
đựng được sự thối nát của các chính quyền quốc gia
thì đứng vào hàng ngũ cộng sản, mặc dầu cũng biết
bản chất bạo ngược của nó, còn người thấy rằng
để đất nước lọt vào tay cộng sản là một tai họa
quá lớn thì đứng vào hàng ngũ quốc gia, mặc dầu cũng
chán ghét sự thối nát của nó. Anh em ruột thịt, bạn bè
thân thích đã chỉ vì một sự lượng định nặng nhẹ
khác nhau, hay đã chỉ bị hoàn cảnh xô đẩy, mà phải
quay lưng lại với nhau, mạt sát nhau, bắn giết nhau. Cho
nên, ngoài những đổ vỡ về vật chất và sinh mạng, còn
có một đổ vỡ lớn hơn trong lòng mỗi người Việt Nam.

Để rồi, kẻ thì đã thua trận, bị tù đày và nhục
mạ, người thì nhận ra tất cả những hy sinh của mình
chỉ là để đóng góp cho một công trình đập phá đất
nước. Chẳng có ai có lý do gì để bắt lỗi ai, tất cả
chúng ta đều đã thất bại bẽ bàng. Chúng ta đều là
nạn nhân. Chúng ta phải bắt tay nhau cùng làm lại lịch
sử.

Thách đố trước mắt chúng ta là một tập đoàn cầm
quyền đã gây đổ vỡ trầm trọng cho đất nước, đã
thất bại trên tất cả mọi phương diện và trong tất
cả mọi địa hạt, nhưng vẫn xấc xược tự cho mình
độc quyền cai trị đất nước vô thời hạn và đàn áp
thô bạo mọi tiếng nói đối lập, dù là ôn hòa. Tập
đoàn này dùng mọi biện pháp để ngăn chặn hòa giải và
hòa hợp dân tộc vì họ biết rằng chỉ có thể duy trì
được sự thống trị của họ nếu dân tộc Việt Nam
bất lực vì hận thù và chia rẽ. Không những không xoa
dịu những vết thương của cuộc chiến, bằng những
biện pháp đàn áp chính trị, xếp loại dân chúng và phân
biệt đối xử, họ còn mở rộng hiềm khích tới nhiều
thành phần dân tộc và kéo dài hận thù tới thế hệ
vừa lớn lên.

Ngày hôm nay khát vọng của tuyệt đại đa số nhân dân
Việt Nam là dân chủ. Nhìn lại anh em, nhận lại bạn bè
phải là tinh thần chỉ đạo của một tập hợp dân tộc
mới, trong đó không có kẻ đúng người sai mà chỉ có
những người anh em bình đẳng cùng ngậm ngùi cho đất
nước và cùng kết hợp trong một cuộc vận động dân
chủ. Hòa giải và hòa hợp dân tộc chính là điều kiện
cốt lõi để cô lập và đánh bại tập đoàn độc tài
ngoan cố.

Nhưng vượt lên trên những sôi động nhất thời, hòa
giải và hòa hợp dân tộc cũng là một đoạn tuyệt lịch
sử cần thiết để bẻ gãy cái vòng luẩn quẩn của hận
thù và chia rẽ đã giam hãm chúng ta từ nhiều thế kỷ
qua, nhất là từ nửa thế kỷ nay. Đây là một đoạn
tuyệt lịch sử rất khó khăn vì ý niệm hòa giải dân
tộc hoàn toàn thiếu vắng trong tâm lý chính trị Việt
Nam. Trong gần tám thế kỷ, kể từ nhà Trần, nhổ cỏ
tận gốc, tru di tam tộc, tiêu diệt toàn bộ vẫn là
những biện pháp được người cầm quyền sử dụng thay
cho hòa giải. Dần dần cách ứng xử hung bạo đó đã ăn
rễ vào tâm lý tập thể làm cho ý niệm hòa giải trở
thành xa lạ đối với người Việt Nam. Vì thế nhiều
người đã nói rằng dân tộc Việt Nam không có nhu cầu
hòa giải trong khi thực sự chúng ta là một trong những
dân tộc cần hòa giải nhất. Chính vì thiếu tinh thần
hòa giải mà chúng ta đã bị tù hãm trong hận thù. Cái
vòng oan nghiệt đó đã khiến chúng ta không động viên
được mọi sinh lực của đất nước để vươn lên và
giải thích tại sao chúng ta đã phải quằn quại mãi trong
đói khổ và thua kém.

Hòa giải và hòa hợp dân tộc là điều kiện cần cho
thắng lợi của cuộc vận động dân chủ hiện nay và
cũng là điều kiện cần cho thành công của cố gắng
phục hưng đất nước ngày mai.

Thực thi hòa giải dân tộc không phải chỉ đơn thuần là
một tình cảm mà còn đòi hỏi những biện pháp cụ thể.
Nhà nước Việt Nam tương lai sẽ đặt con người tự do
làm đối tượng phục vụ cao nhất. Nhà nước Việt Nam
tương lai sẽ coi đa nguyên như một giá trị tuyệt đối.
Đa nguyên về mọi mặt tâm linh, văn hóa, chính trị, kinh
tế, xã hội. Nhà nước Việt Nam tương lai sẽ chế tài
nghiêm khắc mọi ngôn ngữ và thái độ xúc phạm với
mọi sắc tộc, mọi cộng đồng, mọi tín ngưỡng, mọi
quan điểm. Ngược lại nhà nước sẽ khuyến khích và
giúp đỡ tận tình mọi sáng kiến và cố gắng đem mọi
người Việt Nam thuộc mọi vùng, mọi sắc tộc, mọi tôn
giáo, mọi nhân sinh quan, mọi chính kiến đến gần nhau
hơn trong tinh thần tôn trọng mọi khác biệt. Nhà nước
Việt Nam tương lai sẽ phải phục hồi danh dự cho những
người đã bị hạ nhục, phải bồi thường thiệt hại,
dù chỉ là một cách không đầy đủ, cho những nạn nhân.
Xóa bỏ hận thù có nghĩa là sẽ không có những vụ án
chính trị, ngược lại sẽ có một đạo luật cấm nhà
nước truy tố bất cứ ai vì chức vụ mà họ đã giữ,
trừ khi họ đã vi phạm một cách rất nghiêm trọng ngay
chính những luật lệ đương hành lúc họ tại chức. Mọi
công dân có quyền tố cáo những hà hiếp mà mình đã là
nạn nhân, và nhà nước sẽ xử lý những tranh tụng đó
như những tranh tụng giữa những công dân bình đẳng
trước pháp luật.

Những biện pháp đó, được thực hiện với thành tâm
hàn gắn những vết thương do lịch sử để lại, sẽ
giúp chúng ta dần dần tiến tới hòa hợp dân tộc trong
cố gắng xây dựng và chia sẻ một tương lai Việt Nam
chung. Chúng ta sẽ khép lại một trang sử đau buồn của
đất nước và mở ra một trang sử mới viết bằng tình
tự dân tộc.

4. Phát triển đất nước trên nền tảng dân chủ, kinh
tế thị trường và sáng kiến cá nhân

Điều nhức nhối nhất của chúng ta là tình trạng lạc
hậu và nghèo khổ. Do đó trọng tâm của mọi cố gắng
quốc gia phải là phát triển, và một cái nhìn thấu đáo
về vấn đề phát triển là vô cùng quan trọng.

Ba phần tư nhân loại vẫn còn đang sống trong nghèo khổ,
một nửa đang sống trong nghèo khổ cùng cực. Cách đây
hai thế kỷ, ngay tại các nước phát triển nhất, quá
phân nửa dân số đã chết trước tuổi dậy thì. Phát
triển như vậy là một hiện tượng rất mới tại một
số nước nhờ một số điều kiện đặc biệt mà chúng
ta cần nhận diện để nắm bắt.

Trước hết, chúng ta hiểu phát triển như thế nào?

Phát triển là một thay đổi liên tục và kéo dài trong
thời gian, cho phép sử dụng ngày một hữu hiệu hơn tài
nguyên và nhân lực, đem lại cho quốc gia lợi tức ngày
một lớn hơn và cho con người cuộc sống ngày càng cao
hơn về cả vật chất lẫn tinh thần.

Phát triển là một khái niệm tương đối. Một quốc gia
được coi là phát triển khi đạt thành tích cao so với
phần còn lại của thế giới về lợi tức bình quân trên
mỗi đầu người, về giáo dục, y tế, gia cư và cơ sở
hạ tầng, khi hoạt động kinh tế mạnh và hiện đại,
môi trường sinh sống sạch và đẹp, các phương tiện di
chuyển, thông tin, học hỏi và giải trí dồi dào.

Phát triển, ngay cả với định nghĩa trên đây, cũng không
phải là tất cả. Sự thành công của một quốc gia, ngoài
phát triển, còn là sự kiện mọi người gắn bó một
cách tự nguyện trong cố gắng xây dựng một tương lai
chung và mỗi người cảm thấy được làm chủ đ^ời
mình, được sống theo ý mình, được quí trọng trong một
xã hội không đe dọa, được hưởng phúc lợi do cố
gắng của mình, được bảo đảm những cơ hội thăng
tiến công bình, và có lý do để tin rằng ngày mai sẽ hơn
ngày hôm nay và cuộc sống của con cái mình sẽ hơn cuộc
sống của mình. Đó là mục tiêu chúng ta muốn đạt tới.

Phát triển không phải chỉ là sự gia tăng tổng sản
lượng quốc gia. Do đó, một mức độ tăng trưởng 5%
của tổng sản lượng quốc gia với những hệ thống giáo
dục và y tế hoàn chỉnh, môi trường thiên nhiên được
bảo vệ và cải thiện, lợi tức được phân chia tương
đối đồng đều, phải được đánh giá là tốt hơn
nhiều lần một tăng trưởng 15% trong đó mọi vấn đề
văn hóa, xã hội và môi sinh bị bỏ rơi. Một thí dụ cụ
thể là trường hợp của Trung Quốc hiện nay. Mức độ
tăng trưởng tuy khá cao, nhưng sự thiệt hại gây ra cho
môi trường nếu qui ra chi phí để phục hồi còn cao hơn.
Sự chênh lệch giàu nghèo quá lố và sự chênh lệch giữa
các vùng ngày càng trở thành báo động, thêm vào đó là
gần một phần tư dân số trở thành du mục sống vất
vưởng trên các hè phố hay các khu tập trung đột xuất
tại các vùng ngoại ô. Chúng ta không thể chấp nhận một
tăng trưởng như thế. Chúng ta tìm kiếm một phát triển
hài hòa và cân bằng, bởi vì chỉ có phát triển đó mới
có thể kéo dài và mới xứng đáng được coi là một
mục tiêu quốc gia.

Tuy phát triển không phải chỉ là phát triển kinh tế,
nhưng phát triển kinh tế là yếu tố quan trọng nhất và
cũng là chìa khóa cho phát triển cân đối toàn bộ. Chúng
ta là một trong những dân tộc nghèo khổ và chậm tiến
nhất nên phát triển kinh tế là mục tiêu cấp bách nhất
đối với chúng ta.

Chúng ta cần đánh tan ngay một lấn cấn tai hại.

Bịp bợm lớn nhất trong thế kỷ 20 đã là luận điệu
cho rằng một xã hội muốn tiến nhanh cần một chế độ
độc tài sáng suốt, cần đình hoãn xây dựng dân chủ và
hy sinh một số tự do căn bản. Bịp bợm này đã là
nguyên nhân của những tang tóc ghê gớm. Nó đã tạo ra và
nuôi dưỡng các chế độ phát xít quân phiệt tại Ý,
tại Đức và tại Nhật. Nó đã giúp cho phong trào cộng
sản nảy sinh, phát triển và tồn tại trong ba phần tư
thế kỷ. Nó đã tiếp tay duy trì các chế độ độc tài
tại châu Mỹ La Tinh và châu Á trước đây. Và nó vẫn
đang được dùng làm chỗ dựa lý luận của nhiều chế
độ độc tài khác, trong đó có Việt Nam.

Những chế độ này đã chỉ đem lại những kết quả
tồi tệ. Các chế độ độc tài tại Ý, Đức và Nhật
đã tích lũy mâu thuẫn, đã bế tắc và phải lao đầu
vào các cuộc chiến tự hủy. Chế độ cộng sản tại
Liên Xô đã hủy hoại tài nguyên, môi trường, đã đày
đọa dân chúng rồi sụp đổ. Tất cả những chế độ
độc tài khác đều có một thành quả giống nhau : đói
khổ và lạc hậu.

Sự thực, phát triển là hậu quả của tự do và dân
chủ. Nhưng vì tự nó phát triển cũng thúc đẩy và phát
huy tự do dân chủ nên dễ có ngộ nhận giữa hậu quả
và nguyên nhân đưa đến lập luận cứ tạm chấp nhận
độc tài để có phát triển rồi sau đó phát triển sẽ
đem tới dân chủ. Sự ngộ nhận này đã bị các tập
đoàn độc tài khai thác.

Kinh nghiệm của các dân tộc chứng minh điều đó.

Hiện tượng phát triển trên qui mô quốc gia đã bắt
đầu xuất hiện tại châu Âu và Hoa Kỳ sau khi nh¨ững xã
hội đặt nền tảng trên dân chủ được thành lập.
Nguyên nhân đã làm nảy sinh ra phát triển là trọng
lượng của nhà nước trong đời sống thường ngày
được giảm nhẹ, một hiến pháp dân chủ và ổn vững
được thượng tôn, luật pháp thay thế cho các quyết
định tùy tiện của người cầm quyền, con người được
tôn trọng và được bảo vệ, kinh tế hoạt động theo qui
luật của thị trường, hoạt động kinh doanh được tôn
vinh, buôn bán và trao đổi được đề cao, ý kiến và
sáng kiến được khuyến khích và tưởng thưởng, lợi
nhuận được nâng lên hàng một giá trị.

Quốc gia châu Á duy nhất đã bắt kịp các nước phương
Tây ngay đầu thế kỷ 20 là Nhật đã phát triển được
nhờ mau chóng chấp nhận sinh hoạt kinh tế phương Tây.
Dưới cái vung thống trị của một giai cấp hiệp sĩ kiêu
căng sống tách rời hẳn khỏi quần chúng, một xã hội
dân chủ đã âm thầm hình thành giữa đại đa số người
Nhật và đã khiến cho nước Nhật vươn lên ngay từ thế
kỷ 18, rồi vươn lên mạnh mẽ từ nửa sau thế kỷ 19.

Sự kiện hai chế độ phát xít Ý và quốc xã Đức đã
đem lại một số tiến bộ lúc ban đầu, và chế độ
quân phiệt Nhật đã duy trì được phát triển trong vài
thập niên, giúp ta nhận diện một yếu tố khác của phát
triển vốn đã có trong những phát triển trước đây :
đồng thuận dân tộc. Cả ba dân tộc này vào thời điểm
đó đều cùng bực tức vì thua kém và đều có được
những lãnh tụ đủ sức lôi cuốn để đoàn kết họ
trong một cố gắng chung .

Kinh nghiệm của các nuớc vừa phát triển tại châu Á
cần được nhìn một cách chính xác bởi vì, trái với
nhận định hời hợt của một số người và trái với
giải thích gian trá của các chế độ độc tài, các quốc
gia này đã phát triển được vì họ đã dân chủ hơn và
tự do hơn các nước chậm tiến khác, mặc dầu chưa thể
nói họ đã đạt tới dân chủ trọn vẹn và đúng nghĩa.

Các nước châu Mỹ La Tinh với tài nguyên phong phú đã
quằn quại trong hơn một thế kỷ rưỡi trong lạc hậu
dưới các chế độ độc tài và đã chỉ vươn lên từ
thập niên 1980 nhờ dân chủ.

Tại châu Âu, ba nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp,
vì vướng mắc vào các chế độ độc tài mà đã tụt
hậu bi đát ; họ đã chỉ vươn lên từ thập niên 70 nhờ
vứt bỏ được ách độc tài.

Ngay cả những tiến bộ kinh tế được ghi nhận gần đây
tại Trung Quốc và Việt Nam cũng không phải là ngoại
lệ : chúng đã có được nhờ kinh tế thị trường và
nhờ một mức độ tự do lớn hơn.

Kinh nghiệm của mọi dân tộc đã chứng minh : dân chủ,
quyền tư hữu, kinh tế thị trường, nhà nước nhẹ là
những yếu tố làm nảy sinh ra phát triển kinh tế.

Nhưng kinh nghiệm cũng cho thấy cùng những yếu tố ấy
đã tạo ra những phát triển kinh tế khác nhau về vận
tốc và về cường độ tại các quốc gia khác nhau, và
nhiều quốc gia với điều kiện thiên nhiên bất lợi đã
phát triển mạnh mẽ hơn những quốc gia khác, cũng dân
chủ và còn có tài nguyên phong phú hơn nhiều. Các yếu
tố tâm lý và văn hóa đã đóng góp vai trò quyết định.

Sau khi đã quan sát lịch sử của các dân tộc chúng ta
cũng có thể tiếp cận hiện tượng phát triển bằng lý
luận kinh tế.

Phát triển kinh tế đòi hỏi ba yếu tố vừa cần vừa
đủ : con người có ước muốn kinh doanh, có thể kinh
doanh, và có phương tiện để kinh doanh.

Để ước muốn kinh doanh người dân cần một bối cảnh
tâm lý thuận lợi : hoạt động kinh doanh được xã hội
quí trọng, ý kiến và sáng kiến được đề cao, sự
chấp nhận rủi ro được tôn vinh ; họ cũng cần có lý do
để lạc quan tin tưởng rằng kinh doanh sẽ có lợi và
lợi tức đó sẽ là của họ. Nói một cách khác, để
kinh doanh, cùng với một bối cảnh kinh tế lạc quan, nhà
kinh doanh cần một tâm lý xã hội thuận lợi cho kinh doanh
và một bảo đảm chắc chắn về quyền tư hữu. Yếu tố
khởi động này của phát triển giải thích tại sao các
nước cộng sản đã suy sụp vì không tôn trọng quyền tư
hữu. Nhưng quan trọng hơn, nó giải thích tại sao hiện
tượng phát triển đã chỉ có tại một số quốc gia nhờ
một tâm lý xã hội thuận lợi.

Để có thể kinh doanh, doanh nhân cần một xã hội có
trật tự và an ninh, cần được luật pháp đảm bảo và
được tự do hành động ; họ không thể bị trói buộc
bởi quá nhiều qui định, không bị gò bó trong một kế
hoạch quốc gia cứng chắc, không phải nộp thuế quá cao,
không bị sách nhiễu bởi một guồng máy chính quyền tham
nhũng. Chúng ta nhìn thấy ở đây sự cần thiết của một
thể chế dân chủ pháp trị, của một hoạt động kinh
tế thị trường thay vì kinh tế hoạch định, của một
guồng máy nhà nước nhẹ. Nhưng chúng ta cũng nhìn thấy
một lần nữa các yếu tố tâm lý : đạo đức và lương
thiện. Tham nhũng cũng là hậu quả của sự suy đồi của
đạo đức xã hội.

Người kinh doanh dĩ nhiên cũng cần có phương tiện, nghĩa
là có nguồn nhân lực cần thiết với những khả năng
cần có, có một cơ sở hạ tầng tốt, có vốn đầu tư,
có một hệ thống tín dụng ngân hàng đắc lực để huy
động vốn luân chuyển. Vốn đầu tư chỉ là một trong
những yếu tố và cũng không phải là yếu tố quan trọng
nhất. Vốn có ít thì đầu tư ít, và lợi nhuận sẽ đẻ
ra vốn. Vả lại tư bản có trí khôn và lôgíc của chính
nó, ở đâu kinh doanh có lợi vốn sẽ tìm đến. Điều
quan trọng hơn hết vẫn là con người, những con người
có kỹ năng và có tinh thần trách nhiệm. Một lần nữa
yếu tố tâm lý và văn hóa là nòng cốt.

Nói chung, phát triển cần một bối cảnh tự do dân chủ
và là một vấn đề chủ yếu văn hóa và tâm lý. Chính
vì thế mà một số quốc gia dù tài nguyên ít ỏi, dù bị
tàn phá ghê gớm vẫn vươn lên mạnh mẽ. Nước Đức và
nước Nhật bại trận và tan hoang đã chỉ cần một vài
thập niên để trở thành những nước phát triển nhất.
Dân tộc Hòa Lan chen chúc trên một mảnh đất nhỏ với
tài nguyên thiên nhiên ít ỏi cũng đã xây dựng được
một trong những quốc gia phồn vinh nhất thế giới. Chính
vì phát triển trước hết là một vấn đề văn hóa và
tâm lý mà cho tới nay nó đã chỉ giới hạn ở một số
quốc gia.

Cần phân biệt tâm lý và văn hóa với trí tuệ và kiến
thức. Bẩm sinh con người có trí tuệ bằng nhau hay gần
bằng nhau và do đó nhờ giáo dục có thể đạt tới một
trình độ hiểu biết ngang nhau. Sự khác biệt là tâm lý
và văn hóa, là óc cầu tiến, tính chấp nhận rủi ro của
kinh doanh, là tinh thần trách nhiệm, là cách ứng xử trong
cuộc sống tập thể.

Chúng ta cần thay đổi xã hội và con người để có phát
triển.

Chúng ta cần một xã hội dân chủ, quí trọng con người,
đặt lòng tin ở con người, để cho con người tự do
quyết định xây dựng đời mình. Chúng ta cần một nhà
nước pháp trị, có luật pháp đầy đủ và không có quá
nhiều thủ tục, chúng ta cần một cơ chế thị trường
thay vì một kế hoạch áp đặt.

Chúng ta cần những con người tự do, trách nhiệm, lương
thiện, gắn bó vào cộng đồng, cầu tiến và thi đua chứ
không ghen tức và phá hoại. Chúng ta cần những con người
ham thích kinh doanh, khao khát làm giàu một cách lương
thiện.

Chúng ta cần một bộ máy kinh tế hoạt động không
cưỡng chế. Nhà kinh doanh phải được phép tự do hành
động theo các qui luật khách quan của kinh doanh và thị
trường. Công bằng xã hội là một ưu tư thường trực
của một chính quyền đứng đắn, nhưng công bằng xã
hội phải được thực hiện ở khâu phân phối lợi tức
quốc gia, qua thuế khóa, chứ không thể can thiệp trực
tiếp vào sự điều hành hoạt động kinh doanh.

Chúng ta cũng cần một bối cảnh pháp lý, nghĩa là hiến
pháp và pháp luật, ổn định để người dân có thể yên
tâm xây dựng cuộc sống và lập ra những dự định cho
tương lai mà không lo sợ một thay đổi luật chơi đột
ngột làm hỏng dự án kinh doanh của mình.

Nhưng hiến pháp và luật pháp ổn vững không có nghĩa là
chính quyền ổn vững. Sự thay đổi thường xuyên người
cầm quyền trong một bối cảnh pháp lý ổn vững không
hề cấm cản cảnh sát tiếp tục bảo vệ an ninh trật
tự, không hề cấm cản các thẩm phán tiếp tục xử án
và cũng không hề cấm cản một nhà máy tiếp tục hoạt
động. Điều có thể tác hại cho sinh hoạt kinh tế là
những cuộc cách mạng làm đảo lộn tất cả, là những
thay đổi đột ngột luật pháp và định hướng quốc gia.

Đẩy xa lý luận hơn nữa, ta còn có thể nói những chính
phủ dân chủ không có đa số áp đảo để thay đổi tùy
tiện luật pháp và chính sách còn có thể là một đảm
bảo cho sự ổn định bối cảnh pháp lý, và do đó có
lợi cho phát triển. Một chính quyền áp đảo và nhiều
quyền lực chỉ cần thiết để có thể quyết định mau
chóng những thay đổi, và áp đặt một kế hoạch phát
triển quốc gia. Nhưng kế hoạch quốc gia là điều chúng
ta nên tránh. Kế hoạch quốc gia là một sản phẩm duy ý
chí, tàn dư của thời đại thế giới chưa đủ sáng
suốt và kinh nghiệm để nhận định rằng cần để cho
xã hội, qua qui luật thị trường khách quan, quyết định
những gì cần làm, làm tới mức nào và làm như thế nào.
Kế hoạch quốc gia là một cản trở cho phát triển mà
chúng ta phải loại bỏ, điều chúng ta cần là một định
hướng cho quốc gia và những dự án cho từng vấn đề,
đặc biệt là những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Dĩ nhiên trong một hoàn cảnh còn khó khăn và còn nhiều
trở ngại cho phát triển, chúng ta cần một chính quyền
có khả năng quyết định những chọn lựa cần thiết
nhằm tháo gỡ những ách tắc do quá khứ để lại. Nhưng
khả năng này một chính quyền dân chủ và nhẹ vẫn có
thể có được nhờ thuyết phục để tạo ra đồng thuận
và hậu thuẫn của quần chúng trên một số chọn lựa
căn bản phải làm.

Tóm lại, để phát triển đất nước, và trước hết là
phát triển kinh tế, chúng ta cần một thể chế dân chủ,
một nhà nước pháp trị, một sinh hoạt kinh tế thị
trường, một sự tôn trọng tuyệt đối ý kiến và sáng
kiến cá nhân, một niềm tin mạnh mẽ vào con người. Thể
chế đó sẽ làm nảy nở óc sáng tạo, tinh thần cầu
tiến, tinh thần trách nhiệm. Nhưng chúng ta cũng cần một
cố gắng văn hóa quan trọng để thượng tôn những giá
trị của tiến bộ và đưa những giá trị đó vào tâm
hồn và phản xạ của mọi người. Những giá trị đó là
hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng, nhà
nước pháp trị, hợp tác, lợi nhuận liên đới và môi
trường.

Xây dựng một xã hội dân chủ đa nguyên, phát huy các giá
trị tiến bộ, chúng ta sẽ có phát triển, đặc biệt là
phát triển kinh tế. Đó là chủ thuyết phát triển của
chúng ta. Chúng ta quả quyết rằng một xã hội như thế
và với những giá trị như thế dù muốn không phát triển
cũng không được. Ngược lại, một xã hội không dân
chủ, hoặc không có những giá trị tiến bộ thì dù muốn
và cố gắng đến đâu cũng sẽ không có phát triển, hay
chỉ có phát triển ở một mức độ thấp. Tài nguyên
thiên nhiên và vốn đầu tư là những yếu tố rất thứ
yếu.

Trong một chủ thuyết phát triển như thế, vai trò của
nhà nước chủ yếu là gìn giữ hòa bình và trật tự an
ninh, bảo đảm quốc phòng và công lý, tạo những quan hệ
bang giao tốt với cộng đồng thế giới, hòa giải và
trọng tài những tranh tụng của xã hội dân sự. Vai trò
của nhà nước trong kinh tế sẽ được giới hạn trong ba
phạm vi : thuế, chi tiêu công cộng và điều chỉnh khối
lượng tiền tệ. Thuế để nhà nước có ngân sách làm
nhiệm vụ của mình và bảo đảm an sinh và liên đới xã
hội. Các chi tiêu công cộng để xây dựng, bảo trì và
cải thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy, kích thích một
số ngành nghề. Việc điều chỉnh khối lượng tiền tệ
lưu hành, chủ yếu qua ấn định một mức lãi suất, có
ảnh hưởng trực tiếp trên giá cả, đầu tư và tăng
trưởng. Trong cả ba phạm vi đó, nhà nước cũng cần hành
động với tất cả dè dặt để tránh đảo lộn sinh
hoạt kinh tế. Ổn định là yếu tố cốt lõi của kinh
doanh. Riêng việc ấn định lãi suất, chúng ta phải tránh
trường hợp chính quyền hành động theo những yêu cầu
chính trị ngắn hạn, bằng cách giao phó cho một định
chế ngân hàng trung ương xuất phát từ chính phủ nhưng
không chịu sự chi phối tùy tiện của chính phủ.

Một lần nữa, nhu cầu phát triển buộc ta phải có một
nhà nước hòa giải và trọng tài để cho xã hội dân sự
lo việc phát triển thay vì một nhà nước chỉ huy và
định đoạt thay cho xã hội dân sự. Vai trò hòa giải và
trọng tài trong sinh hoạt kinh tế buộc nhà nước phải
từ bỏ mọi chức năng kinh doanh. Các công ty quốc doanh
không nên có, hay nếu có thì cần được coi là những bó
buộc chẳng đặng đừng trong một thời gian nhất định.
Trong chủ thuyết phát triển của chúng ta, nhà nước không
chen lấn với xã hội dân sự, mà tập trung mọi cố gắng
để làm tròn và làm tốt chức năng thực sự của một
nhà nước.

Thành Công Thế Kỷ 21

http://www.vietland.net/main/showthread.php?t=11514

Không có nhận xét nào: