Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

02 tháng 5 2010

Cộng Đồng Việt Nam: Một Vấn Đề Phức Tạp

Trong các cộng đồng thiểu số ở Hoa Kỳ, có lẽ cộng
đồng Việt Nam là cộng đồng năng động nhất, nhiều
ngợi khen từ phía chính quyền và dân bản xứ nhất
đồng thời cũng gây nhiều sự kiện phức tạp, sôi
động nhất. Cùng thời di tản ồ ạt đến Mỹ với hai
cộng đồng Lào và Cam bốt, nhưng trên báo chí, truyền
thanh, truyền hình của nước chủ nhà, thì hai cộng đồng
kia hình như chỉ chiếm một phần nhỏ trong các thông tin
bản xứ. Ngay cả với các cộng đồng đã thành lập lâu
đời như cộng đồng Do Thái, Trung Hoa, Thái Lan, Đại Hàn,
hình như các thông tin về cộng đồng Việt Nam vẫn luôn
vượt trội. Theo thống kê, có 447,032 người Việt sống
ở California, và 134.961 ở Texas, nhưng riêng ở Quận Cam,
có tới 135,548 người. Một cuộc khảo sát năm 2008 thực
hiện bởi Mahattan Institute nhận thấy cộng đồng Việt Nam
là cộng đồng có tỷ lệ đồng hóa với người Mỹ cao
nhất trong mọi nhóm thiểu số khác. Đa số người Việt
đã trở thành giới trung lưu, và thế hệ trẻ chiếm
nhiều việc làm của giới chuyên gia, trong khi một thiểu
số vẫn làm việc theo giới "cổ xanh" là những công
việc chân tay. Về học vấn, nhất là ở Nam California, các
học sinh đậu Thủ Khoa đa số là người Việt. Có năm,
số học sinh Việt Nam Thủ Khoa chiếm 10 trên 13 trường.
Tỷ lệ đậu đại học trong cộng đồng coi như non trẻ
này (so với các cộng đồng thiểu số khác), cũng cao hơn
hẳn. Cứ 100 học sinh Việt thì trên 20% tốt nghiệp Đại
Học so với người Mỹ là 24%, các cộng đồng khác từ
dưới 10% đến 18%.

Về các sinh hoạt chính trị giòng chính (Main Stream), Việt
Nam cũng tương đối nổi tiếng. Ở California, Dân Biều
Tiểu Bang Trần Thái Văn đang tranh cử chức Dân Biểu Liên
Bang. Tại Texas, có dân biểu Hubert Võ. Người Việt giữ
chức vụ chính quyền trong hội đồng lãnh đạo Quận Cam
là Giám Sát Viên Janet Nguyễn. Thị Xã Westminster có năm
nghị viên thì Việt Nam chiếm ba: Diệp Miên Trường, Tạ
Đức Trí, và Andy Quách. Thị Xã Garden Grove có Nghị Viên
Andrew Đỗ, trong khi đó, Hội Đồng Học Khu Garden Grove có
Phó Chủ Tịch là Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, và một Giám
Đốc trong Hội Đồng là Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh. Cấp
Liên Bang cũng có nhiều người Việt trẻ làm Giám Đốc.
Trước đây, chức vụ Tổng Giám Đốc Định Cư và Tỵ
Nạn Liên Bang, người có quyền "đóng, mở" số lượng
người tỵ nạn trong một năm, là một người Việt: Tiến
Sĩ Nguyễn Văn Hạnh. Phụ nữ Việt cũng từng giữ chức
vụ Phó Tổng Giám Đốc cơ quan này là bà Chi Ray. Đã
từng có một Tiến Sĩ Việt được cử vào chức vụ Thứ
Trưởng Bộ Tư Pháp và một làm Phó Tổng Giám Đốc Song
Ngữ, cũng như đã có một người trẻ được cử vào
chức Giám Đốc Hội đồng về Asian-Pacific Islanders bên
cạnh Tổng Tống Bush. Vì thế, nhiều sinh hoạt chính trị
của Việt Nam được chính quyền hỗ trợ rất mạnh.
Nhiều dự luật liên quan đến Nhân Quyền Việt Nam từng
được đưa ra trước Quốc Hội Hoa Kỳ để bàn thảo và
đã chiếm được tuyệt đại đa số tán thành, trừ
Thượng Viện, chỉ vì một hay hai Nghị Sĩ Mỹ có thiên
kiến về Việt Nam đã dùng phương pháp "bỏ lơ" làm
cho các dự luật bị xếp xó. Trên hết, có rất nhiều
cuộc trình bầy, thảo luận về vấn đề Việt Nam, hoặc
do cá nhân, hoặc do nhóm đã được bàn cãi công khai tại
diễn đàn Quốc Hội. Hai chữ Việt Nam hầu như chiếm
lĩnh diễn đàn chính trị nhiều ngang như các vấn đề
quan trọng khác, trừ vấn đề chiến tranh, nhất là tin
tức về các sinh hoạt lớn rộng như kỷ niệm ngày Quốc
Hận 30-4, các ngày Tết với Hội Chợ tưng bừng làm cho
cuộc sống tại nơi đông người Việt thật là sôi nổi,
khác hoàn toàn với những khu vực khác.
Về khoa học và quân sự, người Việt cũng chứng tỏ có
những thành công vượt bực, từ Phi Hành Gia đến điều
hành một số chương trình của NASA. Khoa học gia Dương
Nguyệt Ánh đã từng là niềm hãnh diện của cộng đồng
Việt. Nữ phi công F-18 đầu tiên của không lực Hoa Kỳ
cũng là một người Việt Nam: Nữ Đại Úy Elizabeth Phạm.
Một thời dư luận Mỹ xôn xao về tin hai chị em đỗ Thủ
Khoa và Á Khoa trường Hải Quân là người Việt. Còn biết
bao nhiêu thành công lớn nữa làm cho danh dự của người
Việt ở hải ngoại được nâng lên tầm cao quốc tế.

Tuy nhiên, theo luật "Thừa Trừ", sinh hoạt cộng đồng
luôn luôn có nhửng điểm mạnh và điểm yếu. Các vụ tai
tiếng về lạm dụng bằng cấp, gian lận tiền trợ cấp,
gian lận tiền Medical, Medicare, bảo hiểm, và băng đảng
cũng chiếm một số thời lượng không nhỏ trong giòng
chính. Ngoài ra, tại "Thủ Đô Tị Nạn", những sự
việc nổ lớn như vụ Trần Trường tế cờ máu, thờ
thần tượng là một tên "khát máu" làm cho người bản
xứ mất bình yên. Thời gian qua, các cuộc tranh đấu giữa
một vài cá nhân với một số cơ quan truyền thông cũng
làm đầu đề cho báo chí Mỹ viết bằng những lời lẽ
không thuận lợi cho cộng đồng. Một hai cá nhân muốn
"nổi" nên đã tạo ra các cuộc triển lãm tại Nam
California một cách ngớ ngẩn, gây sóng gió. Bên cạnh đó,
tại các nơi nhiều người Việt cư ngụ, những sự tranh
cãi về việc thành lập các ban đại diện cộng đồng
cũng làm cho người Mỹ thắc mắc về tinh thần phục vụ
chung của người Việt hải ngoại. Các cuộc tranh cãi cực
kỳ căng thẳng này thường xuyên diễn ra trên một số
phương tiện truyền thông, và khi đến mức độ cao nhất
thì phải nhờ đến sự phân xử của Pháp Đình. Đã xẫy
ra nhiều cuộc phân xử như thế với tiền phạt và án
phạt. Một số cá nhân, khi hăng say tình nguyện đảm
đương công việc cộng đồng đã lẫn lộn tình hình
thực tế với lý tưởng theo đuổi, đã lầm tưởng rằng
một ban đại diện cộng đồng, khi được đặt tên là
Cộng Đồng Việt Nam, thì có những "quyền lực" nào
đó, rồi tranh cãi dữ dội để bảo vệ "quyền" của
họ. Thực tế, tất cả các tổ chức cộng đồng, dù danh
xưng gì đi nữ, dù mang tính chất Tôn giáo hay không, cũng
chỉ là các tổ chức thiện nguyện, không quyền lợi
(volunteering, non-profit) như tất cả các tổ chức khác.
Không có "thần quyền" hay "thế quyền" nào được
thực thi trong công đồng. Các nhân vật đại diện không
được lãnh lương hoặc bất cứ lợi tức nào.

Thực tế nữa là hai chữ "cộng đồng" (community) là
danh từ chung chỉ một sắc dân, không hề nói lên tính
chất "đại diện", tuyệt đối lại không mang ý nghĩa
"lãnh đạo chỉ huy" duy nhất cho một sắc dân. Khi
đánh hai chữ "community" lên Website thì chỉ thấy hiện
lên các chi tiết về dân số, về kết quả học vấn,
chính trị, thương mại… Tập thể người Do Thái dùng
chữ "Council of Israelis in Los Angeles", một tổ chức rất
vững mạnh, làm được rất nhiều việc cho cộng đồng
như học vấn, việc làm, tranh đấu cho quyền lợi của
người Israel…Nhưng muốn vào tập thể này, phải đóng
niên liễm. "Cambodian Family" cũng là một tổ chức
mạnh, không những tìm việc làm cho cộng đồng, còn gửi
sinh viên đi du học nước ngoài, gửi nhân sự đi làm
việc ở Âu Châu… Các sắc dân khác cũng dùng những danh
từ khác, như "Thai Community Development Center", một tổ
chức tư nhân, có "profit",,., Vì thế, khi người Mỹ
nghe đến những chữ "Vietnamese Community in…", lập tức
họ nghĩ ngay đến một sắc dân và các tính chất đặc
thù của sắc dân ấy, chứ ít người nghĩ đến đây là
một tổ chức có nhiều tranh cãi về quyền đại diện cho
cả sắc dân Việt trên đất Mỹ. Như vậy, ai cũng có
quyền xưng "tôi thuộc cộng đồng Việt Nam ở…" cho
dù có hoạt động cho cộng đồng hay không. Theo luật pháp
của một xứ Tự Do, ai cũng có thể tổ chức ra một tập
hợp gọi "Ban (hay Hội Đồng) Đại Diện của Cộng
Đồng Việt Nam", rồi đóng lệ phí và xin được
"Title" ngay, miễn là không trùng lắp. Không có luật
cấm tổ chức hai hoăc nhiều Ban hay Hội Đồng như thế.
Chỉ có điều là nếu những người đứng ra tổ chức có
tính cách "đại diện" (không phải chỉ huy) này làm
việc tốt đẹp, phục vụ chính đáng những nhu cầu sinh
hoạt của hải ngoại, giúp thực hiện được mục tiêu
chiến đấu cho Tự Do, Dân Chủ tại quê nhà, thì được
nhiều người thương mến, và tìm đến hợp tác. Ngược
lại, nếu không thành thực trong mục tiêu, thì mọi
người lẳng lặng tránh xa. Điều quan trọng nữa mà
người trong cộng đồng lo lắng là đa số các tổ chức
này thường được thành lập bởi thế hệ thứ nhất là
những người đã cao tuổi, chỉ vài năm nữa là không còn
sức lực mà đảm đương bất cứ việc gì. Nếu những
người lớn tuổi không lo tìm sự tiếp tay của thế hệ
trẻ, mà cứ tranh cãi về cái thứ "quyền lực" hoang
tưởng đó thì chỉ còn mươi lần tổ chức treo cờ Quốc
Gia nữa thì cờ của cộng sản có thể thế chỗ để tung
bay ngay tại thủ đô tị nạn!

Người Việt từ xưa, ngoài khuynh hướng cầu tiến, vốn
có truyền thống đoàn kết, khoan dung, và tha thứ. Lê Lợi
từ ngàn năm trước đã cung cấp lương thực cho tù binh
về Tầu. Trần Hưng Đạo mặc cho bại quân Tầu chạy
trốn. Nguyễn Huệ, sau khi thắng trận, lại đi làm hòa
với Bắc phương. Việc tranh cãi, bảo vệ các "chức
chưởng" đại diện trong cộng đồng đã làm nên các
chấm đen bên cạnh các điểm sáng rực rỡ của lịch sử
người Việt tị nạn Cộng Sản trên đất nước người.

Chu Tất Tiến

*Nguồn: http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=114&nid=158603

Không có nhận xét nào: