Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

31 tháng 1 2010

Chuyện dài tham nhũng, hối lộ, bao che và luật rừng ở Việt Nam

Câu chuyện xoay quanh Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng (ĐN). Nguyễn Bá Thanh được xem là nhân vật có công lớn trong việc phát triển thành phố ĐN, lập lại kỷ cương thành phố, biến ĐN thành địa phương cho các tỉnh thành khác noi theo và được Thủ tướng Phan Văn Khải "biểu dương".

Câu chuyện bắt đầu vào đầu năm 2000, dư luận ở Việt Nam đề cập đến hàng loạt sai phạm xảy ra ở Công ty hợp doanh Xây lắp và kinh doanh của Quảng Nam Đà Nẵng (QNĐN). Một thời gian ngắn sau đó thì ông Phạm Minh Thông, giám đốc công ty bị khởi tố.

Pháp lệnh mâu thuẫn
Vụ này được xem là vụ tham nhũng lớn nhất miền Trung. Ông Thông bị đưa ra xử hai lần về hai tội phạm khác nhau, một lần vào năm 2001 và một lần vào năm 2004. Hình phạt cho cả hai tội là 16 năm và 4 tháng tù. Trong quá trình điều tra vụ án, các cơ quan pháp luật của ĐN phát giác ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó đang là Chủ tịch thành phố ĐN có trách nhiệm liên đới. Phạm Minh Thông đã khai là phải đưa cho Nguyễn Bá Thanh 4.4 tỷ để được duyệt thanh toán vốn trong các công trình xây dựng Cầu Sông Hàn và đường Bắc Nam ở ĐN. Viện Kiểm Sát ĐN xác định Phạm Minh Thông phạm tội đưa hối lộ và Nguyễn Bá Thanh phạm tội nhận hối lộ. Viện này cho rằng nếu chỉ xử Phạm Minh Thông mà không điều tra, không xử Nguyễn Bá Thanh thì vụ án không được giải quyết thỏa đáng và dân chúng sẽ bất bình.

Không những chỉ có Viện Kiểm Sát ĐN nhận định như vậy, báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gửi Thủ tướng Chính phủ và Ban Bí thư Trung ương Đảng tháng 10 năm 2007 và tháng 4 năm 2008 cũng nhận định hành vi tham nhũng của Nguyễn Bá Thanh do một số công dân ở ĐN tố cáo là "có cơ sở và cần xử lý theo quy định pháp luật".
 
Trống đánh xuôi kèn thổi ngược! Tháng 5 năm 2007, Thanh tra Chính phủ báo cáo gửi Thủ tướng kết luận Nguyễn Bá Thanh không có liên quan! Tháng 6 năm 2008, Thanh tra Bộ Công an kiến nghị không khởi tố ông Nguyễn Bá Thanh vì không cho việc nhận hối lộ là vi phạm pháp luật! Vài ngày sau, Ủy ban Kiểm tra của Trung ương Đảng đưa ra kết luận tương tự.
Người dân trong nước ai cũng hiểu đây là vụ án bao che cho tham nhũng.

Diễn tiến sự việc
Năm 2007, từ việc "rải truyền đơn và tố cáo sai sự thật nhằm hạ uy tín lãnh đạo Đà Nẵng", công an thành phố ĐN đã khởi tố các ông Đinh Công Sắt, Nguyễn Phi Duy Linh, tướng Trần Văn Thanh (Chánh Thanh tra của Bộ Công An) và trung tá Dương Ngọc Tiến (trưởng đại diện Báo Công An thành phố HCM tại Hà Nội) với tội danh "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Tuy nhiên, "lãnh đạo Đà Nẵng" là ai, ai bị "hạ uy tín", ai bị "tố cáo sai" thì không được nói đến. Cho đến khi vụ án được đưa ra xử phúc thẩm, nhân vật bí ẩn bị "tố cáo sai sự thật nhằm hạ uy tín" mới được hé mở. Đó chính là ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Trung Ương và là Đại biểu Quốc Hội.

Tráo Trở
Trong phiên tòa Phúc Thẩm Tối Cao tại thành phố ĐN ngày 7 tháng 12 năm 2009, thẩm phán được giao xét xử vụ án này có tên là Diệm. Đến phút cuối thì Hội Đồng Xét Xử lại bí mật đổi thành ông Trần Mẫn, chánh tòa phúc thẩm Tòa Án Nhân Dân Tối Cao tại ĐN, mà ngay cả các luật sư cũng không được biết. Ông chủ tọa phiên tòa Trần Mẫn là ai? Theo ông Đỗ Xuân Hiền, nguyên Trưởng ban Kinh tế ĐN, huyện ủy thường vụ ĐN, một người có liên quan trong vụ án thì "Ông Trần Mẫn, em ruột bà Trần Thị Thủy. Bà Trần Thị Thủy là vợ ông Nguyễn Văn Chi, ông Nguyễn Văn Chi là uỷ viên Bộ chính trị, kiêm Trưởng ban Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng là bạn thân của ông Nguyễn Bá Thanh". Vì vậy mà họ tráo trở! Vì vậy mà họ bao che!

Phiên tòa trái luật
Theo luật sư Cù Huy Hà Vũ thì "Trong vụ án này hoàn toàn không có người bị hại, không có bất kỳ một đơn tố cáo hay lời khai nào của người bị hại, không có bất kỳ đơn tố cáo hay lời khai nào của người bị hại, mà theo pháp luật về hình sự của Việt Nam (thì) tội phạm được xác định bởi người bị hại, vậy, nếu không có người bị hại tức là không có tội phạm. Không có tội phạm thì không thể khởi tố bất kỳ ai và sẽ không có một phiên tòa nào xảy ra". Ấy vậy mà Tòa ĐN và Tòa Án Nhân Dân Tối Cao lại đưa ra xét xử 3 người với tội danh "xâm phạm lợi ích" của một cá nhân mà cá nhân đó thì lại không được xác định. Chánh án Trần Mẫn thậm chí còn tuyên bố là vụ án không cần bị hại vẫn có thể xét xử những người được coi là tội phạm. Đây là một hành động bất chấp pháp luật. Trong suốt phiên tòa, chánh án Trần Mẫn lại tìm mọi cách để buộc tội phạm nhân. Viện Kiểm sát Tối cao là cơ quan công quyền thừa hành việc khởi tố và truy tố các vụ án. Viện Kiểm sát còn là cơ quan buộc tội nhưng cơ quan này tuyên án vô tội, rồi 5 luật sư bào chữa cho 3 bị cáo cũng tuyên bố vô tội. Chỉ có mình ông chánh án Trần Mẫn là tuyên bố có tội. Chánh án kiêm luôn cả Viện Kiểm sát Tối cao! Phiên tòa này hoàn toàn trái pháp luật và đây là một vi phạm nghiêm trọng Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự của chính chế độ.

Tự tung tự tác
Trong phiên tòa phúc thẩm, khi những luật sư khác phát biểu thì micro của họ được tăng âm thanh cho tiếng nói vang khắp phòng xử, nhưng đến khi luật sư Nguyễn Thị Dương Hà bào chữa cho nhà báo công an Dương Tiến thì chánh tòa phúc thẩm Trần Mẫn lại ra lệnh tắt đi phần tăng âm của micro của luật sư Nguyễn Thị Dương Hà. Thật hết nước nói! Ông chánh án tự tung tự tác, coi pháp đình như nhà của mình, muốn làm gì thì làm! Ông chánh án sợ gì? Ông sợ trong phần trình bày của luật sư bào chữa "tố cáo sai sự thật" có thể "hạ uy tín" của ông Nguyễn Bá Thanh chăng?

Hành động man rợ, bất chấp luật pháp
Ngày 20 tháng 7 năm 2009, hàng ngàn người hiếu kỳ kéo nhau đến pháp đình để nghe toà luận tội các bị cáo, và để xem các cơ quan bảo vệ pháp luật thực thi công lý đã được chứng kiến một sự kiện chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử tư pháp của VN lẫn thế giới: bị cáo Trần Văn Thanh được đưa đến phòng xử bằng xe cứu thương, trên băng ca, ông ta nằm bất động, phải thở bằng bình dưỡng khí và tay đang được chuyền syrum.

Hình ông Trần Văn Thanh được đưa đến tòa bằng xe cứu thương
Source: VnExpress


Dù đã có đến hai bệnh viện xác nhận ông Thanh bị tai biến xuất huyết não, không đủ sức khỏe để hầu Tòa nhưng Tòa án ĐN không chấp nhận. Hội đồng xét xử vụ án chỉ đồng ý hoãn xử sau khi một Hội đồng giám định y khoa bất thần tiến hành giám định sức khỏe của ông Thanh ngay tại phòng xử, xác nhận ông Thanh đúng là đang trong tình trạng có thể phương hại đến tính mạng.

Việc đưa ông Thanh đến pháp đình trong tình trạng không có khả năng nhận thức như vậy đã bị một luật sư trong nước mô tả là không những trái luật hình sự mà còn vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Trong lịch sử xét xử của các nước trên thế giới thật chưa có trường hợp nào mà bị cáo bị lôi ra toà trong tình trạng bất tỉnh, hôn mê, không biết người ta đang xét xử mình, không biết người ta đang làm gì mình. Phiên xử này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn dã man! Thật man rợ! Đó là yếu tố thứ nhất. Yếu tố thứ hai là làm nhục răng đe. Hành động này cốt để cho dân chúng thấy hậu quả của việc chống đối, dám tố cáo sai trái, hàm ý đe dọa người dân, đe dọa những người chống tham nhũng. Mục đích để đừng bao giờ tố cáo tham nhũng nữa bởi tố cáo tham nhũng thì sẽ bị đưa ra xét xử, bị đưa ra bêu riếu trước bàn dân thiên hạ. Một ông thiếu tướng công an và là chánh thanh tra Bộ Công an mà còn bị như vậy, dân khố rách áo ôm thì sao? Ông chánh án đã làm nhục người và phạm điều 121 của bộ Luật Hình Sự của chế độ đề ra. Hành vi của chánh án tòa án nhân dân ĐN là vô cùng nghiêm trọng. Ông đã lợi dụng và lạm dụng cương vị chánh tòa, cương vị thẩm phán, người định đoạt sống chết của người khác, và chà đạp luật pháp.

Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, luật sư Cù Huy Hà Vũ chỉ trích thậm tệ: "Việc xét xử tướng Thanh một cách man rợ là chưa từng thấy trong thế giới ngày nay. Việc Chánh án Tòa Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận buộc đưa ông Thanh ra địa điểm xét xử, dẫu ông đang trong tình trạng hôn mê, có dấu hiệu rất rõ rệt của một cuộc thanh toán, một cuộc trả thù, một kiểu hành xử theo "luật rừng", không hơn, không kém..."

Trên đây chỉ là một ví dụ điển hình, trên thực tế các cơ quan và cá nhân thi hành pháp luật có những hành xử không những không nhân đạo mà thậm chí còn vi phạm pháp luật, dùng nhục hình, áp bức, lăng mạ người khác. Đó là chuyện rất phổ biến ở VN.

Ý nghĩa của vụ án
Dân chúng nghĩ gì về vụ án? Người dân ai cũng hiểu đây là vụ án bảo vệ tham nhũng, bao che cho tham nhũng. Ai cũng cho rằng phiên toà xử tướng công an Trần Văn Thanh nhằm răng đe người dân, nhằm đe dọa những người chống tham nhũng. Theo luật sư Cù Huy Hà Vũ thì vụ án này "được tạo nên nhằm tiêu diệt tướng Thanh" vì ông Thanh "là viên tướng chống tham nhũng". Tưởng cũng nên biết tướng Trần Văn Thanh đã từng "chỉ đạo điều tra vụ án tham nhũng liên quan trực tiếp đến ông Nguyễn Bá Thanh lúc đó là chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và hiện nay là bí thư thành ủy Đà Nẵng".

Nguyễn Bá Thanh bị tố tham nhũng. Nguyễn Bá Thanh bị tố đã nhận hối lộ của Phạm Minh Thông 4.4 tỉ đồng trong các công trình xây dựng Cầu Sông Hàn và đường Bắc Nam ở ĐN. Ông Đỗ Xuân Hiền, nguyên Trưởng ban Kinh tế và huyện ủy thường vụ ĐN cho biết "Nguyễn Bá Thanh lấy đất của dân, mỗi mét vuông đất đền bù cho dân có 19.500 đ/m² trong khi bản thân ông Nguyễn Bá Thanh lấy của chủ nhà thầu đất là 150.000 đ/m²". Nếu không nhờ vào tham nhũng đất đai thì Nguyễn Bá Thanh xuất thân là một anh chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp QNĐN leo lên được cái địa vị hiện nay với khối tài sản kết xù thì tiền ở đâu ra? Ông Nguyễn Bá Thanh không những đã không bị xử tội mà còn leo lên chức ủy viên Trung Ương đảng, bí thư thành ủy, chủ tịch HĐND kiêm trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố ĐN. Thật là hết nước nói!

Dân chúng ĐN tố cáo những hành vi bất minh, bao che tham nhũng của Nguyễn Bá Thanh nhưng nhờ thế lực trong đảng bảo kê như Nguyễn Văn Chi (trưởng ban kiểm tra đảng), chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Nông Đưc Mạnh, ... nay thế lực bọn tham nhũng còn mạnh hơn đã đánh ngược lại những người chống tham nhũng. Các ông Nguyễn Phi Duy Linh, Dương Tiến và Đinh Công Sắt là những người đấu tranh chống tham nhũng thì nay họ đang bị những lực lượng tham nhũng đó đánh lại và đưa họ ra tòa. Thật là trớ trêu! Người chống tham nhũng thì bị lôi ra toà trừng trị còn người tham nhũng thì lại được bảo vệ. Ấy vậy mà đảng và nhà nước kêu ca tham nhũng là một quốc nạn và kêu gọi mọi người dân chống tham nhũng.

"Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm". Thật quả không sai!

Trần Việt Trình
30 tháng 1, 2010

http://www.vietland.net/main/showthread.php?t=11301

Không có nhận xét nào: