Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

09 tháng 1 2010

Tương lai đất nước

Đọc những tin tức về các ngư dân Việt Nam trong những
thời gian qua trên biển Đông bị tầu Trung Quốc đâm
chìm, giữ thuyền, bắt chuộc tiền, bị đánh đập,
cướp đoạt tài sản, ngư cụ khi trú bão, người Việt
hải ngoại không khỏi đau lòng. Nhưng lại càng khó chịu
hơn trước những phản đối lấy lệ của nhà nước
cộng sản Việt Nam, sau một thời gian dài im lặng, cấm
không được nói tới vì là chuyện "nhậy cảm". Thí
dụ như:

"Đây là hành động sai trái, vi phạm nghiêm trọng chủ
quyền của Việt Nam, không phù hợp với quan hệ hữu
nghị giữa hai nước, gây nguy hại tới tính mạng và tài
sản của ngư dân Việt Nam." "Việt Nam có đầy đủ bằng
chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ
quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa." "Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng chủ
quyền lãnh thổ của Việt Nam, không phù hợp với nhận
thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, không có lợi
cho tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu
dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên."

Phía Trung ương nhà nước im lặng cho nên Hội Nghề cá
Việt Nam phải gửi gửi công văn lên Đại sứ quán
Trung Quốc phản đối việc nước này ngày 07/12-08/12
lại bắt tàu và ngư dân Quảng Ngãi. Ông Nguyễn Ngọc
Đức, Chánh văn phòng TW Hội nghề cá, cho biết từ
đầu năm tới nay, Trung Quốc đã bắt giữ tổng cộng
17 tàu cá và 210 ngư dân Việt Nam. Đã có 13 tàu được
thả. "Tuy nhiên, số tàu bị giữ cùng tài sản bị
tịch thu có tổng trị giá tới 8 tỷ đồng."

Trước sự thụ động của Việt Nam, chính quyền tỉnh
Hải Nam, gần đây đã tổ chức bầu cử để lập
hai ủy ban thôn đảo tại hai làng trên đảo Vĩnh Hưng
(永兴, Yongxing) và Triệu Thuật (赵述 - Zhaoshu) thuộc
quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, tức là Hoàng
Sa của Việt Nam. Trước đó, trên mạng Phượng Hoàng
(Trung Quốc) cũng có tin ngày 1/12 Trung Quốc tổ chức
chuyến bay hàng không dân dụng và đưa phóng viên đến
quần đảo Hoàng Sa. Và vào tháng 11 Trung Quốc đã đưa hai
tàu ngư chính đến quần đảo Hoàng Sa và cho tàu y tế
đến quần đảo Trường Sa.

Sự việc lính Trung Quốc đánh đập và cướp bóc ngư dân
Việt Nam rõ ràng, và có bằng chứng, tuy nhiên trong buổi
họp báo ngày 6 tháng 1 năm 2010 ở Hà Nội, đại sứ Trung
Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường, khi được phóng viên
báo Tiền Phong yêu cầu bình luận thì đã phủ nhận và
trả lời rằng:

"Thông tin đăng trên báo chí có một số là sự thật,
một số không phải là sự thật. Tôi phải nói rằng Trung
Quốc luôn ứng xử những vấn đề như thế này rất có
trách nhiệm. Khi phía Việt Nam nêu vấn đề, chúng tôi đã
xác minh, kiểm tra ngay lập tức nhưng kết quả xác minh
của chúng tôi lại khác với kết quả của phía Việt Nam.

Ví dụ có một số báo chí đưa tin phía Trung Quốc đã
đối xử với ngư dân Việt Nam không nhân đạo. Về vấn
đề này, chúng tôi đã xác minh, kiểm tra rất nghiêm túc
nhưng kết quả cho thấy đó không phải là sự thật. Ví
như có lần Việt Nam đã can thiệp với Trung Quốc rằng
Trung Quốc đã thu giữ những công cụ đánh bắt cá cũng
như thủy sản đánh bắt của ngư dân Việt Nam. Chúng tôi
xác minh thì cho thấy phía Trung Quốc chỉ đuổi tàu cá ra
khỏi lãnh hải của Trung Quốc chứ không có hành vi tiếp
xúc với ngư dân Việt Nam. Tôi cũng thắc mắc nếu không
tiếp xúc làm sao thu giữ ngư cụ của ngư dân Việt Nam.

Khi tàu cá của Việt Nam đi tránh gió cập cảng tại
những cảng không phải cảng tránh gió của Trung Quốc,
chúng tôi đã đối xử nhân đạo, tạo điều kiện thuận
lợi cho họ có thể cập cảng. Nhưng khi rời cảng, họ
lại chỉ trích Trung Quốc đối xử không nhân đạo và
làm đau lòng các cơ quan hữu trách của Trung Quốc.

Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã trao đổi riêng với
các đồng chí Việt Nam. Chúng tôi cho rằng không nên đưa
tin những việc xấu như thế này. Phóng viên Việt Nam
kiểm tra lại, báo chí Trung Quốc ít đưa tin về tranh
chấp trên biển, tranh chấp về nghề cá và chúng tôi luôn
xuất phát từ đại cục, tuy rằng chúng tôi có lý nhưng
chúng tôi thấy cũng không nên đưa tin."

Lời lẽ kẻ cả của Tôn Quốc Tường là toàn quyền
nước mạnh không nói làm gi. Nhưng nghe câu hỏi xun xoe
đưa banh cho Tôn của báo Tiền phong thì không khỏi buồn
bực vì thấy rõ tính nô lệ đã ăn sâu vào hệ thống
đảng CSVN từ trên xuống dưới:

"Những gì xảy ra về tranh chấp biển Đông thời gian qua
là điều không tránh khỏi, nhưng cách ứng xử của Trung
Quốc, chẳng hạn như trong vụ bắt giữ tàu thuyền và
đối xử với ngư dân Việt Nam không thực sự đàn anh cho
lắm. Điều đó làm đau lòng người muốn vun đắp cho
tình hữu nghị hai nước. Xin Đại sứ cho vài lời bình
luận?"

Có người sẽ bảo lời TP chỉ là lịch sự chứ đâu
phải xun xoe nâng banh cho họ Tôn? Tính
chất nâng banh lộ rõ là bởi vì TP đã không dám hỏi
tiếp theo như lệ thường của báo chí thế giới, đưa ra
những bằng chứng ngư dân chạy về báo cáo và hình ảnh
ngư thuyền bị đâm thủng, đập phá vân vân, để cho Tôn
đớ lưỡi.

Đó là hậu quả của một đất nước có lãnh đạo là
những kẻ vì mặc cảm nhược tiểu mà trở thành vọng
ngoại, cuồng tín ôm ấp các giáo điều đủ loại coi đó
là văn minh, là tiến bộ, là hy vọng. Cái bệnh này, vì
kinh niên nên nó đã lan khá rộng và sâu vào trong nhiều
thành phần quần chúng. Đấy là điều đáng lo cho tương
lai đất nước.

Tuệ Vân

Ngày 8 tháng 12 năm 2010

Nguồn trích
http://tamthucviet.com/articleview.aspx?artId=%c5%b8E%1fP

Không có nhận xét nào: