Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

21 tháng 11 2009

Quân Đội - Công Cụ Đàn Áp Biểu Tình?


Hầu hết các phương tiện truyền thông trên thế giới đều đồng loạt đưa tin, quân đội Miến Điện đã nổ súng vào đoàn người biểu tình khiến cho nhiều người bị thương vong, thậm chí đã có một vài người bị giết chết. Tuy rằng con số nạn nhân cụ thể được đưa ra không hoàn toàn thống nhất với nhau vì còn tùy thuộc vào nguồn tin được khai thác; nhưng sự kiện nổi bật ở đây chính là hành động xuống tay một cách tàn bạo của Binh sỹ Miến Điện đối với đồng bào của mình đang biểu tình một cách ôn hòa, bất bạo động.
Hành động đàn áp những người dân không một tấc sắt trong tay của chế độ độc tài quân sự Miến Điện hiện nay đã gây ra một làn sóng phản đối cùng với những lo ngại sâu sắc và nhắc nhở cho chúng ta nhớ về sự kiện đàn áp đẫm máu vào năm 1988 của giới quân sự nước này đã từng thực hiện và hàng ngàn người dân Miến Điện đã bị thiệt mạng.
Quân đội vốn là một lực lượng vũ trang quan trọng nhất trong mọi quốc gia được thành lập nhằm mục đích là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Tuy nhiên, một nhiệm vụ khác cũng không kém phần quan trọng vẫn thường được Quân đội đảm trách đó là nhiệm vụ giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội mỗi khi đất nước bị rơi vào tình trạng khẩn cấp. Và đây chính là cơ sở Pháp lý để nhà cầm quyền ở nhiều nước trên thế giới vẫn thường căn cứ, viện dẫn nhằm huy động các đơn vị Quân đội để sử dụng lực lượng này đàn áp các phong trào đấu tranh của chính người dân nước mình mà minh chứng mới nhất chính là chính quyền độc tài quân sự Miến Điện.
Sự kiện Thiên An Môn đã trở thành một biểu tượng kinh hoàng mà mỗi khi có dịp nhắc lại chúng ta vẫn thường được nghe những lời thề thốt, quyết tâm từ mọi phía để không bao giờ lịch sử được phép tái diễn. Tuy nhiên một vài lần khi phải đối diện với những câu hỏi đại để như "Nếu Quân đội Nhân dân Việt Nam phải đối diện với một sự kiện tương tự như sự kiện dân chúng biểu tình ở Thiên An Môn thì họ sẽ phản ứng ra sao? " thì các nhà lãnh đạo có trách nhiệm của Việt Nam đều vẫn tìm cách tránh né mà trả lời rằng sẽ không bao giờ có chuyện biểu tình kiểu đó ở Việt Nam.
Thời gian trôi đi, thời thế cũng đã thay đổi. Những đội quân trước kia bàn tay đã từng nhuốm máu đồng bào của mình thì giờ đây cũng có thể là lực lượng hậu thuẫn quan trọng để tạo ra những cuộc Cách Mạng ngoạn mục.
Hàng loạt các biến động chính trị lớn lao bắt nguồn từ việc xuống đường của người Dân liên tục xảy ra trong thời gian vừa qua đã cho chúng ta thấy vai trò tối quan trọng của Quân đội khi nó quyết định đứng về phía bên nào và bảo vệ ai.
Các chính thể độc tài ở châu Á trước nay vẫn ra sức biện minh cho sự tồn tại của mình bởi cho rằng ở đây có các giá trị riêng thì hiện nay lại đang hướng tới Miến Điện với tất cả sự quan tâm và lo lắng. Lần đầu tiên sau hàng loạt các chính thể độc tài ở Châu Âu bị sụp đổ, một chính quyền độc tài ở Châu Á đang phải đối diện với một thách thức rất đặc trưng của thời đại:"Người Dân đứng lên biểu tình bất bạo động và sự trung thành tuyệt đối của Quân đội đối với nhà cầm quyền được mang ra thử thách!"
Trong quá khứ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng phải đối diện không dưới một lần với đồng bào của mình như vụ đàn áp giáo dân ở Bùi Chu- Phát Diệm hay với những người dân ở Huế.v.v.
Tất nhiên đó là thời kỳ mà ai cũng có thể đổ lỗi cho chiến tranh. Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa và câu khẩu hiệu "Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật" đang được tung hô thì lực lượng Quân đội Nhân Dân Việt Nam (nằm trong lực lượng vũ trang nhân dân) đã nhanh chóng được luật hóa và hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của đảng Cộng sản Việt Nam bộ luật Quốc Phòng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005 nêu rõ:
Điều 13. Nguyên tắc hoạt động và sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân.
“Lực lượng vũ trang nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ... "
Có lẽ vì chưa yên tâm với những điều khoản qui định của bộ luật nói trên mà Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, người thống lĩnh Quân đội Nhân Dân Việt nam đã phải một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam khi ông ta đến sinh hoạt với Tổng cục Chính trị quân đội ngày 27/8/2007 và tuyên bố nếu từ bỏ điều này (đã được luật hóa bằng điều 4 hiến pháp) là tự sát.
Điều 46 – Nhà nước xây dựng quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ hùng hậu trên cơ sở kết hợp xây dựng với bảo vệ Tổ quốc, kết hợp sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân với sức mạnh của toàn dân, kết hợp sức mạnh truyền thống đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm với sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Như vậy là đã rõ. Chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam là bảo vệ tổ quốc, chống ngoại xâm.
Mặc dù vậy, đảng CSVN là đảng có tính cách pháp nhân để toàn quyền lãnh đạo Quân đội Nhân Dân Việt Nam đã cho thành lập trong thời gian vừa qua những đơn vị quân đội đặc nhiệm nhằm chỉ để đối phó với những vụ "bạo loạn" của người Dân Việt Nam có thể xảy ra trong tương lai. Những đơn vị đặc nhiệm này trực thuộc bộ Tư Lệnh Đặc Công đã cho chúng ta thấy tính chất nghiêm trọng và chuyên nghiệp của nó.
Trong một bài viết hiếm hoi nói về một trong những đơn vị đặc biệt này, bài báo với tiêu đề "nhiệm vụ đặc biệt" nhấn mạnh:
"Xác định rõ nhiệm vụ là lực lượng chuyên trách PCKB-BL, lực lượng tấn công đầu tiên khi có sự cố, những người lính đặc công Đoàn M1 đang bước vào thực hiện nhiệm vụ được giao với một quyết tâm cao nhất, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân."
Như vậy, tất cả dường như đều đã được đảng CSVN chuẩn bị một cách chu đáo và sẵn sàng. Từ cơ sở Pháp lý để xác định rõ ràng vai trò lãnh đạo tuyệt đối và duy nhất của đảng CSVN cho đến cơ cấu tổ chức, trang bị huấn luyện các đơn vị Quân đội đặc nhiệm để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao với một quyết tâm cao nhất.
Những biến chuyển tiếp theo ở Miến Điện dù có đi theo chiều hướng nào đi chăng nữa, những nhà lãnh đạo chính quyền CSVN dù có rút ra được những bài học nào để áp dụng vào tình hình cụ thể ở Việt Nam đi chăng nữa, thì câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra ở đây vẫn là: Quân đội Miến Điện đã nã súng vào đồng bào của mình đang biểu tình một cách ôn hòa vậy phản ứng của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam trong tình huống tương tự sẽ ra sao?
Lịch sử đã chứng minh, bất chấp mọi sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng nhất, gian manh và tàn bạo nhất thì cuộc Cách Mạng của các tầng lớp dân chúng bị áp bức vùng lên vẫn có thể thành công một cách bất ngờ, nằm ngoài mọi sự tính toán của những bộ óc siêu việt bởi vì tính chất của Cách Mạng bao giờ cũng là sự đột biến.
Và Quân đội chính là ngòi nổ của sự đột biến đó.
Hồ Gươm





Không có nhận xét nào: