Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

18 tháng 11 2009

Đấu Tranh Bất Bạo Động...

Hôm Thứ Sáu 25/1/2008 tại trụ sở của Giáo hội Công giáo Việt Nam tại Hà Nội gần tòa Khâm sứ cũ của giáo hội đã xẩy ra một vụ xô xát giữa giáo dân và công an. Nhiều người vội cho rằng Giáo hội Công giáo bỏ đường lối đấu tranh bất bạo động và chuyển sang hình thức bạo động. Tôi không tin lối lý luận đó là đúng.
Những gì giáo dân đã làm trước hành động công an đánh đập một phụ nữ chân yếu tay mềm và một luật sư chỉ muốn đem hiểu biết về luật của mình giải bày với lực lượng công an là một hành động đúng và hoàn toàn nằm trong nguyên tắc bất bạo động.
Đài Tiếng nói Tự do Á châu (RFA) trong buổi phát thanh sáng Thứ Bảy 26/1/2008 giờ Việt Nam tường thuật rằng trong ngày Thứ Sáu 25/1/2008, khoảng 3000 giáo dân thuộc nhiều giáo xứ tại các tỉnh miền Bắc, có sự hiện diện của đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đến từ Sài Gòn và hơn 100 linh mục đã tề tựu tại trụ sở giáo hội tại Hà Nội để mừng lễ thượng thọ 90 tuổi của đức Hồng Y Phạm Đình Tụng, đồng thời cầu nguyện xin ơn trên chuyển hóa tâm thức những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam để họ trả lại các cơ sở tôn giáo, đặc biệt là tòa Khâm sứ tại Hà Nội mà chính quyền cộng sản đã chiếm từ năm 1954 khi họ thiết lập chính quyền cộng sản sau Hiệp định Geneva.
Cuộc cầu nguyện đã diễn ra trong trật tự, hòa bình, hoàn toàn không có tính khiêu khích lực lượng công an được huy động tới để giữ trật tự. Khi một phụ nữ thuộc dân tộc Mường trèo qua tường để đến dâng hoa cho đức Mẹ (trong khuôn viên đất vốn thuộc tòa Khâm sứ và nay chính quyền chiếm), công an đã kéo đến đánh đập người phụ nữ này.
Luật sư Lê Quốc Quân, một giáo dân tham dự buổi lễ cầu nguyện nghe tiếng la của người phụ nữ đã trèo qua tường với mục đích giải thích cho lực lượng công an hành động như vậy là trái pháp luật. Vào bên trong, luật sư Quân chưa kịp nói gì anh đã bị đánh tới tấp. Nghe tiếng la của luật sư Quân và người phụ nữ Mường, giáo dân bức xúc phá bức tường tràn vào khu đất bị chiếm với mục đích giải thoát cho luật sư Quân và người phụ nữ. Trước khí thế của giáo dân, lực lượng công an bỏ chạy và luật sư Quân và người phụ nữ được giải thoát. Đoàn giáo dân không hề lợi dụng tình hình để gây ra bất cứ một hành động khiêu khích nào khác. Ổn định đã trở lại sau đó.
Có thể nói đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975, giáo dân tại Việt Nam đã biểu thị một thái độ và một định nghĩa thế nào là đấu tranh bất bạo động.
Bất bạo động như một nguyên tắc để giải quyết mâu thuẫn giữa các thế lực chính trị trong một nước hay tranh chấp giữa các quốc gia là khuôn mẫu của thế giới hôm nay, và được xem như là một chân lý để giải quyết sự khác biệt đồng thời giữ gìn được sự ổn định của thế giới.
Nguyên tắc bất bạo động trên thế giới bắt nguồn từ cuộc tranh đấu giành độc lập của Ấn Độ cầm đầu bởi Mohandas K. Gandhi trong thập niên 1930 kéo dài cho đến năm 1947 khi Anh trao trả độc lập cho Ấn. Ông Gandhi chủ trương bất hợp tác với nhà cầm quyền Anh và bất bạo động một cách tuyệt đối, và sau khi thành công nhân dân Ấn Độ đã tôn ông lên bật thánh (Mahatma Gandhi), và năm 2007 Liên hiệp quốc đã chọn ngày 2 tháng 10 là ngày sinh của ông để làm ngày “bất bạo động quốc tế” (thánh Gandhi sinh ngày 2/10/1869 và mất ngày 30/1/1948). Tuy nhiên cần hiểu ý nghĩa tại sao thánh Gandhi chọn đấu tranh bất bạo động thì cuộc đấu tranh bất bạo động mới có ý nghĩa.
Đế quốc Anh cai trị Ấn Độ bằng bạo lực. Nhưng nước Anh có một cơ chế tư pháp độc lập và họ vẫn áp dụng tại Ấn độ. Theo lời dạy của thánh Gandhi dân bất mãn với các chính sách của chính phủ Anh có thể xuống đường biểu tình phản đối, và khi bị cơ quan công lực người Anh (và người Ấn làm việc cho người Anh) dùng bạo lực dân chúng không được chống cự trong bất cứ trường hợp nào, để cho lính Anh và lính Ấn dùng vũ lực đánh đập thỏa thích. Các vụ đàn áp này sẽ được các luật sư đấu tranh kiện ra tòa và – đây là điểm chính yếu – tòa án Anh có đủ quyền tư pháp độc lập để xử một cách công minh và những người thuộc cơ quan an ninh đã dùng bạo lực ngoài pháp luật sẽ bị trừng phạt.
Ngoài ra báo chí của Anh hiện diện tại Ấn Độ cũng có quyền tự do loan tãi tin tức không bị hạn chế nên những cảnh đàn áp dã man của người Anh thường được trưng bày trước công luận tại nước Anh và trên thế giới. Cho nên nguyên tắc bất bạo động của thánh Gandhi không có nghĩa ông ta khuyên dân cứ để cho bạo lực ngự trị một cách tự do vô giới hạn. Ông nhắm tìm sự công bình trong cuộc tranh đấu bằng sự chịu đựng trước để làm thức tỉnh lương tâm thế giới, nhất là lương tâm của nhân dân Anh và những kẻ nhúng tay vào các hành động đàn áp sẽ bị trừng phạt sau. Thánh Gandhi tin tưởng rằng sự chịu đựng trước (công lý sẽ đến sau) trong một hệ thống còn biết tôn trọng đạo lý và lẽ phải cuối cùng sẽ đem lại sự thắng lợi cho nhân dân Ấn Độ . Thánh Gandhi đã có lý, cuối cùng trước cao trào giành độc lập trên thế giới Anh đã trả tự do lại cho nhân dân Ấn Độ.
Ngày hôm nay nguyên tắc bất bạo động vẫn phải là một nguyên tắc đấu tranh căn bản chống các chế độ độc tài toàn trị. Và các lực lượng đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam hiện nay đều công khai tuyên bố theo đường lối bất bạo động. Nhưng trước một chính quyền toàn trị, không có báo chí tự do, không có một nền tư pháp độc lập, những kẻ nhúng tay vào tội ác đàn áp nhân dân sẽ không bao giờ được xử trị thì phải hiểu “bất bạo động” theo một nghĩa thực tế mà vẫn hợp với đạo lý và lẽ phải chung nhất của lương tri.
Bất bạo động cần được hiểu là người dân sẽ bày tỏ các đòi hỏi hợp lý của mình một cách ôn hòa, trong trật tự và không dùng vũ khí. Và dù giải quyết hay không, chính quyền phải để cho dân bày tỏ các sự bất mãn của mình trong trật tự và ôn hòa. Nếu chính quyền vô cớ dùng bạo lực đàn áp, và nếu người dân chịu đựng mà biết rằng “công lý đến sau” không bao giờ tới thì người dân có quyền tự vệ bằng tay không dù bản thân phải đổ máu. Đó là nguyên tắc “bất bạo động” trong nghĩa triệt để nhất của danh từ bất bạo động. Bất bạo động là một phương thức đấu tranh để đạt một kết quả nhất định cho công bình và lẽ phải chứ không phải là sự chịu đựng thuần túy để chờ sự một sự phán xét không bao giờ tới.
Trong bối cảnh đó phản ứng của giáo dân hôm Thứ Sáu 25/1/2008 tại Hà Nội dù làm cho những người công an hung dữ vô cớ đánh đập một phụ nữ chân yếu tay mềm và một luật sư tay không phải hoảng sợ bỏ chạy không phải là một hành động dùng bạo lực chống bạo lực mà là một hành động đấu tranh bất bạo động theo nghĩa phù hợp với lẽ đúng sai chung nhất của trời đất.
Sư phẫn nộ của những giáo dân trước hành động tàn bạo của cơ quan an ninh cộng sản là một phản ứng xuất phát từ sự nhận chân nhanh chóng của tập thể đâu là lẽ phải, không ngại nguy hiểm cho bản thân và dấn thân hành động. Người giáo dân đã không đi ra khỏi nguyên tắc bất bạo động chính danh và xứng đáng là một thành phần của một dân tộc hào hùng bất khuất.
Phản ứng của giáo dân hôm Thứ Sáu 25/1/2008 tại Hà Nội đánh đấu một bước ngoặc trong cuộc đấu tranh giành lẽ phải, nhân quyền, dân chủ và tự do cho đất nước và dân tộc, mà không vượt qua nguyên tắc đấu tranh bất bạo động một cách chính danh.
Đó là một tấm gương sáng cho mọi đoàn thể đấu tranh tại Việt Nam để thôi không còn núp dưới chiêu bài “bất bạo động” hiểu theo nghĩa hẹp hòi ủy mị để không làm gì cả dù đứng trước mọi bất công. Cuộc đấu tranh của giáo dân sẽ làm cho khối nhân dân Việt Nam còn vô cảm như một khu rừng toàn cây xanh biến thành một khu rừng có cành khô để bắt những ngọn lửa lẻ loi nhóm lên bởi một số ít ỏi những nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở trong nước.
Trần Bình Nam
January 26, 2008.

Không có nhận xét nào: