Dậy Mà Đi là bài thơ của Tố Hữu in trong tập thơ Từ Ấy, xuất
bản năm 1946. Tôn Thất Lập lấy bốn câu đầu tiên của bài thơ này để phổ nhạc
thành bài hát Dậy Mà Đi và ký tên là Nguyễn Xuân Tân.
Nguyễn Xuân Tân cũng là bút hiệu của Tôn Thất Lập khi cộng
tác với tờ báo đối lập Hành Trình, xuất bản ở Sài Gòn vào thập niên 60. Hành
Trình bị rút giấy phép và đóng cửa, rồi báo Đất Nước ra đời nối tiếp Hành
Trình. Dậy Mà Đi được Tôn Thất Lập sáng tác khoảng năm 1966 hay 67, trước khi xảy
ra biến cố Mậu Thân, quân cộng sản miền Bắc tiến hành cuộc Tổng Công Kích xâm
lăng vào các thành phố Miền Nam trong những ngày Tết hưu chiến đầu năm. Biến cố
Tết Mậu Thân được cả thế giới biết đến, gọi là Tet Offensive.
Tôn Thất Lập
Hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh,
Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam và là Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam.
Bài thơ Dậy Mà Đi của nhà thơ cộng sản Tố Hữu (1941), nguyên
bài như sau:
Dậy mà đi! Dậy mà đi!
Đừng tiếc nữa, can chi mà tiếc mãi?
Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?
Huống đường đi còn lắm bước gian truân
Đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu!
Thì đứng dậy, xoa tay và tự bảo:
Chỉ còn đây sức lực hãy còn đây!
Lòng không nghèo tin tưởng ở tương lai
Chân có ngã thì đứng lên, lại bước.
Thua ván này, ta đem bầy ván khác,
Có can chi, miễn được cuộc sau cùng
Dậy mà đi, hy vọng sẽ thành công
Rút kinh nghiệm ở bao lần thất bại:
Một lần ngã là một lần bớt dại
Để thêm khôn một chút nữa trong người.
Dậy mà đi, hỡi bạn dân nghèo ơi!
Và Tôn Thất Lập đã phổ thành bài hát, với lời như sau:
Dậy mà đi. Dậy mà đi.
Ai chiến thắng không hề chiến bại?
Ai nên khôn không khốn một lần?
Dậy mà đi. Dậy mà đi.
Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!
Đừng tiếc nữa can chi khóc mãi.
Dậy mà đi núi sông đang chờ.
Dậy mà đi. Dậy mà đi.
Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!
Bao nhiêu năm qua dân ta sống không nhà.
Bao nhiêu năm qua dân ta chết xa nhà.
Dậy mà đi. Dậy mà đi.
Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!
Nhiều nhạc sĩ Việt Nam từng chê nhạc của Tôn Thất Lập
"dở ẹc". Tuy nhiên, bài hát Dậy Mà Đi đã được lực lượng hoạt động nội
thành của cộng sản Việt Nam khai thác mạnh mẽ, thổi lên cùng với các phong trào
khuấy rối xã hội miền Nam như phong trào sinh viên đòi đại học tự trị; phụ nữ
"đòi quyền sống"; Phật Giáo thì đòi "hòa bình"; Công Giáo
thì đòi cải thiện chế độ lao tù; chính trị gia thì đòi đối lập, báo chí thì đòi
tự do ngôn luận,... rồi lại chống tham nhũng, chống độc tài, chống xâm lược và
chống tay sai.
Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa như một con hổ yếu dần trước bầy
lang sói bu quanh, ngày một đông nhung nhúc. Đàng sau lưng các phong trào
"hòa bình" ấy là các cán bộ cộng sản thuộc Mặt Trận Thống Nhất Dân Tộc
Giải Phóng Miền Nam, hay còn gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam; do đảng CSVN
dựng lên. Mặt Trận này thành lập Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam,
là chiêu bài lường gạt nhân dân Việt Nam và thế giới. Cuối cùng, cộng sản miền
Bắc đã cưỡng chiếm miền Nam bằng vũ lực, vào ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Tôn Thất Lập: cán bộ tuyên huấn cộng sản.
Tôn Thất Lập là sinh viên khóa 3 Sư Phạm thuộc đại học Huế,
là một cán bộ hoạt động nội thành. Cuối thập niên 60, Tôn Thất Lập được đưa vào
Sài Gòn với lý do lấy vài lớp ở trường Luật, nhưng mục tiêu là để tăng cường
cho sinh hoạt tại Sài Gòn của phong trào Sinh Viên Tranh Đấu, với Hội Liên Hiệp
Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Giải Phóng làm hậu thuẫn. Hội này là do Đoàn
Thanh Niên cộng sản HCM đẻ ra để thu nạp đoàn viên trước khi đưa vào thành đảng
viên cộng sản. Cùng thời với Tôn Thất Lập là các sinh viên Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn
Mẫm, Phạm Xuân Tể, Trần Luyến, Nguyễn Minh Triết,... Nguyễn Minh Triết là chủ tịch
nhà nước CSVN hiện nay. Rồi Tôn Thất Lập vào bưng, được đưa ra Hà Nội dự khóa
huấn luyện tuyên huấn, sau đó trở về phục vụ trong Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa
Miền Nam Việt Nam. Năm 1974, Tôn Thất Lập được đưa sang Pháp và hoạt động cùng
với sinh viên theo cộng sản ở thành phố Paris, và xâm nhập Tổng Hội Sinh Viên
Paris.
Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 tang thương, Trần Luyến phục vụ
ngành phản gián của Việt cộng để chỉ điểm thành phần chống cộng của miền Nam,
và Tôn Thất Lập trở về nước, tiếp tục hoạt động trong ngành tuyên huấn, hội Âm
Nhạc Giải Phóng và Hội Nhạc Sĩ Việt Nam cho đến hôm nay.
Cùng là nhạc sĩ sáng tác các bài hát chống chiến tranh,
nhưng tại sao Tôn Thất Lập được chế độ cộng sản trọng dụng hơn Trịnh Công Sơn?
Bởi vì Tôn Thất Lập có tư tưởng dứt khoát theo cộng sản. Nhiều người lên án nhạc
Trịnh Công Sơn góp phần làm sụp đổ chế độ miền Nam, nhưng ta vẫn còn tìm thấy ở
nhạc Trịnh những lời lên án mạnh mẽ tất cả các xu hướng đi ngược lại với nguyện
vọng người dân Việt Nam, lên án luôn cả cộng sản Việt Nam:
Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
Một trăm năm đô hộ giặc tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, một bọn lai căng
Gia tài của mẹ, một lũ bạo tàn.
Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da
Con chớ quên màu da, nước Việt xưa
Mẹ mong con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha, quên hận thù
Bảo rằng cuộc chiến Việt Nam là nội chiến thì quả là xúc phạm
đến đảng cộng sản. Mà phải nói đó là cuộc đấu tranh giai cấp, đó là cuộc chiến
tranh cách mạng, là cuộc chiến tranh chống xâm lược,... và yêu tổ quốc thì phải
là yêu tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thì mới đúng với chủ trương và đường lối của đảng
cộng sản Việt Nam. Gia tài của Mẹ là lũ con đường xa đi theo cộng sản, hay
"sinh Bắc tử Nam" đang bước chân gập ghềnh trên đường Trường Sơn xâm
lăng miền Nam. Hát "Gia Tài Của Mẹ" tức là lên án bọn lai căng, bọn
tham tàn cộng sản. Ca khúc Hát Trên Những Xác Người, Trịnh Công Sơn đã án cộng
sản tàn sát thường dân vô tội ở Huề trong biến cố Tết Mậu Thân.
Những lời ca này không có trong nhạc của Tôn Thất Lập, vốn
là người rất thuần bản chất cộng sản. Cao điểm là bài hát "Hát Cho Dân Tôi
Nghe" được sáng tác vào năm 1967, Hát Cho Dân Tôi Nghe cũng là tên gọi
phong trào của thanh niên cộng sản vào cuối thập niên 60 đầu 70:
Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào.
Hát cho đêm thiên thu, lửa cháy bên trại giặc thù.
Hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên.
Hát cho anh công nhân, xiềng xích như mây tan hoang.
Hát cho anh nông dân, bỏ cày theo tiếng loa vang.
Tôn Thất Lập thôi thúc thanh niên miền Nam xuống đường chống
chính phủ: "Sinh viên học sinh phải chọn văn nghệ làm vũ khí đấu
tranh", với chiêu bài "chống Mỹ cứu nước". Sang đến Paris, Tôn
thất Lập mang theo công tác gieo mầm "chống Mỹ" trong giới sinh viên
Việt Nam ở Âu Châu, hòa nhập với phong trào phản chiến lan tràn khắp nơi trên
thế giới. Bên trong Việt Nam là một xã hội rối bời do những hoạt động khuấy rối
của đảng cộng sản Việt Nam, bên ngoài là làn sóng phản đối chiến tranh do cộng
sản quốc tế yểm trợ, cuối cùng miền Nam mất vào tay cộng sản.
Làm Ðược Gì và Ðược Làm Gì?
Ðảng cộng sản Việt Nam đến lúc cần đến sự tiếp tay của thanh
niên và trí thức hải ngoại trở về "xây dựng tổ quốc", "đồng hành
với dân tộc", nên một lần nữa lại đưa các cán bộ tuyên huấn ra hải ngoại.
Bắt đầu từ cuối thập niên 90, Tôn Thất Lập cùng với đoàn giao lưu văn hóa đã
lên đường sang Âu Châu phát động phong trào "Về Nguồn", "xây dựng
Tổ Quốc", "xóa bỏ hận thù",... Ở quê nhà, bài hát Dậy Mà Ði lại
được vang lên khắp nơi.
Các cán bộ xung kích thời "kháng chiến chống Mỹ" lại
được sử dụng như một mũi xung kích mới, là cất lên "lời réo gọi của Tổ Quốc",...
Năm 2001, dĩa hát Dậy Mà Ði được xuất bản với những bài hát được sáng tác thời
sinh viên xuống đường chống chính phủ miền Nam. Phong trào hát lại những bài
hát này được phổ biến tích cực cho đến hôm nay, đảng lặp lại không khí
"Hát Cho Ðồng Bào Tôi Nghe" qua các chương trình văn nghệ "Ðêm
Nhạc Tôn Thất Lập", "Những Bài Ca Không Quên",...Tháng Tư năm
2005, các "chiến sĩ xung kích" của thập niên 60, 70 đã họp mặt tại Huế
và Sài Gòn với Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Trần Quang Long, Trần Triệu Luật,
Tôn Thất Lập, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Miên Ðức Thắng...
Sang đến năm 2006, 2007 cũng có nhiều chương trình văn nghệ
trên sân khấu đại học, truyền hình, truyền thanh,... tiếp tục diễn ra và Dậy Mà
Ði được sử dụng rất nhiều.
Nhóm thanh niên thuộc Mạng Lưới Tuổi Trẻ Việt Nam Lên Ðường
dưới sự chỉ đạo của đảng Việt Tân (Vietnam Reform Party) vừa mới tổ chức đại hội
thanh niên tại thủ đô Kuala Lumpur của Mã Lai Á vào những ngày đầu tháng Giêng
vừa qua, quy tụ nhiều thanh niên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Việt
Nam. Tuyên bố chung được phổ biến rộng rãi, sau khi lên án bọn cộng sản Việt
Nam nhu nhược để cho Trung Cộng chiếm đất mà không nói gì, đại hội tuyên bố:
"Tuổi Trẻ Việt Nam, chúng ta hãy cùng nhau Dậy Mà Ði". Bài hát Dậy Mà
Ði được sử dụng phổ biến trong các sinh hoạt của đại hội, trên Web Site, trong
các video tuyên vận của đại hội, và phổ biến qua Internet. Sau ngày đại hội, Mạng
Lưới Tuổi Trẻ Lên Ðường khai thác rầm rộ bài hát Dậy Mà Ði ở nhiều cơ hội khác
nhau qua các video, kèm theo các hình ảnh sinh viên Việt Nam biểu tình chống
Trung Cộng xâm lấn các hải đảo của Việt Nam.
Ðiều hiển nhiên trông thấy là nhóm thanh niên thuộc Mạng Lưới
Lên Ðường đang lợi dụng không khí thuận tiện để nâng cao khí thế chống đối sự
việc Trung Cộng chiếm các hải đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Bài hát
Dậy Mà Ði được tập trung khai thác. Trong lúc ấy, Việt cộng đang muốn củng cố
Ðoàn Thanh Niên cộng sản Hồ Chí Minh và cũng nhân dịp này khơi dậy lòng yêu nước
trong giới sinh viên, cũng sử dụng bài hát Dậy Mà Ði cùng với nhiều bài khác
trong tập "Hát Cho Dân Tôi Nghe" của nhóm "Sinh Viên Tranh Ðấu
chống Mỹ" trước đây. Các hệ thống truyền hình, truyền thanh và Internet của
đảng cộng sản Việt Nam vang lên bài hát Dậy Mà Ði và giương lên cờ đỏ của đảng
cộng sản Việt Nam khắp nơi. Sinh viên Hà Nội và Sài Gòn xuống đường chống Trung
Cộng cũng cầm cờ đỏ, cũng hát Dậy Mà Ði.
Gậy ông chưa biết sẽ đập lưng ai?
Nguyễn Văn Sóc
January 21, 2008.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét