Việt
Nam
Tại
Sao Chúng Ta Đã Chiến Đấu?
Tại
Sao Chúng Ta Còn Chiến Đấu?
Bốn
mươi năm về trước, Á châu đang đứng trước một ngả rẽ sinh tử trên con đường
tiến về một tương lai vô định vì bị chế ngự bởi ba chiều hướng lịch sử khác
nhau.
Chiều
hướng lịch sử thứ nhất có liên quan đến hậu quả của những sự tàn sát và hủy
hoại do cuộc Đệ Nhị Thế Chiến gây ra và đã để lại nhiều dấu vết tại hầu hết các
quốc gia trong vùng này cũng như là thay đổi toàn diện trong vai trò của Nhật
Bản tại vùng Đông Á.
Chiều
hướng thứ hai là sự kết thúc một cách bất thần của chế độ thực dân da trắng Âu
châu trong khắp vùng, do đó gây ra một khoảng trống vô chính phủ tại hầu hết
các nước này ngoại trừ Thái Lan và Phi Luật Tân.
Chiều
hướng thứ ba là chủ nghĩa Cộng sản đã trở thành một công cụ nhằm bành trướng
bằng võ lực mà chủ thuyết và các chiến lược của họ đã được phát xuất từ cái nôi
của Cộng sản Quốc Tế, đó là Liên Bang Xô Viết.
Sự
rút lui của các nước Âu châu ra khỏi vùng này đã vô cùng có lợi cho các phong
trào cách mạng Cộng sản, nhất là sau khi Cộng sản Trung Hoa chiếm trọn Hoa Lục
vào năm 1949. Không giống như tại Âu châu, các nước Đông Nam Á chưa hề có kinh
nghiệm gì về nền dân chủ Tây phương cả. Vào năm 1950, cuộc chiến tranh Triều
Tiên bùng nổ khi Bắc Hàn xua quân tấn công Nam Hàn và sáu tháng sau đó thì
Trung Hoa Cộng sản gửi chí nguyện quân sang giúp cho Cộng sản Bắc Hàn. Chiến
tranh do Cộng sản lãnh đạo cũng nổ bùng tại Đông Dương và tại Mã Lai, người Anh
cũng đã mất 10 năm trời mới đối phó được với phong tào du kích do Trung Hoa
Cộng sản yểm trợ. Tại Nam Dương, Trung Cộng cũng ủng hộ một phong trào nổi loạn
của đảng Cộng sản và âm mưu đảo chánh vào năm 1965, tuy nhiên cuộc đảo chánh
này đã bị quân đội dẹp tan.
Tình
hình nội bộ tại Việt Nam lúc đó là phức tạp nhất. Trước hết, vì nhiều lý do
khác nhau mà người Pháp đã không trả lại nền độc lập cho các nước thuộc địa
Đông Dương, do đó đã giúp cho các phong trào kháng chiến kết hợp được một cách
dễ dàng những người có tinh thần quốc gia yêu nước về phía họ để chống lại người
Pháp.
Thứ
hai là vì Hồ Chí Minh, người được trui luyện trong lò đào tạo của Liên Xô, đã
nhanh chóng củng cố và tóm thu quyền lực căn bản chống Pháp bằng cách dùng thủ
đoạn học của Cộng sản Liên Xô là thủ tiêu tất cả những người lãnh đạo của các
tổ chức chính trị không theo Cộng sản, những tổ chức có thể cạnh tranh được với
thế lực của Cộng sản vì họ vừa chống lại người Pháp vừa chống lại cả Việt Minh
Cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Thứ
ba là sau khi bản hiệp ước đình chiến tại Cao Ly được ký kết vào năm 1953,
Trung Hoa Cộng sản đã viện trợ cho quân đội Cộng sản Việt Nam một số lượng vũ
khí tối tân. Việt Minh đã nhận được những loại vũ khí nặng và cả pháo binh dã
chiến như súng đại bác 105 ly. Số vũ khí tối tân này đã làm nghiêng lệch cán
cân lực lượng đưa đến sự thảm bại của người Pháp tại Điện Biên Phủ.
Thứ
tư là chiến tranh càng trở nên khó tránh được khi Hoa Kỳ ủng hộ nền dân chủ
phôi thai tại Miền Nam Việt Nam, đã từ chối không chịu tham gia cuộc bầu cử dự
định tổ chức vào năm 1956 theo bản hiệp ước phân chia Việt Nam vào năm 1954. Về
phương diện địa lý chính trị, từ chối không tham gia vào cuộc bầu cử này là
điều thận trọng vì rõ ràng là sau ngày bản hiệp định Genève được ký kết, Miền
Bắc Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc tài toàn trị. Tổng Thống Eisenhower
đã nhiều lần lên tiếng tiên đoán rằng nếu cuộc bầu cử được diễn ra thì Bắc Việt
của Hồ Chí Minh sẽ chiếm được 75 phần trăm số phiếu, việc đó không phải là nhờ
ở uy tín của Hồ mà là nhờ ở việc không thể nào có được sự bầu cử tự do và công
bằng tại Miền Bắc. Tuy nhiên về phương diện tuyên truyền thì việc tẩy chay bầu
cử này đã giúp cho lập trường của Hồ Chí Minh và đã biện minh cho việc Hà Nội
chủ trương xâm lăng Miền Nam bằng võ lực hai năm sau đó.
Năm
1958, Cộng sản Bắc Việt đã khai diễn những cuộc tấn công khủng bố tại Miền Nam.
Trong vòng hai năm, những toán khủng bố được huấn luyện từ Bắc Việt đã thi hành
thủ đoạn ám sát, trung bình chúng giết chết khoảng 11 viên chức xã ấp mỗi ngày.
Vào năm 1961, Tổng Thống Kennedy đã dựa vào chiến dịch khủng bố này của Cộng
sản để gia tăng con số cố vấn Hoa Kỳ tại Việt Nam. Kennedy nói rằng Chúng ta đã
nói đến và đọc những phúc trình cho biết hiện nay có từ 7,000 cho đến 15,000 du
kích Cộng sản đang hoạt động tại Miền Nam Việt Nam, ám hại khoảng 2,000 viên
chức chính phủ và 2,000 nhân viên cảnh sát mỗi năm, tổng cộng khoảng 4,000
người. Chúng ta phải làm thế nào để chống lại vấn đề đó, một vấn đề khó khăn sẽ
kéo dài cho cả thập niên này và đối với tôi thì đó sẽ là một trong những vấn đề
lớn lao nhất hiện nay đối với Mỹ.
Đối
với quần chúng Việt Nam thì những toán khủng bố sát nhân của Cộng sản là cây
gậy đe dọa giết chết bất cứ những người dân nào hợp tác với chính phủ, trong
khi đó thì củ cà-rốt là những cán bộ chính trị được xâm nhập vào hoạt động tại
Miền Nam sau khi được huấn luyện thuần thục tại Bắc Việt. Bọn cán bộ này huấn
luyện cho dân làng tổ chức thành những ấp chiến đấu, đánh thuế nông dân bằng
cách thu tóm lúa gạo và cưỡng bức thanh niên tham gia vào lực lượng du kích của
chúng. Từ những vùng xa xôi hẻo lánh, những vùng trong những tỉnh gần khu phi
quân sự, những tỉnh gần biên giới Lào và Cao Miên và những vùng mà trong tương
lai có thể tiến sát đến những đô thị quan trọng, Việt Cộng ngày càng mở rộng
khu vực kiểm soát của chúng.
Từ
những địa bàn này, Việt Cộng mở rộng tầm hoạt động liên tiếp trên ba lãnh vực.
Trước hết chúng gia tăng chiến dịch khủng bố, ám sát những viên chức địa
phương, cảnh sát, giáo chức và tất cả những ai tỏ ra ủng hộ chính phủ Miền Nam
Việt Nam. Sau đó chúng tổ chức những cuộc tấn công du kích lẻ tẻ nhằm phá rối
các hoạt động thương mại, khủng bố tinh thần để lôi kéo các làng xã phải theo
chúng.
Sau
cùng, đến cuối năm 1964, Cộng sản Bắc Việt đã đưa một số lực lượng quân đội
chính quy từ miền Bắc vào Nam, chúng đã có đủ khả năng đương đầu, nếu có thể
thì đánh bại cả những đơn vị chính quy của Miền Nam, kể cả quân đội Hoa Kỳ trên
chiến trường. Lập luận của Cộng sản là một khi mà Hoa Kỳ tham chiến trên bình
diện đại quy mô- như là vào tháng 3 năm 1965- thì nhân dân Hoa Kỳ sẽ không ủng
hộ một cuộc chiến tiêu hao lâu dài. Hồ Chí Minh đã tuyên bố một câu về sau rất
là nổi tiếng: “Nếu chúng tôi giết được một người lính Mỹ, người Mỹ sẽ giết được
10 người của chúng tôi. Tuy nhiên sau cùng thì chính người Mỹ sẻ bị mỏi mệt.”
Hồ
Chí Minh đã nói đúng. Kế hoạch “body counts” (đếm xác địch quân sau mỗi trận
đánh) đã bị giới truyền thông và bọn phản chiến Hoa Kỳ không ngớt nói xấu, chê
bai và dè bỉu, thế nhưng sau chiến tranh, vào năm 1995 thì Hà Nội đã chứng minh
cho thấy Cộng sản đã bị tổn thất rất nặng nề trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày Sài Gòn thất thủ, chính quyền Hà Nội thú nhận
rằng có 1 triệu một trăm ngàn bộ đội bị giết và 3 trăm ngàn ngươi khác bị mất
tích.
Như
vậy, Cộng sản Bắc Việt đã bị tổn thất 1 triệu 4 trăm ngàn người chết trong khi
đó Hoa Kỳ chỉ bị tổn thất có 58,000 người và Việt Nam Cộng Hòa là 245,000
người, con số đó rõ rệt cho thấy đó là một trong những bằng chứng cụ thể để
loại bỏ nhiều huyền thoại về cuộc chiến tranh Việt Nam. Những người cộng sản,
nhất là những cán binh Bắc Việt là những quân nhân tài giỏi và đầy quyết tâm.
Nhưng những người du kích quỷ quyệt, không thể nào bắt được (wily, elusive
guerrillas) mà giới truyền thông Hoa Kỳ không ngớt ca ngợi hồi đó thì chẳng có
gì quỷ quyệt, chẳng có gì là xuất quỷ nhập thần không thể nào bắt được như báo
chí truyền tụng khi mà con số tổn thất của bọn du kích này cao gấp 4 lần so với
tổng số tổn thất của đối thủ của chúng là Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa. Và một
quân đội Hoa Kỳ phải chiến đấu cách xa đất nước của họ gần nửa trái địa cầu,
phải chiến đấu với một kẻ thù đầy quyết tâm, phải chiến đấu trên những bãi chiến
trường do địch quân lựa chọn thì cái quân đội Hoa Kỳ đó chẳng phải là một quân
đội không có tinh thần, một lực lượng bất tài và hỗn độn như là các vị giáo sư
đại học, các vị ký giả và các nhà làm phim Hoa Kỳ thường mô tả.
Tại
Sao Chúng Ta Đã Chiến Đấu?
Hoa
Kỳ thừa nhận Miền Nam Việt Nam như là một thực thể chính trị (political entity)
hoàn toàn phân biệt với miền Bắc, cũng giống như là đã công nhận nước Tây Đức,
một quốc gia hoàn toàn khác biệt với Đông Đức do Cộng sản cai trị và cũng như
là thừa nhận Nam Hàn, khác hẳn với Bắc Hàn do Cộng sản thống trị. Là một thành
viên trong Minh Ước Liên Phòng Đông Nam Á (Southeast Asian Treaty Organizatin-
SEATO,) Hoa Kỳ cam kết sẽ bảo vệ cho Miền Nam Việt Nam chống lại mọi cuộc xâm
lăng từ bên ngoài.
Nam
Việt Nam bị Bắc Việt xâm lăng, rõ ràng cũng chẳng khác gì Nam Hàn bị Bắc Hàn
tấn công, tuy nhiên cuộc xâm lăng lần này mang nhiều tính cách ngụy biện hơn.
Cộng sản Bắc Việt, cũng như là giới phản chiến tại Hoa Kỳ luôn luôn chối cãi
cái sự thật hiển nhiên là chính Bắc Việt đã xâm lăng miền Nam và họ luôn luôn
tuyên truyền rằng chỉ có những người du kích Cộng sản tại miền Nam đã đứng lên
chống lại chính quyền miền Nam, về phương diện lịch sử, đó là một bằng chứng rõ
ràng nhất về thái độ đầy gian trá của họ. Có một giai đoạn trong cuộc chiến,
Bắc Việt đã tung vào miền Nam đến 15 trong tổng số 16 sư đoàn tác chiến của họ.
Chúng
Ta Đã Chiến Đấu Như Thế Nào?
Cuộc
chiến tranh tại Việt Nam đã thay đổi theo từng năm, thay đổi theo từng vùng và
quân đội Mỹ cũng không tránh khỏi việc phải thay đổi tư thế cho phù hợp với các
biến chuyển chính trị tại Hoa Kỳ.
Nhiều
lần trong nước Mỹ ngày nay, chúng ta vẫn còn thấy những hình ảnh đã ăn sâu vào
tâm trí của một quốc gia đầy mệt mõi và chán ngán vào thời điểm khi cuộc chiến
tranh kết thúc, khi mà những vấn đề khó khăn to lớn trong lãnh vực xã hội đã
gây ảnh hưỡng đến một quân đội mất tinh thần, phải nằm chịu trận trong những
căn cứ chờ ngày triệt thoái. Khi nhìn lại những tháng sau cùng của người Mỹ tại
Việt Nam (1972) người ta dường như quên đi không thèm nhớ đến những nỗ lực và
những thắng lợi trên chiến trường trong những năm trước đó.
Tại
Hoa Kỳ, người ta gần như quên không thèm biết đến cuộc chiến đã tàn bạo như thế
nào đối với những quân nhân trong quân đội Mỹ từng chiến đấu tại chiến trường
và họ cũng quên không thèm biết đến các quân nhân Mỹ đã chiến đấu hào hùng như
thế nào. Bị đưa sang một nơi cách đất nước trên 12,000 dặm, những người lính
công dân của nước Mỹ đã chiến đấu với một sự dũng cảm và bền bỉ mà chẳng bao
giờ có ai lại có thể nào hiểu được. Đối với những người chỉ muốn tin rằng cuộc
chiến tranh Việt Nam đã được chiến đấu một cách bất tài trên bình diện chiến
thuật thì hãy cứ nhìn vào những sự tổn thất khổng lồ mà ngày nay Cộng sản Việt
Nam đã tự thú nhận.
Đối
với những người vẫn cứ cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến
tranh nhỏ bẩn thỉu (a dirty little war,) một cuộc chiến tranh chỉ có thả bom từ
trên trời xuống thì hãy nhìn vào con số tổn thất của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ
tại Việt Nam: đó là trận chiến tranh mà Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã chịu sự
tổn thất lớn lao nhất từ xưa đến nay. Tại Việt Nam, con số chiến sĩ Thủy Quân
Lục Chiến Hoa Kỳ bị hy sinh đã cao gấp 5 lần con số bị tử trận trong cuộc Đệ
Nhất Thế Chiến, gấp 3 lần con số bị hy sinh trong Chiến Tranh Triều Tiên và
tổng số thương vong ở Việt Nam còn cao hơn cả trong suốt cuộc Đệ Nhị Thế Chiến.
Ngoài
ra cũng còn có nhiều người chỉ trích rằng quân nhân Mỹ ở Việt Nam đã được ân
thưởng nhiều huy chương một cách quá đáng, chẳng hạn như trong cuốn sách
National Defense, tác giả James Fallows đã nói rằng Quân Đội Hoa Kỳ đã ân
thưởng 1.3 triệu huy chương tại Việy Nam so với 1.7 triệu huy chương về sự anh
dũng cho các quân nhân trong trận Đệ Nhị Thế Chiến. Có nhiều tác giả khác,
chẳng hạn như sử gia người Anh Richard Holmes trong cuốn sách Acts of War của
ông cũng có luận điệu tương tự như vậy.
Sự
so sánh này hoàn toàn không đúng vì nhiều lý do.
Lý
do thứ nhất là trong những loại huy chương được ân thưởng trong trận chiến
tranh Việt Nam, Quân Đội Mỹ đã ân thưởng Không Vụ Bội Tinh cho hàng trăm ngàn
quân nhân thuộc Quân chủng Lục Quân hội đủ điều kiện. Không Vụ Bội Tinh không
phải là loại huy chương ân thưởng cho những quân nhân chiến đấu anh dũng tại
chiến trường mà chỉ là một loại huy chương dành cho những người lính thuộc Lục
Quân có đủ một số giờ bay nào đó trên các loại phi cơ trên chiến trường Việt
Nam, do đó đã có khoảng trên 1 triệu Không Vụ Bội Tinh đã được cấp cho các quân
nhân Mỹ tại Việt Nam, đặc biệt là các phi công trực thăng và nhân viên phi
hành, có người đã được cấp trên 40 Không vụ Bội Tinh vì họ có quá nhiều giờ
bay.
Nếu
chúng ta so sánh 3 loại huy chương cao quý nhất về sự anh dũng thật sự trên
chiến trướng thì Quân Đội Hoa Kỳ đã ân thưởng:
1. Medals of
Honor (Huy Chương Danh Dự): 289 trong trận Đệ Nhị Thế Chiến và 155 trong trận
Chiến Tranh Việt Nam;
2. Distinguished
Service Crosses (Anh Dũng Bội Tinh): 4,434 trong Đệ Nhị Thế Chiến và 846 tại
Việt Nam;
3. Silver Stars
(Ngôi Sao Bạc): 73,651 trong Đệ II Thế Chiến và 21,630 trong Chiến tranh Việt
Nam;
4. Trong
số trên 400,000 chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến được gửi sang tham chiến tại Việt
Nam, có khoảng 103,000 người bị thong vong, có 47 quân nhân được ân thưởng Huy
Chương Danh Dự (34 người được truy thưởng sau khi tử trận,) 362 người được ân
thưởng Hải Dũng Bội Tinh, (139 người được truy tặng,) và 2,592 người đựợc ân
thưởng Silver Stars.
Lý
do thứ hai là dù Lục Quân đã ân thưởng 1,3 triệu Bronze Stars (Ngôi Sai Đồng)
và Army Commendation Medals (Bằng Tưởng Lục của Lục Quân) nhưng đó không phải
là một điều biệt lệ vì ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến, Lục Quân đã ra Quy Định số
600-45 cho phép tất cả mọi quân nhân có Combat Infantryman's Badge tức là đã có
phục vụ trong những đơn vị tác chiến hay Combat Medical Badge tức là đã phục vụ
trong ngành Quân Y tác chiến đều đương nhiên được ân thưởng Bronze Star. Vào
thời gian đó, Lục Quân không có đầy đủ dữ kiện là có bao nhiêu Bronze Stars
được cấp phát cho nên sau trận Chiến Tranh Việt Nam có nhiều người đã chỉ trích
việc ân thưởng quá nhiều Bronze Stars cho các cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam.
Những
Sự Tàn Bạo?
Chúng
ta cũng đã có phạm nhiều lỗi lầm tuy nhiên những lỗi lầm đó không lấy gì làm
quá đáng như là những kẻ cố tình bôi nhọ những nỗ lực của chúng ta để tuyên
truyền cho họ. Phải chiến đấu chống lại một kẻ thù đã được huấn luyện tinh thục
với chiến thuật trà trộn vào thường dân trong những khu vực đông dân cư mà
nhiều khi dân chúng phải ủng hộ cho họ thì đó là một hình thức chiến tranh khó
khăn nhất mà quân đội Mỹ phải đương đầu.
Có
một điều khác biệt vô cùng quan trọng là việc cố tình giết chóc những người
thường dân vô tội được xem như là một tội hình sự trong Quân Đội Hoa Kỳ. Chúng
ta phải nhận hoàn toàn trách nhiệm về vụ thảm sát tại Mỹ Lai. Tuy nhiên cho đến
nay, chúng ta vẫn còn chờ phe Cộng sản đứng ra thừa nhận trách nhiệm của họ về
việc hàng chục ngàn thường dân vô tội đã bị tàn sát một cách cố tình bởi các
cán bộ chính trị của họ vì họ đã xem việc giết người đó như là một trong những
chính sách của đảng Cộng sản. Một thí dụ điển hình nhất để khởi đầu là họ hãy
nhận lãnh trách nhiệm tại Huế, nơi mà trong dịp Tết Mậu Thân các lực lượng của
họ đã tàn sát một cách có hệ thống hơn 2,000 người thường dân tại thành phố Huế
trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà Việt Cộng đã tạm chiếm thành phố này.
Chuyện
Gì Đã Sai Lầm?
Ngoài
những chuyện xảy ra trên các chiến trường thì dường như hầu hết mọi sự khác đều
gặp nhiều lỗi lầm quan trọng.
Cuộc
chiến tranh Việt Nam đã khởi đầu và đã được chiến đấu mà không hề có những mục
tiêu chính trị rõ ràng. Những yếu tố vô cùng phức tạp trên bãi chiến trường
không hề được những người có trách nhiệm phân tách và phê bình về cuộc chiến,
tức là các ký giả và các nhà bình luận, hiểu rõ một cách đầy đủ về sự chiến đấu
của người Mỹ.
Vốn
là một cấp chỉ huy trung và đại đội tác chiến tại chiến trường thung lũng An
Hòa ở phía tây thành phố Đà Nẵng, gần như hàng ngày, các binh sĩ Thủy Quân Lục
Chiến của tôi đã phải chiến đấu trên ba mặt trận cùng một lúc: một cuộc chiến
chống bọn khủng bố, một cuộc chiến chống bọn du kích và một cuộc chiến chống
lại các đơn vị chủ lực của Cộng sản Bắc Việt.
Những
sự phức tạp và khó khăn này cũng như là những chiến thắng mà chúng tôi đạt được
trong việc đương đầu với những yếu tố đó lại không hề được dư luận tại Hoa Kỳ
biết đến, trong khi đó các ký giả truyền thông, nhất là những người trong giới
truyền hình, lại không ngớt cho chiếu tràn ngập trên khắp các đài truyền hình
những hình ảnh tiêu cực về cuộc chiến tranh mà họ không hề biết một mảy may gì
về mức độ của cuộc chiến.
Phải
đợi đến sau này, khi mà cuộc chiến tranh đã kết thúc, thì người ta mới khám phá
ra rằng có rất nhiều đại ký giả người Mỹ, tức là các ký giả hàng đầu của Mỹ, đã
bị các cán bộ điệp báo của Việt Cộng xâm nhập khi chúng được các các cơ quan
truyền thông này thuê mướn làm phụ tá và do đó chúng đã hướng dẫn các ký giả Mỹ
viết hay trình bày những điều vô cùng có đại ký giả sản.
Điều
vô cùng quan trọng là cuộc Chiến tranh Việt Nam đã trở thành một cuộc chiến
tranh không tuyên chiến (undeclared war) trong một bối cảnh mà xã hội Hoa Kỳ
đang bị ảnh hưởng bởi một phong trào phản kháng được tổ chức vô cùng tinh vi.
Rất ít người Mỹ trưởng thành sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc biết
được rằng một phần lớn phong trào phản kháng này đã xuất hiện một thời gian khá
lâu trước khi cuộc chiến tại Việt Nam bắt đầu. Những người lãnh đạo khuynh
hướng đấu tranh cách mạng nhằm thay đổi xã hội ở Hoa Kỳ đã thúc đẩy các mục
tiêu của họ qua những phong trào như Hủy bỏ Bom Nguyên tử (Ban-the-Bomb) thời
thập niên 1950 hay Phong trào Vận động Dân Quyền (Civil Rights) vào đầu thập
niên Hủy bỏ.
Việc
đáng chú ý là nhóm phản chiến nổi tiếng nhất hồi đó là nhóm Students for a
Democratic Society (SDS) đã được thành lập tại Viện Đại Học Michigan qua Tuyên
ngôn Port Huron vào năm 1962, hơn ba năm trước ngày quân đội Hoa Kỳ đổ bộ tại
Đà Nẵng. Nhóm SDS hy vọng sẽ mang lại cách mạng ở Hoa Kỳ trên bình diện sắc tộc
nhưng sau đó thì nhóm này cùng với những tổ chức quá khích cực đoan khác đã nắm
lấy cơ hội và khai thác cuộc chiến tranh Việt Nam nhằm phục vụ hữu hiệu hơn cho
các mục tiêu chính trị của họ. (Lời người dịch: Nhóm SDS tại Mỹ đã yểm trợ tài
chánh và cộng tác vô cùng chặt chẽ với nhóm sinh viên do Huỳnh Tấn Mẫm và Lê
Văn Nuôi lãnh đạo vào cuối thập niên 1960-đầu thập niên 1970 và sau này mọi
người đều biết rằng cả hai sinh viên đó đều là cán bộ của Cộng sản.)
Cựu
Đại Tá Cộng sản Bùi Tín, một cán bộ tuyên truyền cao cấp của Bắc Việt trong
thời gian chiến tranh, gần đây đã xuất bản một cuốn hồi ký trong đó ông ta đã
đặc biệt xác nhận một sự thật mà các chiến binh Hoa Kỳ đã từng nghĩ như vậy từ
nhiều năm trước đây. Bùi Tín nói rằng ngay từ lúc đầu Hà Nội đã nghĩ rằng Hoa
Kỳ không thể đạt được thắng lợi nào tại Việt Nam khi mà những phong trào phản
chiến Mỹ-mà họ gọi là hậu phương lớn- hoạt động tích cực và thành công ở Hoa
Kỳ. Có rất nhiều lãnh đạo hàng đầu của các phong trào phản chiến Mỹ đã trực
tiếp phối hợp với các viên chức của Cộng sản Bắc Việt tại Hà Nội. Thí dụ điển
hình về những sự phối hợp đó là những cuộc viếng thăm của các đại diện phản
chiến Mỹ tại thủ đô Hà Nội trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc biểu tình March on
the Pentagon vào tháng 10 năm 1967, chỉ một vài tuần trước trận Khe Sanh và vài
tháng trước cuộc Tổng Công kích Tết Mậu Thân.
Đại
đa số dân chúng Hoa Kỳ không bao giờ thật sự nghe theo luận điệu của các phong
trào phản chiến này. Trong thời gian chiến tranh, có nhiều người Mỹ cảm thấy mệt
mỏi và chán ngán đối với một chiến lược quốc gia không hữu hiệu và cuộc chiến
kéo dài, đó là một sự thật, tuy nhiên dân chúng Mỹ không hề bao giờ ngưng ủng
hộ những mục tiêu thực sự mà Hoa Kỳ và Miền Nam Việt Nam đang chiến đấu chống
lại Cộng sản.
Vào
cuối tháng 9 năm 1972, một cuộc thăm dò dư luận của Viện Harris cho thấy đa số
dân Mỹ, 55 phần trăm ủng hộ và chỉ có 32 phần trăm chống lại việc tiếp tục oanh
tạc Bắc Việt, trong khi đó có đến 64 phần trăm ủng hộ và chỉ có 22 phần trăm
chống lại việc phong tỏa các hải cảng tại Bắc Việt. Có đến 74 phần trăm người
Mỹ đồng ý rằng điều quan trọng là Miền Nam Việt Nam không rơi vào tay Cộng sản
Bắc Việt, trong khi đó chỉ có 11 phần trăm không đồng ý về câu hỏi này.
Cuộc
Chiến có Đáng Hay Không?
Trên
bình diện nhân đạo, cuộc chiến đã mang lại thảm kịch cho hàng trăm ngàn gia
đình người Mỹ qua sự tang tóc, tật nguyền và những vết thương về tâm lý. Nhiều
cựu chiến binh Việt Nam của Mỹ đã bị đóng dấu ô nhục vì sự bôi nhọ của một số
người đồng thời, xem họ như là những nhân vật trong một tấn bi kịch Hy Lạp được
trình bày trước mắt người Mỹ. Đối với những người không tham gia cuộc chiến,
nhất là những phần tử ưu tú của nước Mỹ, họ nhiều khi cảm thấy bị đe dọa bởi
một số hành động của những người đã tham gia cuộc chiến và do đó mà họ đã tự
bào chữa bằng cách lật ngược lại cái tam đoạn luận thông thường về quân dịch
(syllogism of service): Nếu tôi không trình diện nhập ngũ để đi chiến đấu, đó
là vì tôi tin tưởng rằng cuộc chiến tranh đó là một cuộc chiến vô luân (immoral),
vậy thì phải nói làm sao đây đối với những người đã tuân hành lệnh nhập ngũ?
Nếu những người đã tuân theo lệnh gọi nhập ngũ và lên đường chiến đấu thì được
xem như là những người có danh dự (honorable), vậy thì phải nói làm sao đây đối
với những kẻ có được gọi thi hành quân dịch và có thể tuân lệnh nhưng họ đã cố
tình trốn tránh?
Đa
số cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam đều là những người trẻ tuổi mới rời khỏi
ngưỡng cửa trung học để bước vào đời binh nghiệp, do đó cơ hội học vấn cũng như
là sự thăng tiến về nghề nghiệp của họ đã bị gián đoạn trong những năm tốt đẹp
nhất của đời họ. Vậy mà thật là tệ hại khi tại nhiều nơi trên nước Mỹ và trong
một số lãnh vực nghề nghiệp, sự chiến đấu của họ trong cuộc chiến tranh tại
Việt Nam đã trở thành những yếu tố bất lợi khi họ ghi danh vào một số trường
đại học hoặc đi xin việc làm. Tuy nhiên điều mà đại đa số cựu chiến binh Mỹ tại
Việt Nam đã có thể kiên trì và bền chí để tạo dựng nên cuộc sống thành đạt cho
họ cùng gia đình của họ đã chứng tỏ một cách hùng hồn về cái giá trị của những
người Mỹ đã mạnh dạn đứng lên nhận lãnh trách nhiệm và lên đường phục vụ đât
nước.
Trên
bình diện quốc gia và trong nhãn quan của lịch sử, câu trả lời thật ra dễ dàng
hơn nhiều. Chỉ cần xem lại những sự thật xảy ra sau khi Cộng sản Bắc Việt chiến
thắng vào năm 1975 thì người ta ai cũng phải tán dương đối với những điều mà
Hoa Kỳ đã cố gắng để theo đuổi việc thực hiện các mục tiêu tại Việt Nam.
Sau
khi Cộng sản chiến thắng thì một cuộc diệt chủng đã diễn ra tại Kampuchia, một
việc chưa từng xảy ra sau khi cuộc Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Hai triệu người
Việt Nam đã chạy trốn ra khỏi đất nước của họ, đa số bằng những con thuyền nhỏ
bé và hàng ngàn người đã bỏ mình trên biển cả. Đây là lần đầu tiên trong lịch
sử đầy bi thảm dài mấy ngàn năm của nước Việt Nam mà người dân của họ đã phải
bỏ nước ra đi sống cuộc đời tỵ nạn ở nước ngoài. Trong nước, trên một triệu
người được xem như là thuộc thành phần ưu tú nhất của Miền Nam đã bị đày vào
những trại tù cải tạo, hơn 50,000 người đã bị chết trong tù và những người khác
tiếp tục bị giam cầm, có người cho đến 18 năm trời.
Những
người đã từng cộng tác với Hoa Kỳ cũng như là gia đình của họ đã bị chính quyền
Cộng sản trừng phạt bằng những biện pháp kỳ thị cấm đoán trong nhiều lãnh vực
như giáo dục, công ăn việc làm và gia cư. Cho đến ngày bị tan rã, Liên Bang Xô
Viết đã biến Việt Nam thành một nước chư hầu, đã chi tiêu hàng tỷ mỹ kim và xây
dựng một căn cứ hải quân vô cùng quan trọng tại Vịnh Cam Ranh. Thực ra thì chỉ
sau khi Liên Bang Xô Viết bị sụp đổ, Cộng sản Việt Nam mới bắt đầu đổi mới để
mở cửa cho thế giới bên ngoài.
Tôi
Sẽ Còn Chiến Đấu Nữa hay Không?
Tôi
hoan nghênh những người khác khi họ không đồng ý với tôi, nhưng mà về điểm này
thì tôi không có một sự nghi ngời dè dặt nào cả. Cũng như là mọi cựu chiến binh
Thủy Quân Lục Chiến mà tôi đã được gặp lại, điều mà tôi vô cùng ân hận có lẽ là
vào hồi đó, đáng lý ra tôi đã phải làm nhiều hơn nữa cho Việt Nam. Không có một
kinh nghiệm nào khác trong cuộc đời của tôi lại được xem như là quan trọng hơn
là sự thử thách mà tôi đã chỉ huy các anh em Thủy Quân Lục Chiến trong những
thời điểm vô cùng khó khăn đó.
Tôi
không phải là người duy nhất có cảm nghĩ như vậy.
Vào
năm 1980, Viện thăm dò dư luận Harris đã mở một cuộc phỏng vấn các cựu chiến
binh Mỹ đã từng chiến đấu tại Việt Nam và cuộc thăm dò này cho thấy câu trả lời
chính xác nhất về cảm tưởng của họ: 91 phần trăm cho biết họ rất hài lòng đã
phục vụ cho đất nước và 74 phần trăm nói rằng họ vui thích về thời gian phục vụ
trong quân đội hồi Chiến tranh Việt Nam. Thêm vào đó, có 89 phần trăm đồng ý
rằng quân đội Hoa Kỳ đã bị đưa sang chiến đấu trong một cuộc chiến tranh mà các
nhà lãnh đạo chính trị tại Washington không cho họ có quyền thắng trận.
Đối với câu hỏi
cuối cùng đó, chắc chắn là lịch sử sẽ có cái nhìn nhiều thiện cảm dành cho
những người đã tham gia chiến đâu hơn là những người đã lãnh đạo hay là những
người đã chống đối cuộc chiến tranh này./.
Thượng
Nghị Sĩ James Webb.
*****
Thượng
Nghị Sĩ James Webb là một cựu sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã chiến đấu
tại Việt Nam hồi cuối thập niên 1960, đã được ân thưởng nhiều huy chương cao
quý nhất trong quân đội Hoa Kỳ, đã từng giữ chức vụ Bộ Trưởng Hải Quân trong
chính phủ của Tổng Thống Ronald Reagan và cũng là một nhà báo, một nhà văn rất nổi
tiếng với nhiều cuốn sách được xem như là best-seller tại Hoa Kỳ.
Trong
Thượng Viện mới của Hoa Kỳ vừa khai mạc vào đầu tháng Giêng năm 2007, TNS James
Webb là thành viên của hai ủy ban quan trọng, đó là Ủy Ban Quân Vụ và Ủy Ban
Ngoại Giao. Ngoài ra, ông cũng là vị nghị sĩ duy nhất có vợ là người Mỹ gốc
Việt, bà Hồng Lê Webb, một vị luật sư tại Washington D.C. và cũng là người duy
nhất nói được tiếng Việt. Không những có vợ người Việt Nam, không những nói
được tiếng Việt, Thượng Nghị sĩ James Webb là người rất yêu Việt Nam và cuộc
chiến đấu anh dũng của nhân dân Miền Nam Việt Nam chống lại Cộng sản để bảo vệ
tự do và quyền làm người của chúng ta.
Để
biết rõ thêm về lập trường đối với cuộc Chiến tranh Việt Nam của vị tân nghị sĩ
Hoa Kỳ này, xin kính mời quý vị độc giả đọc bài Vietnam: Why We Fought &
Why We Would Do It Again của ông James Webb đã được đăng trên tạp chí American
Legion Magazine (Tạp chí Cựu Quân Nhân Hoa Kỳ) số tháng 9 năm 2003.
Người
dịch: Trần Đông Phong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét