Quan Hệ Việt-Trung:
“Cái Thế Tấn Thoái Lưỡng Nan của Hà Nội.”
Sau
ngày Quốc Vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành
chính cấp huyện Tam Sa trực tiếp quản lý 3 quần đảo trong đó có Hoàng
Sa và Trường Sa như DCVOnline đã nhanh chóng đưa tin vào tháng Mười Hai
năm ngoái, bạn đọc DCV đã có dịp đọc rất nhiều bài liên quan đến Trường
Sa và Hoàng Sa được viết bởi người Việt trong cũng như ngoài nước, bày
tỏ quan điểm hay để chia sẻ cùng nhau những thông tin, kinh nghiệm về
vấn đề này.
Trong
lúc đó, những bài nghiên cứu hoặc bình luận về vấn đề này bởi những nhà
nghiên cứu ngoại quốc vẫn còn tương đối ít. Nhận thấy bài
"SINO-VIETNAMESE RELATIONS, Hanoi's Catch-22 situation" của tác gỉa
David Koh có nhiều nhận xét khách quan, thú vị; DCVOnline trân trọng
kính mời qúy độc gỉa theo dõi bài viết này qua bản dịch của Phan Tường
Vi.
Từ
thế kỷ này qua thế kỷ nọ, Trung Quốc và Việt Nam vốn có một quan hệ
thăng trầm đầy sóng gío. Những biến cố vừa xảy ra cho thấy rằng mối
quan hệ này đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn khó khăn khác.
Cuối
năm rồi, Trung Quốc quyết định thành lập một đơn vị hành chính cấp
huyện quản lý quần đảo Hoàng Sa đang còn tranh chấp, và xem nó như là
một huyện hành chánh mới thuộc tỉnh Hải Nam. Sự khẳng định chủ quyền
này đã gây nên một đáp ứng đầy giận dữ ở Hà Nội và hình như điều này đã
xác nhận một nỗi hoài nghi có từ ngàn đời trong lòng người Việt Nam về
cái gọi là “lớn mạnh trong hòa bình” của Trung Quốc.
Vào
hai ngày 9 và 16 tháng Mười Hai năm rồi, một nhóm đông người Việt Nam
đã tụ tập trước Tòa Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội và Lãnh Sự quán Trung
Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh để phản đối hành động trên của Trung Quốc.
Theo những người phản đối, chủ yếu là người trẻ - sinh viên, nghệ sĩ và
một vài nhà bất đồng chính kiến – thì sự chống đối này là phản ứng lại
những hành động xâm lăng của Trung Quốc, bao gồm chuyện bắn chết một số
ngư phủ Việt Nam đầu năm ngoái. Nhiều vụ phản đối như thế đang được
hoạch định.
Sự
tự phát của những cuộc phản đối này làm nhiều người quan sát thời cuộc
ngạc nhiên bởi sự thường thì đã từ lâu, người ta cho rằng tuổi trẻ Việt
Nam giờ đây hững hờ với chuyện liên quan đến chính trị. Họ không có
điều gì để nhớ về cuộc chiến trước đây, bởi họ sinh sau năm 1975. Và
mặc dù cái lịch sử chống thực dân dài đằng đẵng bao gồm cả việc chống
thiên triều Trung Hoa của đất nước này đã được viết lại qua sách vở,
qua nghệ thuật, và trong cái ký ức chung của đất nước này, không có một
cái gì có thể so sánh được với những người thực sự sống trong những kỷ
nguyên đó.
Và
như thế, tuồng như Trung Quốc đã vô tình đánh thức một kẻ thù ghê gớm
của họ dậy. Những cuộc chiến tranh chống Pháp, chống chế độ Sài Gòn đã
từng được Hoa Kỳ ủng hộ và cuối cùng là Hoa Kỳ cũng được thắng căn bản
là bởi vì tuổi trẻ Việt Nam đã nức lòng lao vào cuộc chiến bất chấp một
điều rất thật là trình độ kỹ thuật chiến tranh của họ đã thua kém xa
đối phương của đất nước họ.
Một
tinh thần yêu nước tương tự có thể thấy được hôm nay qua sự hân hoan
của tuổi trẻ toàn quốc khi đội tuyển thủ bóng đá quốc gia thắng được
đội bạn. Như là chứng cớ, người ta chỉ cần thống kê các blogs của tuổi
trẻ Việt Nam là đủ.
Một
sự việc có ý nghĩa hơn nữa là hành động của Trung Quốc đã gây sự căm
phẫn cho người Việt Nam sống ở hải ngoại, mà rất nhiều người trong số
họ đã không có cảm tình gì với cái chế độ Hà Nội. Từ Texas cho đến
California, từ Anh Quốc cho đến Úc-đại-lợi (Australia), những người
Việt Nam sống ở hải ngoại đã bày tỏ sự ủng hộ của họ dành cho những
cuộc biểu tình chống Trung Quốc bằng cách tự tổ chức những cuộc biểu
tình riêng cho họ.
Sự
việc các cuộc phản đối ở Hà Nội xảy ra qua hai buổi cuối tuần (tháng
12/2007), và những sự chuẩn bị cho hai cuộc phản đối này đã được lan
truyền sâu rộng trên mạng trước khi cuộc phản đối này xảy ra, đã làm
như nó đã được nhà nước chính thức đồng ý cho phép.
Nhưng trong thực tế, những cuộc phản đối này đã đặt chính phủ Việt Nam trong một vị thế rất khó xử.
Trong
quá khứ, chính phủ Hà Nội luôn bị người Việt hải ngoại chỉ trích, cũng
như bởi những nhà bất đồng chính kiến trong nước, là quá mềm yếu với
Bắc Kinh vì đã nhượng đất cho Trung Quốc qua thỏa hiệp biên giới gây
nhiều tranh cãi đã được ký kết vào cuối năm 1999. Quan tâm đến những
phát triển ở khối Đông Âu trước đây vào những năm cuối của thập niên
1980 và vụ phản đối ở Thiên An Môn năm 1989, chính phủ Việt Nam lo sợ
rằng những cuộc phản đối hôm nay có thể biến thành một phong trào quần
chúng nhắm lật đổ chế độ họ.
Những
cuộc biểu tình vừa rồi đã làm khó cho Hà Nội trong việc ứng xử với Bắc
Kinh. Thực tế thì cuộc thương thảo nào cũng đòi hỏi những sự thỏa hiệp,
và về phương diện Trường Sa mà nói, thì sức mạnh hải quân Trung Quốc
hơn hẳn Việt Nam. Những cuộc phản đối trên cũng có thể làm mạnh lên cái
nhóm chống Trung Quốc trong chính quyền, làm mất cân bằng cái thế chiếc
lược đi dây nước đôi mà Hà Nội vốn muốn đi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Hà
Nội giờ đang ở trong cái thế tấn thoái lưỡng nan. Cấm biểu tình phản
đối Trung Quốc thì có cái nguy hiểm là làm cho nhà nước cộng sản trông
như chẳng yêu nước tí nào, trong lúc đó Hà Nội vô tình cho phép những
người biểu tình gia tăng cái không gian cho một sự tranh luận công
khai, và nó cũng cho những nhà bất đồng chính kiến một cơ hội để gia
tăng ảnh hưởng của họ. Thực ra, nhà bất đồng chính kiến Phạm Hồng Sơn
đã nhân cơ hội này tham gia cuộc biểu tình phản đối, như một số những
nhà đối lập khác. Theo một nguồn tin, tuy nhiên, sinh viên biểu tình đã
yêu cầu ông Sơn và thân hữu của ông đứng xa ra nhóm họ để lực lượng an
ninh ở Hà Nội không nghĩ là cả hai nhóm đang phối hợp cùng nhau.
Để
duy trì một chính sách cân đối như hiện tại, trong lúc tránh bị nhìn
như một chính phủ không yêu nước mình, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ phải làm
hai điều sau.
Trước
hết, họ phải công bố cho người dân biết tin tức về những thỏa hiệp biên
giới được ký kết trước đây. Trong qúa khứ, chính phủ cộng sản Việt Nam
thường ra sức giữ kín tin tức về chính sách ngoại giao cho chính họ.
Như là hệ qủa, có nhiều người người trẻ than phiền là họ hầu như chẳng
biết gì về chuyện những quần đảo đang tranh chấp chủ quyền hay những
vùng đất nằm dọc theo biên giới được cho là mất vào tay Trung Quốc qua
hiệp ước năm 1999. Chính phủ Hà Nội trước sau như một vẫn cho rằng
không mất một tấc đất nào cả. Nhưng bởi vì chuyện thỏa hiệp này chưa
bao giờ được đưa ra để giải thích hay thảo luận công khai cả, nên công
luận sẵn sàng tin những tin tức gì liên quan đến chuyện này hiện đang
có sẵn trên mạng Internet.
Bắc
Kinh cũng xác nhận rằng vào tháng Chín năm 1958, chính phủ Việt Nam
(Dân chủ Cộng hòa) đã gởi cho Trung Quốc một công hàm công nhận chủ
quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Chính
phủ Việt Nam đã chưa bao giờ trả lời Bắc Kinh về chuyện này. Nhưng sau
khi về hưu, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã một lần nói đến bản công hàm năm
1958 cho rằng công hàm này phải được hiểu trong bối cảnh của cuộc Chiến
tranh Lạnh hồi đó. Ngụ ý rằng chính phủ Việt Nam dạo đó không có nhiều
sự chọn lựa, và bản công hàm đó được gởi ra để bảo đảm là các quần đảo
đó không rơi vào tay phe tư bản. Trên căn bản anh em xã hội chủ nghĩa,
Hà Nội hy vọng rằng khi hòa bình lập lại những quần đảo này sẽ được trả
lại cho Việt Nam.
Điều
thứ nhì Hà Nội cần phải làm là có một phản đối ngoại giao quyết liệt
hơn để phản đối những hành động của Trung Quốc và được xem như những
bước vững chắc để bảo vệ lãnh thổ đang còn tranh chấp.
Mới
đầu năm ngoái, đã có một dự định lập một Bộ đặc trách Hàng hải để lo
chính sách khai thác tài nguyên ở biển và bảo vệ chủ quyền. Nhưng cho
đến nay bộ này vẫn chưa hình thành, điều này cho thấy sự chậm trễ trong
chính sách hoạch định đường lối có thể gây những hậu quả quốc gia quan
trọng đến dường nào.
Quyết
định thành lập một đơn vị huyện hành chính để quản trị quần đảo Trường
Sa vào cuối năm rồi của Trung Quốc là một bước phát triển quan trọng.
Không những nó đoàn kết những người Việt quốc gia ở hải ngoại và chính
phủ Việt Nam, nó cũng đã đánh thức lòng yêu nước của một thế hệ trẻ
Việt Nam trước đây đã từng bị xem như thiết tha hơn với chủ nghĩa tiêu
thụ và những thần tượng văn hóa Tây phương.
Cũng
quan trọng không kém, tuy vậy, là cách mà nước cờ của Bắc Kinh đã làm
cho những nhà lãnh đạo của chế độ cộng sản Hà Nội đâm sầm vào một nhận
thức rằng là họ phải giải quyết những dị biệt của họ và cùng làm việc
với nhau nếu họ muốn giải quyết những vấn đề đầy thách đố từ một Trung
Quốc đang trổi dậy.
Phần
còn lại của thế giới có lẽ vẫn đang phân vân không biết Trung Quốc nên
được xem như là một sự hăm dọa hay là một cơ hội. Nhưng đối với người
Việt Nam thì họ đã quyết định điều đó rồi, rõ như mười mươi.
Phan Tường Vi.
01/28/2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét