Trong giai đoạn phát triển hiện nay, truyền thông đại chúng
đã trở thành phương tiện chính thống để giải thích các thực tại xã hội. Qua các
sự kiện, bài viết, bình luận, truyền thông đại chúng đã xác định và hình thành
các định hướng chính trị. Là phương tiện chủ yếu tuyên truyền các hệ tư tưởng,
thiết lập và củng cố lòng tin trong công chúng, hợp pháp hóa các thể chế quyền
lực, truyền thông đại chúng còn là nhân tố kiểm soát xã hội, được giới cầm quyền
sử dụng để hợp pháp hóa các chính sách, ổn định hệ thống chính trị và kinh tế.
Vì lẽ đó, nhiều người nói rằng: truyền thông là loại quyền lực thứ tư. Đó là
cách diễn đạt theo trật tự để phân biệt với các quyền lực Nhà nước.
Thực chất, quyền lực của truyền thông có thể chi phối, hạn
chế và kiểm soát các quyền lực còn lại như quyền lập pháp, hành pháp và tư
pháp. Quyền lực của truyền thông là quyền lực của công chúng, mà công chúng là
nguồn gốc của mọi quyền lực nhà nước.
Khi phong trào đấu tranh cho nền dân chủ ở Việt Nam còn nhỏ
lẻ, chưa có đủ quy mô, tầm vóc và giải pháp thì truyền thông đại chúng nổi lên
như một lực lượng mạnh mẽ nhất. Lẽ tất nhiên, lực lượng này không phải là truyền
thông chính thống của Nhà nước Việt Nam hiện tại.
Lực lượng này bao gồm:
- Các trang web trong nước như: Dòng Chúa cứu thế Việt Nam,
Bauxite Việt Nam, Chúng ta.com, v.v…
- Các trang web của người Việt ở hải ngoại thì có: talawas,
Diễn đàn X-cafe, Dân luận, viet-studies.info, Pháp nạn Bát Nhã, v.v…
- Các hãng truyền thông quốc tế nổi tiếng như: BBC, AP, AFP,
VOA, RFA, RFI, Reuters, v.v…
Lực lượng này không bị chi phối hay kiểm soát từ phía Nhà nước.
Ngoài ra, còn đông đảo cây viết khác nhau trong giới blogger
như: Osin (Huy Đức), Ba Sàm, Điếu Cày, Người Buôn Gió, JB Nguyễn Hữu Vinh, Mẹ Nấm,
Đào Hiếu, Tạ Phong Tần, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Tô Hải, Tuấn Khanh,
Đinh Tấn Lực, Nguyễn Quang Lập (Quê choa), Trần Nhương, Bùi Văn Phú, Hồ Hải,
Nguyễn Văn Tuấn, v.v… và một số lượng lớn các cây bút khác.
Vẫn biết, các hãng truyền thông quốc tế, một số trang web và
blogger nêu trên không lấy việc đấu tranh cho nền dân chủ làm mục đích của
mình, nhưng việc họ đưa tin và bình luận các vấn đề thời sự một cách nhanh
chóng, trung thực và khách quan đã giúp cho phong trào đấu tranh dân chủ đạt được
những kết quả thiết thực. Khi nói đến “dân chủ”, không thể không nói đến tính
“công khai” và “trung thực”. Hai thuộc tính này của nền dân chủ chính là tiêu
chí căn bản của những người làm truyền thông.
Nếu như chế độ độc tài lấy sự dối trá và bưng bít làm phương
tiện tồn tại, thì ngược lại, phong trào dân chủ lấy sự công khai và trung thực
làm công cụ đấu tranh cho mình. Và do đó có thể nói rằng: Cuộc đấu tranh cho nền
dân chủ ở Việt Nam đã trở thành “cuộc chiến” giữa lực lượng truyền thông chính
thống của Nhà nước với lực lượng truyền thông còn lại vừa nêu trên. Cuộc chiến
này ngày càng quyết liệt hơn, gay gắt hơn, nhiều thông tin và sự kiện hai bên
đưa ra hoàn toàn trái ngược nhau. Cuộc tranh giành “thị phần độc giả, thính giả”
cũng không kém phần quyết liệt. Tất nhiên, công chúng luôn yêu mến sự trung thực
và khách quan. Có thể nói hiện nay tiếng nói của truyền thông tự do đang trở
nên thắng thế trên chiến trường truyền thông. Tất nhiên, một phần của báo chí
chính thống và các “nhà báo có thẻ” khi kịp thời đưa tin trung thực, khách
quan, thì cũng đã và đang trở thành đồng minh của giới truyền thông tự do Việt
Nam.
Điểm lại vài sự kiện nổi bật đã qua để thấy sự tác động từ
“cuộc chiến” này:
Khi sự kiện “Tòa khâm sứ” và “Thái Hà” nổ ra, truyền thông
Nhà Nước gọi: cuộc gây rối trật tự công cộng, phần còn lại gọi: cuộc cầu nguyện
trong ôn hòa. Tiếp theo, sau bài phát biểu của Đức Tổng Ngô Quang Kiệt, truyền
thông Nhà nước cắt bớt lời phát biểu của ngài và cho rằng: ngài đã không còn tự
trọng là một công dân Việt Nam, và làm cho quần chúng “phẫn nộ”. Lập tức, phần
còn lại đưa nguyên văn lời phát biểu của ngài và khẳng định ngài là một người
yêu nước. Và cho đến giờ này, ngài là một “vị thánh” trong lòng người công
giáo. Khi phiên tòa xét xử các giáo dân Thái Hà sắp mở ra, tất cả truyền thông
trong nước đều im lặng. Trong khi đó, hàng chục bản tin của các hãng truyền
thông quốc tế, hàng trăm bài viết của giới blogger đều đưa tin. Chính nhờ những
thông tin này mà hàng nhìn giáo dân đã có mặt trước phiên tòa, với cành thiên
tuế trên tay và hô vang: vô tội, vô tội. Kết quả, nhà cầm quyền đã phải lùi bước
với một bản án đầy mâu thuẫn.
Đến vụ “bô-xit”, được gọi là “chủ trương lớn” của Đảng mặc
dù trước đó đã có hàng chục bài viết phân tích về tính nguy hại lâu dài và toàn
diện đối với quốc gia trên các báo chí chính thống. Trang mạng bauxite Việt Nam
ra đời thu hút trên 3000 chữ ký đồng thuận, với hàng trăm bài viết đã lôi cuốn
được hàng triệu độc giả trên toàn quốc.
Rồi đến vụ công dân Cù Huy Hà Vũ khởi kiện Thủ tướng. Có thể
nói đây là vụ kiện hi hữu, rất hay và thú vị. Các báo đài như BBC, RFA… các
trang web, các blogger đều đồng loạt đưa tin, nhưng truyền thông chính thống
trong nước có vẻ “không thích” sự kiện này.
Mới đây, sự kiện “Bát Nhã”: hình ảnh các tu sinh bị xua đuổi,
đánh đập được đăng tải khắp nơi, làm xúc động hàng triệu người trên thế giới.
Trong khi đó, truyền thông trong nước đưa tin và lý giải: Đó là việc tranh chấp
nội bộ!
Bài góp ý “Đổi mới Đảng để tránh sụp đổ” cũng là một ví dụ cụ
thể về tính công khai. Sự công khai của Thiện Ý – Tống Văn Công khiến cho bài
trên báo Quân đội nhân dân chụp mũ ông là một “mưu đồ thâm hiểm” đã bị công luận
nhận diện một cách nhanh chóng.
Vụ tờ báo Đảng đăng tin về Hải quân Trung Quốc tập trận đã bị
giới blogger phát hiện và nhanh chóng buộc phải xin lỗi. Cũng từ đó mà công luận
phát hiện thêm một sự thật khác: số liệu truy cập vào website của Đảng thực tế
rất thấp, những con số 25 triệu truy cập hay 40 triệu truy cập một tháng chỉ là
hư cấu.
Vụ ba (03) blogger: Mẹ Nấm, Người Buôn Gió và Đoan Trang bị
bắt và được thả ra cho thấy một thắng lợi cụ thể nhờ sự kết hợp tự nhiên giữa
giới truyền thông tự do trong nước và quốc tế. Vụ việc khởi tố nhà văn Trần Khải
Thanh Thủy cũng đang đi theo hướng này.
Sức mạnh và sự ảnh hưởng của truyền thông chưa bao giờ quan
trọng như ngày nay. Nó có thể giúp cho công chúng tiếp cận với nhiều thông tin,
nhiều giá trị của Dân chủ và Nhân quyền, qua đó hình thành các định hướng chính
trị có tính chất phổ quát vượt qua các khuôn khổ đã định sẵn. Nó giúp cho các
nhóm đấu tranh nhỏ lẻ có sự liên kết với nhau và truyền đi một thông điệp chung
về sự khát khao một nền dân chủ thực sự.
Cuối cùng, chúng ta vẫn phải thừa nhận một quan điểm chung rằng:
cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ, cho sự thật khách quan và trung thực vẫn là mục
tiêu quan trọng hàng đầu của mọi nhà nước trên thế giới, không loại trừ nhà nước
Việt Nam hiện hữu. Vì thế, khi báo chí và truyền thông của nhà nước thay đổi để
không còn là công cụ một chiều, thì nó sẽ góp phần rất lớn vào tiếng nói chung
của nhân dân, của công luận đích thực và cuộc chiến truyền thông sẽ khép lại.
Sài Gòn, ngày 16 tháng 11 năm 2009
Luật sư Lê Trần Luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét