Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

19 tháng 11 2009

Sáng Mắt...

Sau ngày 30/04/1975 không bao lâu, tại Miền Nam Việt Nam, nhằm tránh tai mắt của công an CSVN, người dân Saigon thường trao đổi với nhau một mẫu thông tin nghe rất lạ tai. Bạn có biết không, nhạc sĩ Văn Vỹ, chuyên sử dụng đàn cò, bị mù từ thuở nhỏ, mới đây ông ấy đã sáng mắt, đi đứng bình thường, không cần quơ gậy, không cần chó dẫn đường.
Hỏi ra mới biết, sáng mắt theo nghĩa bóng hàm ý rằng: con người khi bị rơi vào cảnh sống khắc nghiệt mới “sáng mắt ra”, mới hiểu được lòng người, mới hiểu được tình đời. Lòng người ở đây là lòng độc tài, dạ tham ô của chế độ Hà Nội. Tình người ở đây là mối liên hệ thân thiết giữa Mẹ chiến sĩ và chú bộ đội vô sản năm xưa nay đổi thành sự ngăn cách khinh khỉnh giữa ông đại gia tư bản đỏ và bà Mẹ dân oan ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng.
Điều cực kỳ trớ trêu là: trước kia trên địa bàn xã hội quốc nội, CSVN đã làm quần chúng Việt Nam sáng mắt. Ngày nay, trên địa bàn xã hội quốc tế, Trung quốc đã làm CSVN sáng mắt. Câu chuyện CSVN sáng mắt xin được trình bày qua ba tiểu mục sau đây:
1) Những thập niên CSVN mù mắt.
2) Vài dấu hiệu cho thấy CSVN đã sáng mắt.
3) Con đường trước mặt dành cho kẻ vừa sáng mắt.
Có thể nói được rằng: lịch sử bang giao giữa CSVN và Trung Quốc là lịch sử của vô số diễn biến cho thấy CSVN bao giờ cũng vòng tay cúi đầu trước chính sách hung hăng bành trướng của Bắc Kinh.
Ngày 4 tháng 9 năm 1958 Bắc Kinh ra tuyên bố qui định lãnh hải của Trung Quốc. Tuyên bố này gồm HAI CHỦ ĐIỂM:
Chủ điểm một: Lãnh hải của Trung Quốc là 12(mười hai) hải lý. 12 hải lý này tính từ làn ranh tiếp giáp giữa lãnh thổ TQ và nước biển.
Chủ điểm hai: Trong trường hợp lảnh thổ Trung Quốc là hải đảo thì lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý tính từ bờ hải đảo. Các hải đảo của Trung Quốc bao gồm:Đông Sa, Trung Sa, HOANG SA (TQ gọi là Tây Sa), TRƯỜNG SA (TQ gọi là Nam Sa).
Ngày 14 tháng 9 năm 1958 Phạm Văn Đồng, thủ tướng CSVN với sự cho phép của Hồ Chí Minh đã vội vàng ký công hàm xác nhận CSVN tán thành và cam kết tôn trọng công bố 4/9/1958 của TQ. Điều này có nghĩa là CSVN đã mang Hoàng Sa-Trường Sa dâng tặng TQ từ 1958.
Tháng 02/1972, cục Đo Đạc và Bản Đồ thuộc phủ thủ tướng CSVN nhân khi ấn hành bản đồ thế giới đã xóa tên Hoàng Sa và Trường Sa, thay vào đó là hai tên Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc. Một lần nữa CSVN lại dâng Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung quốc.
Các sự kiện kể trên cho thấy CSVN đã hai lần mang Hoàng Sa-Trường Sa cống hiến cho Trung Quốc.
Mặt khác, nhắc tới bang giao giữa CSVN và Trung Quốc, dư luận không bao giờ quên chiến tranh Việt Hoa tháng 02/1979. Chỉ sau mười ngày dánh nhau đôi bên đã có khỏang một trăm ngàn binh sĩ tử trận.
Sau đó, năm 1988 Trung Quốc lại tấn công hải quân CSVN để chiếm thêm sáu đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tiếp đến, các năm 1999 và 2000 CSVN đã ký thỏa ước lãnh hải, lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng đôi bên đều gọi hai thỏa ước kia là mật ước. Nói cách khác, CSVN đã phản bội tổ tiên Việt Nam bằng cách bí mật mở đường cho Trung Quốc chiếm đoạt lãnh hải, lãnh thổ của Việt Nam. Những năm sau hai mật ước vừa kể Trung Quốc không ngừng bắn giết bừa bãi ngư dân VN đánh cá trong vịnh Bắc bộ hoặc trên biển Đông. Sau mỗi lần ngư dân VN gặp đại họa, CSVN hoặc giữ im lặng, hoặc chỉ lên tiếng phản đối lấy lệ.
Ngày 10/04/2007, Trung Quốc lên tiếng đe dọa công ty dầu khí BP của Anh Quốc khiến công ty này phải ngưng dự án khai thác dầu khí chung với VN.

Đặc biệt nhất ngày 22/07/2008, Trung Quốc xác nhận là họ phản đối công ty Hoa Kỳ ExxonMobil vì công ty này đã hợp tác với PetroVietNam trong việc thăm dò trử lượng dầu khí ở biển Đông. Động thái kia của Trung Quốc có năm hệ quả rất đáng quan tâm sau đây:
1) Giáo sư Arthur Waldron, giảng dạy môn bang giao quốc tế tai đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ cho hay “Theo luật Quốc Tế, thềm lục địa và vùng biển (mà ExxonMobil và PetroVietNam đang thăm dò dầu khí) là hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hơn thế nữa, tiến sĩ Toshi Yoshihara thuộc Đại Học Hải Chiến Rhodes Island Hoa Kỳ nhận xét: “Bắc kinh xem toàn bộ biển nam Trung Hoa thuộc về lãnh hải Trung Quốc. Dĩ nhiên đó là đi ngược lại luật pháp quốc tế. Nhưng Trung Quốc cứ khăng khăng như thế, có nghĩa là cuộc tranh chấp không có lối ra.” (BBC các ngày 23 và 24/07/2008)
2) Ngày 28/07/2008, khi được hỏi về vụ ExxonMobil bị Trung Quốc phản đối, nữ phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ Nicole Thompson tuyên bố: “Chúng tôi ủng hộ sự phát triển mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và VN trong đó có những hoạt động tăng cường đầu tư của các công ty Mỹ”. Điều này có nghĩa là ExxonMobil và Petro VN đã được Mỹ ủng hộ.
3) Từ đầu năm 2008 đến nay, nhằm chuẩn bị cho Olympic 2008, Trung Quốc cố gắng cao độ để giữ gìn bang giao thân thiện với mọi quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Tại sao Trung Quốc lại mở hồ sơ ExxonMobil ngay lúc này, thay vì chậm lại ba tuần lễ để ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 diễn ra trong không khí hoàn toàn hòa bình và hữu nghị?
4) Hiện nay thế giới đang trong thời kỳ khủng hoảng năng lượng. Hành động phản đối ExxonMobil của Trung Quốc rõ ràng gây trở ngại cho việc khai thác dầu khí trên biển Đông. Sự thể này có hại cho cố gắng giải tỏa áp lực khan hiếm dầu hỏa trên thị trường thế giới.
5) ViệtNam đang khủng hoảng kinh tế trầm trọng, ngăn chặn công việc khai thác dầu hỏa của Việt Nam lúc này tức là triệt tiêu sinh lộ kinh tế quan trọng hàng đầu của ViệtNam.
Suy nghĩ về năm hệ quả nêu trên, CSVN nhận biết rằng dầu đã chấp nhận vòng tay cúi đầu trước Trung Quốc, dầu đã tận tình phục vụ quyền lợi chính trị của Trung Quốc, triều đình Đại Hán vẫn ngày càng mạnh mẽ và ngang bướng lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam, vẫn gây nguy hại cho quyền lợi kinh tế của Việt Nam. Tình huống này làm cho CSVN không thể không sáng mắt. Có hai dấu hiệu của trạng thái sáng mắt:
1) Dấu hiệu thứ nhất: Tháng 04/2007, trong vụ BP Anh Quốc, sau khi Trung Quốc cảnh cáo, công việc hợp tác giữa BP và PetroViệtNam lập tức chấm dứt. Lần này đối với vụ ExxonMobil, CSVN đưa ra hai phản ứng. Một là ngày 23/07/2008, ông David Nicholas, phát ngôn viên của BP cho biết hợp đồng giữa BP và PetroViệtNam đã được tái tục.(Tin của thông tấn xã Reuters). Hai là ngày 24/07/2008, ông Lê Dũng, phát ngôn viên của bộ ngoại giao CSVN xác nhận: “Mọi hợp tác trong lãnh vực dầu khí giữa Việt Nam với phía đối tác nước ngoài đều nằm trong vùng lãnh hải và đặc khu kinh tế của VN”, ông Lê Dũng còn nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam sẽ bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các nhà đầu tư khi đến làm ăn trên lãnh thổ VN”. Rỏ ràng là bộ ngoại giao CSVN đã xác quyết: mặc cho Trung Quốc phản đối, CSVN vẫn tiếp tục thi hành hợp đồng khai thác dầu khí với ExxonMobil của Mỹ cũng như với BP của Anh Quốc.
2) Dấu hiệu thứ hai: ngày 23/07/2008, báo VietNamnet của CSVN đã cho đăng tấm hình về vụ Thiên An Môn tại Bắc Kinh, ngày 04/tháng 06/1989. Bức hình ghi nhận một thanh niên Trung Quốc đang đứng chận đầu một đoàn xe tăng của Trung Quốc. Đi kèm bức hình là một bài viết giới thiệu và bình luận về xuất xứ và nội dung của bức hình. Đặc biệt nhất bài viết có kết luận như sau: “Ngày nay, hình ảnh này được sử dụng như một biểu tượng của cuộc đấu tranh vì dân chủ.” Dĩ nhiên dân chủ ở đây là dân chủ hiểu theo nghĩa mà phe CS thường gọi là dân chủ kiểu Âu Mỹ. Không còn nghi ngờ gì nữa, bằng vào hai chữ “dân chủ” trong kết luận vừa nêu, CSVN đã gửi cho Trung Quốc một tín hiệu rất rõ rằng: từ bao nhiêu năm qua chúng tôi (CSVN) đã rất kiên nhẫn giữ vững vị trí đàn em thân tín của Trung quốc. Ngày nay sức chịu đựng của CSVN đã vượt giới hạn. Nếu Trung Quốc tiếp tuc quấy phá VN thì CSVN không còn chọn lựa nào khác hơn là con đường thực sự trở thành đồng minh của Âu Mỹ.
Xin được nhấn mạnh thêm rằng Vietnamnet là báo điện tử quan trọng hàng đầu của CSVN. Nó trực thuộc bộ Truyền Thông Việt Nam. Bộ này cùng với Ban Văn Hóa Tư Tưởng của Trung Ương Đảng CSVN có thẩm quyền kiểm soát hoạt động của toàn bộ hệ thống truyền thông VN.
Chắc hẳn thái độ hung hăng và trịch thượng của Trung Quốc đã làm cho CSVN không thể không sáng mắt. Sáng mắt rằng: tham vọng của Trung Quốc là vô bờ bến cộng với mối hận chiến tranh Việt Hoa 1979, chắc chắn sau khi chiếm được VN, Trung Quốc không cho phép đảng CSVN tồn tại. Do đó theo Tàu thì trước tiên mất nước, sau đó đảng sẽ bị Tàu tru di tam tộc về tội chiến tranh 2/79. Theo Mỹ thì vừa giữ được nước, vừa có cơ hội để hạ cánh an tòan. Chính vì sáng mắt như đã trình bày, cho nên, trong những ngày vừa qua CSVN đã có những chuyển động rất dồn dập.
Chuyển động nổi bật nhất chính là tin tức loan truyền rằng: ngày 28/07/2008 thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã ký một loạt quyết định cất chức bốn ông tướng có tên như sau: Trung tướng Nguyễn Đăng Sáp chính ủy quân khu thủ đô; thiếu tướng Trần Trung Khương phó chính ủy quân khu thủ đô; thiếu tướng Lê Hãi Bình phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng quân khu thủ đô; thiếu tướng Nguyễn Văn Nghinh phó tư lệnh quân khu thủ đô. Đây là bốn vị tướng có trách nhiệm chỉ huy lực lượng bảo vệ Hà Nội, bảo vệ bộ Chính tri, bảo vệ chính phủ.
Áp dụng phép lý luận loại suy, mang bản tin cất chức bốn vị tướng đặt bên cạnh các tin tức về Mỹ ủng hộ CSVN bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, Mỹ ủng hộ ExxonMobil, tin tức về ViệtNamnet với bức hình Thiên An Môn, tin tức về sự việc CSVN vẫn tiếp tục hợp tác với BP, với ExxonMobil, bất chấp lời cảnh báo của Trung Quốc…chúng ta hiểu ngay rằng lý do cất chức bốn ông tướng là vì bốn ông kia không thích hợp với vai trò bảo vệ Hà Nội đương đầu với Trung Quốc.
Nhìn một cách chung nhất, trên các địa bàn chính trị, kinh tế, quốc phòng, nội chính, ngoại giao CSVN đã bước những bước đầu của những ngày vừa mới sáng mắt, những bước đầu sau quyết định đoạn tuyệt với cảnh đời làm tay sai cho Trung Quốc. Câu hỏi được dặt ra là CSVN sẽ bước tới cùng hay chỉ bước được vài bước rồi bị Trung Quốc quật ngã? Làm thế nào để CSVN có khả năng tồn tại bên ngoài tầm tay khắc nghiệt của Trung Quốc?
Đỗ Thái Nhiên
August 3, 2008.

Không có nhận xét nào: