"...
Chống tham nhũng là chống người bóc lột người. Nhưng đây lại là một trò
lường gạt và phản bội trắng trợn có tính toán của đảng ..."
Hắn
mới từ Việt Nam về và đến thăm tôi vào đúng dịp trong nước rộn ràng kỉ
niệm ngày chiến thắng. Hắn bảo bộ máy tuyên truyền lên giây cót cho
"chính nghĩa" huy hoàng của người cộng sản ghê quá. Hắn nói:
-
Ngày 30 tháng 4 năm nay là đúng 33 năm cuộc chiến tranh 1945-1975 chấm
dứt. Đã đến lúc chúng ta cần đặt cho cuộc chiến tranh này một cái tên
thật chính xác để con cháu chúng ta khi nói đến tên cuộc chiến tranh
này thì có thể rút ra được một bài học.
-
Đã có một số người thử đặt lại tên gọi cho cuộc chiến tranh này, chẳng
hạn như giáo sư Lê Xuân Khoa. Như vậy việc chú muốn thảo luận về việc
đặt tên cho cuộc chiến tranh này có thừa và vô ích không?
-
Có hai lý do cho thấy là việc thảo luận này không thừa và vô ích. Một
là những tên đã được đặt cho cuộc chiến tranh này như cuộc chiến tranh
giải phóng, cuộc chiến tranh ủy nhiệm, cuộc chiến tranh nội chiến chỉ
thuyết phục được một số người ở một phía chiến tuyến nào đó và ở một
thời điểm nhất định. Nó không giúp cho thế hệ mai sau rút ra được một
bài học vế cuộc chiến tranh 1945-1975.
- Còn lý do thứ hai?
-
Trong số 83 triệu dân có 63 triệu dưới 30 tuổi. Như vậy con số những
người Việt Nam sinh sau 1975 chiếm khoảng gần 80% dân số. Những người
này không có liên quan gì tới cuộc chiến tranh 1945-1975. Họ đang có
một cái nhìn khác về cuộc sống. Nhưng họ lại được giảng dạy về một cuộc
chiến tranh với những tên gọi không thích hợp với cái nhìn về cuộc sống
hiện nay của họ và không giúp họ rút ra được một bài học nào cho cuộc
sống.
- Như vậy theo chú thì nên gọi tên cuộc chiến tranh này như thế nào mới đúng và hữu ích cho thế hệ sinh sau năm 1975?
- Theo em thì tên gọi chính xác nhất cho cuộc chiến tranh 1945-1975 là cuộc chiến tranh của lường gạt và phản bội.
- Sao chú lại muốn đặt tên cho cuộc chiến tranh này như vậy?
- Tên gọi như vậy cho cuộc chiến tranh này rất có cơ sở và có tính thuyết phục với nhiều người thuộc cả hai phía chiến tuyến.
- Vậy những cơ sở mà chú dựa vào để đặt tên cho cuộc chiến tranh này là gì?
-
Trước hết về phía những người chiến bại tức là phía Việt Nam Cộng Hoà,
cuộc chiến tranh này thực là cuộc chiến tranh của lường gạt và phản
bội. Lường gạt và phản bội đầu tiên là của phía đồng minh. Họ đã hăm hở
tìm mọi cách để đến giúp miền Nam Việt Nam và sau đó cũng tìm đủ mọi
cách để lường gạt và phản bội miền Nam Việt Nam. Với họ thì tất cả chỉ
là quyền lợi. Khi quyền lợi không còn thì bỏ rơi. Bài học rút ra cho
mọi hợp tác với các nước đồng minh là phải làm sao cho thấy mình luôn
còn là mối lợi cho họ. Lường gạt và phản bội thứ hai là của các hiệp
ước. Hiệp định Paris chưa khô mực thì đã bị phản bội. Bài học rút ra
cho việc kí kết các hiệp ước là bao lâu mình còn mạnh thì hiệp ước còn
có giá trị.
- Như vậy
có thể nói là những người thuộc phía miền Nam Việt Nam là những người
ngây thơ và khờ khạo. Họ bị lường gạt và phản bội. Cả những người thuộc
Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam cũng bị lường gạt và phản bội vì
ngây thơ và khờ khạo. Nhưng còn về phía những người chiến thắng tức là
đảng Cộng sản Việt Nam thì có bị lường gạt và phản bội không?
-
Nếu xét từng cá nhân đảng viên thì nhiều đảng viên cũng đã bị đảng cộng
sản Việt Nam lường gạt và phản bội mà một số đã dám thẳng thắn nói ra.
Nhưng nếu xét về tập thể đảng thì đảng cộng sản Việt Nam phải nói là
bậc thầy của lường gạt và phản bội. Và như vậy thì làm sao họ lại bị
lường gạt và phản bội được! Với chủ trương cứu cánh biện minh cho
phuơng tiện, họ luôn chủ động trong việc lường gạt và phản bội.
- Chú là người sinh ra và lớn lên trong chế độ miền Bắc mà lại dám có kết luận như vậy sao?
-
Vì em sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản nên em hiểu những người
cộng sản và chế độ này. Phải nói là lúc đầu em cũng chưa hiểu rõ và rất
tin tưởng vào đảng và chế độ. Vào 30 tháng 4 năm 1975, em 19 tuổi và
theo đoàn quân giải phóng tiếp thu Sài gòn. Khi đó em mới té ngửa ra là
dân Sài gòn không có nghèo đói và khốn khổ như đảng nói. Em bắt đần
nghi ngờ sự thành thật của đảng. Nhưng vì nằm trong đoàn quân chiến
thắng nên sự nghi ngờ ấy cũng chỉ thoáng qua với biện minh là trong
cuộc chiến thì đảng phải nói và làm như vậy. Tuy nhiên sau đó một thời
gian, khi đất nước đã thực sự hoà bình, thì em dần dần mất tin tưởng
vào sự thành thật và thiện chí của đảng.
- Tại sao chú lại dần dần mất tin tưởng vào sự thành thật và thiện chí của đảng?
-
Em mất tin tưởng vào sự thành thật và thiện chí của đảng vì càng ngày
em càng nhìn thấy những sự việc cụ thể chứng tỏ lường gạt và phản bội
là bản chất của đảng. Em không dựa vào những sự việc đã xảy ra trong
chiến tranh như việc lường gạt và phản bội chính phủ liên hiệp 1945
hoặc việc lường gạt và phản bội bà Nguyễn Thị Năm. Bởi vì người ta có
thể dựa vào lý do chiến tranh để phản bác. Ở đây em chỉ dựa vào những
sự việc cụ thể xảy ra sau khi chiến tranh kết thúc và nhiều người đều
nhìn thấy.
- Vậy những sự việc cụ thể ấy như thế nào?
-
Đầu tiên là những sự việc liên quan đến tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí
Minh từng nói, hoài bão lớn nhất của ông là "dân tộc Việt Nam được độc
lập, nhân dân được tự do, mọi người đều có cơm ăn, áo mặc, đều được học
hành". Hoài bão này cũng là hoài bão chung của nhân dân Việt Nam và đã
là động lực thúc đẩy nhiều người gia nhập hoặc ủng hộ đảng cộng sản
Việt Nam trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa
xã hội do ông chủ trương. "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu
ta hãy cùng nhau giữ lấy nước".
Nhưng
thử hỏi ải Nam Quan và thác Bản Giốc bây giờ ở đâu? Những sách sử trước
đây đều ghi Việt Nam bắt đầu từ ải Nam quan đến mũi Cà Mau là sai sao?
Trường Sa và Hoàng Sa thì thế nào? Và tại sao các thanh niên sinh viên
học sinh biểu tình để bảo vệ đất nước lại bị ngăn cấm? Còn nhân dân
được tự do, mọi người đều có cơm ăn áo mặc và được học hành thì đang bị
thực tế phủ nhận. Có nhiều người vì sử dụng quyền tự do mà bị tù đầy
hoặc bị hãm hại. Rõ ràng là đảng chỉ có một mục đích duy nhất là nắm
quyền cai trị đất nước để được trở thành vua chúa kiểu mới. Đảng bất
chấp mọi thủ đoạn để có thể nắm quyền cai trị vĩnh viễn dù cho có phải
lường gạt và phản bội nhân dân và những người trước đây đã theo đảng vì
mục đích "dân tộc Việt Nam được độc lập, nhân dân được tự do, mọi người
đều có cơm ăn, áo mặc, đều được học hành".
- Còn những sự việc nào nữa cho thấy đảng cộng sản Việt Nam lường gạt và phản bội?
-
Đó là những sự việc liên quan đến chủ nghĩa Mác Lênin mà đảng theo đuổi
được ghi trong những báo cáo chính trị đại hội đảng và nghị quyết. Đảng
hứa xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa với tất cả mọi tính tốt như
cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Nhưng thực tế thì đảng đã xây dựng
ra những con người mới - đặc biệt là đảng viên – dám làm bất kì điều gì
dù xấu xa nhưng không dám lãnh trách nhiệm. Đảng đã tạo ra một cái bóng
ma có tên là đảng. Mọi đảng viên cứ tha hồ làm bất kể đúng sai vì không
ai phải chịu trách nhiệm. Mọi việc đã có đảng chịu trách nhiệm.
Đó
là một hành động lường gạt và phản bội nhân dân có tính toán của đảng.
Đảng còn hứa sẽ xây dựng một xã hội mới công bằng, không còn cảnh người
bóc lột người. Nhưng thực tế rất khác với những lời đảng hứa. Toàn là
lường gạt và phản bội. Chúng ta thấy nhan nhản những cảnh người bóc lột
người. Đau ốm là một tại hoạ với nhiều người vì không còn nhà thương
chữa miễn phí đúng nghĩa. Học hành cũng là một khó khăn với nhiều người
nghèo khổ. Vì muốn đi học thì phải đóng đủ thứ tiền mà tiền gạo hàng
ngày cũng không có.
-
Chú nói như vậy có quá khắt khe với đảng không? Tôi thấy đảng vẫn chủ
trương chống người bóc lột người mà! Bằng chứng là thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng đã hứa với toàn thể dân chúng là sẽ triệt để chống tham nhũng!
-
Đồng ý với anh tham nhũng là một hình thức người bóc lột người tồi tệ
nhất. Chống tham nhũng là chống người bóc lột người. Nhưng đây lại là
một trò lường gạt và phản bội trắng trợn có tính toán của đảng. Xem vụ
Nguyễn Việt Tiến thì thấy đảng chống tham nhũng thế nào? Những người
tiếp tay với đảng để chống tham nhũng thì bị ngối tù. Đảng kêu gọi diệt
tham nhũng, nhưng thử hỏi ai mới có thể tham nhũng. Chỉ có những người
có quyền trong tay mới có thể tham nhũng được. Và hiện nay thì chỉ có
đảng mới có quyền lực nên mới có thể tham nhũng. Đảng kêu gọi diệt tham
nhũng thì cũng giống như người muốn triệt sinh bằng cách tự "bóp d."
mình như nhà văn Nguyễn Bắc Sơn có viết trong truyện Luật đời và cha
con. Rõ ràng chỉ là trò lường gạt và phản bội của đảng.
-
Thế còn giai cấp công nhân mà đảng là đội tiên phong, đại đại biểu
trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân như được ghi trong Điều 4
(Hiến pháp 1992) có bị đảng lường gạt và phản bội không?
-
Việc lường gạt và phản bội giai cấp công nhân của đảng là khẳng định.
Hãy xem quyết định vô nhân đạo QĐ 176/HĐBT ngày 09/10/1989. Quyết định
này đã đuổi ra khỏi doanh nghiệp Nhà nước hàng chục ngàn lao động, sau
vài chục năm cuồng nhiệt tham gia vào 2 cuộc kháng chiến, chịu đựng
gian khổ trong thời bao cấp. Và hãy xem tình trạng các công nhân trong
các doanh nghiệp hiện nay. Họ phải làm việc trong điều kiện khó khăn,
giờ công ngày công cao nhưng lương lại thấp không đủ sống. Hàng trăm
cuộc đình công đã diễn ra khắp đất nước nhưng công đoàn do đảng lãnh
đạo lại đứng về phía chủ không can thiệp. Rõ ràng giai cấp công nhân đã
chỉ là cái bung xung để đảng lợi dụng, lường gạt và phản bội.
- Chẳng lẽ nhân dân ta cứ chấp nhận mãi tình trạng bị lường gạt và phản bội này sao?
- Nhất định là phải thay đổi, phải có dân chủ đa nguyên để không còn tình trạng này nữa.
- Nhưng làm thế nào để thay đổi, để có được dân chủ đa nguyên đa đảng?
-
Trước hết những người bị lường gạt và phản bội, những người muốn tranh
đấu cho dân chủ đa nguyên đa đảng cần nhận thức được sự quan trọng và
cần thiết của tổ chức. Muốn thay đổi, muốn có dân chủ đa nguyên đa đảng
thì phải có tổ chức mạnh. Không thể tranh đấu riêng lẻ kiểu nhân sĩ mà
thành công được. Tổ chức là chìa khoá để đưa đến thay đổi, đến dân chủ
đa nguyên đa đảng. Sau đó những người bị lường gạt và phản bội, những
người mong muốn có dân chủ đa nguyên đa đảng hãy cùng nhau kết hợp lại
thành tổ chức có tầm vóc để có thể đương đầu với đảng cộng sản.
-
Đến nay đã có nhiều tổ chức được thành lập. Như vậy chứng tỏ là có một
số người đã ý thức được sự quan trọng và cần thiết của tổ chức. Nhưng
tại sao các tổ chức ấy không phát triển được?
-
Các tổ chức hiện nay không phát triển được có thể là do phạm phải một
hoặc cả hai lý do sau. Một là không có món hàng phù hợp với tình hình
chung để rao bán. Hai là không biết cách tiếp thị.
- Sao chú lại cho là các tổ chức hiện nay không phát triển được vì hai lý do trên?
-
Trong thương trường thì ai cũng thấy hai lý do này là nguyên nhân của
sự thành bại của một hãng xưởng hoặc công ti. Nhưng trong chính trị thì
ít người để ý là lịch sử cũng đã cho thấy hai lý do này là nguyên nhân
của sự thành bại của các tổ chức chính trị.
- Chú có thể cho một thí dụ cụ thể về ảnh hưởng của hai lý do này trong chính trị?
-
Một thí dụ cụ thể và nóng bỏng mới xảy ra chứng tỏ tầm quan trọng của
hai lý do này là việc tranh cử ứng cử viên tổng thống của đảng dân chủ
ở Mĩ giữa Barack Obama và Hillary Clinton. Obama là một ứng cử viên
thua sút Clinton đủ mọi mặt. Nhiều người Việt Nam hải ngoại ở Mĩ không
thích Obama vì ông thuộc đảng Dân chủ. Tóc lại quăn như tóc "mọi". Da
thì đen như than cháy. Nhưng ông lại thắng Clinton và có nhiều triển
vọng sẽ thắng cử tổng thống Mĩ. Obama thắng bởi vì đã có đuợc một món
hàng phù hợp để rao bán và một bộ máy tiếp thị hữu hiệu.
- Món hàng rao bán của Obama là gì mà lại phù hợp với dân Mĩ?
-
Đó là thông điệp "thay đổi". Phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu của
tình hình mới và với các thế hệ tương lai. Sự thay đổi này được xây
dựng trên các nền tảng: hoà giải, đối thoại và yêu thương. Hoà giải
giữa các chủng tộc để không còn phân biệt người Mĩ da trắng hay da màu,
để tất cả được thực sự là người Mĩ và đều có thể đạt được giấc mơ Mĩ.
Hoà giải giữa các người giàu và người nghèo để tình trạng bảo vệ sức
khoẻ không còn là sự hãi hùng với nhiều người nghèo. Hoà giải giữa các
quốc gia. Mọi vấn đề đều cố gắng lấy đối thoại để giải quyết.
- Thế còn cách tiếp thị của Obama thế nào?
-
Roosevelt đã biết sử dụng các cuộc tranh luận truyền thanh để thắng cử.
Kennedy thì sử dụng các cuộc tranh luận truyền hình để thành công.
Obama thì sử dụng sức mạnh của internet. Ông đã có 8000 nhóm thân hữu
trên mạng, 750 ngàn người tình nguyện tích cực hoạt động và một triệu
hai trăm bảy mươi sáu ngàn người ủng hộ tài chánh. Nếu vào youtube
chúng ta sẽ thấy các chương trình Obama-baby, Obama-girl ... vận động
cho ông.
- Vậy các tổ
chức chính trị Việt Nam có thể rút ra được bài học nào từ cuộc tranh cử
của Obama để áp dụng cho việc phát triển tổ chức không?
-
Cái đó cũng còn tùy ở các tổ chức. Nhưng có một điều cũng cần ghi nhận
là các người dân đi bỏ phiếu thường theo tình cảm hơn là cái đầu. Cho
nên các thông điệp gửi đến dân chúng và các cách tiếp thị cũng phải chú
trọng đến mặt tình cảm của dân chúng.
-
Và trong các thông điệp và cách tiếp thị, có một điều quan trọng cũng
cần phải thể hiện từ bài học về cuộc chiến 1945-1975 là đừng để quần
chúng bị lường gạt và phản bội nữa.
- Mong là như vậy để con cháu chúng ta có thể ngửng đầu nhìn thế giới.
Phan Bá Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét