Bauxite Việt Nam

Vietland

Đài Á Châu Tự Do

21 tháng 11 2009

Nhìn Ra Biển Đông


Đã có nhiều dấu hiệu cần phải lo xa về tình hình Biển Đông. Không chỉ riêng người Việt lo xa, mà đã thấy rất nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại rồi.
Bên cạnh những cuộc tập trận công khai, động binh nhiều ngàn chiến binh và có đủ hải lục không quân, còn có những cuộc tập trận lặng lẽ trong bóng tối - thí dụ như khi tờ báo Anh Quốc, The Times, dẫn một bản phúc trình Pentagon, tức là Ngũ Giác Đài hay Lầu Năm Góc, loan tin và được AFP trích dẫn để loan lại ngày 08/09/2007 rằng các tin tặc Trung Quốc đã soạn ra kế hoạch để đánh tê liệt toàn bộ hệ thống hàng không mẫu hạm Mỹ xuyên qua một trận tổng tấn công qua mạng tin học.
Báo The Times viết rằng Pentagon đã liệt kê được hơn 79.000 lần âm mưu đột nhập mạng tin học Bộ Quốc Phòng Mỹ trong năm 2005, trong đó 1.300 vụ thành công. Tờ báo Anh Quốc này dẫn bản phúc trình viết cho Đại Học Chiến Tranh Hoa Kỳ của Larry M. Wortzel, rằng: “Điều làm chúng ta cần suy nghĩ là trong nhiều cuốn cẩm nang quân sự Trung Quốc, họ xem Hoa Kỳ như là nước nhiều phần họ sẽ là đối thủ trong trận chiến tranh mới…”
Tất nhiên là Trung Quốc tức khắc bác bỏ là không liên hệ gì chuyện tin tặc cả. Điều suy nghĩ là: Tại sao một bản tin hay như thế mà lại để cho báo Anh loan ra trước nhất? Tại sao người cho tin, nghĩa là người phóng ra bản phúc trình Pentagon, không đưa cho báo Mỹ nào trước? Đơn giản vì đây là bí mật quân sự, và là bí mật quốc phòng. Và nếu đưa cho báo Mỹ, thì báo Mỹ đó có thể bị một ông công tố kiếm chuyện để truy hỏi xem người nào bên trong Pentagon đã phóng bản phúc trình mật về tin tặc này ra.
Qua đây, chúng ta có vẻ như nhận diện ra một cuộc chiến mới: nhiều phần xung trận đầu tiên sẽ là các đặc công tin tặc. Không còn chuyện tiền pháo hậu xung (bắn pháo trước, rồi thúc quân xung phong sau) như thời xưa nữa. Chiến tranh tin học như thế được dùng làm mũi tấn công trước, và hình như đối tượng sẽ là tìm cách đánh cho tê liệt toàn bộ các hàng không mẫu hạm, theo bản tin.
Tại sao lại đánh các mẫu hạm trước? Sao không bắn hỏa tiễn hay phi đạn mang đầu đạn nguyên tử? Sao không cho các tàu ngầm lao vào hải cảng đối thủ? Sao lại muốn nhắm đánh mẫu hạm của Mỹ trước?
Đây là chỗ dân Việt Nam mình cần quan ngại: có nghĩa là, nhà nước Trung Quốc tin rằng chiến trường sắp tới nhiều phần sẽ là Biển Đông, và rằng sau đợt tin tặc tấn công là cần đánh ngay các quân cờ “xe pháo mã” ở Biển Đông, nghĩa là các hàng không mẫu hạm. Nghĩa là, Bắc Kinh không cần nghĩ tới chuyện phóng phi đạn mang đầu đạn nguyên tử vào Washington, D.C. hay Los Angeles kiểu như Bắc Hàn thường hăm dọa Mỹ. Thêm nữa, có thể vì Bắc Kinh không nghĩ là xuyên qua nổi lá chắn phi đạn của Mỹ. Mà cũng có thể là Trung Quốc chỉ thuần túy quan tâm về Biển Đông, nơi cần tóm thu Đài Loan, Trường Sa, Hoàng Sa, và có thể một phần hay trọn gói Việt Nam.
Không chỉ thế, mà xa hơn thì Nhật Bản cũng lo ngại. Báo Japan Today hôm Thứ Sáu 21/09/2007 loan tin rằng, “Hơn 80% dân Nhật Bản trả lời một bản thăm dò của chính phủ (Nhật) lo ngại về viễn ảnh một trận tấn công quân sự vào Nhật Bản, phản ảnh quan ngại của họ về chương trình nguyên tử của Bắc Hàn và việc tăng cường quân sự của Trung Quốc, theo kết quả thăm dò phổ biến hôm Thứ Năm.”
Bản thăm dò giả vờ nhắc tới Bắc Hàn, nhưng thực ra chính phủ Tokyo chỉ muốn nhắn nhủ rằng chỉ lo là riêng với Hoa Lục thôi. Bạn cứ mở bản đồ ra là thấy. Bất cứ nhúc nhích nào của Bắc Hàn, kể cả việc di chuyển 150.000 tù nhân chính trị trong mạng lưới các trại tù tập trung cải tạo của Bắc Hàn đều được không ảnh vệ tinh Mỹ chụp lại. Vậy thì, chỉ cần Bắc Hàn di chuyển một đoàn xe quân đội hay đột ngột tăng lượng thông tin qua các mạng truyền tin là Mỹ biết ngay, và Mỹ đã luôn luôn báo trước vài ngày các cuộc bắn thử nghiệm hỏa tiễn của Bắc Hàn.
Thêm nữa, Nhật không cần sợ Bắc Hàn, vì 37.000 lính Mỹ đang đóng ở Nam Hàn và các nơi trong Thái Bình Dương phải theo dõi Bắc Hàn còn sát hơn nữa chứ. Nghĩa là, lo là lo từ anh Trung Quốc thôi.
Không chỉ là chuyện thăm dò đâu. Mà chính Thủ Tướng Nhật cũng nói lớn tiếng ra rồi.
Tạp chí Time trong số phát hành ngày 13/09/2007, bài viết nhan đề “Asia's Call to Arms” (Á Châu Kêu Gọi Vũ Trang) của tác giả Joshua Kurlantzick có đoạn ghi nhận, trích dịch:
“Hồi cuối tháng 8, sau khi viếng thăm các cơ sở quân sự Trung Quốc, Đô Đốc Mỹ Michael Mullen bày tỏ lạc quan về quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, "Điều tôi thấy là hành động, không chỉ lời nói thôi," theo Mullen khi ca ngợi sự cởi mở của Trung Quốc. "Tôi xem thấy đó rất là tích cực." Nhưng nồng ấm công khai như thế chỉ dường như ngắn ngủi như thời gian đưa cô đào xi-nê Lindsay Lohan vào nơi cai nghiện. Vì chỉ vài ngày sau, Ấn Độ, Úc Châu, Nhật Bản và Mỹ tổ chức một cuộc tập trận hải quân, lần xuất hiện đầu tiên của Hạm Đội Số 7 trong vùng Vịnh Bengal kể từ năm 1971, trong khi Shinzo Abe, lúc đó trong cương vị Thủ Tướng Nhật, kêu gọi làm một "vòng đai tự do" xuyên khắp Á Châu, nối các quốc gia theo chế độ dân chủ trong vùng lại…”
(Hết dịch)
Nghĩa là, đích thân Thủ Tướng Nhật kêu gọi làm vòng đai Châu Á để kềm chân Trung Quốc. Nói thẳng, nói thực, không giấu gì. Cũng không cần giả bộ làm lộ tin qua báo Anh Quốc. Trong khi đó, các lãnh tụ Hà Nội không nói vòng qua đường báo chí Anh Quốc, cũng không nói thẳng như ông Abe, thì lại ra mặt chung vui Tết Trung Thu với đàn anh trong khi lặng lẽ giúp chuộc mạng các ngư dân bị hải quân Trung Quốc bắt cóc.
Nhưng điều trên cho thấy rằng, Nhật, Mỹ, Úc và Ấn có vẻ tin rằng sóng gió sắp tới là sẽ xảy ra trên mặt biển. Thế nên mới cần tập trận hải quân, đặc biệt là cần hàng không mẫu hạm.
Bản tin RIA Novosti loan từ Hồng Kông ngày 31/07/2007 rằng Hải Quân Trung Quốc đang xây dựng 2 hàng không mẫu hạm với giúp đỡ từ Nga và có thể là sẽ hoàn tất vào năm 2015.
Câu chuyện dễ hiểu lắm, bạn nên suy nghĩ như trường hợp thường xuyên nhìn thấy ở các nước công an trị: giả sử bạn mở một tiệm cà phê, hay một tiệm phở ở Hà Nội, hay Sài Gòn. Và từ sáng sớm cho tới tối mịt, lúc nào cũng có mấy lính công an mặc sắc phục ngồi dềnh dàng ngay cửa chính. Chỉ trong vài ngày là bạn thê thảm liền, vì không bao nhiêu khách dám vào tiệm ngồi.
Chuyện đó ở tầm vĩ mô sẽ xảy ra cho Việt Nam vài năm tới, cụ thể là kể từ năm 2015. Lúc đó, Hải Quân Trung Quốc với 2 chiếc hàng không mẫu hạm, trên đó mỗi mẫu hạm là có vài trăm phi cơ tác chiến Mig-21, tới đậu ngoài biển Nha Trang và Vũng Tàu, lấy cớ để bảo vệ đàn em, hay lịch sự hơn thì lấy cớ bảo vệ Trường sa và Hoàng Sa.
Thế là không chỉ ngư dân Việt Nam thê thảm, mà du khách quốc tế cũng rủ nhau bỏ chạy liền.
Đương nhiên là Mỹ cũng nhìn thấy tình hình Biển Đông đang dậy sóng. Thế cho nên, bản tin từ Jim Wolf, ký giả Reuters, loan hôm 19/09/2007, viết là Bộ Trưởng Không Quân Mỹ Michael Wynne nói hôm Thứ Tư 19/09/2007 rằng Mỹ nên giữ nguyên kế hoạch 299 tỉ đô để mua hơn 2.400 chiếc phi cơ chiến đấu F-35 từ công ty Lockheed Martin Corp, khi “ông bác bỏ lời của một nhóm nghiên cứu có thế lực kêu gọi cắt giảm tới phân nửa số lượng mua đã tính – chương trình mua vũ khí tốn kém nhất của Pentagon.”
Chưa hết, ông Bộ Trưởng nói thẳng, “Quý vị nghĩ rằng lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn bao nhiêu? Chỉ 21 chiếc B-2 thôi sao. Xin hãy nghĩ về chuyện đó đi.”
Cũng nên nhắc rằng, trong kho vũ khí của Mỹ có 21 chiếc chiến đấu cơ tối tân B-2 của hãng Northrop Grumman Corp.
Bản tin Reuters cũng viết, “Các điểm có thể bùng nổ chiến tranh có cả Đài Loan, ưu thế quân sự tại Á Châu và cạnh tranh trên toàn cầu vì nguồn dầu và các tài nguyên khan hiếm khác.”
Bạn đừng đọc tới chuyện phi cơ tác chiến mà nghĩ là chuyện trên trời, không liên hệ gì tới mình. Xin nhớ rằng mỗi hàng không mẫu hạm đều có thể mang nhiều chiến đấu cơ. Và đó cũng là lý do vì sao, tin tặc Trung Quốc suy tính chuyện đầu tiên là phải đánh cho tê liệt các chiếc hàng không mẫu hạm của Mỹ.
Trời ạ, vào một buổi sáng nào đó, khi bạn thức dậy bên bờ biển Hội An, ra bàn cà phê ngồi, và nhìn xa xa lại thấy một chiếc hàng không mẫu hạm Trung Quốc đậu chình ình. Hãy suy nghĩ cho lạc quan, có thể là họ tới chỉ vì thiện chí muốn bảo vệ các nét văn hóa Trung Quốc một thời xưa cổ tại thành phố xinh đẹp này.
Hay có phải là họ tới gìn giữ bờ biển China Beach ở Quảng Đà, nơi Chủ Tịch Giang Trạch Dân của họ một thời xuống biển này tắm. Ai mà biết được. Phải chăng, họ vẫn có quyền cắm bảng nơi Giang Chủ Tịch từng xuống tắm, và tuyên bố đó là di tích lịch sử của đồng chí lãnh đạo Trung Quốc?
Xin nhớ, hàng không mẫu hạm và hàng trăm chiến đấu cơ trên đó đều không biết nói tiếng Việt để trả lời cho bạn.
Trần Khải




Không có nhận xét nào: