Có lẽ dân tộc Việt là dân tộc chia rẽ nhất trên thế giới.
Ngay
từ trong huyền sử khai sinh ra tộc Việt đã mang mầm mống của sự phân
li, Lạc Long Quân và Âu Cơ -50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con
theo cha xuống biển.
Vẫn
biết rằng mỗi khi có họa ngoại xâm thì dân tộc lại đoàn kết để chống kẻ
thù chung nhưng khi kết thúc rồi thì người Việt lại quay ra đấu đá lẫn
nhau.
Đến
ngày hôm nay, gần một thập kỉ của thiên niên kỉ mới đã trôi qua, đất
nước vẫn còn một nỗi đau giằng xé của sự chia rẽ, hằn thù.
Biết
đến khi nào dân tộc này mới có thể thoát ra khỏi lời nguyền của quá
khứ, đoàn kết hướng tới một tương lai mà ở đó người Việt Nam sẽ không
phải nhục nhã cúi đầu vì sự nghèo đói, vì độc tài, vì chia rẽ.
Đến khi nào người Việt mới có thể ngẩng cao đầu và dõng dạc nói với các dân tộc khác rằng “Tôi là người Việt Nam!”
Những
câu hỏi ấy đã đeo đẳng tôi ngay từ khi bước chân ra khỏi Việt Nam đến
một đất nước có tiếng văn minh, với nhiều người cũng là bước chân ra
khỏi sự tăm tối và u mê của một thể chế toàn trị đang ngày ngày đè nặng
lên hơn 85 triệu con dân Việt Nam.
Những
ngày qua, tin tức Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa trên hai quần
đảo Trường Sa, Hoàng Sa, lãnh thổ thiêng liêng cha ông để lại, tiếp
theo là cuộc xuống đường lịch sử của thanh niên, sinh viên Việt Nam đã
làm trái tim tôi lóe lên một ước vọng về tình đoàn kết dân tộc.
Chính lòng yêu nước sẽ là chất keo gắn kết những người Việt Nam lại với nhau, nhất là trong hoàn cảnh kẻ thù truyền kiếp đang lăm le thôn tính quê hương.
Hãy khoan nói về dân chủ, hãy khoan nói về sự hèn nhát của tập đoàn thống trị Đảng Cộng sản Việt Nam . Hãy suy nghĩ trước tiên về đất nước, về dân tộc.
Trong những ngày này, người Việt Nam
dù ở bất cứ nơi đâu cũng hướng về Tổ Quốc với niềm khắc khoải khôn
nguôi. Tại Hà nội, nguyên quán của tôi, và tại Sài Gòn, các bạn trẻ đã
xuống đường lần đầu tiên dưới chế độ Cộng sản.
Và cũng trong những ngày này, tôi đã xuống đường biểu tình cùng 300 người bạn trẻ khác giữa mùa đông Paris lạnh giá để cất tiếng nói bảo vệ quê hương.
Lần
đầu tiên trong cuộc đời, tôi đã đi biểu tình, tôi đã làm một việc mà
lương tâm tôi thôi thúc, làm một việc mà tôi thật sự cảm thấy tự hào.
Tôi
biết việc tổ chức vẫn còn nhiều thiếu sót mà điều quan trọng nhất là
chưa quy tụ được sức mạnh của tất cả người Việt tại Pháp. Vẫn còn đó mâu thuẫn cờ đỏ, cờ vàng.
Nhưng
tôi cũng biết trong đoàn biểu tình ngày hôm đó đã có sự hiện diện của
thành viên Tập hợp Thanh niên Dân chủ, thành viên của diễn đàn dân chủ
cấp tiến X cafe bên cạnh những bạn trẻ yêu Đảng yêu Bác. Nhưng vượt lên trên mọi khuynh hướng chính trị là rất nhiều những sinh viên bình thường và họ đến chỉ vì lòng yêu Tổ quốc.
Đối với tôi, đó đã là một bước tiến lớn để đi tới đoàn kết.
Tôi
cũng vui mừng khi một thành phần mà chúng tôi gọi vui là các "Hồng Vệ
binh" cũng có mặt đông đảo. Có lẽ chính họ cũng chưa hiểu hết biểu tình
chính là một khái niệm cơ bản nhất của nền dân chủ, là một cách thể
hiện quyền tự do ngôn luận vốn chưa bao giờ được tồn tại dưới chế độ
cộng sản. Nhưng điều quan trọng là họ đã tham gia.
Phải chăng trong sâu thẳm mỗi con người đều ẩn chứa khát vọng dân chủ?
Tuy
nhiên, dạo qua một số trang web của người Việt hải ngoại, tôi cảm thấy
buồn và tiếc khi cộng đồng hải ngoại chưa đánh giá đúng mức vấn đề.
Trên
báo điện tử DCVOnline, hầu hết các ý kiến độc giả cho rằng cuộc biểu
tình tại Paris do Đại sứ quán Việt Nam giật dây tổ chức và đánh giá
thấp cuộc biểu tình ở Paris so với cuộc biểu tình tại London. Trong
bài viết “Không chấp nhận lá cờ Đỏ Sao Vàng tại hải ngoại?”, tác giả
Hoàng Cơ Định (Việt Tân hay Việt Gian????) coi sự xuất hiện của lá cờ
đỏ như sự khiêu khích của Cộng sản Việt Nam?????
Cá
nhân tôi trân trọng những giá trị của Việt Nam Cộng hòa, tôi ngưỡng mộ
khí tiết của những danh tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ…, tôi khâm
phục tài năng và đức độ của anh em Ngô Tổng thống, những người đã kiến
tạo nên nền Đệ nhất Cộng hòa một thời.
Nhưng
cuộc chiến tranh Việt Nam đối với một người sinh ra sau chiến tranh như
tôi, vẫn là một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn đã kết thúc hơn 32
năm.
Hơn
32 năm qua, những người đã sống qua 2 nền cộng hòa tại miền Nam Việt
Nam đã phải bỏ đất nước ra đi mang theo bao tủi nhục và căm hận. Lá
cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là tất cả những giá trị tinh thần mà họ mang theo. Họ
cũng dạy con cái mình sự thiêng liêng của lá cờ ấy. Tôi hiểu và trân
trọng điều đó.
Cộng
đồng người Việt hải ngoại cũng nên hiểu rằng thế hệ trẻ Việt Nam sau
chiến tranh cũng lớn lên cùng lá cờ Đỏ Sao Vàng hơn 32 năm qua. Dù
thế nào lá cờ ấy vẫn đại diện cho đất nước Việt Nam, cho con người Việt
Nam chứ không chỉ là Đảng cộng sản Việt Nam. Đó là lý do tôi phải đứng
dưới lá cờ này chứ không phải lá cờ Vàng. Cũng như những người con của Long Quân hay Âu Cơ, họ đâu có sự lựa chọn nào khi phải theo cha hay theo mẹ.
Trở
lại với vấn đề trên, tôi tự hỏi có Đại sứ quán nào có thể khiến những
người trẻ tự nguyện phát hàng nghìn tờ truyền đơn yêu nước giữa trời
đông -7 độ C trong vài ngày. Đại sứ quán nào có
thể khiến những người trẻ tự nguyện làm việc không ngừng nghỉ để tổ
chức cuộc biểu tình được thành công tại Pháp trong khi tại Anh, chủ
tịch Hội sinh viên tuyên bố “biểu tình làm xấu hình ảnh Việt Nam trong
mắt bạn bè quốc tế”.
Xin thưa tất cả chỉ là tình “ái quốc”
Một
vài tấm ảnh “Bác Hồ” mà các Hồng Vệ binh mang theo đương nhiên không
đại diện cho ý chí của tất cả thành viên tham gia biểu tình.
Mầm mống của dân chủ đã được gieo tại Việt Nam ,
nó sẽ lớn mạnh cùng thời gian. Cùng lúc, tôi ý thức được rằng mọi hành
động tại hải ngoại chỉ có tác dụng tiếp sức cho các hành động đấu tranh
trong nước.
Mọi sự thay đổi chỉ có thể do người Việt trong nước tạo nên.
Đoàn
kết du sinh và người Việt hải ngoại là điều khó, nhưng tôi hy vọng hai
bên có thể xích lại gần nhau, chìa bàn tay thiện chí ra để cùng nhau
đối thoại, bắt đầu từ những người trẻ tuổi không trải qua quá khứ hằn
thù.
Tôi
mơ ước một ngày trên quê hương hàng triệu người Việt Nam sẽ xuống đường
biểu tình tự do bày tỏ chính kiến của mình để rồi từ nền tảng ấy dân
tộc Việt có thể xây dựng nên một nước Việt Nam đoàn kết, thống nhất, tự
do và dân chủ.
Tôi cũng mơ ước một ngày mẹ Âu Cơ tái hợp với cha Lạc Long Quân.
Vì thế tôi chọn lý tưởng dân tộc, chọn lý tưởng của lòng yêu nước làm hướng đi cho mình.
Vì sau lá cờ Vàng và cờ Đỏ, chúng ta là Dân Tộc Việt Nam.
Tổ Quốc Việt Nam Của Tất Cả Mọi Người Việt Nam
Hãy Sẵn Sàng Xuống Đường Đòi Lại Quê Hương
Hãy Chờ Ngày Dân Việt Lên Tiếng Mọi Nơi
Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi Từ Khi Mới Ra Đời
Tôi Yêu Quê Hương Tôi Từ Khi Mới Thành Người.
Nguyễn Đoàn Kết
2008/01/22.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét